• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

[Đề tài 3] Đôi lời về tiếng Việt

fomasudoi

New member
Xu
0
Trong khoảng thời gian gần đây, tôi đặc biệt quan tâm đến tiếng Việt, vì tôi phát hiện ra rằng mình nói tiếng Việt như vậy chớ thiệt ra gần như chẳng hiểu gì về tiếng Việt. Trong quá trình tìm hiểu tiếng Việt thì tôi thấy rằng có hai vấn nạn thế này: nhiều từ hiện nay được dùng không còn đúng với nghĩa ban đầu của ngày xưa, nếu không muốn nói là dùng sai ngữ nghĩa; và tình trạng viết sai chính tả khá nhiều. Để làm cơ sở, thì tôi chủ yếu dựa vào hai cuốn từ điển: một là cuốn Việt Nam tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức, đây là cuốn từ điển uy tín nhất về tiếng Việt thời kì trước 1975; hai là cuốn Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh, chuyên về những từ Hán-Việt.

Một số biến đổi về ngữ nghĩa

Hiện nay trong tiếng Việt có một số từ Hán-Việt mà ngữ nghĩa của nó đã biến đổi khá xa với cái nghĩa gốc ban đầu, không rõ vì nguyên do gì, chỉ mới vài chục năm trôi qua mà ngữ nghĩa đã trôi dạt xa đến vậy.

Một từ tiếng Việt điển hình cho sự biến đổi ngữ nghĩa này là từ “khốn nạn”. Theo cả hai từ điển Việt Nam tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức và Hán-Việt từ điển của Đào Duy Anh thì từ “khốn nạn” đều mang cùng một nghĩa là “khó khăn, lúng túng”, có thể nói nó gần như đồng nghĩa với từ “khốn khổ” trong cái tựa “Những người khốn khổ” của Victor Hugo (tôi đọc ở đâu đó nói rằng ngày xưa cái tựa Les Misérables ban đầu được dịch là “Những người khốn nạn”). Nhưng hiện nay tuyệt đại đa số mọi người dùng từ “khốn nạn” này với nghĩa miệt thị và đánh giá về tư cách đạo đức của một người (ví dụ như nói “thằng này thật là khốn nạn” nghĩa là bảo “thằng đó” tư cách đạo đức tồi). Căn nguyên của sự biến đổi này thật không rõ, nhưng theo suy luận logic thì tôi nghĩ có hai nguyên do thế này: người ta lâm vào cảnh khốn khó, nên có thể trong một số ngữ cảnh nào đó đã thốt lên rằng “Tôi thật khốn nạn”, và người nghe có thể đã hiểu sai ý của câu tự thán đó, sinh ra sự biến đổi về nghĩa; hoặc là chính vì cái sự khốn khó mà con người ta bị dồn vào cái thế làm những chuyện mất tư cách đạo đức, dần dần từ “khốn nạn” được chuyển sang cái nghĩa chỉ về tư cách đạo đức của một người.

Một từ khác mà trong quá trình tìm tòi tôi cũng phát hiện ra ngữ nghĩa bị biến đổi đi khá xa, đó là từ “tử tế”. Ví dụ cho một cụm tiếng Anh thế này: “a very kind person”, thì những người biết tiếng Anh đa số sẽ dịch sang là “một người rất tử tế”, nhưng nếu dò theo nghĩa đúng của từ “tử tế” thì sẽ thấy ngay cách dịch đó là không đúng với nghĩa gốc của “tử tế”, vì từ này mang nghĩa là “tinh mật, kĩ càng” (theo Hán-Việt từ điển của Đào Duy Anh), hoặc nghĩa là “chu đáo, kĩ càng” (theo Việt Nam tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức), chứ không hề mang nghĩa “tốt bụng” như nghĩa của từ tiếng Anh “kind”. Nếu phải dịch sang tiếng Anh cho đúng với nghĩa gốc của từ “tử tế” này thì từ tiếng Anh là “careful” có vẻ đúng nhất. Tuy nhiên, từ “tử tế” hiện nay vẫn còn được dùng đúng nghĩa gốc một phần nào đó, như cụm từ mà người ta hay nói “học hành tử tế” chính là “học hành kĩ càng” vậy.

Thêm một từ nữa để minh hoạ cho sự biến đổi ngữ nghĩa khôn lường của tiếng Việt: từ “nhất thiết”, hiện nay mọi người đều dùng từ này với nghĩa “tất yếu” hay "cần thiết", đồng nghĩa với từ “necessary” bên tiếng Anh. Lại mở Hán-Việt từ điển của Đào Duy Anh và Việt Nam tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức, thì cả hai đều bảo rằng “nhất thiết” nghĩa là “hết thảy, tất cả”. Từ “hết thảy” sang “tất yếu” thì quả là không tài nào đoán được nguyên do là vì đâu.

Có một từ mà khá nhiều người đã hiểu sai nghĩa của nó, đó là từ “cứu cánh”. Nhiều người không biết nghĩa của từ này thường hay hiểu từ này với nghĩa là “cứu giúp” hoặc “cứu vãn”, nhưng đây là một từ Hán-Việt, và nghĩa đúng của nó là “mục đích cuối cùng”.

Một từ nữa cũng hay bị dùng sai mà tôi để ý được, đó là từ “tự vẫn”. Đa số mọi người dùng từ này thay thế cho từ “tự tử”, cách dùng đó cũng đúng nhưng còn phải tuỳ trường hợp, vì từ “tự vẫn” nghĩa là “tự đâm vào cổ mà chết”, “vẫn” trong “tự vẫn” có nghĩa là “cắt cổ” (nghĩa này có ở cả hai từ điển của Đào Duy Anh và của Hội Khai Trí Tiến Đức). Cho nên từ “tự vẫn” chỉ có thể dùng trong trường hợp người đó dùng dao hay dùng vật nhọn gì đó để tự sát, còn nhảy sông mà “tự vẫn” thì không đúng (nhảy sông là “tự trầm”, chứ vừa nhảy sông vừa đâm vào cổ thì thảm quá).

Trong cách dùng từ sai, có một chuyện nữa là người ta hay có xu hướng đảo từ lại: như từ “nhân chứng” và từ “chứng nhân”, cả hai từ này đều được đa số dùng chung một nghĩa là “người làm chứng”, nhưng thật ra chỉ có từ “chứng nhân” mới mang nghĩa đó. Cấu trúc của một danh từ Hán-Việt là “phụ trước-chính sau”, cho nên khi đảo từ lại thì sẽ sinh ra nghĩa khác ngay. Từ “chứng nhân” nghĩa là “người làm chứng”, còn từ “nhân chứng” nghĩa là “vật chứng mà người làm chứng mang lại” (theo Hán-Việt từ điển của Đào Duy Anh). Tương tự vậy những cặp từ như “yếu điểm” và “điểm yếu”, “nhân công” và “công nhân”, “nhân tình” và “tình nhân”, “nhân văn” và “văn nhân”, v.v. đều có nghĩa hoàn toàn khác nhau.


Những lỗi sai chính tả thường thấy

Những lỗi sai chính tả tiếng Việt thường bắt nguồn từ cách phát âm không chuẩn. Có một từ mà tôi đã đọc ở đâu đó rằng đa số người Việt hay viết sai chính tả, đó là từ “xoi mói”, đa số thường hay viết là “soi mói” do cách phát âm “s” với “x” không rõ ràng. Chữ “xoi” ở đây có nghĩa “khoét lỗ” (theo Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Huình Tịnh Của), “làm cho thông, cho thoát” (theo Việt Nam tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức), còn “soi” có nghĩa khác: “chiếu ánh sáng vào” hoặc “trông vào gương hay mặt bóng để ngắm hình dung mình” (theo Việt Nam tự điển).

Cũng do lỗi phát âm mà nhiều người cũng hay viết sai từ “khúc triết” thành “khúc chiết”. Nếu mang nghĩa là “gãy gọn” thì từ đúng phải là “khúc triết”, còn khúc chiết có nghĩa khác hẳn, nghĩa là “cong co không thẳng” (theo Đào Duy Anh).

“Sấp nhỏ”, “sắp nhỏ”, “xấp nhỏ”, hay “xắp nhỏ”? Nếu là bạn thì bạn chọn cách viết nào? Nếu là cách viết thứ nhất, thứ ba, và thứ tư (tính từ trái sang) thì bạn đã sai chính tả, từ đúng phải là “sắp nhỏ”, vì “sắp” ở đây nghĩa là “bọn, tụi”, còn “sấp” nghĩa là “úp mặt xuống, trái với ngửa”, “xấp” nghĩa là “một tập”, như “xấp giấy” (theo Việt Nam tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức).

Tiếp theo, cũng một từ gây khá nhiều nhập nhằng: “sáng lạng”, “sán lạng”, “sáng lạn”, “sán lạn”, “xáng lạng”, “xán lạng”, “xáng lạn” hay “xán lạn”? Trong số các trường hợp đó thì chỉ có trường hợp cuối cùng, “xán lạn”, là đúng chính tả theo nghĩa “sáng sủa đẹp tốt” (theo Đào Duy Anh).


Đó chỉ là một số ví dụ tiêu biểu cho những lỗi sai chính tả thường gặp, và một số trường hợp biến đổi ngữ nghĩa ở từ tiếng Việt. Trong đó đáng chú ý phải nói đến là vấn nạn viết sai chính tả tiếng Việt vẫn còn rất phổ biến tại nước ta. Cách đây hơn 80 năm, ông Phan Khôi trong một bài báo đã viết như thế này:

Thiệt ngày nay mà còn phải ngồi cằm cục viết bài để bàn về “vấn đề” này thì thật vô lý quá. Nhưng ngày nay mà không nói thì rồi ngày sau cũng phải nói, chi bằng nói bây giờ cho sớm đi một chút.

(Theo cuốn Phan Khôi: Tác phẩm đăng báo 1929 – Lại Nguyên Ân sưu tầm và biên soạn; nhà Đà Nẵng và Trung tâm Văn hoá Ngôn ngữ Đông Tây xuất bản năm 2005; trang 266)


Đây là một đoạn nhỏ trong bài đăng báo của ông Phan Khôi, “vấn đề” mà ông Phan đề cập bên trên là vấn đề về viết chữ quốc ngữ sao cho đúng chính tả. Nhưng ông Phan có ngờ đâu hơn 80 năm sau, cái “vô lí” đó vẫn tồn tại ở nước ta, đúng là hết sức vô lí.

Sài-gòn,
20110114.
 
Cho hỏi chuyện này...có vẻ không liên quan chút...

Tại sao tiếng Việt lại có từ "gà qué"? Tại sao từ "gà" lại ghép với từ "qué", tương tự với từ "cá mú"? Sao không là "gà mú", "cá qué"?!? Càng nghĩ càng thấy tiếng Việt thực hành của mình thật tệ!

Hỏi cái này ở đây quả có chút "khùng", nhưng thật sự rất thắc mắc. Mong fomasudoi không coi là SPAM mà cho TÀ một câu trả lời!
 
để tôi trả lời giúp bạn fomasudoi

qué có nghĩa là chó, gà qué = gà chó
mú: cá bống nước ngọt, cá mú là tên một loài cá

theo New Era(2008), Từ điển tiếng Việt, nxb Văn hoá thông tin.

Cái ý bài viết này được bác Cao Xuân Hạo nói trong Văn Việt, Tiếng Việt, người Việt rồi.
Nhưng bạn fomasudoi có sự tìm tòi riêng, nhỉ.
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top