Dấu ấn văn học hậu - hiện đại trong tiểu thuyết Tạ Duy Anh

  • Thread starter Thread starter Cua Ta
  • Ngày gửi Ngày gửi

Cua Ta

New member
Dấu ấn văn học hậu - hiện đại trong tiểu thuyết Tạ Duy Anh

MỞ ĐẦU

1. Lý do chọn đề tài
Từ 1975, đặc biệt là sau 1986, đất nước chuyển sang thời kì hòa bình, sự đổi mới toàn diện về đường lối lãnh đạo của Đảng đã tác động tích cực đến đời sống văn học nước ta. Nền văn học dân tộc hội nhập vào sự vận động, phát triển chung của nền văn học thế giới - văn học Hậu - hiện đại, chịu sự chi phối của quy luật dân chủ hóa, đa dạng hóa và toàn cầu hóa.
Tạ Duy Anh là một trong những nhà văn trẻ đầy tiềm năng, để lại dấu ấn sâu sắc trong đời sống văn học đương đại Việt Nam. Những sáng tác của Tạ Duy Anh có đầy đủ tính chất, đặc điểm của thời kì văn học mới mang hơi thở hậu - hiện đại.
Nhằm khẳng định nét riêng trong cá tính sáng tạo tiểu thuyết của Tạ Duy Anh khi tiếp thu và tiếp biến xu hướng văn học mới trên thế giới - Văn học hậu - hiện đại; đồng thời, trong phạm vi nhất định, hướng đến tìm hiểu sự ảnh hưởng của văn học hậu - hiện đại thế giới đối với nền văn học Việt Nam đương đại, chúng tôi chọn đề tài nghiên cứu: Dấu ấn văn học hậu - hiện đại trong tiểu thuyết Tạ Duy Anh.

2. Lịch sử vấn đề
Tài liệu nghiên cứu về sáng tác của nhà văn họ Tạ khá phổ biến trên các diễn đàn văn học nhưng chưa được hệ thống. Trong giới hạn nhất định, chúng tôi tập hợp, khảo sát lịch sử nghiên cứu về sáng tác của Tạ Duy Anh và chọn cách xử lí như sau:

2.1. Cuốn “Thế giới nghệ thuật Tạ Duy Anh”

Năm 2007, cuốn sách này được Nxb Hội nhà văn ấn hành sau khi tổng hợp ba luận văn thạc sĩ: “Tạ Duy Anh và việc làm mới nghệ thuật tiểu thuyết” (Nguyễn Thị Hồng Giang), “Thế giới nhân vật trong sáng tác Tạ Duy Anh” (Vũ Lê Lan Hương); “Quan niệm nghệ thuật về con người trong tiểu thuyết Tạ Duy Anh” (Võ Thị Thanh Hà).

Cả ba tác giả đều chọn “bộ ba” tiểu thuyết: Lão Khổ, Đi tìm nhân vật, Thiên thần sám hối làm đối tượng nghiên cứu, và tiến hành tìm hiểu về nhân vật, kết cấu, môtip, giọng điệu và quan niệm nghệ thuật về con người trong các tiểu thuyết này. Tuy nhiên, cả ba luận văn vẫn chưa có cái nhìn tổng quan, chưa làm sáng tỏ dấu ấn văn học hậu - hiện đại trong tiểu thuyết Tạ Duy Anh.

2.2. Những bài phê bình, ý kiến phát biểu về từng tiểu thuyết
* Lão Khổ
Báo Giáo dục & Thời đại, số 80 năm 2004 đã giới thiệu: “Tạ Duy Anh từng có Bước qua lời nguyền gây chấn động văn đàn và nhiều người đã nghĩ anh khó mà vượt qua được nghiệt lệ ấy. Nhưng rồi anh cho ra đời Lão Khổ, một cuốn sách mà càng ngày người ta sẽ càng phải tìm đọc”.
Việt Hoài đã nhận định: “Vẫn là chuyện làng quê Bắc Bộ, nhưng thời gian rộng hơn, từ những năm 1940 - 1990, dung lượng tiểu thuyết lớn hơn truyện ngắn và nhà văn cũng già dặn, từng trải và kĩ thuật nên Lão Khổ được bạn đọc và đồng nghiệp nhìn nhận như bước tiến dài của Tạ Duy Anh” [38].
Nguyễn Thị Hải Phương đã chỉ ra kết cấu phân mảnh trong tiểu thuyết Lão Khổ.

* Đi tìm nhân vật

Đoàn Ánh Dương nhận xét đây là “một tiểu thuyết lạ, khác hẳn so với tiểu thuyết Việt Nam đương thời… là tiểu thuyết chịu ảnh hưởng của văn học phi lí Phương Tây sâu đậm nhất” [8, tr. 58-60].
Thụy Khuê và Nguyễn Mạnh Trinh đã tìm thấy “không khí Kafka”, “thế giới Kafka”.

* Thiên thần sám hối

Nhà phê bình Nguyễn Chí Hoan nêu ra “hai điều đáng tiếc” như sau: “Điều đáng tiếc thứ nhất khi đọc cuốn sách này, dĩ nhiên là về mặt văn chương. Đây là một câu chuyện xuất phát từ một giả thuyết mang tính phi lí, nhưng cả trong ngôn ngữ và kết cấu lại chẳng có chút phi lí nào. Câu chuyện ở đây đã cắm đầu chạy tuột một lèo từ cái giả thuyết sáng giá của mình đến cái luận chứng có tính cách chung của mình một cách giản đơn là vội vàng; Điều đáng tiếc thứ hai là tập trung một từ vựng tôn giáo được vận dụng ở đây một cách khá tùy tiện, liệu mỗi người đọc hiểu các hàm nghĩa của những từ/khái niệm?” [39].
Nhìn từ phương diện kết cấu, PGS.TS Nguyễn Thị Bình cho đây là tiểu thuyết có kết cấu trò chơi, cách đặt vấn đề “gây hấn” với bạn đọc. Nguyễn Thị Hải Phương xem “Thiên thần sám hối của Tạ Duy Anh có kết cấu như một vở kịch được tạo nên từ nhiều màn, mỗi màn là một sự kiện không theo quan hệ lôgic, nhân quả” [63]…

* Giã biệt bóng tối

Nhiều nhà phê bình (PGS.TS Bích Thu, PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp, PGS.TS Văn Giá, PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn…) đều nhận định: điểm nổi bật của tiểu thuyết này là “nghệ thuật trần thuật và đặc biệt gây ấn tượng ở sự tổ chức điểm nhìn trần thuật… Với Giã biệt bóng tối, Tạ Duy Anh không chỉ đổi mới tư duy tiểu thuyết, đổi mới cách nhìn thế giới và con người mà còn đổi mới bút pháp”[8,tr.12-14], “khơi thông dòng chảy tiểu thuyết ngắn trong văn học đương đại Việt Nam… tạo ra được một ma trận cấu trúc tiểu thuyết…” [8, tr. 22-24].

Ngược lại, nhà phê bình Nguyễn Hòa nêu lên bảy thất vọng về tiểu thuyết này: Thứ nhất, Giã biệt bóng tối là sự kéo dài của Thiên thần sám hối, chưa có sự đổi mới trong lối viết, lối kể; Thứ hai: “nhà văn say sưa với các luận đề mà quên xây dựng cho các nhân vật ngôn ngữ của các tính cách; … Thứ sáu, “bút pháp huyền ảo rốt cuộc chỉ là việc tạo dựng cái huyền ảo như là kết quả của hư cấu chủ quan, vay mượn”; Thứ bảy: “sự nối tiếp nhau của các câu chuyện xấu xa đưa tới ấn tượng đây chỉ là xêri các bài phóng sự”. Nhà phê bình kết luận: “Giã biệt bóng tối của Tạ Duy Anh chỉ là một thứ phẩm văn chương không có tuổi thọ” [8, tr. 19-22].

PGS.TS Nguyễn Thị Bình có nhận định “ôn hòa” hơn khi cho rằng: Về bút pháp, “Tạ Duy Anh là nhà văn không ngừng làm mới nghệ thuật tự sự. Ở đây, có sự kết hợp của nhiều bút pháp: bút pháp trào lộng, phong cách báo chí, yếu tố kì ảo, đặc biệt là tiếng cười giễu nhại”; Về ngôn ngữ giễu nhại: “đúng với tính cách từng nhân vật. Một cuốn tiểu thuyết đáng đọc nhưng chưa đáp ứng kì vọng của nhiều người đặt vào tác giả của Lão Khổ, Đi tìm nhân vật” [8,tr.31-33].
* Qua việc khảo sát lịch sử nghiên cứu tiểu thuyết Tạ Duy Anh, chúng tôi nhận thấy các tác giả luận văn, các nhà nghiên cứu, phê bình phần nào đã bao quát được phương diện nội dung và hình thức biểu hiện trong tiểu thuyết Tạ Duy Anh theo khuynh hướng mới. Tuy nhiên, các tác giả chưa đi sâu nghiên cứu tiểu thuyết Tạ Duy Anh theo khuynh hướng lí thuyết hậu - hiện đại.

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

Chúng tôi chọn đối tượng nghiên cứu là bốn tiểu thuyết sau của Tạ Duy Anh: Lão Khổ (1991), Đi tìm nhân vật (1999), Thiên thần sám hối (2004), Giã biệt bóng tối (2008). Trong đó, chúng tôi đi sâu làm rõ: Cảm quan về hiện thực và con người, ngôn ngữ, kết cấu trong tiểu thuyết Tạ Duy Anh.

4. Phương pháp nghiên cứu

Trong quá trình thực hiện đề tài, chúng tôi vận dụng linh hoạt các phương pháp nghiên cứu sau: Phương pháp vận dụng lí thuyết văn học hậu - hiện đại, phương pháp lịch sử - xã hội, phương pháp so sánh - đối chiếu, phương pháp phân tích - tổng hợp.

5. Đóng góp của luận văn

- Luận văn của chúng tôi sẽ làm sáng tỏ những đặc điểm văn học hậu - hiện đại trong tiểu thuyết Tạ Duy Anh.
- Hi vọng đây sẽ là đóng góp tích cực cho hướng nghiên cứu những tác phẩm văn học Việt Nam thời đổi mới dưới ánh sáng lí thuyết hậu - hiện đại.

6. Bố cục luận văn

Ngoài phần Mở đầu, Kết luận và Tài liệu tham khảo, luận văn gồm 3 chương:
Chương 1: Hậu - hiện đại và hành trình tiểu thuyết Tạ Duy Anh
Chương 2: Cảm quan về hiện thực và con người mang dấu ấn hậu - hiện đại trong tiểu thuyết Tạ Duy Anh
Chương 3: Ngôn ngữ, kết cấu mang dấu ấn hậu - hiện đại trong tiểu thuyết Tạ Duy Anh
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
Cảm ơn bạn vì đã chia sẻ tl. Nhưng mà bạn ơi tl có pass, bạn có thể cho mình pass được ko? Mình đang cần tham khảo gấp.
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top