• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Đề cương bài giảng Địa lý KTXH Việt Nam: Các ngành dịch vụ

Chị Lan

New member
CÁC NGÀNH DỊCH VỤ


1. GIAO THÔNG VẬN TẢI – THÔNG TIN LIÊN LẠC


KIẾN THỨC CƠ BẢN

1. Điều kiện phát triển giao thông vận tải

- Vị trí trung tâm Đông Nam Á, tiếp cận với vùng biển rộng lớn, gần đường hàng hải quốc tế nối Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương đồng thời là vị trí trung chuyển của một số tuyến đường hàng không quốc tế ... Đây là những thuận lợi để nước ta phát triển nhiều loại hình GTVT, tăng cường giao lưu với các nước trong khu vực và trên thế giới.

- Một dải đồng bằng kéo dài từ Bắc xuống Nam tạo thuận lợi cho giao thông đường bộ Bắc - Nam. Các thung lũng sông theo hướng tây bắc - đông nam tạo thuận lợi để đi từ đồng bằng lên miền núi. Các dãy núi ăn lan ra tận biển tạo thành nhiều vũng, vịnh để xây dựng cảng phát triển ngành đường biển.

- Mạng lưới sông ngòi dày đặc, khí hậu nóng quanh năm là điều kiện thuận lợi để phát triển giao thông đường thuỷ.

- Sự phát triển nhanh về kinh tế, văn hoá, xã hội cùng sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước là động lực cho ngành giao thông phát triển.

- Địa hình nhiều đồi núi, những dãy núi đâm ngang ra biển, thiên tai, sự nghèo nàn về cơ sở vật chất, thiếu vốn kĩ thuật là những trở ngại cho phát triển giao thông.

2. Mạng lưới GTVT

Mạng lưới GTVT phát triển khá toàn diện gồm nhiều loại hình khác nhau.

a) Đường ô tô

- Những năm gần đây, nhờ huy động được các nguồn vốn nên mạng lưới đường đã được mở rộng và hiện đại hoá, về cơ bản đã phủ kín các vùng. Tổng chiều dài đường ô tô là 137 359 km, phương tiện đã được hiện đại, khối lượng hành khách và hàng hoá vận chuyển là 1094,4 triệu lượt người và 212 263,3 nghìn tấn.

- Các tuyến đường chính là :

+ Quốc lộ 1A chạy từ cửa khẩu Hữu Nghị đến tận Cà Mau dài 2300 km.

+ Đường Hồ Chí Minh (đang xây dựng).

+ Quốc lộ 5 : Hà Nội đi Hải Phòng.

+ Quốc lộ 14 : Nối Duyên hải miền Trung - Tây Nguyên - Đông Nam Bộ.

+ Quốc lộ 51 : Thành phố Hồ Chí Minh đi Vũng Tàu.

- Đường bộ Việt Nam đang hội nhập vào hệ thống đường bộ khu vực và quốc tế.

b) Đường sắt

- Tổng chiều dài là 3143 km với 261 ga, trong đó có 2632 km chính tuyến. Khối lượng hàng hoá và hành khách vận chuyển (2005) là : 8838,1 tr.tấn và 12,8 tr.lượt người.

- Các tuyến đường chính là :

+ Tuyến đường sắt Thống Nhất dài 1726 km nối Hà Nội với Thành phố Hồ Chí Minh.

+ Tuyến Hà Nội đi Lạng Sơn.

+ Đường Hà Nội đi Lào Cai.

+ Tuyến Hà Nội đi Hải Phòng.

+ Tuyến Hà Nội đi Thái Nguyên.

+ Tuyến Lưu Xá – Kép – Uông Bí

c) Đường sông

- Có tổng chiều dài 31841 km với 30 cảng chính, khối lượng hành khách và hàng hoá vận chuyển năm 2005 lần lượt là : 171,4 triệu lượt người và 62 984,3 nghìn tấn.

- Các tuyến đường sông chính tập trung ở Đồng bằng sông Cửu Long, Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ.

d) Đường biển

- Cả nước có trên 70 cảng biển trong đó có nhiều cảng quốc tế và cảng nước sâu. Khối lượng hàng hoá vận chuyển là : 33118 nghìn tấn.

- Các cảng biển lớn là : Cái Lân, Hải Phòng, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Vũng Tàu, Sài Gòn.

e) Đường hàng không

Là ngành còn non trẻ nhưng phát triển nhanh vượt bậc. Các phương tiện đã được hiện đại hoá. Cả nước có 21 sân bay trong đó có 5 sân bay quốc tế là Nội Bài, Đà Nẵng và Tân Sơn Nhất, Hải Phòng và Phú Bài. Khối lượng hành khách vân chuyển là 6,8 triệu lượt người, khối lượng hàng hoá là 105,1 nghìn tấn.

g) Đường ống

- Tổng chiều dài đường ống khoảng 1200 km.

- Ba tuyến đường quan trọng nhất là tuyến dẫn khí đốt từ mỏ Bạch Hổ (bể trầm tích Cửu Long) và 2 mỏ khí đốt Lan Đỏ và Lan Tây (bể trầm tích Nam Côn Sơn) vào Vũng Tàu và tuyến dẫn xăng dầu từ Bãi Cháy (B12) vào các tỉnh Đồng bằng sông Hồng.

3. Thông tin liên lạc

- Trong những năm qua, thông tin liên lạc là ngành có tốc độ phát triển nhanh vượt bậc. Đến năm 2005, cả nước có 15 845 000 thuê bao điện thoại.

- Mạng lưới thông tin liên lạc khá đa dạng bao gồm 3 mạng chính :

+ Mạng điện thoại gồm : Mạng nội hạt và mạng đường dài, cố định và di động.

+ Mạng phi thoại gồm nhiều loại hình : Mạng Faxcimin.; Mạng truyền trang báo.

+ Mạng truyền dẫn gồm : Mạng dây trần.; Mạng truyền dẫn viba; Mạng truyền dẫn cáp quang; Mạng viễn thông quốc tế.


2. THƯƠNG MẠI, DU LỊCH


KIẾN THỨC CƠ BẢN

1. Vai trò của thương mại trong nền kinh tế thị trường


- Thương mại gồm hai bộ phận là nội thương và ngoại thương.


- Thương mại đem lại hiệu quả lớn về kinh tế, xã hội và góp phần đưa nền kinh tế nước ta hội nhập vào nền kinh tế thế giới và khu vực.


- Thương mại góp phần hình thành quy mô, cơ cấu và hướng chuyên môn hoá sản xuất của các vùng lãnh thổ, thúc đẩy quá trình phân công theo lãnh thổ.


- Thương mại là khâu nối giữa sản xuất và tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất phát triển, phục vụ nhu cầu đời sống, nâng cao đời sống người dân.


2. Nội thương


- Đã diễn ra từ lâu với sự ra đời của một số các đô thị như Thăng Long, Phố Hiến, Hội An, Thanh Hà… Thời Pháp thuộc, bên cạnh các chợ quê còn có hệ thống chợ với quy mô lớn như chợ Đồng Xuân, chợ Sắt, chợ Đông Ba, chợ Bến Thành…


- Sau 1975, nhất là sau Đổi mới, hoạt động nội thương đã nhộn nhịp. Cả nước hình thành một thị trường thống nhất, hàng hoá đã đa dạng, phong phú.


- Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đã tăng từ 94,3 nghìn tỉ đồng (1995) lên 480,3 nghìn tỉ đồng (2005).


- Hoạt động nội thương tập trung chủ yếu ở khu vực tư nhân, cá thể.


- Hoạt động nội thương diễn ra không đều theo các vùng lãnh thổ. Các vùng có kinh tế phát triển là những vùng có hoạt động nội thương phát triển. Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm buôn bán sầm uất nhất nước (116 276,2 nghìn tỉ đồng).


3. Ngoại thương


- Hoạt động xuất nhập khẩu đã có những chuyển biến rõ rệt, sau nhiều năm nhập siêu, lần đầu tiên nước ta đã xuất siêu vào năm 1992. Hiện nay, nhập siêu vẫn còn lớn nhưng về bản chất đã khác trước.


- Thị trường buôn bán đã được mở rộng theo hướng đa phương hoá, đa dạng hoá. Nước ta có quan hệ buôn bán với trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới trong đó Trung Quốc, Hoa Kì, Nhật Bản và các nước ASEAN là những bạn hàng lớn.


- Cơ chế hoạt động xuất nhập khẩu cũng đã thay đổi với việc xoá cơ chế tập trung bao cấp chuyển sang cơ chế thị trường và việc mở rộng quyền hoạt động xuất nhập khẩu cho các ngành và các địa phương.


- Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đã tăng nhanh từ 2555,9 triệu USD (1985) lên 69 419,9 triệu USD (2005), trong đó xuất khẩu đã tăng từ 689,9 triệu USD lên 32 441,9 triệu USD và nhập khẩu tăng từ 1857,4 triệu USD lên 36 978,0 triệu USD.


- Hàng xuất khẩu chính của nước ta là : Hàng công nghiệp nặng và khoáng sản, hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp, hàng nông lâm thuỷ sản còn hàng nhập khẩu gồm tư liệu sản xuất (trên 90%) và hàng tiêu dùng. Hiện nay, có 17 mặt hàng xuất khẩu chủ lực với kim ngạch xuất khẩu trên 100 triệu USD như dầu thô, hàng may mặc, giày da, thuỷ sản, gạo, cà phê….


4. Tài nguyên du lịch


- Đối với du lịch, tài nguyên là nhân tố có ý nghĩa quyết định hàng đầu.


- Nước ta có sự đa dạng phong phú về tài nguyên du lịch cả về tài nguyên du lịch tự nhiên lẫn tài nguyên du lịch nhân văn.


a) Tài nguyên du lịch tự nhiên


- Địa hình : Có cả địa hình đồng bằng, đồi núi, bờ biển, hải đảo tạo nhiều cảnh quan đẹp. Địa hình cácxtơ với hàng trăm hang động.


- Khí hậu : Có khí hậu nhiệt đới với sự phân hoá đa dạng.


- Thuỷ văn : Với nhiều cảnh quan hồ, sông nước, biển đảo…


- Sinh vật : Với nhiều rạn san hô, cánh rừng nguyên sinh, khu bảo tồn quốc gia.


b) Tài nguyên du lịch nhân văn


- Nhiều di tích văn hoá lịch sử.


- Các lễ hội diễn ra suốt năm.


- Có 54 thành phần dân tộc với những nét độc đáo riêng về văn hoá.


- Nhiều làng nghề thủ công với những sản phẩm độc đáo.


5. Tình hình phát triển và phân bố du lịch

- Du lịch Việt Nam thực sự phát triển từ đầu thập niên 90 sau khi đất nước thực hiện công cuộc Đổi mới.


- Du lịch Việt Nam phát triển khá nhanh (cả về doanh thu, khách quốc tế và nội địa).


- Ba trung tâm du lịch lớn nhất của nước ta là : Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam.


- Nước ta đang cố gắng thực hiện nhiều giải pháp để phát triển du lịch bền vững, gắn phát triển du lịch với bảo vệ môi trường.


(Theo Nguyễn Hoà, ĐH Đà Nẵng)
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top