DẤU ẤN ĐƯỜNG THI TRONG NHẬT KÝ TRONG TÙ
Nguyễn Địch
Vẫn biết rằng: Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau Song hào kiệt đời nào cũng có. (Bình Ngô đại cáo – Nguyễn Trãi) Thế nhưng, trong lịch sử dân tộc chưa có một con người nào mà tài năng và đức độ vừa xuất sắc, vừa toàn diện như Chủ tịch Hồ Chí Minh mà nhân dân Việt Nam và nhân loại yêu chuộng hòa bình trên thế giới vô cùng kính trọng và ngưỡng mộ. Sinh thời, Người không có ý định xây dựng cho mình một sự nghiệp văn chương. Sinh ra và lớn lên trong cảnh nước mất nhà tan, Người đã đi tìm đường cứu nước. Trên con đường đó, Người đã đến với ánh sáng của chủ nghĩa Mác Lê-nin và đem ánh sáng ấy truyền vào cách mạng Việt Nam để làm nên thắng lợi của công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Người nhận thấy rằng văn học có khả năng lợi hại như một vũ khí phục vụ cho sự nghiệp cách mạng nên đã nắm lấy nó, mài sắc nó, sử dụng nó. Vì thế, bên cạnh sự nghiệp cứu nước cứu dân, Người còn để lại gia sản lớn về văn học. Tác phẩm của Người phong phú về số lượng, đa dạng về thể loại, đã được đưa vào giảng dạy ở bậc Phổ thông cũng như Đại học. Tìm hiểu về thơ văn của Người là góp phần nâng cao hiểu biết phục vụ cho việc học tập và giảng dạy ở bậc trung học phổ thông. Vì thế, chúng tôi chọn đề tài Dấu ấn Đường thi trong Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh.
Năm 1960, trong Bảo tàng cách mạng Việt Nam, người ta tìm thấy một cuốn sổ tay bìa xanh đã bạc màu, trang bìa có một bài thơ bằng chữ Hán và hình vẽ hai nắm tay bị xiềng. Đó là tập thơ Nhật ký trong tù của nhà thơ Hồ Chí Minh. Từ đó, tập thơ được dịch ra tiếng Việt và được giới thiệu rộng rãi với bạn đọc. Trong lời giới thiệu tập thơ, Viện Văn học có viết: “Ngục trung nhật ký không những là một văn kiện lịch sử vô giá mà còn là một tác phẩm văn học lớn có tác dụng giáo dục sâu sắc phẩm chất, đạo đức cách mạng cho tất cả chúng ta ngày nay”. Nhiều nhà nghiên cứu và phê bình văn học đã có các công trình nghiên cứu về tác phẩm từ nhiều góc độ: giá trị hiện thực và âm hưởng trữ tình, cái đẹp “cộng đồng” và bản lĩnh của người cách mạng, phương pháp sáng tác, tiếng nói “vô ngôn” ẩn sau câu chữ…
Đối tượng của bài viết này là các bài thơ trong tập Nhật ký trong tù, ngoài ra còn khảo sát các bài thơ Đường trong tương quan so sánh để thấy được âm vang của thơ Đường trong tập thơ trên. Chúng tôi sử dụng phương pháp chủ yếu là phân tích và so sánh, nhằm xác định cho được đâu là ảnh hưởng của thơ Đường, đâu là dấu ấn cá nhân độc đáo của nhà thơ Hồ Chí Minh.
Trong bài “Nay ở trong thơ nên có thép - cảm tưởng sau khi đọc tập thơ Nhật ký trong tù”, nhà thơ lớn Trung Quốc Quách Mạt Nhược viết: “Một trăm bài thơ hầu hết bài nào cũng đều toát ra hết sức sinh động hình ảnh một nhà cách mạng lão thành, thanh thoát, tài trí, ung dung, giản dị, kiên cường - ấy là đồng chí Hồ Chí Minh. Thật là “thi như kỳ nhân” - thơ như người vậy… Có một số bài rất hay, nếu đặt lẫn vào một tập của các thi nhân Đường - Tống thì cũng khó phân biệt”. Không phải ngẫu nhiên mà Quách Mạc Nhược có nhận xét như vậy. Điều đó chứng tỏ rằng ảnh hưởng của thơ Đường trong tập thơ Nhật ký trong tù là có thực. Vậy thì ảnh hưởng của nó đến mức độ nào? Chúng tôi khảo sát ở những mặt sau:
1. Ngôn ngữ và thể loại
1.1. Ngôn ngữ Tập thơ Nhật ký trong tù được viết bằng chữ Hán. Điều này không có gì là lạ. Sinh ra trong một gia đình nhà nho, được học chữ Hán từ nhỏ lại tiếp thu nền văn hóa chịu ảnh hưởng của Hán học, Hồ Chí Minh rất thông thạo chữ Hán. Không những thông thạo chữ Hán mà bằng con đường tự học, Người còn thông thạo nhiều ngôn ngữ khác. Theo nhà báo Mỹ Ma-đơ-len, Hồ Chí Minh sử dụng thông thạo tám thứ tiếng. Viết nhật ký là viết cho riêng mình nên Người có thể sử dụng thứ tiếng nào mà Người thông thạo. Hơn nữa, khi viết Nhật ký trong tù, Người đang bị giam cầm trong nhà tù Tưởng Giới Thạch ở Trung Quốc nên việc sử dụng chữ Hán, một thứ chữ hàm súc về ý nghĩa để sáng tác thơ là điều dễ hiểu. Trong Nhật ký trong tù, có lúc người phá cách diễn đạt thông thường của chữ Hán. Bài Cháu bé trong nhà lao Tân Dương, câu thơ đầu trong nguyên tác được viết bằng tiếng Việt: “Oa…! Oa…! Ooa…!”. Đó là một hiện tượng đặc biệt nói lên biện pháp nhại được ý thức rất rõ trong bài thơ. Đọc câu thơ, ta như nghe tiếng khóc uất ức, kéo dài giọng bất bình của một cháu bé Việt Nam nào đó cất lên giữa chốn lao tù. Có lúc, Người phiên âm tiếng Anh ra tiếng Hán: “Giam phòng kiến trúc đính “ma đăng”. Câu thơ được dịch là “Nhà lao xây dựng kiểu tân thời”. Chữ “ma đăng” trong tiếng Anh là “modern”, có âm Hán Việt là “môđec”. Bài Ngày 11 tháng 11 lại phiên âm theo tiếng La tinh chữ Nazi trong câu thơ “Tội khôi tựu thị ác Na-zi” nghĩa là “Bọn quỷ Na-zi tội đứng đầu”. Việc phiên âm như thế vừa làm cho bài thơ mang tính thời sự, vừa phù hợp với nội dung giễu nhại của bài thơ.
1.2. Thể loại Tất cả các bài thơ trong tập thơ Nhật ký trong tù được sáng tác theo thể thơ Đường luật gồm thể thơ thất ngôn hoặc ngũ ngôn, tứ tuyệt hoặc bát cú và thơ cổ phong. Ở những bài có nội dung lớn, cần viết nhiều hơn khuôn khổ của số câu quy định, Người phân thành hai bài đứng chung dưới một đầu đề. Nếu tách riêng ra, mỗi bài có thể tồn tại như một bài thơ độc lập nhưng đứng chung dưới một đầu đề, chúng bổ sung ý nghĩa cho nhau. Tuy nhiên trong tập thơ, có hai bài thơ phá thể. Đó là bài Cháu bé trong nhà lao Tân Dương đã nói ở trên, câu đầu chỉ có ba chữ chứ không đúng bảy chữ theo quy định của thể thơ. Mặc dù vậy, các dấu ba chấm và dấu chấm than sau mỗi từ trong câu thơ làm cho nó có sức ngân kéo dài như câu thơ bảy chữ. Đây là một sáng tạo độc đáo của Người. Một trường hợp khác là bài Giải đi Vũ Minh: Đã giải đến Nam Ninh, Lại giải về Vũ Minh; Giải đi quanh quẹo mãi, Kéo dài cả hành trình. Bất bình! Bài thơ có năm câu. Bốn câu đầu đủ tạo nên một bài tứ tuyệt, nhưng tác giả lại thêm từ “bất bình!” đứng tách thành một câu độc lập thể hiện thái độ của người tù trước việc chế độ nhà tù đày ải người tù vô cớ mà không cần xét xử.
2. Cách cảm nhận
Thơ Đường chú ý khám phá sự thống nhất, sự giao cảm mà trước hết là sự thống nhất và giao cảm giữa con người và thiên nhiên. Đã có khá nhiều bài khảo cứu, bình luận nói đến sự khác nhau và giống nhau giữa Nhật ký trong tù và thơ Đường. Điều đó là có lý do. Thời thơ ấu, Hồ Chí Minh từng được người cha dạy vỡ lòng chữ Hán và thơ phú Trung Quốc, từng học trường Quốc học Huế rồi dạy học ở trường Dục Thanh, môi trường in đậm dấu vết Hán học. Trong quá trình hoạt động cách mạng, Người từng sống nhiều năm ở Trung Quốc và khi sáng tác Nhật ký trong tù, Người từng đọc Thiên gia thi, một tập thơ giới thiệu các bài thơ nổi tiếng thời Đường, Tống. Điều đó tất nhiên dẫn đến sự phảng phất ý vị thơ Đường trong Nhật ký trong tù ở cách cảm nhận về hiện thực. Đây là sự gặp gỡ của những tâm hồn thi sĩ phương Đông. Nhật ký trong tù có nhiều bài viết về thiên nhiên mà trong đó, con người và thiên nhiên có một mối giao cảm với nhau. Chẳng hạn bài Cảnh chiều hôm: Hoa hồng nở, hoa hồng lại rụng, Hoa tàn, hoa nở cũng vô tình. Hương hoa bay thấu vào trong ngục Kể với tù nhân nỗi bất bình. Cái sự “nở” rồi “tàn” của hoa hồng - hình ảnh tượng trưng cho cái đẹp - cứ diễn ra theo quy luật trước sự “vô tình” của tạo hóa. Nó tìm đến với người tù Hồ Chí Minh là tìm đến với một tâm hồn thi sĩ. Nhà thơ, bằng khả năng riêng của mình có thể làm cho cái đẹp trở thành bất tử. Con người và thiên nhiên như hòa vào nhau trong nỗi niềm tri âm, tri kỷ. Nhà thơ Xuân Diệu đã từng thốt lên: “Ờ nhỉ! Sao hoa lại phải rơi?”. Cái ngơ ngác của Xuân Diệu phải chăng có sự hòa điệu với tâm hồn nhà thơ Hồ Chí Minh? Vì thế mà mặc dù phảng phất cách cảm nhận về thiên nhiên của thơ Đường, bài thơ của Hồ Chí Minh vẫn rất hiện đại. Sự tiếp nhận ở đây không chỉ nói lên cái ảnh hưởng mà còn nói lên sự đồng điệu của tâm hồn, của các nhân cách văn hóa. Trước một hiện thực xa cách của đôi tình nhân, thơ Đường viết: Quân tại Tương giang đầu, Thiếp tại Tương giang vĩ. Tương tư bất tương kiến, Đồng ẩm Tương giang thủy. Dịch nghĩa: Chàng ở đầu sông Tương, Thiếp ở cuối sông Tương. Nhớ nhau mà chẳng thấy nhau, Mặc dù hai người cùng uống nước sông Tương. Ta gặp trong Nhật ký trong tù cảnh: Anh đứng trong cửa sắt, Em đứng ngoài cửa sắt. Gần nhau trong tấc gang, Mà biển trời cách mặt. Giá trị nhân bản của hai bài thơ trên là sự cảm thông với hoàn cảnh bị chia cách của những người yêu nhau. Nhưng sự khác nhau là ở chỗ, bài thơ trên không nói đến nguyên nhân của sự chia cách, còn bài thơ của Hồ Chí Minh, nguyên nhân hiện rõ trong hình ảnh cánh cửa sắt kia. Thơ Đường khám phá sự thống nhất và sự giao cảm giữa con người và thiên nhiên nhằm đưa đến cho người đọc những bạn bè mới, những đối tượng tri âm mới. Đó là một vầng trăng canh cánh bên lòng có thể giãi bày tâm sự, một cánh chim mút tầm mắt, một con sông chảy suốt tâm hồn: Bạn từ lầu Hạc lên đường, Giữa mùa hoa khói Châu Dương xuôi dòng. Cánh buồm đã khuất bầu không, Trông theo chỉ thấy dòng sông bên trời. Trong thơ Hồ Chí Minh, ta gặp hình ảnh “Lòng sông gương sáng bụi không mờ”, một vầng trăng “Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ”, một cánh chim “Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ…”. Nếu trong thơ Đường, cánh chim bay vào chốn vô cùng để rồi mất hút trong cõi hư không thì trong câu thơ Bác, cánh chim có đường bay cụ thể, mục đích gần gũi. Nó là một biểu hiện của sự sống rất đỗi bình thường và giản dị nhưng bất diệt trên trái đất này. Lưu luyến nhìn theo cánh chim là biểu hiện của một tấm lòng xiết bao trìu mến đối với sự sống.
3. Cách cấu tứ
Cũng như thơ Đường, trong Nhật ký trong tù, cái tôi trữ tình của tác giả thường hòa lẫn vào ngoại cảnh. Đọc bài thơ Chiều tối, người đọc hầu như không thấy tác giả. Những cánh chim mệt mỏi về rừng, một chòm mây lẻ loi trôi chậm chạp giữa bầu không khí mênh mông, người cô gái xóm núi xay ngô và một lò than đỏ rực khi trời tối. Mấy đường nét có đậm, có nhạt, nhưng tác giả dường như lánh hẳn sang một bên để cho ngoại cảnh phơi bày mọi vẻ của nó. Bài thơ phảng phất cái không gian trong bài thơ Giang tuyết của Liễu Tông Nguyên: Thiên sơn điểu phi tuyệt, Vạn kính nhân tông diệt. Cô thuyền xuy lạp ông, Độc điếu hàn giang tuyết. Dịch nghĩa: Nghìn non, chim bay hết, Muôn nẻo, dấu người mất. Ông già đội nón lá, mặc áo tơi, trên chiếc thuyền lẻ loi Ngồi câu một mình trên dòng sông đầy tuyết lạnh. Nhưng phong cảnh, đúng hơn là tâm cảnh trong thơ Hồ Chí Minh không bao giờ lạnh lẽo, cô quạnh như trong thơ người xưa, mà đang vận động theo vòng quay của cái cối xay ngô để đưa đến một buổi chiều đoàn tụ: Cô em xóm núi xay ngô tối, Xay hết, lò than đã rực hồng. Thời gian trôi dần theo cánh chim bay về rừng, theo chòm mây trôi chầm chậm, theo vòng quay của cái cối xay ngô để rồi dẫn đến một bếp lửa hồng. Bếp lửa hồng lên nghĩa là buổi chiều đã đến lúc kết thúc nhường chỗ cho đêm tối, nhưng không phải là đêm tối mênh mông mà là ngọn lửa ấm nóng tình người. Chỉ thế thôi nhưng biết bao nhân hậu, bao sự trân trọng niềm vui nho nhỏ trong cuộc đời. Trong bài Hoàng hôn, cái tôi trữ tình của tác giả cũng gần như hòa lẫn vào giữa đường nét, âm thanh và màu sắc của cơn gió lạnh, của tiếng chuông chùa xa và tiếng sáo mục đồng theo trâu về xóm: Gió sắc tựa gươm mài đá núi, Rét như dùi nhọn chích cành cây. Chùa xa chuông giục người nhanh bước, Trẻ dắt trâu về tiếng sáo bay. Bài thơ phảng phất cách cấu tứ của bài Phong Kiều dạ bạc của Trương Kế: Trăng tà chiếc quạ kêu sương, Lửa chài, cây bên, sầu vương giấc hồ. Thuyền ai đậu bến Cô Tô Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn Sơn. Tuy nhiên, cái ấm áp của một tiếng sáo theo trâu về xóm đã phân định rõ sự khác biệt giữa thơ Hồ Chí Minh và bài thơ nổi tiếng của họ Trương, mặc dầu về cấu tứ, họ có chỗ giống nhau. Bài thơ Thanh minh của Hồ Chí minh và bài thơ Thanh minh của Đỗ Mục giống nhau cả tên đề bài, cả cái không gian mưa bụi và se lạnh, cả cách cấu tứ vấn đáp. Trong không gian ấy, Đỗ Mục viết: Hỏi thăm quán rượu đâu là? Mục đồng trỏ lối: Hạnh Hoa thôn ngoài. Còn Hồ Chí Minh viết: Tự do thử hỏi đâu là? Lính canh trỏ lối: thẳng ra công đường. Ngoại cảnh giống nhau, nhưng tâm cảnh thì lại khác. Một người muốn tìm nơi bán rượu để sửi ấm trong tiết trời lạnh giá, còn một người khát khao cháy bỏng cuộc sống tự do.
4. Cách biểu hiện
Trong thơ Đường nói riêng và trong thơ ca cổ điển phương Đông nói chung, ba yếu tố thơ, nhạc, họa thường hòa quyện làm một. Nó làm cho bài thơ nhỏ có một sức chứa lớn, có âm vang nhiều chiều. Bốn câu, hai mươi tám chữ trong bài thơ Hoàng hôn nói trên đã gợi lên một bức tranh sinh động với gió chém vào đá núi, với rét cứa vào cành cây, với hình ảnh người bộ hành dấn bước trên đường, với mục đồng vắt vẻo trên lưng trâu trong bản hòa tấu của âm nhạc: tiếng gió vi vút, tiếng chuông chùa ngân nga và tiếng sáo véo von. Cái thoáng nhẹ sâu lắng đó tạo nên âm vang trong lòng người đọc, khơi dậy những đợt sóng cảm xúc lan tỏa vô cùng. Sự quấn quyện giữa thơ, nhạc, họa cũng được thể hiện trong bài Người bạn tù thổi sáo: Bỗng nghe trong ngục sáo vi vu, Khúc nhạc tình quê chuyển điệu sầu. Muôn dặm quan hà khôn xiết nỗi Lên lầu ai đó ngóng trông nhau. Đề tài bài thơ là một sự bay bổng vượt lên trên cái chốn nhơ bẩn, rác rửi, rận rệp nơi nhà tù. Ta bắt gặp ở đây một hồn thơ nhạy cảm với những âm thanh trong lành của tiếng sáo, của sự đồng cảm, đồng điệu giữa người thổi sáo và người nghe sáo, của sức tưởng tượng vừa bay bổng, vừa tạo hình thành những đường nét cao đẹp. Tiếng sáo có một sức mạnh liên kết nhiều con người ở nhiều hoàn cảnh khác nhau: nhà thơ, người thổi sáo, vợ người thổi sáo. Từ một tiếng sáo nhớ quê của người bạn tù, tác giả đã dẫn người đọc đến nhiều mối liên tưởng: Cảnh tượng sinh ly tử biệt giữa vợ chồng người bạn tù cũng như sự ngăn trở oái ăm giữa nhà thơ và đồng bào, đồng chí. Từ hình ảnh người tù nâng cây sáo, một khúc nhạc lan tỏa trong không trung đến hình ảnh người thiếu phụ nơi quê nhà xa xôi bước lên một tầng lầu như có một sợi dây liên hệ vô hình nào đó. Tiếng sáo đã bắc cầu trong không trung để nối liền tâm hồn với tâm hồn. Tiếng sáo ấy gợi nhớ, gợi thương, khiến ta nghĩ đến tấm lòng yêu thương con người của nhà thơ. 5. Cách cấu trúc bài thơ Thơ Đường thường có cấu trúc gọn, nhẹ, cô đúc, ngôn ngữ gợi nhiều hơn tả, ý ở ngoài lời. Trong bài thơ Mới ra tù, tập leo núi, thiên nhiên trở nên hùng vĩ với hình ảnh núi ôm mây, mây đỡ núi. Đó là cảnh ở ngọn Tây Phong Lĩnh Trung Quốc. Hình ảnh dòng sông thì trong suốt và phẳng lặng. Cũng như thơ Đường, Hồ Chí Minh không tả mà gợi. Tả đòi hỏi nhiều chi tiết. Ở đây, tác giả chỉ dùng hai nét theo bút pháp hội họa truyền thống phương Đông trong tranh thủy mặc: Một nét vẽ mây và núi gợi vẻ đẹp hùng vĩ của núi cao, một nét vẽ dòng sông trắng xóa chảy dưới chân núi phản chiếu ánh trời như một tấm gương phẳng sáng trong. Hai nét vẽ mà bao gồm được cả cao sơn, lưu thủy. Nhân vật trữ tình như hòa lẫn vào trong cảnh, mang cốt cách của một nhà hiền triết, nhìn cảnh vật từ trên cao, từ xa, bao quát cả một vùng không gian rộng lớn. Hình ảnh dòng sông mang ý nghĩa tượng trưng. Dòng sông trắng xóa phản chiếu ánh trời hay phản chiếu tâm hồn nhà thơ trải bao ngày tháng bị giam cầm, đày ải mà vẫn trắng trong, không vẩn bụi? Nỗi nhớ bạn hay cũng chính là nỗi nhớ nước luôn canh cánh bên lòng? Bài thơ gợi liên tưởng đến một Quan Vũ trung trinh, một Trương Phi ngay thẳng: Cành lá khéo in hình Dực Đức Vầng hồng sáng mãi dạ Quan Công Năm tròn cố quốc tăm hơi vắng Tin tức bên nhà bữa bữa trông. Vì vậy, bài thơ kết thúc mà không khép kín, lại mở ra trường một liên tưởng rộng theo tư duy thẩm mỹ mới làm cho âm hưởng của bài thơ có sức lan tỏa rộng. Văn chương có con đường giao tiếp riêng của nó. Đó là sự cộng hưởng giữa những tâm hồn. Nhật ký trong tù chung đúc văn hóa kim cổ Đông Tây trong tâm hồn Hồ Chí Minh. Tìm hiểu mối quan hệ giữa Nhật ký trong tù với thơ Đường chính là lắng nghe cái âm vang sâu lắng của tập thơ và hiểu thêm sự gặp gỡ giữa những tâm hồn thi sĩ phương Đông. Tuy nhiên, Hồ Chí Minh không đi lại lối mòn của người xưa. Thái độ đó đã được nói rõ trong bài thơ Cảm tưởng đọc thiên gia thi. Tâm hồn Hồ Chí Minh chung đúc khí thiêng của nhiều nền văn hóa, trong đó có cái giọng sục sôi nhiệt huyết của Phan Bội Châu, sự thâm thúy và cô đúc của văn chương cổ điển phương Đông, trong đó có thơ Đường, thơ Tống, cái rành mạch trong văn chương Pháp, chất hài hước của văn chương Anh… Những biểu hiện cụ thể nói trên chứng tỏ một sự gặp gỡ sâu sắc, chứ không phải là mô phỏng, bắt chước. Trong sự ảnh hưởng và kế thừa đó, Hồ Chí Minh có sự cách tân. Sự cách tân tạo nên một kiểu tư duy thẩm mỹ mới, để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng bạn đọc. Vì thế, khi tìm hiểu Nhật ký trong tù, chúng ta cần so sánh với thơ Đường để hiểu tác phẩm đúng đắn và sâu sắc hơn.
Quảng Ngãi, tháng 2 năm 2011 Nguyễn Địch
TÀI LIỆU THAM KHẢO1. Hà Minh Đức (1979), Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà thơ lớn của dân tộc, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
2. Phong Lê (1886), Chủ tịch Hồ Chí Minh và văn học Việt Nam hiện đại, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
3. Nguyễn Đăng Mạnh (1981), Mấy vấn đề về phương pháp tìm hiểu, phân tích thơ Hồ Chủ tịch, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
4. Hồ Chí Minh (1967), Thơ Hồ Chủ tịch, Nxb Văn học, Hà nội.
5. Hoàng Xuân Nhị (1975), Tìm hiểu thơ Hồ Chủ tịch, Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội.
6. Viện Văn học (1995), Suy nghĩ mới về Nhật ký trong tù, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
PHỤ LỤC
Nhật ký trong tù Hình bìa gốc Ngục trung nhật ký Tác giả Hồ Chí Minh Tựa gốc 獄中日記 Ngục trung nhật ký Quốc gia Việt Nam Ngôn ngữ Tiếng Hán, Tiếng Việt Chủ đề Thời gian ở trong tù Thể loại Nhật ký Kiểu sách Tuyển tập thơ Một số bài thơ trích từ "Nhật ký trong tù" Giải đi sớm 早解 一 一次雞啼夜未闌 群星擁月上秋山 征人已在征途上 迎面秋風陣陣寒 二 東方白色已成紅 幽暗殘餘早一空 暖氣包羅全宇宙 行人詩興忽加濃 Tảo giải (phiên âm) Nhất thứ kê đề dạ vị lan Quần tinh ủng nguyệt thướng thu san Chinh nhân dĩ tại chinh đồ thượng Nghênh diện thu phong trận trận hàn. Đông phương bạch sắc dĩ thành hồng U ám tàn dư tảo nhất không Noãn khí bao la toàn vũ trụ Hành nhân thi hứng hốt gia nồng. Giải đi sớm (Nam Trân dịch) Gà gáy một lần đêm chửa tan Chòm sao nâng nguyệt vượt lên ngàn; Người đi cất bước trên đường thẳm, Rát mặt, đêm thu, trận gió hàn. Phương đông màu trắng chuyển sang hồng, Bóng tối đêm tàn, quét sạch không; Hơi ấm bao la trùm vũ trụ, Người đi, thi hứng bỗng thêm nồng. Nghe tiếng giã gạo 聞舂米聲 米被舂時很痛苦 既舂之後白如綿 人生在世也這樣 困難是你玉成天 Văn thung mễ thanh (phiên âm) Mễ bị thung thì, hẩn thống khổ, Ký thung chi hậu, bạch như miên; Nhân sinh tại thế dã giá dạng, Khốn nạn thị nhĩ ngọc thành thiên. Nghe tiếng giã gạo (Văn Trực, Văn Phụng dịch) Gạo đem vào giã bao đau đớn, Gạo giã xong rồi, trắng tựa bông; Sống ở trên đời người cũng vậy, Gian nan rèn luyện mới thành công. Ngắm trăng 望月 獄中無酒亦無花 對此良宵奈若何 人向窗前看明月 月從窗隙看詩家 Vọng nguyệt (phiên âm) Ngục trung vô tửu diệc vô hoa, Đối thử lương tiêu nại nhược hà? Nhân hướng song tiền khán minh nguyệt. Nguyệt tòng song khích khán thi gia. Ngắm trăng (Nam Trân dịch) Trong tù không rượu cũng không hoa, Cảnh đẹp đêm nay, khó hững hờ; Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ, Trăng nhòm khe cửa, ngắm nhà thơ. Đi đường 走路 走路才知走路難 重山之外又重山 重山登到高峰後 萬里與圖顧盼間 Tẩu lộ (phiên âm) Tẩu lộ tài tri tẩu lộ nan, Trùng san chi ngoại hựu trùng san; Trùng san đăng đáo cao phong hậu, Vạn lí dư đồ cố miện gian. Đi đường (Nam Trân dịch) Đi đường mới biết gian lao, Núi cao rồi lại núi cao trập trùng; Núi cao lên đến tận cùng, Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non.
Sưu tầm