Bài tham dự cuộc thi "Mùa Tết”
Thể loại: Tản văn
Tác phẩm: Góc bếp của mẹ
Tác giả: Hà Trương
Mẹ thường nói với mấy anh em tôi, góc bếp chính là hồn cốt của một ngôi nhà, chỉ cần nhìn qua cái không gian bếp núc là biết được gia cảnh, nếp nghĩ, nếp ăn của nhau. Một góc bếp luôn tươm tất, gọn gàng, thơm hương, ấm lửa thì ắt hẳn gia chủ phải là người biết chỉn chu, chăm chút và đó là một gia đình hạnh phúc, đủ đầy. Một góc bếp bừa bộn ngổn ngang, ngày đêm nguội lạnh, thì chủ nhà của nó có lẽ cũng có nhiều phiền muộn, lo toan,...
Khói nơi góc bếp của mẹ cả đời không quên. Ảnh sưu tầm
Khi còn ở quê, lúc chúng tôi đang thơ dại, gia cảnh dù nghèo, chỉ có nhà tranh vách đất, nhưng vào dịp cuối năm, khi nào mẹ cũng thường dặn bố tôi, dù bận chuyện đồng áng đến mô, cũng phải tranh thủ đi lấy tranh tre về để che chắn, chăm lo cho góc bếp được kín kẽ, ấm áp. Cứ sau bữa cơm chiều, mấy anh em tôi lại được quay quần bên góc bếp, để xem mẹ chuẩn bị mọi thứ cho mấy ngày tết sắp đến, được nghe mẹ kể cho nghe đủ thứ chuyện trên đời, rồi mới yên tâm ngồi vào bàn học.
Giờ đây, dù ai cũng đã có một mái ấm của riêng mình, với gian bếp được thiết kế, lắp đặt đủ đầy các loại tiện nghi cần thiết cho nhu cầu của cuộc sống hiện đại, nhưng vào những ngày tết đến, có dịp trở về lại với mái nhà xưa, trong tôi, cái góc bếp ngày ấm cúng của mẹ như lại đang rưng rưng hiện về trong ký ức.
Về lại với góc bếp ngày tết của mẹ, tôi có như lại được đứng trước cả một phiên chợ tết phong phú với cơ man nào là sản vật của quê hương mà mẹ đã kỳ công chuẩn bị. Nào là mấy bó lá chuối xanh mướt mẹ vừa mới cắt ở sau vườn, để chuẩn bị gói lấy bánh chưng, bánh ít. Nào là mấy túm tỏi, túm hành tim tím, mấy quả đu đủ xanh được bố đưa về chiều hôm trước, đang được phơi cho heo héo một chút, để chuẩn bị cắt vỏ, bỏ cuống, làm món dưa hành, ăn kèm với bánh chưng, thịt mỡ mà cả nhà ai cũng thích. Mấy cân gừng tươi mẹ mua về từ chợ Hiền Ninh sẵn sàng cho mấy giã mứt vừa ngọt, vừa cay, đã được anh em tôi cạo xong lớp vỏ mỏng tanh tối qua, mà sáng hôm sau giụi tay vào mắt như vẫn còn xốn xang đến khó tả. Ở một góc bếp, mấy túm ớt tươi xanh đỏ chen chúc nhau để cho những món ăn cay đến xé lưỡi mà bố tôi và mấy bác lão nông trong xóm, mấy đồng đội cũ ở Lệ Thủy có dịp xuống chơi vốn rất ưa thích. Ở trong góc bếp ngày tết của mẹ năm đó còn có thêm mấy cân thịt lợn tươi sống mà bố và mẹ vừa được hợp tác chia theo công điểm, nhờ cả năm làm lụng siêng năng…
Mấy ngày tết, dường như chẳng mấy khi mẹ ra khỏi nhà, chỉ quanh quẩn cặm cụi cả ngày nấu nướng món ngày, nêm nếm món kia, rồi dọn dẹp, chùi rửa thứ này, thứ khác để kịp có mấy mâm cỗ bày cúng trên bàn thờ gia tiên, cũng như có đầy đủ các món ăn, thức uống tươi ngon để cho cả nhà cùng thưởng thức. Và điều quan trọng hơn như mẹ vẫn thường tâm niệm, đó là ngày tết, không được để cho góc bếp nguội lạnh, mà khi nào cũng phải ấm lửa, thơm hương…Mẹ vẫn luôn có niềm tin rằng, bếp núc mà tươm tất trong ba ngày tết, thì cả năm cũng sẽ no ấm, hạnh phúc. Do vậy, tết nhất đối với mấy anh em tôi khi nào cũng được đủ đầy nhờ vào bàn tay của mẹ, cho dù cả năm, cuộc sống vẫn còn nhiều vất vả vì thiếu thốn, khó khăn.
Bố tôi vẫn thích ăn món thịt kho tàu với trứng vịt, trứng cút nấu theo cách Miền Tây, mấy món canh cá nấu chua nhiều ớt theo cách của người Lào, bởi vì nó thường gợi lại cho ông những ký ức đẹp về tình quân dân của một thời quân ngũ. Thằng em út của tôi thì vẫn thích nhất là món chả thịt làm bằng giò heo, có lớp da dày và béo bọc ở bên ngoài, cắt ra chấm với cái thứ mắm tép vừa ngọt, vừa cay của quê tôi, do mẹ tự tay chế biến. Còn tôi thì thích nhất là món bánh chưng, bán ít ăn kèm với thịt mỡ, dưa hành có trộn thêm một ít đường bánh cạo ra trộn vào, chua chua, ngọt ngọt,…Món nào mẹ tôi nấu cũng ngon, bởi vì ngoài tài nữ công gia chánh mà lúc mẹ mới về làm dâu, ông bà nội tôi đã từng hết lời khen ngợi, ngoài sự quan tâm, lo lắng hàng ngày cho góc bếp của nhà mình, mẹ còn có một tình yêu đặc biệt dành cho cả gia đình. Chúng tôi luôn hiểu, ngày tết, mẹ khi nào cũng muốn bù đắp cho bố tôi những thiệt thòi mà mấy mươi năm chiến đấu xa nhà, bố đã phải trải qua, còn anh em tôi cả năm phải ăn uống kham khổ do nhà nghèo, thiếu thốn.
Mấy ngày tết, cho dù có đi du xuân khắp làng trên, xóm dưới, thì đến gần trưa, gần tối, bố tôi, anh em chúng tôi vẫn giữ thói quen trở về nơi góc bếp, để được quây quần bên mâm cơm đầm ấm do mẹ đã chăm chút và bày sẵn. Những lúc như thế, mẹ vẫn thường ngồi chăm chú ngắm nhìn chúng tôi thưởng thức những món ăn ngon, rồi hỏi han từng người, xem có món nào không vừa miệng không. Hay, có món nào cần nêm nếm thêm không. Những phát giây như thế, góc bếp nhỏ của gia đình tôi khi nào cũng ấm áp và ngập tràn hạnh phúc.
Rồi anh em tôi ai cũng đã lớn lên. Được bố và mẹ chăm chút từng ly từng tý, được thưởng thức nhiều món ngon ngày tết do mẹ nấu trong chính cái góc bếp đơn sơ mà ấm áp của gia đình, bất giác, tôi như chợt nghe lòng mình lắng lại và cay cay trên khóe mắt, khi nghĩ đến những bữa cơm của những ngày sau tết, lúc chúng tôi, người xa nhà trọ học, kẻ đi làm vì cuộc sống mưu sinh. Chắc khi đó cái góc bếp nhỏ này trong bữa cơm ngày thường của bố và mẹ cũng sẽ trống vắng, quạnh hiu, bởi vì chỉ có hai bố mẹ già, thì ngồi phía bên nào cũng lệch…
Vì sợ rằng mấy ngày tết trôi qua nhanh, ngoài những thời gian “bù khú” với chúng bạn, tranh thủ những ngày còn lại, chúng tôi lại quanh quẩn bên góc bếp cùng với mẹ, để được nghe mẹ kể cho nghe những câu chuyện về gốc tích gia đình, cũng như những mùa tết khi xưa mẹ mới về làm dâu nhà nội. Những lời mẹ đã dặn dò về cái góc bếp, về nếp nhà, về đối nhân, xử thế, về bài học làm người đã theo chúng tôi đi qua những tháng ngày gian khó, giúp anh em tôi biết gìn giữ và phát huy nề nếp gia phong.
Rồi ba ngày tết cũng đã trôi qua thật nhanh như bóng câu trước ngõ. Khi hoa mai, hoa đào chưa kịp tàn phai, khi bánh chưng, bánh tét đang còn treo đầy trên góc bếp, rượu chưa kịp hết, hương sắc mùa xuân như vẫn còn vương vấn đâu đây, gói ghém những hành trang cần thiết, chúng tôi lại tạm xa mẹ, xa cả cái góc bếp ấm áp để lên đường. Với tôi, đó cũng chính là cái tết cuối cùng tôi được trở về, được mẹ chăm chút, yêu thương, bởi vì sau đó, tôi phải tự chăm lo cho tổ ấm của riêng mình. Rồi năm sau nữa, cậu em út của tôi cũng đã yên bề gia thất...
Giờ đây, công việc bộn bề, thời gian hối hả, có khi đến cận 28 tháng chạp, cả vợ chồng, con cái chúng tôi mới thực sự được nghỉ ngơi để chuẩn bị đón tết. Tiền lương, tiền thưởng nhận về, cần những thứ gì, chỉ cần vào siêu thị hay ra chợ, thế là đủ đầy, chủ tất. Có năm, mấy người bạn thân muốn “đổi gió”, lại rủ rê nhau “phượt” vào tận Đà Lạt đón tết như cái cách của người phương tây. Thế là cửa nhà, bếp núc, suốt ba ngày tết đóng kín, then cài, lạnh tanh, vắng vẻ,…
Ngày tết, mỗi lần, đang mệt mỏi rã rời do phải rượu bia, khách khứa, cứ nghĩ đến mấy chiếc bánh chưng, mấy lọ dưa hành, mấy cân giò chả mua ở siêu thị về chất đầy trong tủ lạnh, được gói ghém bắt mắt, nhưng mà nhạt thếch, bất giác, tôi lại thấy lòng mình hụt hẫng, như thiêu thiếu một cái gì đó khó nói thành lời.
…Mặc dù chương trình du xuân vào Miền Tây đã được lên lịch từ mấy tháng trước, nhưng tôi vẫn quyết định năm nay, sẽ đưa cả gia đình về quê ăn tết. Nghe tôi thông báo ý tưởng, đầu giây bên kia, cậu em út của tôi cũng như đang nhảy cẫng lên vì sung sướng. Kể từ ngày ra ở riêng ở trên thành phố, đã nhiều năm chưa trở về quê để đón tết cùng bố mẹ, nhưng lúc nào tôi cũng nhớ như in lời mẹ đã từng dặn dò anh em chúng tôi: “Bếp nhà mình khi nào cũng ấm áp, nên lúc nào cứ thèm mấy món ăn quê mình, thì mấy đứa cứ đưa vợ con trở về nhà với mẹ…”.
Thể loại: Tản văn
Tác phẩm: Góc bếp của mẹ
Tác giả: Hà Trương
GÓC BẾP CỦA MẸ
Mẹ thường nói với mấy anh em tôi, góc bếp chính là hồn cốt của một ngôi nhà, chỉ cần nhìn qua cái không gian bếp núc là biết được gia cảnh, nếp nghĩ, nếp ăn của nhau. Một góc bếp luôn tươm tất, gọn gàng, thơm hương, ấm lửa thì ắt hẳn gia chủ phải là người biết chỉn chu, chăm chút và đó là một gia đình hạnh phúc, đủ đầy. Một góc bếp bừa bộn ngổn ngang, ngày đêm nguội lạnh, thì chủ nhà của nó có lẽ cũng có nhiều phiền muộn, lo toan,...
Khói nơi góc bếp của mẹ cả đời không quên. Ảnh sưu tầm
Khi còn ở quê, lúc chúng tôi đang thơ dại, gia cảnh dù nghèo, chỉ có nhà tranh vách đất, nhưng vào dịp cuối năm, khi nào mẹ cũng thường dặn bố tôi, dù bận chuyện đồng áng đến mô, cũng phải tranh thủ đi lấy tranh tre về để che chắn, chăm lo cho góc bếp được kín kẽ, ấm áp. Cứ sau bữa cơm chiều, mấy anh em tôi lại được quay quần bên góc bếp, để xem mẹ chuẩn bị mọi thứ cho mấy ngày tết sắp đến, được nghe mẹ kể cho nghe đủ thứ chuyện trên đời, rồi mới yên tâm ngồi vào bàn học.
Giờ đây, dù ai cũng đã có một mái ấm của riêng mình, với gian bếp được thiết kế, lắp đặt đủ đầy các loại tiện nghi cần thiết cho nhu cầu của cuộc sống hiện đại, nhưng vào những ngày tết đến, có dịp trở về lại với mái nhà xưa, trong tôi, cái góc bếp ngày ấm cúng của mẹ như lại đang rưng rưng hiện về trong ký ức.
Về lại với góc bếp ngày tết của mẹ, tôi có như lại được đứng trước cả một phiên chợ tết phong phú với cơ man nào là sản vật của quê hương mà mẹ đã kỳ công chuẩn bị. Nào là mấy bó lá chuối xanh mướt mẹ vừa mới cắt ở sau vườn, để chuẩn bị gói lấy bánh chưng, bánh ít. Nào là mấy túm tỏi, túm hành tim tím, mấy quả đu đủ xanh được bố đưa về chiều hôm trước, đang được phơi cho heo héo một chút, để chuẩn bị cắt vỏ, bỏ cuống, làm món dưa hành, ăn kèm với bánh chưng, thịt mỡ mà cả nhà ai cũng thích. Mấy cân gừng tươi mẹ mua về từ chợ Hiền Ninh sẵn sàng cho mấy giã mứt vừa ngọt, vừa cay, đã được anh em tôi cạo xong lớp vỏ mỏng tanh tối qua, mà sáng hôm sau giụi tay vào mắt như vẫn còn xốn xang đến khó tả. Ở một góc bếp, mấy túm ớt tươi xanh đỏ chen chúc nhau để cho những món ăn cay đến xé lưỡi mà bố tôi và mấy bác lão nông trong xóm, mấy đồng đội cũ ở Lệ Thủy có dịp xuống chơi vốn rất ưa thích. Ở trong góc bếp ngày tết của mẹ năm đó còn có thêm mấy cân thịt lợn tươi sống mà bố và mẹ vừa được hợp tác chia theo công điểm, nhờ cả năm làm lụng siêng năng…
Mấy ngày tết, dường như chẳng mấy khi mẹ ra khỏi nhà, chỉ quanh quẩn cặm cụi cả ngày nấu nướng món ngày, nêm nếm món kia, rồi dọn dẹp, chùi rửa thứ này, thứ khác để kịp có mấy mâm cỗ bày cúng trên bàn thờ gia tiên, cũng như có đầy đủ các món ăn, thức uống tươi ngon để cho cả nhà cùng thưởng thức. Và điều quan trọng hơn như mẹ vẫn thường tâm niệm, đó là ngày tết, không được để cho góc bếp nguội lạnh, mà khi nào cũng phải ấm lửa, thơm hương…Mẹ vẫn luôn có niềm tin rằng, bếp núc mà tươm tất trong ba ngày tết, thì cả năm cũng sẽ no ấm, hạnh phúc. Do vậy, tết nhất đối với mấy anh em tôi khi nào cũng được đủ đầy nhờ vào bàn tay của mẹ, cho dù cả năm, cuộc sống vẫn còn nhiều vất vả vì thiếu thốn, khó khăn.
Bố tôi vẫn thích ăn món thịt kho tàu với trứng vịt, trứng cút nấu theo cách Miền Tây, mấy món canh cá nấu chua nhiều ớt theo cách của người Lào, bởi vì nó thường gợi lại cho ông những ký ức đẹp về tình quân dân của một thời quân ngũ. Thằng em út của tôi thì vẫn thích nhất là món chả thịt làm bằng giò heo, có lớp da dày và béo bọc ở bên ngoài, cắt ra chấm với cái thứ mắm tép vừa ngọt, vừa cay của quê tôi, do mẹ tự tay chế biến. Còn tôi thì thích nhất là món bánh chưng, bán ít ăn kèm với thịt mỡ, dưa hành có trộn thêm một ít đường bánh cạo ra trộn vào, chua chua, ngọt ngọt,…Món nào mẹ tôi nấu cũng ngon, bởi vì ngoài tài nữ công gia chánh mà lúc mẹ mới về làm dâu, ông bà nội tôi đã từng hết lời khen ngợi, ngoài sự quan tâm, lo lắng hàng ngày cho góc bếp của nhà mình, mẹ còn có một tình yêu đặc biệt dành cho cả gia đình. Chúng tôi luôn hiểu, ngày tết, mẹ khi nào cũng muốn bù đắp cho bố tôi những thiệt thòi mà mấy mươi năm chiến đấu xa nhà, bố đã phải trải qua, còn anh em tôi cả năm phải ăn uống kham khổ do nhà nghèo, thiếu thốn.
Mấy ngày tết, cho dù có đi du xuân khắp làng trên, xóm dưới, thì đến gần trưa, gần tối, bố tôi, anh em chúng tôi vẫn giữ thói quen trở về nơi góc bếp, để được quây quần bên mâm cơm đầm ấm do mẹ đã chăm chút và bày sẵn. Những lúc như thế, mẹ vẫn thường ngồi chăm chú ngắm nhìn chúng tôi thưởng thức những món ăn ngon, rồi hỏi han từng người, xem có món nào không vừa miệng không. Hay, có món nào cần nêm nếm thêm không. Những phát giây như thế, góc bếp nhỏ của gia đình tôi khi nào cũng ấm áp và ngập tràn hạnh phúc.
Rồi anh em tôi ai cũng đã lớn lên. Được bố và mẹ chăm chút từng ly từng tý, được thưởng thức nhiều món ngon ngày tết do mẹ nấu trong chính cái góc bếp đơn sơ mà ấm áp của gia đình, bất giác, tôi như chợt nghe lòng mình lắng lại và cay cay trên khóe mắt, khi nghĩ đến những bữa cơm của những ngày sau tết, lúc chúng tôi, người xa nhà trọ học, kẻ đi làm vì cuộc sống mưu sinh. Chắc khi đó cái góc bếp nhỏ này trong bữa cơm ngày thường của bố và mẹ cũng sẽ trống vắng, quạnh hiu, bởi vì chỉ có hai bố mẹ già, thì ngồi phía bên nào cũng lệch…
Vì sợ rằng mấy ngày tết trôi qua nhanh, ngoài những thời gian “bù khú” với chúng bạn, tranh thủ những ngày còn lại, chúng tôi lại quanh quẩn bên góc bếp cùng với mẹ, để được nghe mẹ kể cho nghe những câu chuyện về gốc tích gia đình, cũng như những mùa tết khi xưa mẹ mới về làm dâu nhà nội. Những lời mẹ đã dặn dò về cái góc bếp, về nếp nhà, về đối nhân, xử thế, về bài học làm người đã theo chúng tôi đi qua những tháng ngày gian khó, giúp anh em tôi biết gìn giữ và phát huy nề nếp gia phong.
Rồi ba ngày tết cũng đã trôi qua thật nhanh như bóng câu trước ngõ. Khi hoa mai, hoa đào chưa kịp tàn phai, khi bánh chưng, bánh tét đang còn treo đầy trên góc bếp, rượu chưa kịp hết, hương sắc mùa xuân như vẫn còn vương vấn đâu đây, gói ghém những hành trang cần thiết, chúng tôi lại tạm xa mẹ, xa cả cái góc bếp ấm áp để lên đường. Với tôi, đó cũng chính là cái tết cuối cùng tôi được trở về, được mẹ chăm chút, yêu thương, bởi vì sau đó, tôi phải tự chăm lo cho tổ ấm của riêng mình. Rồi năm sau nữa, cậu em út của tôi cũng đã yên bề gia thất...
Giờ đây, công việc bộn bề, thời gian hối hả, có khi đến cận 28 tháng chạp, cả vợ chồng, con cái chúng tôi mới thực sự được nghỉ ngơi để chuẩn bị đón tết. Tiền lương, tiền thưởng nhận về, cần những thứ gì, chỉ cần vào siêu thị hay ra chợ, thế là đủ đầy, chủ tất. Có năm, mấy người bạn thân muốn “đổi gió”, lại rủ rê nhau “phượt” vào tận Đà Lạt đón tết như cái cách của người phương tây. Thế là cửa nhà, bếp núc, suốt ba ngày tết đóng kín, then cài, lạnh tanh, vắng vẻ,…
Ngày tết, mỗi lần, đang mệt mỏi rã rời do phải rượu bia, khách khứa, cứ nghĩ đến mấy chiếc bánh chưng, mấy lọ dưa hành, mấy cân giò chả mua ở siêu thị về chất đầy trong tủ lạnh, được gói ghém bắt mắt, nhưng mà nhạt thếch, bất giác, tôi lại thấy lòng mình hụt hẫng, như thiêu thiếu một cái gì đó khó nói thành lời.
…Mặc dù chương trình du xuân vào Miền Tây đã được lên lịch từ mấy tháng trước, nhưng tôi vẫn quyết định năm nay, sẽ đưa cả gia đình về quê ăn tết. Nghe tôi thông báo ý tưởng, đầu giây bên kia, cậu em út của tôi cũng như đang nhảy cẫng lên vì sung sướng. Kể từ ngày ra ở riêng ở trên thành phố, đã nhiều năm chưa trở về quê để đón tết cùng bố mẹ, nhưng lúc nào tôi cũng nhớ như in lời mẹ đã từng dặn dò anh em chúng tôi: “Bếp nhà mình khi nào cũng ấm áp, nên lúc nào cứ thèm mấy món ăn quê mình, thì mấy đứa cứ đưa vợ con trở về nhà với mẹ…”.
Sửa lần cuối: