• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Đề cương bài giảng Địa lý KTXH Việt Nam: Tổ chức lãnh thổ Nông-Lâm-Ngư nghiệp

Chị Lan

New member
TỔ CHỨC LÃNH THỔ NÔNG – LÂM - NGƯ NGHIỆP


1. VỐN ĐẤT VÀ SỬ DỤNG VỐN ĐẤT


KIẾN THỨC CƠ BẢN

1. Vốn đất đai của nước ta


a) Vai trò, ý nghĩa của việc sử dụng hợp lí vốn đất


- Đất trồng là tài nguyên thiên nhiên tái tạo được, là thành phần quan trọng hàng đầu của môi trường sống.

- Đất đai có vai trò cực kì quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, môi trường :

+ Là tư liệu sản xuất chủ yếu không thay thế được của nông, lâm nghiệp.


+ Là địa bàn để phân bố dân cư, các công trình kinh tế, văn hoá, xã hội…


+ Là yếu tố hàng đầu của môi trường sống.


- Quy mô và tính chất của đất đai quyết định quy mô và tính chất của hoạt động nông nghiệp nói chung.

- Việc sử dụng hợp lí đất đai có ý nghĩa lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường.

b) Đặc điểm vốn đất của nước ta

- Nước ta đất hẹp người đông. Diện tích đất tự nhiên bình quân là 0,4 ha/người, chỉ bằng 1/6 mức bình quân của thế giới.


- Cơ cấu đất đai không hợp lí và đang diễn biến phức tạp :


+ Đất nông nghiệp chỉ chiếm 28,6% với độ 9,4 triệu ha, là một tỉ lệ thấp, nhất là trong điều kiện một nước nông nghiệp như chúng ta. Khả năng mở rộng lại không còn nhiều trong khi lại phải chuyển một phần sang đất chuyên dùng và thổ cư.


+ Đất lâm nghiệp chiếm 36,6% là một tỉ lệ thấp chưa đủ đảm bảo cân bằng môi trường sinh thái nhất là trong điều kiện địa hình 3/4 là đồi núi với khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa. Đất lâm nghiệp cũng có xu hướng giảm do rừng trồng không bù đắp được cho rừng bị phá.


+ Đất chuyên dùng, thổ cư chiếm 6,3%, đang có xu hướng tăng nhanh do dân số tăng, đô thị hoá phát triển.


+ Đất chưa sử dụng còn chiếm tỉ lệ lớn (28,5%).


- Vốn đất đai có sự khác biệt lớn giữa các vùng về quy mô, tính chất, cơ cấu, bình quân… .Vì vậy, mỗi vùng phải có chính sách sử dụng hợp lí riêng.


2. Vấn đề sử dụng đất nông nghiệp


Đất nông nghiệp chiếm 28,6% diện tích tự nhiên với 9,4 triệu ha, chia làm 5 loại chính (đất trồng cây hằng năm, đất trồng cây lâu năm, đất vườn tạp, đồng cỏ chăn nuôi và diện tích mặt nước để nuôi trồng thuỷ sản), phân bố chủ yếu trên hai địa bàn là đồng bằng và miền núi trung du.


a) Đất ở đồng bằng


- Đất đồng bằng chiếm 1/4 diện tích, chủ yếu là đất phù sa, phân bố chủ yếu trên 3 đồng bằng.


- Đất đồng bằng rất thích hợp cho trồng cây ngắn ngày (chiếm 3/4 diện tích), đặc biệt là lúa và nuôi trồng thuỷ sản.


- Tuy là đất đồng bằng nhưng ở mỗi đồng bằng lại có những vấn đề sử dụng đất riêng phù hợp với đặc điểm đất đai.


* Ở Đồng bằng sông Hồng


- Đặc điểm :


+ Bị sức ép của dân số lên sử dụng đất, đất nông nghiệp bình quân thấp nhất nước (0,05 ha/người).


+ Khả năng mở rộng không còn nhiều (chỉ một phần rất nhỏ trong số 17 vạn ha).


+ Diện tích mặt nước còn nhiều.


- Biện pháp sử dụng hợp lí :


+ Đẩy mạnh thâm canh hơn nữa trên cơ sở thay đổi cơ cấu mùa vụ, đẩy mạnh phát triển vụ đông.


+ Tận dụng mặt nước để nuôi trồng thuỷ sản.


+ Có quy hoạch khi chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp.


* Ở Đồng bằng sông Cửu Long


- Đặc điểm :


+ Có quy mô lớn (gấp 4 lần Đồng bằng sông Hồng), bình quân cao (0,18 ha/người).


+ Khả năng mở rộng diện tích còn rất lớn.


+ Diện tích mặt nước rất nhiều.


- Biện pháp sử dụng hợp lí :


+ Đẩy mạnh thâm canh kết hợp với mở rộng diện tích (cải tạo, khai hoang kết hợp với tăng hệ số sử dụng).


+ Khai thác mạnh diện tích mặt nước phát triển nuôi trồng thuỷ sản.


+ Thay đổi cơ cấu mùa vụ, đa dạng hoá cơ cấu cây trồng.


* Ở Đồng bằng Duyên hải miền Trung


- Đặc điểm :


+ Đất hẹp, kém màu mỡ, bị chia cắt.


+ Bị tác động thường xuyên bởi thiên tai (hạn hán, lũ lụt, cát bay…).


- Biện pháp sử dụng hợp lí :


+ Thay đổi cơ cấu mùa vụ.


+ Trồng rừng phi lao (B.Trung Bộ), xây dựng các công trình thuỷ lợi (N.Trung Bộ).


+ Sử dụng đất cát ven biển để nuôi trồng thuỷ sản (đặc biệt là tôm).


b) Đất ở miền núi trung du


- Đặc điểm :


+ Chiếm 3/4 diện tích, chủ yếu là đất phe-ra-lit, thích hợp cho cây công nghiệp lâu năm, rừng cây và đồng cỏ chăn nuôi.


+ Đất dốc dễ bị xói mòn, khó làm thuỷ lợi, cơ giới hoá.


- Biện pháp :


+ Bảo vệ vốn rừng.


+ Những vùng có điều kiện tưới nước thì đẩy mạnh phát triển cây lương thực.


+ Phát triển cây công nghiệp, chăn nuôi gia súc lớn kết hợp với CNCB’.


+ Tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng (giao thông, thuỷ lợi, CNCB’…).



2. PHÁT TRIỂN NỀN NÔNG NGHIỆP NHIỆT ĐỚI


KIẾN THỨC CƠ BẢN

1. Đặc điểm của nền nông nghiệp nhiệt đới


a) Điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên cho phép nước ta phát triển một nền nông nghiệp nhiệt đới
Nông nghiệp nhiệt đới được thể hiện rõ :


- Hoạt động nông nghiệp có thể thực hiện suốt năm.


- Sản phẩm nhiệt đới chiếm ưu thế tuyệt đối trong cơ cấu sản phẩm nông nghiệp.


- Có thể thực hiện các biện pháp tích cực trong nông nghiệp như luân canh, xen canh, tăng vụ, gối vụ.


- Cơ cấu mùa vụ và cơ cấu sản phẩm thay đổi theo sự phân hoá của khí hậu (theo mùa, theo độ vĩ và độ cao).


- Các hệ thống canh tác khác nhau giữa các vùng phụ thuộc vào sự phân hoá của địa hình và đất đai.


- Sự bấp bênh của nông nghiệp tăng lên do tính chất nhiệt đới ẩm gió mùa của khí hậu.


b) Nền nông nghiệp nhiệt đới ngày càng được khai thác có hiệu quả


- Các tập đoàn cây con được phân bố phù hợp hơn với các vùng sinh thái nông nghiệp (các vùng chuyên canh).


- Cơ cấu mùa vụ có những thay đổi quan trọng với các giống ngắn ngày, các giống chịu hạn, chịu sâu bệnh.


- Tính mùa vụ được khai thác tốt hơn nhờ công tác vận tải, chế biến, bảo quản.


- Việc đẩy mạnh xuất khẩu nông sản nhiệt đới sang các vùng có độ vĩ lớn hơn.


2. Phát triển nền nông nghiệp hiện đại sản xuất hàng hoá góp phần nâng cao hiệu quả của nông nghiệp nhiệt đới

Nông nghiệp nước ta đang song hành tồn tại hai nền nông nghiệp : Nông nghiệp cổ truyền và nông nghiệp sản xuất hàng hoá.


a) Nông nghiệp cổ truyền


- Sản xuất nhỏ, công cụ thủ công, sử dụng nhiều sức người, năng suất thấp.


- Sản xuất nhỏ, manh mún, mang tính tự cấp tự túc.


- Tồn tại ở những vùng mà điều kiện còn nhiều khó khăn.


- Đang ngày càng bị thu hẹp.


b) Nông nghiệp sản xuất hàng hoá


- Sản xuất lớn, thâm canh, sử dụng nhiều máy móc vật tư, năng suất cao.


- Sản phẩm là hàng hoá giao lưu trên thị trường nên gắn chặt với thị trường.


- Người nông dân không những quan tâm đến sản lượng mà quan tâm nhiều hơn đến hiệu quả sản xuất.


- Phát triển ở những vùng có điều kiện thuận lợi, ngày càng mở rộng phát triển.


3. Kinh tế nông thôn đang có sự chuyển dịch


a) Hoạt động nông nghiệp là bộ phận chính của kinh tế nông thôn


- Kinh tế nông thôn dựa chủ yếu vào hoạt động nông lâm ngư nghiệp.


- Hoạt động phi nông nghiệp có xu hướng tăng dần trong cơ cấu kinh tế nông thôn.


b) Hiện nay kinh tế nông thôn bao gồm nhiều thành phần

- Các doanh nghiệp nông, lâm, thuỷ sản.


- Các hợp tác xã nông, lâm, thuỷ sản.


- Kinh tế hộ gia đình.


- Kinh tế trang trại.


c) Kinh tế nông thôn đang có sự chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hoá và đa dạng hoá, trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa


- Nông nghiệp đang được chuyên môn hoá với việc hình thành các vùng chuyên canh, phục vụ xuất khẩu.


- Nông nghiệp hiện đang ngày càng gắn với công nghiệp chế biến, ngày càng được cơ giới hoá.


- Đa dạng hoá kinh tế nông thôn cho phép khai thác tốt hơn tài nguyên, lao động và đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường.



3. CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU NÔNG NGHIỆP


KIẾN THỨC CƠ BẢN

1. Ngành trồng trọt


Gồm 3 bộ phận và chiếm 75% giá trị sản xuất nông nghiệp.


a) Sản xuất lương thực


- Đẩy mạnh sản xuất lương thực có tầm quan trọng đặc biệt đối với nước ta :


+ Đảm bảo nhu cầu lương thực cho một dân số đông tăng nhanh.


+ Cung cấp thức ăn cho chăn nuôi, cung cấp hàng xuất khẩu.


+ Bảo đảm an ninh lương thực trong điều kiện thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai.


+ Cơ sở để đa dạng hoá các hoạt động nông nghiệp.


- Nước ta có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển cây lương thực nhưng cũng phải khắc phục nhiều trở ngại.


- Sản xuất lương thực của nước ta có những đặc điểm chủ yếu :


+ Diện tích gieo trồng cây lương thực tăng nhanh : Từ 6 triệu ha (1980) lên 8,37 triệu ha (2005), trong đó diện tích lúa tăng từ 5,6 triệu ha lên 7,33 triệu ha.


+ Cơ cấu mùa vụ có nhiều thay đổi phù hợp với điều kiện canh tác của các địa phương. Vụ đông xuân và hè thu đang trở thành vụ chính.


+ Năng suất lúa đã tăng nhanh từ 21 tạ/ha (1980) lên 48,9 tạ/ha (2005) nhờ áp dụng rộng rãi các biện pháp thâm canh đặc biệt là việc đưa các giống mới vào canh tác và trình độ nông dân đã được nâng cao.


+ Sản lượng lương thực đã tăng từ 13,5 triệu tấn (1980) lên 39,55 triệu tấn (2005) trong đó lúa tăng từ 11,6 triệu tấn lên 35,8 triệu tấn.


+ Từ chỗ sản xuất không đủ dùng đến nay nước ta đã trở thành quốc gia đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu gạo (mỗi năm vào khoảng 4,5 triệu tấn). Bình quân lương thực đầu người đã đạt 475,8 kg/người/năm (2005).


+ Các loại màu lương thực đã trở thành các cây hàng hoá.


+ Đồng bằng sông Cửu Long là vùng trọng điểm số 1 về lương thực với sản lượng trên 19,4 triệu tấn (49,1%), tiếp theo là Đồng bằng sông Hồng với 6,53 triệu tấn (16,5%).


b) Sản xuất cây công nghiệp


- Sản xuất cây công nghiệp ngày càng có vai trò quan trọng, phát triển nhanh trong những năm qua.


- Sản xuất cây công nghiệp có những đặc điểm :


+ Diện tích cây công nghiệp đã tăng từ 627,7 nghìn ha (1980) lên trên 2400 nghìn ha (2005) trong đó cây công nghiệp lâu năm tăng rất nhanh và chiếm hơn 65%.


+ Sản phẩm cây công nghiệp ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu. Nhiều sản phẩm cây công nghiệp xếp vị thứ cao trong nông sản xuất khẩu của thế giới như cà phê, tiêu, điều, cao su, dừa…


+ Đã hình thành các vùng chuyên canh cây công nghiệp có quy mô lớn. Đông Nam Bộ là vùng chuyên canh cây công nghiệp lớn nhất nước, tiếp theo là Tây Nguyên, Trung du và miền núi Bắc Bộ.


+ Các cây công nghiệp chủ yếu của nước ta : Về cây công nghiệp lâu năm có cà phê, cao su, hồ tiêu, điều, dừa, chè…; cây công nghiệp hằng năm có mía, lạc, đậu tương, bông, đay, cói, thuốc lá…


c) Cây ăn quả và cây thực phẩm


- Các loại rau đậu được trồng nhiều ở ven các thành phố lớn. Diện tích trồng rau các loại trên 500 000 ha, đậu trên 300 000 ha.


- Cây ăn quả phát triển nhanh, tập trung chủ yếu ở Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ.


2. Ngành chăn nuôi


- Chăn nuôi ngày càng chiếm tỉ trọng cao trong cơ cấu giá trị sản lượng nông nghiệp (tăng từ 17,9% năm 1990 lên 23,4% năm 2005). Sản phẩm không qua giết mổ ngày càng chiếm tỉ trọng cao.


- Cơ sở vật chất kĩ thuật cho chăn nuôi ngày càng được tăng cường, đặc biệt là nguồn thức ăn ngày càng được đảm bảo tốt hơn.


- Đàn lợn đạt 27,4 triệu con, cung cấp 3/4 nguồn thịt (Đồng bằng sông Hồng 7,4 triệu, Trung du và miền núi Bắc Bộ 5,7 triệu, Duyên hải miền Trung 6,1 triệu, Đồng bằng sông Cửu Long 3,8 triệu). Đàn trâu 2,92 triệu, bò 5,54 triệu (Trung du và miền núi Bắc Bộ, Duyên hải miền Trung). Đàn gia cầm 219,9 triệu (Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long) (2005).


- Sản lượng thịt các loại đã đạt 2,82 triệu tấn, sữa tươi 197679 tấn, trứng 3948,5 triệu quả.


- Những hạn chế chủ yếu của chăn nuôi nước ta là : Giống gia súc gia cầm có chất lượng chưa cao năng suất thấp, dịch bệnh dễ phát sinh lây lan, cơ sở hạ tầng thiếu…



4. VẤN ĐỀ PHÁT TRIỂN THUỶ SẢN VÀ LÂM NGHIỆP


KIẾN THỨC CƠ BẢN

1. Ngành thuỷ sản


a) Những thuận lợi, khó khăn để phát triển


- Có bờ biển dài 3260 km với nhiều vũng, vịnh, đầm, phá, bãi triều, cánh rừng ngập mặn thuận lợi cho nuôi trồng.


- Có vùng đặc quyền kinh tế trên 1 triệu km² với nhiều ngư trường lớn.


- Có tài nguyên sinh vật biển phong phú : 2000 loài cá, 1647 loài giáp xát, 2500 loài nhuyễn thể, 70 loài tôm, 600 loài rong biển… Nhiều loài có giá trị kinh tế cao. Trữ lượng lên đến 4 triệu tấn, có thể khai thác hằng năm 1,5 – 2,0 triệu tấn.


- Có hệ thống hồ, ao, sông ngòi, kênh rạch với hơn 850 000 ha đã được khai thác để nuôi thuỷ sản nước ngọt.


- Nhân dân ta có truyền thống kinh nghiệm trong việc nuôi trồng và đánh bắt thuỷ sản. Cơ sở vật chất đang được tăng cường, hiện đại hoá.


- Nhu cầu thị trường ngày càng tăng cả trong lẫn ngoài nước (dân số đông, cơ sở chế biến phát triển, xuất khẩu tăng).


- Chính sách khuyến nông, khuyến ngư của Nhà nước.


- Bão và gió mùa đông bắc, thiếu vốn và kĩ thuật, cơ sở hạ tầng yếu, nguồn lợi thuỷ sản bị suy thoái là những khó khăn chính cần khắc phục.


b) Sự phát triển và phân bố


- Sản lượng thuỷ sản đã đạt 3,43 triệu tấn (khai thác 2,0 triệu, nuôi trồng 1,43 triệu). Bình quân đầu người đạt trên 40 kg (2005). Giá trị sản xuất đạt 38590,9 tỉ đồng.


- Nuôi trồng ngày càng chiếm tỉ trọng cao trong cơ cấu sản lượng và giá trị.


- Sản lượng hải sản đạt 1,8 triệu tấn trong đó cá đạt 1,34 triệu tấn.


- Tất cả các tỉnh ven biển đều có ngành khai thác phát triển đặc biệt phát triển mạnh ở Duyên hải Nam Trung Bộ và Nam Bộ (Đồng bằng sông Cửu Long 0,86 triệu tấn).


Năm 2005 : Đông Nam Bộ 0,419 triệu tấn, Nam Trung Bộ 0,38 triệu tấn.


- Bốn tỉnh có sản lượng khai thác lớn nhất nước là : Kiên Giang (0,31 triệu tấn), Bà Rịa - Vũng Tàu (0,20 triệu tấn), Bình Thuận (0,15 triệu tấn), Cà Mau (0,14 triệu tấn).


- Nuôi trồng ngày càng có vai trò quan trọng, đặc biệt là nuôi cá và tôm. Sản lượng tôm nuôi là 330 164 tấn, trong đó Đồng bằng sông Cửu Long chiếm 270 652 tấn, nhiều nhất là tại Cà Mau (83 860 tấn), Bạc Liêu (63 616 tấn), Sóc Trăng (42837 tấn), Bến Tre (24 908 tấn). Cá nuôi đạt 933 493 tấn, trong đó Đồng bằng sông Cửu Long chiếm 628 188 tấn, nhiều nhất là tại An Giang (170 000 tấn), Đồng Tháp (110 000 tấn).


- Thuỷ sản trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta. Năm 2005, xuất khẩu thuỷ sản đạt 2738,7 triệu USD.


2. Ngành lâm nghiệp


a) Lâm nghiệp có vai trò quan trọng về kinh tế và môi trường

- Rừng cung cấp gỗ, lâm sản cho các ngành công nghiệp chế biến.


- Rừng giữ đất, giữ nguồn nước ngầm, điều hoà dòng chảy sông ngòi, bảo vệ đa dạng sinh học, ngăn gió bão, ngăn sự di chuyển cồn cát duyên hải…


- Rừng có mặt khắp nơi có liên quan đến tất cả các vùng.


b) Tài nguyên rừng rất giàu có nhưng bị suy thoái nhiều


- Tổng diện tích rừng là 12,418 triệu ha trong đó rừng tự nhiên 9,53 triệu ha, rừng trồng gần 2,9 triệu ha.

- Rừng được chia làm 3 loại : Rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng sản xuất.

c) Sự phát triển và phân bố lâm nghiệp

- Năm 2005, nước ta khai thác 2703 nghìn m3 gỗ các loại.


- Cả nước có 2 nhà máy giấy lớn là Bãi Bằng (Phú Thọ ) và Tân Mai (Đồng Nai).


- Ngành khai thác chế biến gỗ, sản xuất đồ gỗ phát triển ở nhiều nơi.


- Giá trị sản xuất lâm nghiệp năm 2005 đạt trên 6300 tỉ đồng.



5. TỔ CHỨC LÃNH THỔ NÔNG NGHIỆP


KIẾN THỨC CƠ BẢN

1. Các nhân tố tác động tới tổ chức lãnh thổ nông nghiệp ở nước ta


- Các nhân tố về ĐKTN & TNTN tạo ra cái nền cho sự phân hoá.


- Các nhân tố về kinh tế - xã hội tác động làm sâu sắc thêm sự phân hoá.


2. Các vùng nông nghiệp của nước ta


Có thể chia làm 7 vùng nông nghiệp và công nghiệp chế biến :


a) Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ


- Là vùng núi, cao nguyên, đồi thấp, có đất đỏ vàng, đất xám phù sa, khí hậu có mùa đông lạnh.


- Dân cư có truyền thống kinh nghiệm trong sản xuất, cơ sở hạ tầng và điều kiện giao thông không đều giữa trung du và miền núi.


- Trình độ thâm canh còn thấp, riêng ở trung du đang được nâng lên.


- Sản phẩm chính là chè, cây ăn quả cận nhiệt, cây dược liệu, lạc, đậu tương, thuốc lá, trâu, bò, ngựa, lợn.


b) Đồng bằng sông Hồng


- Đồng bằng châu thổ đất phù sa, nhiều sông, tiếp giáp biển, khí hậu có một mùa đông lạnh.


- Dân số đông, truyền thống kinh nghiệm lâu đời, cơ sở hạ tầng tốt, nhiều cơ sở CB’.


- Trình độ thâm canh khá cao.


- Sản phẩm chính : Lúa cao sản, rau quả cận nhiệt, đay, cói, lợn, gia cầm, thuỷ sản.


c) Bắc Trung Bộ


- Đồng bằng ven biển, đồi núi thấp, đất phù sa, đất phe-ra-lit, nhiều thiên tai.


- Dấn số đông, cần cù, cơ sở hạ tầng còn yếu.


- Trình độ thâm canh còn hơi yếu.


- Sản phẩm chính : Lúa gạo, lạc, mía, cao su, cà phê, trâu, bò, lợn, thuỷ sản.


d) Duyên hải Nam Trung Bộ


- Đồng bằng duyên hải hẹp, đất cát pha, tài nguyên biển phong phú.


- Có dân số đông, cơ sở hạ tầng khá.


- Trình độ thâm canh khá.


- Sản phẩm chính : Lúa gạo, mía, thuốc lá, dừa, bò, thuỷ sản.


đ) Tây Nguyên


- Các cao nguyên ba dan có độ cao từ 500 - 1500 m, khí hậu có hai mùa mưa, khô đối lập, phân hoá theo độ cao, mùa khô thiếu nước.


- Dân cư thưa thớt, tập quán canh tác lạc hậu, cơ sở hạ tầng yếu.


- Trình độ thâm canh không đều : 2 khu vực đối lập.


- Sản phẩm chính : Cà phê, cao su, chè, dâu tằm, điều, tiêu, bò.


e) Đông Nam Bộ


- Đồng bằng và sườn đồi ba dan lượn sóng, đất ba dan và đất xám, khí hậu có hai mùa mưa, khô đối lập.


- Dân cư đông, giàu truyền thống, chất lượng lao động cao, cơ sở hạ tầng rất tốt, nhiều cơ sở chế biến.


- Trình độ thâm canh rất cao.


- Sản phẩm chính : Cao su, cà phê, điều, mía, thuốc lá, đậu tương, cây ăn quả, bò sữa, thuỷ sản.


g) Đồng bằng sông Cửu Long


- Đồng bằng châu thổ rộng, đất phù sa màu mỡ, rừng ngập mặn.


- Dân số đông, giàu kinh nghiệm, cơ sở hạ tầng tương đối.


- Trình độ thâm canh cao.


- Sản phẩm chính : Lúa gạo, thuỷ sản, cây ăn quả, lợn, vịt, cói, mía.


3. Những thay đổi trong phân hoá lãnh thổ nông nghiệp

a) Trong các năm qua thay đổi theo hai xu hướng :


- Tăng cường chuyên môn hoá sản xuất (hình thành các vùng chuyên canh).


- Đẩy mạnh đa dạng hoá sản phẩm và đa dạng hoá nông thôn.


b) Kinh tế trang trại phát triển, góp phần thúc đẩy nông nghiệp tiến lên SX lớn


- Năm 2005 cả nước có 119586 trang trại, nhiều nhất là Đồng bằng sông Cửu Long (57448), Đông Nam Bộ (22537), Trung du và miền núi Bắc Bộ (11332).


- Có 4 loại trang trại : Trồng cây hằng năm, trồng cây lâu năm, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản. Loại nuôi trồng thuỷ sản nhiều nhất (35648), tiếp đến là trồng cây hằng năm (34224).


(Theo Nguyễn Hoà, ĐH Đà Nẵng)
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top