Danh lam thắng cảnh, nét đẹp văn hóa tỉnh Hòa Bình.

thu hoang

Moderator
Xu
0
DANH LAM THẮNG CẢNH, NÉT ĐẸP VĂN HÓA TỈNH HÒA BÌNH

Hoà Bình có 168 di tích các loại, trong đó có 34 di tích lịch sử văn hoá và danh thắng đã được Bộ Văn hoá, Thông tin công nhận di tích cấp Quốc gia; Uỷ ban nhân dân tỉnh xếp hạng 9 di tích cấp tỉnh. Ngoài hệ thống các di tích lịch sử văn hoá, Hoà Bình còn có hàng vạn hiện vật, tài liệu được sưu tầm, bảo quản tại Bảo tàng tỉnh và trưng bày ở một số nhà truyền thống cấp huyện. Trong đó có những sưu tập hiện vật quý giá của gần 100 chiếc trống đồng cổ, sưu tập trang phục các dân tộc Mường, Thái, Dao, Mông...

3033135.JPG
Bản Lác của người Thái

Tỉnh Hòa Bình có nhiều điểm du lịch hấp dẫn như: Ðộng Tiên, huyện Lạc Thủy, động Tiên Phi, thị xã Hòa Bình, các khu bảo tồn thiên nhiên, suối nước khoáng Kim Bôi, hồ sông Ðà và nhà máy thủy điện Hoà Bình lớn nhất Đông Nam Á; bản làng văn hóa truyền thống các dân tộc trong tỉnh như bản Giang Mỗ (dân tộc Mường) - huyện Kỳ Sơn, bản Lác, bản Văn (dân tộc Thái) - huyện Mai Châu, Xóng Dướng (dân tộc Dao) - huyện Ðà Bắc...; khu du lịch Suối Ngọc-Vua bà huyện Lương Sơn và nhiều di tích lịch sử, di tích văn hóa, kiến trúc, ngành nghề truyền thống, lễ hội, phong tục tập quán, nghệ thuật dân gian của nhiều dân tộc trong tỉnh phong phú, đa dạng, độc đáo là những sản phẩm của nền "Văn hóa Hòa Bình".

Danh lam thắng cảnh:


Về du lịch văn hóa – lịch sử


Thủy điện Hòa Bình:


3033136.JPG
Thủy điện Hòa Bình

Nhà máy thủy điện Hòa Bình nằm ở thành phố Hòa Bình, trên dòng sông Đà, tỉnh Hòa Bình. Là công trình thủy điện lớn nhất của Việt Nam do Liên Xô (cũ) giúp xây dựng, công trình được khởi công ngày 06/1/1979. Ngoài ý nghĩa là một công trình công nghiệp quan trọng, nhà máy thuỷ điện Hoà Bình còn là một điểm tham quan du lịch hấp dẫn đối với du khách. Nhiều hạng mục công trình có giá trị như: Tượng đài chủ tịch Hồ Chí Minh uy nghi trên đồi ông Tượng, bằng đá granít cao tới 18 m; nhà truyền thống nơi lưu giữ bức thư thế kỷ gửi thế hệ mai sau; đài tưởng niệm những công dân Việt Nam và chuyên gia Liên Xô hi sinh trên công trình thủy điện, du thuyền lòng hồ thăm đền Thác Bờ.

Khu Du lịch Suối Ngọc – Vua Bà


3033137.JPG
Suối Ngọc-Vua Bà

Suối Ngọc-Vua Bà là một trong những địa danh du lịch của tỉnh Hòa Bình. Theo đường cao tốc Láng - Hòa Lạc, khu du lịch Suối Ngọc - Vua Bà cách Hà Nội khoảng 40 km, là một quần thể du lịch sinh thái mới ra đời trên diện tích 300 ha.

Ở đây có rừng cây xanh gồm mỡ, keo, thông và nhiều cây ăn quả... phủ kín những quả đồi. Du khách có thể mắc võng nằm dưới tán cây hay ngủ qua đêm trong những ngôi nhà sàn xinh xắn. Dưới nắng hè oi bức, du khách có thể xuống tắm trong hồ bơi nhân tạo hay hồ tự nhiên rộng vài trăm hécta, chứa nước của suối Ngọc từ trên đỉnh núi Vua Bà đổ xuống.
Theo truyền thuyết, Suối Ngọc - Vua Bà là nơi xưa kia Hai Bà Trưng luyện quân đánh giặc.

Về du lịch sinh thái:


Động Đá Bạc

3033138.JPG
Động Đá Bạc

Động Đá Bạc thuộc xã Liên Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình.

Đặc điểm: Ðộng Ðá Bạc là tác phẩm nghệ thuật tạo hình kỳ lạ của tạo hóa, là sự kết hợp tinh tế giữa điêu khắc và hội họa, giữa tính hoành tráng khỏe khoắn với sự duyên dáng thơ mộng.

Cách thị trấn Xuân Mai không xa có một thắng cảnh đã làm say lòng các du khách tới tham quan, đó là động Ðá Bạc, với chiều dài gần 70m, nhiều cung phòng nhỏ, động Ðá Bạc chứa đựng những giá trị tiềm tàng và nhiều điều bí ẩn của thiên nhiên.

Truyền thuyết dân gian trong vùng kể rằng, thuở xưa, các nàng tiên ở thượng giới vì chán cảnh thần tiên nên rủ nhau xuống trần vãn cảnh xem đời. Cảnh đẹp dưới gầm trời làm các nàng say mê thích thú và lạc vào động Ðá Bạc Liên Sơn. Cảnh đẹp trong động làm các tiên nữ sững sờ ngạc nhiên, không ngờ dưới vòm trần có nơi bồng lai đến thế. Các dải nhũ đá lung linh. Các vòm đá uốn lượn cong cong... Tất cả như níu áo giữ chân các nàng, khiến các nàng không muốn về thượng giới nữa. Ngọc Hoàng hay tin giận lắm, liền đóng cửa nhà trời không cho các nàng tiên về trời. Năm này qua năm khác quần tiên đã hóa thân vào vách núi. Từ đó động Ðá Bạc còn được gọi là Ðộng Tiên.

Ðộng Ðá Bạc được phát hiện năm 1990 do sự tình cờ của người dân đi lấy củi. Ban đầu cửa động là một khe nhỏ vừa một người chui vào, sau dân địa phương mở rộng cửa động để dễ bề đi lại. Bước vào trong động theo đường lát gạch khoảng 6 m, du khách sẽ đến động Cô Tiên. Ðộng có 2 ngăn. Ngăn ngoài thoáng rộng, vòm trần có nhiều nhũ đá rủ xuống kết thành nhiều dải uốn lượn mềm mại như bức màn nhung. Dưới chân các khối nhũ đá, theo năm tháng, những giọt nước không ngừng nhỏ xuống tạo thành hai bể nước thiên tạo đầy ăm ắp. Phía sau bể nước là hệ thống các ruộng bậc thang được đá uốn lượn, đẽo gọt chạm khắc kỳ phu tạo nên những bức chạm nổi thiên nhiên sinh động. Ngăn trong nhỏ nhắn, kín đáo và thanh thoát như buồng ngủ. Những dải đá rỗng phía trong thanh mảnh mềm mại buông xuống như tấm ri đô. Chỉ chừng đó thôi cũng khiến ta bất chợt thấy mình gần gũi với đá, với thiên nhiên. Khi ta gõ vào những dải đá mỏng rỗng ấy như vang lên tiếng cồng, tiếng chiêng, tiếng trống đồng, tiếng đàn tơ rưng... Du khách có thể ngồi hàng giờ bình tâm tĩnh trí để trái tim trò chuyện với đá, cho hơi thở con người phập phồng với đá để khi ra về không khỏi luyến tiếc bâng khuâng. Rời động Cô Tiên, du khách sang động Long Tiên. Tại đây du khách sẽ thấy nửa ngách động là một vành đá được thiên nhiên đẽo gọt giống như hình vành khăn buông trên vai thiếu nữ.

Vào mùa mưa, ban công mênh mông nước. Nhũ từ vòm trần rủ xuống, các cột đá từ nền "ban công" mọc lên như các tòa lâu đài cổ nguy nga dưới thủy cung. Các cột trụ đều được chạm khắc công phu. Mỗi vòm, mỗi cung nhỏ là một tác phẩm nghệ thuật kỳ lạ làm du khách không khỏi ngỡ ngàng... Ðộng Long Tiên thông ra cửa phụ có ánh sáng ban ngày hắt vào dịu mát như ánh đèn nê-ông, hoặc chập chờn như ánh trăng hư ảo. Tạm biệt động Long Tiên, du khách rẽ trái khoảng mươi bước là đến động Mẫu. Ðặt chân vào cửa động, ta như bị choáng ngợp trước rừng thạch nhũ rủ xuống từng chùm đang ánh lên các tia xanh, đỏ, tím, vàng... như những chiếc đèn màu trong ngày hội. Dưới vòm động cao rộng, hình ảnh nàng tiên ngả lưng trên vách đá, bên cạnh là hình ảnh chàng Thạch Sanh ngồi dưới gốc đa cổ thụ. Xa xa thấp thoáng bóng thuyền cập bến có đôi trai gái ngồi tâm sự bên nhau. Phía đối diện có hình Thánh Gióng cưỡi ngựa sắt cắp cây tre ngà bay lên trời. Ngang bên đức Thánh Gióng là hình Tôn Ngộ Không giơ gậy thần đánh yêu quái... Ðộng Ðá Bạc là tác phẩm nghệ thuật tạo hình kỳ lạ của tạo hóa. Nó kết hợp tinh tế giữa điêu khắc và hội họa, giữa tính hoành tráng khỏe khắn với sự duyên dáng thơ mộng.

Động Thác Bờ


3033139.JPG
Một góc Động Thác Bờ

Động Thác Bờ có cửa hang cao, rộng, hang sâu, nhiều tầng, thạch nhũ muôn hình lung linh soi bóng nước, có âm sắc của đàn đá, dàn cồng chiêng Mường tạo vẻ đẹp hiếm có. Đặc biệt động toạ lạc ven hồ sông Đà kỳ vĩ, gắn với quần thể di tích đền Bờ thờ Bà Chúa thượng ngàn có công giúp vua Lê Lợi dẹp phản loạn, từ lâu đã thu hút du khách thập phương đến bái vọng và thưởng ngoạn.


Động Thác Bờ được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích danh thắng quốc gia, sẽ giúp địa phương đẩy mạnh công tác tu bổ, gìn giữ và tôn tạo cảnh quan, tạo thành điểm nhấn của quần thể du lịch hồ Hòa Bình trong những năm tới

Khu du lịch nước khoáng Kim Bôi


Khu du lịch suối khoáng Kim Bôi mở cửa chính thức vào ngày 5-11-1975, nằm trên địa phận thuộc xóm Mới Đá - xã Hạ Bì - huyện Kim Bôi - tỉnh Hoà Bình, cách thủ đô Hà Nội 75 km (theo tuyến đường Hà Nội - Hà Đông - Ba La - Xuân Mai - Lương Sơn - Bãi Lạng - Bãi Chạo - Kim Bôi). Khu du lịch Suối khoáng Kim Bôi độc đáo hấp dẫn bởi nguồn nước khoáng từ ngàn xưa trong vắt, không mùi, vô khuẩn, khi vừa lộ thiên nhiệt độ 34 - 360C, thành phần chính là Bicacbonat Sunphat Canxi - Magie, thuộc loại nước khoáng giải khát chữa bệnh có lợi cho sức khoẻ con người. N­ước khoáng Kim Bôi nằm sâu trong lòng đá tự phun lên chảy vào các bể tắm lớn có mái che, dung tích mỗi bể 300 m3, mỗi ngày thay nước làm vệ sinh bể bơi một lần hoặc tự chảy vào các bể tắm cá nhân, hoặc bơm trực tiếp vào các bồn tắm xoáy (bồn tắm Massage của Đài Loan) phục vụ du khách thoả thích lặn ngụp, bơi lội, ngâm mình để sau mỗi lần tắm người thấy sảng khoái, khoẻ mạnh và làn da mịn màng trắng hơn.

Giữa núi rừng trùng điệp, khu du lịch Suối khoáng Kim Bôi hiện ra với khí hậu trong lành mát mẻ, khuôn viên rộng rãi, cây xanh bóng mát. Sau khi tắm, du khách đến Nhà hàng Suối khoáng thư giãn thưởng thức văn hoá ẩm thực dân tộc: cỗ lá lợn thui, canh gà măng chua, cơm lam, cơm đồ, dê núi đá, cá suối rừng...

Lễ hội truyền thống

3033140.GIF
Hội Đền Bờ

Đầu xuân trẩy hội Đền Bờ:
Năm nào cũng vậy, cứ sau dịp Tết Nguyên đán, khách thập phương từ khắp trong Nam, ngoài Bắc lại nô nức trẩy hội Đền Bờ cầu may và vãn cảnh sông nước hồ thuỷ điện Hoà Bình. Hai bên bờ hồ là những khu rừng phòng hộ xanh mát. Làng, bản bà con dân tộc Mường, Dao thấp thoáng trong nắng mai. Tháng Giêng, nước hồ trong xanh. Mùa này, mực nước thấp để lộ ra những vách đá với những hình thù kỳ lạ. Những hòn đảo nhỏ lô nhô tô điểm cho cảnh sắc như một vịnh Hạ Long thứ hai.

Lễ Mụ Thố của người Mường


3035135.JPG
Mâm cỗ chuẩn bị làm Lễ Mụ Thố

Lễ vía mụ Thố là một lễ nghi chỉ được tổ chức cho người già lúc ốm đau bệnh tật. Gia đình sợ vía của người già đi xa mất, mọi người tổ chức làm vía cho người già để cầu mong sức khoẻ.

Lễ cơm mới của người Mường


Lễ cơm mới được tiến hành sau khi thu hoạch vụ mùa tháng 10 âm lịch tại xã Mường Bi, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình. Lễ vật là bánh chưng và cá để cúng vía lúa. Cũng trong lễ cơm mới này, người Mường cúng giỗ cha mẹ, ông bà.

Hội chùa Kè


Hội diễn ra vào ngày 16/2 âm lịch tại xã Phú Vinh, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình nhằm suy tôn Đá (tàn dư tín ngưỡng vạn vật hữu linh đã được Phật hóa). Trong ngày hội, mọi người tổ chức vui chơi với các trò như ném còn, đánh quay, thi bắn cung.

Hội Cầu Phúc


Hội được tổ chức vào tháng 8 âm lịch ở huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình. Đây là hội cầu phúc của người Thái Mai Châu. Các nhà đều sắm cỗ cúng bày ở miếu thờ chung theo nguyên tắc: Năm trước cúng gà, năm sau cúng lợn. Đến chiều, mỗi nhà mổ 2 con gà để cúng Thổ công (để trong nhà) và cúng Thổ địa (đặt ngoài ruộng.

Đặc sản - Sản phẩm nổi tiếng:


Cơm lam

3035136.JPG
3035137.JPG
Cơm lam Hòa Bình

Cơm lam được làm bằng cách bỏ gạo nếp vào ống nứa tươi non, đổ nước sâm sấp sau đó đem nướng trên lửa. Cơm chín với vị thơm của hạt gạo quyện với mùi thơm tự nhiên của nứa tươi khiến du khách khó lòng quên một món ăn vùng Tây Bắc. Hiện nay, cơm lam đã trở thành món ăn đặc sản của khách sạn, nhà hàng ở nhiều nơi trong nước không chỉ riêng ở Hoà Bình.

Rượu cần


3035138.JPG
Rượu cần Hòa Bình

Rượu cần được làm bằng cách lấy một nắm lá rừng nghiền nhỏ rồi trộn với tinh bột để tạo men, sau đó cho vào vò, phủ một lớp trấu để ủ. Khi uống, khách du lịch chỉ việc đổ nước đun sôi để nguội hoặc nước khoáng đóng chai vào đầy bình, vơi đến đâu lại đổ tiếp nước đến đó, sao cho bình rượu bao giờ cũng đầy. Trong tiệc rượu, mọi người ngồi quây tròn bên nhau, cùng thưởng thức cái êm nồng, dịu ngọt, ngây ngất của rượu cần, cùng với tiếng cồng, tiếng chiêng, tràn ngập không khí hội hè.

Măng chua nấu thịt gà


Gà nuôi thả có trọng lượng từ 0,8 – 1 kg được làm sạch lông rồi mổ bỏ phần nội tạng, gà chặt ra thành miếng nhỏ, đem ướp với măng chua (măng muối càng lâu càng tốt) cùng với gia vị bóp ướp để từ 20 – 30 phút cho ngấm hương vị của măng và gia vị, sau đó cho vào nồi vần quanh bếp củi than khoảng 1 - 2 giờ. Khi thịt gà và măng đã chín nhừ rắc thêm một ít hạt dổi nướng giã nhỏ. Món ăn này khi ăn thịt gà, măng chua, hạt dổi được quyện với nhau.

Thịt trâu nấu lá lồm


Thịt trâu đem thui cho thơm, cạo sạch rồi bung cho mềm, đem bóc thái miếng nhỏ, hầm trong nồi đất chín kỹ rồi giã lá lồm (một loại lá chua), nêm một ít tấm gạo bỏ vào nồi hầm với thịt trâu. Khi tấm chín nở và hơi sánh thì cũng là lúc thịt trâu nhừ và ngấm vị chua của lá lồm. Đây là món ăn dân tộc phổ biến của người Mường Hoà Bình.
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top