Đề cương bài Bài 23: KHÔI PHỤC VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ – XÃ HỘI Ở MIỀN BẮC GIẢI PHÓNG HOÀN TOÀN MIỀN

ngan trang

New member
Câu 1. Chủ trương, kế hoạch giải phóng miền Nam.?
- Cuối năm 1974 đầu năm 1975, trong tình hình so sánh lực lượng ở miền Nam thay đổi có lợi cho cách mạng, Bộ chính trị Trung ương Đảng đề ra kế hoạch giải phóng miền Nam trong hai năm 1975 – 1976, nhưng nhấn mạnh “cả năm 1975 là thời cơ” và “nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975”.
 
Câu 2. Diễn biến, kết quả của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975.
*Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975: diễn ra qua 3 chiến dịch.
a. Chiến dịch Tây Nguyên (4/3 đến 24/3/1975)
- Tây Nguyên là địa bàn chiến lược quan trọng mà ta và địch cố nắm giữ. Nhưng do nhận định sai hướng tiến công của ta, địch chốt giữ ở đây một lực lượng mỏng. Bộ Chính trị quyết định chọn Tây Nguyên làm hướng tiến công chủ yếu trong năm 1975.
- Ngày 10/3/1975, sau khi đánh nghi binh ở Pleiku, Kontum, ta tiến công và giải phóng buôn Mê Thuột. Ngày 12.03, địch phản công chiếm lại nhưng không thành.
- Ngày 14/3/1975, Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh rút quân khỏi Tây Nguyên về giữ vùng duyên hải miền Trung. Trên đường rút chạy, chúng bị quân ta truy kích tiêu diệt.
- Ngày 24.03.1975, ta giải phóng Tây Nguyên với 60 vạn dân.
* Ý nghĩa : Chiến dịch Tây Nguyên thắng lợi đã chuyển cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước sang giai đoạn mới: từ tiến công chiến lược ở Tây Nguyên phát triển thành Tổng tiến công chiến lược trên toàn chiến trường miền Nam.
b. Chiến dịch Huế - Đà Nẵng (21/3 đến 29/03/1975)
- Trong khi chiến dịch Tây Nguyên tiếp diễn, Bộ chính trị quyết định giải phóng hoàn toàn miền Nam, trước hết là chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng.
- Phát hiện địch co cụm ở Huế, ngày 21/03 quân ta đánh thẳng vào căn cứ, chặn đường rút chạy và bao vây địch trong thành phố.
- 25/03, ta tấn công vào Huế và hôm sau (26/03) giải phóng Huế và toàn tỉnh Thừa Thiên.
- Trong cùng thời gian, ta giải phóng thị xã Tam Kỳ, Quảng Ngãi, Chu Lai, uy hiếp Đà Nẵng từ phía Nam. Đà Nẵng rơi vào thế cô lập, hơn 10 vạn quân địch bị dồn ứ về đây trở nên hỗn loạn, mất hết khả năng chiến đấu.
- Sáng 29/3 quân ta tiến công Đà Nẵng, đến 3 giờ chiều ta chiếm toàn bộ thành phố.
- Cùng thời gian này, các tỉnh còn lại ven biển miền Trung, Nam Tây Nguyên, một số tỉnh ở Nam Bộ lần lượt được giải phóng.
c. Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (26/4 đến 30/4/1975) :
- Sau hai chiến dịch, Bộ chính trị nhận định: "Thời cơ chiến lược mới đã đến, ta có điều kiện hoàn thành sớm quyết tâm giải phóng miền Nam... trước tháng 5/1975" với phương châm “ thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”. Chiến dịch giải phóng Sài Gòn được mang tên “Chiến dịch Hồ Chí Minh”.
- Trước khi mở chiến dịch HCM, quân ta đánh Xuân Lôc, Phan Rang – những căn cứ phòng thủ trọng yếu của địch để bảo vệ phía đông Sài Gòn, làm Mỹ – nguỵ hoảng loạn.
- 18/4/1975 : Tổng thống Mỹ ra lệnh di tản người Mỹ .
- 21/4, Nguyễn Văn Thiệu từ chức tổng thống.
- 17 giờ ngày 26/4, quân ta mở đầu chiến dịch, 5 cánh quân tiến vào trung tâm Sài Gòn, đánh chiếm các cơ quan đầu não của địch.
- 10 giờ 45 phút ngày 30/4, xe tăng của ta tiến vào Dinh Độc Lập, bắt sống taòn bộ Chính phủ Trung ương Sài Gòn. Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng không điều kiện.
- 11 giờ 30 phút cùng ngày, lá cờ cách mạng tung bay trên tòa nhà Phủ tổng thống, chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng.
- Các tỉnh còn lại của Nam Bộ, nhân dân đã nhất tề nổi dậy và tiến công theo phương thức xã giải phóng xã, huyện giải phóng huyện, tỉnh giải phóng tỉnh .
- Ngày 2/5/1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng.
d. Sự lãnh đạo tài tình của Đảng trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975
- Phân tích đúng tình hình, đề ra kế hoạch chính xác, dự kiến và kịp thời chóp đúng thời cơ:
+ Năm 1973 ra nghị quyết 21 của TW Đảng về sự chuẩn bị tiến công .
+ 18/12/1974 – 8/1/1975 : BCH TW Đảng họp đề ra kế hoạch giải phóng miền Nam trong hai năm ( 1975 – 1976) .
+ 3/1975 Bộ Chính tri khẳng định “ thời cơ chiến lược mới đã đến, ta có điều kiện hoàn thành sớm quyết tâm giải phóng miền Nam”
- Chỉ đạo tác chiến tài giỏi:
+ Điểm đúng huyệt quân thù : đánh Buôn Ma Thuột.
+ Bí mật, bất ngờ, thần tốc, táo bạo.
+ Linh hoạt cách đánh trong từng chiến dịch : đánh Buôn Ma Thuột với phương châm táo bạo, thọc sâu, còn trong chiến dịch Hồ Chí Minh tiến hành bao vây, cô lập chia cắt địch, diệt địch ở vòng ngoài rồi tiến vào Sài Gòn tiêu diệt đầu não địch …
- Phối hợp tài tình giữa tiến công và nổi dậy, nổi dậy và tiến công, chiến trường chính và chiến trường phụ .
 
Câu 3. Ý nghĩa lịch sử, nguyên nhân thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước.
*Ý nghĩa :
- Kết thúc 21 năm chiến đấu chống Mỹ và 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc từ sau Cách mạng tháng Tám 1945, chấm dứt ách thống trị của chủ nghĩa đế quốc và chế độ phong kiến ở nước ta, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, thống nhất đất nước.
- Mở ra một kỷ nguyên mới của lịch sử dân tộc: đất nước độc lập, thống nhất, đi lên CNXH.
- Tác động mạnh đến tình hình nước Mỹ và thế giới, cổ vũ phong trào cách mạng thế giới, nhất là phong trào giải phóng dân tộc.
* Nguyên nhân thắng lợi :
- Nguyên nhân chính là do có sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh với đường lối chính trị, quân sự độc lập, tự chủ, đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo, phương pháp đấu tranh linh hoạt, kết hợp đấu tranh quân sự, chính trị, ngoại giao.
- Nhân dân ta giàu lòng yêu nước, đoàn kết nhất trí, lao động cần cù, chiến đấu dũng cảm vì sự nghiệp cách mạng.
- Hậu phương miền Bắc đáp ứng kịp thời các yêu cầu của cuộc chiến đấu ở hai miền.
- Sự phối hợp chiến đấu và đoàn kết giúp đỡ của ba dân tộc ở Đông Dương.
- Sự đồng tình ủng hộ, giúp đỡ của các lực lượng cách mạng, hòa bình, dân chủ trên thế giới, nhất là của Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa khác.
- Nhân dân Mỹ và nhân dân thế giới phản đối cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của Mỹ.
 
Câu 4. Miền Nam đấu tranh chống địch “bình định – lấn chiếm” tạo thế và lực tiến tới giải phóng hoàn toàn
*Âm mưu của Mĩ và Chính quyền Sài Gòn
- Tiếp tục chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”. Phá hoại hiệp định Pari.
- Tiến hành chiến dịch “tràn ngập lãnh thổ” liên tiếp mở những cuộc hành quân bình định – lấn chiếm vùng giải phóng.
*Cuộc chiến đấu của quân và dân miền Nam
- Tháng 7-1973 : BCH Trung ương Đảng họp Hội nghị lần thứ 21:
- Tiếp tục cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân bằng con đường cách mạng bạo lực.
- Đấu tranh trên cả ba mặt trận: quân sự, chính trị, ngoại giao.
*Kết quả
- 12-12-1974 ® 06-01-1975 quân ta đã giành thắng lợi vang dội trong chiến dịch đường 14 – Phước Long.
- Quân và dân MN đẩy mạnh đấu tranh Chính trị - ngoại giao, tố cáo hành động vi phạm Hiệp định của Mĩ – và chính quyền Sài Gòn, đòi thực hiện các quyền tự do dân chủ.
*Ở các vùng giải phóng
- Khôi phục và đẩy mạnh sản xuất, tăng nguồn dự trữ chiến lược.
® Thế và lực của ta đã mạnh, tạo diều kiện tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam.
 
Câu 5. Vì sao Điện Biên Phủ lại trở thành điểm quyết chiến chiến lược giữa ta và Pháp?
- Về phía Pháp:
+ Khi ta tấn công lên Tây Bắc (11/1953), Pháp vội tăng cường quân lên giữ Điện Biên Phủ. Nava nhận định Điện Biên Phủ đối với ta quá xa hậu phương, tiếp tế khó khăn cho nên Nava quyết định chấp nhận giao chiến với ta ở Điện Biên Phủ.
+ Nava quyết định xây dựng Điện Biên Phủ thành một pháo đài rất mạnh, sẵn sàng “nghiền nát” bộ đội chủ lực của ta. Điện Biên Phủ trở thành trung tâm của kế hoạch Nava.
+ Pháp tập trung lực lượng ở Điện Biên Phủ gồm 16.200 tên, đủ các binh chủng và phương tiện chiến tranh hiện đại, được bố trí thành một hệ thống phòng ngự mạnh gồm 49 cứ điểm, chia làm 3 phân khu. Pháp đã xây dựng Điện Biên Phủ trở thành một “pháo đài không thể công phá”.
- Về phía ta:
+ Ta nhận định Điện Biên Phủ có thể là một tập đoàn cứ điểm rất mạnh, có quân đông và tinh nhuệ, tuy nhiên nhược điểm rất lớn của chiến trường này đối với địch là dễ bị cô lập, dễ bị bao vây.
+ Vấn đề tiếp tế, tăng viện ở Điện Biên Phủ đối với Pháp đều khó, hoàn toàn dựa vào đường không, khi lâm nguy khó rút lui.
+ Điện Biên Phủ ở vùng rừng núi nên địch khó phát huy ưu thế về binh khí, kỹ thuật.
+ Khả năng chiến đấu của bộ đội ta đến lúc này đã được nâng lên rõ rệt, bộ đội đã được huấn luyện đánh tập đoàn cứ điểm, được trang bị vũ khí, đặc biệt là pháo 105 mm, nên ta có thể đánh được Điện Biên Phủ.
+ Ta cũng sẽ gặp khó khăn không ít về tiếp tế hậu cần vì xa hậu phương nhưng với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, ta đã huy động sức người, sức của cho mặt trận Điện Biên Phủ. Hàng vạn dân công cùng thanh niên xung phong đã tham gia phục vụ chiến dịch, anh dũng mở đường dẫn đến mặt trận. Các phương tiện vận chuyển, kể cả phương tiện thô sơ, đều được huy động phục vụ tiếp tế gạo, đạn cho mặt trận, Chính vì thế mà ta đã khắc phục được nhược điểm của một chiến dịch lớn mở ở rất xa nguồn dự trữ trong một thời gian dài.
+ Dùng thắng lợi quân sự buộc địch chấp nhận những điều kiện của ta khi ký Hiệp định Giơnevơ.
 
Câu 6. Chiến thắng Điện Biên Phủ nói lên kinh nghiệm truyền thống gì của dân tộc trong chống xâm lược? Dẫn chứng?
- Đó là kinh nghiệm “đánh trận quyết chiến chiến lược”.
- Trong lịch sử dân tộc có nhiều trận quyết chiến chiến lược như: chiến thắng Như Nguyệt (1077 – Lý Thường Kiệt), chiến thắng Bạch Đằng (1288 – Trần Hưng Đạo), chiến thắng Tốt Động – Chúc Động (1426 – Lê Lợi), chiến thăng Chi Lăng – Xương Giang (1427 – Lê Lợi), chiến thắng Rạch Gầm – Xoài Mút (1785 – Quang Trung), chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa (1789 – Quang Trung), … Đây là những trận quyết chiến chiến lược đã tạo nên kinh nghiệm và truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc.
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top