DẠO CHƠI BÁT CẢNH SƠN
Núi cao, sông sâu, cây cối, chùa chiền… đan xen hữu tình đã làm nên bức tranh thiên nhiên hùng vĩ lẫn thơ mộng của danh thắng Bát Cảnh Sơn, thuộc xã Tượng Lĩnh, huyện Kim Bảng (Hà Nam).
Một góc non nước hữu tình nhìn từ đường lên chùa Kiêu
Thoạt nghe cái tên Bát Cảnh Sơn, có lẽ chẳng ai ngờ lại là danh thắng đệ nhất của vùng Trấn Sơn Nam xưa (nay gồm các tỉnh Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình và một phần Hưng Yên, Hà Nội).
Cũng dễ hiểu, bởi từ trung tâm Hà Nội xuôi theo quốc lộ 21B chừng 50km, khách phải rẽ vào khúc đê nhỏ của xã Tượng Lĩnh, thậm chí phải vượt qua những thung lũng, núi cao mới thăm thú được toàn bộ cảnh quan nơi đây.
Đền Tiên Ông sẽ là điểm dừng chân đầu tiên, nằm trên núi tượng Lĩnh (hay còn gọi là núi Voi). Ngôi đền xây dựng vào đời vua Trần Nhân Tông này tạo ấn tượng từ chiếc cổng được chạm khắc tinh xảo, hội tụ đầy đủ tứ linh: long, lân, quy, phụng. Hai bên cổng còn đắp tượng voi đá trong tư thế quỳ, gần giống với tượng ở đền thờ Voi Phục (Hà Nội).
Đường vào đền Tiên Ông, chùa Ông - điểm dừng chân đầu tiên trong quần thể danh thắng Bát Cảnh Sơn
Cổng lên đền Tiên Ông
Đường lên đền và núi Tượng Lĩnh
Leo hơn 100 bậc đá ngoằn ngoèo, khách sẽ lên tới khu đền chính. Ngôi đền được bao bọc bởi những cây cổ thụ cao, tán lá rộng xen với những tảng đá núi vuông vức.
Theo Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, vào thế kỷ 16, Bát Cảnh Sơn từng là nơi chúa Trịnh Doanh cho lập hành cung và được ví với tám cảnh đẹp nổi tiếng ở Tiêu Tương (Vân Nam, Trung Quốc).
Đứng từ đây hay leo lên đỉnh Tượng Lĩnh, du khách sẽ thấy được toàn cảnh bức tranh làng quê Kim Bảng với nhà ngói nhà tầng cùng đồng ruộng, một hồ nước rộng lớn, trong xanh trước mặt... Sự tráng lệ của thiên nhiên đã tạo cho ngôi đền diện mạo trang nghiêm lẫn thanh nhã, hùng vĩ mà thơ mộng.
Cách đền Tiên Ông chừng 1 km, men theo sườn núi sẽ đến chùa Tam Giáo. Chùa được xây theo kiến trúc hình chữ đinh, mái lợp kiểu chồng diêm bằng ngói nam. Đằng sau chùa còn có một cây đào tiên cành lá xum xuê, vẫn đơm hoa kết trái.
Từ chùa Tam Giáo đi ngược lên đỉnh núi chừng 200m sẽ đến chùa Kiêu, ngôi chùa giờ chỉ còn sót lại nền móng và một động rộng 10m2. Dọc đường lên chùa khách có thể tha hồ ngắm nhìn cảnh núi non hòa quyện hữu tình với sông nước bên dưới.
Nơi hò hẹn lý tưởng của các cặp đôi nam nữ yêu nhau
Một bức họa bằng đá tạc khắc trên bức tường dẫn đến cổng di tích, tái hiện cảnh chùa Tiên Ông, chùa Ông năm xưa
Chùa Kiêu giờ chỉ còn nền móng, hang động và cây cổ thụ
Chùa Tam Giáo
Tương truyền chùa Vân Mộng là nơi thiền sư Nguyễn Minh Không từng tu hành và trụ trì. Khi xưa chùa nằm trên sườn núi chênh vênh quyện cùng khói mây huyền ảo, xung quanh có rất nhiều hang động lớn nhỏ kỳ thù như hang Dơi, hang Bạc, hang Vàng…
Nay chùa chỉ còn nền móng cũ và một vài hiện vật như bia khắc vào vách núi, bát hương đá, đá tảng kê chân cột…
Hành trình khám phá Bát Cảnh Sơn sẽ còn nhiều điểm đến khác như chùa Ông, chùa Bà, chùa Dâu, chùa Bông. Tuy một số nơi chỉ còn nền móng sót lại, nhưng sẽ là một hành trình dài và đầy trải nghiệm thú vị với du khách ưa thích du lịch tâm linh trong dịp xuân về, tết đến.
TIẾN THÀNH - HUỆ TRẦN (TTO)