• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

“Ế ẩm” các lò luyện thi cấp tốc

  • Thread starter Thread starter Butchi
  • Ngày gửi Ngày gửi

Butchi

VPP Sơn Ca
Xu
92
small_275420.jpg

Một tấm biển quảng cáo luyện thi cấp tốc
Năm nào cũng vậy cứ vào đầu tháng 6, khi kỳ thi tốt nghiệp THPT kết thúc, không khí tại một số trung tâm luyện thi có tiếng ở Hà Nội như khu ĐH Bách khoa, ĐH Khoa học xã hội & nhân văn, ĐH Sư phạm Hà Nội... lại “nóng” lên bởi các lò luyện cấp tốc. Nhưng năm nay, không khí tại các địa điểm khá “ảm đạm” do các em học sinh không còn “mặn mà” với luyện thi cấp tốc nữa.


Trung tâm “ế ẩm” mùa luyện thi

Đóng vai một sỹ tử đi tìm lò luyện thi cấp tốc, tôi có mặt tại đường Tạ Quang Bửu, khu phố nổi tiếng về luyện thi cấp tốc của đất Hà thành, nơi an tọa của trường đại học Bách khoa danh tiếng. Khu phố vẫn nổi bật với logo, bảng, biển giới thiệu nào là lò luyện thi cấp tốc Đa Minh, Trung tâm luyện thi đại học Trí Tuệ... Tuy nhiên, trái ngược với quân số của các biển quảng cáo, không khí “sục sôi” của các lò luyện thi khá “ảm đạm”. Tại mỗi trung tâm đều có các bàn ghi danh với 2, 3 người sẵn sàng tư vấn cho phụ huynh, học sinh nhưng tại mỗi bàn cũng chỉ có một vài học sinh đến tham khảo rồi cũng tự động ra về hết.

Nếu đem so sánh con phố này với vài năm trước, không còn thấy cảnh học sinh đua nhau đi ôn thi, phải ngồi chen chúc trong phòng chật hẹp khiến các trung tâm luyện thi nóng như lò “bát quái”, học sinh vừa học vừa lau mồ hôi là chuyện thường. Thậm chí ở nhiều trung tâm luyện thi có danh tiếng, không có chỗ ngồi, học sinh đành ngồi ra ngoài hiên lấy đùi làm bàn, nhưng vẫn phải đóng tiền như những người khác là chuyện không hiếm.

Chị Thủy, một nhân viên ghi danh của trung tâm Đa Minh than thở “cho đến thời điểm này lượng học sinh đang ký vào trung tâm khá khiêm tốn, con số này thấp hơn rất nhiều so với thời điểm này năm ngoái”. Theo chị Thủy, nguyên nhân là do nhiều trường đại học cũng thi nhau mở lò luyện thi, mặt khác vài năm trở lại đây chương trình thi bám sát sách giáo khoa là nhiều nên các em chọn biện pháp ôn ở nhà là chính.

Do tình trạng ế ẩm từ vài năm trở lại đây, các trung tâm cũng đã tung ra rất nhiều chiêu độc đáo để câu khách như lớp học chỉ có 30 người, có điều hòa, máy lạnh, phọng học rộng, thoáng mát, đội ngũ giáo viên toàn giáo sư, tiến sỹ có tiếng... Bên cạnh đấy giá cả cũng khá mềm từ 20.000 – 25.000 đồng/buổi (năm ngoái là 15.000 – 18.000 đồng/buổi) nhưng lượng học sinh đến đăng ký học tập vẫn rất ít.



small_275418.jpg


Ngõ 336 - Nguyễn Trãi được ví như khu công nghiệp luyện thi nay thưa thớt người qua lại
.


Qua đến ngõ 336, đường Nguyễn Trãi nơi có rất nhiều các lò luyện thi của trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn. Khác với mọi năm nơi đây thường xuyên xảy ra “tắc đường” do lượng học sinh kéo về đây ôn thi cấp tốc rất đông. Nhưng năm nay thì khác, lượng sỹ tử đến đây cũng có nhưng quá ít, thành thử khá nhiều nhân viên ngồi ghi danh chỉ biết lượn đi, lượn lại, ngồi ngáp ngắn, ngáp dài...



Ông Nguyễn Minh Tiến, người phụ trách trung tâm luyện thi tại số 15 cho biết “Trong vài năm trở lại đây lượng thi sinh đến đăng ký luyện thi ngày càng ít đi, rất nhiều trung tâm luyện thi quanh đây đã đóng cửa vì không đủ học sinh để thành lập lớp. Ông Tiến thừa nhận, suy nghĩ của học sinh đã thay đổi rất nhiều từ khi Bộ GD&ĐT có những thay đổi trong phương thức tuyển sinh. Các em thường đến học tham khảo một vài buổi ở trung tâm rồi bỏ dở vì cho rằng tự ôn ở nhà cũng có thể đậu đại học miễn là nắm chắc các kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa.



Tình trạng này tại một số trung tâm luyện thi tại ĐH Sư phạm Hà Nội (Cầu Giấy) còn thê thảm hơn, khi chúng tôi ngồi quan sát đến cả tiếng đồng hồ mà chẳng thấy một sỹ tử nào tiến tới các bàn đăng ký của trung tâm. Chị H. một nhân viên ghi danh buồn rầu “có rất nhiều trung tâm mở ra được mấy ngày không có ai đăng ký, chán quá họ đã dẹp hết đi rồi. Trung tâm của chúng tôi may mắn cũng có được vài chục em đăng ký học nhưng chủ yếu là lớp tiếng Anh nên còn trụ lại được ở đây”.


Qua thực tế tại các khu vực luyện thi có thể nhận thấy các trung tâm luyện thi đại học cấp tốc đang “mất mùa”. Bên cạnh đó, từ thực tế đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ những năm gần đây thường bám sát chương trình sách giáo khoa nên ngay trong quá trình học THPT, các em đã phải nắm vững kiến thức chứ không chờ đợi vào các chương trình luyện cấp tốc. Nếu như cách đây vài năm, lò luyện thi là cứu cánh của các thí sinh ngoại tỉnh về Hà Nội, thì gần đây, do giá học phí, tiền ăn uống, đi lại, giá thuê phòng tăng cũng khiến cho rất nhiều phụ huynh và thí sinh không còn mặn mà gì với những lò luyện thi cấp tốc nữa.



small_275419.jpg

Cảnh tượng ế ẩm của các lò luyện thi cấp tốc



Bám cấu trúc đề thi ĐH, CĐ để ôn
Lời khuyên từ ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ GD&ĐT) đối với các thí sinh, đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ kiểm tra những kiến thức cơ bản, khả năng vận dụng và kỹ năng thực hành của thí sinh trong phạm vi chương trình trung học hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12. Đề thi ĐH, CĐ 2010 sẽ phân loại được trình độ học lực của thí sinh và không ra vào phần đã được giảm tải và phần đọc thêm.

Do đó, ông Nghĩa khuyên các thí sinh không nên học tủ, học lệch mà cần hệ thống lại toàn bộ các kiến thức của bậc học THPT. Về cơ bản, thí sinh có thể dựa trên chương trình sách giáo khoa hiện hành lớp 12 để ổn tập vì phần lớn nội dung đề thi đều nằm ở đây. Bên cạch đó, nội dung ôn tập cũng được nêu rõ trong cấu trúc đề thi tuyển sinh ĐH-CĐ đã được công bố chính thức trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thí sinh có thể căn cứ trên các tài liệu này để có kế hoạch ôn tập cá nhân một cách hiệu quả. Qua thực tế của các kỳ thi gần đây, nếu thí sinh không nắm vững kiến thức bậc THPT, thí sinh sẽ khó có cơ hội hoàn thành trọn vẹn bài thi.

Bài và ảnh Thanh Tuấn
VnMedia
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top