DIỄN NGÔN VÀ VĂN BẢN - VẤN ĐỀ ĐỊNH NGHĨA
Vào những năm 50 thế kỉ XX Emile Benviniste khi giải quyết lí thuyết phát ngôn đã sử dụng một cách nhất quán thuật ngữ discours có tính truyền thống đối với ngôn ngữ học Pháp theo một ý nghĩa mới như là “đặc điểm của lời nói do người nói nhận biết”. Zeling Harris cho công bố một bài báo năm 1952 Discourse analysis về phương pháp phân bố theo quan hệ với sự thống nhất trên câu. Như thế là hai học gỉa uy tín đã xác lập nghĩa đồng nhất của hai khách thể nghiên cứu khác nhau: Benviniste hiểu diễn ngôn như là sự giải thích lập trường của người nói trong phát ngôn, còn Harris hiểu khách thể của phân tích là tính liên tục của phát ngôn, đoạn cắt của văn bản lớn hơn câu.
Tính đa nghĩa ban đầu của thuật ngữ diễn ngôn đã quy định và mở rộng thêm ngữ nghĩa của nó. Vào những năm 60 Michel Foucault, phát triển tư tưởng của Benviniste, đề xuất cách nhìn của mình đối với mục đích và nhiệm vụ của phân tích diễn ngôn. Theo ý kiến của Foucault và những người kế tục ông, điều quan trọng là xác định lập trường của người nói, nhưng không dựa theo lời phát ngôn đã sản sinh, mà theo quan hệ của các chủ thể phát ngôn khác nhau thay thế nhau và ý thức hệ mà họ biểu hiện trong ý nghĩa rộng nhất của từ đó. Như thế đối với trường phái Pháp diễn ngôn là một kiêủ phát ngôn thuộc về một nhóm xã hội chính trị hay thời đại nhất định ( “diễn ngôn giao tiếp”).
Quan niệm của Foucault thống nhất ngôn ngữ học với chủ nghĩa duy vật lịch sử, mặc dù có sự gần gụi rõ ràng về phương pháp luận, nhưng không tìm được sự đồng tình trong ngôn ngữ học xô viết. Thêm nữa, cách hiểu diễn ngôn của Harris không trở thành phổ biến, mặc dù nó hoàn toàn phù hợp với cách tiếp cận cấu trúc ngữ nghĩa chiếm vị trí chủ đạo trong ngữ học xô viết vào những năm đó. Tất cả những điều đó còn tỏ ra lạ lùng hơn khi trong nửa sau thế kỉ XX đã nảy sinh trong ngôn ngữ học xô viết khuynh hướng ngữ pháp/ngôn ngữ học văn bản. Xác định các quy luật ngôn ngữ học của tổ chức văn bản (I. R. Galperin, O. I. Moscalskaia, Z. Ja. Turaeva…), các nhà ngữ học tất yếu phải đi đến kết luận về thiếu sót của phương pháp được vận dụng, cũng như sự thiếu chính xác trong thuật ngữ được sử dụng (vấn đề phân biệt câu và phát ngôn, văn bản và các đơn vị của nó…). Hơn nữa cách tiếp cận cấu trúc ngữ nghĩa truyền thống không có sức mạnh giải thích đầy đủ đối với các đặc trưng của văn bản như tính chỉnh thể, tính liên kết. Tính bất khả trong việc giải thích một cách sơ luợc thuần tuý ngôn ngữ học đối với các phạm trù văn bản ấy đã dẫn đến sự phản ứng về các lĩnh vực tri thức giao nhau làm hình thành giả thiết về vai trò cấu tứ của người sáng tạo (N. I. Ginkin), hình tượng tác giả ( I. I. Kovtunova). Rõ ràng rằng quan điểm như thế phù hơn với quan điểm của Benviniste về diễn ngôn như là “lời nói do người nói nhận biết”. Nhưng cái định nghĩa ấy một thời gian dài vẫn không được chú ý đúng mức.
Thuật ngữ diễn ngôn liên tục không được sử dụng như là một trong ba ý nghĩa trung tâm của nó cho đến những năm 80. Truyền thống hậu xô viết đã làm sống lại thuật ngữ đó với nhiều ý nghĩa đến mức đặt các nhà nghiên cứu trước việc xác định và phân biệt các ý nghĩa. Đặt ra ngoài cách hiểu về diễn ngôn như là hiện tượng xã hội được thể hiện trong các công trình hai chục năm gần đây (diễn ngôn về giới, diễn ngôn bạo lực…) có cội nguồn rõ ràng trong trước tác của các nhà hậu hiện đại chủ nghĩa Pháp, chúng tôi chú ý đến tính hai mặt của thuật ngữ trong cách giải thích ngôn ngữ học. Diễn ngôn trong các nghiên cứu hiện đại là “lời nói đi sâu vào cuộc sống” (N. D. Arutiunova) và sự vận động của dòng thông tin giữa những người tham gia giao tiếp.
Rõ ràng các quan điểm này không loại trừ, mà bổ sung cho nhau: quan niệm về các quá trình sản sinh và hiểu văn bản không thể có được nếu thiếu chỗ dựa của tình huống giao tiếp (tham gia vào cuộc sống). Quan niệm về diễn ngôn như là quá trình còn dựa vào ý kiến của các nhà nghiên cứu Pháp về vai trò chủ đạo của chủ thể phát ngôn. Chúng tôi đề nghị hiểu diễn ngôn như là tổng hoà các hành động giao tiếp bằng lời nói có ý nghĩa gắn liền với nhận thức, suy nghĩ và quan niệm về thế giới của người nói và sự suy nghĩ, tái kiến tạo bức tranh ngôn ngữ về thế giới của người sản sinh văn bản bởi người tiếp nhận. Quan niệm đó nằm trong quỹ đạo cách tiếp cận động (on-line) đối với ngôn ngữ, để xác định deverbativy (hành động, nhận thức, tái hiện, tái kiến tạo) có ý nghĩa then chốt phản ánh đầy đủ sự đa dạng các thao tác phức tạp ở trình độ cao nhất của những người thực hiện giao tiếp.
Điểm liên kết các hành động khác hướng, nhưng pha tạp về bản chát của những người tham gia giao tiếp là văn bản. Quan điểm diễn ngôn như là quá trình cho phép phân tích văn bản như là hiện tượng tĩnh tại, một phạm vi của các lực nuốt nhau. Cách hiểu văn bản như thê không phải là truyền thống đối với ngôn ngữ học Nga, mặc dù Turaeva đã nhận xét rằng “với tư cách là một thực tại khách quan nhất định, văn bản tồn tại trong những tham số nhất định nằm ngoài ý thức chủ thể của người sáng tạo và người tiếp nhận. Với ý nghĩa này văn bản là hệ thông khép kín, mà trạng thái tiêu biểu của nó là tĩnh tại.(Turaeva, 1986, 2). Có tính truyền thống hơn là quan điểm thứ nhất, xem văn bản là sự thực bằng hình thức ngôn ngữ viết và thứ hai, có sự hoà trộn ý nghĩa trực tiếp và ý nghĩa hoán dụ, thuật ngữ “văn bản” dùng để chỉ bộ phận của văn bản. So sánh định nghĩa của Galperin: “Văn bản là tác phẩm của quá trình nói, có tính hoàn tất, khách quan hoá dưới dạng tài liệu viết, được trau chuốt về mặt văn chương phù hợp với loại hình tài liệu; tác phẩm tạo thành bởi tên gọi, và hàng loạt đơn vị đặc thù (thống nhất trên câu), được thống nhất bởi các mối liên hệ về từ vựng, ngữ pháp, logich, phong cách có khuynh hướng và đích sử dụng nhất định”.(Galperin, 1981, 18). Quan điểm này hoàn toàn phù hợp với cách tiếp cận tĩnh (off – line) đối với ngôn ngữ, mà đối tượng phân tích của nó, theo nhận xét tinh tế của P. Serio là “ngôn ngữ của Adam, lời nói của một kẻ nói ra trong cô độc, không có kí ức” (Serio, 1999, 197).
Theo chúng tôi một sự miêu tả văn bản như một giai đoạn của diễn ngôn thì sẽ có sức giải thích lớn hơn nếu ta hiểu diễn ngôn là tổng hoà các hành động suy nghĩ bằng lời của cả hai chủ thể giao tiếp. Đồng thời, văn bản với tư cách là một thực tế tồn tại khách quan của hiện thực có thể được xem như là sản phẩm (kết quả) của diễn ngôn.
Nói về văn bản như là sản phẩm của diễn ngôn phù hợp với sự thích nghi của định lí về tính chất lượng tử của tư duy trong ngôn ngữ học nền tảng đối với khoa học về trí tuệ. Việc W. Cheif tách các đơn vị tương ứng với các lượng tử của tư duy dẫn đến quan niệm về bản chất gián đoạn – sóng của nghệ thuật. Như thế, có thể giả thiết rằng tính gián đoạn là thuộc tính tiên nghiệm của bất cứ diễn ngôn nào, còn việc chia dòng thông tin thành các đơn vị nhỏ diến ra một cách độc lập với dụng ý của người nói và của tình huống giao tiếp nói chung. Tính gián đoạn không tuỳ tiện và không tự sinh đòi hỏi phải xác lập tính liên kết của văn bản được sản sinh với tư cách là chiến lược tối ưu của người nói : “Theo quan điểm của văn hoá ngôn ngữ việc tạo nên hình thức lời nói tương đồng có thể được hiểu như là quá trình sản sinh ra phát ngôn từ các đơn vị cấu trúc quan hệ thuộc dãy thấp hơn và sự kết hợp thành các bloc lớn hơn, nhờ đó mà con người có khả năng cố kết và biểu đạt tư tưởng của mình (Kolshanski, 1985, 45).
Tính tất yếu của sự chuyển đổi hình thức được xác định bởi sự không ăn nhập của cấu trúc gián đoạn của quan niệm và các hình thức bề mặt của văn bản, nó gắn liền với sự chuyển đổi cấu tạo của quan niệm tâm trí thành cấu trúc tuyến tính. Sự chuyển đổi của quan niệm gián đoạn thành quan niệm liên kết là điều kiện tất yếu của giao tiếp có kết quả: một văn bản không có liên kết thì người nhận không thể giải mã dúng được. Sự chuyển đổi này diến ra xuyên qua sự xác lập mối liên kết toàn bộ và cục bộ của diễn ngôn.
Mối liên hệ toàn bộ được chúng tôi hiểu như là sự thống nhất về đề tài (chủ đề) của diễn ngôn, được xác dịnh bằng người sản sinh (tác giả) ngay trong giai đoạn đầu khi triển khai diễn ngôn: xảy ra sự xác lập các mối liên kết liên quan giữa các cấu trúc của tri thức – tái hiện mô hình liên kết của tình huống. Sự xác lập liên kết cục bộ diễn ra trong giai đoạn hình thành văn bản và đòi hỏi thể hiện rõ mối liên kết giữa kết cấu và các cấu trúc bề sâu – thể hiện rõ các quan hệ của mạch lạc. Các dụng ý của tác giả trong giai đoạn này dựa trên sự lựa chọn giữa cấu trúc bề mặt tương đồng để biểu đạt các mối liên kết của các đơn vị liên quan đến người nhận. Tính đến việc phân bố các thông tin theo đơn vị khi xây dựng diễn ngôn vẫn là bất biến (một tư tưởng đối với một vị ngữ), việc người nói lựa chọn cấu trúc bề mặt phụ thuộc vào các biến số như ngữ cảnh tình huống và ngữ cảnh ngôn ngữ.
Sự phát triển của đề án có thể dựa vào tiền đề sự biểu thị và sơ đồ cấu trúc của câu đơn, câu phức, và sự kết hợp của các câu không có liên kết từ và sự thống nhất trên câu. Chúng tôi cho rằng cách tiếp cận đối với văn bản như là sản phẩm của diễn ngôn xoá bỏ sự đối lập lẫn nhau của các đơn vị cú pháp. Thứ nhất, sự khác biệt nguyên tắc giữa sự thống nhất trên câu và các biến thể khác của sự thống nhất của các đơn vị chỉ thấy được dưới hình thức ngôn ngữ viết. Thứ hai, ranh giới giữa các cấu tạo có kết từ và không có kết từ chỉ được thực hiện trên cơ sở những khác biệt về phương tiện liên kết, phần lớn các nhà nghiên cứu cú pháp văn bản thiên về tách nhóm các phương tiện liên kết gọi là bổ sung chuyên dụng để thống nhất các cấu trúc không gíán đoạn và các bộ phận của câu phức liên kết và các kết hợp câu không liên kết, câu độc lập, trong thành phần chỉnh thể cú pháp phức tạp.
Quan niệm của chúng tôi về văn bản như là một giai đoạn trung gian có sự liên kết (và cả toàn thể) nội tại, tĩnh tại của diễn ngôn, cho phép định nghĩa nó như một chuỗi liên tục kéo dài nhất định các kí hiệu ngôn ngữ nằm giữa hai điểm dừng của giao tiếp. Cách tiếp cận này làm cho văn bản gần với lời phát ngôn và bỏ qua sự khác biệt giữa hình thức viết và nói rất quan trọng đối với sự phân tích ngôn ngữ một cách tĩnh tại. Cách tiếp cận động cho phép trả lời câu hỏi quan trọng đối với ngữ học văn bản về các đơn vị nghiên cứu: văn bản là sản phẩm của diễn ngôn nhất định chừng nào người phát và người nhận chưa ngừng cuộc giao tiếp.
Sưu tầm.