Dấu ấn lịch sử của mảnh đất đại tướng an nghỉ

Trang Dimple

New member
Xu
38
Dấu ấn lịch sử của mảnh đất đại tướng an nghỉ


Ngoài vẻ đẹp tự nhiên, Vũng Chùa - Đảo Yến, nơi an nghỉ nghìn thu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, còn là một vùng đất nhiều dấu ấn lịch sử.

Vũng Chùa - Đảo Yến nằm dưới chân dãy Hoành Sơn, mạch núi của dải Trường Sơn chạy ngang ra biển, nơi từng là biên giới tự nhiên của hai nước Đại Việt – Chiêm Thành. Vùng đất này đã trải qua nhiều thăng trầm trong mối quan hệ sóng gió giữa hai đế chế hùng mạnh một thời trên bán đảo Đông Dương.

Dân gian quanh vùng biển Vũng Chùa còn truyền miệng chuyện năm xưa vua Lê Thánh Tông xuất thủy quân đánh Chiêm Thành, đã dừng lại nơi đây lập đàn xin thần linh phù hộ thắng giặc và chúng sinh an lành. Sau khi đại thắng, vua đã trở về lập đàn cáo cùng trời đất.

Khi đã trở thành một phần của giang sơn nước Việt, Vũng Chùa - Đảo Yến được lịch sử biết đến như một cảnh đẹp hiếm có của trời Nam. Đây là thắng cảnh nằm trong vịnh Hòn La mà sách Đại Nam dư địa chí ước biên của nhà văn hóa Cao Xuân Dục thời nhà Nguyễn gọi là vịnh La Sơn.

Đại Nam dư địa chí ước biên nêu rõ, vịnh La Sơn được bao bọc bởi những ngọn núi như những bức tường thành, phía đất liền là dãy Hoành Sơn “thế như rồng cuốn hổ ngồi, trùng trùng điệp điệp lan ra tận biển” với Mũi Rồng che chắn phía tây - bắc, ở phía đông có nhiều đảo nhỏ...

Vùng biển Hòn La cũng nổi tiếng trong lịch sử vì những hải vật phong phú, độc đáo, được dùng để cung tiến triều đình. Theo sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn, đặc sản nơi đây ngoài yến sào, sò huyết, tôm hùm còn có loài "Cửu khổng quyết minh” hay còn gọi là bào ngư.

Quần thể danh thắng này còn gắn liền với rất nhiều truyền thuyết dân gian, như việc Long vương từng nổi sóng lớn giúp dân nhấn chìm chiến thuyền của quân Chiêm khi đến quấy phá dân làng thời Đại Việt. Sự tích này khiến người dân trong vùng không bao giờ chặt cây chò trắng vì đây là loại cây tương truyền được Long vương dùng để xây thủy cung dưới biển.

Những tháng năm hào hùng

Sau nhiều thế kỷ bình yên, vùng vịnh Hòn La lại nổi sóng trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước.

Năm 1972, Tổng thống Mỹ Nixon tuyên bố phong tỏa toàn bộ hệ thống giao thông thủy bộ của miền Bắc nước ta, các cảng lớn như Hải Phòng, Bến Thủy... không tiếp nhận được hàng hóa viện trợ của các nước anh em. Trước tình hình này, Trung ương giao cho tỉnh Quảng Bình nhiệm vụ quan trọng: tiếp nhận lương thực viện trợ đến từ đường biển.

Thực hiện ý đồ chiến lược của Trung ương, quân dân Quảng Bình đã thực hiện kế hoạch tiếp nhận chuyển tải ở khu vực Hòn La - Bắc Gianh, lấy tên là “Chiến dịch Hòn La” vì nơi đây có thể tránh được bão lớn. Theo hiệp đồng, khi tàu bạn vào vịnh, ta sẽ đưa lực lượng vận tải thủy ra nhận hàng đưa vào khu vực Bắc Gianh. Từ đó, hàng được đưa qua Nam Gianh để đi các tuyến.

Chiến dịch diễn ra từ ngày 29/5/1972 trong sự đánh phá quyết liệt của không quân và hải quân Mỹ. Chỉ tính riêng năm 1972, Mỹ đã thả vào đây 22.000 quả bom các loại nhưng với tinh thần kiên cường bất khuất, quân dân Quảng Bình vượt qua khó khăn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Trong chiến dịch này, lực lượng chiến đấu bảo vệ chiến dịch của bộ đội, dân quân huyện Quảng Trạch đã bắn tan xác 7 máy bay các loại của địch. Đặc biệt, vào đêm 5/7/1972, lần đầu tiên bộ đội pháo binh tỉnh đã sử dụng pháo 130 ly bắn cháy một tàu chiến Mỹ, làm chúng hoảng sợ không dám vào gần bờ như trước.

Đến ngày 15/1/1973, Mỹ tuyên bố ngừng bắn phá miền Bắc. Chiến dịch Hòn La kết thúc thắng lợi. 21.000 tấn gạo đã được nhận và kịp chuyển vào chiến trường cho bộ đội.

Trang sử mới mở ra

Ngày nay, vùng vịnh Hòn La đang sở hữu rất nhiều tiềm năng phát triển từ ưu thế của một vịnh biển nước sâu cùng những giá trị cảnh quan, lịch sử to lớn.

Vịnh Hòn La nằm cách bờ biển xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình 2,4 km, độ sâu ổn định từ 7 đến 10m, tàu có trọng tải lớn có thể ra vào, trú đậu được. Đặc biệt, phía nam vịnh có luồng thông vào cảng Gianh, một đầu mối tiếp nhận hàng hóa quan trọng số 1 của tỉnh Quảng Bình. Đây là cơ sở để hình thành khu kinh tế Hòn La với các cảng biển, cơ sở hạ tầng cho một khu công nghiệp, mở ra cho Quảng Bình một thế đứng mới, vươn khơi vươn xa trên con đường công nghiệp hóa và hiện đại hóa.

Cùng với khu kinh tế Hòn La, khu du lịch Vũng Chùa - Đảo Yến nằm ở trung tâm vịnh Hòn La là một thế mạnh khác để phát triển kinh tế khu vực. Với bãi biển đẹp, cảnh quan hùng vĩ của các núi đá, đặc sản biển phong phú… trong những năm qua, khu du lịch này từng bước được đầu tư để trở thành một điểm đến hấp dẫn của tỉnh Quảng Bình.

Với việc Mỏm Rồng ở Vũng Chùa được chọn làm nơi an nghỉ ngàn thu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một trang sử mới của vùng vịnh Hòn La nói riêng và tỉnh Quảng Bình nói chung đã được mở ra…

View attachment 14668

 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top