Sen Biển mời các em cùng giải Đề thi thử môn ngữ văn 9 số 16 - có đáp án. Chúc các em làm bài tốt nhé

PHẦN I. ĐỌC - HIỂU


Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

“Ước mơ bây giờ là đánh thắng giặc Mỹ, là Độc lập, tự do của đất nước. Mình cũng như những thanh niên khác đã lên đường ra tiền tuyến và tuổi trẻ qua đi giữa tiếng bom rơi đạn nổ. Tuổi trẻ của mình đã thấm đượm mồ hôi, nước mắt, máu xương của những người đang sống và những người đã chết. Tuổi trẻ của mình đã cứng cáp trong thử thách, gian lao của chiến trường. Tuổi trẻ của mình cũng đã nóng rực vì ngọn lửa căm thù đang ngày đêm hun đốt. Và gì nữa, phải chăng mùa xuân của tuổi trẻ cũng vẫn thắm đượm thêm vì màu sắc của mơ ước và yêu thương vẫn ánh lên trong những đôi mắt nhìn mình. Một đôi mắt đen thâm quầng vì thức đêm nhưng bao giời đến với mình cũng là niềm vui và sôi nổi. Một đôi mắt long lanh dưới hàng mi dài cũng vậy bao giời cũng đến với mình tha thiết tin yêu. Và đôi mắt tinh ranh của một người bạn gái nhìn mình như hiểu hết, như trao hết niềm tin. Th. ơi! Đó phải chăng là hạnh phúc mà chỉ Th. mới được hưởng mà thôi? Hãy vui đi, hãy giữ trọn trong lòng niềm mơ ước và để màu xanh của tuổi trẻ ngời rạng mãi trong đôi mắt và nụ cười nghe Thùy!”

(Trích Nhật kí Đặng Thùy Trâm, NXB Hội Nhà văn, 2005)

Câu 1: Tại thời điểm viết những dòng nhật kí trên, tác giả ước mơ điều gì?

Câu 2: Gọi tên các phép liên kết hình thức và chỉ ra từ ngữ làm phương tiện cuả các phép liên kết ấy trong hai câu văn sau: Một đôi mắt long lanh dưới hàng mi dài cũng vậy bao giời cũng đến với mình tha thiết tin yêu. Và đôi mắt tinh ranh của một người bạn gái nhìn mình như hiểu hết, như trao hết niềm tin.

Câu 3: Phân tích cấu tạo ngữ pháp của câu sau: Tuổi trẻ của mình đã cứng cáp trong thử thách, gian lao của chiến trường. Xét về cấu tạo ngữ pháp, câu văn đó thuộc kiểu câu nào?

Câu 4: Nêu tác dụng của điệp ngữ “tuổi trẻ của mình” trong những câu văn sau: Tuổi trẻ của mình đã thấm đượm mồ hôi, nước mắt, máu xương của những người đang sống và những người đã chết. Tuổi trẻ của mình đã cứng cáp trong thử thách, gian lao của chiến trường. Tuổi trẻ của mình cũng đã nóng rực vì ngọn lửa căm thù đang ngày đêm hun đốt.

Câu 5: Nhận xét về hoàn cảnh sống, chiến đấu và vẻ đẹp tâm hồn của tác giả Đặng Thùy Trâm qua đoạn nhật kí trên.

Đề thi thử môn ngữ văn 9 số 16 - có đáp án - vnk.jpg

( Ảnh sưu tầm internet)
PHẦN II. LÀM VĂN

Câu 1: Viết đoạn văn diễn dịch (khoảng 8 đến 10 câu), trong đó có sử dụng thành phần biệt lập tình thái, với câu chủ đề: Thái độ lạc quan là điều cần thiết trong cuộc sống của con người. (Lưu ý: Gạch chân thành phần tình thái).

Câu 2:
“Ngày xuân con én đưa thoi,
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi.
Cỏ non xanh tân chân trời,
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.
Thanh minh trong tiết tháng ba,
Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh.
Gần xa nô nức yến anh,
Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân.”


(Truyện Kiều - Nguyễn Du, Ngữ văn 9, Tập một, NXB Giáo dục, 2020, tr.84 - 85)

Phân tích đoạn thơ trên và nhận xét ngắn gọn nghệ thuật tả cảnh của Nguyễn Du.

Sen Biển ( biên soạn)

Mời các em xem phần gợi ý đáp án và các bài văn mẫu dưới phần bình luận. Đừng quên ghé thăm vnkienthuc.com mỗi ngày các em nhé
 
Sửa lần cuối:
GỢI Ý ĐÁP ÁN

PHẦN I. ĐỌC - HIỂU


Câu 1 -Tác giả ước mơ đánh thắng giặc Mỹ, đất nước được độc lập, tự do.

2 -Phép lặp: từ “đôi mắt”, “mình”
-Phép nối: từ “và”

3 Tuổi trẻ của chúng mình // đã cứng cáp trong thử thách gian lao của chiến trường.

CN VN

- Xét về cấu tạo ngữ pháp, câu văn vừa phân tích thuộc kiểu câu đơn.

4 - Điệp ngữ “tuổi trẻ của mình” làm tăng sức gợi cảm cho câu văn, tạo cho câu văn một giọng điệu sôi nổi, hào hung.

- Điệp ngữ “tuổi trẻ của mình” làm nổi bật niềm tự hào của tác giả về một tuổi trẻ vô cùng ý nghĩa - một tuổi trẻ được sống, được trưởng thành trong gian lao của đất nước, được chiến đấu và hi sinh cho dân tộc.

5 - Hoàn cảnh sống, chiến đấu của tác giả vô cùng cực khổ, đầy nguy hiểm: phải trải qua bom rơi, đạn nổ, thấm đượm mồ hôi, nước mắt và xương máu...

-Vẻ đẹp tâm hồn:

+ Yêu đất nước thiết tha và có lí tưởng sống cao đẹp – lí tưởng được sống, chiến đấu vì độc lập dân tộc.

+ Tâm hồn phong phú cảm xúc, tinh tế, nhạy cảm và tràn đầy lạc quan, hi vọng vào một ngày mai tươi sáng.

PHẦN II. LÀM VĂN

Câu 1

* Về hình thức:

+ Viết đúng đoạn văn diễn dịch có câu chủ đề trong đề bài, đảm bảo số câu theo yêu cầu (Vượt quá 1 câu không bị trừ điểm, vượt quá 2 câu bi trừ 0,1 điểm)

+ Có sử dụng thành phần biệt lập tình thái và gạch chân đúng thành phần biệt lập tình thái.

+ Diễn đạt rõ ý, mạch lạc, không mắc lỗi dùng từ, liên kết.

+ Trình bày sạch sẽ, chữ viết đúng chính tả, câu đúng ngữ pháp.

* Về nội dung:

*Lạc quan là thái độ sống luôn vui vẻ, tin tưởng dù có bất cứ chuyện gì xảy ra.

*Vì sao lạc quan lại là điều cần thiết với mỗi người

- Cuộc sống luôn có khó khăn, thậm chí cả thất bại. Do đó, lạc quan là điều hết sức cần thiết.

- Trong cuộc sống, sức mạnh tinh thần luôn đem đến cho con người những khả năng kì diệu. Và sống lạc quan là một trong những nguồn gốc để tạo ra sức mạnh và những điều kì diệu trong cuộc sống.

- Lạc quan đem đến cho mỗi người nhiều điều quý giá và có ý nghĩa:

+ Tạo ra động lực mạnh mẽ để con người sẵn sàng đối diện và vượt qua mọi thử thách trong cuộc sống.

+ Khiến con người luôn điềm tĩnh, chủ động trước mọi tình huống xấu. Từ đó, con người sẽ tìm ra những phương án giải quyết tình huống một cách thông minh và hiệu quả nhất.

+ Giúp cho con người luôn có tâm hồn phong phú, rộng mở, luôn sống vui vẻ, trẻ trung và từ đó, tạo nên không khí vui vẻ quanh mình, truyền cảm hứng cho người khác, được mọi người tin yêu.

- Ngược lại, nếu sống thiếu sự lạc quan, con người sẽ trở nên yếu đuối, mất niềm tin, ý chí vào cuộc sống và rất khó thành công, rất khó cải thiện hoàn cảnh.

- DC:
Bàn luận mở rộng:

+ Còn không ít người sống bi quan: khi gặp khó khăn luôn thấy bế tắc, chán nản, trách mình, trách người, không muốn tiếp tục công việc hoặc làm việc không có động lực, động cơ,…

+ Tuy nhiên, sống lạc quan phải luôn đi kèm với quá trình học hỏi, rút kinh nghiệm một cách nghiêm túc trong cuộc sống. Có như vậy, con người mới không ảo tưởng.

Bài học, liên hệ bản thân:

+ Luôn tin vào cuộc sống, vào bản thân và cố gắng vươn lên trong mọi hoàn cảnh.

2 a. Đảm bảo cấu trúc của bài văn nghị luận về một bài thơ (đoạn thơ). Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài; mỗi phần làm đúng nhiệm vụ của mình

b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: Phân tích giá trị nội dung, nghệ thuật của đoạn thơ.

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm, có luận cứ rõ ràng, chính xác; lập luận thuyết phục.

*Giới thiệu tác giả Nguyễn Du và “Truyện Kiều”, đoạn trích “Cảnh ngày xuân” và khái quát ngắn gọn nội dung của đoạn thơ: Vẻ đẹp thiên nhiên và lễ hội mùa xuân.

*Phân tích giá tri nội dung và nghệ thuật của hai khổ thơ:

- Về nội dung:

1. Hai câu đầu:

* Hai hình ảnh “con én đưa thoi” và “thiều quang” – hình ảnh đẹp, gợi cảm

Gợi những vẻ đẹp rất đặc trưng của mùa xuân: những cánh én chao liệng như thoi đưa trên bầu trời, nắng xuân hồng, khí xuân ấm áp, sắc xuân tươi mới, đất trời mùa xuân trong trẻo.

Hai câu thơ gợi một không gian mùa xuân khoáng đạt, rộng mở và tươi đẹp

*Hình ảnh “con én đưa thoi”, “thiều quang” còn mang ý nghĩa ẩn dụ, biểu tượng:

Gợi thời gian mùa xuân trôi qua nhanh: Ngày xuân trôi qua nhanh tựa những cánh én vụt bay trên bầu trời; có chin chục ngày xuân mà nay đã qua sáu mươi ngày (tức là đã qua tháng giêng, tháng hai và nay đã sang tháng ba)

1. Hai câu tiếp theo:
*Hai hình ảnh “cỏ non xanh”, “cành lê trắng” – đẹp, gợi cảm

Khung cảnh mùa xuân tuyệt đẹp: một thảm cỏ xanh trải rộng đến tận chân trời làm nền cho bức tranh, những bông hoa lê trắng, điểm xuyết trên thảm cỏ xanh

*Hai tính từ “xanh, trắng” cũng rất giàu sức gợi

Gợi một nền màu sắc hài hòa, tươi sáng đến mức tuyệt diệu

+ Màu xanh của thảm cỏ làm nổi bật sắc trắng của những bông hoa lê

+ Ngược lại, sắc trắng của những bông hoa lê làm nổi bật màu xanh của thảm cỏ

Gợi vẻ đẹp rất riêng của mùa xuân: nhẹ nhàng, thanh khiết, mới mẻ, tinh khôi và tràn đầy sức sống

*Hai từ “tận” và “điểm” + cách đảo trật tự từ “trắng điểm” chứ không phải “điểm trắng”

Khung cảnh mùa xuân không tĩnh tại mà sinh động, lay động và có hồn: ta cảm nhận được trạng thái đang trải rộng, đang vươn lên của cỏ và trạng thái đang lay động, đang bung nở của những bông hoa lê

3. Bốn câu tiếp: Cảnh lễ hội mùa xuân

* Hai câu đầu: Giới thiệu chung về lễ hội mùa xuân:

- Tiết thanh minh: là tiết vào đầu tháng 3, khí trời mát mẻ, trong trẻo

- NT đối, biện pháp liệt kê trong câu: “Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh” -> trong tiết thanh minh có 2 hoạt động diễn ra cùng một lúc: lễ tảo mộ và đi chơi xuân ở chốn đồng quê

*Cảnh ngày hội mùa xuân (2 câu)
- Một loạt các từ có 2 âm tiết “gần xa’, “nô nức”, “yến anh”, “chị em”. “sắm sửa”, “chơi xuân”, “dập dìu”, “tài tử”, “giai nhân”, “ngựa xe”, “áo quần” và hình ảnh so sánh “ngựa xe như nước, áo quần như nêm”; liệt kê Nhịp thơ nhanh, giọng thơ sôi nổi
(Gợi tả) toàn cảnh ngày hội: tưng bừng, rộn rã
*Các danh từ: yến anh, chị em, tài tử, giai nhân, ngựa xe, áo quần và hình ảnh so sánh “ngựa xe”…

diễn tả sự đông vui, tấp nập, nhiều người đến dự hội từng đoàn người đi chơi xuân nối nhau như dòng nước bất tận, đông đúc như nêm cối

*Các động từ, tính từ: sắm sửa, chơi xuân, dập dìu, gần xa, nô nức

Tâm trạng vui tươi, náo nức của người đi dự hội – cũng là tâm trạng của hai chị em Thúy Vân, Thúy Kiều

*Hệ thống các danh từ, đặc biệt là hình ảnh ẩn dụ “yến anh” trong ngày hội, những đôi nam thanh, nữ tú, trai tài gái sắc trẻ trung, quấn quýt bên nhau từng đôi, từng cặp -> đây là nét riêng trong con mắt quan sát và miêu tả cảnh ngày hội của tác giả Nguyễn Du

- Về nghệ thuật tả cảnh: Chọn hình ảnh thơ đẹp, gợi cảm và mang ý nghĩa biểu tượng, ngôn ngữ thơ vừa bình dân vừa bác học, giàu chất tạo hình, nghệ thuật gợi tả và tả cảnh ngụ tình, các biện pháp tu từ: ẩn dụ, so sánh, liệt kê

*Khái quát chung:

- Đoạn thơ khắc họa một bức tranh thiên nhiên và lễ hội mùa xuân tươi tắn, sinh động, tưng bừng, náo nhiệt và đậm đà bản sắc dân tộc.

Bức tranh phản ánh tâm hồn của hai thiếu nữ: trẻ trung, trong sáng và thiết tha với mùa xuân, với cuộc sống

Tác giả:
- Là người có tâm hồn tinh tế, nhạy cảm – ND vừa rung động trước vẻ đẹp của thiên nhiên, vừa nhạy cảm trước những diễn biến tinh tế của tâm hồn tuổi trẻ trong mùa xuân.

- Tinh tế trong quan sát, khéo léo, tài năng trong miêu tả và sử dụng ngôn ngữ

- Gắn bó, trân trọng văn hóa dân tộc.

d. Sáng tạo: có cách diễn đạt, trình bày sáng tạo, thể hiện sự am hiểu về đoạn trích và kiểu bài nghị luận

e. Chính tả, dùng từ, đặt câu: theo đúng quy tắc tiếng Việt.

Sen Biển ( biên soạn)
 
Bài văn mẫu

Câu 1: Viết đoạn văn diễn dịch (khoảng 8 đến 10 câu), trong đó có sử dụng thành phần biệt lập tình thái, với câu chủ đề: Thái độ lạc quan là điều cần thiết trong cuộc sống của con người. (Lưu ý: Gạch chân thành phần tình thái).

Bài làm


Lạc quan là một thái độ sống vô cùng quan trọng góp phần tạo nên một cuộc sống tốt đẹp đối với tất cả mọi người. Lạc quan tức là không lo lắng thái quá, tinh thần luôn thoải mái dù khó khăn cận kề. Trong cuộc sống, lạc quan luôn là người bạn đồng hành của mỗi chúng ta để đưa chúng ta vượt qua những khó khăn thách. Làm việc gì, dù khó khăn tới đâu thì người lạc quan vẫn tin vào những điều tốt đẹp ở phía trước. Khi gặp thất bại họ vẫn không bỏ cuộc, không chán nản mà ngược lại sự lạc quan làm tăng cơ hội thành công. Lạc quan là kẻ thù của uỷ mị, yếu đuối thì chắc chắn sự lạc quan chính là bạn hành trình của con người trên con đường tới tương lai. Hãy loại bỏ mọi nguồn tin mang tính tiêu cực. Hãy tránh xa những người thường xuyên kêu ca phàn nàn. Hãy đón nhận những tin tích cực để luôn có suy nghĩ tích cực. Như vậy, lạc quan đã góp phần tăng giá trị cho bản thân và xã hội!

Sen Biển ( Biên soạn)
 
Bài văn mẫu

Câu 2:

“Ngày xuân con én đưa thoi,
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi.
Cỏ non xanh tân chân trời,
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.
Thanh minh trong tiết tháng ba,
Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh.
Gần xa nô nức yến anh,
Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân.”


(Truyện Kiều - Nguyễn Du, Ngữ văn 9, Tập một, NXB Giáo dục, 2020, tr.84 - 85)

Phân tích đoạn thơ trên và nhận xét ngắn gọn nghệ thuật tả cảnh của Nguyễn Du.

Bài làm

Nguyễn Du là đại thi hào, nhà văn lớn của dân tộc. Truyện Kiều là tác phẩm để đời không chỉ của Nguyễn Du mà còn là tác phẩm lớn tự hào của cả dân tộc. Hơn hai trăm năm nay, Truyện Kiều đã được lưu truyền rộng rãi và có sức ảnh hưởng lớn trong nền văn học nước nhà. Tác phẩm đã đạt đến bậc thầy nghệ thuật miêu tả người, cảnh vật thiên nhiên. Đặc biệt trích đoạn Cảnh Ngày Xuân – xuất hiện ngay sau trích đoạn miêu tả chị em Thúy Kiều đã làm nức lòng người đọc. Phân tích 8 câu đầu cảnh ngày xuân để thấy bút pháp tả cảnh bậc thầy, Nguyễn Du đã tái hiện phong cảnh mùa xuân hữu tình đầy sức sống.

“Ngày xuân con én đưa thoi
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi
Cỏ non xanh tận chân trời
Cảnh lê trắng điểm một vài bông hoa.
Thanh minh trong tiết tháng ba
Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh
Gần xa nô nức yến anh
Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân"


Mùa xuân dưới con mắt của Nguyễn Du đầy sức sống, mãnh liệt và cũng rất tinh khôi.

Phân tích 8 câu đầu cảnh ngày xuân – Nếu mùa xuân của Xuân Diệu – nhà thơ mới nồng nhiệt, háo hức như cô gái xuân thì hay rất vội vàng chỉ sợ xuân qua đi: “Của ong bướm này đây tuần trăng mật/Này đây hoa của đồng nội xanh rì/Này đây lá của cành tơ phơ phất/Của yến anh này đây khúc tình si” … “Xuân đang tới, nghĩa là xuân đang qua/Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già”.

Hay mùa xuân của Nguyễn Trãi là niềm vui là tình người, là sự sum vầy

Xuân đến nào hoa chẳng tốt tươi,
Ưa mày vì tiết sạch hơn người.
Gác đông ắt đã từng làm khách,
Há những Bộ tiên kết bạn chơi.


Thì mùa Xuân của Nguyễn Du lại vô cùng đặc sắc, tinh tế. Khó có thể so sánh bức xuân họa của thi sĩ nào đẹp hơn, đầy sức sống hơn nhưng bút pháp lại khác nhau. Đại thi hào Nguyễn Du bằng biệt tài tả cảnh của mình đã vẽ lên mùa xuân với đầy đủ hình ảnh chim én, cỏ non, cành lê, có cả không gian trên trời lẫn không gian dưới mặt đất. Cả hai không gian mở ra một khung trời xuân tươi mới, đầy sức sống:

“Ngày xuân con én đưa thoi
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi"


Nhắc đến mùa xuân chắc chắn phải nhắc đến chim én. Chim én chính là biểu tượng của mùa xuân. Khi tiết trời ấm áp, chim én từng đàn bay rợp bầu trời trở về để tận hưởng không khí mùa xuân đất trời. Hình ảnh chim én khiến ta chợt nhớ đến lời bài hát: Khi gió đông ngát thơm, rợp trời chim én lượn. Cây nẩy đầy chồi xanh, mây trắng bay yên lành”. Và trong câu thơ thứ hai, Nguyễn Du đã ví mùa xuân như ông lão ngoài sáu mươi tuổi. Một hình ảnh ví von thật đặc sắc. Vậy mà khi bước sang tháng ba tiết thanh minh, mua xuân vẫn ngập tràn ánh sáng. Câu thơ không chỉ miêu tả khung cảnh mà còn miêu tả cảm xúc con người.

Con én đưa thoi không chỉ là hình ảnh của mùa xuân mà nó còn là hình ảnh của thời gian, trôi nhanh đầy nuối tiếc. Động từ “Đưa thoi” thể hiện sự trôi trảy rất đỗi nhanh và không thể nắm bắt. Có thể nói, cảm quan thời gian của ông rất mới mẻ, hiện đại, không hề giống như những nhà thơ trung đại khác. Cảm quan này khá giống với Xuân Diệu như ta nhắc ở trên. Điều này giúp cho ta trân trọng thời gian trôi qua hơn, luyến tiếc thời gian qua và luyến tiếc tuổi trẻ. Vì vậy hãy sống và nâng niu từng phút giây đang có để cuộc đời không trôi qua trong nuối tiếc.

Cỏ non xanh tận chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.


Nếu bức tranh mùa xuân chỉ có không gian thì thật thiếu sót, Nguyễn Du đã mở ra mùa xuân – một bức họa hoàn hảo với cả không gian trời và đất. Làm nền cho bức tranh mùa xuân ấy là thảm cỏ tươi non, mơn mởn trải dài đến tận chân trời. Đọc câu thơ ta cảm thấy còn đọng lại hạt sương non trên đám cỏ tươi. Hạt sương của mùa xuân cũng long lanh khiến cho cỏ càng thêm xanh, thêm tươi đầy sức sống. Trên nền bức tranh màu xanh ấy lại điểm thêm một vài bông hoa lê trắng tinh khôi khiến cho sức sống càng mãnh liệt hơn. Những câu thơ của Nguyễn Du trong phân đoạn cả cảnh không hề mang tính ước lệ mà nó rất thực, rất đẹp và tinh tế. Đọc hai câu thơ ta cảm nhận một bức họa hoàn hảo, đầy sức sống đang vẽ ra trước mặt, cảm giác như ta có thể chạm vào, cảm nhận và cũng thấy cuộc đời mình xanh hơn và tươi hơn.
Đọc câu thơ Nguyễn Du ta lại liên tưởng đến câu thơ cổ Trung Quốc:

Phương thảo liên thiên bích
Lê chi sổ điểm hoa.
(Cỏ thơm tiếp nối trời xanh
Hoa lê một vài đóa nở)


Hai câu thơ cũng có cỏ thêm cũng có hoa lê nhưng lại là cảnh tĩnh thiếu đi sức sống, màu sắc ít và đơn giản. Bức tranh cổ chủ yếu nhấn mạnh vào màu xanh của cỏ còn hoa lê chỉ là phần phụ. Nhưng trong thơ của Nguyễn Du, bức tranh mùa xuân nhiều sức sống hơn, cỏ non xanh mỡ màng, lại điểm thêm màu trắng hoa lê làm nổi bật bức tranh, trên bầu trời lại có chim én lượn quanh càng thêm sức sống. Không gian trong thơ của Nguyễn Du
là không gian cao và thấp, trời và đất hòa quyện vào nhau. Một bức tranh có tầm nhìn xa và gần, thêm đó là tư tưởng hiện đại mà khó nhà thơ trung cổ nào có được, sự vội vàng của mùa thu, sợ hãi khi mùa thu qua, sợ hãi khi tuổi trẻ trôi nhanh.

Đặc biệt bút pháp đảo ngữ “trắng điểm” khiến cho bức tranh mềm mại, tinh khôi hơn, cũng nhờ điểm này mà tranh mùa xuân của ông thành kiệt tác trong nghệ thuật tả cảnh.

Cảnh ngày xuân với không khí lễ hội là một trong những trang vui hiếm hoi của Truyện Kiều, đã thể hiện tài năng độc đáo của Nguyễn Du:

Thanh minh trong tiết tháng ba,
Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh.
Gần xa nô nức yến anh,
Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân.


Nguyễn Du đã dựng nên một bức tranh xuân tràn đầy sức sống : màu trắng tinh khôi thanh khiết tô điểm cho màu xanh hài hoà, mang đến một không khí xuân ngập tràn, chan chứa hi vọng. Lòng người dâng bao cảm xúc bâng khuâng, trước vẻ đẹp trong trẻo của bức tranh xuân. Điầu đó được thể hiện rõ nét hơn trong khung cảnh lễ hội:

Thanh minh trong tiết tháng ba,
Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh.


Hai câu thơ mang tính khái quát, như một lời giới thiệu về lễ hội – từ đó cho ta thấy được điểm nhìn khoáng đạt của tác giả. Tết Thanh minh là tiết vào đầu tháng ba, khí trời mát mẻ, trong trẻo, mọi người đi tảo mộ, tức là đi viếng và sửa sang lại phần mộ của người thân. Đó còn là dịp để mọi người du xuân, tận hưởng không khí trong lành, thanh sơ của những ngày tháng ba.

Không khí ngày hội vui tươi náo nửc, được diễn tả trong nhịp thơ nhanh:

Gần xa nô nức yến anh,
Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân.


Con người, cảnh vật như cùng hoà nhịp trong không khí rộn ràng ngày xuân. Nó tương hợp với cảnh sắc tràn đầy sức sống ở bốn câu thơ đầu. Một loạt những từ ngữ đặc tả không khí nhộn nhịp được Nguyễn Du đưa vào trong mấy câu thơ ngắn : “gần xa”, “nô nức” càng làm nổi bật màu sắc tươi vui của lễ hội. Trước mắt ta như hiện lên một bức tranh náo nhiệt: người người, tài tử giai nhân dập dìu, sánh vai nhau đi chơi xuân. Những câu thơ làm hiện lên cả màu sắc, âm thanh, không khí, tâm trạng. “Gần xa” là khắc hoạ không gian ; “nô nức” là diễn tả tâm trạng của người dự hội. Đó là cái tài của một ngòi bút miêu tả bậc thầy. Nguyễn Du chỉ bằng vài nét khắc hoạ đã làm sống động cả một không khí rộn ràng ngày xuân. Cảnh đẹp đẽ, tươi vui hay chính là tâm trạng phơi phới của người trong cảnh. Được miêu tả từ điểm nhìn của chị em Thuý Kiều nên ta có thể nhận ra trong đó tâm hồn trẻ trung của những cô gái “xấp xỉ tới tuần cập kê”. Chính sức trẻ của những giai nhân ấy đã thổi hồn vào cảnh vật.

Chỉ với tám câu thơ nhưng Nguyễn Du đã dựng nên trước mắt người đọc một bức tranh ngày hội đẹp đẽ, tươi sáng, tràn đầy sức sống. Những từ láy lồng trong những vế tiểu đối một cách nhịp nhàng tạo cho bức tranh một sự hài hoà nhưng vẫn không thiếu những điểm nhấn ấn tượng.

Những câu thơ về ngày hội xuân không phải là những trang đặc sắc nhất của Truyện Kiểu nhưng là một trong những giai điệu vui tươi hiếm hoi trong khúc “đoạn trường tân thanh” não ruột. Nó cho ta thấy sức sống tâm hồn của Thuý Kiều và khẳng định tài năng miêu tả bậc thầy của Nguyễn Du. Nhớ đến Truyện Kiêu, độc giả không thể quên những vần thơ tươi sáng về khung cảnh lễ hội ngày xuân, tràn ngập sắc xuân, tình xuân trong tiết thanh minh này

Sen Biển ( biên soạn)
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top