• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Đề cương Bài giảng Địa lý KTXH Việt Nam: Địa lý dân cư

Chị Lan

New member
ĐỊA LÍ DÂN CƯ

1. ĐẶC ĐIỂM DÂN SỐ VÀ PHÂN BỐ DÂN CƯ


KIẾN THỨC CƠ BẢN

1. Đặc điểm dân số

a) Dân số đông, nhiều thành phần dân tộc

Biểu hiện :

- Năm 2003 dân số nước ta là 80,9 triệu. Năm 2005 là 83,2 triệu, xếp thứ ba ở Đông Nam Á và thứ 13 thế giới.

- Nước ta có 54 dân tộc trong đó người Kinh chiếm 86,2%, các dân tộc ít người chỉ chiếm 13,8%.
Ý nghĩa :

- Dân số đông nên lực lượng lao động dồi dào, thị trường tiêu thụ lớn. Đây là động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

- Nhiều thành phần dân tộc, mỗi dân tộc có nét độc đáo về văn hoá, có truyền thống riêng trong LĐSX sẽ có sức hấp dẫn đối với du lịch, tạo nên một dân cư năng động.

- Trong điều kiện nước ta hiện nay (kinh tế chậm phát triển, năng suất lao động thấp, cơ sở vật chất nghèo nàn…) thì dân số quá đông là trở lực cho việc phát triển kinh tế và nâng cao đời sống người dân.

- Nhiều thành phần dân tộc, trong điều kiện phát triển không đều ẩn chứa nhiều nguy cơ bất ổn xã hội, phải có chính sách dân tộc hợp lí.

b) Dân số tăng nhanh

Biểu hiện :

- Đã diễn ra hiện tượng bùng nổ dân số vào nửa cuối thế kỉ XX.

- Tỉ lệ tăng dân số rất cao : 1931 - 1960 (1,85%), 1965 - 1975 (3,0%), 1979 -1989 (2,13%), 1989 - 1999 (1,70%), 1999 - 2003 (1,35%).

- Do việc thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình, tỉ lệ tăng dân số đã có xu hướng giảm nhưng vẫn còn cao hơn mức bình quân của thế giới và số lượng gia tăng còn lớn (trên 1 triệu người/năm).

Ý nghĩa :

Dân số tăng nhanh đã gây sức ép rất lớn đến đời sống kinh tế - xã hội làm cho kinh tế chậm phát triển, tài nguyên môi trường bị suy giảm, ô nhiễm, chất lượng cuộc sống của người dân khó được nâng cao.

c) Dân số trẻ

Biểu hiện : Cơ cấu dân số theo độ tuổi năm 1999 của nước ta : Từ 0 tuổi - 14 tuổi (33,1%), từ 15 - 59 tuổi (59,3%), từ 60 tuổi trở lên (7,6%).

Ý nghĩa :

- Lực lượng lao động dồi dào chiếm hơn 50% dân số. Mỗi năm tăng thêm 1,15 triệu. Lao động cần cù sáng tạo, nếu biết sử dụng hợp lí sẽ có ý nghĩa lớn.

- Nguồn dự trữ lao động lớn.

- Gây sức ép lên việc giải quyết việc làm.

- Gánh nặng phụ thuộc lớn.

2. Phân bố dân cư

a) Đặc điểm về phân bố dân cư


- Mật độ trung bình 252 người/km2 ( 2005) thuộc loại hàng đầu thế giới.

- Phân bố không đều cả trên phạm vi rộng lẫn phạm vi hẹp :

+ Đồng bằng đất hẹp người đông, mật độ cao (Đồng bằng sông Hồng 1218 người/km2, Đồng bằng sông Cửu Long 435 người/ km2).

+ Miền núi đất rộng người thưa, mật độ thấp (Tây Nguyên 87 người/km2, Tây Bắc 69 người/km2).

+ Nông thôn chiếm 73% dân số, thành thị chỉ chiếm 27%.

+ Đồng bằng sông Hồng có mật độ lớn gấp 2,8 lần Đồng bằng sông Cửu Long.

b) Ý nghĩa

- Phân bố dân cư không đều, không hợp lí gây trở ngại cho việc khai thác tài nguyên và sử dụng lao động.
- Việc phân bố lại dân cư là nhiệm vụ cấp bách.




2. LAO ĐỘNG VÀ VIỆC LÀM


KIẾN THỨC CƠ BẢN

1. Đặc điểm của nguồn lao động


a) Về quy mô


Do dân số đông, dân số trẻ nên nước ta có nguồn LĐ dồi dào (năm 2005, cả nước có 42,71 triệu lao động, mỗi năm tăng thêm 1,1 triệu, quy mô lao động ngày càng lớn).


b) Về chất lượng


- Lao động nước ta cần cù, sáng tạo, có kinh nghiệm sản xuất phong phú gắn với truyền thống của mỗi dân tộc được tích luỹ qua nhiều thế hệ.


- Nhờ những thành tựu trong giáo dục và y tế nên chất lượng lao động ngày càng nâng cao (trình độ văn hoá, chuyên môn. Có 21% được đào tạo nghề, trong đó 4,4% có trình độ cao đẳng, đại học…).


- Tác phong lao động công nghiệp chưa cao, kĩ luật lao động thấp, lực lượng lao động có trình độ còn mỏng.

- Nhìn chung thể lực chưa cao, thiếu tính chuyên nghiệp.

c) Về phân bố


- Lao động phân bố không đều. Tập trung quá đông ở đồng bằng và các đô thị làm cho miền núi thiếu lao động đặc biệt là lao động có tay nghề.


- Phân bố không đều gây trở ngại cho sử dụng lao động, vì vậy phải phân bố lại lực lượng lao động.


2. Tình hình sử dụng lao động

a) Theo ngành kinh tế


- Cơ cấu lao động phân theo ngành kinh tế năm 2005 :


+ Nông, lâm, ngư nghiệp : 56,8% .


+ Công nghiệp - xây dựng : 17,9%.


+ Dịch vụ : 25,3%.


- Đang có xu hướng chuyển dịch lao động từ khu vực nông, lâm, ngư nghiệp sang các khu vực còn lại dưới tác động của công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Tuy nhiên, sự chuyển dịch còn chậm.


b) Theo thành phần kinh tế


- Kinh tế nước ta là kinh tế nhiều thành phần với 3 khu vực chính :


+ Khu vực nhà nước : 9,7%.


+ Khu vực ngoài nhà nước : 88,8%.


+ Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài : 1,6%.


- Khu vực ngoài quốc doanh thu hút đa số lao động không những trong khu vực nông, lâm, ngư nghiệp mà cả trong khu vực công nghiệp và dịch vụ.


- Đang có xu hướng chuyển từ khu vực Nhà nước sang khu vực ngoài quốc doanh và khu vực có vốn ĐTNN phù hợp với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế thị trường.


c) Năng suất lao động


- Nhìn chung năng suất lao động chưa cao.


- Thu nhập của người lao động thấp.


- Chưa sử dụng hết quỹ thời gian lao động.


- Thất nghiệp và thiếu việc làm còn lớn.


3. Vấn đề việc làm và hướng giải quyết việc làm

a) Việc làm đang là vấn đề xã hội lớn


- Mỗi năm nền kinh tế có thể tạo ra 1 triệu việc làm mới, nhưng do sự gia tăng lao động hằng năm lớn nên không giải quyết hết được việc làm cho số lao động tăng thêm.


- Tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm vẫn còn rất gay gắt.


- Tỉ lệ thất nghiệp cả nước là 2,25% trong đó khu vực thành thị là 5,31%. Tỉ lệ thiếu việc làm cả nước là 6,69%, tỉ lệ thời gian làm việc ở nông thôn chỉ đạt 80,65%.


b) Biện pháp giải quyết


- Phân bố lại dân cư và LĐ giữa các vùng để khai thác tài nguyên và tạo việc làm.


- Thực hiện tốt chính sách dân số, sức khoẻ sinh sản ở các vùng.


- Đa dạng hoá các hoạt động kinh tế, các loại hình sản xuất.


- Tăng cường công tác giáo dục hướng nghiệp, dạy nghề, mở rộng và đa dạng các loại hình đào tạo.

- Đẩy mạnh xuất khẩu lao động.

3. ĐÔ THỊ HOÁ


KIẾN THỨC CƠ BẢN

1. Đặc điểm đô thị hoá của nước ta

Đô thị hoá của nước ta hiện nay mang nặng các dấu ấn lịch sử và gắn liền với quá trình công nghiệp hoá.

- Quá trình đô thị hoá diễn ra chậm chạp :

+ Đô thị đầu tiên của nước ta là Cổ Loa ra đời vào thế kỉ VIII trước Công nguyên.


+ Đến thế kỉ XI mới xuất hiện Thăng Long.


+ Từ thế kỉ XVI - XVIII có thêm Phú Xuân, Hội An, Phố Hiến.


- Quá trình đô thị hoá diễn ra phức tạp gắn liền với quá trình công nghiệp hoá và những thay đổi của lịch sử :


+ Thời kì phong kiến đô thị ít phát triển, có quy mô nhỏ và chức năng chủ yếu là hành chính và quân sự.


+ Từ thập niên 30 của thế kỉ XX, một số đô thị lớn mới hình thành dựa trên sự phát triển công nghiệp như Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Sài Gòn…


+ Từ sau Cách mạng tháng Tám đến 1954 đô thị không có nhiều thay đổi.


+ Từ 1954 đến 1975, đô thị ở hai miền Nam, Bắc phát triển theo hai xu hướng khác nhau.


+ Từ 1975 đến nay, đô thị hoá chuyển biến mạnh nhất là sau khi thực hiện Đổi mới.


- Trình độ đô thị hoá còn thấp :


+ Đến năm 2005, dân số đô thị mới chiếm 26,97% dân số cả nước.


+ Các đô thị có quy mô nhỏ, phân bố tản mạn, nếp sống xen lẫn giữa thành thị và nông thôn.


- Trình độ đô thị hoá không đều giữa các vùng.


2. Mạng lưới đô thị của nước ta


- Đô thị của nước ta được phân làm 6 loại dựa vào các tiêu chí cơ bản là số dân, chức năng, mật độ dân số, tỉ lệ dân hoạt động phi nông nghiệp…


- Đến nay (2005) nước ta có 2 đô thị đặc biệt (Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh), 3 đô thị loại 1 (Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ), 11 đô thị loại 2, trên 20 đô thị loại 3…


3. Ảnh hưởng của đô thị hoá đến phát triển kinh tế - xã hội


a) Đô thị hoá có tác động mạnh mẽ đến quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các địa phương và cả nước


- Giữa đô thị hoá và chuyển dịch cơ cấu kinh tế có mối quan hệ chặt chẻ với nhau : Đô thị hoá thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế thúc đẩy kinh tế phát triển. Ngược lại, sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá sẽ tăng cường quá trình đô thị hoá.


- Trong quá trình đô thị hoá cũng dễ nảy sinh những tác động tiêu cực như ô nhiễm môi trường, thất nghiệp,… cần có kế hoạch khắc phục.


b) Những vấn đề cần chú ý trong quá trình đô thị hoá ở nước ta


- Phát triển mạnh đô thị, chú trọng các đô thị lớn, các trung tâm phát triển vùng.


- Đẩy mạnh ĐTH’ nông thôn, điều chỉnh các luồng di dân từ nông thôn ra thành thị.


- Phát triển cân đối giữa quy mô về dân số, lao động với phát triển kinh tế - xã hội.


- Phát triển cân đối giữa quy mô dân số lao động với kết cấu hạ tầng.


- Quy hoạch đô thị hoàn chỉnh đồng bộ, đảm bảo môi trường sống tốt.




4. CHẤT LƯỢNG CUỘC SỐNG


KIẾN THỨC CƠ BẢN

1. Việt Nam trong xếp hạng HDI trên thế giới


- HDI là chỉ số phát triển con người được UNDP (Chương trình phát triển của Liên Hiệp Quốc) nhằm so sánh trình độ phát triển kinh tế-xã hội của các quốc gia trên thế giới.


- HDI được tổng hợp từ ba yếu tố chính là :


+ GDP (hoặc GNP) bình quân đầu người.


+ Chỉ số giáo dục (tỉ lệ người biết chữ, số năm đi học TB, tỉ lệ nhập học các cấp).


+ Tuổi thọ trung bình.


- Việt Nam đứng thứ 112 trong số 177 nước được khảo sát (2004) của thế giới (GDP bình quân đầu người ta xếp thấp nhưng nhờ chỉ số giáo dục ta xếp cao nên có thứ bậc đó).


2. Sự phân hoá chất lượng cuộc sống của nước ta


a) Sự phân hoá về GDP bình quân


- Thu nhập bình quân đầu người một tháng (theo giá thực tế) của cả nước năm 2004 là 484,4 nghìn đồng. Trong đó, độ chênh giữa nhóm cao nhất và thấp nhất là trên 9 lần.


- Sự chênh lệch giữa thành thị và nông thôn là gần 2,2 lần (815,4 nghìn đồng và 378,1 nghìn đồng).


- Giữa các vùng cũng có sự chênh lệch lớn (cao nhất là Đông Nam Bộ 833,0 nghìn đồng thấp nhất là Tây Bắc 265,7 nghìn đồng).


b) Những tiến bộ về giáo dục, văn hoá, y tế


- Những tiến bộ về giáo dục, văn hoá, y tế đã góp phần rất lớn vào việc nâng cao chất lượng cuộc sống của nước ta.


- Chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn trong sự nghiệp giáo dục :


+ Tỉ lệ biết chữ của người lớn là 90,3%, mỗi năm có 21 triệu học sinh đến trường từ mẫu giáo cho đến phổ thông các cấp.


+ Mạng lưới các trường phát triển rộng khắp trên cả nước, vươn tới các bản làng xa xôi hẻo lánh. Cả nước có 27 227 trường phổ thông các cấp, 10 927 trường mẫu giáo, 255 trường cao đẳng và đại học (2005).


+ Chúng ta đã xoá xong nạn mù chữ, phổ cập Tiểu học, đang tiến hành phổ cập Trung học cơ sở. Nhiều nơi đang tiến hành phổ cập Trung học phổ thông.


+ Việc học tập của người dân được cải thiện đáng kể : Tỉ lệ trẻ em dưới 3 tuổi đi nhà trẻ đạt 9,8%, từ 3 - 5 tuổi đi mẫu giáo đạt 48,4%, 96,8% trẻ ở độ tuổi Tiểu học, 78,1% ở độ tuổi Trung học cơ sở và 37,9% ở độ tuổi Trung học phổ thông đến trường.


- Việc khám chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ cho người dân được phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng :


+ Cả nước có 13243 cơ sở khám chữa bệnh với 197200 giường bệnh, bình quân có 23,7 giường bệnh/1 vạn dân.


+ Cả nước có 51500 bác sĩ, bình quân có 6,2 bác sĩ/1 vạn dân.


+ Tỉ lệ tử vong trẻ em chỉ còn dưới 33‰, tuổi thọ trung bình của người dân đến năm 2008 là 74,3 tuổi.


+ Nhiều chương trình trọng điểm quốc gia về y tế đã được thực hiện, nhiều bệnh hiểm nghèo đang bị xoá sổ.


- Đời sống văn hoá của người dân được nâng cao. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” được đẩy mạnh. Hệ thống thư viện phát triển rộng khắp. Việc trao đổi văn hoá phát triển mạnh.


c) Vấn đề xoá đói giảm nghèo


Công tác xoá đói giảm nghèo đã đạt được những thành tựu to lớn. Tỉ lệ hộ nghèo đói giảm liên tục (từ 13,3% năm 1999 xuống còn dưới 8% năm 2005), ngưỡng nghèo không ngừng tăng lên.


3. Phương hướng nâng cao chất lượng cuộc sống

- Việc nâng cao chất lượng cuộc sống có tác động rất lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội : Giảm gia tăng dân số, tạo nhiều việc làm, xoá đói giảm nghèo…


- Để nâng cao chất lượng cuộc sống, đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế cần :


+ Xoá đói giảm nghèo, đảm bảo công bằng xã hội.


+ Tạo việc làm tăng thu nhập cho người lao động.


+ Nâng cao dân trí và năng lực phát triển.


+ Bảo vệ môi trường.


Theo Nguyễn Hoà, ĐH Đà Nẵng​
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top