Dịch văn học: Quảng bá cho người, quảng bá cho mình - Hữu Việt

  • Thread starter Thread starter Tuyền Nguyễn
  • Ngày gửi Ngày gửi
T

Tuyền Nguyễn

Guest
Dịch văn học: Quảng bá cho người, quảng bá cho mình

Những người dịch văn học đã tham gia nâng tầm tiếng Việt, làm tiếng Việt được tôn vinh và cất cánh. Vì vậy, nếu chúng ta không thừa nhận dịch văn học như một sáng tác (về mặt giá trị) thì không lẽmột cuốn sách dịch hay lại “lép vế” một sáng tác bằng tiếng mẹ đẻ ở mức trung bình về mặt sáng tạo? Điều này khá quan trọng vì nó sẽ quyết định thái độ, tâm thế của chúng ta với văn học dịch, dẫn tới nhận thức, đánh giá và đầu tư cho văn học dịch.

Trước tiên tôi muốn chúng ta thống nhất với nhau một quan niệm: văn học dịch là một phần không thể thiếu làm nên nền văn học Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Văn học dịch không phải là con nuôi hay con lai mà là con đẻ của văn học Việt Nam, bởi vì theo tôi, lao động dịch văn học là hoạt động sáng tạo, vậy thì nó cần được đánh giá bình đẳng với những sáng tác bằng tiếng mẹ đẻ.
Tôi ủng hộ quan niệm cho rằng, để có một tác phẩm dịch hay, chúng ta cần có những chuyên gia giỏi tiếng Việt. Nguyễn Thụy Ứng là một ví dụ. Chikhi Don mà dịch là Sông Đông êm đềm thì thật tuyệt. Cũng giống nhưBezsolnhitsư mà dịch là Thao thức cũng hay vô cùng, chỉ những người rất giỏi tiếng Việt mới “phiên” ra như thế.
Nguyễn Thụy Ứng dịch Sholokhov với vốn tiếng Nga được học đúng 3 tháng (là người biết tiếng Nga, tôi cho là với thời gian này thì người học chưa biết gì mấy). Bù lại, ông giỏi tiếng Tàu. Ông đã dịch Sông Đông êm đềm với bộ từ điển tiếng Nga và tiếng Trung Quốc (may là ông có cuốn Sông Đông êm đềm bản tiếng Trung). Ông nói một câu mà bây giờ tôi còn nhớ: “Cái chính không phải là học mà là làm việc. Học trong khi làm việc”. Và ông đã dành cả cuộc đời làm việc này, cô đơn và kiêu hãnh, cho dù ông không vào Hội Nhà văn.

Có thể nói, những người dịch văn học đã tham gia nâng tầm tiếng Việt, làm tiếng Việt được tôn vinh và cất cánh. Vì vậy, nếu chúng ta không thừa nhận dịch văn học như một sáng tác (về mặt giá trị) thì không lẽ một cuốn sách dịch hay lại “lép vế” một sáng tác bằng tiếng mẹ đẻ ở mức trung bình về mặt sáng tạo? Điều này khá quan trọng vì nó sẽ quyết định thái độ, tâm thế của chúng ta với văn học dịch, dẫn tới nhận thức, đánh giá và đầu tư cho văn học dịch.
Thực tiễn cho thấy, sách dịch nói chung và văn học dịch nói riêng hiện nay đã được thương mại hóa toàn diện. Nói theo ngôn ngữ báo chí là “loạn”. Trước tiên về mặt số lượng, nó nhiều tới mức mà không ai có sức đọc xuể. Về nội dung thì rất nhiều quyển in trên bìa là sách “best seller” cỡ thế giới! Về mặt chuyển ngữ thì… Thôi, xin mời đọc báo. Vấn đề ở đây không phải là dịch sai một vài câu hay một vài đoạn (chuyện này cũng bình thường thôi) mà ở chỗ tiếng Việt bị sử dụng một cách vội vã, cẩu thả, đôi lúc ngô nghê một cách lạ lùng. Tôi được biết một số Công ty kinh doanh sách, vì áp lực cạnh tranh làm sao ra sách thật nhanh đã áp dụng công nghệ thế này: họ thuê sinh viên mới học năm thứ nhất, thứ hai ngoại ngữ dịch thô, sau đó thuê người biết ngoại ngữ khá hơn một chút “tút” lại rồi chuyển thẳng xuống… nhà in. Khi cuốn sách ra lò, nó được giới thiệu đến công chúng đa phần qua thông cáo báo chí của chính những Công ty kinh doanh sách và được copy gần như nguyên xi trên khá nhiều cơ quan/phương tiện truyền thông. Dễ hiểu vì sao những tác phẩm mác mỏ bằng những giải thưởng quốc tế to kinh khủng nhưng khi đọc bản tiếng Việt của các “dịch giả” lại khó nhằn như vậy.

Chúng ta không trách cơ chế thị trường, thậm chí phải cảm ơn nó đã mang lại một thị trường sách phong phú như hiện nay. Nhưng nếu để nó khống chế thị trường theo kiểu con buôn thì đời sống tinh thần các thế hệ sau chúng ta sẽ được dung dưỡng bằng cái gì? Với tư cách là một tổ chức văn học có uy tín, chúng ta rất cần (và làm cách nào đây?) một đội ngũ những người tâm huyết và có trình độ, đủ năng lực đưa ra tiếng nói thẩm định văn bản cũng uy tín, khách quan và chính xác như nó cần phải như thế. Nói đến tâm huyết bởi làm việc này không ra nhiều tiền, lại vất vả. Chúng ta đã có công cụ trong tay (các tờ báo văn học và văn học nước ngoài) nhưng số lượng ấn bản không nhiều và hình như cũng không chuyên chú được vào việc “dịch dọt”. Tâm huyết chính là ở chỗ đó. Ngoài ra thì thù lao thế nào cho người ta tồn tại với tâm huyết của mình cũng là vấn đề. Bởi vì thời buổi này, dịch văn học đã rẻ mạt lắm, thẩm định còn rẻ hơn! Chẳng ai uống nước lã mà làm việc được. Làm gì có chuyện hàng tốt giá rẻ, đặc biệt là trong lĩnh vực văn học nghệ thuật! Những chuyện vừa kể trên nói mãi rồi, nhưng lần nào đề cập đến vẫn thấy cần phải nói lại, nói nữa.

Bây giờ, xin được phép có vài ý kiến nhỏ về quảng bá văn học Việt Nam, hay nói nôm na là dịch văn học Việt Nam ra nước ngoài. Việc này chúng ta mới bàn sôi nổi thời gian gần đây. Mô hình thì chủ yếu là tham khảo những cái sẵn có của nước ngoài như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc… Vấn đề chính vẫn là lấy tiền ở đâu ra để phục vụ cho việc này?

Năm nào Hội ta cũng tổ chức một số đoàn nhà văn ra nước ngoài. Nhưng khó có thể hy vọng các nhà văn sẽ đóng vai trò chủ đạo quảng bá văn học nước nhà ra thế giới. Với đặc thù của người sáng tác, nhà văn thường theo đuổi những toan tính sáng tạo riêng, nếu có quảng bá thì họ quảng bá cho chính tác phẩm của mình cũng đã là tốt rồi. Còn một kênh quảng bá khá tiện lợi là các NXB. Hàng năm họ thường tham gia các hội chợ sách quốc tế, có điều kiện tiếp xúc với nhiều NXB nước ngoài. Nếu tận dụng được kênh này thì đúng là “nhất cử lưỡng tiện”, vừa được việc của họ, vừa được việc của mình. Tuy nhiên, để quảng bá văn học nói chung một cách bài bản, chắc chắn phải có sự hậu thuẫn và điều tiết của Nhà nước.

Cá nhân tôi cho rằng mô hình của Hàn Quốc có vẻ phù hợp và gần với ta hơn cả. Vai trò điều tiết của Nhà nước rất rõ. Họ có Viện Dịch thuật Văn học Hàn Quốc ở ngay thủ đô Seoul. Người Hàn quảng bá văn học của mình với tính mục đích rất cao, đó là tiếp thị hình ảnh đất nước, con người Hàn Quốc ra thế giới. Văn hóa (văn học) hậu thuẫn cho các mục tiêu thúc đẩy kinh tế, thương mại. Họ chọn một cách có chủ đích các nước (thị trường) trọng tâm, trọng điểm, để đầu tư cho việc quảng bá. Thời gian gần đây thế giới phải bàn nhiều về hiện tượng “Hàn lưu”, một làn sóng văn hóa Hàn (mà chủ lực là ca nhạc và điện ảnh), chinh phục giới trẻ của những nước tưởng chừng rất kiên cố như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ… dĩ nhiên là có cả Việt Nam. Những cô bé cậu bé bỏ cả làm bài thi đại học chỉ vì bảo vệ “thần tượng” (Hàn Quốc) của mình. Thế rồi khóc ngất đi vì ra sân bay đón hụt thần tượng v.v… Kèm theo đó là quần áo, đầu tóc, hàng hóa, sản phẩm được “Hàn hóa” gần như tuyệt đối. Sự thành công về tiếp thị hình ảnh đất nước là điều không cần phải bàn. Khi việc quảng bá văn hóa (văn học) góp phần thúc đẩy thương mại thì tất nhiên các doanh nhân sẽ vui lòng móc túi chi tiền. Từ kinh nghiệm của người Hàn cho thấy, tiền cho công việc này trong thời khủng hoảng kinh tế quả là nan giải, nhưng không phải là không có cách. Vấn đề là trọng tâm của chúng ta là ở đâu? Trọng điểm là chỗ nào? Chúng ta đã xác định được chưa? Nếu chưa thì khó mà có những gói tài chính bền vững và ổn định phục vụ cho mục tiêu này. Và nếu chưa có nguồn tài chính thì bàn mãi cũng chỉ là cho… vui mà thôi.

Thực ra còn khá nhiều điều muốn bàn đến như đội ngũ người dịch văn học, tổ chức và hợp tác dịch tác phẩm văn học, sử dụng công cụ hỗ trợ thời công nghệ thông tin trong việc dịch thuật v.v… nhưng tôi xin được bàn đến trong một dịp khác.
 

VnKienthuc lúc này

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top