Về thăm ngoại
Tôi đã đi cách xa nơi ấy rất lâu, nhưng trong lòng tôi chưa từng một khắc nào không hướng về nơi ấy, cho dù xa cách nghìn cây số, cho dù cách biệt bao năm.
Chuyến xe khách chật chội hành khách, đầy những hành lí, và một vài vị khách cố giơ cao cành đào lên cao để tránh bị va quệt gãy mất nụ hoa. Dù đông, dù mỏi mệt vì chuyến đi dài, nhưng ai cũng rạng rỡ. Nhìn qua cửa sổ, những hàng chuối, những cánh đồng trơ gốc rạ cứ lướt qua vùn vụt, lướt qua trước mắt tôi những kỉ niệm về tuổi thơ và về ngoại.
Từ nhỏ, ba anh em tôi đã sống với ngoại. Quê tôi nghèo quá, từ khi cha mất, mẹ gửi anh em tôi lại cho ngoại để vào Nam làm ăn. Ngoại nghèo, ngoại già, nhưng vẫn gồng gánh để nuôi ba anh em chúng tôi mà chưa từng than thở điều chi, lúc nào cũng chỉ than thở thương cho ba anh em còn nhỏ mà đã phải xa mẹ, rồi lại thương đứa con gái cơ cực nơi xứ xa kiếm tiền gửi về nuôi con. Còn nhớ, mỗi lần cuối năm, mấy đứa tôi cùng bà sửa sang nhà cửa sớm trước. Căn nhà lợp ngói cũ, lớp tường vôi đã hằn in dấu vết năm tháng bằng lớp rêu xanh bám đầy trên tường. Bà sai mấy đứa sang nhờ bác Năm đưa ít vôi sang quét lại tường.
Bác vác cái thang quét bên trên, mấy đứa tui cầm chổi chọt chọt khoắng khoắng quét nghuệch ngoạc bên dưới. Bà tui la:
“Mấy đứa kia, bây quét chi mà hết ngang rùi dọc vậy? Nước vôi vãi đầy dưới đất rùi kìa, mang ra quét gốc cây cho bà”.
“Ủa, ngoại ơi, quét gốc cây làm chi ? Cây cũng cần sửa nhà hả ngoại?” – Tôi ngây ngốc hỏi bà, chỉ thấy bà bật cười rồi nói:
“Quét vôi gốc cây đầu năm để tránh đuổi tà ma đó. Hơn nữa, mùa xuân nhiều loài sâu bọ đục thân tấn công, quét vôi sẽ bảo vệ được cây khỏi sâu đục khoét, cũng như nhà chúng ta không bị rêu mốc làm hỏng. Quét gốc cây xong rồi ra ngõ quết đường ngăn không cho ma vào ngõ nhé con”.
“Chứ ngày thường sao không cần đuổi ma hả ngoại?”
“Ngày thường có thổ công, ông Táo coi nhà, ma quỷ không dám làm bậy. Ngày Tết, ông Công, ông Táo lên chầu trời hết rồi nên chúng ta phải quét vôi tránh ma quỷ vào nhà”.
“Ủa, ngoại ơi....”
“Con nhỏ này, hỏi nhiều quá à, đi quét mau lát còn cắt lá dong với bà”.
Bác Năm nghe vậy cũng cười ha hả. Bọn tôi bê xô vôi ra ngõ, toàn là viết bậy ra ngõ hết tên mình rồi vẽ hoa lá, trông cái ngõ không ra làm sao hết.
Gói bánh chưng là điều không thể vắng cho ngày Tết. Với chúng tôi, không có bánh chưng, Tết đã mất một nửa ý nghĩa của nó rồi. Ngày nay đủ đầy, ăn miếng bánh chưng đã no ngấy, nhưng lúc ấy, cả năm mới được ăn ngon một lần, chỉ nhìn miếng bánh chưng thôi mà nước bọt đã đong lên miệng, thiếu nước chảy ra ngoài thôi. Gầy bánh chưng thì thích, nhưng lúc chuẩn bị công đoạn gói bánh như bóc hành, cạo vỏ gừng thì đứa nào cũng muốn trốn việc. Bóc hành mắt cay xè, đưa tay quết nước mắt đứa nào đứa nấy đều như khóc vậy.
Cuối tháng Chạp, cây đào phai to đùng trước ngõ đã nở hoa gần kín cây. Còn bốn ngày nữa đến năm mới. Bà nói hai phiên chợ cuối của năm (quê tôi hai ngày mới họp chợ một lần) tranh thủ bán ít quả để kiếm thêm sắm Tết. Bà xách thúng bưởi, táo với mấy nải chuối ra chợ, chúng tôi ở nhà bóc hành, lau lá, cạo gừng. Xong việc, tôi ra đứng dưới gốc đào. Hoa đào bay bay, có cảm giác mình giống tiên nữ. Chị với anh tôi cười nhạo. Tôi tức lắm. Nhiều khi méc bà, bà cũng cười. Hôm nay thấy một thằng nhóc hàng xóm, đứng ngõ cạnh nhìn sang, mặt buồn buồn. Nhìn nó là lạ, áo quần tinh tươm, chắc trên phố về thăm quê. Bọn thành phố thường chê người nông thôn vừa nghèo vừa bẩn, chúng tôi cũng lơ, chẳng muốn bắt chuyện.
Ngóng đến trưa, bà đi chợ về, trong giỏ có thêm cân thịt mỡ, chả có bánh như mọi khi. Bọn tôi xịu mặt. Lúc sau, bà gọi lại bảo mẹ tôi gửi thư về, cho mỗi đứa một nghìn tiêu vặt. Chúng tôi vui lắm, kéo nhau đi mua bóng bay với kẹo hết sạch. Thằng nhỏ đó, lại đứng phía xa xa nhìn theo.
Đến tối, bốn bà cháu quây quanh nồi bánh chưng, tiếng củi nổ lốp đốp. Bà giỏi lắm, một mình gói hơn hai chục tấm bánh chưng cả buổi chiều. Bà kêu mấy đứa ở nhà trông, bà đi sang nhà bà Nhài lấy thóc giống. Mùng ba là đã phải làm bùn gieo giống vụ mới rồi. Bà đi được lúc, củi cháy rõ to bỗng cháy kém dần rồi toàn khói là khói bay ra. Ba cái mồm thi nhau thổi vào đống củi mà không ăn thua. Lúc sau ngoại về, ngoại la: “Tro nhiều thì phải đẩy bớt ra củi mới cháy được chứ”. Rồi dưới bàn tay khô gầy, ngoại lại làm đám lửa bùng lên. Bấy giờ chúng tôi mới thấy thằng nhóc lúc sáng đi theo sau bà. Bà ngoại bảo: “Cháu nội bác Nhài về chơi, nó ở một mình buồn quá, mấy đứa cho bạn chơi cùng nha”. Bọn tôi cũng kệ, nó dè dặt một góc, thỉnh thoảng cũng cười theo câu chuyện của mấy đứa. Chúng tôi còn sai nó về xin bà mấy củ khoai mang sang. Nhà bà nó nhiều khoai lắm. Nó cũng nghe lời, lúc sau ôm mấy củ khoai sang, ôm đến áo cũng lấm bẩn, mà nó thì vui ra mặt. Vùi khoai vào bếp, mấy củ khoai nướng thơm phức, củ thì cháy đen một góc, củ thì sượng một mặt, nhưng đứa nào cũng gặm ngon lành. Nửa đêm thì ngoại kêu mấy đứa đi ngủ, ngoại canh tiếp. Thằng nhỏ kia cũng về. Hôm sau, lúc chúng tôi được bà gọi dậy đánh răng rửa mặt thì lượt bánh chưng đã được ép hết. Sáng sớm đã thấy thằng cháu bà Nhài thập thò đầu ngõ. Bà tôi gọi nó mới dám vào. Lúc biết nó tên là Phương, bọn tôi cười, nhạo tên con gái quá. Nó bẽn lẽn. Nó hơn tôi hai tuổi. Và từ đó, nó có thêm chúng tôi làm bạn. Mấy mùa Tết sau đó, Phương cũng đều về quê nội, nó bảo trên phố Tết buồn lắm, kẹo bánh nhiều nhưng chẳng có ai chơi.
Hai năm sau, mẹ về một lần, đưa anh trai tôi vào Nam, còn tôi với chị gái. Cái Tết sau đó, mẹ cũng gửi thư với tiền về, lúc bà thư gửi lại mẹ tôi, tôi dặn bà ngoại viết thêm vào mấy dòng, đại ý nói tôi cũng lớn rồi, không cần tiền may áo với quà vặt Tết nữa, chỉ cần mẹ với anh về với bà cháu tôi thôi. Bà tôi cũng viết vào, nhưng mắt rưng rưng bảo: “Cha bố mày, nhớ mẹ quá hả?” Tôi cũng khóc. Hai tuần sau, thư lại, mẹ gửi kèm cho bà cháu tôi tấm hình, viết: “Mẹ xin lỗi, đợi mấy năm nữa kinh tế khá hơn, mẹ đón con về ở chung. Tết vé xe mắc quá, đi lại đã mất hơn triệu bạc, con gái yêu thông cảm cho mẹ nghe”.
Rồi 2 năm sau nữa, mẹ lại đón chị với tôi đi luôn. Lúc đó, tôi nhất quyết không chịu đi, muốn ở lại với bà ngoại. Mẹ kéo mãi mới lôi được tôi đi. Vào Nam, cái gì cũng xa lạ, bạn mới, trường mới, cuộc sống mới. Tết đến, cũng không thấy hoa đào, chỉ một màu vàng nhộn, cũng không hà hơi ra khói, cũng không thấy bà ngoại tất bật chuẩn bị quét vôi nữa. Thoắt cái cũng qua tám năm, tôi cũng đã lên đại học. Tôi thi ra ngoài Bắc để được gần bà hơn. Thư gửi qua lại với ngoại vẫn thường xuyên, nhưng tôi biết ngoại buồn và nhớ chúng tôi lắm. Tôi cũng thương ngoại vô cùng. Có một hai lần về thăm ngoại, không phải dịp Tết, ngoại già đi nhiều lắm.
Xe dừng ở điểm cuối. Đặt chân xuống, chao ơi là lạnh, có chút không quen, nhưng sâu thẳm trong tâm hồn tôi lại nẩy lên những tiếng ca vô hình. Tôi muốn đi về thật nhanh để nhìn thấy bà, để ôm lấy bà. Tò mò thôi thúc suy nghĩ trong tôi, tình yêu thôi thúc bước chân tôi. Cây đào đầu ngõ có còn đậm hoa? Ngoại tôi vẫn khỏe chứ? Cậu bạn năm nào có còn đứng bên ngõ ngóng sang?
- Thí sinh: Phạm Thị Thơ
- Quê: Nam Định