• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Đề cương bài giảng Địa lý KTXH Việt Nam: Tổ chức lãnh thổ công nghiệp

Chị Lan

New member
TỔ CHỨC LÃNH THỔ CÔNG NGHIỆP

1. CƠ CẤU NGÀNH CÔNG NGHIỆP

KIẾN THỨC CƠ BẢN

1. Cơ cấu công nghiệp theo ngành


- Cơ cấu ngành công nghiệp là sự kết hợp giữa các ngành công nghiệp thành một tổng thể công nghiệp. Được biểu hiện ở 3 yếu tố :


+ Số lượng các ngành trong toàn hệ thống.


+ Tỉ trọng từng ngành (nhóm ngành) trong tổng giá trị sản lượng công nghiệp.


+ Mối quan hệ giữa các ngành.


- Cơ cấu ngành công nghiệp của nước ta khá đa dạng :


+ Theo Tổng cục Thống kê (1994) thì công nghiệp nước ta có 19 ngành, chia thành 4 nhóm ngành :


Công nghiệp năng lượng: Khai thác nguyên, nhiên liệu (than, dầu khí) và điện lực.


Công nghiệp vật liệu: Vật liệu xây dựng, hoá chất và luyện kim.


Công nghiệp sản xuất công cụ lao động: Cơ khí và điện tử.


Công nghiệp nhẹ: Sản xuất hàng tiêu dùng và chế biến thực phẩm.


+ Theo cách phân loại hiện nay, thì công nghiệp nước ta có 29 ngành, chia thành 3 nhóm: Công nghiệp khai thác (4 ngành); công nghiệp chế biến (23 ngành); công nghiệp sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước (2 ngành)


+ Trong cơ cấu ngành hiện nay đã nổi lên một số ngành trọng điểm đó là các ngành: Năng lượng, chế biến thực phẩm, dệt may, hoá chất - phân bón - cao su, vật liệu xây dựng, cơ khí - điện tử.


- Cơ cấu ngành công nghiệp nước ta đang có sự chuyển dịch nhằm thích nghi với tình hình mới, hội nhập vào nền kinh tế thế giới và khu vực:


+ Giai đoạn đầu của quá trình CNH’, các ngành công nghiệp nhóm B có nhiều lợi thế, được chú trọng phát triển nên tăng dần tỉ trọng, nhưng bước vào thập niên 90 của thế kỉ XX các ngành công nghiệp nhóm A được quan tâm đầu tư nên tỉ trọng tăng dần.


+ Từ sự thay đổi cơ cấu nhóm ngành nên cơ cấu sản phẩm cũng thay đổi.


- Cơ cấu ngành công nghiệp đang được tiếp tục hoàn thiện theo hướng sau :


+ Xây dựng cơ cấu công nghiệp tương đối linh hoạt để thích nghi với cơ chế thị trường và tình hình thế giới.


+ Đẩy mạnh các ngành thực phẩm, sản xuất hàng tiêu dùng, khai thác và chế biến dầu khí. Đưa công nghiệp điện năng đi trước một bước.


+ Đầu tư theo bề sâu, đổi mới trang thiết bị và công nghệ hiện đại để nâng cao chất lượng sản phẩm.


2. Cơ cấu công nghiệp theo lãnh thổ


a) Công nghiệp nước ta có sự phân hoá về mặt lãnh thổ


Công nghiệp tập trung chủ yếu ở một số khu vực :


- Ở Bắc Bộ : Đồng bằng sông Hồng và vùng phụ cận là khu vực có mức độ tập trung cao nhất nước. Từ Hà Nội, công nghiệp toả ra theo 6 hướng dọc theo các tuyến giao thông huyết mạch.


+ Hà Nội - Hải Dương - Hải Phòng - Hạ Long (VLXD, cơ khí, năng lượng).


+ Hà Nội - Đáp Cầu - Bắc Giang (vật liệu xây dựng, hóa chất).


+ Hà Nội - Đông Anh - Thái Nguyên (luyện kim, cơ khí).


+ Hà Nội - Việt trì - Lâm Thao - Phú Thọ (hóa chất, dệt, giấy).


+ Hà Nội - Hà Đông - Hoà Bình (năng lượng).


+ Hà Nội - Nam Định - Ninh Bình - Thanh Hoá (dệt, may, VLXD, năng lượng).


- Ở Nam Bộ : Hình thành một dải công nghiệp với những trung tâm lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Biên Hoà, Vũng Tàu và gần đây là Bình Dương.


- Ở Duyên hải miền Trung : Mức độ tập trung thấp hơn, có các trung tâm Đà Nẵng, Vinh, Nha Trang.

Hiện nay, Đông Nam Bộ là vùng công nghiệp số 1 của cả nước, chiếm gần 50% tổng giá trị sản lượng công nghiệp.

b) Nguyên nhân


Sự phân hoá lãnh thổ công nghiệp là kết quả tác động của hàng loạt nhân tố trong đó nổi bật là : Vị trí địa lí, tài nguyên thiên nhiên, dân cư lao động và cơ sở hạ tầng.


3. Cơ cấu công nghiệp theo thành phần kinh tế

- Công nghiệp nước ta có nhiều thành phần tham gia :


+ Khu vực trong nước gồm : Quốc doanh (trung ương, địa phương) và ngoài quốc doanh (tập thể, cá thể, tư nhân, hỗn hợp).


+ Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.


- Xu hướng chung hiện nay là giảm tỉ trọng khu vực quốc doanh, tăng tỉ trọng khu vực ngoài quốc doanh đặt biệt là khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.



2. CÔNG NGHIỆP NĂNG LƯỢNG


KIẾN THỨC CƠ BẢN

1. Vai trò của công nghiệp năng lượng


- Là cơ sở động lực cho các ngành kinh tế khác nên có liên quan tác động đến toàn bộ nền kinh tế.


- Là cơ sở để thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá.


- Là ngành được ưu tiên đi trước một bước các ngành khác.


- Chiếm tỉ lệ lớn vốn đầu tư xây dựng cơ bản và giá trị sản lượng công nghiệp.


2. Công nghiệp khai thác nguyên, nhiên liệu


a) Công nghiệp khai thác than


- Nước ta có nhiều than tổng trữ lượng khoảng 7 tỉ tấn, gồm 4 loại than antraxit, than mỡ, than nâu và than bùn. Than có chất lượng tốt, nằm tập trung, dễ khai thác.


- Than được khai thác ở Quảng Ninh (than antraxit, chiếm 90% trữ lượng), sau đó là Na Dương (Lạng Sơn), Thái Nguyên, Nông Sơn (Quảng Nam) ; than nâu ở Đồng bằng sông Hồng ; than bùn ở U Minh khai thác chưa nhiều.


- Than được khai thác từ lâu dưới 2 hình thức là lộ thiên và hầm lò.


- Hiện nay (2005) sản lượng than đã đạt 32,4 triệu tấn, trong đó xuất khẩu 18 triệu tấn, phần lớn số còn lại được cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện ở miền Bắc.


b) Khai thác dầu khí


- Nước ta có tiềm năng lớn về dầu khí, trữ lượng hàng chục tỉ tấn và trên 350 tỉ m³ khí đốt tập trung trong 5 bể trầm tích ở vùng thềm lục địa.


- Công nghiệp dầu khí là ngành còn non trẻ, tấn dầu đầu tiên đã được khai thác vào năm 1986. Cho đến nay (2005) ta đã khai thác được trên 100 triệu tấn. Sản lượng đã đạt 18,52 triệu tấn, trong đó xuất khẩu 17,96 triệu tấn.


- Cùng với dầu, khí đốt đã được khai thác để phục vụ cho các nhà máy nhiệt điện (ở vùng Đông Nam Bộ) và các cơ sở sản xuất phân bón.


- Không những khai thác, ngành hoá dầu của nước ta cũng đang được hình thành với nhà máy lọc dầu số I đang được xây dựng ở Dung Quất (Quảng Ngãi) có công suất 6,5 triệu tấn/năm (bắt đầu đi vào hoạt động 3/2009).


3. Công nghiệp điện lực

a) Nhiệt điện


- Chạy bằng than hoặc dầu, khí. Các nhà máy ở miền Bắc thường chạy bằng than trong khi các nhà máy ở miền Nam chạy bằng dầu và khí đốt.


- Chạy bằng than có các nhà máy : Phả Lại I (Hải Dương, 440 MW), Uông Bí (Quảng Ninh, 150 MW), Ninh Bình (Ninh Bình, 110 MW).


- Chạy bằng dầu có các nhà máy : Hiệp Phước (375 MW), Thủ Đức (165MW) đều ở Thành phố Hồ Chí Minh.


- Chạy bằng khí đốt có nhà máy : Phú Mỹ 1, 2, 3, 4 (Bà Rịa - Vũng Tàu, 1090 MW), Bà Rịa (Bà Rịa - Vũng Tàu, 328 MW).


b) Thuỷ điện


- Tiềm năng thuỷ điện rất lớn, công suất đạt 30 tỉ KW, có thể sản xuất hàng năm 270 tỉ KWh, tập trung nhiều nhất trên hệ thống sông Hồng (37%), sông Đồng Nai (19%).


- Thuỷ điện hiện chiếm gần 75% sản lượng điện cả nước với các nhà máy lớn : Thác Bà (sông Chảy, Yên Bái, 110 MW), Hoà Bình (sông Đà, Hoà Bình, 1920 MW), Đa Nhim (sông Đồng Nai, Lâm Đồng, 165 MW) , Y-a-li (Xê Xan, Gia Lai, 720 MW), Đa Mi - Hàm Thuận (sông La Ngà, Bình Thuận, 472 MW), Trị An (sông Đồng Nai, Đồng Nai, 400 MW), Thác Mơ (sông Bé, Bình Phước, 150 MW)…


- Hiện đang xây dựng nhiều nhà máy quan trọng : Na Hang (sông Gâm, Tuyên Quang, 313 MW), Sơn La (sông Đà, Sơn La, 2400 MW), Bản Mai (sông Cả, Nghệ An, 480 MW), A Vương (sông Thu Bồn, Quảng Nam, 300 MW), Thượng Kon Tum (Xê Xan, Kon Tum, 260 MW), Xê Xan 4 (Xê Xan, Gia Lai, 366 MW), ….


c) Mạng lưới điện


- Đường dây 500 KV nối từ Hoà Bình đến Phú Lâm (TP Hồ Chí Minh) dài 1488 km.


- Hiện nay trên 90% số xã trên cả nước đã có điện nhờ mạng lưới đường dây tải điện 350 KV, 250 KV, 35 KV.

d) Sản lượng điện

Sản lượng điện đã tăng nhanh chóng : 2,5 tỉ KWh (1975), 5,2 tỉ KWh (1985), 26,7 tỉ KWh (2000), 53,32 tỉ KWh (2005).



3. CÔNG NGHIỆP LUYỆN KIM VÀ CHẾ BIẾN KIM LOẠI



KIẾN THỨC CƠ BẢN

1. Vai trò.


Đây là ngành được coi là “bánh mì của công nghiệp”, cung cấp nguyên liệu cho nhiều các ngành chế tạo công cụ, máy móc, tàu thuỷ, máy bay, xe hơi, vật liệu xây dựng... Là động lực quan trọng để thực hiện quá trình CNH’.


2. Sự phát triển và phân bố công nghiệp luyện kim - chế biến kim loại.

▪ Về cơ sở nguồn nguyên liệu. Ngành này bao gồm 2 bộ phận:

+ Về kim loại đen: Quặng sắt: Lớn nhất Thạch Khê (554 triệu tấn). Các mỏ sắt ở Bắc Hà, Nga Mi (ở Tây Bắc) và Tòng Bá (Hà Giang), trữ lượng khoảng nhỏ. Các mỏ ở Thái Nguyên (Trại Cau, Linh Nham, Cù Vân), khai thác từ 1962. Mangan: Cao Bằng, Tuyên Quang, Nghệ An, trữ lượng rất nhỏ. Crôm ở Cổ Định -Thanh Hoá .

+ Về kim loại màu: Bôxít ở Tây Nguyên và Bắc Bộ (Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Lâm Đồng, Đắc Nông). Thiếc-Vonfram ở Tĩnh Túc (Cao Bằng), Sơn Dương (Tuyên Quang), Quỳ Hợp (Nghệ An) và Nam Trung Bộ. Đồng-Ni ken ở Bản Sang, Bản Phúc (Sơn La), Sinh Quyền (Lào Cai). Kẽm-Chì ở Chợ Điền, Chợ Đồn (Bắc Cạn). Vàng nhiều nhất ở Bồng Miêu (Q.Nam).

▪ Tình hình phát triển và phân bố.

- Ở nước ta, ngành khai thác và luyện kim đã xuất hiện từ rất sớm. Nghề luyện đồng có từ trước công nguyên. Nghề luyện sắt có cách đây 2.000 năm,

- Thời kỳ P.Kiến nghề này tiếp tục được phát triển phục vụ cho XD & BV tổ quốc.

- Thời Pháp thuộc: Năm 1903, Pháp khai thác các mỏ (thiếc Tĩnh Túc, bạc ở Ngân Sơn, đồng ở Vạn Sài, sắt ở Linh Nham, Cù Vân, vàng ở Bảo Lạc, Bồng Miêu,...). Riêng mỏ vàng ở Bồng Miêu từ 1895-1914, mỗi năm Pháp đã lấy khoảng 100 kg.

- Sau 1954, chúng ta xây dựng một số lò luyện gang và thép nhỏ ở Hà Nội, Hải Phòng, Hàm Rồng; mở rộng và hiện đại hoá khai thác thiếc ... CNLK chỉ thực sự ra đời khi chúng ta xây dựng khu LH gang thép Thái Nguyên (1962) và sau 1970, khu cán thép Gia Sàng, cơ khí nông nghiệp Sông Công đã hoà nhập vào lãnh thổ này.

- Ở miền Nam, thiếu cơ sở nguyên liệu, vì vậy chủ yếu dựa vào nguồn nguyên liệu nhập, hoặc sắt phế thải trong chiến tranh. Các hãng lớn: Vietnam Steel, Công ty Visaca, Đông Nam Á. Xuất hiện một số xưởng cán đồng từ nguyên liệu nhập, SX tôn tráng kẽm ..

- Sau 1975, đặc biệt là từ sau công cuộc đổi mới, ngành này được quan tâm và chú trọng phát triển. Việc phát triển tập trung vào một vài hướng chính sau: (1) Thăm dò, đánh giá trữ lượng, đưa vào khai thác các mỏ mới; mở rộng, hiện đại các mỏ cũ (như thiếc, crôm, bôxít, titan sa khoáng...). (2) Trang bị công nghệ, KT tiên tiến chuyển giao KT, hợp tác ĐT với nước ngoài. (3) Sắp xếp lại tổ chức, quản lý . Kết quả: nguồn tài nguyên khoáng sản được khảo sát chi tiết hơn, sản lượng và sản phẩm tăng lên. Chuẩn bị khai thác bôxít (ở Lâm Đồng), sa khoáng ti tan (Bình Định và Hà Tĩnh), sắt Thạch Khê... Nhiều cơ sở luyện thép, cán thép được nâng cấp hoặc XD mới.


4. CÔNG NGHIỆP CƠ KHÍ.

KIẾN THỨC CƠ BẢN

1. Vai trò.

Cung cấp toàn bộ trang - thiết bị phục vụ cho nền KTQD, AN-QP và đời sống nhân dân. Đảm bảo việc SX công cụ, thiết bị, máy động lực cho tất cả các ngành SX, kể cả SX HTD cho nhu cầu của XH. Vì vậy, cùng với ngành CN luyện kim, CN cơ khí được coi là ngành trung tâm-chủ đạo-then chốt trong ngành CN, là “Máy cái của nền sản xuất xã hội”.


2. Tình hình phát triển và phân bố.


▪ Sự phát triển.

- Tiền thân của ngành là các nghề thủ công tạo ra công cụ SX, các binh khí... phục vụ công cuộc dựng nước và giữ nước. ở nước ta, nghề rèn, đúc đã xuất hiện từ thời Hùng Vương (cách đây 4.000 năm), rồi đến thời kỳ đồng thau (trống đồng Ngọc Lũ).

- Dưới thời Pháp thuộc: chưa thể tạo ra được ngành cơ khí (theo đúng nghĩa của nó), chỉ đóng khung ở mức độ sửa chữa, lắp ráp một số phương tiện nhỏ như nhà máy xe lửa Gia Lâm (Hà Nội), Tràng Thi (Nghệ An), Dĩ An (phụ cận Sài Gòn), lớn nhất là sửa chữa tàu biển ở Ba Son (Sài Gòn).

- Sau 1954, ở miền Bắc: 1958 Liên Xô (cũ) giúp ta XD ở Hà Nội nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo (SX động cơ các loại), sau đó là Cơ khí công cụ số 1 (SX các máy công cụ hạng nhẹ và hạng nặng), được coi là đứa con đầu lòng của ngành CN cơ khí ở miền Bắc. Tiếp theo, một số nhà máy cơ khí chuyên ngành cũng ra đời (cơ khí thiết bị mỏ, cơ khí lâm nghiệp, cơ khí NN, cơ khí dệt...). Một số xí nghiệp quan trọng hàng đầu đã và đang phát huy tác dụng trong SX và QP gồm: (1) Nhà máy công cụ số 1 Hà Nội, (2) Cơ khí TT Cẩm Phả-Quảng Ninh, (3) Đóng tàu Hạ Long (Quảng Ninh) (4) Sửa chữa tàu viễn dương Phà Rừng - Quảng Ninh. (5) Cơ khí Sông Công (Thái Nguyên). (6) Cơ khí Trần Hưng Đạo (Hà Nội). (7) nhà máy biến thế, thiết bị lạnh (Hà Nội), (8) Nhà máy SX máy bơm nước Hải Dương.v.v.

Ở miền Nam, chủ yếu là gia công, sửa chữa, lắp ráp các thiết bị lẻ phục vụ đời sống như xe máy, máy khâu, tủ lạnh, máy thu thanh... Cơ khí chế tạo hầu như vắng mặt.


- Từ sau 1975 đến nay. Tuy có những bước thăng trầm, nhưng ngành này đã phát triển tương đối toàn diện, có sự CMH’ theo một số ngành cần thiết. Từ chỗ nặng về sửa chữa, chúng ta đã có ngành cơ khí chế tạo với trình độ phức tạp như sản xuất máy công cụ chính xác, cơ khí điện tử... có thể tự chế tạo được nhiều loại máy công cụ loại vừa và nhỏ cùng các thiết bị chuyên ngành (thiết bị điện, máy bơm các loại, máy kéo ...). Bên cạnh đó, đội ngũ thợ lắp ráp lành nghề đạt trình độ cao, đủ sức lắp ráp các máy móc, thiết bị kỹ thuật hiện đại như (thiết bị thuỷ điện-nhiệt điện, thiết bị cho các nhà máy xi măng, dàn khoan dầu khí, lắp ráp xe hơi, các thiết bị điện tử vi mạch phức tạp). Ở miền Nam, có 4 trung tâm cơ khí lần lượt được nâng cấp với trang thiết bị kĩ thuật tiên tiên là TP HCM, Biên Hòa, Đà Nẵng và Cần Thơ.

Tuy vậy, cho đến nay việc phát triển của ngành này vẫn chưa tương xứng với vai trò của nó trong nền KTQD

▪ Sự phân bố.

- Xu hướng (1) là xây dựng những trung tâm cơ khí mạnh, đóng vai trò hạt nhân trang bị KT cho một lãnh thổ nhất định (Hà Nội và TP HCM). Các Tp công nghiệp (Thái Nguyên, Hạ Long-Cẩm Phả, Hải Phòng, Đà Nẵng, Biên Hoà, Cần Thơ, Thanh Hoá, Nam Định, Vinh...) là các TT thường chỉ có 1-2 chức năng về cơ khí hoặc CMH’ sâu trong SX dựa vào thế mạnh của vùng

- Xu hướng (2) là xu hướng phát triển trải rộng đều khắp các tỉnh để phục vụ nhu cầu tại chỗ với các ngành cơ khí NN (SX thiết bị, sửa chữa); cơ khí sửa chữa phương tiện vận tải (ô tô, tàu sông) và tham gia vào SX HTD.


5. CÔNG NGHIỆP HÓA CHẤT.



KIẾN THỨC CƠ BẢN

1. Vai trò.


Đây là ngành sử dụng tổng hợp các nguồn nguyên, vật liệu tự nhiên; các phế liệu; chất thải của các ngành SX và đời sống để tạo ra nhiều sản phẩm mới mà các đặc tính của chúng nhiều khi không có trong tự nhiên. Cung cấp nguyên liệu ban đầu hoặc bán thành phẩm cho các ngành CN (đặc biệt là CN nhẹ). Với NN, CN hoá chất là đòn bẩy để thực hiện quá trình hoá học hoá đưa NN phát triển với NS cao, chất lượng sản phẩm tốt (thuốc trừ sâu, phân hoá học, thuốc kích thích tăng trưởng cho cây trồng-vật nuôi).


2. Tình hình phát triển và phân bố.


▪ Về nguồn nguyên liệu. (1) Nguồn nguyên liệu từ nguồn gốc vô cơ (khoáng sản và nguyên liệu có trên đất liền, thềm lục địa như Apatit, phôtphorit, pyrit, muối biển ...) (2) Nguồn nguyên liệu từ nguồn gốc hữu cơ (Dầu khí, thảm thực,...).

▪ Tình hình phát triển.

- Thời Pháp thuộc: chỉ có một vài xưởng ôxy và hàn hơi (Hải Phòng), SX đất đèn ở Lạng Sơn, SX thuốc nổ, SX clorat pôtát và điều chế axit axêtic (từ gỗ), xilicat alumin (từ cao lanh) phục vụ cho công nghiệp dược phẩm, SX hoá chất cơ bản như NAOH (xút) và clo ở Hải Phòng. Có 2 nhà máy nghiền phốt phát tự nhiên ở Hải Phòng và Mỹ Tho.

- Sau 1954: Ở miền Bắc: Hàng loạt các nhà máy được XD như: hóa chất cơ bản (Việt Trì, sản xuất NaOH, CL, HCL, thuốc trừ sâu, bột PVC); XN dược phẩm (Hà Nội, dược phẩm Quân đội và các địa phương). SX phân bón: phốt phát ở Vĩnh Thịnh (Lạng Sơn), Hàm Rồng (Thanh Hoá), SX phân lân nung chảy Văn Điển (Hà Nội), phân đạm (Bắc Giang), supe phốt phát Lâm Thao (Phú Thọ)... Một số cơ sở SX qui mô nhỏ và các xưởng SX axit, bột, sơn, tinh dầu.... ở địa phương

Ở miền Nam, ngành này tương đối phát triển, có nhiều cơ sở SX hoá chất cơ bản, chất dẻo, xà phòng, dược phẩm, phân bón qui mô vừa và nhỏ phân bố tập trung ở Sài Gòn, Biên Hoà - phụ cận. Riêng về SX chất dẻo với nguyên liệu nhập (có tới 30 XN), SX xà phòng và bào chế dược liệu (có 15 XN lớn).


- Sau 1975 đến nay: ngành đã được tổ chức lại và đầu tư theo chiều sâu, đổi mới thiết bị công nghệ, XD thêm một số cơ sở SX mới. Hướng SX của ngành vẫn tập trung vào SX hoá chất cơ bản, phân hoá học, hoá chất tiêu dùng.

▪ Về phân bố: Ở P.Bắc, các cơ sở CN hoá chất tập trung ở ĐBSH với 2 TT lớn: Hà Nội và Việt Trì. Ở phía Nam có 2 trung tâm lớn là TP HCM và Biên Hoà. Ở M.Trung, tuy nguồn nguyên liệu phong phú, song CN hoá chất chưa phát triển.


6. CÔNG NGHIỆP SẢN XUẤT VẬT LIỆU XÂY DỰNG


KIẾN THỨC CƠ BẢN

1. Vai trò.


Trong toàn bộ lĩnh vực XD kết cấu hạ tầng, thì VLXD có vai trò quan trọng hàng đầu. Nước ta đang trong quá trình CNH’- HĐH, việc mở rộng các TTCN, các KCX, hiện đại hoá kết cấu hạ tầng (đường sá, cầu cống, đê điều, đập nước, kho tàng, nhu cầu dân dụng thành thị-nông thôn)... Vì vậy nhu cầu về VLXD là rất lớn.

4.6.2. Tình hình phát triển và phân bố.

▪ Nguồn nguyên liệu: CNSX VLXD bao gồm SX xi măng, gạch ngói, vôi, thuỷ tinh, gốm, sứ, khai thác đá các loại, cát, sỏi,... Nhìn chung đều có ở các địa phương.

Đá vôi để SX xi măng có nhiều ở Bắc Bộ, BTBộ, ở miền Nam có ở một số nơi trữ lượng hạn chế.

Sét để SX gạch ngói có ở hầu khắp từ Bắc vào Nam. Loại có chất lượng cao thuộc trầm tích Nêôgen (Giếng Đáy, Xích Thổ - Quảng Ninh). Cao lanh ở tả ngạn S.Hồng, Quảng Ninh, Hải Dương, Nghệ - Tĩnh, Quảng Bình, Biên Hoà... Cát, sỏi có ở hầu khắp các vùng trung du, ven sông, ven biển. Cát thuỷ tinh Vân Hải (Quảng Ninh), Ba Đồn (Quảng Bình), Nam Ô (Đà Nẵng), Thuỷ Triều (Khánh Hoà). Nguồn nguyên liệu cho XD từ lâm sản (gỗ, tre, nứa...) rất phong phú.

▪ Tình hình phát triển. Ngành này xuất hiện ở nước ta cách đây hàng ngàn năm (di tích để lại là các lăng tẩm, thành quách, lâu đài như kinh đô Phong Châu, Cố Loa, Hoa Lư, đến Thăng Long, Huế... Dưới triều đại phong kiến: gạch nung đã ra đời thời nhà Lý (thế kỷ X-XII)... Thời Pháp thuộc, một số các cơ sở SX VLXD đã ra đời, đáng kể nhất là nhà máy xi măng Hải Phòng (1899). Ngoài ra, còn một vài nhà máy gạch, ngói ở ở Hà Nội, Đáp Cầu, Sài Gòn, vôi Long Thọ (Huế). Thời kỳ 1954-1975 và hiện nay: Tuy mức độ phát triển có khác nhau giữa 2 miền Nam-Bắc, song một số nhà máy cũng đã được XD ở nhiều nơi. CNSX VLXD đặc biệt khởi sắc từ sau đổi mới, phát triển với nhịp độ nhanh vào nửa đầu thập kỷ 90, khi nhu cầu về XD cơ bản tăng nhanh.

▪ Các ngành sản xuất:

- Ngành SX xi măng: năm 1985 sản lượng 1,5 triệu tấn, thì đến 1995 tăng lên 5,8 triệu tấn và năm 2005 là trên 30,0 triệu tấn (không kể các nhà máy lò đứng ở các địa phương). Các nhà máy xi măng lớn: Hải Phòng (XD từ cuối TK XIX) - đây là nhà máy xi măng đầu tiên của nước ta; xi măng Hà Tiên (1963). Sau này, hàng loạt các nhà máy mới được XD: Bỉm Sơn (I, II, III), Hoàng Thạch, Chinh Fong (Hải Phòng), Bút Sơn (Hà Nam), Sao Mai (Kiên Giang).v.v.

- Ngành SX kính phát triển mạnh dựa vào nguồn nguyên liệu dồi dào. Các xí nghiệp kính phân bố ở Hải Phòng, Hải Dương, Đáp Cầu (lớn nhất). Ở miền Nam có ở Biên Hoà và TP HCM.

- Ngành gốm-sành-sứ, các cơ sở phân bố chủ yếu ở Bát Tràng (Hà Nội), Hải Dương, Móng Cái, Đồng Nai, Sông Bé (cũ).

- Gạch chịu lửa (là loại vật liệu mới) ở Cầu Đuống, Tuyên Quang, Quảng Ninh). Bê tông đúc sẵn ở Xuân Mai, Việt Trì; gạch men, đá ốp lát, tấm lợp ở nhiều nơi.

c. Các vùng SXVLXD.

▪ Vùng SXVLXD Bắc Bộ (từ Thanh Hoá trở ra): vùng này tập trung hàng loạt các nhà máy xi măng, gạch công nghiệp, gốm ceramic và sứ vệ sinh dựa vào nguồn nguyên liệu tại chỗ phong phú. Thị trường tiêu thụ rộng, là vùng SXVLXD lớn nhất cả nước.

- Về SX xi măng, có 11 nhà máy (Hải Phòng; Tràng Kênh - Chinh Fong; Hoàng Thạch (I, II); Phúc Sơn; 3 nhà máy của Quảng Ninh (Lang Bang A, B và Hạ Long); Bút Sơn I, II; Tam Điệp; Bỉm Sơn I, II, III; Nghi Sơn.

- Các loại vật liệu khác như gạch, gốm ceramic, sứ vệ sinh, kính XD ở Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hải Dương, Thái Bình. Lớn nhất là nhà máy gạch Giếng Đáy (Quảng Ninh) công suất 3,0 - 4,5 tỉ viên/năm và XN kính Đáp Cầu 28 triệu m2/năm.

▪ Vùng SXVLXD Trung Bộ (Nghệ An – Bình Thuận): Về nguồn nguyên liệu, thế mạnh lớn nhất là cát thuỷ tinh. Về SX xi măng, chỉ có xi măng Hoàng Mai (Nghệ An) là lớn nhất, tiếp đến là Thành Mỹ (Đà Nẵng) và Vân Xa (T-T- Huế). Gạch men ceramic và sứ vệ sinh có ở Đà Nẵng, Huế.

▪ Vùng SXVLXD Nam Bộ.

- Về xi măng: Từ chỗ có 2 cơ sở cũ SX clanhke và nghiền xi măng ở cách xa nhau, từ Hà Tiên (Kiên Giang) về Thủ Đức (TP HCM), vùng nâng cấp các nhà máy cũ và XD thêm một số nhà máy mới: mở rộng nhà máy Kiên Lương 1 (từ 1,0 triệu tấn lên 1,3 triệu tấn/năm), XD mới nhà máy xi măng Sao Mai (Kiên Giang) công suất 1,76 triệu tấn/năm

- SX gạch, gốm, sứ vệ sinh, dựa vào nguồn nguyên liệu tại chỗ, kết hợp với việc du nhập kĩ thuật, vùng có một số cơ sở SX gạch gốm, sứ vệ sinh và phân bố chủ yếu ở TP HCM, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Long An, Cần Thơ .


7. CÔNG NGHIỆP CHẾ BIẾN NÔNG - LÂM - THUỶ SẢN

KIẾN THỨC CƠ BẢN

1. Công nghiệp chế biến lương thực thực phẩm


- Hiện nay đang là ngành công nghiệp trọng điểm, có mối quan hệ mật thiết với nông nghiệp và chia làm 3 ngành.


- Nước ta có nhiều thế mạnh để phát triển ngành này : Nguồn nguyên liệu tại chỗ dồi dào, thị trường tiêu thụ lớn cả trong và ngoài nước.


- Sự phân bố các cơ sở sản xuất mang tính quy luật : Các cơ sở sơ chế thường gắn với vùng nguyên liệu, các cơ sở chế biến thành phẩm thường gắn với thị trường.


a) Công nghiệp chế biến sản phẩm trồng trọt


- Công nghiệp xay xát : Phát triển nhanh, phân bố rộng, nhiều nhất là các vùng trọng điểm lương thực, các thành phố có thị trường lớn và phục vụ xuất khẩu. Sản lượng gạo ngô xay xát là 29,62 triệu tấn.


- Công nghiệp đường mía phát triển từ lâu, phát triển mạnh, gồm nhiều cơ sở thủ công và các nhà máy lớn. Các nhà máy quan trọng : Lam Sơn (Bắc Trung Bộ) Quảng Ngãi (Nam Trung Bộ), Bình Dương, La Ngà, Tây Ninh (Đông Nam Bộ), Hiệp Hoà, Long An (Đồng bằng sông Cửu Long). Sản lượng đường đạt 2 276 900 tấn.


- Công nghiệp chế biến chè, cà phê, thuốc lá phát triển mạnh trong những năm gần đây. Chè được chế biến ở Tây Nguyên (Lâm Đồng, Gia Lai), Trung du và miền núi Bắc Bộ (Thái Nguyên, Phú Thọ, Tuyên Quang, Yên Bái…), sản lượng khoảng 128 nghìn tấn. Cà phê chế biến ở Tây Nguyên, Đông Nam Bộ. Thuốc lá chế biến chủ yếu ở Đông Nam Bộ, sản lượng khoảng 4,43 tỉ bao.


- Công nghiệp rượu, bia, nước ngọt sản xuất chủ yếu ở các thành phố lớn. Sản lượng rượu 158 triệu lít, bia 1427 triệu lít.


b) Chế biến sản phẩm chăn nuôi


- Chưa phát triển mạnh vì ngành chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi để lấy thịt, sữa chưa nhiều.


- Chăn nuôi bò sữa phát triển ở Đức Trọng (Lâm Đồng), Mộc Châu (Sơn La), ven các thành phố lớn (Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh). Ngành chế biến sữa, bơ, pho mát phát triển chủ yếu ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Sản lượng sữa hộp là 365,4 triệu hộp.


c) Chế biến thuỷ hải sản


- Nghề làm nước mắm phát triển ở Cát Hải (Hải Phòng), Phan Thiết (Bình Thuận), Phú Quốc (Kiên Giang). Sản lượng 227 triệu lít.


- Làm muối phát triển ở Văn Lí (Nam Định), Sa Huỳnh (Quảng Ngãi), Cà Ná (Ninh Thuận). Sản lượng 925 nghìn tấn.


- Ngành đông lạnh phát triển nhanh chủ yếu phục vụ xuất khẩu, ngành đồ hộp phát triển ở Hải Phòng và Thành phố Hồ Chí Minh.


2. Công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản


- Bao gồm nhiều phân ngành như cưa xẻ, chế biến, đồ gỗ, mây tre, bột giấy.


- Các cơ sở chế biến gỗ và lâm sản tập trung ở Tây Nguyên (Plây-cu, Buôn Ma Thuột, Gia Nghĩa), Bắc Trung Bộ (Thanh Hoá, Hà Tĩnh, Vinh). Sản lượng gỗ xẻ là 3,1 triệu m3,



8. CÔNG NGHIỆP SẢN XUẤT HÀNG TIÊU DÙNG


KIẾN THỨC CƠ BẢN

1. Đặc điểm


- Công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng hiện là ngành công nghiệp trọng điểm, tạo ra nhiều hàng hoá phục vụ cho nhu cầu đời sống của người dân, góp phần nâng cao đời sống và phục vụ xuất khẩu.


- Nước ta có điều kiện thuận lợi để phát triển công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng vì có nguồn lao động dồi dào, khéo tay, lương thấp và có thị trường tiêu thụ lớn.


- Đây là ngành sử dụng nhiều lao động, đặc biệt là lao động nữ, chịu tác động mạnh của yếu tố thị trường, lại ít gây ô nhiễm nên thường phân bố ở ven các đô thị lớn.


- Ba ngành quan trọng nhất là dệt - may, da - giày và giấy - in - văn phòng phẩm.


2. Công nghiệp dệt - may


- Ngành chính thức được hình thành với việc ra đời của nhà máy dệt Nam Định, phát triển mạnh trên cơ sở nguồn lao động dồi dào, thị trường tiêu thụ lớn.


- Nguyên liệu chính là các nông sản (bông, đay, gai, lanh…) hoặc các sợi hoá học nhập nội.


- Công nghiệp dệt nước ta trải qua những bước phát triển thăng trầm, hiện nay còn đang gặp khó khăn về trang thiết bị và nguồn nguyên liệu.


- So với ngành dệt thì ngành may phát triển mạnh hơn, sản phẩm đã có chỗ đứng trên thị trường thế giới.

- Ngành dệt - may phát triển mạnh ở các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Nam Định, các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An.

3. Công nghiệp da - giày

- Những năm gần đây có điều kiện thuận lợi để phát triển vì nhu cầu trong nước tăng và thị trường thế giới lớn. Năm 2005 đạt 5650 tấn da cứng và 8895 nghìn bia da mềm, giày dép các loại đạt 157 940 nghìn đôi. Hàng da giày xuất khẩu đạt 3039,6 triệu USD.


- Ngành da - giày phát triển ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng.


4. Công nghiệp giấy - in - văn phòng phẩm

- Cả nước có 2 nhà máy giấy lớn là Bãi Bằng (Phú Thọ) và Tân Mai (Đồng Nai).


- Các cơ sở in phát triển ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.


- Việc sản xuất văn phòng phẩm còn hạn chế, thiếu sức cạnh tranh.



9. TỔ CHỨC LÃNH THỔ CÔNG NGHIỆP


KIẾN THỨC CƠ BẢN

1. Khái niệm


- Tổ chức lãnh thổ công nghiệp là sự sắp xếp, phối hợp giữa các quá trình và cơ sở sản xuất trên một lãnh thổ nhất định để sử dụng hợp lí các nguồn lực đạt hiệu quả cao về kinh tế và môi trường.


- Tổ chức lãnh thổ công nghiệp có vai trò rất quan trọng, là công cụ để thực hiện công nghiệp hoá và hiện đại hoá.


2. Các nhân tố ảnh hưởng tới tổ chức lãnh thổ công nghiệp


a) Nhân tố bên trong


- Vị trí địa lí, điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên.


+ Khoáng sản : Số lượng, trữ lượng, chất lượng và sự kết hợp các loại khoáng sản sẽ chi phối quy mô, cơ cấu và tổ chức các cơ sở công nghiệp.


+ Nguồn nước : Bất cứ ngành sản xuất công nghiệp nào cũng cần nước.


+ Khí hậu : Ảnh hưởng đến sự chọn lựa công nghệ thích hợp, nguồn nguyên liệu.


+ Sinh vật : Ảnh hưởng đến nguồn nguyên liệu.


- Các điều kiện kinh tế - xã hội.


+ Dân cư : Cung cấp lực lượng lao động, tạo thị trường tiêu thụ, tập quán sản xuất và tiêu dùng.


+ Những tiến bộ về kĩ thuật.


+ Cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng : Các đô thị, mạng lưới giao thông, điện, nước, mang lưới phân phối…


+ Đường lối chính sách.


b) Nhân tố bên ngoài


- Thị trường nước ngoài.


- Hợp tác quốc tế : Liên doanh liên kết, chuyển giao công nghệ, đầu tư nước ngoài.


3. Các hình thức chủ yếu của tổ chức lãnh thổ công nghiệp


a) Điểm công nghiệp


- Là khu dân cư có một hoặc hai xí nghiệp công nghiệp.


- Nước ta có nhiều điểm công nghiệp, các điểm đơn lẻ thường ở miền núi.


b) Khu công nghiệp


- Còn gọi là khu công nghiệp tập trung, khu chế xuất, hình thành từ thập niên 90 của thế kỉ XX.


- Là khu vực có ranh giới cụ thể trong đó có nhiều các cơ sở sản xuất công nghiệp và các dịch vụ hổ trợ. Có ban quản lí riêng, có quy chế ưu đãi…


- Các khu công nghiệp phân bố không đều trên lãnh thổ, nhiều nhất là ở Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Hồng và Duyên hải miền Trung.


c) Trung tâm công nghiệp


- Là hình thức tổ chức ở trình độ cao, thường gắn liền với một đô thị vừa và lớn.


- Tập trung nhiều cơ sở công nghiệp thuộc nhiều ngành, trong đó có một số ngành chuyên môn hoá và các ngành bổ trợ.


- Các trung tâm công nghiệp có thể chia làm 3 nhóm dựa vào vai trò trong phân công lao động theo lãnh thổ.

+ Các trung tâm có ý nghĩa quốc gia : Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.

+ Các trung tâm có ý nghĩa vùng : Đà Nẵng, Cần Thơ…


+ Các trung tâm có ý nghĩa địa phương : Nam Định, Nha Trang…


d) Vùng công nghiệp


- Phạm vi lãnh thổ rộng, ranh giới không chặt chẽ.


- Cả nước có 6 vùng :


+ Vùng 1 : Các tỉnh Trung du và miền núi Bắc Bộ trừ tỉnh Quảng Ninh.


+ Vùng 2 : Các tỉnh Đồng bằng sông Hồng cộng thêm tỉnh Quảng Ninh và 3 tỉnh từ Thanh Hoá đến Hà Tĩnh.


+ Vùng 3 : Các tỉnh từ Quảng Bình đến Ninh Thuận.


+ Vùng 4 : Các tỉnh Tây Nguyên trừ Lâm Đồng.


+ Vùng 5 : Các tỉnh Đông Nam Bộ cộng thêm Bình Thuận và Lâm Đồng.


+ Vùng 6 : Các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.


(Theo Nguyễn Hoà, ĐH Đà Nẵng)​
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top