Vnkienthuc.com mời các em tiếp tục thử sức mình với Đề thi thử môn ngữ văn 9 số 2 năm 2022 - có đáp án. Hi vọng với những đề thi và hướng dẫn làm bài mà chúng tôi cung cấp các em sẽ đạt được những điểm số cao trong kỳ thi cam go phía trước nhé!

PHẦN I. ĐỌC - HIỂU

Đọc kỹ đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
Nắng trong mắt những ngày thơ bé
Cũng xanh mơn như thể lá trầu
Bà bổ cau thành tám chiếc thuyền cau
Chở sớm chiều tóm tém
Hoàng hôn đọng trên môi bà quạnh thẫm
Nắng xiên khoai qua liếp vách không cài
Bóng bà đổ xuống đất đai
Rủ châu chấu, cào cào về cháu bắt
Rủ rau má, rau sam
Vào bát canh ngọt mát
Tôi chan lên suốt dọc tuổi thơ mình.

(Thời nắng xanh, Trương Nam Hương, NXB Văn học, Năm 2015, tr 21)

Câu 1: Xác định thể thơ của đoạn trích trên.
Câu 2: Chỉ ra 01 biện pháp tu từ đặc sắc được tác giả sử dụng trong đoạn trích.
Câu 3: Nêu nội dung của đoạn thơ.

Đề thi thử môn Ngữ Văn 9 số 2- vnkienthuc.com.jpeg

( Ảnh sưu tầm internet)

PHẦN II. LÀM VĂN

Câu 1: Suy nghĩ của em về câu nói: Cháy lên để tỏa sáng.
Câu 2: Nhận xét về nghệ thuật tả cảnh trong Truyện Kiều, giáo sư Lê Trí Viễn viết:
Riêng về tả cảnh thì Nguyễn Du cũng theo truyền thống có sẵn trong văn học Trung Quốc cũng như trong văn học Việt Nam. Cảnh xen vào tâm trạng con người là để làm nổi bật tâm trạng ấy. Nhiều khi lại không trực tiếp tả tâm trạng nhân vật mà xuyên qua cảnh vật gợi lên tâm trạng ấy. Chỗ đó là chỗ sở trường nhất của tác giả Truyện Kiều.
Bằng những đoạn trích đã học trong Truyện Kiều của Nguyễn Du (Ngữ văn 9 - tập 1), em hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.
---------------Hết----------------

Mời các em xem phần gợi ý trả lời và các bài văn mẫu dưới phần bình luận nhé! Mỗi ngày hãy ghé thăm vnkienthuc.com để truy cập cho mình các kiến thức thú vị và bổ ích nhé!

Sen Biển( sưu tầm và biên soạn)
 
Sửa lần cuối:
GỢI Ý ĐÁP ÁN
PHẦN I. ĐỌC – HIỂU




Câu




Nội dung
1Thể thơ: Tự do
2Học sinh có thể chỉ ra một biện pháp tu từ trong các biện pháp sau:
- Liệt kê: châu chấu, cào cào, rau má, rau sam
- So sánh: Nắng trong mắt những ngày thơ bé/ Cũng xanh mơn như thể lá trầu.
- Ẩn dụ: chan lên suốt dọc tuổi thơ mình
- Nhân hóa: rủ châu chấu, cào cào; rủ rau má, rau sam.
3Học sinh nêu được nội dung cơ bản: Ngày thơ bé trong trẻo hồn nhiên, biết bao kỷ niệm gắn bó với người bà yêu thương, với tình bà ấm áp. Qua đó thể hiện tình yêu thương, kính trọng bà ...

PHẦN II. LÀM VĂN

Câu Nội dung

1* Trình bày được các ý cơ bản sau:
- Giới thiệu vấn đề.
- Giải thích:
+ Cháy: Là niềm đa mê, nhiệt huyết hết mình...
+ Tỏa sáng: Làm nên thành tựu, nâng tầm vóc, giá trị bản thân được mọi người ngưỡng mộ, tôn vinh.
Đề cao niềm đam mê, nhiệt huyết làm nên thành tựu giúp bản thân mình tỏa sáng với mọi người.
- Bàn luận:
+ Con người cần cháy hết mình với công việc: Có niềm đam mê sẽ làm việc không biết mệt mỏi, hiệu quả công việc sẽ cao; sẽ có khát vọng, ước mơ làm nên những kỳ tích; sẵn sàng dâng hiến, hy sinh ...
+ Thành công từ những đam mê sẽ giúp con người tỏa sáng: Nâng cao tầm vóc, giá trị của bản thân, được mọi người ngưỡng mộ, tôn vinh, là tấm gương để mọi người noi theo ...
+ Không nên đam mê thái quá ... phê phán những người làm việc thiếu nhiệt tình, không có ước mơ, không có động lực ...
- Bài học nhận thức và hành động:
+ Cháy hết mình, đam mê học tập, lao động là yếu tố quan trọng giúp con người thành
công, khẳng định được vị trí của mình trong cuộc sống nên cần nuôi dưỡng đam mê.
+ Con người cần phải học tập trau dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng sống, bồi đắp tâm hồn, thắp sáng đam mê.
2* Giải thích ý kiến:
- Riêng về tả cảnh thì Nguyễn Du cũng theo truyền thống có sẵn trong văn học Trung Quốc cũng như trong văn học Việt Nam: Văn học truyền thống thường tả cảnh thiên nhiên theo lối điểm xuyết, gợi nhiều hơn tả, tả cảnh ngụ tình …
- Cảnh xen vào tâm trạng con người là để làm nổi bật tâm trạng ấy. Nhiều khi lại không trực tiếp tả tâm trạng nhân vật mà xuyên qua cảnh vật gợi lên tâm trạng ấy. Chỗ đó là chỗ sở trường nhất của tác giả:
+ Nghệ thuật tả cảnh ngụ tình là một thủ pháp truyền thống của văn học cổ phương đông. “Truyện Kiều” của Nguyễn Du đã ảnh hưởng sâu đậm phương pháp sáng tác đó đúng như lời nhận xét của giáo sư Lê Trí Viễn. Song Nguyễn Du đã vận dụng một cách tài tình đầy sáng tạo.
+ Trong “Truyện Kiều” khi tả bức tranh thiên nhiên chính là bức tranh tâm trạng, mượn cảnh vậ để gửi gắm tâm trạng Cảnh xen vào tâm trạng con người là để làm nổi bật tâm trạng ấy. Nhiều khi lại không trực tiếp tả tâm trạng nhân
vật mà xuyên qua cảnh vật gợi lên tâm trạng ấy. Nghĩa là cảnh chỉ là phương diện để thực hiện mục đích chính là miêu tả tâm trạng. Đó là sở trường của Nguyễn Du mà các tài bút của văn học trung đại khôn sánh.
* Chứng minh:
- Học sinh biết sử dụng các dẫn chứng:
4 câu thơ đầu và 6 câu cuối trong đoạn trích “Cảnh ngày xuân”.
8 câu cuối trong đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích”.

Mời các em đọc tiếp những bài văn mẫu cho phần làm văn dưới phần bình luận nhé! Chúc các em học tốt!

Sen Biển( sưu tầm và biên soạn)
 
Bài làm mẫu

Câu 1: Suy nghĩ của em về câu nói: Cháy lên để tỏa sáng.


Nhà thơ Xuân Diệu từng viết rằng:

Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt
Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm


Câu thơ ấy đem đến cho ta một bài học nhân sinh vô cùng sâu sắc, nó mở ra cho ta một lối sống tích cực và có ý nghĩa , rằng cuộc đời này là hữu hạn trong quỹ thời gian vô hạn. Vì vậy mỗi chúng ta hãy cháy lên để tỏa sáng.

“Cháy lên để tỏa sáng” câu nói đơn giản chỉ gồm 5 từ bị lược bớt chủ ngữ, nhưng ý nghĩa lại vô cùng xúc tích và có ý nghĩa sâu xa. Như một thông điệp vậy! hiểu theo nghĩa thông thường thì đó là một hiện tượng khi xảy ra sẽ sinh ra “lửa” dùng để sinh hoạt hay sản xuất. Nhưng suy rộng ra trong câu nói này thì “cháy” ở đây là chỉ sự “sống hết mình”, sống có ý nghĩa, sống một cách “rực lửa”, “cháy mình” để cuộc đời này tươi đẹp hơn. Cũng có nghĩa là một khi đã làm việc gì đó thì ta sẽ làm đến cùng, sẽ cố gắng quyết tâm đến cùng để hoàn thành công việc một cách tốt nhất. “cháy lên để tỏa sáng” một khi đã tận tâm hết sức cho một hành động nào đó thì đến cuối cùng kết quả bạn thu về sẽ là sự thành công rực rỡ, bạn sẽ tỏa sáng tài năng thực sự trong giây phút đăng quang. Không chỉ bản thân được tỏa sáng mà còn đem lại niềm vui sướng hạnh phúc cho những người thân bên cạnh bạn. Như vậy chỉ bằng một thông điệp hết sức ngắn gọn mà hàm xúc vô cùng đã đem lại cho mỗi chúng ta đặc biệt là thế hệ thanh niên một bài học thật ý nghĩa, đã sống ở trên đời thì phải sống sao cho ý nghĩa và khi đã hành động thì việc mình làm dù lớn hay nhỏ, vĩ đại hay tầm thường cũng phải cố gắng hết sức, phải cháy lên để tự tin tỏa sáng. Trong cuộc sống dù ở bất cứ lĩnh vực nào, hay làm bất cứ một việc gì thì chúng ta hãy tự tin cháy lên để tỏa sáng. Vì khi ta đã thật sự nỗ lực quyết tâm và cố gắng làm việc gì đó thì ta sẽ đặt cả tâm huyết, tấm lòng để gửi gắm vào cái đích cuối cùng. Ta nỗ lực phấn đấu cháy hết mình vì một công việc, một cuộc thi thì ta sẽ gặt hái về một kết quả mỹ mãn vô cùng. Nhưng ngược lại nếu làm một việc gì đó? dù việc ấy quá mức đơn giản, nhưng người thực hiện mà không có cái tâm, không làm một cách tử tế đặt tâm huyết của mình vào đó thì dù như thế nào đi chăng nữa chẳng thể hoàn thành. Nếu ta dốc lòng vì công việc, đặt mọi hy vọng vào kết quả cuối cùng và can đảm dám mạo hiểm, dám bùng nổ bản thân để có thể hoàn thành nó thì ta sẽ thu về một thắng lợi vẻ vang. Không chỉ có thế mà bản thân ta còn được tỏa sáng, được mọi người biết đến và hâm mộ, mọi người thân trong gia đình cũng được thơm lây, hạnh phúc, được vui vẻ. Ta cháy lên trong mọi hoàn cảnh không chỉ giúp ta tỏa sáng, mà còn rèn luyện cho ta đức tính tự tin nhẫn nại, can đảm cần có trong cuộc sống.
Muốn “cháy lên để tỏa sáng” mỗi chúng ta cần rèn luyện cho mình sự tự tin vào chính khả năng của mình, có tự tin vào bản thân dám làm những việc không ai dám làm thì mới tạo nên thành công đột phá. Người mà luôn tự tin hạ thấp bản thân mình thì sẽ khôn g bao giờ làm nên việc lớn, có như vậy ta mới thấy sự tự tin là cái cần thiết trong cuộc sống sôi động. Ngày nay đến nhường nào cũng nhờ có sự tự tin, nỗ lực không ngừng mà thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký đã cháy lên trong cuộc sống để trở thành tấm gương vượt khó mà mọi người noi theo và học tập và cũng nhờ sự tự tin quyết tâm mãnh liệt ấy nên cầu thủ Nguyễn Tuấn Anh đã nỗ lực vượt qua những chấn thương để cùng đồng đội tỏa sáng trước mắt bao đối thủ quốc tế để chiến thắng, làm nức lòng người hâm mộ Việt Nam. Trong cuộc sống còn rất nhiều tấm gương sáng giá như thế đáng để chúng ta học tập. Mỗi bạn trẻ đừng như “cái ao đời phẳng lặng” trong truyện ngắn “Hai Đứa Trẻ” của Thạch Lam, hay như những hình nhân biết cử động trong thiên truyện ý tưởng “Tỏa Nhị Kiều” của Xuân Diệu.
Bên cạnh một thông điệp hết sức có ý nghĩa còn là một lời phê phán nặng nề những con người có lối sống vô cảm, bình lặng, an phận quá mức, một cuộc sống trôi qua nhàm chán ngày ngày qua ngày khác mà không có lấy một gam màu sắc tươi mới. Đặc biệt hơn là lên giọng phê phán những con người nhút nhát, tự ti, không dám bộc lộ tài năng của mình mà suốt ngày chỉ biết làm một con rùa rụt cổ, lầm lũi trong bóng tối, những con người không giao lưu, tiếp xúc với bên ngoài mới lạ ấy là hạng người “ếch ngồi đáy giếng”.

Sen Biển( sưu tầm và biên soạn)
 
Bài làm mẫu

Câu 2: Nhận xét về nghệ thuật tả cảnh trong Truyện Kiều, giáo sư Lê Trí Viễn viết:
Riêng về tả cảnh thì Nguyễn Du cũng theo truyền thống có sẵn trong văn học Trung Quốc cũng như trong văn học Việt Nam. Cảnh xen vào tâm trạng con người là để làm nổi bật tâm trạng ấy. Nhiều khi lại không trực tiếp tả tâm trạng nhân vật mà xuyên qua cảnh vật gợi lên tâm trạng ấy. Chỗ đó là chỗ sở trường nhất của tác giả Truyện Kiều.

Bài làm


Nền văn học trung đại của nước ta nổi bật với các áng văn chương bất hủ và sự phát triển của văn thơ chữ Nôm, trong đó tiêu biểu nhất phải kể đến Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du - tác phẩm được xem là kiệt tác kinh điển của nền văn học Việt Nam. Nguyễn Du tuy sống và chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của nền giáo dục Nho học và chế độ phong kiến hà khắc, thế nhưng ở tư tưởng của ông lại bước trước thời đại đến cả hàng trăm năm. Nhìn vào Truyện Kiều ta thấy ở đó có một tấm lòng nhân hậu, bao dung và cảm thông sâu sắc đối với sự bất hạnh của người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Đồng thời tác giả cũng ca ngợi, trân trọng những vẻ đẹp của người phụ nữ và lên án sự bất công của chế độ đã chèn ép, khiến họ phải chịu những khốn cảnh, những bi kịch đầy đớn đau. Bên ngoài nội dung mang đậm tính nhân văn, nhân đạo thì Truyện Kiều thành công còn nhờ vào cách sử dụng các thủ pháp nghệ thuật một cách tinh tế của Nguyễn Du, trong đó nổi bật nhất là bút pháp tả cảnh ngụ tình. Thông qua thủ pháp này ta nhận thấy được sự vận động đầy tinh tế của thiên nhiên và diễn biến tâm trạng của con người một cách sâu sắc. Đúng như giáo sư Lê Trí Viễn từng viết:

Riêng về tả cảnh thì Nguyễn Du cũng theo truyền thống có sẵn trong văn học Trung Quốc cũng như trong văn học Việt Nam. Cảnh xen vào tâm trạng con người là để làm nổi bật tâm trạng ấy. Nhiều khi lại không trực tiếp tả tâm trạng nhân vật mà xuyên qua cảnh vật gợi lên tâm trạng ấy. Chỗ đó là chỗ sở trường nhất của tác giả Truyện Kiều." Điều ấy được thể hiện khá rõ nét trong hai đoạn trích Cảnh ngày xuân và Kiều ở lầu Ngưng Bích mà chúng em đã được học trong chương trình ngữ văn 9.

Để nói về thiên nhiên và con người trong thơ của Nguyễn Du có người đã nhận định rằng: “Cảnh vật và tâm trạng trong thơ Nguyễn Du bao giờ cũng vận động chứ không tĩnh tại”. Có thể ban đầu ta vẫn mơ hồ về ý kiến này, thế nhưng cứ nhìn vào cái cách mà Nguyễn Du tả cảnh du xuân của chị em Thúy Kiều, Thúy Vân, tả cảnh Kiều ở lầu Ngưng Bích trông ra, rồi đến cái nỗi niềm tâm trạng u uẩn của Kiều thì ta mới thấy rằng Nguyễn Du quả thực rất tài năng, rất xuất sắc. Vần thơ vốn nằm yên trên trang giấy, thế nhưng cái thần tình, cái suy chuyển, biến đổi thì cứ không ngừng tuôn ra trước mắt người đọc. Và cảnh trong thơ Nguyễn Du không chỉ đơn thuần là cảnh mà trong cảnh lại có ngụ tình sâu sắc, và dường như nó gắn kết mật thiết với tâm trạng của con người như Nguyễn Du đã viết “Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu/Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”.

Trước hết ta sẽ nói về sự vận động của cảnh sắc thiên nhiên thời gian và không gian trong hai đoạn trích. Ở Cảnh ngày xuân thì rõ ràng rằng Nguyễn Du đã bộc lộ được cái biệt tài tả cảnh hiếm gặp của mình, cảnh sắc mùa xuân trong 4 câu thơ đầu được gợi ra thật sinh động và tươi sáng.

“Ngày xuân con én đưa thoi
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi
Cỏ non xanh tận chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”


Ngay trong câu thơ đầu ta đã thấy cảnh tượng loài chim én, dấu hiệu của mùa xuân đang bay lượn trên nền trời xanh thẳm, “đưa thoi” cho ta cái cảm nhận về sự vận động nhanh nhẹn, rộn ràng rất đúng với khí trời lúc đầu xuân. Cảnh “cỏ non xanh tận chân trời” gợi ra một khung cảnh mùa xuân rộng lớn và bao la, không khí thanh mát tràn ngập khắp không gian. Và trong khung cảnh xuân xanh ngút ngàn ấy lại xuất hiện một vài bông lê trắng, giống như cái cách mà Tố Hữu cũng từng viết về một mùa xuân trên Việt Bắc “Mùa xuân mơ nở trắng rừng”, thì ở Nguyễn Du ta thấy cái màu trắng của hoa lê dường như làm sáng của bức tranh mùa xuân, làm cho cái hồn xuân thêm rõ nét bên cạnh chim én hay cỏ xanh. Sự kết hợp màu sắc tuyệt vời giữa cái xanh nõn nà của cỏ với trắng tinh khôi lê của hoa lê quyện lại với nhau, thì chẳng có bức tranh mùa xuân nào trong trẻo, xinh đẹp và tràn đầy sức sống hơn thế nữa. Nếu như 4 câu thơ đầu tiên, cảnh mùa xuân có vẻ tươi sáng, thanh khiết vô ngần, gợi những cảm giác thư thái, vui tươi thì ở 6 câu thơ cuối bài cũng viết về cảnh màu xuân ấy, nhưng lại dường như có sự biến chuyển nhẹ nhàng

“Tà tà bóng ngả về tây
Chị em thơ thẩn dan tay ra về
Bước dần theo ngọn tiểu khê
Lần xem phong cảnh có bề thanh thanh
Nao nao dòng nước uốn quanh
Dịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang”


Tinh ý có thể dễ dàng nhận ra rằng, nếu 4 câu thơ đầu là tả cảnh xuân vào buổi sáng sớm, mang không khí rực rỡ, náo nhiệt của ngày hội đạp thanh vào tiết Thanh minh, thì ở 6 câu thơ cuối bài lại là cảnh xuân khi đã ở buổi xế chiều “tà tà bóng ngả về tây”, khi mặt trời đã dần khuất bóng. Khác với cái không gian khoáng đạt bao la mà cánh én “thoi đưa”, hay “cỏ non xanh tận chân trời” tạo ra thì cảnh xuân lúc chiều tà lại dường như bị bó hẹp lại với những cảnh sắc nhỏ nhoi, tạo cảm giác lạc lõng, cô đơn ví như “ngọn tiểu khê”, “dịp cầu nho nhỏ”, hay sự quẩn quanh của dòng nước, của cái dịp cầu bắc ngang khiến cho cảnh ngày xuân mang một sắc thái khác. Dĩ nhiên mùa xuân trong thơ Nguyễn Du thì vẫn mang cái sắc thái thanh thanh, cái dịu nhẹ nhưng lại có nhiều thay đổi do sự biến chuyển của tâm trạng con người. Từ vui tươi, rộn rã, khoáng đạt chuyển sang cảm xúc sâu lắng, trầm tư, nhuốm màu tâm trạng, cảnh sắc từ đó cũng trở nên miên man, chậm rãi, mất hẳn cái dáng vẻ khoáng đạt nhanh nhẹn thuở ban đầu của loài chim én đưa thoi. Sự vận động, thay đổi ấy của thiên nhiên được tác giả thể hiện một cách rất tinh tế, ngoài việc thay đổi cảnh sắc, thời gian thì các từ láy “thơ thẩn”, “thanh thanh”, “nao nao”, “nho nhỏ” đã gợi ra cho độc giả những cảm xúc trầm lắng, cảm nhận cảnh thiên nhiên đang dần trở nên vắng lặng, chậm rãi theo sự chuyển biến tâm trạng của nhân vật.
Đó là cảnh thiên nhiên trong Cảnh ngày xuân, tương tự ở đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích ta cũng nhận thấy những biến chuyển của cảnh sắc thiên nhiên theo không gian và thời gian. Sáu câu thơ đầu đoạn trích tập trung miêu tả cảnh sắc thiên nhiên trước lầu Ngưng Bích.

“Trước lầu Ngưng Bích khóa xuân
Vẻ non xa tấm trăng gần ở chung
Bốn bề bát ngát xa trông
Cát vàng cồn nọ bụi hồng dặm kia
Bẽ bàng mây sớm đèn khuya
Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng”


Thúy Kiều trong những ngày tháng bị giam lỏng ở lầu Ngưng Bích thường ngồi ngẩn ngơ trông ra trước lầu Ngưng Bích, trên lầu cao ánh mắt nàng dõi về phía xa mà tưởng như dãy núi thấp thoáng tận chân trời với mảnh trăng non trên nền trời đang ở cùng một bức tranh, đang cùng in trên một vòm trời. Và càng trông ra xa thì lại càng thấy những cảnh tượng kỳ vĩ, nào là cồn cát vàng, nào là thứ bụi hồng do gió trời bốc lên thành từng đợt, từng đám. Có thể nói rằng trước lầu Ngưng Bích, trong tầm mắt của Kiều là một khung cảnh thiên nhiên rất đẹp được gợi ra bởi những hình ảnh ước lệ như trăng, núi, cồn cát, bụi hồng. Nhưng nó lại quá đỗi rộng lớn, quá đỗi bao la, dường như nuốt chửng cả cái sự tồn tại của con người. Từ đó gây ra cái cảm giác lạc lõng, cô đơn tột cùng và đặc biệt còn là sự sợ hãi trước một bối cảnh xa lạ của nhân vật. Có thể hiểu rằng cảnh tuy đẹp nhưng nhưng lại thiếu đi một phần sức sống, thiếu đi cái sự sinh động mà thay vào đó là cảm giác lạnh lẽo, rợn ngợp cả lòng người, khiến con người ta khó có thể thưởng thức, đặc biệt là đối với Thúy Kiều, một cô gái trải qua quá nhiều bi kịch.

Nếu như 6 câu thơ đầu tả cảnh nhiều hơn tả tình thì 8 câu thơ cuối cảnh thiên nhiên lại có sự vận động tuân theo sự biến đổi trong tâm trạng của nhân vật.

“Buồn trông cửa bể chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa
Buồn trông ngọn nước mới sa
Hoa trôi man mác biết là về đâu
Buồn trông nội cỏ rầu rầu
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh
Buồn trông gió cuốn mặt duềnh
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi”


Có thể thấy rằng tất cả cảnh sắc thiên nhiên hiện hữu trong 8 câu thơ này đều bắt đầu bằng một chữ “buồn”, bắt đầu bằng nỗi lòng của nhân vật, bằng sự nhận thức của Thúy Kiều về thân phận. Nếu như ở 6 câu thơ đầu, có lẽ một phần là cảnh sắc trước lầu Ngưng Bích vốn dĩ đã hoang vắng và xa xăm như thế, nên khi vào mắt Kiều nó càng làm Kiều thấy lạnh lẽo và xa lạ. Thì ở 8 câu thơ cuối cảnh vật thiên nhiên trong mắt Kiều là do lòng nàng tự định hướng ra, cảnh vật được miêu tả theo trình tự từ xa đến gần, từ cửa bể rộng lớn bao la, cho đến “mặt duềnh” - một vũng nước nhỏ nhoi, từ một cảnh sắc không màu đến một không gian “chân mây mặt đất một màu xanh xanh” rõ nét, từ những cảnh tượng tĩnh đến động như cảnh “hoa trôi man mác” cho đến “ầm ầm tiếng sóng”. Vừa thể hiện sự biến chuyển, vận động mạnh mẽ của thiên nhiên, đồng thời cũng phản ánh những thay đổi đặc biệt trong nhận thức của con người từ mơ hồ đến rõ nét về thân phận, bi kịch của mình. Các hình ảnh ước lệ tượng trưng như cửa bể chiều hôm, cánh buồm, con thuyền, ngọn nước, cánh hoa, nội cỏ, chân mây, sóng gió và các từ láy xa xa, man mác, rầu rầu, xanh xanh, ầm ầm chính là những nhân tố có sức gợi hình gợi cảm mạnh mẽ. Không chỉ nêu bật được sự vận động của cảnh sắc thiên nhiên theo những trình tự vừa liệt kê ở trên mà nó còn có vai trò to lớn trong việc thể hiện rõ nét sự thay đổi tâm trạng của con người, đó vai trò “đeo sầu cho cảnh vật”.
So với sự biến chuyển của thiên nhiên thì sự vận động trong tâm trạng của con người được bộc lộ một cách rõ nét hơn nhiều. Trong đoạn trích Cảnh ngày xuân, nếu như lúc ban đầu là cảnh “Gần xa nô nức yến anh/Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân/Dập dìu tài tử giai nhân/Ngựa xe như nước áo quần như nêm”, thể hiện một không khí náo nhiệt, rộn rã ngày trẩy hội. Và tâm trạng của chị em Thúy Kiều tuy không được nhắc rõ thế nhưng ta cũng đủ biết rằng với lứa tuổi vừa cập kê, xuân quang phơi phới như thế, gặp cảnh du xuân thì lòng nào mà lòng chẳng vui, chẳng thấy rộn rã, phấn khởi. Cảnh tượng du xuân náo nhiệt ấy rất xứng với cái cảnh sắc thiên nhiên mà Nguyễn Du đã vẽ ra ở 4 câu thơ đầu, tràn đầy sức sống, với tinh thần tươi trẻ, thanh khiết của con người. Sự chuyển biến tâm trạng của con người trước là khởi nguồn từ hai câu “Ngổn ngang gò đống kéo lên/Thoi vàng vó rắc tro tiền giấy bay”. Giữa cảnh xuân xanh phơi phới và gặp cảnh tiêu điều như thế thì đầu có là ngày tảo mộ đạp thanh cũng không khỏi khiến con người ta suy nghĩ. Đặc biệt là với nhân vật Thúy Kiều, một cô gái trẻ tuổi, xuân sắc nhưng lại đa sầu đa cảm, thấy mộ nàng Đạm Tiên, tài hoa bạc mệnh thì lòng sinh thương cảm. Buổi du xuân kết thúc, bóng hoàng hôn “tà tà” đằng tây khiến lòng người chùng xuống, trước là nuối tiếc vì ngày xuân tuy vui nhưng trôi qua nhanh quá, sau là tâm trạng của nhân vật trước những viễn cảnh mà mình chứng kiến. Nỗi niềm bâng khuâng, xao xuyến, nỗi buồn man mác trong lòng Thúy Kiều được diễn tả rất khéo léo qua những cảnh vật hữu hạn, quanh co như “tiểu khê”, “dòng nước uốn quanh”, “dịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang”. Cảnh Thúy Kiều nhìn thấy, đặc biều là cái nhịp cầu nhỏ bắc ngang dòng nước trôi xuôi, chính là những dự báo về cuộc đời nhiều trái ngang của nàng. Phải chăng cái chết của Đạm Tiên đã để lại trong lòng Kiều nhiều nỗi ám ảnh về thân phận người phụ nữ tài hoa bạc mệnh, hay chỉ đơn giản là Kiều đang nuối tiếc ngày xuân? Nói chung dẫu Kiều nghĩ gì thì những từ láy như “thơ thẩn”, “thanh thanh”, “nho nhỏ”, “tà tà” đã đem đến một bức tranh tâm trạng nhuốm màu trầm tư. Có thể nói rằng sự vận động tâm trạng của nhân vật trong đoạn trích này là điển hình cho tâm trạng của con người trong mọi cuộc vui, lúc đi hào hứng bao nhiêu thì lúc về lại nuối tiếc và lặng lẽ bấy nhiêu.
Trong Kiều ở lầu Ngưng Bích sự vận động của tâm trạng nhân vật không giống như trong Cảnh ngày xuân, là chuyển từ vui sang buồn mà ở đây là sự thuyên chuyển từ nỗi buồn này sang nỗi buồn khác, từ sự không ý thức đến có ý thức một cách rõ ràng về thân phận của Thúy Kiều. Như đã nói ở phần trên, cảnh sắc thiên nhiên ban đầu trước lầu Ngưng Bích đơn thuần chỉ là để diễn tả cảm giác cô đơn, xa lạ, bẽ bàng, tủi hổ của Thúy Kiều khi bị giam lỏng ở lầu Ngưng Bích. Một thiếu nữ vừa tuổi cập kê, lại gặp nhiều biến cố, đặc biệt là có mối tình thề non hẹn biển như mơ với Kim Trọng lại dở dang, thì trong những lúc khốn cảnh như này, người nàng nghĩ đến đầu tiên chính là chàng Kim. Bởi lẽ, đơn giản rằng Kiều đã phụ Kim Trọng và chuyện mới xảy ra không lâu, nên nàng thấy vô cùng day dứt, đau khổ và có lỗi với chàng Kim, bên cạnh đó Thúy Kiều nghĩ tới Kim Trọng cũng chính là tự xót thương cho số phận bạc bẽo, không bao giờ có quyền được hạnh phúc của mình hiện tại. Kiều dù đã trao duyên cho em, thế nhưng tình sao có thể nói trao là trao, dứt là dứt, nỗi khổ ấy hãy còn dằn vặt Kiều mãi về sau này. Từ nỗi đớn đau trong tình yêu Kiều chuyển sang nỗi xót xa khi nghĩ về gia đình, một cô gái 14, 15 tuổi, “êm đềm trướng rủ màn che” nay gặp cảnh bi đát, khó mà không nghĩ về cha mẹ, về gia đình, nàng khao khát mái ấm chở che, nhớ quê hương đến tha thiết, nhưng càng nhớ nàng lại càng đớn đau, càng nhận thức rõ về thân phận bẽ bàng, tủi hổ của mình. Sự nhận thức của Thúy Kiều về số phận của bản thân được thể hiện rất rõ trong 8 câu thơ cuối, nằm trong mạch miêu tả cảnh thiên nhiên mà Nguyễn Du đã tinh tế xây dựng. Mặc dù các câu thơ tả cảnh nhiều nhưng cảnh nào cũng chan chứa nỗi lòng của Kiều. Thúy Kiều đi từ chỗ mơ hồ với “cửa bể chiều hôm”, với “thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa”, thì dần bắt đầu có ý thức về thân phận bèo dạt mây trôi của mình, mà tự hỏi một câu: “Hoa trôi man mác biết là về đâu?”. Nàng đã nhận thức được sự mất tự do, mất đi quyền quyết định cuộc đời, cũng ví phận mình như hoa, tài sắc nhưng lênh đênh, vô định. Từ đó ta thấy rõ ràng Kiều đã chuyển từ cảm xúc nhớ thương người yêu, gia đình sang sự xót thương cho chính bản thân mình. Và càng về cuối thì ý thức của Kiều về những giông bão trong tương lai càng trở nên mạnh mẽ, điều đó thể hiện ở âm thanh từ tĩnh chuyển sang động từ cảnh “hoa trôi man mác”, vô thanh sang cảnh “ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi” dữ dội. Đó chính là sự tuyệt vọng, lo sợ sợ và hãi hùng về những cảnh ngộ sắp tới của bản thân, về sự tối tăm mịt mờ, không lối thoát trong cảnh giam cầm tại chốn ong bướm lả lơi.

Nói tóm lại, tác phẩm có tên là Truyện Kiều thì phải thỏa mãn được việc thuật lại cuộc đời của nhân vật Thúy Kiều thông qua việc xây dựng tính cách, diễn biến tâm trạng, và các biến cố của nhân vật. Mà thể loại của tác phẩm lại là thơ thế nên cũng phải làm sao cho xúc tích, ngắn gọn và hợp lý. Thế nên việc sử dụng bút pháp tả cảnh ngụ tình để vừa tả cảnh vừa miêu tả diễn biến tâm lý của nhân vật đã vừa vặn thỏa mãn được các yêu cầu của tác phẩm, tuy nói một nhưng lại có thể suy ra hai. Cái tài năng của Nguyễn Du chính là dùng thơ để tái hiện được sự vận động của thiên nhiên và tâm trạng con người một cách tinh tế, cảnh bổ trợ cho tình và ngược lại để làm thành một bức tranh vừa có hồn vừa có sắc, lại trôi chảy, mượt mà dễ đi vào lòng người đọc.

Sen Biển( sưu tầm và biên soạn)
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top