Danh xưng nào chuẩn?

  • Thread starter Thread starter Butchi
  • Ngày gửi Ngày gửi

Butchi

VPP Sơn Ca
Xu
92
Vừa qua, việc người mẫu nam Ngô Tiến Đoàn của VN đoạt giải cao nhất trong cuộc thi "Mister International (MI) 2008" đã mang lại niềm tự hào cho đất nước. Thế nhưng, các tin bài được nhiều tờ báo in và báo mạng đăng tải đề cập sự kiện này, cũng mang đến một chút rắc rối.

Vnexpress.net, trong nhiều tin bài liền, viết Tiến Đoàn đoạt ngôi "Hoa vương". Trong khi đó, mạng TTO (25.11.2008) viết Tiến Đoàn đoạt giải cao nhất cuộc thi MI 2008, song nhắc lại rằng "Tiến Đoàn từng đoạt giải Hoa vương VN 2006". Còn mạng Dân Trí, viết Tiến Đoàn đoạt giải cao nhất "cuộc thi Mỹ nam quốc tế". Đến mạng Hanoinet của tờ Kinh tế Đô thị dẫn lại bài trên một báo khác, gọi Tiến Đoàn là "Nam vương Tiến Đoàn"...

Người đọc chắc chắn khó phân biệt được danh xưng về ngôi vị của Tiến Đoàn đoạt được thế nào là chuẩn. Chúng tôi tra cứu trên trang Google Đài Loan, tìm thấy rất nhiều mạng nói về sự kiện này. MI 2008, các mạng tiếng Hoa viết là cuộc thi "Quốc tế tiên sinh 2008" (tạm dịch là "Cuộc thi Mỹ nam/Quý ông quốc tế năm 2008). Tuy nhiên ngôi vị của Tiến Đoàn, thì họ chỉ đơn thuần gọi là "quán quân" của cuộc thi. Vậy gọi thế nào chuẩn nhất: Nam hậu, Nam vương, Nam khôi, hay Hoa vương?

Trong Từ điển tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ học) được tái bản và chỉnh sửa nhiều lần, "Hoa hậu" được định nghĩa là "Người phụ nữ chiếm giải nhất trong một cuộc thi sắc đẹp". "Hoa khôi" là hoa đẹp nhất trong các thứ hoa; thường dùng để chỉ người phụ nữ được coi là đẹp nhất. Tuy nhiên chữ "khôi", cũng không chỉ dùng riêng cho giới nữ.

Người ta vẫn hay tả một thanh niên là "khôi ngô tuấn tú". Vậy nếu gọi là "Nam khôi", cũng có thể là một khả năng danh xưng hợp lý. Trong Từ điển tiếng Việt nêu trên, và nhiều từ điển chữ Hán cổ, tiếng Hoa hiện đại, chúng tôi không tìm thấy từ "Nam hậu". "Hậu" trong tiếng Hán có nghĩa là vợ vua - người thống lĩnh khu nội cung, quán xuyến đám cung tần mỹ nữ. "Hậu" trong tiếng Hán cổ (ít dùng) còn được dùng để chỉ là các "vua chư hầu". Như vậy, danh xưng "Nam hậu" xem ra rất xa với danh xưng về ngôi vị mà Tiến Đoàn đoạt được.

Gốc từ Hán - Việt chiếm khoảng 2/3 trong tiếng Việt. Có nhiều từ, những cách nói, người Việt và người Hoa dùng gần như giống nhau, nhưng cũng có nhiều trường hợp dùng rất khác. Trong "Từ điển Việt-Hán hiện đại" của Trương Văn Giới và Lê Khắc Kiều Lục, NXB KHXH 2005, định nghĩa "Hoa hậu" (Hoa khôi): Tiếng Hán hiện đại gọi là "Mỹ nhân", đồng thời chú thích thêm bên chữ "Mỹ nhân" là (Hoa vương).

Nếu thế, phương án dùng danh xưng "Hoa vương" trong nhiều tin bài đã đăng e rằng không ổn, vì nó là danh xưng cho giới nữ. Tra các từ điển tiếng Việt, tiếng Hán, hoặc từ điển song ngữ Hán-Việt và Việt-Hán, chúng tôi không thấy đề cập danh xưng "Nam vương".

Chữ "vương", thực ra cũng không chỉ dùng cho nam giới, vì vẫn có cách gọi là "Nữ vương". Như vậy, chỉ còn lại hai phương án danh xưng là nằm trong sự hợp lí của ngữ nghĩa: "Nam khôi" và "Nam vương". Song trên thực tế, danh xưng "Nam khôi" lâu nay ít được dùng. Theo chúng tôi, có lẽ là danh xưng "Nam vương" dùng để chỉ ngôi vị mà Tiến Đoàn vừa đoạt được, chuẩn và ổn hơn cả.

Lao Động Cuối tuần số 50 Ngày 14/12/2008
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top