Cuốn tiểu sử "Ho Chi Minh: A life" của William.J. Duiker

Thandieu2

Thần Điêu
Cuốn tiểu sử "Ho Chi Minh: A life" của William.J. Duiker
Nguồn: Internet
HoChiMinh: A life

Tác giả: William.J.Duiker
Dịch giả: Nguyễn Thành Nam



Lời tựa của tác giả

Tôi (W. Duiker) đã bị hấp dẫn bởi Hồ Chí Minh từ giữa những năm 1960, khi còn là một nhân viên đối ngoại trẻ tuổi làm việc tại toà đại sứ Mỹ. Tôi đã bị lúng túng khi phát hiện thấy những du kích Việt cộng trong rừng tỏ ra có kỷ luật và được động viên tốt hơn quân đội chính quy của chính quyền Sài gòn được chúng tôi ủng hộ. Tôi đã để tâm tìm hiểu và tìm ra lời giải thích qua vai trò chiến lược và động lực thúc đẩy của nhà cách mạng Việt nam lão thành Hồ Chí Minh

Sau khi ra khỏi chính phủ để tiếp tục con đường nghiên cứu khoa học của mình, tôi đã nghĩ tới việc viết tiểu sử của con người kỳ lạ này, nhưng tôi nhanh chóng nhận ra rằng trong bối cảnh lịch sử thời đó, chưa thể có đầy đủ điều kiện để tiếp cận các nguồn thông tin. Bởi thế cho đến tận gần đây, khi cuộc chiến tranh lạnh kết thúc, thế giới trở nên cởi mở hơn đã thúc đẩy tôi bắt đầu sự nghiệp khó khăn này.

Hôm nay, sau hơn 2 thập kỷ trăn trở, tôi muốn cám ơn các con gái tôi Laura và Claire đã không phàn nàn kêu ca, lắng nghe cha chúng thuyết giảng hàng giờ về Việt nam. Tôi vô cùng biết ơn vợ tôi Yvone, người đầu tiên đọc bản thảo, người đã kiên nhẫn chấp nhận Hồ Chí Minh như một thành viên của gia đình chúng tôi.


Mở đầu


Sáng 30/4/1975, từng đoàn xe tăng Liên xô do các chiến binh Bắc Việt với mũ cối gắn sao vàng vẫy cờ của PRG (1) vượt qua những vùng ngoại ô Sài gòn tiến thẳng tới dinh Độc lập. Đoàn xe từ từ vượt qua Toà Đại sứ Mỹ, nơi những chiếc trực thăng đang di tản những người Mỹ cuối cùng. Chiếc tăng đầu tiên do dự đôi chút rồi húc đổ cánh cổng sắt tiến thẳng vào sảnh. Viên chỉ huy lao ra, leo lên nóc toà nhà thay thế lá cờ ba que của Việt nam cộng hoà bằng lá cờ xanh đỏ của PRG . Cuộc chiến dai dẳng nhất trong lịch sử nước Mỹ đã đến hồi kết sau gần 1 thập kỷ ác liệt và đẫm máu, cướp đi hơn 58 ngàn sinh mạng.

Chiến thắng của cộng sản tại Sài gòn là kết quả của sự quyết tâm và tài năng của VWP (2) dưới sự lãnh đạo của Lê Duẩn cộng với sự hy sinh của các chiến binh - bộ đội (tương tự như người Mỹ gọi các người lính là GI) , những người đã chiến đấu và ngã xuống vì sự nghiệp cách mạng trong các cánh rừng và đầm lầy Việt nam. Nhưng cao hơn tất cả, chiến thắng đó được xác định bởi một tầm nhìn, ý chí và sự lãnh đạo của một con người: Hồ Chí Minh, nhà cộng sản quốc tế, người kiến tạo cho thắng lợi của Việt nam, không nghi ngờ gì nữa, Hồ Chí Minh là một trong những nhà chính trị có ảnh hưởng nhất của thế kỷ 20. Đồng thời, ông cũng là một trong những con người bí hiểm nhất, một nhân vật mờ ảo mà lý lịch và động cơ của ông luôn gây nên những cuộc tranh luận không ngừng.

Ông là một nhà dân tộc chủ nghĩa hay là một người cộng sản? Hình ảnh một con người giản dị và quên mình là chân thật hay đơn giản chỉ là kết quả của các ngón kỹ xảo? Với những người ủng hộ, Hồ là biểu tượng của chủ nghĩa nhân đạo cách mạng, người cống hiến cả cuộc đời mình cho hạnh phúc của đồng bào và các dân tộc bị áp bức. Với những người đã được tiếp kiến ông, Việt nam hay nước ngoài, ông là một người hết sức nhã nhặn, một nhà yêu nước quên mình, luôn đau nỗi đau chung của dân tộc. Những người phê phán lại vạch ra những hành động cách mạng quá trớn được thực hiện dưới tên ông, tố cáo ông là con thằn lằn hoa, là sói đội lốt cừu.

Câu hỏi về tính cách và động cơ của Hồ Chí Minh là tâm điểm của các cuộc tranh luận tại Mỹ về đạo lý của cuộc chiến ở Việt nam. Với những nhà phê phán chính sách của chính phủ Mỹ, ông đơn giản là một nhà cách mạng đấu tranh vì độc lập của Việt nam, một đối thủ mạnh mẽ của chủ nghĩa đế quốc trong Thế giới thứ ba. Những người ủng hộ cuộc chiến thì lại nghi ngờ về động cơ yêu nước, cho rằng ông là đặc vụ của Stalin. Đối với người Mỹ, cuộc luận chiến về sự đam mê của Hồ Chí Minh dần dần đã thành quá khứ. Nhưng đối với Việt nam, nó gợi lên những câu hỏi có tính chất nền móng, bởi vì nó định nghĩa một trong những vấn đề căn bản của cách mạng Việt nam: mối quan hệ dựa sự tự do của con người và bình đẳng kinh tế trong Việt nam sau chiến tranh. Từ sau cuộc chiến,nhiều đồng chí hiện đang cầm quyền đã mượn uy ông để biện hộ cho mô hình cộng sản phát triển đất nước. Họ nói rằng, mục tiêu cuối cùng của ông là kết liễu sự bóc lột toàn cầu của chủ nghĩa tư bản, xây dựng một xã hội mới theo những viển vông của K. Marx. Nhưng cũng có một vài giọng chống đối đã phản biện rằng, thông điệp lớn nhất của cuộc đời ông là xoa dịu quy luật đấu tranh giai cấp của Marx bằng cách hoà trộn nó với đạo đức Khổng tử và thuyết ba ngôi của cách mạng Pháp: tự do, bình đẳng, bác ái. Họ dẫn lời của ông: Không có gì quý hơn độc lập, tự do.

Sự phức tạp trong tính cách của ông thể hiện sự phức tạp của thế giới thế kỷ 20, thế kỷ của chủ nghĩa dân tộc, cách mạng, chủ nghĩa bình đẳng và cuộc đấu tranh cho tự do. Dù tốt hay xấu, Hồ Chí Minh là hiện thân của hai thế lực chủ yếu đang điều khiển xã hội hiện đại: sự khát khao độc lập dân tộc và cuộc tìm kiếm công lý xã hội và bình đẳng kinh tế. Đã đến lúc phải phơi bày nhân vật bao trùm thế kỷ 20 này cho sự phân tích lịch sử.

Tuy cái tên Hồ Chí Minh được hàng triệu triệu người biết đến, nhưng không phải dễ dàng có thể kiểm tra được các nguồn thông tin về ông. Như một nhà cách mạng chống Pháp ông luôn luôn phải sống trong bí mật, sử dụng nhiều tên tuổi khác nhau. Thống kê cho thấy ông đã sử dụng hơn 50 cái tên trong cuộc đời và các bài viết. Bản thân Hồ Chí Minh cũng làm vấn đề thêm phức tạp bằng cách tự sáng tạo ra những huyền thoại về cuộc đời mình. Vào cuối những năm 1950, một số tiểu sử của Hồ Chí Minh được công bố và chỉ đến gần đây các nhà nghiên cứu mới xác nhận được những tác phẩm đó thực sự là của Hồ Chí Minh .

Phong cách lãnh đạo của ông cũng làm các nhà nghiên cứu chú ý. Mặc dù là người sáng lập ra Đảng cộng sản Đông dương (ICP), nhưng khác với Lênin, Stalin hay Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh thường lãnh đạo bằng cách thuyết phục và đồng thuận thay cho việc áp đặt ý chí của mình. Ông cũng rất kín đáo với những tư tưởng và động cơ bên trong của mình. Trái với các nhà cách mạng nổi tiếng khác, ông không sa đà vào các cuộc tranh luận về hệ triết học tư tưởng mà tập trung toàn bộ tâm trí của mình để giải quyết các vấn đề cụ thể để giải phóng Việt nam và các dân tộc bị áp bức khỏi ách đô hộ của phương Tây.

Trong một cuộc phỏng vấn khi được hỏi sao ông không bao giờ viết các chuyên luận về tư tưởng, Hồ Chí Minh đã trả lời rằng ông muốn nhường việc đó lại cho Mao. Trong những năm cuối của ông, các tác phẩm nghiêm túc về học thuyết đều do những học trò của ông như Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh hay Lê Duẩn viết.

Bao giờ cũng có những yếu tố huyền thoại bao quanh những con người nổi tiếng. Không phải ai cũng biết cách tạo và hưởng thụ những huyền thoại như Hồ Chí Minh . Từ vị trí trong đền thờ của những vị thánh cách mạng, Hồ Chí Minh chắc sẽ rất vui lòng được biết rằng, hương khói huyền thoại bao quanh ông vẫn còn nguyên trong cuốn tiểu sử này.

**************
(1): PRG: Mặt trận giải phóng dân tộc Miền nam Việt Nam
(2) VWP: Đảng Lao đông Việt Nam

1. Mất nước

Khi đội quân của ông đang rong ruổi ầm ĩ trên các đường phố tiếp nhận sự đầu hàng của quân thù, ông lặng lẽ vào thành phố, trong một ngôi nhà 2 tầng nhỏ với chiếc máy chữ đã theo sát mình từ Matxcova đến Trung hoa và Việt nam trong những tuần đầu 1941. 2h chiều ngày 2/9/1945 trên lễ đài dựng tạm tại một quảng trường mà sau này được gọi là Ba Đình, trong bộ quần áo kaki bạc màu, với chất giọng còn đậm nguồn gốc xứ Nghệ,ông đã đọc bản tuyên ngôn khai sinh cho một dân tộc độc lập. Những lời đầu tiên của bản hiến pháp đã làm sửng sốt một số người Mỹ có mặt trong đám đông: "Tất cả mọi người đều có quyền bình đẳng. Tạo hoá đã cho họ những quyền tối thượng trong đó có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc". .Tại thời điểm đó, chỉ có ít người biết được Hồ Chí Minh chính là đại diện của Quốc Tế Cộng Sản, người sáng lập ra ICP( Đảng CS Đông Dương) năm 1930. Đối với đa số dân Việt nam, Hồ Chí Minh chỉ đơn giản là một người yêu nước, đã phục vụ lâu dài cho đất nước. Trong suốt 1/4 thế kỷ tiếp sau, nhân dân Việt nam và cả thế giới mới có cơ hội đê chiêm nghiệm, đánh giá con người này.

Cuộc trường chinh của Hồ Chí Minh đến quảng trường Ba đình ngày đó, được khởi đầu từ một ngày hè năm 1858, khi hạm đội Pháp nổ súng tấn công thương cảng Đà nẵng. Mặc dù cuộc tấn công không phải hoàn toàn là bất ngờ. Trước đó vài thập kỷ, các nhà truyền giáo Pháp đã lang thang khắp nơi để cứu rỗi tâm hồn Việt, các nhà buôn thì bận rộn tìm kiếm thị trường và tìm những con đường thâm nhập vào Trung quốc, các nhà chính trị Pháp thì tin rằng, chỉ có thôn tính các thuộc địa tại châu Á mới giúp nước Pháp đứng vững ở vị trí siêu cường. Cho đến giữa thế kỷ, người Pháp vẫn hy vọng bằng con đường ngoại giao thuyết phục được triều đình Huế chịu ảnh hưởng của họ. Tuy nhiên khi các cuộc đàm phán chắng đi đến đâu, chính quyền của Hoàng đế Luise quyết định dùng vũ lực.

Cuộc chiến với Pháp không phải là cuộc chiến đầu tiên của Việt nam. Có thể nói, hiếm có dân tộc nào trên châu Á đã chiến đấu bền bỉ và lâu dài để bảo vệ nền độc lập của mình hơn người Việt nam. Từ thế kỷ thứ hai trước công nguyên, khi nước cộng hoà Roma còn đang trong trứng nước, Trung hoa đã xâm chiếm Việt nam và thực hiện hàng loạt các chương trình chính trị và văn hoá để đồng hoá dân tộc này. Mặc dù Việt nam đã giành được độc lập vào thế kỷ thứ 10, phải đến hàng trăm năm sau, khi Việt nam chấp nhận một hình thức triều cống, các hoàng đế Trung hoa mới chịu chấp nhận sự thật về một nước Việt nam độc lập.

Hơn nghìn năm chung sống với Trung hoa đã để lại những hệ quả sâu sắc. Hệ thống chính trị, văn học, nghệ thuật, tư tưởng, tôn giáo và cả ngôn ngữ Hoa đã bắt rễ sâu bền trên mảnh đất Việt nam. Mặc dù những yếu tố dân tộc chưa bao giờ biến mất trong văn hoá Việt nam, đối với người quan sát không được đào tạo bên ngoài, Việt nam chẳng khác gì một con rồng thu nhỏ hình ảnh của người láng giềng khổng lồ ở phía Bắc.

Tuy có vẻ như người Việt sẵn sàng hấp thụ những ảnh hưởng văn hoá từ phương Bắc, họ vô cùng cương quyết trong vấn đề độc lập dân tộc. Những vị anh hùng dân tộc, từ Hai Bà Trưng đến Lê Lợi, Nguyễn Trãi đều xuất thân từ các cuộc kháng chiến. Lịch sử đã hình thành một dân tộc có có đặc tính dân tộc và ý chí chống ngoại xâm mạnh mẽ. Cuộc đấu tranh về sự tồn vong đã hun đúc truyền thống quân sự, sẵn sàng chấp nhận dùng vũ lực để bảo vệ đất nước. Từ sau khi giành được độc lập, Việt nam (lúc đó gọi là Đại Việt) đã có cuộc hành quân lâu dài về phương Nam chống lại Champa. Bắt đầu từ thế kỷ 13, Đại Việt đã bắt đầu thắng thế và thôn tính hoàn toàn Champa vào thế kỷ 17. Đất nước Việt nam trải dài đến tận mũi Cà mau trong vịnh Thái lan và Việt nam trở thành một cường quốc ở Đông Nam Á. Tuy nhiên đất nước đã phải trả giá cho sự phát triển. Các mâu thuẫn đã phát sinh ra cuộc nội chiến dai dẳng Đằng Trong - Đằng Ngoài. Gia Long tạm thời thống nhất được đất nước từ đầu thế kỷ 19, tuy nhiên các mâu thuẫn quyết liệt giữa các vùng về quyền lợi kinh tế chưa bao giờ được giải quyết trọn vẹn.

Cũng tại thời điểm đó, các hạm đội châu Âu, theo chân của Vasco da Gama bắt đầu lảng vảng dọc bờ biển Nam Trung Hoa và vịnh Thái lan để tìm kiếm kim loại quý, đặc sản và các linh hồn cần cứu rỗi. Không chịu ngồi nhìn kẻ kình địch Anh củng cố lực lượng tại Ấn độ và Miến điện, người Pháp quyết định chọn Việt nam.
Vào năm 1853, Tự Đức lên ngôi. Thật không may, ông vua trẻ này phải gánh trên vai trách nhiệm chống lại cuộc xâm lược đầu tiên sau nhiều thế kỷ. Tuy có thiện chí và thông minh, ông vua này lại thiếu tính cương quyết và có một sức khoẻ ẻo lả. Khi quân Pháp tấn công Đà nẵng, bản năng của Tự Đức đã mách bảo là phải chiến đấu. Hạm đội của đô đốc Charlé Rigault de Genuoilly, đợi mãi không thấy sự nổi dậy của quần chúng như các nhà truyền giáo thông báo, lại bị bệnh tả và lỵ hoành hành đã bỏ Đà nẵng và tấn công vào Sài gòn, một thành phố đang trên đà phát triển. Sau 2 tuần, Sài gòn thất thủ. Thất bại tại phía Nam đã làm nản lòng Tự Đức. Ông đồng ý đàm phán và cắt 3 tỉnh Nam Bộ (sau đó là 3 tỉnh nữa) thành thuộc địa của Pháp với tên gọi Cochin China. Pháp đã thắng hiệp đầu. Trong những năm tiếp sau, triều đình cố gắng giữ độc lập. Nhưng sau khi Pháp tấn công Hà nội và chiếm một số thành phố tại châu thổ sông Hồng thì triều đình hoàn toàn bị tê liệt. Ông vua ốm yếu Tự Đức vừa chết trước đó vài tháng đã để lại một triều đình đầy mâu thuẫn. Sau vài tháng đấu đá, Tôn Thất Thuyết nắm được quyền bính và đưa Hàm Nghi lên ngôi với hy vọng tiếp tục kháng chiến. Theo yêu cầu của Việt nam, Nhà Thanh gửi quân sang giúp đỡ nhưng vô hiệu. Năm 1885,Trung hoa rút quân và ký hiệp định với Pháp, bãi bỏ chế độ triều cống của Việt nam. Tại Huế, Hàm Nghi phải bỏ chạy lên núi cùng với Tôn Thất Thuyết. Triều đình chấp nhận nhượng bộ và để cho Pháp trên thực tế thôn tính nốt Tonkin (Bắc bộ) và Annam (Trung bộ), mặc dù triều đình bù nhìn vẫn được duy trì ở Annam.

Quá trình Pháp thôn tính Việt nam là cuộc thị uy của các quốc gia tiên tiến phương Tây đang bước vào thời đại công nghiệp hoá. Bị thúc ép bởi nhu cầu tìm kiếm nguyên liệu rẻ và thị trường, phương Tây đã dùng vũ lực để áp đặt chế độ cai trị của mình. Vào cuối thế kỷ 19, tất cả các quốc gia Nam và Đông Nam Á (trừ Thái lan - Xiêm) đã trở thành thuộc địa.

Triều đình đầu hàng không đồng nghĩa với kết thúc mong muốn độc lập của Việt nam. Rất nhiều các quan lại và tướng lĩnh không chấp nhận hạ vũ khí. Đáng kể nhất là phong trào Cần Vương (Cứu Vua) của Phan Đình Phùng tại Hà tĩnh. Khi Hoàng Cao Khải, bạn thơ ấu của Phan đến khuyên ông đầu hàng, ông đã khảng khái trả lời như một nhà nho yêu nước: "Nếu Trung Hoa, hàng ngàn lần mạnh hơn chúng ta, lại có biên giới chung với chúng ta, đã không thể dùng sức mạnh để đè bẹp Việt nam, chỉ có thể nói sự tồn vong của dân tộc Việt nam đã chính là ý định của Trời"Tuy nhiên sự tồn tại của hai nhà Vua: Đồng Khánh và Hàm Nghi đã tạo nên một sự chia rẽ sâu sắc trong tầng lớp trí thức nho giáo theo tư tưởng Trung quân trong suốt gần nửa thế kỷ sau.

Nghệ An, nơi có những bãi biển yên ả, những dãy núi tím đỏ, những cánh đồng lúa xanh, là trung tâm của phong trào chống Pháp. Mảnh đất hẹp và cằn cỗi này luôn phải đối mặt với mọi thử thách của thiên nhiên, đã làm cho những con người sống trên nó nổi tiếng là cứng đầu và bất trị. Trong 2 thập kỷ cuối của thế kỷ 19, nhiều người trong số những tầng lới ưu tú nhất của Nghệ an đã chiến đấu và hy sinh dưới ngọn cờ Cần Vương. Tại đây, làng Kim Liên - Huyện Nam Đàn, năm 1863, vợ hai của phú nông Nguyễn Sinh Vương (hay còn gọi là Nguyễn Sinh Nhâm), bà Hà Thị Hy đã sinh con trai đặt tên là Nguyễn Sinh Sắc. Vợ cả của Vương đã chết trước đó vài năm, để lại cho chồng một con trai khác tên là Nguyễn Sinh Tro. Lên 4 tuổi, Sắc mồ côi cả cha lẫn mẹ và được anh Tro nuôi nấng. Do thường xuyên bị hạn hán đe doạ, người dân phải làm đủ mọi việc để sống: thợ mộc, thợ đấu, thợ rèn, thêu. Tuy vậy truyền thống học hành vẫn được đề cao. Nhiều nhà nho đèn sách đi thi hoặc mở thêm lớp dạy học kiếm sống.

Mặc dù gia phả nhà Vương còn ghi lại nhiều đời đỗ đạt, Sắc không có nhiều cơ hội để trở thành thư sinh. Những buổi đi chăn trâu cho anh, cậu thường ghé vào nghe ké lớp học của Vương Thúc Mậu. Lớn lên, Sắc đã nổi tiếng khắp làng về tính ham học và được Hoàng Dương (Hoàng Xuân Dương), bạn của Mậu, chú ý. Để ý thấy cậu bé thường xuyên nằm trên lưng trâu đọc sách trong lúc chúng bạn chơi đùa, Dương nhận lời đỡ đầu cậu. Năm 15 tuổi, Sắc theo Dương chuyển sang làng Hoàng Trù và bắt đầu học với cha nuôi của mình. (theo truyền thống nho giáo, những học trò tài năng thường hay được họ hàng hoặc người thân đỡ đầu. Khi đỗ đạt, cả cha mẹ và người đỡ đầu đều được hưởng vinh quang)

Họ Hoàng bắt đầu từ Hưng Yên và có dòng dõi khoa bảng. Bố của ông Dương đã từng ba lần đi thi và đậu tú tài. Trong lúc chồng dạy học, vợ ông là Nguyễn Thị Kép và hai con gái là Hoàng Thị Loan và Hoàng Thị An suốt ngày bận rộn ngoài đồng để nuôi sống gia đình. Truyền thống xã hội Việt nam trao nhiều quyền cho người phụ nữ, tuy nhiên với ảnh hưởng ngày càng lan rộng của đạo Khổng đến thời điểm đó, vai trò của phụ nữ ngày càng trở nên thứ yếu. Họ không có cơ hội được hưởng giáo dục. Trong bối cảnh đó, bà Kép và con gái đã may mắn hơn vì có được chút ít kiến thức. Gia đình bà Kép cũng có truyền thống khoa bảng và bố bà cũng đậu tú tài.

Cậu bé Sắc đã lớn lên trong một môi trường như vậy. Cũng không ngạc nhiên khi cậu phải lòng cô bé Loan xinh đẹp. Mặc dù bà Kép hơi băn khoăn vì cậu mồ côi cha mẹ, đám cưới vẫn được tiến hành vào năm 1883. Cặp vợ chồng trẻ được bố mẹ vợ cho một căn nhà 3 gian ấm cúng ngay cạnh nhà. Ở giữa hai nhà là gian nhà nhỏ đặt bàn thờ tổ tiên. Trong 7 năm sau đó, bà Loan sinh được 3 người con: con gái Nguyễn Thị Thanh, 1884; con trai Nguyễn Sinh Khiêm năm 1888 và ngày 19 tháng 5 năm 1890, cậu bé Nguyễn Sinh Cung mà sau này là Hồ Chí Minh ra đời.

Năm 1891, Sắc ra Vinh thí Tú Tài và bị trượt. Không nản chí ông vẫn tiếp tục đèn sách. Năm 1893, bố vợ ông qua đời, ông phải đi dạy thêm để giúp đỡ gia đình. 5/1894 Sắc đi thi lần thứ hai và đỗ cử nhân. Thông thường người có học vị cử nhân thường tim các vị trí trong bộ máy chính quyền. Ông Sắc lại quyết định sống thanh bạch bằng nghề dạy học tại quê nhà. Và bà Loan lại tiếp tục ra ruộng.

Tình hình kéo dài không lâu, mùa xuân năm 1895, Nguyễn Sinh Sắc ra Huế thi Hội. Ông bị trượt nhưng quyết định xin ở lại vào trường Quốc tử giám để ôn thi cho kỳ sau. Quốc tử giám có nguồn gốc từ những ngày đầu độc lập tại Hà nội và là nơi đào tạo cho bộ máy cai trị của triều đình. Nhờ một số người bạn giúp đỡ, Sắc được nhận học bổng. Ông quay về Nghệ an để đón vợ và con vào. Không có tiền để đi tàu thuỷ, gia đình Sắc quyết định đi bộ. Vào thời đó, đường từ Vinh đi Huế hết sức vất vả và nguy hiểm phải vượt qua những cánh rừng rậm đầy hổ báo cũng như luôn phải đối phó với những băng cướp đường. Họ đi khoảng 30 km/ngày và mất tổng cộng khoảng 1 tháng. Khi mệt quá cậu bé Cung 5 tuổi được cha mẹ cõng và kể cho những câu chuyện về những vị anh hùng cứu nước Việt nam.

Mặc dù đã trở thành trung tâm chính trị của cả nước (Gia Long quyết định chuyển kinh đô vào miền Trung để thể hiện ý chí thống nhất đất nước của mình), Huế tại thời đó cũng chỉ có không đến chục ngàn dân. Kiệt sức vì đi đường, Sắc may mắn được một người bạn cho ở nhờ. Sau đó gia đình chuyển đến một căn nhà nhỏ trên phố Mai Thúc Loan, nằm gần tường đông của Cấm thành trên bờ bắc sông Hương. Sắc ít khi đến trường, ông thích tự học ở nhà và dạy con cũng như con cái của lớp quan lại láng giềng. Cậu bé Cung từ nhỏ đã tỏ ra rất thích tìm hiểu thế giới xung quanh. Khi quan sát những nghi lễ cung đình, cậu đã hỏi mẹ, liệu không biết vua có què không mà phải đi kiệu.

Năm 1898, Sắc thi trượt lần 2 và buộc phải chấp nhận công việc dạy học tại thôn Dương Nỗ. Bà Loan thì kiếm thêm bằng công việc may vá và giặt thuê. Chủ trường Dương Nỗ, một tay phú nông đã đồng ý cho 2 con trai của Sắc được tham dự trường. Có thể đây là nền giáo dục Khổng tử chính thức đầu tiên mà cậu bé Cung được hưởng.

Tháng 8/1900 Sắc được bổ nhiệm làm giám khảo trường thi tại Thanh hóa. Ông mang cậu bé Khiêm đi, còn Cung ở lại Huế với mẹ. Trên đường về, ông ghé qua Kim Liên để xây lại mộ cho bố mẹ. Đây được coi là vinh hạnh vì thông thường cử nhân không được làm giám khảo, tuy nhiên cái giá của chuyến đi là quá đắt. Tại Huế, bà Loan đã qua đời ngày 10/2/1901 vì hậu sản sau khi sinh cậu bé thứ tư: Nguyễn Sinh Xin. Bà con hàng xóm vẫn nhớ cảnh cậu bé Cung vừa đi vừa khóc qua các nhà để xin sữa nuôi em. Khuôn mặt tươi vui của cậu trở nên buồn rười rượi.

Nghe tin vợ chết, ông Sắc lập tức trở về Huế và mang các con ra Hoàng Trù. Cậu bé Cung khi đó đã là một học trò nhanh trí và nhớ được khá nhiều chứ Hán, tuy nhiên bố cậu vẫn lo cậu ham chơi và gửi cậu học ở một người bà con xa bên vợ: ông Vương Thúc Đỗ. Vương nổi tiếng thời bấy giờ vì không bao giờ đánh học trò và thường chiêu đãi các học trò của mình bằng những câu chuyện những anh hùng chống ngoại xâm, trong đó có anh cả của ông, người đã từng chiến đấu dưới ngọn cờ Cần Vương.

Sắc quay lại Huế sau vài tháng, nhưng các con ông vẫn ở Hoàng Trù với bà nội. Thanh lúc này đã là một cô gái trưởng thành, giúp bà nội việc đồng áng. Ngoài việc nhà, cậu bé Cung chạy chơi khắp xóm với chúng bạn, câu cá, thả diều. Trong các trò chơi, bao giờ cậu cũng là người kiên trì nhất. Cậu thích nhất là leo lên núi Chung, thả tầm nhìn xuống những cánh đồng lúa, rặng tre và dãy Trường sơn xanh mờ phía xa. Trên núi có đền thờ Nguyễn Đức Du, một vị tướng chống quân Nguyên Mông. Cũng trên núi này, năm 1885, ông Vương Thúc Mậu, người mà ông Sắc thường mon men học lỏm ngoài cửa, đã phất cờ khởi nghĩa trong phong trào Cần Vương. Chỉ có một nốt buồn trong giai đoạn này của cuộc đời Cung: em Xìn cậu đã chết lúc mới 1 tuổi.

Quay về Huế, Sắc lại đi thi và lần này ông đỗ Tiến sĩ đệ nhị, hay Phó Bảng. Tin vui này làm nức lòng cả hai làng Kim Liên và Hoàng Trù. Lần đầu tiên từ giữa thế kỷ 17, khu vực này mới có người đỗ cao như vậy. Kim Liên từ nay đã có thể coi mình là "Đất văn vật". Cũng như lần trước Sắc từ chối những nghi lễ long trọng, ông phân phát thức ăn cho người nghèo. Tuy nhiên ông chấp nhận căn nhà 3 gian và 2 sào ruộng như là quà tặng của làng Kim Liên. Gia đình ông chuyển về Kim Liên. Phó bảng là một học vị danh giá và thường mang lại quyền lực cũng như tiền bạc. Tuy nhiên Sắc không có mong muốn tham gia vào quan trường trong cảnh nước mất. Lấy cớ là đang để tang vợ, ông quyết định ở lại Kim Liên dạy học. Ông cũng lấy tên mới là Nguyễn Sinh Huy (sinh ra cho danh dự)

Khi đó cậu bé Cung đã 11 tuổi, bắt đầu vào tuổi trưởng thành. Theo thông lệ, bố cậu đặt tên cho cậu là Nguyễn Tất Thành (Người sẽ thành công). Cậu được bố gửi đến học lớp của nhà nho Vương Thúc Quý, con của Vương Thúc Mậu, người đã nhảy xuống hồ tự tử để khỏi rơi vào tay giặc Pháp. Cũng như Sắc, sau khi đỗ đạt, Quý từ chối quan trường, ở làng dạy học, bí mật tìm cách lật đổ chế độ bù nhìn ở Huế. Khác với thông lệ, ông không bắt học sinh học thuộc lòng mà tìm cách cho các em hiểu được bản chất nhân đạo của các tác phẩm của Khổng Tử. Trước mỗi giờ học, ông lại thắp hương trước bàn thờ cha ngay trên tường lớp học để khắc sâu tinh thần yêu nước, chiến đấu cho Việt nam độc lập vào tâm trí các học trò của mình. Đáng tiếc là chẳng bao lâu sau lớp học bị đóng cửa vì Quý bỏ làng theo quân khởi nghĩa. Thành theo học một thầy giáo khác, nhưng không chịu nổi kiểu dạy nhồi sọ cổ lỗ, cậu quay về học với bố. Cũng như bạn mình, Sắc không bao giờ khuyến khích học trò học chỉ để đỗ đạt làm quan, mà hãy tìm cách cứu giúp đồng loại.

Thành nhận được học vấn không chỉ ở trên lớp học. Bác thợ rèn hàng xóm tên là Diên thường xuyên dạy cậu nghề và dẫn cậu đi săn chim. Những buổi tối, cậu thường cùng bạn bè quây quần quanh bác để nghe kể chuyện. Diên thường kể về những anh hùng dân tộc như Lê Lợi, Mai Thúc Loan. Ông cũng say sưa kể về cuộc chiến đấu dũng cảm của các chiến sĩ trong phong trào Cần Vương, về cuộc tự sát của Vương Thúc Mậu, về sự hy sinh của Phan Đình Phùng. Thành rất xúc động được biết rằng nhiều bà con của cha cậu cũng đã chiến đấu và hy sinh vì chính nghĩa.

Tinh thần yêu nước bắt đầu thấm sâu vào cậu bé. Thành phát hiện ra rằng những quyển sách cậu đọc chỉ nói về lịch sử Trung quốc. Cậu đi bộ ra Vinh để mua sách về lịch sử Việt nam, không đủ tiền, cậu nán lại, học thuộc lòng để có thể về kể lại cho các bạn bè của mình.

Cho đến giờ, Thành chưa có nhiều điều kiện để biết về người Pháp. Cậu chỉ nhìn thấy họ khi còn nhỏ ở Huế, và vẫn thường ngạc nhiên tự hỏi không hiểu sao quan quân lại phải cúi đầu trước người ngoại quốc. Anh em cậu cũng hay lân la chơi với các công nhân Pháp đang xây dựng cầu Tràng Tiền. Thỉnh thoảng họ đùa với cậu và cho kẹo. Về nhà Thành hỏi mẹ, tại sao những người Pháp cũng lại khác nhau? Tại quê nhà Nghệ An, công trình làm đường sang Lào đã làm biết bao thanh niên trong làng phải trở thành thân tàn ma dại, hoặc không bao giờ trở về. Con đường sang Lào, "con đường chết" đã làm cho sự thiếu thiện cảm của Thành với người nước ngoài càng mạnh mẽ thêm.

Một trong những người bạn gần gũi với Nguyễn Sinh Sắc là nhà yêu nước nổi tiếng Phan Bội Châu, quê cách Kim Liên chỉ vài cây số. Mặc dù bố đỗ tú tài và được học kinh điển từ nhỏ, đối với Châu số phận của đất nước quan trọng hơn là quan trường. Khi còn trẻ ông đã tụ tập những thanh niên cùng chí hướng, phất cờ khởi nghĩa tại quê nhà. Khi bị giặc Pháp đàn áp, ông đã phải chạy vào rừng ẩn náu.

Năm 1900, Châu thi đỗ giải nguyên. Không hề có ý định quan trường, ông bắt đầu xây dựng phong trào tại các tỉnh miền Trung. Trong khi đi vận động, Châu thường ghé qua Kim Liên thăm các ông bạn là Nguyễn Sinh Sắc và Vương Thúc Quý. Họ thường trải chiếu ngồi uống rượu, có cậu Thành phục vụ. Thành rất ấn tượng về phong cách lưu loát, nhã nhặn của Châu. Nhờ đã được đọc trước một số tác phẩm của Châu, Thành rất kính trọng lòng yêu nước và chia sẻ sự khinh bỉ của ông với triều đình thối nát ở Huế

Châu nghiên cứu các tác phẩm của những nhà cải cách Trung Hoa như Khang Ưu Vị, Lương Kỳ Siêu và tin tưởng rằng Việt nam phải từ bỏ xã hội truyền thống, tiếp thu công nghệ và cách tổ chức xã hội của các nước phương Tây thì mới có thể tồn tại được. Nhưng Châu lại tin rằng chỉ có lớp học giả mới có thể dẫn dắt đến những thay đổi đấy. Ông cũng muốn mượn một số di sản truyền thống để có thể có được sử ủng hộ của nhân dân. Vì thế, khi thành lập Hội Duy Tân năm 1904, ông đã mời hoàng thân Cường Để, một thành viên hoàng gia làm chủ tịch hội.

Cùng với các nhà cải cách Trung hoa, Phan Bội Châu rất ngưỡng mộ mô hình Nhật bản. Hoàng đế Minh Trị đã tụ tập được các tầng lớp ưu tú trong xã hội, thay đổi một cách sâu sắc xã hội Nhật bản. Chiến thắng của Nhật hoàng trước quân đội Nga năm 1905 được coi như là biểu tượng của sức mạnh châu Á trước quân xâm lược châu Âu. Cuối năm 1904, Phan Bội Châu đi Nhật và bắt tay xây dựng trường học tại Yokohama để đào tạo những thanh niên Việt nam yêu nước. Đó là khởi đầu của phong trào Đông Du.

Khi quay về Việt nam, Châu đến Kim Liên và đề nghị anh em Tất Thành tham gia Đông Du. Nhưng Thành đã từ chối. Theo một số người, cậu cho rằng dựa vào Nhật để đánh Pháp chẳng khác gì "Đuổi hổ cửa trước, đưa sói vào cửa sau". Một số nhà nghiên cứu lại cho rằng đó là quyết định của bố cậu. Trong bản tự truyện của mình, Hồ Chí Minh đã giải thích rằng, ông muốn sang Pháp để "nắm được bí quyết thành công của phương Tây ngay tại quê hương của nó". Sau đó ít lâu, Thành đề nghị bố cho mình đi học tiếng Pháp. Ông Sắc hơi băn khoăn vì tại thời đó, chỉ có những người chịu làm tay sai cho Pháp mới học tiếng Pháp. Nhưng cuối cùng ông cũng đồng ý, có thể do ảnh hưởng từ các tác phẩm của những nhà cải cách Trung hoa đang thuyết phục nhà Thanh thay đổi. Mặc dù gắn chặt sự nghiệp của mình với nền giáo dục truyền thống, Sắc hiểu rằng các con ông phải thích nghi với những hiện thực mới. Ông cũng thường hay nhắc đến lời dạy của Nguyễn Trãi về việc phải hiểu được kẻ địch mới có thể đánh bại chúng.

Hè năm 1905, Thành bắt đầu học tiếng Pháp với một người bạn của bố tại Kim Liên. Tháng 9, ông Sắc đã xin cho cả hai con mình vào trường dự bị Pháp-Việt tại Vinh. Các trường kiểu này tại các tỉnh miền Trung được thành lập theo quyết định của toàn quyền Dume, nhằm lôi kéo các trí thức trẻ khỏi nền giáo dục Khổng tử, chuẩn bị nhân sự cho bộ máy cai trị. Hai anh em Thành lần đầu tiên được học tiếng và văn hoá của Pháp. Các cậu còn được học chữ quốc ngữ do các nhà truyền giáo sáng lập vào thế kỷ 17 và đang được truyền bá trong giới trí thức tiến bộ.

Tháng 6, năm 1906, Sắc quyết định nhận chức phong của triều đình và đưa cả hai con trai vào Huế. Vẫn như xưa, họ đi bộ nhưng cả hai cậu bé đã lớn nên cũng đỡ vất vả hơn. Các cậu thường tra khảo nhau về các tên tuổi qua các triều đại phong kiến Việt nam. Thành phố đã có nhiều thay đổi. Tường thành của kinh đô cổ vẫn soi bóng xuống bờ bắc sông Hương, những cô gái điếm tóc dài tha thướt vẫn khẩn khoản mời chào khách hàng. Nhưng những cơn bão lớn trong hai năm vừa qua đã để lại nhiều ngôi nhà đổ nát rêu phong hai bên sông. Những ngôi nhà trắng kiểu châu Âu của các cố vấn Pháp cũng đang nhanh chóng thay thế những cửa hàng lụp xụp trong khu thương mại cũ.

Ban đầu mấy cha con sống nhờ một người bạn, nhưng rồi họ được phân một căn phòng nhỏ trong trại lính cũ cạnh cửa Đông Ba bên bờ tường phía đông của cấm thành. Họ sống đơn giản, thức ăc chủ yếu là cá muối, vừng, rau quả và gạo rê tiền. Nước uống được sử dụng từ giếng chung hoặc từ con kênh chảy ngang cửa Đông Ba. Được sự giúp đỡ của Cao Xuân Đức, một quan chức của Hàn Lâm Viện đã giúp ông từ lần trước, Sắc được phân làm thanh tra Bộ Lễ, theo dõi các học sinh của Quốc học. Đây là một chức quan nhỏ so với học vị phó bảng của ông. Các bạn ông đều đã làm đến tri huyện hoặc cao hơn. Chắc chắn là triều đình đã nghi ngờ vào sự trung thành của Sắc khi ông từ chối làm quan.Thực tế là Sắc không cảm thấy dễ chịu phục vụ trong bộ máy đang thối ruỗng. Ông thường chia sẻ với bạn bè sự cấp thiết của việc cải cách. Không giải thích được quan điểm "trung quân ái quốc" trong hoàn cảnh thực tế, ông khuyên học sinh từ bỏ con đường quan trường. Theo ông, tầng lớp quan lại hiện tại chỉ biết hà hiếp nhân dân.

Dễ dàng lý giải được sự thất vọng của Sắc về hệ thống xã hội lúc đó. Mô hình chính quyền nho giáo phụ thuộc rất nhiều vào sự trong sạch về đạo đức của tầng lớp quan lại được tuyển chọn qua thi cử. Hệ thống chỉ có hiệu quả nếu các quan lại áp dụng các tiêu chuẩn đạo đức như phục vụ xã hội, chính trực và nhân từ, được huấn luyện từ nhỏ, trong việc thực thi quyền lực. Thế nhưng từ cuối thế kỷ 19, sự bạc nhược của triều đình đã dẫn đến sự suy thoái của các thể chế xã hội. Uy tín của Hoàng đế giảm sút nghiêm trọng. Tầng lớp quan lại lợi dụng chức quyền để làm giàu. Ruộng công bị chiếm hữu, nhà giàu lại được miễn thuế.

Một tiếng nói phản kháng quan trọng nữa vào thời điểm đó là Phan Chu Trinh - người đỗ phó bảng cùng năm với Sắc. Trinh sinh năm 1872 tại Quảng Nam, là con út trong một gia đình 3 anh em. Bố ông là quan võ, cũng đã từng tham gia thi cử nhưng không thành, theo Cần Vương và bị đồng đội xử tử vì bị nghi làm phản. Trinh làm việc Bộ Lễ từ năm 1903. Ông đặc biệt quan ngại về nạn ăn hối lộ và bất tài của các viên chức tại nông thôn. Ông đã từng công khai nêu vấn đề này cho các thí sinh tham gia kỳ thi năm 1904. Năm 1905,Trinh từ chức, ông dự kiến tham khảo ý kiến với các nhà nho khác trên toàn quốc về phương thức hành động trong tương lai. Trinh gặp Châu tại Hồng Kông và theo Châu sang Nhật. Trinh tán thành những cố gắng của Châu trong việc đào tạo cho thế hệ mới nhưng họ bất đồng trong việc sử dụng thành viên của hoàng gia cho phong trào. Trinh cũng cho rằng, tốt hơn hết là thuyết phục Pháp phải tiến hành những cải cách cần thiết cho xã hội Việt nam. Tháng 8 năm 1906, Trinh công bố bức thư cho toàn quyền Paul Beau chỉ ra tình hình nguy kịch tại Việt nam. Trong bức thư, Trinh đánh giá cao những thay đổi mà Pháp mang đến cho Việt nam trong lĩnh vực giao thông và liên lạc. Nhưng ông phản đối việc duy trì một triều đình bù nhìn thối nát, phản đối sự coi thường và khinh bỉ người Việt dẫn đến sự căm thù trong dân chúng. Trinh kêu gọi toàn quyền Pháp tiến hành ngay những cải cách xã hội theo các định chế dân chủ phương Tây. Nhân dân Việt nam sẽ đời đời biết ơn.Bức thư của Trinh gây chấn động lớn trong tầng lớp trí thức Việt nam, đẩy cao sự mâu thuẫn với chính quyền. Chế độ thực dân của Pháp, dưới chiêu bài "khai hoá văn minh", bóc lột các tài nguyên thiên nhiên và áp đặt lối sống phương Tây, đã tạo nên sự căm thù trong tất cả các tầng lớp xã hội Việt nam lúc đó. Trí thức căm hận trước các cuộc tấn công vào các định chế và chuẩn mực nho giáo. Nông dân rên xiết dưới các loại thuế khoá nặng nề, nhất là thuế rượu, cấm nông dân chưng ruợu gạo và phải mua các loại rượu vang Pháp đắt tiền cho những ngày lễ tết. Công nhân các đồn điền cao su phải dãi nắng dầm mưa và thường là bỏ xác nơi đất khách quê người. Công nhân nhà máy và thợ mỏ cũng chẳng hơn gì, lương thấp, làm ngoài giờ và điều kiện sống thì dưới đáy xã hội.

Trinh không phải là người duy nhất tìm kiếm câu trả lời cho sự tồn vong của đất nước ở phương Tây. Đầu năm 1907, một nhóm các trí trức yêu nước đã lập ra Trường Hà nội tự do, hay còn gọi là Đông Kinh Nghĩa Thục, theo mô hình Học viện của nhà cải cách Nhật bản Fukuzawa Yukichi. Mục tiêu của trường là tuyên truyền các tư tưởng tiến bộ của Trung hoa và phương Tây vào tầng lớp thanh niên Việt nam. Đến giữa hè, trường đã mở được 40 lớp với hơn 1000 sinh viên. Phan Bội Châu khi đó vẫn đang ở Nhật bản, tiếp tục tuyển sinh cho chương trình đào tạo của mình và gửi các bài thơ đầy nhiệt huyết về nước.Một trong những bài thơ hay nhất là "Việt nam Vong quốc Sử", hay Lịch sử của một Việt nam mất nước. Đáng buồn, bài thơ lại được viết bằng chứ Hán.

Được một thời gian, chính quyền Pháp nghi ngờ mục đích giáo dục của Đông Kinh Nghĩa Thục và ra lệnh đóng cửa vào tháng 12. Nhưng người Pháp không thể ngăn được các cuộc thảo luận về sự tồn vong của dân tộc trên khắp đất nước. Tại Quốc Tử Giám, Huế, Nguyễn Sinh Sắc dạy các học sinh: làm quan của một xã hội nô lệ còn tệ hơn là nô lệ. Nhưng ông không tìm được lời giải. Sau này, Hồ Chí Minh nhớ lại cha ông thường ngửa mặt tự hỏi: Đi về đâu, “Anh, Nhật hay Mỹ?”

Sau khi quay lại Huế, theo lời khuyên của Cao Xuân Đức, Sắc gửi hai con mình vào trường Đông Ba nằm trong hệ thống giáo dục Việt Pháp mới. Trường nằm ngay trước cổng Đông Ba của thành Nội, trên khuôn viên cũ của chợ Đông Ba sau khi chợ được chuyển đi chỗ khác vào năm 1899, có 4 phòng học và văn phòng. Các năm đầu, học sinh được dạy bằng 3 thứ tiếng: Pháp, Hán, Việt. Lên năm trên, tiếng Hán bị hạn chế. Không phải ai cũng đồng tình, nhưng Thành tỏ ra hài lòng. Ngay từ khi ở Vinh, thầy giáo dạy tiếng Pháp của cậu đã dạy: "muốn đánh Pháp phải hiểu Pháp, muốn hiểu Pháp phải biết tiếng Pháp". Ban đầu, Thành hơi bị lập dị với đôi guốc mộc, tóc dài và bộ quần áo nâu sồng, trong lúc các bạn cậu hoặc khăn đóng, áo dài hoặc đồng phục kiểu phương Tây. Nhưng cậu hoà nhập nhanh. Cậu học cật lực và trong một năm đã hoàn thành chương trình hai năm học.

Mùa thu năm 1907. hai anh em Thành thi đậu vào Quốc học Huế, trường cao nhất trong hệ thống giáo dục Pháp Việt. Trường được thành lập vào năm 1896 theo chỉ dụ của vua Thành Thái, nhưng đặt dưới sự điều khiển của Thống sứ Pháp. Trường có 7 bậc, 4 lớp bậc tiểu học và 3 lớp bậc trung học, chương trình tập trung vào tiếng Pháp và văn hoá. Triều đình muốn dần dần thay thế Quốc Tử Giám để đào tạo tầng lớp cai trị mới. Vì thế dân địa phương thường gọi là: "Trường thiên đường". Tuy nhiên điều kiện sống và học tập ở đó khó có thể gọi là "thiên đường". Nhà chính vốn là một trại lính, mái lợp rạ, nay trở nên dột nát và xiêu vẹo. Xung quanh có một số túp lều tre. Cổng trường được xây theo kiểu mái Trung hoa hai tầng hướng ra đại lộ Jules Ferry. Thành phần học sinh khá đa dạng. Một số theo kiểu tự học, được học bổng như Thành. Số khác con nhà giàu có xe đưa đón. Cũng như các trường khác, thầy giáo rất nghiêm khắc, không chần chừ khi dùng roi vọt. Hiệu trưởng đầu tiên của trường là ông Nordemann, lấy vợ Việt nam và nói được tiếng Việt. Hiệu trưởng tiếp theo là ông Logiou, đã từng là lính lê dương. Bạn bè nhớ lại Thành thường ngồi cuối lớp, ít khi để ý đến những gì xảy ra trong lớp. Nhưng cậu nổi tiếng với nhiều câu hỏi đôi khi có tính khiêu khích, nhất là những câu hỏi về ý nghĩa của những tác phẩm của các nhà triết học Ánh sáng Pháp. Cậu rất giỏi ngoại ngữ và được các thầy cô quý. Một trong những thầy giáo có nhiều ảnh hưởng với Thành là Lê Văn Miên, tốt nghiệp trường Mỹ thuật Paris. Tuy thường xuyên đả kích chế độ thực dân, Miên có một kiến thức sâu rộng về văn hoá Pháp. Ông dạy các học sinh về những người Pháp tốt hơn ở nước Pháp, thổi vào tâm hồn các em một thành phố Paris vĩ đại với các bảo tàng và thư viện.

Tuy học rất giỏi, nhưng giọng nói và điệu bộ nhà quê của Thành thường bị các bạn trêu chọc. Một lần, không giữ được bình tình cậu đã thọi cho một kẻ trêu chọc một quả. Thầy giáo đã khuyên cậu, tốt hết là hãy dồn sức vào việc tìm hiểu những vấn đề thế giới. Quả vậy, Thành quan tâm nhiều đến chính trị. Sau giờ học, cậu thường tụ tập ngoài bờ sông, chờ đợi những tin tức của Phan Bội Châu, cùng nhau đọc thơ: "Á tế Á ca", bài thơ về một châu Á tự do khỏi ách nô lệ da trắng.Một động lực thúc đẩy lòng yêu nước của Thành ở trường là thầy Hoàng Thông. Thông thường dạy học sinh: mất nước nghiêm trọng hơn mất nhà, mất nước là mất tất cả. Thành thường đến nhà thầy đọc sách. Một số nhà nghiên cứu còn cho rằng Thông đã cho Thành tiếp xúc với một số nhóm khởi nghĩa.

Cuối năm 1907, tình hình ngày càng trở nên căng thẳng. Vua Thành Thái lên ngôi từ năm 1889 đã buộc phải thoái vị vì bị nghi ngờ có liên quan đến quân nổi loạn chống Pháp. Tuy nhiên vị vua kế vị 8-tuổi càng có tư tưởng chống Pháp hơn. Theo gương Hoàng đế Minh trị Nhật bản, ông lấy hiệu là Duy Tân, nhằm mục đích mang lại cách tân cho đất nước. Tuy nhiên đại đa số các tầng lớp tiến bộ Việt nam cho rằng đã quá muộn để có thể hy vọng gì đó ở triều đình phong kiến. Nguyễn Quyền ở trường Hà nội Tự do đã viết một bài thơ kêu gọi đồng bào cắt bỏ mái tóc dài búi tó, như một cử chỉ đoạn tuyệt với quá khứ phong kiến. Thành và các bạn thường đi cắt tóc rong, vừa đi vừa hát: Tay lược, tay kéo, Cắt! Cắt! Cắt đi sự ngu dốt, cắt đi sự trì trệ, Cắt! Cắt! Từ đầu năm 1908, sự bất bình bắt đầu lan rộng trong nông dân. Giữa tháng Ba, đám đông nông dân tụ tập tại phủ tri huyện tại Quảng Nam và tiến về Hội An. Họ đòi miễn các loại sưu cao thuế nặng, và được sự ủng hộ rộng rãi của các tầng lớp trí thức. Phong trào bắt đầu lan rộng ra các tỉnh duyên hải miền Trung và có dấu hiệu bạo lực. Triều đình đem quân đàn áp bắt bớ, sau khi các nông dân biểu tình chiếm một số công sở, giam giữ một số quan lại. Đôi khi đoàn biểu tình bắt và cắt trọc những người qua đường. Người Pháp gọi đây là "Cuộc nổi dậy tóc ngắn"

Đến cuối mùa xuân, những làn sóng nổi dậy đã dội đến chân thành Huế. Trong tuần đầu tháng Năm, dân làng Công Lương biểu tình chống thuế. Viên quan đến xử lý bị bắt trói cho vào cũi, chở đến cổng Thống sứ Pháp. Ngày 9/5, khi đoàn biểu tình đi qua chỗ các sinh viên, Thành đã bất ngờ kêu gọi hai người bạn của mình tham gia để làm phiên dịch cho các nông dân. Cậu lật ngửa chiếc mũ nan, báo hiệu vứt bỏ "status quo" của mình. Trước sức ép của đoàn biểu tình, Thống sứ Lavecque phải tiếp đoàn đại biểu nông dân có
cậu học sinh Nguyễn Tất Thành làm phiên dịch. Cuộc đàm phán thất bại, kể cả sau khi vua Duy Tân đã can thiệp. Quân đội Pháp đã xả súng lên cầu Tràng Tiền làm hàng trăm người chết và bị thương.

Đêm đó Thành phải đi trốn. Các bạn cậu chẳng ai có thể ngờ rằng, sáng hôm sau, khi tiếng chuông báo hiệu giờ học vừa dứt, cậu lại xuất hiện, ngồi đúng vào vị trí của mình. Nhưng cũng không được lâu. Đúng 9:00, một sĩ quan cảnh sát Pháp xuất hiện và sau khi nhận ra Thành, đã yêu cầu ban giám hiệu đuổi ngay kẻ phản nghịch ra khỏi trường. Trong những tuần tiếp theo, tình hình tiếp tục phức tạp. Cuối tháng sáu, những người theo Phan Bội Châu tiến hành cuộc đầu độc các sĩ quan Pháp tại Hà nội sau đó khởi nghĩa cướp chính quyền. Tuy nhiên do có kẻ phản bội, cuộc binh biến bất thành. Quân Pháp đàn áp dã man, 13 người bị xử tử, nhiều người bị lưu đày. Hốt hoảng, triều đình hạ lệnh bắt tất cả các trí thức yêu nước. Phan Chu Trinh cũng bị bắt và bị đưa về Huế xử. Nhờ có Thống sứ Pháp can thiệp, Trinh thoát chết nhưng bị đày đi Côn Đảo. Từ năm 1911, Trinh sống lưu vong tại Pháp.

Do hành động của hai cậu con trai, Sắc bị khiển trách và bị đưa về làm tri huyện Bình Khê, Bình Định. Đây là một vùng không phải là quá heo hút, nhưng là nơi xuất phát của khởi nghĩa Tây Sơn chống lại nhà Nguyễn. Bởi thế triều đình thường đưa những viên quan lại không vừa ý về đó. Anh trai Thành là Khiêm cũng bị theo dõi, đến năm 1914 thì bị xử về tội mưu phản. Nhà chức trách còn tra hỏi cả chị gái Thành ở Kim Liên vì nghi ngờ về tội chứa chấp 1 số phần tử mưu phản.

Sau khi bị đuổi khỏi trường, Thành mất tích mấy tháng. Có tin đồn là anh đi xin việc một số nơi nhưng đều không được nhận. Nhưng chắc chắn là anh không quay lại quê vì đã bị theo dõi. Sau đó, Thành quyết định đi bộ vào phía Nam để tránh sự theo dõi của triều đình. Cũng có thể vào thời điểm đó anh đã quyết định xuất dương tìm đường cứu nước tại phương Tây. Điạ điểm thuận tiện nhất vào thời điểm đó chỉ có thể là cảng Sài gòn. Tháng 7/1909 Thành dừng lại tại Bình Khê để gặp cha mình. Cuộc gặp gỡ không mấy vui vẻ với anh vì ông Sắc đang trầm uất, suốt ngày uống rượu. Sắc đã mắng nhiếc và cho cậu con trai mấy gậy.

Sau đó Thành đến Quy Nhơn ở nhờ nhà một người bạn của cha mình là Phạm Ngọc Thọ. Theo lời khuyên của Thọ, Thành đâm đơn thi vào chân giáo viên của một trường học địa phương dưới tên là Nguyễn Sinh Cung. Chủ tịch hội đồng thi vốn là giáo viên cũ của cậu tại trường Đông Ba nên rất quý cậu. Tuy nhiên không hiểu sao chính quyển tỉnh biết được thành tích bất hảo của Thành và tên anh bị đưa ra khỏi danh sách dự thi.
Không thất vọng, Thành đi tiếp đến Phan Rang gặp Trương Gia Mỗ, đồng nghiệp của cha cậu ở Huế và cũng là bạn của Phan Chu Trinh. Chủ nhà đã thuyết phục Thành chậm lại chuyến xuất ngoại của mình và xin cho anh một chân dạy học ở trường Dục Thanh (Phan Thiết). Vì đã cạn tiền, Thành chấp nhận. Trước khi đến Phan Thiết, anh phải chứng kiến một cảnh tượng đau lòng khi các sĩ quan Pháp cười ha hả bắt các công nhân cảng Việt nam phải nhảy xuống nước trong giông tố. Nhiều người đã chết.

Trường Dục Thanh được các nhà yêu nước địa phương thành lập theo mô hình trường Tự do Hà Nội. Ngôi nhà là sở hữu của một nhà thơ bản xứ, nằm ở bờ nam sông Phan Thiết. Trường do hai người con của nhà thơ điều hành. Cổng trường kẻ rõ khẩu hiệu: "Đoạn tuyệt với cổ hủ, đem tới văn minh". Ngôn ngữ chính thức là quốc ngữ, một số môn được dạy bằng tiếng Pháp và tiếng Hán. Thành đến Phan Thiết ngay trước Tết nguyên đán năm 1910, và nhận trách nhiệm dạy tiếng Hán và quốc ngữ. Anh còn kiêm luôn chân dạy võ. Theo trí nhớ của các học viên, thầy giáo Thành rất được ngưỡng mộ. Mặc bộ bà ba trắng, đi guốc mộc, Thành dạy theo phong cách của Socrat khuyến khích các học sinh đưa ra những ý tưởng của riêng mình. Thành cùng các học sinh thăm quan các vùng phụ cận, lên rừng, xuống biển. Khung cảnh khá điền viên ngoài việc một xưởng nước mắm ở khá gần với những hương vị đặc biệt làm cho học sinh khó tập trung.


Chương trình giảng dạy tại Dục Thanh mang nội dung yêu nước khá rõ ràng. Thành thường mở đầu bài giảng của mình bằng bài thơ từ trường Tự do Hà Nội

Ôi, thượng đế có thấu nồi khổ đau
Dân ta mang xiềng xích, héo mòn trong tai ương

Bởi thế chủ đề tranh cãi không bao giờ là mục tiêu giành độc lập mà là bằng cách nào. Các thầy giáo trong trường chia làm 2 phe. Một bên ủng hộ Phan Chu Trinh với đường lối cải cách, bên kia ủng hộ Phan Bội Châu với chủ trương dùng vũ lực và dựa vào Nhật bản. Thành không chọn phe, cậu biết rằng cậu phải hiểu tận cùng tình thế trước khi quyết định.

Đầu năm 1911, trước khi năm học kết thúc, Thành biến mất. Nguyên nhân chính xác về sự ra đi của Thành không rõ ràng, nhưng có thể có liên quan đến tin cha cậu chuyển vào Cochin China. Trước đó, đầu năm 1910, Sắc bị triệu hồi khỏi Bình Khê. Trong thời gian làm tri huyện ở đó, ông nổi tiếng là ủng hộ người nghèo, tha cho các nông dân tham gia biểu tình, khoan dung với những tội hình sự lặt vặt. Ông cho rằng lố bịch để mất thời gian vào những việc đó khi nước đã mất. Ngược lại ông rất cứng rắn với bọn nhà giàu và có thế lực. Sau khi tẩn 100 roi vào mông một nhân vật thế lực trong vùng và sau đó tên này lăn ra chết, Sắc bị gọi về Huế, hạ 4 bậc, phạt đánh roi và cách chức. Theo lời bạn bè, Sắc cũng chẳng buồn. Ông nói: "nước đã mất, liệu có thể có nhà được không?"

Đầu năm 1911, ông xin phép chính quyền Pháp được đến Cochin China nhưng bị từ chối. Hồ sơ của cảnh sát Pháp viết: "Nguyễn Sinh Sắc... bị nghi ngờ là đồng loã với Phan Chu Trinh và Phan Bội Châu. Con trai y, đang học ở Huế bỗng nhiên mất tích, nghi rằng đang ở Cochin China. Sắc chắc muốn gặp con và hội kiến với Trinh.". Nhưng Sắc cũng chẳng đợi được cấp phép, ngày 26/2/1911, ông tới Tourane (Đà nẵng) và lên tàu đi Sài gòn. Đến nơi, ông tìm được một chân dạy tiếng Hán và bán thuốc Nam để kiếm sống. Liệu Thành có biết được tất cả thông tin về cha cậu và rời Phan Thiết để đi tìm cha? Một người bạn của Thành ở Dục Thanh cho biết là cậu đã chia sẻ với anh ta là sẽ cùng ăn tết với cha. Hay cậu đã biết mình bị theo dõi và quyết định lẩn trốn? Ngay sau khi Thành đi, một viên chức Pháp có đến trường tìm hiểu tung tích cậu. Thành đi chỉ để lại một mảnh giấy nhỏ, nhờ các bạn trả lại sách cho thư viện. Chẳng bao lâu sau, trường Dục Thanh cũng bị đóng cửa.

Sài gòn là miền đất hoàn toàn mới lạ với cậu thanh niên Nguyễn Tất Thành. Một thời chỉ là thành phố nhỏ trên bờ sông Sài gòn, thành phố đã lớn rất nhanh và vượt cả cố đô Hà Nội với dân số lên tới hàng trăm ngàn. Sự lớn mạnh của Sài gòn chủ yếu dựa trên lĩnh vực kinh tế. Ở đây đã hình thành cả một lớp thương nhân người Âu, Việt và người Hoa định cư trên khu vực này từ thế kỷ trước. Lĩnh vực làm ăn chủ yếu là khai thác các đồn điền cao su dọc biên giới Campuchia (cây cao su được đưa vào Việt nam từ Brazil vào cuối thế kỷ 19) và canh tác lúa trên những cánh đồng rộng lớn đồng bằng Nam Bộ. Trong 25 năm đầu của thế kỷ 20, Nam Bộ đã đứng thứ ba trên thế giới về xuất khẩu gạo. Ban đầu Thành sống trong một vựa lúa cũ. Chủ vựa lúa là Lê Văn Đạt còn có xưởng sản xuất chiếu cói và có quan hệ với các thành viên của trường Dục Thanh. Thành tìm được cha, lúc đó đang ở tạm trong một nhà kho cũ. Qua các mối quen biết của Dục Thanh,Thành tìm được một ngôi nhà ở phố Châu Văn Liêm gần cảng Sài gòn. Được cha khuyến khích, Thành bắt đầu chuẩn bị cho chuyến đi của mình. Vào tháng Ba, cậu đăng ký tham gia một lớp thợ mộc và sắt, chắc là để kiếm tiền cho chuyến đi. Sau khi được biết phải mất ba năm mới có thể thành nghề kiếm tiền, Thành bỏ học, đi bán báo cùng với một người bạn từ Kim Liên, tên là Hoàng.

Chỗ ở của Thành ở gần bến Nhà Rồng nơi các con tàu xuyên đại dương thường xuyên lui tới. Thành quyết định tìm việc làm trên một trong những con tàu đó để ra nước ngoài. Thời đó chỉ có hai hãng tàu hoạt động tại cảng Sài gòn là Messageries Maritimes và Chargeurs Reunis. Chỉ có hãng Reunis cần tuyển người địa phương cho một số vị trí phụ bếp và bồi bàn. Thông qua một người bạn ở Hải phòng đang làm trong hãng, Thành đã có được cuộc hẹn phỏng vấn với thuyền trưởng tàu Đô đốc Latouche Treville vừa đến từ Tourane. Ngày 2/6, một anh thanh niên tên là Ba xuất hiện ở cầu tàu. Thuyền trưởng Louis Eduard Maisen e ngại nhìn khuôn mặt thông minh nhưng thân hình khá mảnh khảnh của anh. Ba quả quyết là việc gì anh cũng làm được và đã thuyết phục được Maisen cho một chân phụ bếp. Ngày hôm sau, anh bắt tay ngay vào công việc rửa bát, giặt quần áo, lau sàn, nhặt rau và đốt lò. Ngày 5/6, "Đô đốc Latouche Treville" hú còi rời sông Sài gòn ra biển Nam Trung Hoa- Biển Đông, thẳng tiến tới Singapore lúc đó đang thuộc Anh.

Tại sao Nguyễn Tất Thành lại quyết định rời đất nước? Trong bình luận gửi nhà báo xôviết Ossip Mandelstam nhiều năm sau, Hồ Chí Minh đã viết "Khi tôi 13 tuổi, lần đầu tiên tôi nghe thấy những từ Tự do, Bình đẳng, Bác ái. Lúc đó tôi nghĩ mọi người da trắng đều là người Pháp. Và vì người Pháp viết ra những từ đó, tôi muốn làm quen với nền văn minh Pháp để có thể hiểu được ý nghĩa đằng sau những từ đó". Muộn hơn, Hồ Chí Minh cũng đã trả lời tương tự cho câu hỏi của phóng viên Mỹ Anna Luise Strong: "Nhân dân Việt nam, bao gồm cả cha tôi, thường xuyên tự đặt câu hỏi, ai sẽ giúp chúng ta cởi bỏ ách thống trị của Pháp. Nhiều người nói Nhật bản, có người nói Anh, lại có người nói Mỹ. Tôi thấy tôi phải ra nước ngoài. Sau khi đã tìm hiểu họ sống như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào tôi" Các nhà viết sử ở Hà nội cũng thường nhắc đến những hồi ức của HCM về việc rời đất nước như một sứ mệnh cứu nước. Cũng nên nhớ rằng Hồ Chí Minh hay có khuynh hướng kịch hoá những sự kiện trong đời mình cho những mục đích khác. Tuy nhiên, không nghi ngờ gì, khi rời Sài gòn tháng 6 năm 1911, cậu thanh niên Nguyễn Tất Thành đã hoàn toàn nhận thức được những bất công mà đất nước mình đang phải gánh chịu và trong nước không có lời giải. Biết đâu, anh có thể tìm kiếm được những lời giải ở nước ngoài.


2. Con ngựa hoang


Mặc dù không có những ghi chép chính xác về các hoạt động của Thành sau khi rời Việt nam, những bằng chứng thu thập được cho phép dự đoán rằng phần lớn thời gian của Thành dành cho việc lang thang trên biển và đi qua khắp 5 châu. Vào thời đó, chế độ thực dân châu Âu đã thuộc địa hóa hầu như cả thế giới. Trên các bến cảng Á, Phi, Mỹ la tinh, những người dân bản xứ xun xoe thoả mãn nhu cầu của các ông chủ da trắng. Trong các tác phẩm sau này, Hồ Chí Minh đã miêu tả sự tàn bạo của các ông chủ và sự khốn cùng của dân lao động một cách hết sức ấn tượng. Có thể phần lớn các quan điểm cách mạng của Hồ Chí Minh đã được hình thành trong giai đoạn này.

Tàu "Đô đốc Latouche Treville" là một tàu nhỏ đối với các tàu vượt đại dương, dài khoảng 400 fut và có trọng tải nhỏ hơn 6000 tấn. Vì thế cuộc sống của Thành trên tàu hết sức vất vả. Tuy nhiên anh vẫn nhìn đời một cách hóm hỉnh: "nhân vật của chúng ta vừa huýt sáo vừa chùi toa lét và đổ rác". Một trong những đối thủ chính trị của Hồ Chí Minh sau này, ông Bùi Quang Chiêu đã tình cờ gặp Thành trong chuyến đi. Ông lấy làm kinh ngạc sao một người thông minh như Thành lại chấp nhận một thứ lao động khổ sai như vậy. Thành chỉ cười và nói, anh cần đi đến Pháp để đòi sửa lại bản án cho cha.

"Đô đốc Latouche Treville" cập bến Marseilles ngày 6 tháng bảy năm 1911 sau khi đã qua Singapore, Colombo và Port Said. Thành nhận được những đồng lương đầu tiên khoảng 10 frances. Chừng đó chỉ đú cho vài ngày trên bờ, nhưng Thành đã có thể dừng bước uống cafe trên đường Cannebiere, để được gọi bằng "Ngài". Thành ngạc nhiên kết luận: "Người Pháp ở Pháp tốt hơn và lịch sự hơn người Pháp ở Đông dương". Sau khi tìm hiểu các hang cùng, ngõ hẻm, gặp gỡ đủ các loại đĩ bợm ở đây, Thành tự hỏi, tại sao người Pháp lại không khai hoá văn mình cho đồng bào chính quốc trước.

Thành quay lại tàu trước khi nó nhổ neo và đến Le Havre ngày 15 tháng 7. Sau đó "Đô đốc Latouche Treville" giong buồm đi Dunkirk, rồi quay về Marseilles và neo ở đó đến giữa tháng 9. Từ đó,Thành đã viết một bức thư gửi thẳng cho tổng thống Pháp. Quả là một sự kiện gây tò mò, và đáng để in toàn văn bức thư ở đây:

Marseilles
15 tháng 9 năm 1911
Thưa ngài Tổng thống!
Tôi rất rất lấy làm vinh dự được nhờ ngài một việc nhỏ để có thể được vào học tại trường Thuộc địa như một sinh viên thực tập.
Hiện tại, để kiếm sống, tôi đang phải làm việc tại hãng Chargeurs Réunis (tàu đô đốc LT). Tôi đang bị bỏ rơi và rất muốn có được một nền giáo dục đầy đủ. Tôi muốn trở thành có ích cho nước Pháp về vấn đề các đồng bào của tôi, và giúp họ có thể được hưởng những thành quả của giáo dục. Tôi sinh tại tỉnh Nghệan thuộc Annam .Vô cùng biết ơn Ngài Tổng thống đã ra tay cứu giúp

Nguyễn Tất Thành
Sinh năm 1892
Con ông Nguyễn Sinh Huy (Tiến sĩ)
Sinh viên Pháp ngữ và Hán ngữ

Trường Thuộc địa được thành lập năm 1885 nhằm mục đích đào tạo nhân viên cho bộ máy cai trị của Pháp tại thuộc địa, có khoảng 20 học bổng cho các sinh viên từ Đông Dương. Một số nhà nghiên cứu tỏ ra ngạc nhiên về quyết định xin học của Thành, họ cho rằng có thể lúc đó Thành đã từ bỏ giấc mộng ái quốc để đeo đuổi con đường công chức. Tuy nhiên, thực ra quyết định này chẳng có gì khác với việc gia nhập Quốc học Huế. Rõ ràng là Thành chưa quyết định được mình sẽ phải chọn con đường nào để cứu nước. Và điều có ích nhất bây giờ là tiếp tục sự nghiệp học hành. Trong bức thư viết cho chị cậu mùa hè năm 1911, Thành cũng đã nói với chị là sẽ đi học tại Pháp khoảng 5-6 năm. Cũng có thể đây chỉ là một động tác “qua người” đẹp mắt, mà sau này Hồ Chí Minh cũng đã nhiều lần sử dụng, nguỵ trang cho ý đồ đích thực của mình nhằm đạt được mục đích cuối cùng.

Từ Marseilles, tàu "Đô đốc Latouche Treville" về Việt nam và cập bến Sài gòn vào khoảng giữa tháng 10, Thành rời tàu và tìm cách gặp cha. Từ khi mất việc, Sắc lang thang bán thuốc nam và dạy học trong khắp Nam bộ. Thậm chí có lần còn bị bắt vì say rượu. Mặc dù rất có thể trong khoảng thời gian đó, ông đang ở loang quanh Sài gòn, nhưng không có bằng chứng là hai cha con đã gặp nhau. Ngày 31/10/1911, Thành viết một lá thư cho Toàn quyền Pháp tại Annam, giải thích về việc cha con chia cách đã 2 năm và nhờ chuyển cho cha một khoản tiền nhỏ nhưng không được trả lời.

Quay trở lại Marseilles, Thành nhận được tin là đơn xin học của mình đã bị từ chối. Nhà trường chỉ nhận những học sinh được toàn quyền Đông Dương giới thiệu. Khi tàu được đưa lên bờ sửa chữa tại Le Havre, Thành quyết định ở lại. Anh xin vào làm vườn cho một chủ tàu ở Sainte-Addresse, một khu nghỉ mát đã nổi tiếng nhờ những bức tranh mà Monet vẽ tại đây. Hàng ngày, lúc rảnh rỗi anh lang thang trong thư viện của ông chủ hoặc luyện tiếng Pháp với con gái ông chủ. Có thể là Thành đã đi Paris gặp Phan Chu Trinh trong thời gian này. (Theo một số nguồn tin, ông Sắc đã viết cho Thành một thư giới thiệu cho Trinh khi cậu rời Việt nam). Nếu họ gặp nhau, chắc chắn chủ đề sôi nổi nhất là cuộc cách mạng dân quyền của Trần Dân Tiên lật đổ triều đình nhà Thanh để thành lập một nước cộng hoà kiểu phương Tây.

Thành có quan hệ rất tốt với chủ nhà, và chính ông này đã giới thiệu cậu cho một con tàu đi châu Phi cũng của hãng Chargeurs Reunis. Mặc dù nhiều người ngăn cản, Thành vẫn quyết chí ra đi. Anh đã đến một loạt các nước Á-Phi, bao gồm Algeria, Tunisia, Morroco, India, Indochina, Saudi Arabia, Senegal, Sudan, Dahomey và Madagascar. Anh bị mê hoặc bởi những điều nghe được, học được. Những cảnh tượng kinh hoàng của chế độ thuộc địa cũng gây cho anh những xúc động sâu sắc. “Đối với bọn thực dân, tính mạng những người dân thuộc địa không đáng 1 đồng xu.”

Trong những năm đó, Thành đã đến nhiều hải cảng trên Tây bán cầu. Sau này, HCM đã kể lại cho những người bạn Cuba của mình rằng ông đã đến Rio và Buenos Aires. Con tàu của anh cũng đã ghé qua bờ Đông nước Mỹ, và Thành đã chọn NewYork làm nơi dừng chân của mình. Anh rời tàu và quyết định tìm việc để ở lại nước Mỹ. Giai đoạn này là một trong những giai đoạn mù mờ nhất trong cuộc đời Hồ Chí Minh. Theo lời ông và một số người quen biết khác, anh đã làm đầy tớ cho một gia đình giàu có ở New York với mức lương “trên trời” là 40$/tháng. Ngoài giờ làm việc, Thành lang thang với bạn trong khu China town, ngửa cổ ngắm những toà nhà chọc trời NewYork, tham dự các cuộc họp của hội da đen Harlem, và ngạc nhiên khi thấy pháp luật công nhận sự bình đẳng của những kẻ nhập cư châu Á. Sau này, một đoàn đại biểu các nhà hoạt động hoà bình Mỹ đã hỏi Hồ Chí Minh: tại sao ông lại đến nước Mỹ? Hồ Chí Minh đã trả lời, ông nghĩ là nước Mỹ là biểu tượng chống chủ nghĩa thực dân châu Âu và sẽ giúp Việt nam giành độc lập. Nhưng ông đã nhầm. Hồ Chí Minh còn nói là ông đã từng sống ở Boston và làm bánh ngọt cho khách sạn Parker House. Ông cũng đã đi thăm một số bang miền Nam để chứng kiến cảnh bọn 3K (?) hành hình người da đen mà sau này ông đã miêu tả rất sống động trong một truyện ngắn viết khi đang ở Nga những năm 1920. Rất tiếc là chỉ có ít bằng chứng rõ ràng về việc Hồ Chí Minh đã từng ở nước Mỹ. Một là bức thư ký tên là Paul Tất Thành gửi cho toàn quyền Pháp xin phục hồi cho cha anh. Bức thư đóng dấu New York ngày 15/12/1912. Thứ hai là tấm bưu thiếp gửi Phan Chu Trinh từ Boston, kể rằng anh đang phụ bếp tại khách sạn Parker House , Hồ Chí Minh nói với một nhà báo Mỹ, bà Anna Louise Strong rằng quãng thời gian ở Mỹ ảnh hưởng rất ít đến quan điểm chính trị của ông vì lúc đó ông còn quá trẻ. Nhiều khả năng là Hồ Chí Minh rời Mỹ vào năm 1913.


Sau chặng dừng chân ở Le Harve, anh đến Anh để học tiếng Anh. Trong một bức thư gửi Phan Chu Trinh, anh nói rằng đã ở London bốn tháng rưỡi để học tiếng Anh và giao lưu với người nước ngoài. Bức thư chắc phải được viết trước khi nổ ra đại chiến thế giới I, tháng 8 năm 1914, vì Thành còn hỏi Phan Chu Trinh sẽ đi nghỉ hè ở đâu. Bức thư thứ hai cho Phan Chu Trinh, Thành đã bình luận về sự khởi đầu của chiến tranh. Anh cho rằng những kẻ dây vào sẽ phải lãnh đủ, anh chờ đợi những sự thay đổi lớn ở châu Á và hy vọng chiến tranh sẽ làm sụp đổ hệ thống thuộc địa của Pháp.

Trong hồi ký của mình Hồ Chí Minh đã thừa nhận những công việc rất cực nhọc của ông ở Anh như quét tuyết và đốt lò. Một vài người quen khi gặp Thành ở Pháp đã nhận thấy bàn tay của anh bị cái lạnh làm cho cong queo. Cũng may là sau đó anh tìm được một chân phụ bếp trong khách sạn Drayton Court rồi chuyển đến Carton giúp việc cho đầu bếp nổi tiếng Auguste Escoffier và ông đã từ chối cơ hội để trở thành đầu bếp.

Ngoài việc lang thang ở Hayden Park với cây bút chì và quyển sách để học tiếng Anh, Thành còn tham gia vào các hoạt động chính trị của Hội công nhân hải ngoại, tham gia vào các cuộc biểu tình đòi độc lập của người Ailen. Có thể là trong thời gian này Thành đã lần đầu tiên làm quen với các tác phẩm của Karl Max. Anh vẫn không quên nỗi đau mất nước. Trong một bức thư gửi Phan Chu Trinh, Thành đã viết những câu thơ:

Đương đầu với trời đất
Thôi thúc bởi ý chí
Người anh hùng phải chiến đấu cho đồng bào


Có một điều Thành không biết là các bức thư của anh gửi cho Phan Chu Trinh đều rơi vào tay mật thám Pháp. Trong khi khám xét căn hộ của Phan Chu Trinh, chúng đã phát hiện ra những bức thư ký tên N. Tất Thành gửi từ số 8, Stephen Street, Tottenham Court Road, London. Trong một bức thư, người thanh niên này còn thề thốt là sẽ tiếp tục sự nghiệp của Phan Chu Trinh. Cảnh sát Pháp đã nhờ các đồng nghiệp Anh tìm kiếm nhưng chẳng thấy ai ở địa chỉ đó. Cảnh sát Anh lục khắp London được 2 sinh viên Việt nam tên là Thành, trong đó có một Nguyễn Tất Thành, nhưng họ chẳng có dính líu gì đến chính trị.

Không có nhiều tài liệu minh chứng cho hoạt động của Hồ Chí Minh ở Anh. Một số nhà sử học thậm chí nghi ngờ ông đã ở Anh. Họ cho rằng ông đã bịa ra giai đoạn đó để có được tấm áo xuất thân vô sản. Điều này hơi vô lý vì Hồ Chí Minh chẳng bao giờ phủ nhận nguồn gốc nhà nho của mình. Tuy nhiên có nhiều chứng cớ khằng định được Hồ Chí Minh đã ở London. Thời điểm chính xác Thành quay về Pháp cũng gây nhiều tranh cãi. ít nhất là chính quyền Pháp cũng không biết gì về chuyện này cho đến khi có một sự kiện làm cho Thành trở thành người Việt nam yêu nước nổi tiếng nhất ở đất nước mình. Hồ Chí Minh viết rằng, ông đã quay về Pháp khi chiến tranh còn đang xảy ra. Một số người quen cũ của ông ở Pari cho rằng ông đến Pháp năm 1917 hoặc 1918. Viên mật vụ được phân công theo dõi ông vào năm 1919 báo cáo rằng Hồ Chí Minh đã “ở Pháp từ lâu”. Nhiều nguồn cho rằng đó là khoảng tháng 12/1917. Lý do Thành về Pháp có thể dễ hiểu. Sau chiến tranh, số người Việt nam tại Pháp đã tăng lên gấp bội so với trước đó. Hàng ngàn người Việt nam làm việc tại các công xưởng, tham gia quân đội so với không đến 100 người trước chiến tranh. Qua mối quan hệ đã sẵn có với Phan Chu Trinh và Phan Văn Trường, Thành có thể thâm nhập vào cộng đồng chính trị Việt nam hải ngoại nhằm mưu đồ cứu nước. Trinh đang được coi là lãnh tụ của phong trào, nhưng sau khi bị bắt vì nghi ngờ phản bội hồi đầu chiến tranh, Trinh trở nên rất thận trọng.

Sau khi về Paris, Thành nhanh chóng tham gia vào các hoạt động kích động công nhân Việt nam trong bối cảnh các cuộc chống đối ở Pháp ngày một nhiều do sự kéo dài khốc liệt của chiến tranh. Cũng chưa rõ, làm thế nào Thành có thể tham gia vào các hoạt động đó. Có thể với tư cách của Hội công nhân hải ngoại? Cũng có thể là quan hệ trực tiếp với các nhà hoạt động cánh tả. Một nhà hoạt động cách mạng, Boris Souvarine, sau này trở thành sử gia nhớ lại đã từng gặp Thành ngay sau khi anh từ London trở về. Ông cho rằng đó là vào khoảng năm 1917.

Thành thuê 1 căn hộ dơ dáy tại Montmartre và tham gia sinh hoạt với chi bộ đảng Xã hội Pháp tại đó. Souvarine đã giới thiệu Thành với Leo Poldes, người sáng lập câu lạc bộ Faubourg. Các buổi nói chuyện diễn ra thường xuyên về tất cả các chủ đề từ chính trị tới những điều huyền bí. Souvarine nhớ lại là Thành rất bẽn lẽn, thậm chí khúm núm, nhưng hoà nhã và ham học. Mọi người còn gọi anh là “Người câm ở Montmartre”. Leo Poldes là người đã rèn luyện tính nhút nhát của Thành bằng cách bắt anh phát biểu trước cử toạ. Trong bài phát biểu đầu tiên của mình miêu tả sự thống khổ của nhân dân thuộc địa, Thành thậm chí còn nói lắp.
4.gif
. Không mấy người trong cử toạ hiểu, nhưng họ thông cảm với chủ đề và Thành được hoan hô nhiệt liệt. Sau đó Thành được mời phát biểu thường xuyên.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn nhà văn Mỹ Stanley Karnow, Leo đã nhận xét về Thành trong thời gian anh tham gia câu lạc bộ Faubourg: “có hơi hướng của Chapline, hài hước nhưng buồn, vous savez”. i Leo đặc biệt có ấn tượng về đôi mắt sáng và lòng ham mê học hỏi của Thành. Anh đã vượt qua được nỗi sợ hãi phải phát biểu trước công chúng và tích cực tham gia vào các cuộc tranh luận. Qua đó Thành quen biết những nhân vật nổi tiếng trong giới trí thức cách mạng Pháp: nhà văn xã hội Paul Louis, nhà quân sự Jacque Doriot, tiểu thuyết gia Henri Barbeusse với những tác phẩm miêu tả sự cùng cực của binh lính trên mặt trận.

Đã gần 30 tuổi, và hầu như kinh nghiệm nghề nghiệp chỉ loanh quanh mấy việc phụ bếp hoặc dạy học, lại không có giấy phép làm việc Thành không thể xin được việc ổn định. Anh phải làm đủ việc từ bán món ăn Việt nam, kẻ bảng hiệu, dạy chữ Hán, làm nến... Cuối cùng anh kiếm được một chân tô màu ảnh đen trắng trong một hiệu ảnh của Phan Chu Trinh. Vào những thời gian rỗi Thành hay ngồi lì trong thư viện và đọc các tác phẩm của Secxpia, Tolxtoi, Lỗ Tấn, Hugo, Zola, Dickens. Gia tài của anh chỉ có cái va li và thường xuyên chuyển chỗ trong những nhà trọ chật hẹp của khu công nhân Paris

Thủ đô của nước Pháp cuối chiến tranh vẫn tham vọng trở thành trung tâm chính trị và văn hoá của thế giới phương Tây. Rất nhiều những nhà tư tưởng lỗi lạc của thế kỷ 19 đã sống ở Paris. Không khí cách mạng càng sục sôi trong giai đoạn cuối chiến tranh, khi sự tàn bạo của cuộc chiến đổ thêm dầu vào phong trào chống chủ nghĩa tư bản. Việt nam chiếm số lượng lớn nhất trong cộng đồng hải ngoại tại Paris thời điểm đó: khoảng 50.000 người, trong đó có hàng trăm con em trí thức. Trong bầu không khí bị chính trị hoá cao độ, lớp sinh viên này đã hoàn toàn chín muồi cho những hoạt động chính trị hướng tới độc lập dân tộc. Rất tiếc là chẳng có gì xảy ra cả. Trong giới có ảnh hưởng, một số muốn mặc cả với Pháp cho thêm quyền tự chủ đổi lấy việc đã tham gia bảo vệ mẫu quốc trong chiến tranh, một số thì lại bí mật đi đêm với Đức để hy vọng Pháp thua trận. Theo cảnh sát Pháp, Phan Chu Trinh và bạn ông là Phan Văn Trường đã thử cả hai phương án này. (Phan Văn Trường sinh năm 1878 tại Hà đông, học luật và trở thành công dân Pháp năm 1910). Cả hai đã thành lập “Hội đồng thân ái” trước khi chiến tranh xảy ra, nhưng chỉ thu thập được khoảng 20 chục thành viên. Trinh, được coi là nhà ý tưởng, tỏ ra rất ít có khả năng tổ chức. Tuy nhiên, do có tin đồn về việc họ đang dự kiến lật đổ chính quyền tại Đông dương, cả hai đã bị tạm giam ngay sau khi chiến tranh nổ ra. Chính vì lý do đó mà những bức thư Thành gửi cho Trinh đều rơi vào tay cảnh sát Pháp.

Sau khi được tha, Trường và Trinh không dám nghĩ đến chuyện thách thức chế độ thực dân nữa. Cộng đồng Việt nam hải ngoại thực sự đình trệ về mặt chính trị. Thành muốn nhanh chóng thay đổi tình hình đó. Mặc dù, cho đến lúc đó thành tích chính trị của anh mới chỉ là phiên dịch cho cuộc biểu tình tại Huế năm nào. Trông bề ngoài hoàn toàn không bắt mắt, bạn bè đều phải thừa nhận anh có một đôi mắt sáng và cái nhìn mãnh liệt như xuyên thấu suy nghĩ của người đối thoại.

Hè năm 1919, được sự bảo trợ của Trinh & Trường, Thành thành lập Hội ái quốc Annam. Ngoài những thành viên trí thức, Thành còn lôi kéo thêm một số thành viên từ tầng lớp lao động mà anh quen từ hồi còn làm thuỷ thủ tại Marseilles, Le Havre, Toulon. Bề ngoài, hội không đặt ra những mục tiêu cực đoan để lôi kéo đông đảo sự tham gia của cộng đồng người Việt. Việc dùng chữ Annam thay cho Việt nam muốn cho chính quyền thấy Hội không phải là mối nguy hiểm cho chế độ thực dân. Thực chất, ngay từ đầu, Thành muốn biến hội thành một lực lượng hiệu quả chống lại chế độ thực dân ở Đông Dương. Anh đã liên lạc với những hội tương tự của người Triều tiên và Tuynizi. Đây là một thời điểm hết sức thuận lợi cho những hoạt động tương tự. Sau chiến tranh, Paris trở thành trung tâm kích động của các nhóm chống thực dân. Các cuộc thảo luận về chủ đề này diễn ra thường xuyên ở quốc hội Pháp. Toàn quyền Albert Sarraut đã phát biểu tại Hà nội hứa hẹn nhiều quyền hơn cho nhân dân
 
3.Nhà cách mạng tập sự


Năm 1923, Nước Nga đang phục hồi từ 7 năm chiến tranh, cách mạng và nội chiến. Ngoài Moscow, Petrograd và một số thành phố lớn thuộc phần lãnh thổ châu Âu, cuộc cách mạng tháng 10 vẫn chỉ là cuộc “Cách mạng trên điện báo” (theo lời của Leo Trotsky). Trên những cánh đồng Nga mênh mông, gần 50 000 đảng viên Bolsheviks đang tìm cách thuyết phục hàng chục triệu nông dân Nga, vốn chẳng biết gì về những ý tưởng của Karl Max, lại càng không quan tâm đến số mệnh của cách mạng vô sản thế giới. Để điều chỉnh lại chính sách cưỡng đoạt mà nhà nước Bolshevik đã sử dụng để thiết lập quyền lực của mình trong cuộc nội chiến, Lenin đã buộc phải thừa nhận rằng nước Nga xô viết phải đi qua giai đoạn quá độ của chủ nghĩa tư bản. Năm 1921, Lenin tung ra chính sách kinh tế mới NEP, công nhận quyền tư hữu ruộng đất, áp dụng chế độ thuế thay cho trưng thu, nhà nước chỉ kiểm soát những ngành công nghiệp quan trọng.

Những cảm tưởng đầu tiên của Nguyễn Ái Quốc tại thiên đường của CNXH, cái mà anh đã từng tô màu rực rỡ trong những bài báo hồi còn ở Pháp, không được dễ chịu cho lắm. Quốc bị giữ lại mấy tuần trong không khí căng thẳng, cho đến khi có một đại diện của FCP đến nhận diện. Sau đó Quốc được phân làm việc tại văn phòng Viễn đông của QTCS (gọi tắt là Dalburo) Dalburo được thành lập tháng 6/1920 theo sáng kiến của Maring (Người Hà lan tên thật là Hendrik Sneevliet, sau này trở thành cố vấn thường trực cho Đảng CS Trung quốc), do nhà Đông phương học người Nga, Safarov lãnh đạo. Mục tiêu là tuyên truyền cho tư tưởng cách mạng tại vùng Trung đông và Viễn đông. Maring còn đề nghị thành lập các trường học để huấn luyện cho những hạt nhân cách mạng từ châu Á và châu Phi.

Vô cùng nhanh nhạy trong việc gây ấn tượng, mới chân ướt, chân ráo đến nơi Quốc đã viết thư cho ban chấp hành trung ương FCP, đả kích cơ quan này đã không thực hiện đúng nghị quyết của đại hội 4 QTCS về việc mở rộng các hoạt động liên quan đến các vấn đề thuộc địa. Anh nhấn mạnh “nhân dân thuộc địa được hứa hẹn mà không thấy có hành động, tự nhiên sẽ đặt câu hỏi, liệu các đồng chí cộng sản là nghiêm túc hay lừa bịp”. Cuối thư Quốc nhắc lại, điều kiện tiên quyết để gia nhập QTCS là cam kết tiến hành một cách có hệ thống các hoạt động tuyên truyền để hỗ trợ giải phóng các dân tộc thuộc địa. Quốc cũng viết thư cho chủ tịch đoàn chủ tịch QTCS, trình bày các ý tưởng của mình để ủng hộ cuộc đấu tranh ở Đông Dương. Nguyễn Ái Quốc miêu tả Việt nam như một thuộc địa chỉ có 2% vô sản mà lại vô tổ chức, tầng lớp trung lưu bé tí tập trung ở vài thành phố lớn, giai cấp tiểu tư sản ủng hộ độc lập nhưng không có chủ kiến chính trị rõ ràng, nông dân thì đông, bị áp bức và nếu được tổ chức tốt sẽ có tiềm năng lớn. Quốc cũng nhấn mạnh, động lực cách mạng chủ yếu bây giờ nằm trong tay các trí thức và nhà nho yêu nước. Bởi thế Quốc cho rằng mục tiêu đầu tiên là phải có hành động chung giữa các lực lượng cách mạng dân tộc và Đảng cộng sản.

Tư tưởng của Nguyễn Ái Quốc chính là tư tưởng của Lenin trong “Luận cương các vấn đề dân tộc và thuộc địa”. Mặc dù những tư tưởng đó không còn là rất mốt như thời sau đại hội 2 của QTCS, nhưng các nhà lãnh đạo xô viết buộc phải chú ý đến chàng thanh niên châu Á đầy tham vọng này và tính đến anh trong các nước cờ lâu dài ở châu Á.

Năm 1923, quan điểm của Lenin về một nhà nước công nông trong các xã hội chưa qua cuộc cách mạng công nghiệp lại được khuấy lên. Năm 1922, một số kẻ theo chủ nghĩa dân túy đã lập nên “Quốc tế xanh” ở Prague, khuyến khích thành lập các đảng nông dân với đường lối chính trị mới. Các phần tử cấp tiến Đông Âu, do Dombal (đảng viên cộng sản người Balan) khởi xướng, cũng muốn QTCS phải có một tổ chức tương tự để lôi kéo sự ủng hộ của nông dân. Tuy không hào hứng lắm nhưng ban chấp hành QTCS cũng quyết định lợi dụng Triển lãm nông nghiệp quốc tế tại Moscow để tổ chức hội nghị Nông dân quốc tế vào ngày 10/10/1923. Những nhà tổ chức cũng gom được khoảng 150 đại biểu từ các nước tham dự triển lãm. Nguyễn Ái Quốc được bầu đại diện cho Đông dương. Trong bài phát biểu của mình vào ngày 13, Nguyễn Ái Quốc , qua các ví dụ và sự kiện đơn giản, đã chỉ ra rằng nông dân là nạn nhân bần cùng nhất của chủ nghĩa đế quốc. Bởi thế, Quốc kết luận QTCS chỉ có thể là QTCS chân chính nếu có được sự tham gia tích cực của nông dân châu Á. Hội nghị đã quyết định thành lập Quốc tế Nông dân do A. Smirnov làm tổng thư ký. Nguyễn Ái Quốc được bầu làm 1 trong 11 thành viên của chủ tịch đoàn của Hội đồng Nông dân quốc tế.

******************
1. FCP - Đảng cộng sản Pháp
2. QTCS: Quốc tế Cộng Sản
3. CNXH: Chủ nghĩa xã hội

Tháng 12/1923. Nguyễn Ái Quốc nhập học tại Đại học Cộng sản cho những người bị áp bức phương Đông. Trường này do Lênin lập ra từ năm 1921, nhưng lại đặt dưới quyền của Stalin nên còn được gọi là trường Stalin, chuyên dạy cho các học viên từ các nước châu Á và các học viên không phải dân tộc Nga từ miền đông Nga. Một trường khác, gọi là trường Lênin, chuyên đào tạo cán bộ cho châu Âu.

Trường có khoảng 1000 học viên từ 62 dân tộc khác nhau, trong đó 900 là đảng viên cộng sản, 150 là phụ nữ, khoảng một nửa xuất thân từ nông dân, số còn lại là công nhân và “trí thức vô sản”. Có vẻ Nguyễn Ái Quốc là học viên đầu tiên từ Đông Dương. Khoảng 150 giáo viên dạy đủ các môn từ Toán học cho tới Lịch sử phong trào cách mạng và công nhân cũng như chủ nghĩa Max, trong ngôi nhà số 10 trên phố Tverskaya. Học viên còn được học các hoạt động cách mạng như tổ chức biểu tình, rải truyền đơn. Học viên đều dùng bí danh trong sinh hoạt. Các môn học được dạy bằng tiếng Pháp hoặc tiếng mẹ đẻ. Tiếng Nga được khuyến khích sử dụng trong giao tiếp. Năm học kéo dài từ tháng 9 tới tháng 7 với 3 tuần nghỉ Noel, 1 tuần nghỉ Xuân và nghỉ Hè. Trường có hai trại hè ở Crưm. Vào các kỳ nghỉ, học viên được huy động tham gia tăng gia sản xuất. Điều kiện học tập ở đây khá lý tưởng, trường có 2 thư viện với gần 47000 đầu sách. Mỗi dân tộc lớn đều có phòng riêng với các sách báo bằng tiếng mẹ đẻ.

Ngay sau lễ kỷ niệm 3 năm ngày thành lập trường, Quốc đã viết thư cho Petrov, bí thư Dalburo, phàn nàn là hầu như chẳng có người Việt nam nào học ở đây cả. Quốc đề xuất trường Stalin đặc biệt quan tâm đến đào tạo đội ngũ cán bộ thế hệ mới cho châu Á tiến tới thành lập Liên bang Cộng sản Phương Đông. Trường Phương Đông có hai mức: căn bản 3 năm và tại chức 7 tháng. Nhiều khả năng là Quốc học lớp 7 tháng vì anh còn phải làm việc tại QTCS. Lãnh đạo QTCS coi Quốc là một thành phần quan trọng, thêm đại diện cho các nước châu Á và thuộc địa trong vô khối những tổ chức quốc tế được thành lập thời bấy giờ. Anh được mời đến quảng trường Đỏ dự miting và phát biểu trong ngày quốc tế lao động với tư cách là thành viên của Quốc tế lao động Đỏ. Quốc còn dự đại hội của Quốc tế phụ nữ và nói chuyện với vợ goá của Lenin: Krupskaya.

Bằng vô số cách khác nhau, Quốc dần dần trở thành một nhân vật nhẵn mặt trong giới lãnh đạo QTCS và quen thân với các cây đa cây đề như Bukharin, Dmitrov, Thalemann, Kuusinen. Quốc còn chơi với một số bạn bè Trung quốc học cùng trường như Chu Ân Lai. Quốc cũng gặp Tưởng Giới Thạch khi ông này thăm Nga 3 tháng cuối hè năm 1923. Có vẻ như mọi người đều thích Quốc. Ruth Fischer, một nhà cộng sản cội người Đức nhận xét: “Nguyễn Ái Quốc không gây ấn tượng từ lần gặp đầu tiên, anh ta chinh phục bằng lòng hào hiệp và sự giản dị”. Là một người thực tế, không tham gia các cuộc tranh luận vô bổ về học thuật, Quốc đã tránh được sự bất đồng đang hình thành lúc đó trong giới lãnh đạo xô viết, dẫn đến sự méo mó của Đảng Bolsevic và QTCS trong thập kỷ tiếp theo.

Nhà báo Ossip Mandelstamd, người đã phỏng vấn Quốc tháng 12 năm 1923 cho báo “Ngọn lửa nhỏ” viết về Quốc: "Một người trẻ tuổi mảnh dẻ, thấm đẫm những triết lý của đạo Khổng, với cặp mắt to và xuyên thấu. Khi anh ta nói về đất nước mình, cả người anh như co giật, mắt anh chói lên những tia hào quang. Anh ta phát âm từ “văn minh” với một sự ghê tởm lộ rõ, và đặc biệt phẫn uất với việc nhà thờ Thiên chúa chiếm mất 1/5 đất trồng trọt của đồng bào anh ". Còn Boris Souvarin, người sau này đã rời bỏ FCP- Đảng cộng sản Pháp , tuyên bố: “ Quốc đã trở thành một người Stalinist hoàn hảo”

Chỉ có một người không mấy ấn tượng với Quốc,đó là M. Roy, một đảng viên cộng sản Ấn. Ông này cho rằng Quốc là một người yếu đuối cả về thể xác và tư tưởng. Trớ trêu thay, chính Quốc là một trong số ít người ủng hộ luận điểm của Roy cho rằng các nước châu Á cũng có thể làm cách mạng. Roy sau này trở thành đặc phái viên của QTCS tại Trung quốc và theo nhiều nhà quan sát, chính sự yếu kém của ông này đã làm Đảng cộng sản Trung quốc thất bại trong cuộc tranh giành quyền lực năm 1927.

Quốc còn dành nhiều thời giờ để viết cho các báo cánh tả ở Pháp cũng như Inprecor (cơ quan ngôn luận của QTCS). Chủ đề của ông rất rộng: từ chủ nghĩa đế quốc ở Trung quốc, 3K(??) ở Mỹ, thiên đường Liên xô đến sự cùng khổ của nhân dân Đông dương. Cùng với các bạn Trung quốc tại trường Stalin, Quốc viết một cuốn sách nhỏ: “Trung quốc và thanh niên Trung quốc” xuất bản bằng cả tiếng Nga, Trung và Anh. Tác phẩm nổi tiếng nhất của Quốc trong thời kỳ ở Nga, và có lẽ trong cả cuộc đời là cuốn “Bản án chế độ thực dân Pháp”, được xuất bản ở Paris năm 1926 (NXB Lao động). Tác phẩm chủ yếu đả kích chế độ thực dân Pháp tại Đông dương, tuy cũng có vài dẫn chứng khác tới các thuộc địa châu Phi. Tuy nhiên cách hành văn dông dài cũng như trình bày cẩu thả làm có nhà nghiên cứu cho rằng, có lẽ ai đó đã mượn tên Quốc để xuất bản. Tuy nhiên nếu xét kỹ giọng điệu và văn phong, có vẻ như vẫn là Quốc. Chắc chắn là cuốn sách đã được ra đời một cách vội vàng.

Một điều dễ nhận thấy trong các bài viết của Quốc là niềm tin “ngây thơ” với Liên xô và đặc biệt là tình cảm với Lênin. Có lẽ thất vọng lớn nhất trong đời Q là không được gặp Lenin. Năm 1923, khi được hỏi mục đích đến Liên xô, Quốc đã trả lời: để gặp Lenin. Rất tiếc tháng Giêng năm 1924, Lenin qua đời. Giovani Germanetto, một người quen Italia của Q kể lại:

“Matxcova, tháng giêng 1924, lạnh buốt, nhiệt độ xuống dưới -40. Lenin mất mấy ngày trước đó. Có tiếng gõ nhẹ vào cửa phòng chúng tôi ở khách sạn Lux. Một người thanh niên châu Á mảnh dẻ bước vào tự giới thiệu là Nguyễn Ái Quốc . Anh nói muốn đi tiễn đưa Lenin. Tôi khuyên anh nên ở nhà đợi thêm một chút vì thấy anh ta ăn mặc rất mỏng manh. Chúng tôi uống chè rồi Quốc về phòng mình.

Quãng 10h đêm lại thấy có tiếng gõ cửa. Vẫn đồng chí Quốc. Mặt, tay, mũi, tai tím ngắt vì lạnh. Anh lập cập nói đã đến thăm Lenin. Anh không thể đợi được đến ngày mai để viếng người bạn tốt nhất của các dân tộc bị áp bức trên thế giới... . Cuối cùng anh xin chúng tôi một chén trà nóng”

Theo Yevgeny Kobelev, sau khi dự đám tang Lenin, Quốc đã giam mình vào trong phòng và viết: “Người là cha, anh, thầy, đồng chí và cố vấn của chúng ta. Người là ngôi sao dẫn đường cho các dân tộc bị áp bức. Người sẽ sống mãi trong hành động của chúng ta”

Tuy nhiên nếu để ý đến những chi tiết nhỏ nhặt, dễ nhận thấy là không phải cái gì tại nước Nga xôviết cũng làm Quốc dễ chịu. Tháng 12/2003, người ta phân cho Quốc vào 1 buồng của khách sạn Lux với 4-5 anh bạn nữa. Và có vẻ mấy anh này không phải là những người đồng phòng dễ chịu. Tháng 3, Quốc viết thư kêu cứu: “ban ngày tôi không ngủ được vì ồn, ban đêm tôi không ngủ được vì rận/rệp”. Cuối cùng Quốc được chuyển sang một phòng khác.

Về chiến lược đường lối cách mạng, cũng chẳng phải mọi thứ đều suôn sẻ. Từ khi đặt chân đến Nga, Quốc liên tục thả bom xuống những người bạn có thế lực của mình về các vấn đề thuộc địa. Trong một bức thư viết tháng 2/1924 cho người bạn tại Trung ương QTCS (chắc là Manuilsky), Quốc cảm ơn bạn đã nêu vấn đề thuộc địa tại hội nghị của FCP - Đảng Cộng Sản Pháp ở Lyon. Cũng ngày đó, Quốc viết thư cho Tổng thư ký QTCS Grygori Zinoviev đòi được gặp mặt thảo luận về vấn đề thuộc địa. Không được trả lời, Quốc viết lá thư thứ hai kêu ca là tại sao không trả lời lá thư thứ nhất. Zinoviev quyết định lờ đi. Chẳng biết Quốc định thảo luận gì với Zinoviev, nhưng tháng Tư, Quốc công bố bài báo: “Đông dương và Thái bình dương” trong tạp chí Inprecor. Ông tuyên bố giai cấp vô sản châu Âu thực là ngây thơ khi cho rằng các vấn đề châu Á chẳng liên quan gì đến họ. Sự bóc lột các thuộc địa không những đang làm giàu cho các nhà tư bản và các chính trị gia vô liêm sỉ mà còn dẫn đến hiểm hoạ chiến tranh đế quốc. Khi đó thì công nhân châu Á và Đông dương chết, giai cấp vô sản châu Âu cũng bị hiểm hoạ. Tầm quan trọng của “vấn đề phương Đông” đã được Roy nêu lên từ Đại hội 2 năm 1920 nhưng bị các đồng chí châu Âu gạt đi. Họ cho rằng, trước hết các Đảng châu Âu phải dành được chính quyền trước. Các đồng chí châu Á cứ đợi đã!

Thoạt đầu quan điểm châu Á được sự ủng hộ từ các cấp cao nhất: Lenin và cả Stalin. Tuy nhiên sau khi Lenin chết đi, Stalin chuyển trọng tâm sang đấu đá để dành quyền lực tại Moscow. Zinoviev tìm cách lảng tránh. Maring bỏ QTCS chạy lấy người, thậm chí Manuilsky, vì thiếu các thông tin thực tế, đành tập trung vào các điều kiện tại Balkans. Vai trò của nông dân còn thấp kém nữa. Thậm chí Bukharin còn chế nhạo Thomas Dombal là: “Một người nông dân hão huyền”. Nguyễn Ái Quốc không chịu đầu hàng, phát biểu tại hội nghị Quốc tế nông dân tháng 6/1924. Tuy nhiên ông cũng phải thừa nhận với một người bạn đó chỉ là: “tiếng kêu cứu giữa hoang mạc”.

Đại hội lần thứ 5 của QTCS tại Matxcova vào ngày 17 tháng 6 năm 1924 là cơ hội tuyệt vời để Nguyễn Ái Quốc chiếm lĩnh diễn đàn về vấn đề thuộc địa. Đó cũng là mục tiêu của chuyến đi Nga của ông theo lời mời của Manuilsky. Vì lúc đó chưa có đảng cộng sản tại Đông dương, Quốc nằm trong thành phần của FCP - Đảng cộng sản Pháp . Hơn 500 đại biểu từ khoảng 50 nước tham dự.

Mặc dù chương trình nghị sự có hẳn một phiên họp về vấn đề thuộc địa và các dân tộc ngoài Nga, các thủ lĩnh của CPSU- Đảng CS Liên Xô đang bù đầu với cuộc đấu đá giữa Stalin và Trotsky, bởi thế các đồng chí châu Á cũng chẳng được quan tâm lắm. Ngay tại phiên họp đầu tiên, Quốc đã làm cho mọi người chú ý. Khi đại biểu Koralov đang đọc dự thảo nghị quyết để công bố, Quốc đã đứng lên hỏi: "liệu văn kiện này có nhắm tới nhân dân các nước thuộc địa không ?". Koralov bực tức trả lời, đã có phiên họp riêng về vấn địa thuộc địa, cần gì phải bàn ở đây. Quốc không chịu và yêu cầu đại hội phải đề gửi nhân dân các nước thuộc địa trong tất cả các văn kiện của mình. Ngày 23/6, đến phiên Quốc phát biểu. Người thanh niên Việt nam mảnh dẻ dõng dạc tuyên bố: "Tôi ở đây để nhắc nhở QTCS về sự tồn tại của các thuộc địa. Có vẻ như các đồng chí không chịu hiểu rằng, số phận của giai cấp vô sản thế giới, đặc biệt giai cấp vô sản ở các nước thực dân gắn chặt với số phận của các dân tộc bị áp bức ở thuộc địa. Thuộc địa chứa đựng hiểm hoạ cũng như tương lai của cuộc cách mạng thế giới. Tôi nghe bài phát biểu hùng hồn của nhiều đồng chí ở mẫu quốc, nhưng xin lỗi, các đồng chí định giết con rắn bằng cách dẫm lên đuôi nó. Chúng ta đều biết là sức mạnh và nọc độc của con rắn đế quốc nằm nhiều ở thuộc địa hơn ở mẫu quốc. Thuộc địa cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp, binh lính cho chiến tranh. Trong tương lai thuộc địa sẽ là thành trì của phản cách mạng. Nếu muốn phá vở một vật gì đó, các đồng chí đủ thông minh để chọn công cụ thích hợp. Đập trứng thì cần thìa, đập đá cần rìu. Vậy sao các đồng chí lại không muốn sức mạnh, sự tuyên truyền của cách mạng tương xứng với kẻ thù. Trong khi các đồng chí lờ đi các thuộc địa, chủ nghĩa tư bản dùng thuộc địa để hỗ trợ, bảo vệ và đánh lại các đồng chí. "

Ngày 1/7, Quốc phát biểu lần nữa, tiếp sau sự chỉ trích của Manuilsky đối với một số đảng cộng sản châu Âu về vấn đề thuộc địa. Quốc trực tiếp chỉ ra sự yếu kém của FCP - Đảng Xã Hội Pháp và đảng cộng sản Anh, Hà lan và đưa ra một loạt các biện pháp cải thiện tình hình. Mặc dù chưa dám khẳng định nông dân sẽ đóng vai trò chủ đạo trong cuộc cách mạnh sắp tới, Quốc cũng nhấn mạnh vai trò của họ: "Nạn đói đang hoành hành trên tất cả các thuộc địa Pháp. Nông dân căm thù và sẵn sàng nổi dậy. Nhưng họ không có tổ chức và lãnh đạo. QTCS cần phải giúp họ đứng lên tự giải phóng mình. "

Với những bài phát biểu sắc bén của mình, Nguyễn Ái Quốc đã trở thành một nhân vật gây chú ý với giới lãnh đạo QTCS. Chân dung của Quốc do hoạ sĩ Nga Kropchenko N.I. vẽ xuất hiện trên Báo Công nhân Nga số cuối tháng Bảy. Báo Pravda chạy một tiêu đề giật gân: “Từ lời nói đến hành động - Diễn văn của đại biểu Đông dương Nguyễn Ái Quốc ”. Tuy nhiên, chẳng ai ngờ được, chẳng bao lâu sau quan điểm coi trọng nông dân trong cách mạng châu á sẽ bị coi la dị giáo và sẽ bị Matxcova trừng phạt.


Không hiểu có phải vì những lời phê phán của Quốc mà lãnh đạo QTCS đã chú ý đến việc tuyển mộ nhiều nhà cách mạng trẻ từ châu Á đưa sang Nga để đào tạo. Trong những năm sau đó, chỉ riêng từ Việt nam đã có hơn 100 học viên. Nhóm học viên Việt nam đầu tiên đến qua đường Pháp vào khoảng giữa năm 1925. FCP- Đảng cộng sản Pháp cũng lẳng lặng sửa sai bằng cách thành lập Uỷ ban thuộc địa do Jacques Doriot lãnh đạo. FCP còn tổ chức một trường đào tạo ở ngoại ô Paris dành cho các học viên từ các nước thuộc địa trước khi chuyển tiếp sang trường Stalin ở Nga. Một trong 8 học viên đầu tiên của trường này là người Việt nam.

Với sự xuất hiện tại Đại hội V của QTCS, Quốc đã chấm dứt giai đoạn “tập sự”, chính thức trở thành nhà lãnh đạo cách mạng châu Á, người phát ngôn cho các vấn đề phương Đông và nông dân. Quốc cảm thấy đã hoàn tất công việc của mình tại Moscow, sẵn sàng trở về châu Á để bắt tay xây dựng phong trào. Đó cũng là mục đích chính của Quốc khi rời nước Pháp. Trong lá thư của mình gửi Uỷ ban TW của QTCS năm 1924, Quốc viết:

Khi tôi đến Matxcova tôi nghĩ sẽ chỉ ơ đây 3 tháng trước khi sang TQ để liên lạc với đất nước tôi. Bây giờ đã là tháng thứ 9 và tôi vẫn chờ đợi trong vô vọng. Tôi không hề có ý định đưa ra các luận điểm về sự tồn tại hay không tồn tại của các tổ chức công nhân, của các phong trào dân tộc chủ nghĩa hay của những hội nhóm bí mật nào đó. Chúng ta cần nghiên cứu tình hình một cách nghiêm túc và nếu ở đó chưa có gì thì phải THÀNH LẬP MỘT CÁI GÌ ĐÓ.

Chuyến đi của tôi sẽ phải có các nhiệm vụ sau:
- Tạo mối liên lạc giữa Đông dương và QTCS
- Nghiên cứu tình hình kính tế chính trị xã hội tại thuộc địa
- Liên lạc với các tổ chức đã có sẵn
- Tạo cơ sở thông tin và tuyên truyền

Làm thế nào để có thể hoàn thành những nhiệm vụ đó? Trước hết là phải đi Trung quốc. Sau đó thì phải làm bất cứ việc gì mà tình hình yêu cầu. Cần bao nhiêu tiền? Tôi đã trao đổi với các đồng chí Trung quốc, chắc là khoảng US100/tháng (chưa tính thuế), không kể chi phí chuyến đi sang TQ. Tôi nghĩ là chúng ta đã có đủ thông tin căn bản để thảo luận.

Nỗi khát khao được trở về của Quốc được sự ủng hộ của Dalin, đặc vụ của QTCS nằm trong phái đoàn của Borodin trợ giúp Tôn Trung sơn tổ chức lại Quốc Dân Đảng theo đường lối Lenin. Khi về Matxcova Dalin cũng ở khách sạn Lux và có nhiều dịp nói chuyện với Quốc. Tháng Tư năm 1924, sau khi tháp tùng đoàn đại biểu Trung Quốc từ Yakutsk về Matxcova, Quốc được mời lên phòng làm việc của Manuilsky. “Thế nào, anh bạn trẻ? Anh có sẵn sàng chiến đấu không?” Manuilsky đồng ý cử Quốc về Quảng đông với điều kiện Quốc phải hỗ trợ các dân tộc khác trong vùng. Chẳng bao lâu sau, Quốc được cử làm thành viên Ban bí thư Viễn đông (Dalburo) của QTCS. Tuy nhiên bộ máy quan liêu đã làm cản trở chuyến đi của anh vì không tìm được công việc thích hợp. Bực mình Quốc đề nghị chỉ cần chi trả tiền vé, anh sẽ tự lao động để kiếm sống. Cuối cùng, ngày 25/9, Dalburo quyết định: “Đồng chí Nguyễn Ái Quốc sẽ đi Quảng châu”

Quốc đã thuyết phục được QTCS cử về quê hương với cái giá khá đắt Vì không có vị trí chính thức, anh phải sống một cách bất hợp pháp trong thành phố đầy rẫy những mật vụ Anh, Pháp. Quốc còn phải tự kiếm sống trong một đất nước mà anh chưa bao giờ đến. (Trước khi đi anh đã tranh thủ nhận nhiệm vụ với hãng tin ROSTA thỉnh thoảng gửi bài từ Trung Quốc về kiếm thêm tí chút)

Quốc rời Matxcova một ngày tháng 10 trên chuyến tàu xuyên Xiberi khởi hành từ ga Yaroslavskii, sau khi đã nhờ Dombal thông báo với mọi người là bị ốm. Quốc còn viết một lá thư gửi cho một người bạn Pháp thông báo anh không được phép đi Đông dương, bởi thế sẽ quay về Pháp. Quốc ở lại Vladivostock vài ngày rồi lên một con tàu Xoviet. Tàu cập bến Quảng châu ngày 11/11/1924 .


4. Con Rồng Cháu Tiên


Châu Á năm 1924 đã khác xa so với thời Quốc ra đi năm 1911. Mặc dù Thế chiến thứ Nhất không phá vỡ hệ thống thuộc địa tại Nam và Đông Nam á, Trung quốc đã thay đổi sâu sắc. Mùa thu năm 1911, một cuộc cách mạng đã phá vỡ triều đình Bắc Kinh. Những người nông dân của Tôn Dật Tiên đã nổi dậy lật đổ nhà Thanh nhưng đã không qua mặt được Viên Thế Khải. Tháng 2/1912 Tôn Dật Tiên đã buộc phải nhường chức tổng thống của nước cộng hoà mới thành lập cho Viên Thế Khải với trụ sở tại Bắc kinh. Viên Thế Khải thực chất muốn trở thành hoàng đế. Tuy nhiên đảng viên của Tôn, chiếm gần nửa trong nghị viện đã không cho Viên thực hiện điều này. Tháng Giêng năm 1914, Viên giải tán quốc hội và điều hành bằng sắc lệnh. Đảng của Tôn bị đặt ra ngoài vòng pháp luật. Tôn phải chạy ra nước ngoài. Năm 1916, Viên đột ngột qua đời. Trung Hoa rơi vào vòng loạn đả của các thủ lĩnh địa phương. Mặc dù chính quyền vẫn còn tồn tại một cách mong manh tại Bắc kinh, nhưng men xã hội đã tích luỹ khắp nơi. Tháng 1/1919, sinh viên nổi dậy tại Bắc Kinh và các thành phố lớn. Cũng năm đó, Tôn đổi tên đảng thành Quốc dân Đảng, hùng cứ tại Quảng Châu (dưới sự bảo trợ của một thủ lĩnh địa phương). Tháng 4/1921, Tôn tuyên bố thành lập nước cộng hoà mới và tự phong làm tổng thống.

Tại Nga, sau khi tạm yên tình hình trong nước, năm 1920, đảng bộ Viễn đông được thành lập tại Iakurst để lãnh đạo phong trào cộng sản vùng Viễn đông-Thái Bình dương. Grigorin Voitinsky được cử sang Trung Quốc. Sau khi ở BK một thời gian ngắn, ông sang Thượng hải và bắt đầu tụ tập các lực lượng cách mạng trong vùng. Mùa hè năm 1922, Đảng cộng sản Trung Quốc được thành lập tại Thượng hải. Maring (đảng viên cộng sản người Hà lan), người được cử thay Vointinsky phụ trách Quốc tế cộng sản tại Trung Quốc đã rất kiên quyết yêu cầu ĐCS Trung Quốc kết hợp với Quốc dân Đảng. Tháng giêng 1923, hai đảng ký thoả thuận Nội Liên (bloc within) để thành lập mặt trận thống nhất Trung Quốc dưới sự hỗ trợ của Nga. Các đảng viên ĐCS Trung Quốc được mời tham dự Quốc dân Đảng

Tại Đông Dương, tình hình cũng thay đổi nhanh chóng, mặc dù có thể không nhanh như bên Trung Hoa. Dân số ở cả 3 miền tăng từ 7 triệu năm 1880 đến 16 triệu năm 1926 (Tokin: 6, Annam: 5 và khoảng hơn 4 triệu tại Cochin China). Mặc dù vẫn là đất nước nông nghiệp nặng nề, đến giữa những năm 20 đã có khoảng 1 triệu dân sống ở các đô thị, chủ yếu là Hà nội và Sài gòn.
Phong trào đấu tranh giành độc lập cho Việt nam đã hầu như suy sụp. Những nhà cải lương phải im tiếng sau khi Phan Chu Trinh bị bắt và đày sang Pháp. Phan Bội Châu khởi đầu khá ấn tượng, lôi kéo được sự hỗ trợ của nhiều nhà yêu nước xuất chúng, cũng dần dần héo hắt sau mấy cuộc khởi nghĩa vội vàng thất bại, đặc biệt sau khi Phan Bội Châu bị bắt ở Nam Trung quốc.

Năm 1911, nghe tin cuộc cách mạng của Tôn Trung Sơn, Phan Bội Châu đã từ bỏ ý định phục hồi chế độ quân chủ, lập ra đảng mới: Việt nam Quang phục Hội. Mục tiêu của Châu là xây dựng mô hình nước cộng hoà kiểu Tôn. Năm 1912, Châu gặp Tôn và được hứa Việt nam sẽ là nước đầu tiên được giúp đỡ một khi cách mạng thành công tại Trung hoa. Đáng tiếc sau đó, Châu bị mấy thủ lĩnh địa phương tống giam vì các hoạt động lật đổ. Năm 1917, khi Châu ra tù, Quốc dân đảng đã bị mất quyền, Tôn thì đã chạy sang Nhật bản. Một lần nữa hy vọng vào sự trợ giúp của nước ngoài bị tan vỡ. Có vẻ như Châu đã hoàn toàn mất hết kiên nhẫn, ông thậm chí còn đề nghị hợp tác với Pháp, hy vọng vào sự cải cách của chế độ thực dân. Đầu những năm 20, bộ máy cách mạng của Châu tại Việt nam thực tế đã tan vỡ. Châu ra sống lưu vong tại Nam Trung hoa với một số những môn đệ gần gũi nhất. Thời kỹ Phan Bội Châu rõ ràng đã đến hồi kết thúc.

Hai Phan thất bại đã cho thấy một sự thay đổi lớn lao trong xã hội Việt nam. Tầng lớp quý tộc-học giả truyền thống, những người đã chi phối nền chính trị Việt nam hàng thế kỷ qua, đã mất dần ảnh hưởng. Mặc dù nhiều học giả đã nhận thức được sự thay đổi của thời cuộc và vai trò ngày càng tăng của quần chúng, như một giai cấp, họ không cảm thấy tự tin. Phan Bội Châu nhắc nhiều đến hình ảnh: “hàng chục nghìn anh hùng vô danh, đánh đuổi thực dân Pháp”, nhưng đảng viên của ông chỉ gồm toàn những học giả với đời sống khá giả. Mặc dù cương lĩnh của đảng là cổ vũ thương mại và công nghiệp, thành phần lãnh đạo đảng lại chủ yếu là các địa chủ. Những nhà quý tộc giàu có khăn áo thướt tha mở cửa hàng để quyên vốn cho đảng, thực chất coi khách hàng bằng nửa con mắt.

Khoảng cuối chiến tranh thế giới thứ nhất, chế độ thi cử kiểu Khổng tử bị bãi bỏ trên khắp Việt nam. Chữ quốc ngữ được phổ biến ở khắp 3 miền. Mặc dù đa số thanh niên vẫn phải học ở các thầy đồ làng truyền thống, con cháu của các quý tộc đã được gửi đi học tại các trường kiểu Pháp như Quốc học. Họ được dạy bằng tiếng Pháp và được tiếp tục đưa sang Pháp đào tạo. Cùng lúc đó, một tầng lớp trung lưu mới được hình thành. Họ là những nhà buôn, chủ hãng hoặc công chức trong các công sở của người châu Âu. Họ ngưỡng mộ lòng yêu nước của Phan và các bạn, nhưng trong lòng họ giễu cợt các quan điểm bảo thủ. Họ mặc đồ Tây, uống vang Bordeaux và nói tiếng Pháp. Nhà văn Pháp Paul Monet miêu tả họ như: “nguyên mẫu của nền văn minh Pháp, bị tách khỏi những tín ngưỡng truyền thống, hoàn toàn coi thường Khổng tử vì họ không hiểu”. Các quan chức thuộc địa Pháp vui mừng vì có những thành quả đầu tiên của quá trình văn minh hoá. Họ không hề ngờ rằng, chính thế hệ này mới là những người thách thức sự thống trị của họ.

Những hành động bất nhất của nhà cai trị Pháp vô tình lại tăng thêm nỗi thất vọng của dân Việt. Năm 1919, toàn quyền Albert Sarraut hứa hẹn: “sẽ coi những con dân của mình như người anh em và dần dần phục hồi toàn bộ nhân quyền”. Ngay cả Nguyến Ái Quốc khi đó đang ở Paris, cũng không khỏi khấp khởi một chút hy vọng mong manh về đất nước đã sản sinh ra khẩu hiệu: “Tự do, Bình đẳng, Bác ái”. Tuy nhiên sau khi Albert Sarraut được thăng chức đưa về cố quốc, chẳng ai hơi đâu nhớ đến những lời hứa đó nữa. Hệ thống trường học thiếu tiền, cả nước chỉ có khoảng 5000 học sinh trung học. Nếu trước đây trong chế độ phong kiến, có đến 25% dân số có khả năng giải mã được trên những ký tự ngoằn ngoèo của chữ Hán, thì sau chiến tranh thế giới thứ nhất, tỷ lệ biết chữ (kể cả quốc ngữ hay chữ Hán) chỉ vào khoảng 5%. Những thống kê này đặt một dấu chấm hỏi to đùng lên “Sứ mệnh mang lại nền văn minh” của thực dân Pháp. Mặc dù không ít người Việt nam đã cống hiến cho mẫu quốc trong thế chiến thứ Nhất, họ vẫn không bộ máy thực dân công nhận ngay tại nước mình. 10000 viên chức Pháp được trả lương cao gấp nhiều lần đồng nghiệp Việt nam. Đại đa số trong hơn 40000 người châu Âu, nhiều người đến Việt nam “trên răng, dưới dép”, nay khá giả nhìn dân bản địa không khác gì một con chó. Chính quyền độc quyền sản xuất muối, thuốc phiện và rượu bán cho dân với giá cắt cổ. Hơn 500 ngàn nông dân không ruộng đất, phải cày thuê cuốc mướn, nộp tô đôi khi tới 50% mùa màng cho khoảng 5 vạn địa chủ. Georges Garros, trong cuốn sách xuất bản giữa thập kỷ Forceries humaines lạnh lùng nhận xét: người Pháp mà rơi vào hoàn cảnh ấy, chắc chắn sẽ làm cách mạng. Về phần mình, trong cuộc trả lời phỏng vấn Ossip Mandelstam năm 1923 tại Moscow, Nguyến Ái Quốc miêu tả Việt nam như một dân tộc: “bị đẩy vào địa ngục”.

Một lớp các nhà hoạt động chính trị mới ra đời khoảng giữa những năm 20 là con đẻ của tâm trạng vỡ mộng của xã hội. Họ được đào tạo theo hệ thống trường Tây, ngưỡng mộ văn hóa Tây, đọc sách báo Tây nhưng phẫn nộ vì sự bất công mà nhà cầm quyền Pháp áp đặt cho đồng bào của mình. Họ đòi hỏi: “Tự do, Bình đẳng, Bác ái” cho dân tộc mình. Những hạt giống phản kháng đầu tiên nảy mầm ở Sài gòn nơi khoảng cách giàu nghèo, bản xứ và ngoại quốc rõ rệt nhất. Sài gòn cũng là nơi tập trung nhiều ngoại kiều và công
nhân nhất do sự phát triển kinh tế nhanh chóng. Người đầu tiên là nhà địa chủ Bùi Quang Chiêu, người mà Nguyến Ái Quốc đã từng gặp trong chuyến xuất ngoại đầu tiên của mình. Ông ra tờ báo La Tribune Indigene và thành lập Đảng Hiến pháp, đảng chính trị đầu tiên ở Đông dương. Mặc dù Chiêu và các đồng sự gây sức ép đòi Pháp cho người Việt nam nhiều quyền hơn nữa trong đời sống chính trị, mục tiêu của các ông là giảm sự thống trị của Hoa kiều trong lĩnh vực kinh tế.

Người mà người Pháp sợ hơn là Nguyễn An Ninh. Ông này là con của một nhà nho Nam bộ, có liên quan đến Trường Tự do Hà nội, sau đó tham gia vào phong trào kháng chiến của Phan Bội Châu. Ninh tốt nghiệp luật ở Paris, đã từng gặp Nguyến Ái Quốc và tỏ ra rất ham thích chính trị. Về nước đầu những năm 20, Ninh ra báo: La Cloche Felee (Tiếng chuông rè) để kêu gọi tinh thần yêu nước của dân chúng và đòi cải cách chính trị. Cũng như Phan Chu Trinh, Ninh ngưỡng mộ văn hoá phương Tây và coi đó là sự bù đắp cho nền Nho giáo kìm hãm sự sáng tạo của con người. Theo ông đó là nguyên nhân mà ta mất nước. Ông kêu gọi khởi xướng một nền văn hoá mới, không bị ảnh hưởng bởi những tư tưởng du nhập của Khổng tử và Lão tử. Cũng như Mahamat Ghandi, Ninh cho rằng giải pháp nằm trong vấn đề tinh thần và chỉ có thể tìm thấy trong nhân dân. Ảnh hưởng của Ninh mạnh đến nỗi đại sứ Maurice Cognacq phải mời lên thẩm vấn. Ngài đại sứ thông báo là các hoạt động của Ninh đã bị theo dõi chặt chẽ và Ninh phải thôi ngay, nếu không ngài sẽ buộc phải có những hành động không hay. Ngài còn châm biếm, dân Việt còn ngu lắm, làm sao hiểu được những điều ông phát biểu, tốt hết là ông hãy đến Moscow. Ninh bỏ ngoài tai và vẫn tiếp tục hoạt động.

Khi Nguyễn Ái Quốc đến Quảng đông tháng 11/1924, thành phố đang náo động vì hàng ngàn người đổ ra bờ sông để bày tỏ sự ủng hộ đối với chính quyền Tôn Trung Sơn và tiễn tổng thống đi Bắc kinh. Từ tháng giêng năm 1923, theo sự thoả thuận với Maring mật vụ của Quốc Tế Cộng Sản,Tôn thi hành chính sách: Nội liên, đưa một số Đảng viên CS Trung Quốc vào những vị trí quan trọng của Quốc dân đảng. Sau khi đại diện của Quốc Tế Cộng Sản- Mikhail Borodin đến Quảng đông, Quốc dân đảng được tái cơ cấu theo đường lối của Lê nin. Học viện quân sự Hoàng phố được mở ra để đào tạo các sĩ quan trẻ cho cách mạng. Tưởng Giới Thạch, cánh tay phải của Tôn được bổ nhiệm làm Giám đốc, Chu Ân Lai làm chính uỷ học viện.

Quyết định của Tôn nghiêng về nước Nga xô viết và hợp tác với Đảng CS Trung Quốc làm cho giới ngoại giao và thương mại phương tây ở Quảng đông sôi máu. Mùa hè năm 1924, chính quyền Anh ra lệnh đàn áp các cuộc biểu tình của công nhân trên Đảo Sa điện. Đáp lại, công nhân công bố tổng bãi công. Chính phủ Tôn cử quân đội đến ủng hộ các công nhân bãi công. Hội Công thương Quảng đông (chủ yếu gồm các thương gia phương Tây) thành lập các đội du kích vũ trang để bảo vệ cộng đồng phương tây. Đã xảy ra các cuộc đụng độ giữa họ và quân đội chính phủ. Tình hình bắc Trung quốc cũng thay đổi nhanh chóng. “Tướng Thiên chúa” Phương Du Tường lật đổ Vu Bắc Phú ở Bắc kinh. Phương có cái nhìn thiện cảm với chế độ của Tôn và mời Tôn lên Bắc kinh đàm đạo. Tôn đồng ý.

Mặc dù không được giao nhiệm vụ rõ ràng, vừa đến Quảng châu, Nguyễn Ái Quốc đã ngay lập tức bắt liên lạc với Borodin và được ông này mời đến ở cùng với mình tại Bao công Quán, một biệt thự ngay cạnh cơ quan trung ương của Quốc dân đảng. Tầng 1 là văn phòng của 20 nhân viên phái bộ QTCS. Tầng 2, Quốc và Borodin ở. Cả hai đã từng gặp nhau ở Moscow, cùng nói được tiếng Anh (Borodin đã ở Chicago) và cùng chia sẻ mục tiêu thúc đẩy cách mạng ở châu á. Vì thế nên họ nói chuyện rất tâm đầu ý hợp. Để che mắt mật thám Pháp, Nguyễn Ái Quốc lấy tên là Lý Thuỵ. Chỉ có Borodin và vợ biết được danh tính của Nguyễn Ái Quốc. Quốc được phân vào phân xã của cơ quan thông tấn Xô viết ROSTA. Trong các bài viết về Moscow, Quốc thường ký tên Nilovskii. Thỉnh thoảng Quốc còn làm việc phiên dịch hoặc đại diện cho Quốc tế nông dân. Tuy nhiên, mục đích chính của chuyến trở về của Nguyễn Ái Quốc là xây dựng hạt nhân cho một đảng mới theo kiểu Lenin, từ đó tìm cách đưa phong trào cách mạng Việt nam vào tổ chức, theo ý chỉ của mình.

Sự hiểu biết của các nhà cách mạng Việt nam lúc đó về chủ nghĩa Max và cuộc cách mạng Nga lúc đó hết sức đơn giản. Một nhà dân tuý nói: “Chúng tôi không theo chủ nghĩa cộng sản, chúng tôi theo những người cộng sản, bởi vì họ hứa sẽ mang lại quyền tự quyết cho các dân tộc. Chúng tôi chờ đợi họ như những vị cứu tinh.” Có người còn ngây thơ: “Nếu phương Tây căm thù người Nga và những người cộng sản, họ phải là những người tốt.”.Nguyễn Ái Quốc không hề có một ảo tưởng nào. Từ năm 1922, trong một bài báo viết tại Paris, ông nhận xét, đa số nhân dân tại thuộc địa hiểu Bolsevism là: “Đạp đổ tất cả hoặc tẩy chay nước ngoài. Cả hai cách hiểu đều nguy hiểm”. Quần chúng “đã sẵn sàng nổi dậy, nhưng họ không biết bắt đầu như thế nào”. Việc xây dựng một đảng đại diện cho các tư tưởng Max và Lenin nhưng lại đáp ứng được khát vọng: độc lập dân tộc của đông đảo quần chúng, là một việc cấp bách nhưng vô cùng khó khăn.

Người Việt nam nổi tiếng nhất ở Trung Quốc khi đó là Phan Bội Châu. Sau khi ra tù vào năm 1917, Châu đã có một thời ve vãn ý tưởng dàn xếp với Pháp nhưng nhanh chóng vỡ mộng. Ông xoay sang dưỡng lão tại Hàng Châu ở nhà của đệ tử có tên là Hồ Học Lâm. Tuy đã 55 tuổi, lại chẳng có cơ sở nào ở trong nước, nhưng hình ảnh một nhà cách mạng lão thành quắc thước với bộ râu quai nón và cặp kính trắng lạnh lùng vẫn có sức hấp dẫn lớp trẻ. Khoảng đầu những năm 20, một nhóm các thanh niên trí thức Việt nam do Lê Hồng Phong, Lê Văn Phan (sau này gọi là Lê Hồng Sơn), Lê Quang Đạt và Trương Văn Lệnh dẫn đầu đã vượt biên sang nhận Châu làm sư phụ. Một điều thú vị là nhóm này hầu như đều đến từ Nghệ an và sau đều trở thành nòng cốt của tổ chức cách mạng do Quốc thành lập. Nhóm thanh niên kích động này nhanh chóng cảm thấy tù túng với tổ chức của Châu. 8 tháng trước khi Quốc tới Quảng châu, tháng 3/1924, họ tách ra thành lập tổ chức mới lấy tên là Tâm Tâm Xã. Nóng nảy và dễ kích động, họ cho rằng mọi thứ lý thuyết đều vớ vẩn, họ theo đuổi đường lối của Auguste Blanqui ở châu Âu thế kỷ 19, người đã kích động khởi nghĩa tại Pháp, Italia và Tây ban nha. Mục tiêu của tổ chức là tuyên truyền và khủng bố để châm ngòi cho việc lật đổ chế độ cai trị của Pháp.

Người đỡ đầu cho tổ chức là Lâm Đức Thụ. Ông này tuy đã 36 tuổi và giàu có nhờ lấy một bà vợ giàu, nhưng sinh ra trong một gia đình chống Pháp, lại có tiền và quan hệ rộng rãi nên rất có uy tín. Trụ sở của Tâm Tâm Xã đóng ngay tại hiệu thuốc của vợ chồng Thụ tại Da Trường, một phố nhỏ gần trụ sở QTCS. Một trong những phi vụ đầu tiên của nhóm là đánh bom toàn quyền Đông dương Martial Merlin khi tay này đến thăm Quảng đông tháng 6/1924. Đáng ra chàng thanh niên ngăm đen đẹp trai Lê Hồng Sơn sẽ xử lý vụ này, tuy nhiên anh này với biệt danh “Hit man” quá quen mặt với cảnh sát. Phạm Hồng Thái, một chàng trai mới lò dò từ Đông dương sang được giao nhiệm vụ thay thế. Anh này là con một viên quan đã từng tham gia phong trào Cần vương ở Nghệ An, được tiêm nhiễm tư tưởng cách mạng trong thời gian học tại trường Pháp ở Hà nội. Sau một thời gian làm thợ cơ khí ở ga ra, rồi thợ mỏ, Thái cùng các bạn là Lê Hồng Phong và Hồ Tùng Mậu chuồn sang Trung Quốc.

Tối 19/6, khách sạn Victoria trên đảo Sa điện ồn ào những lời chúc tụng nhân đại tiệc chúc mừng toàn quyền Pháp. Đúng 8:30, khi món súp đang được dọn ra thì một tiếng nổ đinh tai nhức óc đã biến bàn tiệc thành một địa ngục. Năm thực khách chết ngay tại chỗ, hàng chục người khác bị thương nằm la liệt. Trên đường trốn chạy, Thái nhảy xuống sông và chết đuối trên sông Châu Giang. Thoát chết trong gang tấc, Merlin rời Quảng châu ngay hôm sau trong khi đám tang người liệt sĩ trẻ được tổ chức trọng thể. Đây là vụ ám sát một quan chức cao cấp châu Âu đầu tiên ở châu Á. Tiếng bom Sa điện đã gây một cú sốc lớn trong cộng đồng người Pháp và tôn Phạm Hồng Thái lên vị trí “tử vì đạo”. Chính quyền Tôn Trung Sơn quyết định dựng bia tưởng niệm. Phan Bội Châu thì tranh thủ vụ việc để “đánh bóng” lại hình ảnh của mình. Ông này viết một bài tiểu sử về Thái như một cộng sự trong tổ chức của ông.Tháng 7/1924, trong chuyến đi dự lễ khai trương bia tưởng niệm Thái, Châu đã trao đổi với một số đệ tử về việc thay Quang Phục Hội bằng Việt nam Quốc dân đảng, theo mô hình đảng của Tôn. Châu trở về Hàng châu tháng 9/1924.

Mặc dù Merlin thoát hiểm nhờ có một thực khách có hình dạng giống ngài toàn quyền một cách kỳ lạ (vị này chết ngay tại chỗ), nhưng vẫn có những nghi ngờ về kẻ phản bội ở trong hàng ngũ. Một thành viên của Tâm Tâm Xã, Lê Quang Đạt, đã công khai đặt vấn đề về vai trò của Lâm Đức Thụ vì những mối quan hệ của ông này với Pháp. Tuy nhiên Lê Hồng Sơn đã gạt đi, và Thụ vẫn tiếp tục cộng tác với tổ chức

Năm tháng sau vụ đánh bom, Nguyễn Ái Quốc đến Quảng châu. Nhưng chỉ ngày hôm sau, ông đã tiếp cận các thành viên Tâm Tâm Xã trong vai một nhà báo Trung quốc họ Vương. Những hành vi cấp tiến của họ làm Quốc rất khoái. Việc đầu óc họ còn trong trắng về lý thuyết càng thuận tiện cho việc tuyên truyền những tư tưởng Max-Lenin. Quốc thích Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu nhưng đặc biệt ưu ái chàng trai chắc nịch Lê Hồng Phong, người được đích thân Châu tuyển mộ. Với bản lĩnh của mình, có vẻ như Quốc chẳng gặp khó khăn gì khi dụ khị mấy chàng trai trẻ.

Tháng 12/1924, Nguyễn Ái Quốc báo về Matxcova là đang bắt liên lạc và hợp tác với “một nhóm nhà cách mạng Việt nam”. Tháng 2/1925, Quốc thành lập nhóm 9 người và đặt tên là Quốc dân đảng Đông dương, 5 trong số đó được ông coi là nòng cốt của Đảng cộng sản tương lai.Quốc khuyến khích các thành viên về nước chiêu mộ thêm đệ tử, hoặc tham gia quân đội Quốc dân đảng Trung hoa, hay gia nhập Đảng CS Trung Quốc. Quốc cần gấp sự hỗ trợ về tài chính và tài liệu tuyên truyền từ Maxcova.

Mặc dù không nhất trí với các phương pháp đấu tranh của Châu, Quốc vẫn sử dụng ông này vào việc xây dựng tổ chức của mình. Thông qua các thành viên Tâm Tâm Xã, Quốc lần ra mối quan hệ với Châu. Châu có vẻ cũng như đã nhận ra được danh tính của Lý Thuỵ. Vào khoảng giữa tháng 2 và tháng 3, Châu viết cho Quốc một bức thư có nhắc đến cuộc gặp đầu tiên của hai người ở Kim liên. Châu hoàn toàn ủng hộ đường lối của Quốc trong việc cải tổ lại đảng của mình. Tuy nhiên Quốc nhanh chóng nhận thấy rằng Châu và
nhiều cộng sự lớn tuổi của ông không thể là hạt nhân cho một tổ chức mới mà Quốc đang gây dựng. Quốc thành lập Cộng sản đoàn với 5 hạt nhân ưu tú, trong đó có Lê Hồng Phong, Lê Hồng Sơn và Hồ Tùng Mậu.


Sự xuất hiện của một nhân vật hoạt động tích cực như vậy ở trụ sở QTCS, tất nhiên là gây chú ý cho các mật vụ Pháp. Một đặc vụ với bí danh “Noel” được cử sang từ Paris với mục đích xác định được danh tính của Lý Thuỵ. Kẻ giúp đỡ đắc lực nhất cho Noel chính là Lâm Đức Thụ với bí danh là “Pinot”. Tay này làm điệp viên hai mang cho cả Pháp và các lực lượng cách mạng. Tháng 3, Thụ chụp được 1 tấm ảnh Quốc cùng với các dồng chí trước cửa trụ sở Quốc dân đảng. Phòng Nhì nhanh chóng xác nhận: Lý Thuỵ chính là Nguyễn Ái Quốc.

Sự hình thành của một đảng cách mạng mới đã chín muồi. Tháng 6, tại nhà Lâm Đức Thụ, Quốc cùng với các nòng cốt trong Cộng sản đoàn lập nên Hội thanh niên cách mạng Việt nam. Cùng vói các hoạt động của Hội, tờ báo Thanh niên mà đa phần các bài là do Quốc viết đã đặt dần dần nền móng của một tầm nhìn mới vượt qua cả chủ đề độc lập dân tộc.

Nhờ mối liên hệ của chính quyền Tôn Trung Sơn với QTCS, Quảng châu lúc đó được coi như là “Matxcơva của phương Đông” thu hút các nhà cách mạng từ Triều tiên, ấn độ, Đông dương và Tây ấn thuộc Hà lan. Từ kinh nghiệm hoạt động ở Paris, Quốc cùng với đặc vụ của QTCS người Ấn độ Roy và lãnh tụ cực tả của Quốc Dân Đảng Lão Trung Kha, thành lập “Hội các dân tộc bị áp bức châu Á”. Phiên họp đầu tiên của Hội được tiến hành vào giữa tháng Bảy. Cương lĩnh hoạt động của Hội thanh niên cách mạng được xây dựng dựa trên hai trụ cột chủ nghĩa dân tộc và cách mạng xã hội theo mô hình của Lenin được đại hội QTCS lần II phê chuẩn năm 1920. Tuy nhiên nếu Lenin coi cách mạng dân tộc chỉ là một bước chiến thuật nhằm lôi kéo sự ủng hộ của những người theo chủ nghĩa dân tộc, cương lĩnh của Hội lại tỏ ra chú trọng đến độc lập dân tộc hơn nhiều là số phận của cách mạng thế giới. Chính điều đó đã gây nhiều nghi ngờ cho nhiều nhà quan sát về sự trung thành của Quốc với các tư tưởng Maxism và cuộc đấu tranh để xây dựng ảo tưởng cộng sản. Trên thực tế cuối những năm 20, đã xuất hiện những bài viết chỉ trích Quốc ở Matxcơva và từ những người cộng sự của Quốc.

Có nhiều lý do để khẳng định, Quốc trước tiên là một nhà yêu nước. Trong bài báo “Con đường đưa tôi đến với Lenin” viết năm 1960, Quốc khẳng định, chính khao khát độc lập cho Việt nam đã đưa ông đến với chủ nghĩa Max. Khác với Lenin, đối với Quốc độc lập dân tộc gần như đã là mục tiêu cuối cùng. Quốc thường xuyên phát biểu: “cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt nam sẽ được tiến hành vào một thời điểm thích hợp”.

Tuy nhiên cũng khó có thể nói, Quốc chỉ coi chủ nghĩa Max chỉ là công cụ cho cuộc đấu tranh giành độc lập của mình. Những bài viết và phát biểu của cậu ở Paris và Matxcova về một thế giới tương lai sôi sục nhiệt huyết. Trước khi chết, khi trả lời một phóng viên Xoviet, Quốc đã ân hận mãi về việc đã đả kích một nữ đồng chí của mình ở Nga vì đã mặc lụa tơ tằm và đi giày cao gót. “Chẳng nhẽ những người trẻ tuổi ăn mặc đẹp lại là điều xấu xa?”Câu hỏi ngơ ngác của cô gái đã hằn sâu vào trí nhớ Quốc.

Nếu Quốc vừa là nhà dân tộc chủ nghĩa vừa là một người theo chủ nghĩa Max, câu hỏi làm thế nào kết hợp giữa bản chất yêu nước của Quốc và đòi hỏi tinh thần quốc tế vô sản của chủ nghĩa Max đã được Lenin phần nào đề cập đến trong “Luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa”. Lenin đề xuất kháI niệm “Liên hiệp” các quốc gia độc lập như một hình thái chuyển tiếp trước khi thành lập “Quốc gia vô sản toàn cầu”. Sự liên kết giữa nước Nga cách mạng, Hungary và Phần lan cũng như giữa Armeni và Azerbaijan không thể không ảnh hưởng đến Quốc. Trong một bức thư gửi QTCS, Quốc đã đề nghị tuyển mộ thêm nhiều học viên vào trường Stalin cho “Liên hiệp cộng sản Đông phương”. Một tài liệu mới được tìm thấy ở Nga viết năm 1924, ký tên là Nguyễn. Có đến 99% đó chính là Quốc. Khi bàn về tương lai của Đảng cộng sản Việt nam, tài liệu khẳng định: “Cần phải tính đến thực tế Việt nam và giương cao ngọn cờ chủ nghĩa dân tộc dưới danh nghĩa của QTCS” . Cương lĩnh của Việt nam thanh niên cách mạng Hội cũng nhắc đến cách mạng toàn cầu như “mục đích cuối cùng” của Hội.

Tại sao Quốc lại không chọn con đường phi bạo lực đòi lại độc lập dân tộc mà lại tin vào cách mạng trên phạm vi toàn thế giới? Mùa xuân năm 1925, Nguyễn Thượng Huyền, (cháu của Nguyễn Thượng Hiền, người đã có thời là hiệu trưởng Đông kinh nghĩa thục), có viết một bài báo và nhờ Quốc nhận xét. Trong bài báo, Huyền cho rằng nguồn gốc cách mạng là từ Kinh dịch và Khổng tử cho rằng thay đổi triều đại chính là cách mạng. Huyền kết luận, thất bại của các cuộc khởi nghĩa chống Pháp là tất yếu vì sự hung bạo của chúng và độc lập chỉ có thể đạt được bằng các cuộc chống đối phi bạo lực trong xã hội như Mahatma Gandhi. Trong bức thư trả lời, Quốc đã tỏ ý nghi ngờ nguồn gốc cách mạng và cho rằng nó xuất phát từ văn hoá Tây phương. Cách mạng thay đổi các thể chế điều hành đất nước, còn cải cách chỉ cải tiến chúng. Thay đổi triều đại không phải là cách mạng. Về thất bại của cách mạng ở Việt nam, Quốc viết: "Không lẽ ông chờ đợi người Pháp khoanh taynhìn ông đuổi họ ra? Tốt nhất là hãy tự nhìn lại mình: tại sao người Pháp lại cai trị được dân ta? Sao ta lại ngu thế? Bây giờ ta phải làm gì? "Ông so sanh với người ấn độ, Ai cập. Họ có đảng phá chính trị, các hội nông dân, các tổ chức. Ta không có đảng, không có tuyên truyền, không có tổ chức. Họ như chiếc ô-tô có cả tài xế, còn ta mới chỉ có cái khung xe. Vậy mà ông muốn ta chạy như họ! Để kết luận, Quốc dẫn câu chuyện của La Fontaine về các con chuột đùn đẩy nhau đeo chuông lên cổ mèo. “Giờ đây, các con rồng cháu tiên Việt Nam chẳng khác gì những con chuột. Thật là nhục nhã”





Tại Hàng châu, Phan Bội Châu rất quan tâm đến những gì đang diễn ra. Ông hứa sẽ đến Quảng châu thăm Quốc mùa hè năm 1925. Trong bức thư viết cho Quốc trước đó, Châu hết lời khen ngợi sự sáng suốt và kinh nghiệm của Quốc, Châu còn tỏ vẻ vui mừng vì đã có người nối nghiệp vì ông đã quá “đát”. Tuy nhiên rõ ràng là Châu vẫn muốn đóng một vai trò trong tổ chức. Trong một bức thư khác gửi cho Hồ Tùng Mậu, ông đã cạnh khoé phê bình Quốc và các đồng sự quá nóng vội. Trước đó, Châu cũng đã từng than vãn là Quốc bỏ rơi ông.

Khoảng giữa tháng 5, Châu rời Hàng châu đi Thượng hải. Tại đó, nhờ có mật báo, các mật thám Pháp trong vai tài xế taxi đã đợi sẵn, tóm gọn và chở thẳng ông về Hà nội để xét xử về tội phản quốc. Vụ bắt giữ này đã gây ra một cuộc tranh cãi lâu dài và lôi thôi nhất trong lịch sử rắm rối của chủ nghĩa dân tộc Việt nam. Nhiều thành viên của Thanh niên hội cho rằng chính thư ký của Châu, Nguyễn Thượng Huyền đã phản bội ông. Châu cũng nghĩ thế. Tuy nhiên một số người theo chủ nghĩa dân tộc không cộng sản lại nghi ngờ Lâm Đức Thụ và thậm chí Nguyễn Ái Quốc đã dựng lên vụ này để kiếm tiền thưởng và dùng Châu như một anh hùng - “vật tế thần” cho phong trào. Quan điểm này cũng được nhiều nhà nghiên cứu phương Tây nhắc lại nhưng không có những chứng cớ cụ thể. Các tài liệu của phòng nhì Pháp không rõ, nhưng xu hướng không cho rằng Quốc có dính líu. Họ cũng cho là Huyền có thông tin tốt hơn về sự di chuyển của Châu. Lâm Đức Thụ về sau tự nhận trách nhiệm nhưng không đáng tin cậy vì ông này ưa khoác lác và thổi phồng.

Mặc dù không phủ nhận là Quốc có thể phản bội Châu nếu tin rằng điều đó phục vụ lợi ích cách mạng, nhưng trong vụ này rõ ràng là Quốc không tin là có thể khai thác được gì cho phong trào từ việc bắt Châu. Thanh niên Hội vẫn tập trung sử dụng hình ảnh Phạm Hồng Thái để tuyên truyền và lôi kéo các thành viên của mình. Vả lại một lãnh tụ có tính chất biểu tượng dễ điều khiển ngoài tự do rõ ràng có lợi hơn cho phong trào so với ngồi tù ở Việt nam. Cũng cần nhận thấy rằng đến cuối đời Châu vẫn dành sự kính trọng cao nhất cho Quốc.

Toà đã xử Châu khổ sai chung thân ngày 23/11/1925 dẫn đến một phong trào phản kháng mạnh mẽ trong khắp nước. Toàn quyền mới, đảng viên Xã hội Varrene chẳng muốn khởi đầu sự nghiệp của mình bằng sự thù hận, đã đề nghị Paris giảm xuống án quản thúc tại gia ở Huế. Trước khi giảm án, Varrene đã đề nghị Châu hợp tác. Lúc đầu ông này từ chối nhưng sau đã tỏ ra khôn ngoan hơn. Tuy vẫn giữ quan hệ với các thành viên chủ chốt của phong trào dân tộc, thỉnh thoảng Châu lại đưa ra những phát ngôn có thể coi là có lợi cho Pháp ví như khen ngợi hệ thống giáo dục của Pháp ở Đông dương. Theo mật thám Pháp, một số phần tử quá khích thậm chí đã có kế hoạch ám sát Châu. Châu chết tại Huế năm 1940.

Trong thời gian vụ án Châu, một lãnh tụ cải lương khác là Phan Chu Trinh đã trở về Việt nam sau nhiều thập kỷ trong sự chào đón của dân chúng. Ông này chết năm 1926 vào tuổi 53 và đám tang ông đã trở thành một sự kiện dân tộc. Quốc có vẻ như không hài lòng cho rằng Pháp đã cường điệu sự kiện này nhằm mang lại một bộ mặt nhân tính hơn cho chính sách thực dân của mình và đánh lạc hướng dân chúng.

Nhờ sự cố gắng không mệt mỏi của Quốc, những tư tưởng Marxism dần dần được phổ biến trong các tầng lớp cách mạng ở Việt nam. Những nhà yêu nước trẻ được đưa từ trong nước sang và được đào tạo tại một cơ sở có cái tên rất kêu: Trường chính trị đặc biệt cho Cách mạng Việt nam. Trường này ban đầu được đặt tại phố Dân Sinh, sau đó chuyển sang một toà nhà 3 tầng thuộc sở hữu của một người thân Cộng sản ở phố Văn Minh (đối diện với Đại học Quảng đông, bây giờ là bảo tàng Lỗ Tấn). Tầng 1 là cửa hàng, lớp học và văn phòng của Quốc ở tầng 2 còn ký túc xá ở tầng 3. Đằng sau có cửa hậu để chạy trốn khi cảnh sát vây bắt. Giáo viên chủ yếu là các thành viên Thanh niên Hội như Mậu, Quốc, nhưng thỉnh thoảng cũng có thầy từ phái đoàn Xôviet như Vasily Blucher (Galen), P.A. Pavlov, M.V. Kuibyshev, V.M. Primakov, hoặc từ CCP như Lý Đạo Cơ, Chu Ân Lai, Lý Phu Quân và nhà tổ chức nông dân Bằng Bái. Một phần ba kinh phí của trường do Đảng CS Trung Quốc - CCP đài thọ, phần còn lại là đóng góp từ các tổ chức khác nhau, trong đó có các học viên Việt nam tại học viện Hoàng Phố.

Thầy Vương (bí danh của Quốc) là thầy giáo nổi tiếng nhất trường. Học viên đều yêu ông thầy mảnh khảnh, mắt sáng, giọng ấm, hài hước, dễ gần và đặc biệt kiên nhẫn trong việc giải thích các khái niệm khó. Thầy Vương trở thành cuốn bách khoa sống khi cần đến các số liệu. Một học viên đến giờ còn nhớ: “Thầy kể vanh vách, thực dân Pháp đã trộm bao nhiêu tấn thóc, Ngân hàng Đông dương kiếm được bao nhiêu lợi nhuận, ông Varrene đã chở về nước bao nhiêu cổ vật của dân ta”. Cũng như ở Paris, Quốc vừa là thầy giáo, vừa là cố vấn tinh thần, một người nghiêm khắc và một người bày trò có hạng. Quốc dạy học viên cách ăn nói, phát biểu, cách thông cảm với nhân dân. Quốc lo lắng nơi ăn, chốn ở và động viên các học viên bằng một sự lạc quan vô bờ bến vào sự thắng lợi của cách mạng. Như một nghi lễ, khi kết thúc khoá học, Quốc dẫn các học viên thăm mộ của 72 liệt sĩ Trung hoa trên đồi Hoàng Hoa và tuyên thệ trước lăng Phạm Hồng Thái.

Một số học viên tài ba hơn (ví dụ như Lê Hồng Phong) được phái đi tu nghiệp tiếp ở Moscow. Một số người sung quân đội hoặc tham gia học viện Hoàng Phố. Nguyễn Lương Bằng, một con nhà lao động, được chỉ thị kiếm việc trên tàu viễn dương để móc nối giữa Hải phòng và Hongkong. Hơn 70 học viên đã tốt nghiệp cho đến hết năm 1927. Đa số học viên quay về Việt nam và tiếp tục tìm kiếm thêm lính mới. Lớp này đa số cũng từ tầng lớp môn sinh. Cảnh sát Pháp xác nhận khoảng 90% thành viên Thanh niên hội là tầng lớp trí thức tiểu tư sản. Năm 1928, hội có khoảng 300 thành viên ở Đông dương, trong đó khoảng 150 ở Cochin China (Sài gòn, Cần thơ, Mỹ tho), 80 ở Annam và 70 ở Tonkin. Một năm sau, con số đã lên đến hơn 1700. Nguyễn Ái Quốc đã đi những bước quan trọng đầu tiên, tuy rất nhỏ và thận trọng, để chuẩn bị cho cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việtnam. Ông đã viết trước đó vài năm: “Thật là sai lầm khi cho rằng Đông dương đã sẵn sàng cho cách mạng, nhưng càng sai lầm hơn khi nghĩ rằng họ cam chịu và không muốn làm cách mạng”


Nguyễn Ái Quốc quá kinh nghiệm để hiểu rằng, muốn duy trì được tổ chức hãy còn trong trứng nước của mình, tuyên truyền là quyết định. Tạp chí Thanh niên ra đời. Được in tại Quảng châu, xuất bản hàng tuần và gửi sang Việt nam qua đường thuỷ. Từ 21/6/1925 đến 5/1930, tổng cộng đã có 208 số được phát hành. Cũng như với tờ Người cùng khổ, Nguyễn Ái Quốc sử dụng lối hành văn đơn giản, với nhiều biếm họa đả kích chế độ thực dân Pháp cũng như bọn vua chúa bù nhìn. Hầu hết các bài xã luận đều do ông viết nhưng không ký tên. Thanh niên Hội còn phát hành tờ Lính Kách Mệnh 2 tuần 1 lần và tạp chí Việt nam Tiền phong hàng tháng.

Đối với các hội viên nằm trong chương trình đào tạo, Nguyễn Ái Quốc viết hẳn một cuốn sách nhỏ lấy tên là "Đường Kách mệnh". Đây là cuốn sách đầu tiên bằng tiếng Việt giải thích những luận điểm căn bản của chủ nghĩa Max-Lenin và khả năng áp dụng ở Việt nam. Tuy không có mục đích trước nhưng chắc chắn 1 số bản của cuốn sách này được tuồn về Việt nam. Cuốn sách được viết bằng một văn phong cực kỳ đơn giản. Quốc biết chắc rằng đa số độc giả thậm chí còn chưa biết thế nào là Kách mệnh (thuật ngữ này mới được đưa vào tiếng Việt đầu thế kỷ 20, tiếng Hán có nghĩa là Thay đổi số mệnh), bởi thế, ngay từ đầu ông đã định nghĩa Kách Mệnh là “phá hủy cái cũ, xây dựng cái mới, phá hủy cái xấu, xây dựng cái tốt”. Tiếp đó, Quốc tiến hành phân thành 3 loại Kách Mệnh:

1. Tư sản (như ở Pháp, Nhật, US)
2. Dân tộc (như ở Italy thế kỷ 19, cách mạng 1911 ở Trung quốc)
3. Giai cấp (như cách mạng tháng 10 Nga)

Quốc khẳng định tất cả các cuộc Kách Mệnh đều được tiến hành theo hai giai đoạn: giai đoạn dân tộc và giai đoạn toàn cầu. Tất nhiên quan điểm này được mượn của Lenin, nhưng Quốc cũng đã khéo léo lồng ý của mình vào đó. Ông không khẳng định rõ bao giờ thì giai đoạn 2 mới bắt đầu. Thậm chí ông cho rằng, Kách Mạng Việt nam chỉ có thể chuyển sang giai đoạn 2 nếu hầu như tất cả các nước đã làm việc đó. Quốc nhấn mạnh vai trò lãnh đạo của liên minh công nông, đặc biệt là vai trò của nông thôn trong Kách mạng Việt nam với hơn 90% dân làm nông nghiệp. Giống như giai cấp công nhân trong Tuyên ngôn Đảng cộng sản, người nông dân trong Đường Kách Mệnh “không có gì để mất ngoài xiềng xích”. Cái mà họ cần, như Quốc đã từng viết ở Pháp trước đó là Tổ chức và Sự lãnh đạo. Cách mạnh Việt nam cần có một Đảng vững mạnh với những tư tưởng dễ hiểu và theo đuổi.

Một vấn đề thú vị được đề cập đến trong cuốn sách là tính cách của “nhà cách mạng”. Có thể so sánh với cuốn “Tự bạch về nhà cách mạng” nổi tiếng của Nechayev, một tay khủng bố Nga thế kỷ 19. Ông này cho rằng, nhà cách mạng là công cụ mù quáng để thực hiện những lý tưởng cách mạng. Họ phải tàn nhẫn, dùng mọi thủ đoạn để đạt được mục tiêu, phải tuân thủ kỷ luật đảng, sẵn sàng từ bỏ những quan hệ bè bạn, gia đình, thậm chí lừa dối vì lợi ích của Cách mạng. Tuy quan điểm cực đoan của Nechayev bị phê phán nhiều, nhưng Lenin vẫn rất khoái và nhiều điểm trong cuốn “Tự bạch” trở thành tiêu chuẩn của người Bolsheviks. Có nhiều điểm tương đồng trong định nghĩa của Quốc về nhà cách mạng, như tuân thủ kỷ luật đảng, đặt quyền lợi cách mạng lên trên quyền lợi cá nhân. Nhưng điểm khác biệt chủ chốt ở cái hồn tinh thần nằm đằng sau hai bản tiêu chuẩn này. Trong khi Lenin cho rằng những quan điểm đạo đức không liên quan lắm đến tính cách của người Cách Mạng thì Quốc hầu như áp dụng tất cả những chuẩn mực đạo đức của người quân tử trong đạo Khổng: tiết kiệm, cởi mở nhưng công bằng, cương quyết sửa chữa lỗi lầm, thận trọng, ham học và quan sát, không kiêu ngạo và khoan hồng.

Nếu tính đến tài năng xuất chúng của Quốc trong việc thay đổi hình thức tuyên truyền cho những đối tượng khác nhau, có thể cho rằng Quốc cố tình giữ những “bình cũ” để đưa “rượu mới” vì biết rằng đa số hội viên của ông xuất phát từ những gia đình nho học và chắc chắn vẫn giữ những giá trị căn bản của đạo Khổng. Tuy nhiên, thực tế cuộc đời Hồ Chí Minh đã chứng tỏ rằng đạo đức cá nhân ông: hình ảnh một con người giản dị và hào hiệp với niềm lạc quan vô bờ bến và tinh thần nghiêm túc và hiến dâng cho những lý tưởng cách mạng, đã trở thành sự đảm bảo tiêu chuẩn của ảnh hưởng của ông trong đảng. Đối với rất nhiều người khác, Hồ Chí Minh trở thành biểu tượng của chủ nghĩa cộng sản Việt nam.

Cuốn sách của Quốc còn thỏa mãn những logic thầm kín của Việt nam. Trong khi bảo đảm rằng cách mạng VN sẽ được giúp đỡ từ cách mạng thế giới,người đọc cũng sẽ lấy làm sung sướng được biết rằng phương Tây cũng chưa ra gì và sẽ còn phải trải qua những thời loạn lạc. Việc phân tích nguyên nhân thất bại của các nhóm dân tộc chủ nghĩa cũng rất có ý nghĩa cho lớp trẻ. Quốc đã chỉ ra rằng các nhóm này thiếu hẳn một tư tưởng, một ý niệm rõ ràng về tương lai của Việt nam độc lập. Phật giáo với triết lý chịu đựng không thể là tác nhân thay đổi. Khổng giáo bị mất giá trị trầm trọng do sự đầu hàng của triều đình. Bởi thế các nhóm dân tộc chủ nghĩa chủ yếu được xác định bởi vùng, miền, chiến thuật hay cá nhân thủ lĩnh. Những hành động của họ chỉ biểu hiện sự phẫn uất của một nhóm người trước một kẻ thù muôn lần mạnh hơn.


Có thể coi "Đường Kách mệnh" là cuốn sách tư tưởng nhưng quá hoang sơ, thậm chí nhiều chỗ gây bối rối cho người đọc về chủ nghĩa Max-Lenin. Tuy nhiên với quan điểm tuyên truyền rất rõ ràng của Quốc: càng đơn giản càng tốt, cuốn sách đã trở thành công cụ giới thiệu tư tưởng tốt cho những nhà cách mạng sơ khởi. Ngoài ra, Quốc đã tiến một bước dài trong phong trào cách mạng Việt nam và thế giới bằng việc lần đầu tiên nhấn mạnh vai trò của nông thôn ở Việt nam và tương lai cách mạng châu Á. Một số nhà quan sát còn cho rằng Đường Kách Mệnh là tác phẩm đầu tiên của “chủ nghĩa cộng sản nông thôn”, một biến thể của chủ nghĩa Max-Lenin, vốn thường được gắn cho Mao Trạch Đông.

Tính đến mùa xuân năm 1927, chỉ với 2 năm ở Quảng châu, Quốc đã trở thành một thành viên được kính trọng và không thể thiếu của phong trào cách mạng ở đây. Quốc chơi thân với Chu Ân Lai, nhà tổ chức thanh niên Trương Đại Lợi (cần xem lại Zhang Tailei), lãnh tụ cánh tả của Quốc dân Đảng Lão Trung Khải (Liao Zhong Kai). Cuộc sống xem ra đã có vẻ ổn định, Quốc dự kiến kiếm 1 cô vợ Tàu vừa để học tiếng và lo việc gia đình và nhờ “thổ công” Lâm Đức Thụ lo hộ vụ này. Quốc chỉ đặt một điều kiện: “không trả một xu” (trái với tục lệ người Hoa) .Nhưng chẳng có vấn đề gì, Thụ tìm ngay được 1 cô tên là Tăng Tuyết Minh, con gái vợ ba của một nhà buôn. Sau khi bố chết, cô này bị đuổi ra khỏi nhà, sống vạ vật cho đến khi làm quen được với vợ của Thụ. Nhiều đồng chí của Quốc đã phản đối cuộc hôn nhân này vì cho rằng Minh không được học hành đầy đủ, tuy nhiên Quốc vẫn quyết định cưới và hai vợ chồng cùng sống trong căn phòng của Quốc tại biệt thự của Borodin. Tuyết Minh khá xinh (theo lời kể thì mặt tròn, môi nhỏ, da mịn, tóc thề ngang vai), nhưng chẳng quan tâm gì đến các vấn đề dân tộc và cách mạng. Sau mấy lần thử tìm cách dụ dỗ thất bại, Quốc từ bỏ ý định thay đổi quan điểm chính trị của vợ. Có nguồn tin cho rằng, vợ chồng Quốc có một đứa con gái??? ( Cần thêm tài liệu chứng minh)

Tuy nhiên mây đen đang che phủ dần sự nghiệp của Quốc ở Quảng châu. Trong khi ông đang tìm cách dẹp yên những đốm lửa bất hoà ở trong nước thì tình hình Trung quốc thay đổi nhanh chóng. Cuộc hôn phối khó khăn Quốc - Cộng trong những năm qua được duy trì chủ yếu nhờ uy tín cá nhân của Tôn cũng như quan hệ thân thiết giữa Tôn và Borodin. Tuy nhiên cái chết của Tôn năm 1925 trong khi đang thương thảo với tướng Phương Yuxiang, đã thay đổi tất cả. Sau một cuộc chiến quyền lực ngắn, Tưởng Giới Thạch lên nắm quyền. Tưởng tạm thời duy trì liên minh mặc dù có sự phản đối quyết liệt của phái hữu trong Quốc Dân Đảng. Bản thân Tưởng cũng chẳng có thiện cảm gì với cộng sản. Sau chuyến viếng thăm Matxcova năm 1923, Tưởng hiểu rằng mục đích cuối cùng của Matxcova là loại bỏ đảng của ông ta. Ngày 12/4/1927, trong chiến dịch chung tiễu trừ cát cứ tại phía Bắc và Trung nguyên, Tưởng đã ra tay, điều quân tàn sát hàng ngàn đảng viên cộng sản và những người ủng hộ tại Thượng Hải.

Quảng châu phản ứng tức thì, quân đội của Lu Jishen bao vây hơn 2000 đảng viên cộng sản. Hàng trăm học viên thân cộng tại Hoàng Phố (trong đó có một số Việt nam) bị bao vây và bắn chết. Bạn Quốc, Trương Lợi cũng nằm trong số này. Khi quân của Lý tiến hành bao vây lãnh sự quán Liên xô, Borodin và một số cộng sự phải trốn sang Vũ hán. Ban đầu, phòng nhì Pháp cũng nghĩ là Quốc sẽ chạy theo Borodin. Thực tế thì Quốc đã ở lại vì tin tưởng vào những mối quan hệ của mình với Quốc Dân Đảng. Tuy nhiên ông cũng ẩn vào một chỗ hẻo lánh hơn và đi bán báo để kiếm tiền sinh sống.

Chẳng được bao lâu, Trương Văn Lệnh, một tay chân trước đây của Tâm Tâm Xã, đang là quan chức của chính quyền thành phố, đã mật báo là đã có lệnh bắt Quốc và ông phải trốn càng nhanh càng tốt. Người đã chỉ điểm Quốc chính là Nguyễn Hải Thần. Thần vốn là bạn thân của Thụ và đã từng ở nhà ông này. Quốc muốn hợp tác với Thần và những thành viên còn sót lại của Phan Bội Châu VN Quốc Dân Đảng, nhưng Thần kịch liệt phê phán xu hướng thân cộng của Thanh niên hội. Năm 1926 Trương Bội Công mò đến từ Bắc kinh càng thôi thúc Thần phải thành lập đảng mới để chống lại ảnh hưởng của hội.

Ngày 5/5/1927, Quốc lên tàu đi Hồng kông bỏ Tuyết Minh lại Quảng châu. Cùng ngày, nhà ông bị khám xét. Một lần nữa Nguyễn Ái Quốc lại lên đường.


5. Thanh kiếm báu

Quốc nghĩ gì khi nhìn qua cửa sổ ngắm những cánh đồng lúa xuân đang vào vụ gặt trên con tàu đi vào vô định ngày ấy. Chắc chắn là ông hài lòng vì những gì đã làm ở Quảng châu. Đích thân ông đã đào tạo hàng trăm chiến sĩ phân phối về cả 3 miền đất nước, thành lập một tổ chức vững mạnh làm tiền thân cho đảng cộng sản Đông dương sau này. Cuộc đảo chính của Tưởng đã làm đảo lộn tất cả. Thanh niên Hội không thể đặt trụ sở ở Quảng châu được nữa. Liên lạc giữa Q với các đồng chí trong nước đã bị cắt đứt, có thể phải đến hàng năm. Bản thân Q cũng chưa biết mình sẽ đi về đâu!

Ban đầu, có thể Quốc (vẫn đang dùng tên là Lý Thuỵ) đã hy vọng là sẽ dùng HongKong làm nơi cư trú và bàn đạp cho tổ chức của hội. Nhưng chính quyền sở tại nghĩ khác và ngay ngày hôm sau Quốc phải lên đường đến Thượng Hải, thành phố vẫn đang còn bàng hoàng về vụ “khủng bố trắng”. Để che mắt, Quốc phải đóng giả một nhà buôn và thuê phòng khách sạn sang trọng. Chẳng mấy chốc hết tiền, Quốc may mắn vớ được một chuyến tàu về Vladivostok.

Vladivostock khi đó là cơ quan đầu não của các hoạt động cách mạng tại Viễn đông. Tại đây, Quốc đã gặp lại Jacques Doriot, một trong những ngôi sao đang lên của Đảng cộng sản Pháp. Ông cũng gặp lại đại diện QTCS Grigori Vointinsky. Mỗi ông một ý, Doriot khuyên Quốc dựa vào FCP- Đảng CS Pháp để thâm nhập Đông dương từ Thái lan, Voitinsky thì lại đề nghị Quốc về Thượng hải và xây dựng phong trào trong đám lính Việt đang đóng ở đó. Quốc lịch sự lắng nghe, nhưng trong thâm tâm, ông đã biết mình phải làm gì. Quốc về đến Matxcova tháng 6 năm đó và ngay lập tức viết đơn xin phép được cấp kinh phí để có thể hoạt động ở Thái lan trong khoảng 2 năm. Trong khi chờ phê duyệt, Quốc viết một loạt các bài báo cho Inprecor miêu tả tình hình tại Đông dương. Sau chuyến đi nghỉ chữa bệnh ở nhà nghỉ Eppatoria - Crum (chưa rõ bệnh gì), Quốc nhận được tin vui: Trường Stalin đã quyết định thành lập phân ban Việt nam cho những sinh viên đã được Quốc gửi đi từ Quảng châu. Trong số đó, Trần Phú là người gây được nhiều chú ý nhất. Con một viên quan triều đình ở Quảng ngãi, Phú đã tham gia một đảng dân tộc nhỏ, khi sang Quảng châu để bàn việc hợp tác với Thanh niên hội, Phú đã bị Quốc thu phục và gửi sang Matxcova đào tạo.

Tháng 11/1927, thay vì chi tiền cho Quốc đến Thái lan, QTCS điều ông sang Pháp để vạch một chiến lược toàn diện hơn xây dựng cơ sở cách mạng trong vùng. Không thấy đả động gì đến chuyện kinh phí cả. Trên đường sang Paris, Quốc ghé qua Berlin, tại đây ông tham gia xây dựng chi nhánh của Liên hiệp Phản đế (vỏ bọc của đại diện Liên xô ở nước ngoài). Đến Pháp, mặc dù được báo cáo trực tiếp cho trung ương FCP, Quốc tỏ ra hết sức thất vọng vì vấn đề thuộc địa không được ai quan tâm. Cũng không ai đề nghị tìm việc làm hoặc cấp kinh phí gì cho Quốc cả. Quãng cuối tháng 12, Quốc tham gia hội nghị Trung ương Liên hiệp Phản đế tại Brussel. Tại đây ông đã làm quen với Sukarno, Nehru, gặp lại ông bạn Nhật Katayama Sen và đặc biệt với vợ góa của Tôn Trung Sơn Tống Khánh Linh, người sẽ giúp đỡ Quốc trong thời điểm quyết định sau này.

Sau hội nghị, Quốc chỉ trở về Paris một thời gian ngắn và sang Berlin. Ông viết thư cho Dombai xin tiền của Quốc tế Nông dân để về Đông dương hoạt đông. Ông này khuyên Quốc nên xây dựng phong trào nông dân ở các tỉnh biên giới với Trung quốc nhưng cũng không thấy đả động gì đến chuyện tiền nong. Chẳng có việc gì làm, Quốc dự định hoàn thành một cuốn sách khoảng 120 trang về những kinh nghiệm bản thân trong phong trào nông dân Trung quốc. Đến khoảng tháng 4 thì Quốc cạn tiền, ông viết một bức thư thống thiết về Dalburo miêu tả mình như một người :

Không được làm việc ở Pháp, vô dụng ở Đức nhưng rất cần ở Đông dương. Tôi đã khẩn thiết đề nghị tổ chức cung cấp tài chính để tôi có thể trở về Đông dương hoạt động. Tôi đã nói với đồng chí Khi Doriot khi đi ngang qua đây là nếu không có tiền sống thì hãy cho tôi tiền đi lại để tôi có thể lên đường chứ không phải lang thang ở châu Âu này nữa. Rốt cuộc chẳng có hồi âm gì. Tình hình của tôi hiện tại như sau: 1/chờ đợi chỉ đạo trong vô vọng 2/không có gì để sống...

Hai tuần sau Quốc nhận được giấy phép trở về Đông dương, FCP cấp tiền đi đường và 3 tháng ăn ở. Đầu tháng 6, Quốc rời Berlin, qua Thụy sĩ, sang Italia. Tại biên giới, theo lời kể của Quốc, may mắn sao tên Quốc lại không có trong Từ điển chống QTCS của bọn cảnh sát phát xít. Tuy nhiên Quốc vẫn bị bắt tại Rome và bị đánh đập tàn nhẫn. Cuối cùng ông cũng được thả và lên một con tàu Nhật ở Naple để về Thái lan. Đó là cuối tháng 6/1928.

*****************
FCP- Đảng CS Pháp



Quốc đến ThaiLan tháng 7/1928. Vương quốc Thái lan khi đó là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á không phải là thuộc địa. Bởi thế ngay cả nhà cách mạng nổi tiếng như Quốc cũng được đi lại thoải mái, chẳng ai quan tâm. Trước đó, theo lệnh của Quốc, thanh niên Hội đã xây dựng mạng lưới trong giới Việt kiều, vốn tập trung rất đông tại khu vực cao nguyên Khorat, Đông bắc Thái lan. Từ vùng núi Trường sơn đến cao nguyên này khoảng 2 tuần đi bộ, chính quyền Thái lan lại ưu ái các nhà yêu nước Việt nam, bởi thế khu vực này có thể được coi là thánh địa chống thực dân. Nhiều người trong số 20.000 Việt kiều ở khu vực này là tín đồ cũ của phong trào Cần Vương và Phan Bội Châu. Từ năm 1925, Nguyễn Ái Quốc đã cử Hồ Tùng Mậu sang lập 4 chi nhánh tại Phichit, Nakhon Panom, Udon Thani và Sakon Nakhon dưới dạng các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp.

Từ tháng 8 năm 1928, trong cộng đồng người Việt tại Bandong (một huyện của Phichit) xuất hiện một người Việt nam lạ mặt tự xưng là Thầu Chin. Ông ở đây 2 tuần và tháng 9/1928 vượt 10 ngày đường rừng để đến Udon Thani. Có ngày ông đi được đến 70 km. Cộng đồng người Việt ở đây vốn xuất phát là dân tiểu thương nên lười lao động và không muốn hoà nhập với xã hội Thái. Thầu Chin đến thay đổi tất cả. Đích thân ông đứng ra xin phép và khênh gạch để xây trường học cho bà con học tiếng Thái. Mỗi ngày ông đặt quyết tâm học 10 từ Thái. Tối tối ông đến các gia đình, kể cho họ nghe tình hình thế giới và Đông dương, giải thích cho họ chính quyền và người dân Thái ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân Việt nam. Ông đổi tên tờ báo tiếng Việt Đồng Thanh thành Thân Ái (gắn với một tổ chức do Thanh niên Hội lập ra), bằng cách hành văn dễ hiểu, qua các bài thơ và vở kịch kích động tinh thần yêu nước.

Đầu năm 1929, Thầu Chin đến Sakhon Nakhon. Dân ta ở đây không được giác ngộ cho lắm, thờ chúa, phật và cả Trần Hưng Đạo đủ cả. Mỗi khi mắc bệnh lại cúng vái tứ phương. Thầu Chin đích thân chẩn bệnh và mời bác sĩ đến chữa bệnh cho nhân dân. Ông cũng không ngần ngại sử dụng đức Thánh Trần cho việc tuyên truyền yêu nước Trên Điện Diên Hồng, ngàn người như một "Kẻ nào muốn cướp Việt nam hãy bước qua xác chúng ta Còn một người Việt còn sống là sông núi Việt nam vẫn là của ta "

Mật thám Pháp đã mất khá nhiều công sức để tìm Quốc sau khi ông rời Quảng châu năm 1927. Phòng nhì Pháp đã dò được Quốc ở Paris nhưng lại mất vết khi Quốc bỏ Brussel. Năm 1928, 1929 chúng nghe nhiều tin đồn về một người Việt kỳ lạ lang thang trong các làng Việt kiều ở Đông bắc Thái và tìm cách xác định danh tính người này. Tháng 10/1929, toà án triều đình tại Vinh đã xử tử Quốc vắng mặt về tội nổi loạn. Trong hồi ký của mình, Quốc đã nhắc đến việc có lần phải cắt tóc trốn vào chùa đi tu để tránh cảnh sát. Trong lúc Quốc lặn lội sang Xiêm thì các đồng chí của ông tìm mọi cách để giữ vững hoạt động của Thanh niên Hội. Sau khi hầu như những thành viên chủ chôt được thả, Hội được đặt dưới sự lãnh đạo của Lê Hồng Sơn và Hồ Tùng Mậu với trụ sở tại căn phố hẹp Dân Sinh gần Cửa Dong Da địa điểm cũ của Trường đào tạo. Tháng 12/1927 các đảng viên Đảng CS Trung Quốc liều lĩnh mở cuộc khởi nghĩa và bị đàn áp dã man. Nhiều chiến sĩ của Hội cũng tham gia và bị giết. Lê Hồng Sơn và một số người khác bị bắt và đưa ra toà, nhưng không bị buộc tội mà bị trục xuất. Hồ Tùng Mậu chuyển trụ sở sang Hồng kông và mất liên lạc với Đảng CS Trung Quốc và QTCS.

Dù những thất bại tạm thời Thanh niên Hội vẫn có vị trí vững chắc trong phong trào cách mạng Việt nam. Hội tiếp tục mở rộng trong nước và đàm phán với các đảng phái chính trị khác để thành lập mặt trận thống nhất chống Pháp. Có điều các cuộc đàm phán này thường diễn ra trong không khí nghi kỵ vì Hội kiên quyết giữ vai trò lãnh đạo. Quãng tháng 12/1927, một số nhà giáo và nhà báo ở Bắc bộ và Bắc Annam thành lập ra VN Quốc Dân Đảng. Tuy cùng tên với đảng của Phan Bội Châu nhưng chẳng có liên quan gì. Đảng này theo chủ nghĩa Tam dân của Tôn và cũng có mong muốn hợp tác với Thanh niên Hội. Hai bên đã từng hẹn đàm phán tại Xiêm nhưng thất bại vì Hội không cử đại diện đến. Vả lại VN Quốc Dân Đảng không chấp nhận sự lãnh đạo của Hội ở trong nước, tất yếu dẫn đến sự tranh giành ảnh hưởng quyết liệt giữa hai tổ chức.

Ngoài ra những mâu thuẫn trong Hội cũng bắt đầu xuất hiện. Thực ra mâu thuẫn này có nguồn gốc từ chính sách hai mặt của Quốc: "cam kết theo chủ nghĩa quốc tế Max-Lenin nhưng vẫn lấy độc lập dân tộc làm cương lĩnh hoạt động chính". Sau khi Quốc rời Quảng châu mùa xuân năm 1927, một số học trò của ông như Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu nhanh chóng trở thành những người Marxist đầy khao khát, trong khi đó Lâm Đức Thụ và một số cựu binh lại quan điểm khác. Mâu thuẫn trở nên trầm trọng khi mùa xuân năm 1928,
tại một cuộc họp ở nhà riêng của Thụ, ông này đã tìm cách thông qua được bản cương lĩnh mang tính dân tộc mà chẳng đả động gì đến cách mạng xã hội hay đấu tranh giai cấp gì cải.

Trong ba năm đầu tiên, cả hai phái trong Hội đều kìm chế, tuy nhiên sau hội nghị HongKong, mâu thuẫn bùng phát dẫn đến tan vỡ tổ chức. Mọi sự khởi đầu từ nhóm lãnh đạo Bắc bộ và bí thư thứ nhất Trần Văn Cung. Ông này người xứ Nghệ, đảng viên đảng Tân Việt, tham gia khởi nghĩa Quảng Châu và đã từng ngồi tù Quốc dân đảng. Cung cũng tham dự vào hội nghị HongKong và tỏ ra rất thất vọng về đường lối uỷ mị của ban lãnh đạo mới. Cung không tin là có thể thuyết phục nông dân và công nhân ủng hộ chỉ bằng diễn thuyết chung chung về lòng yêu nước và độc lập dân tộc. Cần phải mang lại cho họ những lợi ích kinh tế cụ thể. Không được chào đón nồng nhiệt ở hội nghị, Cung quay ra thuyết phục các đồng chí mình ở Bắc bộ.

Đầu tiên họ không hài lòng về việc chẳng ai quan tâm chiêu mộ giai cấp vô sản vào Hội. Ngoài Tôn Đức Thắng, thợ máy của Pháp về nước trở thành lãnh tụ công đoàn tại nhà máy đóng tàu Ba son và một vài “công hội đỏ” khác ở những thành phố lớn, không có nhiều công nhân gia nhập Hội. Hoạt động của Hội chủ yếu dựa vào các sinh viên từ Trung Quốc trở về. Số này phần lớn xuất thân từ thành phần học giả và chủ yếu mở rộng tổ chức trong tầng lớp bạn bè của mình. Cơ sở Hội ở nông thôn cũng rất yếu. Thứ đến, họ không hài lòng về thái độ của lãnh đạo Hội đối với việc thành lập Đảng cộng
sản mà theo họ là tuyệt đối cần thiết. Tại hội nghị 5/28 ở HongKong, khi Cung nêu vấn đề, Thụ đã gạt đi “để xem sau”. Sự bất mãn càng lộ rõ trước thềm đại hội VI của QTCS được tổ chức vào hè năm 1928. Thất vọng trước sự tan vỡ của liên minh Quốc - Cộng dẫn đến sự đàn áp đẫm máu những người cộng sản tại Trung Quốc, bị buộc phải tỏ ra cứng rắn trong cuộc đấu tranh giành quyền lực với Troski, Stalin đã yêu cầu các đại biểu từ bỏ chính sách mặt trận liên hiệp rộng rãi được thông qua tại đại hội II 8 năm trước. Các đảng CS tại thuộc địa được chỉ thị không liên minh với các đảng tư sản dân tộc. Nội bộ trong đảng cũng phải thanh lọc các phần tử “tiểu tư sản”. Những đảng viên thành phần trung lưu phải được đưa đi “vô sản hoá”... . Tất cả phải hành động để chuẩn bị cho làn sóng cách mạng mới trong điều kiện nền kinh tế của các nước tư bản châu Âu đang có dấu hiệu đình trệ, hứa hẹn một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Vì chưa có đảng CS, Việt nam không có đại diện chính thức tại đại hội VI. Tuy nhiên có 3 người Việt nam trong thành phần đảng CS Pháp. Một người tên là Nguyễn Văn Tạo, quê gốc Nghệ an, đã từng bị đuổi khỏi trường tại Sài gòn do các hoạt động chống đối. Ông này đã phát biểu tại đại hội dưới tên An, kêu gọi cần nhanh chóng thành lập Đảng CS ở Việt nam để lãnh đạo giai cấp vô sản nhỏ nhoi ở đó. Ông còn cho rằng những tổ chức dân tộc cải lương như đảng Hiến pháp, đảng độc lập Việt nam (do Nguyễn Thế Truyền lập) theo đường lối cải cách hoà bình là “cực nguy hiểm” vì đánh lạc hướng dân chúng. Những nghị quyết của đại hội VI QTCS càng làm căng thẳng thêm những bất đồng và đổ thêm dầu vào yêu sách đòi cải tổ Hội thành đảng cộng sản có ý thức hệ tư tưởng rõ ràng. Dẫn đầu phe chống đối vẫn là Trần Văn Cung. Sau một thời gian làm thợ, Cung tin tưởng rằng chỉ bằng những khẩu hiệu yêu nước, khó có thể lấy được sự ủng hộ của công nhân. Cần phải tăng tiền lương, giảm giờ làm! Và chỉ có đảng CS mới làm được việc đó!!!

Tháng 5/1929, Thanh niên Hội tiến hành đại hội đầu tiên. 17 đại biểu đại diện cho hơn 800 thành viên tại Bắc bộ, 200 từ Nam bộ và 200 từ Trung bộ tập trung tại Hong Kong. Ngay sau khi đến nơi, Cung gặp Lê Hồng Sơn đề nghị giải tán Hội và thành lập Đảng CS. Là thành viên của nhóm cộng sản nòng cốt do Nguyến Ái Quốc thành lập trong Hội, đương nhiên là Sơn ủng hộ việc cải tổ. Tuy nhiên Sơn nghĩ chưa đến thời điểm vì các thành viên còn chưa đủ giác ngộ. Vả lại thành lập Đảng CS ở Hongkong dễ gây chú ý cho chính quyền Quốc Dân Đảng tại Quảng châu. Tuy nhiên Cung không nghe và đưa ra đề nghị ngay tại ngày đại hội đầu tiên. Bị chủ tịch Lâm Đức Thụ từ chối thẳng thừng, Cung cùng với các đồng chí liền bỏ hội nghị về Bắc bộ lập ra Đông dương cộng sản Đảng (CPI), công khai chỉ trích Hội không tuân theo các quyết định của QTCS. Sau khi Cung bỏ đi, hội nghị tiếp tục họp và thông qua nghị quyết về sự cần thiết thành lập một Đảng CS ở Việt nam, tuy nhiên thời điểm chưa chín muồi do giai cấp công nhân còn quá yếu và thiếu một lý thuyết cách mạng. Hội nghị cũng chính thức đề nghị QTCS công nhận Hội.


Các nhà lãnh đạo Hội đã mắc sai lầm nghiêm trọng khi đánh giá thấp sự ủng hộ cho một đảng cộng sản từ phong trào cách mạng trong nước. Đông Dương CS Đảng (CPI) ra sức lùa các thành viên của Hội sang hàng ngũ của mình. Tháng 8, Hồ Tùng Mậu và Lê Quang Đạt ra tù ở Quảng châu và trở về Hongkong . Được sự ủng hộ của Sơn, họ bí mật thành lập tổ chức cộng sản bên trong Hội, gọi là An Nam cộng sản Đảng (ACP), cho Lâm Đức Thụ ra rìa. Những chi bộ đầu tiên của ACP được thành lập ở Nam bộ. Cùng tháng, Mậu gửi thư cho Cung đề nghị sát nhập, nhưng Cung từ chối vì “bận”. Bí quá, Mậu viện cả QTCS: “Nếu chúng ta có hai Đảng, 1 ở phía Nam, một ở phía Bắc, thì không hiểu quốc tế thứ Ba sẽ nghĩ thế nào?”.

Suốt năm 1929, các phe phái tiếp tục đả kích nhau với chiếc mũ mensevick”. Cuối tháng 10, CPI cử Đỗ Ngọc Du tới HongkongK để hoà giải mà không cần sự giúp đỡ của người ngoài. Tuy thế, do đã được dặn trước, Du cứ khăng khăng đòi ACP giải thể và các đảng viên sẽ gia nhập CPI. Lẽ dĩ nhiên là ACP từ chối. Trong khi đó, các đảng viên của Tân Việt ở miền Trung cũng gia tăng hoạt động. Họ đổi tên thành Đông dương cộng sản Liên đoàn, nhằm tránh sự đào tẩu của đảng viên sang hai đảng kia. Thế là ở Việt nam có 3 đảng cộng sản một lúc còn Hội thì chỉ còn cái vỏ. Cuối tháng 8, được tin Nguyễn Ái Quốc đang hoạt động ở Xiêm, Sơn cử Lê Duy Diễm liên lạc với Quốc, hy vọng rằng Quốc, như người sáng lập Hội có thể sử dụng uy tín và khả năng thuyết phục của mình để hoà giải giữa các phe phái.

Matxcova cũng phê phán kịch liệt “sự chần chừ và thiếu kiên quyết” của Hội và ra mặt ủng hộ CPI. QTCS nhấn mạnh sự cần thiết phải có ngay một đảng thống nhất để lãnh đạo phong trào tại Đông dương và hứa sẽ gửi đại diện đến làm trung gian. Giọng điệu của Matxxcova càng hưng phấn khi nghe thị trường chứng khoán NewYork sập, tiếp theo những vụ khủng hoảng ngân hàng tại Áo. Các nhà lãnh đạo Xô viết như cảm thấy thời khắc sụp đổ của chủ nghĩa tư bản toàn cầu đã điểm. Mùa thu 1928, Dalburo mở chi nhánh ở Thượng hải, gọi là Cục Viễn đông (FEB) . FEB đề xuất thành lập một tổ chức mới với trụ sở ở Sing để điều phối hoạt động các nhóm cộng sản ở Đông Nam Á, với tên gọi:“Liên hiệp các nhóm cộng sản”. ACP nắm được tin này qua các đồng chí Trung Quốc của mình và tỏ ra không hào hứng lắm. Đảng cộng sản Nam Dương, thành lập ở Sing giữa những năm 20, chủ yếu là dành cho người Hoa, vì thế chịu ảnh hưởng sâu sắc của Đảng CS Trung Quốc. ACP sợ rằng, Đảng CS Trung Quốc thực tế sẽ định hướng các hành động của họ. Họ cho rằng các đồng chí Trung Quốc thường chỉ quan tâm các vấn đề của mình và coi thường các dân tộc khác. Sơn gửi Lê Quang Đạt đến Thượng Hải để thuyết phục FEB trực tiếp lãnh đạo ACP. Ngày 16/12/1929 Hồ Tùng Mậu gặp phái viên của QTCS tại Hongkong. Phái viên này cho rằng cả 3 phe đều chưa xứng với danh hiệu “cộng sản” và nếu chưa có đảng thống nhất, hãy cứ để cho CPP lãnh đạo. ????


Tại Xiêm, Quốc được các đại biểu đi dự hội nghị 5/29 thông báo về sự chia rẽ trong Hội. Liền đó, tháng 9, Quốc viết một bức thư gửi cho CPI nói toẹt ra rằng, ông chỉ tin tưởng vào những người cộng sản, và để chứng tỏ lòng trung thành của mình với QTCS, CPI cần cử đại diện sang dự hội nghị dự kiến sẽ diễn ra ở Vladivostok vào đầu năm 1930. Lãnh đạo CPI chần chừ. Quốc đã hai lần định vượt biên giới về Việt nam nhưg phải hoãn vì bị cảnh sát
theo dõi quá sát sao. Khi ông đang chuẩn bị lần thứ ba thì phái viên từ Hôngkong đến (có thể là Lê Duy Diễm???) mang theo những tin tức khẩn cấp. Quốc liền đi Bangkok và từ đó đáp tàu đi Quảng châu.

Quốc đến Quảng châu 20/1/1930. Vì sợ cảnh sát Anh, Quốc viết thư mời các đồng chí của mình từ Hongkong. Tuy nhiên họ lại cho rằng gặp nhau ở Hongkong an toàn hơn vì cảnh sát Anh tỏ ra bao dung với các hoạt động của các ngoại kiều, miễn là đừng mất ổn định của Hongkong. Điều kiện sống ở Hongkong xem ra cũng tốt hơn ở Quảng châu. Người Hoa ở đây hiền hơn, thỉnh thoảng mới xảy ra bãi công. Hồ Tùng Mậu cử một đệ tử của mình hộ tống Quốc đến Hong kong và ở một khách sạn tại Cửu long. Ngay lập tức, Quốc đến nhà Lê Hồng Sơn và gặp các lãnh đạo của Hội. Ông đả kích họ đã xa rời quần chúng, miêu tả việc tách đảng như “trò trẻ con”. Quốc còn gặp với đại diện của CCP_ Đảng CS Trung Quốc. Sau đó, ông gửi thư mời ba phái cạnh tranh ở Đông Dương đến HongKong để chuẩn bị thành lập đảng mới.

***************************
* CPI - Đông Dương CS Đảng
* ACP - An Nam cộng sản Đảng
* FEB - Cục Viễn đông
* CCP - Đảng CS Trung Quốc


Cuối tháng Giêng, các đoàn ACP, CPI từ Đông dương lục đục kéo đến HK. Đại biểu của Liên đoàn bị bắt trên tàu thuỷ vì bị nghi đánh bạc. Ngày 3/2, Đại hội hợp nhất được diễn ra tại một căn nhà nhỏ ở khu phố nghèo của Cửu long, sau đó lại phải chuyển đến một sân vận động. Đại biểu của ACP là Châu Văn Liêm và Nguyễn Thiều, đại biểu CPI là Trịnh Đình Cừ và Nguyễn Đức Cảnh. Hồ Tùng Mậu và Lê Hồng Sơn đại diện cho Hội cũ. Đại hội diễn ra một cách êm thấm đáng ngạc nhiên. Quốc nhẹ nhàng chỉ trích tất cả các bên và nhấn mạnh sự cần thiết phải đoàn kết. Hoá ra các mâu thuẫn kịch liệt chỉ là biểu hiện của tự ái cá nhân. Miền bắc thì chê miền nam lười và dễ tính, miền nam lại chê miền bắc khắc khổ và ương ngạnh. Cả hai đều không bằng lòng với việc các đồng chí Nghệ An chiếm hết vị trí lãnh đạo. Để tránh phiền phức, Quốc sử dụng uy tín QTCS của mình đề xuất giải tán tất cả các tổ chức hiện tại, lập ra đảng mới và được tán thành tức thì. Chỉ còn một vấn đề là đảng mới sẽ lấy tên là gì. Nhưng điều này Quốc cũng đã lo trước, ông bỏ cả Đông dương, An nam và sử dụng lại chữ Việt nam của triều Nguyễn, đảng mới sẽ có tên là Đảng cộng sản Việt nam (VCP). Phần còn lại của Đại hội diễn ra trong không khí đoàn kết và thân ái tiếp tục thông qua điều lệ và cương lĩnh của Đảng.

Cần phải nhắc lại rằng Quốc đã được báo cáo về Đại hội 6 của QTCS và những thay đổi về đường lối của phong trào, tuy nhiên ông không nhận được bức thư phê phán của QTCS trực tiếp gửi Hội năm 1929 thông qua FCP. Mặc dù thừa nhận rằng ở Việt nam chỉ có thể diễn ra cách mạng dân chủ tư sản, QTCS vẫn nhấn mạnh giai cấp công nhân phải giữ vai trò lãnh đạo và đấu tranh với tất cả các biểu hiện của bọn “dân tộc xét lại”. Lý thuyết cách mạng hai giai đoạn của Lê nin được Hội kế tục cũng bị đả kích là “kìm hãm và làm suy yếu quần chúng”. Cuối cùng bức thư kết luận: “không cần phải đợi đến khi ACP được tái tổ chức mới có thể phát động quần chúng nổi dậy”.
Chịu ảnh hưởng của sự thay đổi đường lối của QTCS, Lời kêu gọi của đại hội thống nhất tuy vẫn được gửi cho toàn thể nhân dân (công nhân, nông dân, binh lính, sinh viên học sinh và tất cả anh chị em bị áp bức bóc lột) Việt nam, nhưng đã xoá đi quan điểm của Quốc về liên minh công-nông chiến lược. Lời kêu gọi công khai nhấn mạnh đây là “Đảng của giai cấp vô sản”, có nhiệm vụ lật đổ “chế độ thực dân đế quốc, tàn dư phong kiến và các lực lượng tư sản phản cách mạng”, lập nên nhà nước “công nông binh” dần dần chuyển tiếp thành nhà nước XHCN. Dù thế, Quốc cũng không dễ dàng từ bỏ đường lối thành lập mặt trận rộng rãi của Lenin. Tài liệu chiến lược mới của đảng mới đòi hỏi phải lôi kéo sự ủng hộ của trung nông, trí thức, tiểu tư sản và các nhóm dân tộc như đảng Hy vọng Thanh niên của Nguyễn An Ninh. Chỉ có đảng Hiến pháp của Bùi Quang Chiêu là bị coi là rõ ràng “phản động”. Chính sự trung thành với Lê nin này sẽ mang lại cho Quốc rất nhiều sự rắc rối trong thời gian sắp tới.

Trong thư gửi Hilary Noulens, đại diện cho FEB (Far East Buro), Quốc miêu tả: “Từ quả trứng Thanh niên cách mạng đồng chí Hội, đã nở ra Đảng cộng sản Việt nam. Một tổ chức tuy còn non trẻ nhưng được tổ chức tốt nhất, có hiệu quả nhất và sẽ tiến bộ nhanh chóng”. Đảng có 204 đảng viên ở Bắc và Trung bộ, 51 tại Nam bộ, 15 ở Trung quốc và 40 ở Xiêm. Trong các tổ chức sinh viên, học sinh, nông dân, Đảng có khoảng 3500 môn đồ. Thanh kiếm thần mà Lê Lợi đã dùng để đánh tan quân xâm lược từ thế kỷ 15, giờ đây đang nằm trong tầm tay của Quốc.

*****************************

* CPI - Đông Dương CS Đảng
* ACP - An Nam cộng sản Đảng
* FEB - Cục Viễn đông
* CCP - Đảng CS Trung Quốc
* VCP - Đảng cộng sản Việt nam
 
6. Nghệ Tĩnh đỏ


Đảng cộng sản Việt nam ra đời, thỏa mãn ước mơ của Quốc khi rời quê hương cách đây 21 năm, tìm một con đường để giải phóng đất nước. Cùng với cuộc đại khủng hoảng đang diễn ra ở thế giới tư bản, phong trào cách mạng ở Đông dương có vẻ như minh chứng cho dự báo của QTCS về ngày huy hoàng sắp đến của cách mạng thế giới. Tuy nhiên, với Quốc, có nhiều câu hỏi cần phải trả lời. Liệu đảng mới sẽ thuộc đảng bộ sắp được thành lập tại Singapore hay sẽ báo cáo trực tiếp cho văn phòng FEB tại Thượng Hải? Liệu Quốc sẽ tiếp tục đóng vai trò đại diện của QTCS hay sẽ trực tiếp lãnh đạo Đảng? Nếu lãnh đạo thì sẽ đóng ở đâu vì nếu Quốc về Đông dương, sẽ bị bắt và xử ngay.

Ngày 13/2, bất chấp cái lạnh, Quốc đi Thượng hải để liên lạc với Hilaire Noulens tại trụ sở của FEB trong một biệt thự châu Âu trên phố Nam kinh náo nhiệt. Gặp Noulens không phải là việc dễ. Ngày 18, Quốc viết thư cho Nou, giọng rất bức xúc:
Tôi phải gặp đồng chí ngay, bởi vì
1/ báo cáo này đã viết 2 ngày vẫn chưa đến được tay đc;
2/ Mọi việc có thể giải quyết trong 1 giờ mà tôi đã ở đây 5 ngày rồi;
3/ tôi buộc phải ngồi không trong khi công việc chỗ khác đang chờ.

Trong bức thư, Quốc cũng kiên quyết phản đối quan điểm của QTCS về việc thành lập các đảng khu vực, bỏ qua yếu tố dân tộc. Quốc không đồng ý để VCP thuộc đảng bộ Đông Nam A, cho rằng Việt nam cần phải có một đảng độc lập, báo cáo cho FEB qua văn phòng Hồng kông. Có vẻ như cuối cùng Quốc cũng gặp được Nou và thuyết phục Nou đồng ý với quan điểm của mình, vì sau đó vài ngày Quốc báo cáo với Dalburo ở Moscow. Nhưng vẫn còn một vài khúc mắc:
Tôi không rõ vai trò của mình. Tôi là thành viên Đảng CS Pháp hay Việt nam. Khi chưa có lệnh mới, tôi sẽ tiếp tục làm việc với VCP. Nhưng dưới danh nghĩa nào? Tôi không thể về Đông dương vì đã có bản án tử hình vắng mặt. Liệu vai trò của tôi với QTCS đã chấm dứt? Nếu không, tôi có thể liên lạc với văn phòng địa phương được không? Rất mong Ban chấp hành xem xét nhanh.

Trước khi rời Thượng hải, Quốc gặp Nguyễn Lương Bằng, một tay chân cũ từ thời ở Quảng đông. Quốc dặn Bằng tìm cách tuyên truyền, thu phục gần 4000 lính Việt nam hiện đang đóng trong khu nhượng địa Pháp. Quốc còn nhấn mạnh việc giữ vững quan hệ với Đảng CS Trung Quốc. Sau đó Quốc về Hongkong thành lập văn phòng phía Nam của FEB, đợi lệnh mới. Văn phòng này được đặt trong một ngôi nhà 2 tầng ở đảo HongKong, dưới danh nghĩa một hãng buôn. Quốc thuê một căn hộ gần sân bay ở Cửu long, hoạt động với tên gọi nhà báo Vương. Văn phòng có trách nhiệm liên lạc với các đảng ở Đông Nam Á: Thái, Sing và Việt nam

Cuối tháng 3, Quốc đi tour trong khu vực với nhiệm vụ khôi phục tổ chức ở Nam Dương. Tại Thái lan, Quốc qua Udon Thani, thông báo về việc thành lập VCP. Theo lời của Hoàng Văn Hoan, Quốc kêu gọi các thành viên của Hội tham gia tích cực vào các hoạt động của đảng CS Thái sắp được thành lập. Để trấn an tâm lý bất ổn vì không được tham gia trực tiếp vào giải phóng VietNam, Quốc khuyên nên tổ chức Hội thành văn phòng tỉnh của VCP. Cuối thàng 4, Quốc quay trở về Băng Cốc chủ tọa hội nghị thành lập đảng CS Thái, bầu ban chấp hành lâm thời với 1 đại biểu Việt nam từ Udon Thani. Sau đó Quốc đi Malaya và Sing, dự hội nghị đảng Nam Dương, cải tổ thành đảng CS Malayan. Cả hai đảng mới đều báo cáo cho FEB qua văn phòng HongKong. Quốc quay về HongKong giữa tháng 5

*****************

* FEB - Cục Viễn đông
* CCP - Đảng CS Trung Quốc
* VCP - Đảng cộng sản Việt Nam .


Trong khi Quốc bận rộn “đỡ đẻ” cho các đảng mới, tình hình Việt nam nhanh chóng trở nên căng thẳng. Đầu tiên là cuộc khởi nghĩa của Vietnam Quốc Dân Đảng vào đầu tháng 2. Bỏ qua những nguyên tắc của Lenin về việc vận động quần chúng, xây dựng cơ sở, Vietnam Quốc Dân Đảng dựa vào một lớp các nhà cách mạng tinh túy, dự kiến sử dụng khởi nghĩa vũ trang để lật đổ Pháp, với sự hậu thuẫn của các binh sĩ phản chiến. Quân đội viễn chinh Pháp, do Toàn quyền Ly Myre thành lập từ năm 1879, có khoảng 30,000 quân, với khoảng 2/3 là dân địa phương. Đội quân này được chia thành 31 tiểu đoàn do các sĩ quan Pháp chỉ huy. Ngoài ra còn khoảng 15,000 dân quân do hạ sĩ quan Pháp chỉ huy. Đa phần lính Việt nam là do các chức sắc trong làng bắt đi, chẳng có cảm tình gì với Pháp. Đến cuối những năm 20, tâm lý ghét Pháp trong binh sĩ dâng cao, là mảnh đất màu mỡ để gieo tinh thần dân tộc chủ nghĩa. Từ năm 1929, Quốc Dân Đảng đã bắt đầu tàng trữ vũ khí tại nhiều địa điểm trên cả nước. Đáng tiếc là Pháp đã phát hiện và tiêu hủy phần lớn. Sau đó vấn đề thêm căng thẳng. Một chủ đồn điền Pháp bị ám sát trên đường phố Hà nội khi vừa bước ra cửa nhà người tình. Chính quyền nghi ngờ Quốc Dân Đảng đứng đằng sau, lập tức vây bắt hàng trăm lãnh đạo đảng và những người ủng hộ. Lo ngại trước nguy cơ bị tiêu diệt,Quốc Dân Đảng quyết định ra tay nhanh. Lúc đó, họ đã có khoảng 1000 cơ sở trong các trại lính ở Bắc bộ. Đầu tháng 2, cuộc binh biến nổ ra ở một số đồn ở trung du Bắc bộ, quan trọng nhất là ở Yên bái. Kế hoạch đầu độc các sĩ quan Pháp bị một tên chỉ điểm tuồn cho Pháp. Viên chỉ huy trại lính đã đề phòng và khi cuộc bạo động nổ ra vào giữa đêm, quân Pháp đã được chuẩn bị. Đến đầu giờ sáng thì Pháp đã kiểm soát được tình hình. Cuộc nổi dậy ở một số địa điểm khác cũng nhanh chóng bị dập tắt. Rất nhiều lãnh đạo bị bắt. Ngày 17/6, 13 kẻ cầm đầu bị xử tử tại Yên bái.

Cuộc khởi nghĩa đã thất bại ngay từ đầu về nguyên tắc, khi không có những biện pháp kích động dân chúng tham gia, cũng không có phương án “tẩu vi” khi gặp sự cố. Liên lạc cũng bị cắt đứt ở phút cuối, dẫn đến sự thiếu đồng bộ trong hành động. Quan trọng hơn nữa là cuộc khởi nghĩa không được sự ủng hộ của dân chúng trong toàn quốc. Các lãnh đạo thoát chết chạy trốn sang Trung quốc và bị phân rã thành 2 nhánh: một nhánh vẫn trung thành với chủ trương khởi nghĩa vũ trang, nhánh kia thì nghiêng về cải cách hòa hoãn.

Trên thực tế thì tình hình Đông dương đang chứa đựng nhiều dấu hiệu bất ổn. Đầu tiên là trong giới học trò. Mặc dù số lượng học sinh liên tục tăng (đầu năm 1930, cả nước có 7000 trường công với gần 340,000 học sinh), bất mãn vẫn không ngừng gia tăng do thiếu điều kiện học lên. Chỉ có khoảng 5000 học sinh ở cấp trung học và khoảng 500 được vào học tại đại học duy nhất ở Hà nội. Việc làm sau khi học xong càng không có, lương thì thấp hơn hẳn các đồng cấp châu Âu, làm tăng thêm tinh thần chống sự thống trị của ngoại quốc. Khi phong trào học sinh tạm lắng xuống cuối những năm 20, đến lượt công nhân nổi dậy. Công nghiệp phát triển mạnh kể từ sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất, nhưng chỉ có giới chủ được hưởng lợi. Cuối những năm 20, giai cấp công nhân Việt nam có 200,000 người, trong đó đã có 50,000 làm việc trong các khu mỏ ở miền Đông bắc. Tình cảnh của công nhân làm việc tại các đồn điền chè và cao su ở Tây nguyên và dọc biên giới Campuchia, hết sức khốn khổ:

Tất cả đều phải dậy từ 4h sáng mà nhiều người vẫn chưa kịp ăn sáng. Kẻng tập trung lúc 5h và không ai được muộn. 20 phút tập trung là một cực hình vì bọn chủ tìm mọi cớ để đánh đập, chửi bới. Sau đó tất cả phải ra đồn điền, mỗi người phải cạo mủ từ khoảng 280 đến 350 gốc. Ai không đủ tiêu chuẩn sẽ bị đánh, nếu không có tiền nộp chuộc. Chiều về, phải phục dịch chủ, dọn dẹp nhà cửa. Cuộc sống đúng là: “con không biết mặt cha, chó không biết mặt chủ”.


Thực tế châu Âu cho thấy điều kiện trong xã hội tiền công nghiệp không bao giờ dễ chịu. Việt nam cũng không phải là ngoại lệ. Công nhân các “nhà hàng mồ hôi” ở Nam định, Hải phòng, hầm mỏ Quảng ninh hay các đồn điền miền Nam đều cùng khổ như nhau. Việc tuyển dụng cũng không hẳn là tự nguyện. Các băng nhóm tội phạm nhiều khi rình bắt người trên đường rồi tống thẳng đến các nhà máy. Một số nông dân không đủ tiền nộp tô cho địa chủ trốn ra thành phố. Nhưng cũng chẳng hơn gì. Đồng lương thì chết đói. Bạo lực tràn lan. Charles Dickens mà còn sống hẳn sẽ rất hiểu cuộc sống này.

Rồi cuộc đại khủng hoảng xảy ra. Tư bản Pháp bỏ chạy. Hơn một nửa số nhân viên phải ra đường. Có người chạy về quê cuống quít tìm đường sống. Nhiều người biểu tình phản đối. Bãi công nổ ra tràn lan. Có trường hợp là do Tân Việt hoặc Thanh niên Hội xúi giục, nhưng đa số là tự phát. Tháng ba/1930, công nhân đồn điền Phú riềng nổi loạn. Vài tuần sau đến lượt nhà máy dệt Nam định, rồi Diêm Bến thủy. Pháp thẳng tay dẹp loạn. Đã có nngười chết, nhiều người bị thương. Tình hình đặc biệt nghiêm trọng ở Vinh. Rất nhiều công nhân có nguồn gốc từ những địa phương lân cận, dẫn đến sự bất mãn cao độ ở nông thôn. Hàng ngàn nông dân Thanh chương đã tràn vào đập phá đồn điền và treo cờ đỏ búa liềm. Lính lê dương Pháp đàn áp giết hàng chục người.

Từ cuối năm 1929, Đông Dương CS Đảng đã cử một đảng viên kỳ cựu của mình là Nguyễn Phong Sắc về nằm vùng ở nhà máy Diêm Bến thủy. Vài tuần ngay sau Hội nghị thành lập tháng 2/1930, Tỉnh ủy Nghệ an rồi các chi bộ địa phương liên tiếp được thành lập và hầu như hoạt động tự do vì Pháp không để ý, còn quan lại địa phương thì sợ. Các cán bộ địa phương tự chủ hoạt động mà không cần bất cứ sự lãnh đạo nào từ TƯ, tiếp tục thổi ngọn lửa cách mạng.

Đến đầu tháng 9, tình hình bắt đầu vượt khỏi tầm kiểm soát. Nông dân các huyện dọc sông Cả nổi dậy cướp chính quyền, tổ chức theo kiểu Liên xô thành các Xô-viết, chủ yếu là từ thành phần nông dân nghèo. Chính quyền mới lập tức xóa bỏ các loại sưu thuế, lấy lại ruộng đất từ tay địa chủ để chia cho dân nghèo. Công nhân Bến thủy và học sinh Huế đồng loạt biểu tình ủng hộ. Lo sợ, Pháp lập tức tăng cường quân lê dương để hỗ trợ quân triều đình. Ngày 12/9 khi hàng ngàn người từ Yên Xuyên đổ về Vinh để chiếm trụ sở ngân hàng Đông dương, máy bay Pháp đã ném bom thẳng vào đoàn người. Con đường từ Yên xuyên về Vinh đẫm máu và xác người.

Trong lúc Nghệ Tĩnh đang bạo loạn, Đảng bộ địa phương đang bối rối không biết phải hành động thế nào, tại Hongkong, những lãnh đạo cao cấp ráo riết chuẩn bị cho Hội nghị toàn thể trung ương lần thứ nhất. Cuối tháng 9, đoàn Nam bộ đến nơi nhưng chẳng thấy dấu hiệu gì của đoàn Bắc và Trung bộ. Được sự đồng ý của Quốc, anh em định bỏ về, thì thật may mắn có mấy đại biểu của Bắc kỳ đến từ Hải phòng ngay trước giờ lên đường. Tất cả quyết định vẫn tiếp tục hội nghị. Quốc và Trần Phú đi Thượng hải để tư vấn với Noulens. Đầu tháng 10, Phú quay về. Quốc ở lại thêm vài ngày rồi trở về HongKong trên một con tàu Mỹ.

Ngày 20/10, Hội nghị khai mạc tại một căn hộ nhỏ ở phố Khai Y, đảo HongKong. Nhờ trời, đến lúc này, đại biểu 3 miền đều có mặt, trừ một đại biểu đã đến được HongKong nhưng lại bị lạc vì không tìm được địa điểm
24.gif
. Quốc vừa là chủ tịch vừa là đại diện của QTCS. Trong số đại biểu, có một thiếu nữ da nâu, hấp dẫn. Đó chính là Nguyễn Thị Minh Khai, được cử sang giúp cho Quốc tại Văn phòng miền Nam từ tháng 4/1930. Chủ đề chủ yếu của Hội nghị là thảo luận cương lĩnh chính trị chính thức thay thế đề cương tạm thời do Quốc soạn thảo tại Hội nghị thống nhất hồi tháng 2. Đề cương của Quốc thừa hưởng từ cương lĩnh của Thanh niên Hội nên hiển nhiên là có một số điểm không trùng với quan điểm chính thống của Matxcova tại thời điểm này, tỷ như vai trò chính thống của giai cấp công nhân hoặc kế hoạch cách mạng 2 giai đoạn của Lênin. Đa số các đại biểu đã chấp nhận quan điểm của Matxcova, thay thế cho những “khiếm khuyết” của đề cương tạm thời của Quốc. Ngày 9/12, Ban chấp hành TƯ mới ra thông tư (chắc là do Phú thảo), đả kích quan điểm mặt trận thống nhất bao gồm cả những phần tử tư sản của hội nghị tháng 2. Thông tư cũng phê phán chủ trương hợp nhất bình đẳng, cho rằng lẽ ra phải chọn những thành phần ưu tú nhất của mỗi phái.

Cương lĩnh chính trị mới đề nghị thành lập mặt trận phản đế, do công nhân lãnh đạo, kết hợp với bần nông và trung nông. Mặt trận không cấm các phần tử tư sản, nhưng cương lĩnh cảnh báo, phải hết sức cẩn thận với bọn này. Đảng có thể hợp tác với các đảng dân tộc khác, nhưng phải chống lại quan điểm “dân tộc hẹp hòi” của các đảng này, và tiêu diệt ảnh hưởng của chúng đến quần chúng. Cương lĩnh cũng đề xuất khai trừ những phần tử chủ trương khủng bố, ám sát, coi thường quần chúng. Chủ trương này chắc chắn được sự ủng hộ của Quốc, vì ông đã phát biểu tương tự khi nhận xét cuộc khởi nghĩa Yên bái. Một kết quả nữa của hội nghị tháng 10 là việc đổi tên đảng từ đảng cộng sản Việt nam thành đảng cộng sản Đông dương do sức ép của Liên xô. Rõ ràng là Matxcova cho rằng chữ “Việt nam” quá “dân tộc chủ nghĩa” không phù hợp với “cách mạng thế giới”. QTCS cũng đang kêu gọi những nước nhỏ thành lập những đảng khu vực.


Tình hình bạo loạn ở miền Trung cũng đã gây chú ý. Đến lúc đó gần như mọi sự ngã ngũ, cuộc nổi dậy chỉ diễn ra lẻ tẻ ở vài huyện. Nông dân, công nhân, tầng lớp thị dân, thậm chí cả dân nghèo miền Bắc cũng tỏ thái độ thờ ơ, không nổi dậy hưởng ứng. Nghị quyết hội nghị kêu gọi các lãnh đạo địa phương tìm mọi cách để mở rộng phạm vi ảnh hưởng trong cả nước, và chỉ thị không được manh động, sử dụng bạo lực mù quáng. Một thông điệp gửi riêng cho đảng bộ Nghệ tĩnh nêu rõ:

Nếu quần chúng đứng lên tự phát, đảng đương nhiên phải lãnh đạo. Trường hợp này, có bằng chứng cho thấy đảng bộ địa phương đã chủ động “giật dây”, và đấy là một sai lầm chết người:
1/ Tình hình cách mạng và nhận thức quần chúng chưa chín muồi ở nhiều địa phương.
2/ Tại một số xã, phong trào mạnh thì lại quá thiếu vũ khí.

Hội nghị đã bầu Ban chấp hành TƯ và Ban thường vụ gồm Trần Phú, Nguyễn Trọng Nghĩa và Nguyễn Phong Sắc (mặc dù ông này không dự). Trần Phú còn được bầu làm Tổng bí thư. Quốc tiếp tục là đại diện cho QTCS. Ban đầu Ban thường vụ định đóng ở Hải phòng, nhưng sau chyển vào Sài gòn do lý do an ninh. Quốc không thể không biết rằng những quyết định của Hội nghị lần này đã mâu thuẫn rõ ràng và thậm chí trắng trợn với những tư tưởng và phong cách lãnh đạo của mình. Nhiều chỉ trích hoàn toàn không có cơ sở. Từ thời lãnh đạo Thanh niên Hội, Quốc đã cố gắng nâng cao trình độ nhận thức tư tưởng của các thành viên. Bây giờ khi các thành viên trẻ hơn cáo buộc về tội yếu kém về tư tưởng, chắc Quốc rất đau. Trên thực tế, quan điểm mới của QTCS không những không phù hợp với Quốc mà còn là bước lùi so với những tư tưởng của Lenin đầu những năm 20. Quốc đã chấp nhận tất cả với một thái độ nhã nhặn: “lắng nghe và tôn trọng ý kiến người khác” và viết báo cáo gửi cho Noulens sau khi hội nghị kết thúc.

Vào cuối thu và mùa đông năm 1930-1931, Pháp tăng cường đàn áp. Biểu tình bị dập tắt ngay lập tức, quân đội tràn vào chiếm đóng những làng xã ủng hộ biểu tình. Đảng bộ các tỉnh miền Trung báo cáo tinh thần dân chúng xuống thấp. Những phần tử tích cực cuống quýt quay sang các biện pháp như ám sát hoặc khủng bố để trấn áp dân chúng. Pháp càng đàn áp dữ hơn. Ban thường vụ cũng lúng túng, chỉ thị: ”chúng ta không có máy bay,không có quân đội để ứng cứu. Nhưng tuyệt đối không được hoảng loạn”. Tại Hongkong, Quốc cũng hết sức cố gắng để lôi kéo sự chú ý của thế giới. Trong báo cáo gửi cho Moscow, Quốc nói suốt ngày gõ cửa các đồng chí ở văn phòng FEB tại Thượng hải, để kêu gọi các đảng khác ủng hộ phong trào tại Việt nam. Trong một bài báo viết năm 1931, có tên “Nghệ Tĩnh đỏ”, Quốc ca ngợi sự kết hợp của công nhân với nông dân và kết luận, cuộc nổi dậy xứng đáng được tô màu “đỏ”.

Quốc cũng hết sức băn khoăn về khả năng của mình có thể tham gia tích cực vào việc lãnh đạo phong trào. Mâu thuẫn với Trần Phú ngày càng căng thẳng. Phú thẳng cánh chỉ trích quan điểm “dân tộc” của Quốc, phản bội lại những tư tưởng của QTCS. Phú cũng không dấu diếm tham vọng kiểm soát đảng trong tương lai. Trong một lá thư gửi Quốc tháng Giêng năm 1931, Phú kêu ca về sự mất liên lạc với văn phòng FEB tại Thượng hải và cho rằng Quốc chính là thủ phạm. Phú viết, nếu Quốc không thể đảm bảo được liên lạc, thì văn phòng ở Hongkong có vai trò gì? Mặc dù rất khó chịu với giọng điệu “bề trên” của Phú, Quốc vẫn tìm cách bắt liên lạc với Thượng hải và thúc giục Noulens nhanh chóng có những chỉ thị cho phong trào ở Việt nam.

*********************
FEB - Cục Viễn đông


Đầu tháng 3, Joseph Ducroux, điệp vụ của QTCS dưới tên gọi Serge Lefranc đến HongKong để gặp Quốc trong chuyến đi thị sát khu vực. Quốc và Lefranc quen nhau từ đầu những năm 1920 khi cùng tham gia Liên đoàn cộng sản trẻ tại Paris. Lefranc cho rằng sử dụng Quốc chỉ với mục đích liên lạc và phiên dịch thì quá phí và đề nghị chuyển Quốc về văn phòng Thượng hải, trực tiếp chỉ đạo Đông dương. Hai tuần sau, Lefranc đến Sài gòn. Ngày 23, Ngô Đức Trí, thành viên Ban thường vụ mới, từng gặp Lefranc khi học tại trường Stalin, gặp Lefranc tại khách sạn Sài gòn Palace. Ngày hôm sau, Lefranc gặp 2 thành viên còn lại tại nhà Phú, chuyển tiền và hứa Noulens sẽ sớm gặp ban lãnh đạo Đảng CS Đông Dương. Lefranc cũng thông báo việc chuyển Quốc về Thượng hải. Sau khi gửi bưu thiếp cho Quốc, Lefranc rời Sài gòn ngày 27.

Cảnh sát Pháp bắt đầu thành công trong việc truy quét, bắt bớ những phần tử cộng sản đầu sỏ, từ đó tra khảo ra những đầu mối khác. Nội bộ phong trào bắt đầu có hiện tượng rối loạn, nghi kỵ lẫn nhau. Thậm chí khi Nguyễn Đức Cảnh bị bắt năm 1929, đảng bộ miền Trung đã quyết định ám sát ông này trong nhà tù để khỏi khai lung tung. Cuối tháng 3/1931, Trần Phú triệu tập hội nghị trung ương lần thứ hai tại Sài Gòn.Không rõ là hội nghị bàn về vấn đề gì nhưng thấy nghị quyết dũng cảm tuyên bố nhờ tình hình thế giới
thuận lợi và những cố gắng của đảng, phong trào vẫn phát triển mạnh mẽ. Hội nghị cũng thừa nhận những vấn đề nghiêm trọng đang tồn tại. Vai trò lãnh đạo của đảng tại Bắc kỳ rất yếu, do tư tưởng “tiểu tư sản” bị thừa hưởng từ Thanh niên Hội, không thâm nhập được vào giai cấp nông dân và công nhân. Vài ngày sau hội nghị, cảnh sát bất thình lình ập vào ngôi nhà Ban thường vụ đang họp kín với đại diện các địa phương ở Nam bộ. Tất cả đều bị bắt, trừ Trần Phú đúng lúc đó đang ra vườn đi vệ sinh nên đã kịp thoát ra cổng sau. Trong tù, Ngô Đức Trí không chịu được tra tấn đã khai ra tuốt tuột. Đến ngày 17/4, trong ban lãnh đạo đảng, chỉ còn Trần Phú tự do.

Cùng ngày, Phú viết thư cho văn phòng FEB - Cục Viễn đông , buộc tội những đảng viên nòng cốt Bắc kỳ và Trung kỳ, vẫn bị ảnh hưởng của giới lãnh đạo cũ, chống đối lại đường lối mới, dẫn đến thảm họa hiện tại. Tuy nhiên Phú vẫn lạc quan thông báo, hiện tại đảng đã có tới 2400 đảng viên so với 1500 hồi tháng 10; hơn 63000 nông dân đã tham gia cách mạng, so với chỉ có 2800 mùa thu năm trước. Đảng sẽ phát triển và cần tiền, Phú kết luận. Trước đó vài ngày, Noulens đã viết thư phê phán Quốc ở HongKong không cung cấp đầy đủ các thông tin về tình hình ở Đông dương, chẳng hạn tại sao lãnh đạo bị bắt và trong hoàn cảnh nào? Để FEB có thể rút ra những kinh nghiệm và bài học. Noulens cho rằng việc chuyển Quốc về Thượng hải tại thời điểm này là không hiện thực và cần chuẩn bị kỹ lưỡng hơn nữa. Ngày 20/4, Quốc viết cho Ban thường vụ ở Sài gòn, chuyển tải những yêu cầu của Noulens. Ngày 24/4 Quốc viết cho Phú, kêu ca về vai trò của mình chẳng khác gì “hộp thư”, và sẵn sàng làm nhiệm vụ khác. Trong mọi trường hợp Quốc nhấn mạnh vai trò của việc bảo đảm thông tin đầy đủ. Nhưng Phú không bao giờ nhận được những bức thư này. Ngày 18/4 Phú bị bắt. Mấy tháng sau, Phú chết trong tù. Có nguồn tin nói là do lao phổi, nguồn khác lại cho rằng do tra tấn. Ngô Đức Trí và Nguyễn Trọng Nghĩa đang ngồi tù. Nguyễn Phong Sắc bị hành hình trong tháng 4. Ban lãnh đạo đảng trong Đông dương hoàn toàn bị tan rã.


Theo báo cáo của Surête, cuối mùa xuân năm 1931, hơn 2000 người đã bị hành hình, 51000 thành viên của phong trào bị bắt. Thêm vào đó là hạn hán trong các tỉnh miền Trung dẫn đến mất mùa. Hơn 90% dân Nam đàn, Nghệ an có nguy cơ chết đói. Ngay cả những người ôn hòa như Bùi Quang Chiêu cũng phải viết trên tờ La Tribune Indochinoise: miền Trung đang yên tĩnh, nhưng đó là sự im lặng của chết chóc.

Ngày 12/5/1931, Noulens gửi cho Quốc bản đánh giá có tính phê phán tình hình Đông dương. Noulens phê phán lãnh đạo đảng đã không tuân thủ nghiêm ngặt những chỉ dẫn của QTCS. Đặc biệt là chủ nghĩa “anh hùng quá khích”, nổi dậy vội vã, bắn cảnh sát hay những hành động khủng bộ khác đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến phong trào. Họp hành thì dài dòng và thoải mái, không có những biện pháp bảo mật. Thiếu những biện pháp giáo dục và tổ chức quần chúng. Cuối cùng Noulens hứa sẽ báo cáo tình hình Đông dương cho phong trào cách mạng thế giới và dặn “Tìm mọi cách viết cho chúng tôi về hoạt động, thành tích và thất bại của các bạn”

Trong lúc chờ đợi phân công công tác mới, Quốc sống trong một căn hộ nhỏ ở bán đảo Cửu long và sa vào quan hệ tình ái với Nguyễn Thị Minh Khai.????? Cũng như Quốc, Duy (tên hoạt động của Nguyễn Thị Minh Khai) là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại. Cô sinh năm 1910 tại một gia đình danh giá ở Hà đông. Ông nội Duy là một quan chức triều đình ở Bắc giang, đã đậu đến Phó bảng. Bố Duy, ông Nguyễn Văn Bình, sau khi thi trượt, chấp nhận làm một nhân viên hỏa xa ở Vinh năm 1907. 14 tuổi, khi vào trường trung học, Duy được Trần Phú truyền bá những tư tưởng cách mạng. Năng nổ và xinh xắn, cô lập tức được Quốc chú ý ngay khi đến Hong kong. Không có nhiều tài liệu viết về mối tình Quốc-Khai và cũng không rõ họ có cưới nhau chính thức hay không?

Cuộc hôn nhân của Quốc với Tăng Tuyết Minh coi như tan vỡ sau khi Quốc bỏ trốn năm 1927, mặc dù có một số chứng cớ cho thấy Minh đã gặp Quốc tại HongKong đầu những năm 1930. Lâm Đức Thụ đã khai với mật thám Pháp là Minh chê Quốc già, và đồng ý lấy Quốc chỉ vì tiền???? Trong một bức thư nhờ Thụ chuyển cho Minh, Quốc viết: “Mặc dù chúng ta xa nhau và không nói ra nhưng tình cảm vẫn nguyên vẹn. Cho anh gửi lời hỏi thăm tới mẹ em”. Mùa xuân năm 1931, Quốc xin phép văn phòng FEB được cưới Nguyễn Thị Minh Khai. Noulens trả lời phải báo trước cho ông ta hai tháng trước khi làm đám cưới. Không may, ngay sau đó Khai bị cảnh sát HongKong bắt vì nghi ngờ hoạt động chống phá. Nhờ tự khai là công dân Trung Quốc dưới cái tên Trần Thái Lan, Khai bị di lý về Quảng đông, tống giam vài tháng rồi được thả ra vì thiếu chứng cớ. Khoảng cuối tháng 4, đầu tháng 5, Quốc viết thư cho Noulens thông báo vắn tắt một đồng chí trong đội liên lạc bị bắt. Sau đó lại nhắc lại đề nghị được chuyển công tác.

Cùng thời điểm, Lefranc vẫn tiếp tục chuyến đi của mình đến Singapore để tiếp xúc và thu nhập thông tin với các thành viên của đảng cộng sản Malayan - MCP. Cả Quốc lẫn Noulens đều đang rất cần những thông tin này. Do được Quốc báo trước, một lãnh đạo của MCP là Phú Đại Thanh, chiến hữu của Quốc khi thành lập đảng ở Xiêm, đã hẹn gặp Lefrance tại Collier’s Quay. Cảnh sát Anh đã theo dõi Lefranc từ lâu và mất dấu ông này ở Ấn và Xrilanca. Lần này thì chúng gặp may. Phú đang bị cảnh sát bám sát vì quan hệ với một đảng viên người Indonexia Tan Malaka. Khi được biết là Phú sẽ gặp một điệp viên từ châu Âu sang có tên là Lefranc, cảnh sát nghi ngờ ngay đó chính là Joseph Ducroux, đã được London báo từ trước. Sau khi bắt giữ cả hai, cảnh sát đã lục soát phòng ngủ và thu tất cả các giấy tờ của Lefranc, trong đó có cả bưu thiếp của Quốc (dưới tên T.V. Wong) và Noulens. Lefranc và đồng phạm bị xét xử và tống giam tại Sing, còn thông tin về Quốc và Noulens ngay lập tức được báo về Thượng hải và Hong kong.

2:00 giờ sáng ngày 6/6, cảnh sát HongKong ập vào một căn hộ trên bán đảo Cửu long, bắt đi trên tầng 2 một người đàn ông có tên là Tống và một phụ nữ trẻ tự xưng là cháu của ông ta và có tên là Lý Sâm. Dựa trên những tài liệu, truyền đơn thu được, cảnh sát đã xâc định đó chính là điệp vụ của QTCS Nguyễn Ái Quốc, còn người phụ nữ là Lý ưng Thuận, vợ của Hồ Tùng Mậu. Cuộc sống phút chốc bị đảo lộn. Mọi quan hệ với trong nước bị cắt đứt. Đe dọa nhãn tiền là bị dẫn độ cho Pháp và triều đình Annam. Tương lai vô cùng bất định!


7.Mất hút


Năm 1931 là năm các chính quyền thuộc địa tại Đông Á ra tay ngăn chặn làn sóng cộng sản đang dấy lên. Tháng 6, cảnh sát Singapore bắt Serge Lefranc, đặc vụ của QTCS đang đi tour khu vực Đông Nam A theo chỉ thị của văn phòng Thượng hải. Ngày 5/6, phái viên của Đảng CS Đông Dương tại FEB Lê Quang Đạt bị bắt tại nhượng địa Pháp ở Thượng hải. Sáng hôm sau, Nguyến Ái Quốc và đồng chí của mình là Lý Sâm bị bắt tại Hồng kông. Vài ngày sau đến lượt Hilaire Noulens và vợ. Ông này tự khai là công dân Bỉ nhưng đã bị nhanh chóng vạch trần khi lận theo người đến mấy quyển hộ chiếu khác nhau và lãnh sự Bỉ từ chối xác nhận. Mặc dù chẳng có thể gán được cho Noulens tội gì rõ ràng, các quan chức thuộc địa tin chắc rằng ông này là cộng sản gộc và chuyển giao cho chính quyền Quốc dân đảng tại Giang tây. Tại đây Noulens bị kết án chung thân, sau Liên xô thông qua tổ chức Chữ thập đỏ quốc tế đã can thiệp để đưa về Matxcova.

Nguyến Ái Quốc (dưới bí danh là phóng viên Trung quốc Tống Mãn Châu) bị bắt mà không có trát của toà do cảnh sát nghi ngờ là có những hoạt động liên quan đến QTCS. Mặc dù Quốc chẳng phạm tội gì của HongKong, chính sách của Anh lúc đó là không cho phép sử dụng lãnh thổ mình để tiến hành các hoạt động lật đổ. Chính quyền sở tại tin chắc ông là Nguyến Ái Quốc và hy vọng có thể tìm cách để trục xuất Quốc sang Đông dương. Tuy nhiên do lúc đó giữa Pháp và Anh chưa có thoả thuận về dẫn độ tội phạm chính trị, cách duy nhất mà chính quyền có thể làm là đề nghị toà ra lệnh trục xuất Quốc ra khỏi HongKong trên một con tàu và đến một địa điểm đã chỉ định sẵn.


Do không có hộ chiếu và Quốc kiên quyết khẳng định mình là người Hoa chứ không phải người Việt nam, toà phải mở phiên điều trần vào ngày 10/7/1931. Tại phiên điều trần này, Quốc chỉ dùng tiếng Anh, khai mình sinh ở Đông hưng (thành phố thuộc Quảng đông gần biên giới với Đông dương). Ông thừa nhận mình đã sang Pháp, nhưng chưa hề tới Nga và càng không liên quan gì đến QTCS. Ông cũng phủ nhận mình có quen biết Lefranc mặc dù công nhận là mình đã ký vào bưu thiếp tìm thấy trong túi của Lefranc. Cuối cùng Quốc đề nghị được dẫn độ sang Anh chứ không phải trục xuất sang Đông dương. Gần cuối phiên điều trần, Quốc bất ngờ nhận được sự trợ giúp về pháp luật từ bên ngoài.

Cho đến nay vẫn chưa rõ là làm thế nào mà luật sư Frank Loseby lại trở thành một nhân vật quan trọng của vụ án này? Có nguồn tin cho rằng ông ta có một trợ lý người Việt, anh này đã kể lại với ông chủ về Quốc. Hồ Chí Minh thì nói rằng mình và Loseby có chung một người bạn giấu tên ở HongKong. Theo thông tin chính thức của Hà nội, Loseby được Tổ chức cứu trợ Đỏ quốc tế và Mặt trận phản đế (một công cụ của Moscow để cứu giúp các đồng chí của mình bị sa cơ) thuê. Loseby lập tức phản đối việc trục xuất Quốc theo những thủ tục bình thường vì điều đó sẽ gây nguy hiểm cho Quốc và Lý Sâm (cô gái cùng bị bắt với Quốc). Lý do đơn giản là chính quyền Pháp ở Đông dương đang theo dõi sát sao vụ này và đã đề nghị chinh quyền HongKong thông báo địa điểm và thời gian trục xuất. Loseby muốn các thân chủ của mình phải được rời HongKong theo sự sắp xếp của chính họ. Thống đốc HongKong lưỡng lự nhưng cũng đồng ý. Ngày 24/7 ông này điện cho Bộ Thuộc địa ở London đề nghị thả tự do cho Quốc và buộc phải rời HongKong trong 7 ngày. Theo ông nếu trục xuất Quốc sang Đông dương thì chẳng khác gì dẫn độ và “mâu thuẫn với những nguyên tắc của nước Anh”.

Tuy nhiên, sự việc diễn ra không đơn giản. Jules Cambon, đại sứ Pháp tại London chính thức lên tiếng phản đối quyết định thả Quốc. Ông ta cho rằng Quốc là một sự nguy hiểm quốc tế và cần phải bị kiềm chế. Mặc dù Pháp không có đủ thẩm quyền pháp lý để đòi hỏi dẫn độ Quốc, chính phủ Pháp muốn chính phủ Anh hiểu rõ quan điểm của mình. Ông này cũng nhắc lại đề nghị của tổng lãnh sự Pháp tại HongKong đề nghị trục xuất Quốc sang Đông dương. Bộ Ngoại giao Anh, muốn lấy lòng Pháp trong việc chung sức chống lại các hoạt động lật đổ đã đồng ý với quan điểm này .


Yêu cầu của Bộ ngoại giao đã gây ra cãi nhau to trong Bộ thuộc địa. Mặc dù có nhiều quan chức phản đối cho rằng làm thế khác gì dí cổ Quốc vào lưỡi dao của Pháp, cũng có những quan chức đồng tình với Bộ ngoại giao. Bài phát biểu sau có thể làm rõ quan điểm đó:

Cá nhân tôi nhất trí với quan điểm của Bộ ngoại giao là trả lại tay này về Đông dương. Hắn là một tay kích động xấu xa bị bắt cùng một rọ với Le Franc ở Thượng hải. Chúng ta quả là không may vì không tìm được đủ chứng cớ để tống cổ hắn vào tù ở HongKong. Có vẻ các vị cảm thấy là nhân đạo khi cho hắn sang Nga thay vì đẩy vào tay kẻ thù của hắn. Nhưng hãy để ý rằng, các hoạt động cách mạng ở Đông dương là bẩn thỉu, phần nhiều liên quan đến giết người, đốt nhà hoặc tra tấn dã man. Tuy không trực tiếp nhúng tay, nhưng đa phần các vụ này đều do Nguyễn chịu trách nhiệm. Nếu hắn ta được tự do, hắn lại tiếp tục những hành động như vậy. Bởi thế tôi đồng ý quan điểm của chính phủ Pháp là các thế lực Thuộc địa cần đoàn kết với nhau để dập tắt những ổ dịch cách mạng lây lan nhanh chóng này bảo vệ lợi ích của văn minh ở phương Đông.

Trước sức ép của Bộ ngoại giao, cuối cùng thống đốc HongKong đã ra lệnh trục xuất Quốc sang Đông dương. Đoán trước được ý định đó, Loseby đã sử dụng lên đình quyền giam giữ yêu cầu mở phiên toà công khai để xem xét tính pháp lý của vấn đề. Ngày 14/8, toà tối cao HongKong đã mở phiên xét xử kéo dài trong mấy tuần. Tại phiên toà, Loseby đã chứng minh là chính quyền đã vi phạm pháp luật khi đặt những câu hỏi có nội dung chính trị, không liên quan gì đến vụ việc, trong lần thẩm vấn Quốc trước đó. Cảm thấy quan toà Ngài Joseph Kemp có thể huỷ bỏ lệnh trục xuất hiện tại, các quan chức HongKong vội vàng thảo một lệnh theo một chương khác của Pháp lệnh về trục xuất năm 1917. Toà đã chấp nhận lệnh mới, nhấn mạnh rằng mặc dù việc trục xuất có thể dẫn đến những hậu quả tương đương như dẫn độ, nhưng cũng chẳng có gì trái với luật pháp nước Anh cả. Lý Sâm được trả tự do, còn Quốc lại đối mặt với nguy cơ bị đưa về Đông dương.
59.gif


Ngay lập tức Loseby chống án lên Hội đồng cơ mật tại London, cho rằng chính quyền đã lạm dụng quyền lực. Được Hội đồng chấp nhận đơn, Quốc có cơ hội thay đổi không khí vì ít nhất là cũng vài tháng sau vụ việc mới được xem xét. Ông được chuyển sang bệnh viện Đường Bowen vì lý do sức khỏe. Mặc dù không có biểu hiện bệnh tật rõ ràng, Quốc bị kiệt sức và trông hốc hác. Trong hồi ký của mình, Quốc miêu tả giai đoạn này khá tăm tối, bị ngược đãi, ăn cơm hẩm, cá thiu và thú vui duy nhất là săn rận. Tuy nhiên một số nguồn thông tin khác cho rằng, trong thời gian ở bệnh viện, Quốc sống khá thoải mái, thường xuyên được vợ chồng một quan chức thuộc địa (bạn Loseby) và một số người châu Âu khác viếng thăm. Loseby cũng bố trí cơm nước cho Quốc từ một nhà hàng cạnh bệnh viện. Quốc dành thời gian rỗi để đọc và thậm chí đã hoàn thành một cuốn sách bằng tiếng Anh. Đáng tiếc là Loseby đã đánh mất nó trong chiến tranh thế giới thứ hai.

Như thường lệ, Quốc cũng không bỏ lỡ cơ hội để tiến hành tuyên truyền cho những tư tưởng cách mạng của mình. Trong một câu chuyện của mình, Quốc kể: Một hôm, có một cô hộ lý Trung Quốc thì thầm hỏi: “Bác ơi, chủ nghĩa cộng sản là gi ạ, bác có phải là người cộng sản không, bác đã làm gì mà bị bắt?” Cô ấy biết rằng, những người cộng sản không phải là trộm cướp, buôn lậu, giết người, cho nên không hiểu vì sao họ lại bị bắt. “Thế này, cháu ạ, nói một cách đơn giản, những người cộng sản muốn xây dựng một chế độ mà các hộ lý Trung quốc không phải phục tùng các quan lớn người Anh nữa”


Bức thư đầu tiên mà Quốc gửi từ trong tù là cho Lâm Đức Thụ, thông báo đã ở tù 3 tuần. Quốc nói “rất xấu hổ và không có ai để chứng thực cho sự vô tội” của mình. Quốc đề nghị Thụ làm hết sức mình để được tự do và hứa sẽ biết ơn đời đời. Tất nhiên là chẳng có ích gì. Mặc dù biết rõ quan hệ tay đôi của người đồng chí cũ của mình, Quốc vẫn giữ liên lạc và đề nghị Thụ đừng đến thăm vì sợ bị liên luỵ. Sau đó vài tháng Thụ đã báo cho chỉ huy người Pháp của mình là Quốc đã xin 1000 đô HongKong để được đưa sang châu Âu. Khi Thụ nói không có tiền, Quốc đã đề nghị vợ Thụ bán đi một số đồ trang sức.??????

Đây chắc cũng là một giai đoạn cô đơn của Quốc. Người tình mới Nguyễn Thị Minh Khai thì ở trong tù???? cha mới chết trước đó 2 năm tại Nam bộ, không một xu dính túi. Thỉnh thoảng Quốc mới có liên lạc với các anh chị. Anh Khiêm, từng bị bắt vì tạo phản năm 1914, được tha năm 20, sống ở Huế, chủ yếu làm thuốc và xem địa lý để tiếp tục hoạt động nhưng cũng rất túng thiếu. Năm 1926, Quốc đã nhờ Phan Bội Châu gửi cho anh mình một ít tiền. Chị Thanh cũng đầy tai tiếng với chính quyền, bị bắt năm 1918 vì tội tàng trữ vũ khí, được tha năm 22, cũng sống và làm thuốc ở Huế, sau khi cha chết năm 1929, chị có về Kim liên để thắp hương cho bà con.


Trong lúc đó, các cơ quan chức năng tiếp tục tranh cãi. Bộ thuộc địa thì đồng ý với chính quyền HongKong về việc trục xuất và để cho Quốc tuỳ nghi di tản. Bộ ngoại giao thì sợ Pháp phật ý, lại muốn tham khảo chính quyền Pháp về các hình phạt có thể áp dụng với Quốc. Tuy nhiên cả hai đều đồng ý chưa có hành động nào trứơc khi Hội đồng cơ mật ở London đưa ra quyết định cuối cùng. Ngày 22/12, Đại sứ Pháp tại London, Jaques Truelle đã trả lời yêu cầu của Anh về các tội Quốc đang bị xử ở Đông dương. Theo ông này, Quốc đích thị là đặc vụ của QTCS tại Đông Nam Á trong đó có nhiệm vụ trợ giúp cả Đảng cộng sản Malay, đang là thuộc địa của Anh. Truelle cũng xác nhận toà án Nam triều đã kết án Quốc tử hình về tội mưu toan lật đổ. Tháng 10/1929, bản án này đã được xem xét lại và hạ xuống khổ sai chung thân. Truelle thông báo là Quốc sẽ được xét xử lại, bản án sẽ được Toàn quyền Đông dương phê duyệt, và mặc dù tội danh vẫn không thay đổi, Pháp bảo đảm sẽ không kết án tử hình Quốc.

Cuối năm 1931, đơn khiếu kiện của Quốc được Hội đồng cơ mật đưa ra xem xét. Quyền lợi của Quốc được luật sư D.N Pritt (hãng Light và Futon) bảo vệ. Đảng viên Đảng Lao động Stafford Cripps đại diện cho chính quyền Hongkong. Ông này, một mặt sợ mất mặt chính quyền HongKong, mặt khác được mấy người bạn ở Bộ thuộc địa có tư tưởng thân cách mạng khuyên bảo, đã đề nghị thoả hiệp. Ngày 27/6/1932, chính phủ Anh đồng ý trả tiền khiếu nại và hỗ trợ Quốc đi đến bất cứ nơi nào Quốc muốn. Cũng có tin đồn là Quốc được tha vì đồng ý nhận làm điệp viên cho Anh???

Đầu tiên Quốc được thông báo là chính phủ Anh đồng ý cho tị nạn chính trị, tuy nhiên chẳng có đường nào đến Anh mà lại tránh được cảnh sát Pháp. Nếu qua kênh Suez, Quốc có thể bị bắt ở Port Said (Ai cập). Qua Nam Phi hoặc Úc thì các chính phủ này lại không đồng ý. Buồn cười nhất là cuối cùng hoá ra chính phủ Anh cũng không đồng ý nhận. Không hiểu sao chữ “không” trong từ “không đồng ý” trong bức điện của London gửi HongKong lại bị ai đó xoá đi mất.

Chính quyền đã bắt đầu sốt ruột với vị khách rắc rối này. Ngày 28/12/1932, Quốc được thả ra khỏi bệnh viện và phải rời HongKong trong vòng 21 ngày. Trước đó, để đánh lừa Pháp, ông Loseby đã tung tin Quốc bị chết vì lao phổi. Tờ “Công nhân hàng ngày” của QTCS tại London đã đưa tin về cái chết của ông trong số ngày 11/8/1932. Quốc phải đóng giả một ông đồ nho, sống tại khách sạn YMCA tại Cửu long vài ngày rồi lên tàu đi Singapore. Rủi thay, cơ quan nhập cảnh Sing lại tống cổ Quốc trở lại HongKong trên tàu Ho Sang. Đến HongKong, cảnh sát lại bắt Quốc vì tội thiếu giấy tờ. Tuy nhiên chính quyền HongKong đã can thiệp, trả tự do cho Quốc ngày 22/1 và cho 3 ngày để tìm đường thoát khỏi thuộc địa. Nhờ sự giúp đỡ của Loseby, tối ngày 25, cảnh sát mặc thường phục đã dùng xuồng máy đưa Quốc ra ngoài khơi đến một con tàu Trung quốc đang nhổ neo đi Hạ môn.

Quốc và người phiên dịch xuống Hạ môn vào sáng hôm sau (thành phố này lúc đó được phương Tây gọi là Amoy) và nhận phòng tại YMCA ở khu Trung quốc. Nhờ một người Hoa địa phương giàu có, bạn của Loseby chu cấp, Quốc chơi bời nghỉ ngơi vài tuần qua Tết ở Hạ môn trước khi lên tàu đi Thượng Hải trong vai một thương nhân người Hoa. Lúc này cảnh sát Pháp đã đánh hơi được Quốc đang ở đâu đó Nam Trung quốc và tăng cường truy nã. Các đảng viên CS Trung Quốc thì đã phải rút hết vào bí mật từ sau vụ tàn sát 1927. May mắn cho Quốc, đúng lúc đó có đoàn đại biểu chống chiến tranh của Quốc hội Pháp do bạn ông từ thời FCP- Đảng CS Pháp, Paul Couturier dẫn đầu đang ở thăm Thượng hải. Quốc quyết định dùng con bài cuối cùng: vợ goá của Tôn Trung Sơn, bà Tống Khánh Linh. Anh thuê một xe taxi, liều mạng phi đến biệt thự của bà này tại Rue Moliere nhượng địa Pháp để bỏ một bức thư vào hộp thư. Trên đường về, nhờ chiếc xe trông quá xịn, Quốc đã thoát được một cuộc vây bắt của cảnh sát Pháp. Madam Tống đã giúp Quốc gặp được Couturier, ông này liên lạc với Đảng CS Trung Quốc và bố trí đưa Quốc lên một chiếc tàu Liên xô chuẩn bị đến Vladivostok.


Quốc đến Matxcova mùa xuân năm 1934. Nước Nga xô viết đang ở trong ánh hào quang của giai đoạn công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa và kế hoạch 5 năm lần thứ nhất. Đối với các khách du lịch ngắn ngày và không đi quá xa ra khỏi Matxcova, Leningrat và các thành phố lớn, tình hình quả là được cải thiện đáng kể so với thập kỷ trước. Nhà viết kịch Bernard Shaw đã miêu tả những điều nhìn thấy như một “Cuộc thử nghiệm xã hội vĩ đại”. Tuy nhiên đối với nhiều triệu người dân Xô viết tình hình lại không được khả quan như vậy. Giai cấp trung nông, tiếng Nga gọi là Culac (có nghĩa là nắm đấm) bị tiêu diệt trong công cuộc tập thể hoá nông nghiệp. Của cải của nông dân bị tước đoạt để trang hoàng cho các quầy tạp hoá ở đô thị. Những kẻ chống đối hoặc bị giết hoặc bị đưa đi đày ở Siberia. Hàng ngàn người bị bắt lao động khổ sai tại những công trình thế kỷ như kênh đào Kareli nối vịnh Phần lan với Bạch hải. Nạn đói đã nổ ra tại Ucrain năm 1932, trong 2 năm sau đó, ước tính đã có từ 5-7 triệu người chết đói. Khoảng giữa những năm 30, phong trào chống đối kế hoạch hoang tưởng của Stalin trong đảng phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên Stalin đã ra tay, Trosky bị đẩy đi lưu vong. Kamenev và Zinoviev bị cô lập. Ngôi sao đang lên Kirov bị ám sát. Một cuộc thanh trừng tập thể được tiến hành nhằm vào tầng lớp Bolsevic cũ đã từng cùng với Lenin tiến hành khởi nghĩa. Trong năm 1935, hơn 100,000 người đã bị bắt với tội danh “kẻ thù của quốc gia” chỉ riêng ở Leningrat.

Trên danh nghĩa, những biến động đó chẳng ảnh hưởng đến cá nhân Quốc. Anh được tiếp đón trọng vọng ở văn phòng Dalburo (lúc đó đang do một người cộng sản Phần lan Otto Kuusinen lãnh đạo). Quốc lập tức được phân quản lý 144 sinh viên Việt nam đang học tại học viện Stalin (lúc đó đã được đổi tên thành Học viện các vấn đề Dân tộc và Thuộc địa). Cần phải nhắc lại rằng, các sinh viên VN ở đây đã từng tổ chức lễ truy điệu Quốc và Trần Phú trước đó. Ông Nguyễn Khánh Toàn, một cựu sinh viên kể lại về giai đoạn này: Bác Hồ cực kỳ gần gũi với các sinh viên Việt nam. Thông thường Bác hay đến buổi tối để chia sẻ các kinh nghiệm hoạt động của mình liên quan đến đạo đức của người cách mạng và tình đoàn kết. Có một số học viên trẻ kiêu ngạo hoặc tự ái hay cãi nhau những chuyện lặt vặt, Bác lại là người đứng ra phân xử. Bác nói: “Nếu chúng ta không giữ được đoàn kết trong một nhóm nhỏ thế này, làm sao có thể nghĩ đến chuyện thống nhất quần chúng để lật đổ chế độ thuộc địa khi về nước”

Quốc cũng như các học viên học viện được sống khá dễ thở trong chế độ bao cấp: ăn, ở và dịch vụ y tế miến phí. Hè được đi nghỉ ở Crum. Mỗi tháng lĩnh 140 rub tiêu vặt. Bởi thế cũng dễ hiểu là Quốc có thể chẳng biết gì về những bi kịch đang diễn ra trong xã hội xô-viết. Sức khỏe Quốc không được tốt. Tháng 9/1934, Quốc đi dưỡng bệnh vài tuần ở Crưm, sau đó anh nhập học một khoá 6 tháng ở Trường Đại học Lenin, chuyên việc đào tạo cán bộ cho các Đảng cộng sản anh em. Không có nhiều thông tin lắm về những tháng đầu tiên Quốc tới Nga. Chỉ biết rằng, Quốc rất tích cực tham gia các hoạt động xã hội, tranh cãi bảo vệ quyền lợi cho các đồng chí Việt nam và cách mạng Việt nam. Ở nhà, anh chịu khó tập thể dục để phục hồi sức khoẻ.

Quan điểm trước đây của các nhà sử học là Quốc may mắn đứng ngoài rìa những cuộc thanh trừng tập thể đang diễn ra lúc đó. Những thông tin mới được tiết lộ gần đây nhất ở Moscow cho thấy thực tế không phải như vậy. Có vẻ như Quốc đã bị một toà án gồm có ông bạn cũ Manuilsky, chiến binh đa mưu của Đảng CS Trung Quốc - Khang Sinh và bà Valeria Vasilieva xét hỏi. Không rõ tội danh của Quốc là gì, tuy nhiên chỉ riêng việc ông có những quan điểm trái ngược với đường lối của Đại hội QTCS lần 6 về cách mạng dân tộc, thêm vào đó lại là bạn thân của Borodin đang bị xét xử cũng đã quá đủ để Stalin nghi ngờ. Việc Anh thả Quốc tháng 12/1932 cũng làm dấy lên một số nghi vấn là ông đã nhận làm gián điệp để đổi lấy tự do. Chắc là nhờ sự bảo trợ của Manuilsky và đặc biệt là Vasilieva, Quốc đã thoát tội. Bà này đại diện cho bộ máy của QTCS trong việc tiếp xúc với các sinh viên Việt nam và rất nhiệt tình bảo vệ Quốc cho rằng lỗi duy nhất của ông là thiếu kinh nghiệm. Trong một bức thư gửi cho lãnh đạo của Đảng CS Đông Dương tại Nam Trung quốc, bà đã viết:
liên quan đến Nguyễn Ái Quốc, anh ta cần phải học thật tốt trong 2 năm tới và không làm gì khác. Sau khi anh ta học xong, chúng tôi sẽ có kế hoạch sử dụng”


Trong khi Quốc đang ở Moscow, các chiến hữu ở trong nước đang ra sức khôi phục lại bộ máy của Đảng sau khi các lãnh đạo cao cấp bị bắt từ tháng 4/1931 tại Nam bộ. Để giúp đỡ , Đảng CS Đông Dương, QTCS đã kêu gọi tất cả các đảng CS lên tiếng ủng hộ cuộc “khởi nghĩa” của công nhân ở Đông dương. Hơn 30 học sinh VN tại Moscow được lệnh hồi hương để giúp đỡ các đồng chí của mình. Mặc dù đa số bị Pháp bắt hoặc đào ngũ (một nguồn tin nói 22 trong số 35 người đã bị vô hiệu hoá), một số cũng đến được đích. Trong đó có Lê Hồng Phong, đệ tử cũ của Quốc ở Tâm tâm xã. Phong học lái máy bay ở Leningrad, sau đó chuyển đến trường Stalin năm 1929, rời Liên xô năm 1931. Tháng 4/1932, Phong về đến Long châu, một thành phố nhỏ ở biên giới Quảng tây và VN. Sau đó cùng với 2 đồng môn Phùng Chí Kiên và Hà Huy Tập, Phong chuyển đến Nam ninh và lập ra Ban chỉ huy hải ngoại có nhiệm vụ làm cầu nối giữa QTCS và bộ máy đảng ở trong nước.

Đảng cũng chia ra theo các vùng để dễ bề khôi phục. Đến giữa những năm 30, dân số Việt nam vào khoảng 18 triệu, trong đó 4 triệu ở Nam bộ, 5 triệu ở Trung bộ, còn lại ở Bắc bộ. Một cựu học viên của trường Stalin, ông Trần Văn Giàu, chịu trách nhiệm khôi phục lại bộ máy ở Nam bộ. ông này về Sài gòn đầu năm 1933. Đường lối của Moscow lúc đó là chỉ chiêu nạp đảng viên trong tầng lớp công nhân thành thị. Tuy nhiên mặc dù thất nghiệp tràn lan do cuộc đại khủng hoảng, công nhân vẫn có vẻ thờ ơ với chính trị.

Đảng có ảnh hưởng sâu rộng hơn nhiều trong nông dân ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu long vốn chẳng ưa gì tầng lớp địa chủ và quan lại tham nhũng. Lợi dụng chính sách có vẻ “thoáng” hơn của chính quyền, một số thành viên theo trường phái Trosky đã xuất bản tạp chí La Lutte. Thậm chí có cán bộ Đảng còn đăng ký chạy đua vào hội đồng thành phố. Giữa năm 1933, xứ ủy Nam kỳ được thành lập với 2 tiểu ban phụ trách các tỉnh miền đông và miền tây và một trường đào tạo cán bộ. Phòng Nhì Pháp bất lực vì không được lệnh ra tay. Trần Văn Giàu đã bị bắt nhưng lại được tha vì không có chứng cớ. Chỉ có tay ám sát chuyên nghiệp Lê Hồng Sơn, sau một hồi lẩn trốn, cuối cùng cũng bị bắt tại nhượng địa Pháp ở Thượng hải. Sau đó Sơn bị dẫn độ về VN và bị triều đình xử tử vào tháng 2/1933 tại Vinh.

Tình hình ở các vùng khác không được khả quan lắm. Tại Annam, một số đảng viên từ Xiêm về tìm cách kết hợp với các đảng viên bị bắt trong đợt Xô viết Nghệ tĩnh mới được tha để phục hồi lại cơ sở đảng. Tuy nhiên có sự nghi kỵ đối với các đảng viên đã từng ở tù. Tỉnh uỷ Nghệ an còn ra tuyên bố: “trong 100 đảng viên cộng sản cũ, chỉ có một có khả năng trung thành với các học thuyết của đảng”. Dù sao, đến giữa năm 1934, ba khu uỷ đã được thành lập, mỗi uỷ ban phụ trách từ 5-7 tỉnh. Tonkin là vùng trắng cho đến năm 1934 khi một số đảng viên bắt đầu hoạt động lại ở Việt bắc. Sau đó nhờ có sự móc nối của Lê Hồng Phong, xứ uỷ Bắc kỳ mới được thành lập lại. Cũng vào khoảng thời gian đó, một số đảng viên do Quốc gây dựng từ những năm trước đã thành lập ủy ban trung ương lâm thời tại cao nguyên Khorat để tuyển mộ và đào tạo thành viên cho các hoạt động trong nước. Uỷ ban này sau đó đã tự xưng là văn phòng liên lạc của xứ uỷ Nam kỳ và Trung kỳ với thế giới bên ngoài. Các uỷ ban tương tự cũng được thành lập ở Lào và Campuchia.

Vấn đề quan trọng của đảng là xem xét lại chiến lược của mình sau những tổn thất lớn lao trong Xô Viết Nghệ Tĩnh. Khoảng giữa năm 1932, Lê Hồng Phong cùng với một số đồng chí nữa đã dự thảo cương lĩnh mới. Cương lĩnh này hiển nhiên chịu ảnh hưởng của xu thế chính trị lúc đó tại Matxcova nên mang nặng tính bè phái và thiên tả. Cương lĩnh nhấn mạnh tầm quan trọng của cách mạng phản phong so với cuộc đấu tranh phản đế và hết sức nghi ngờ các đảng phái có tính dân tộc. Tờ Bolsevic, cơ quan của uỷ ban hải ngoại cũng tập trung vào những luận điểm tương tự. Các bài báo được cho là của Hà Huy Tập đã phê phán những quan điểm “tiểu tư sản” như “cách mạng dân tộc phải xảy ra trước cách mạng XHCN”. Tập cũng chỉ trích các cơ sở đảng trong nước quá chú trọng trong việc huy động nông dân và yêu cầu họ tuyển mộ nhiều công nhân hơn nữa. Theo Tập, nông dân “tham lam sở hữu, không chính kiến, không đoàn kết, chậm hiểu biết các tư tưởng mới và không thể trở thành lực lượng cách mạng”. Tuy những lời phê phán không nhằm vào ai cụ thể, rõ ràng mục tiêu của ban biên tập là những luận điểm và chính sách của Nguyễn Ái Quốc. Một bài báo, sau khi đề cập việc “một số đồng chí trong nước cho rằng địa chủ và tư sản dân tộc cũng có tinh thần chống đế quốc và như vậy có thể trở thành một phần của cách mạng” đã nói toẹt rằng đó chính là những quan điểm của Nguyễn Ái Quốc tại đại hội thống nhất tháng 2/1930, nhưng sau đó đã bị các lãnh đạo mới của đảng loại bỏ. Đảng là đội tiên phong của giai cấp công nhân chứ không phải của tất cả quần chúng. Bài báo viết: “Đảng cộng sản lánh đạo cuộc đấu tranh giai cấp chứ không phải đấu tranh dân tộc. Bởi vì đây là đảng của giai cấp công nhân, trên tinh thần vô sản quốc tế, đảng phải kiên quyết chống lại những tư tưởng dân tộc và những tuyên truyền sáo rỗng kiểu: khôi phục đất nước của những con rồng, cháu tiên. Chúng ta chống lại thực dân Pháp, nhưng không có nghĩa là chúng ta ủng hộ các tư tưởng dân tộc.”

Hà Huy Tập còn chỉ trích gay gắt hơn “Chúng ta chịu ơn Nguyễn Ái Quốc, nhưng các đồng chí không được quên bản chất dân tộc của Nguyễn Ái Quốc và những chỉ đạo sai lầm của ông về các vấn đề cách mạng tư sản dân tộc, cũng như những lý thuyết có tính cơ hội mà ông đã gieo rắc trong các thành viên Thanh niên Hội và Tân Việt...Ông không chịu tuân theo những chỉ thị của QTCS trong việc sát nhập. Bản cương lĩnh chính trị tháng 2/30 cũng như đảng thống nhất mới đã không tuân thủ những nguyên tắc của QTCS. Nguyễn Ái Quốc còn lớn tiếng ửng hộ những chiến thuật sai lầm và thoả hiệp như “trung lập với giai cấp tư sản và địa chủ, liên kết với các trung nông và nông dân”. Do đó từ tháng 1 đến 10/30, Đảng CS Đông Dương đã tiến hành một đường lối đối lập với QTCS. Mặc dù đảng đã hăng hái lãnh đạo quần chúng vùng lên, các xô viết trong Xô Viết Nghệ Tĩnh cũng đã không làm theo các đường lối chính trị đúng đắn”


Tháng 6/1934 Lê Hồng Phong và Hà Huy Tập đã triệu tập hội nghị tại Makao để bàn về đường lối tương lai cũng như chuẩn bị cho Đại hội đảng lần thứ nhất. Nghị quyết của hội nghị này đã phê phán các nhà cải lương dân tộc như Bùi Quang Chiêu, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn An Ninh. Nghị quyết cho rằng hội này rất nguy hiểm vì “giả danh bảo vệ các tầng lớp lao động, chống lại chính quyền, đòi hỏi các cải cách hiến pháp, thống nhất giai cấp chỉ nhằm mục đích đưa nhân dân khỏi con đường cách mạng”. Bởi thế nhiệm vụ quan trọng của đảng là chống lại sự ảnh hưởng của những nhóm tương tự, cũng như những tư tưởng rơi rớt từ Thanh niên Hội và Tân Việt.

Hội nghị cũng quyết định triệu tập Đại hội lần thứ nhất tại Hồng kông vào tháng Giêng 1935. Tuy nhiên theo nguồn của mật thám Pháp, QTCS đã đề nghị chuyển sang tháng 3. Địa điểm cũng được quyết định lại là Macao. Từ cuối mùa hè năm 34, các lãnh đạo đảng đã dự thảo những văn kiện sẽ thảo luận tại đại hội. Giấy mời cũng được gửi đi các nơi, yêu cầu tập trung vào ngày 15/3. Ban lãnh đạo rất hy vọng là Moscow sẽ cử đoàn đại biểu chính thức tham dự. Khoảng đầu tháng 8, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai (mới được thả ở Quảng châu, lấy tên là Vân) và Hoàng Văn Nón (đảng viên từ Cao bằng) lên đường đi dự đại hội 7 QTCS dự kiến sẽ tổ chức ở Moscow hè năm sau.

Hà Huy Tập đương nhiên nhận trách nhiệm chuẩn bị đại hội Đảng. Tập sinh ở Nghệ an, đầu tiên tham gia Tân việt, sau đó trốn sang Thanh niên Hội. Khi học ở trường Stalin, Tập tỏ ra rất nhạy bén về lý thuyết và lớn tiếng phê phán những thiếu sót về tư tưởng của Hội. Trong con mắt của mật thám Pháp, Tập là người kiêu ngạo, gian giảo và đa nghi đến cực điểm. Tập thường xuyên gây vấn đề với các đồng chí của mình và được gọi là “Ông Lùn” vì tầm vóc thấp bé của mình. Quan hệ căng thẳng nhất là với Trần Văn Giàu. Ông này đến Macao từ Nam bộ vào tháng 9/1934, một mặt để báo cáo tình hình, mặt khác tham gia vào quá trình chuẩn bị đại hội. Giàu chắc chắn coi Tập là chíp hôi. Còn Tập thì nghi ngờ vì sự ngạo mạn và độc lập của Giàu. Thậm chí Tập còn nghi Giàu là mật thám Pháp và viết thư mách về Moscow. Mãi sau này, khi có tin về việc Pháp lục soát khám xét nhà Giàu, Tập mới thừa nhận là mình không có cơ sở.

Kẻ phá hoại hoá ra nằm ở chỗ khác. Ngay trước thềm đại hội, một đảng viên kiêm nấu bếp tên là Nguyễn Văn Trâm đã cuỗm toàn bộ tiền quỹ của đảng và trốn sang HongKong. Vì Trầm nằm trong thành phần đi chọn địa điểm đại hội, ban lãnh đạo quyết định phải thay đổi địa điểm. Tập còn nghi một thành viên nữa là Nguyễn Hữu Cần có thể đã báo tin cho cảnh sát Pháp. Tập định lừa mật thám bằng cách ngầm cho Cần này biết là do khó khăn nên đại hội đảng có thể không tổ chức được. Trần Văn Giàu được phái về Nam bộ để xây dựng bộ máy. Cuối cùng thì đại hội cũng được tổ chức vào 27/3. Có Tập, Hoàng Đình Gióng, Phùng Chí Kiên và độ mươi đại biểu khác. Không có đoàn nào từ QTCS và cũng chẳng có đại diện của đảng cộng sản nào. Thời điểm đó, đảng có khoảng 800 đảng viên ở Đông dương và Xiêm. Đa số là người Kinh và ở quãng tuổi 20-30. Sự có mặt của Minh Khai, người tình một thời của Nguyễn Ái Quốc trong bộ máy lãnh đạo chứng tỏ không có sự phân biệt nam nữ đáng kể. Mặc dù ở Moscow, gió đã có vẻ đổi chiều, đại hội vẫn thông qua nghị quyết giữ nguyên đường lối cũ, xây dựng mặt trận thống nhất trong phạm vi hẹp, thâm nhập các đảng dân tộc để lùa các thành viên sang bên ta. Uỷ ban trung ương gồm 9 thành viên do Hà Huy Tập làm tổng bí thư sẽ đóng trụ sở tại Sài gòn. Ban liên lạc hải ngoại của Phong được chuyển sang Thượng hải. Trong báo cáo gửi QTCS ngày 31/3, Tập còn tranh thủ đả Nguyễn Ái Quốc mấy phát nữa. Tập viết: toàn đảng đang tiến hành cuộc chiến chống lại những tư tưởng “cách mạng dân tộc rơi rớt từ thời Thanh niên Hội dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Ái Quốc. Những tư tưởng đó là trở ngại chính cho chủ nghĩa cộng sản”. Tập còn đề xuất Nguyễn Ái Quốc phải viết bản tự kiểm điểm. Vài tuần sau, Tập lại tấn công tiếp, dẫn lời một số đại biểu đại hội đã quy một phần trách nhiệm cho Quốc trong việc hàng trăm đảng viên Đảng CS Đông Dương bị bắt. Tập buộc tội Quốc đã tiếp tục dùng Lâm Đức Thụ mặc dù biết rõ tay này là mật thám Pháp, Quốc còn bắt các học viên trường thanh niên Quảng châu nộp ảnh và khai tên tuổi họ hàng. Những thông tin này sau bị rơi vào tay Pháp. Cuối cùng Tập kết luận “Nguyễn Ái Quốc không thể chối bỏ trách nhiệm trong những vụ việc này”

Quốc chắc chắn là được đọc hết những bài viết này của Tập. Không rõ ông nghĩ gì về các phê phán của Tập đối với mình. Chỉ thấy Quốc phàn nàn trong thư gửi Dalburo thâng 1/1935 là trình độ lý luận của một số sinh viên Việt nam trong trường Stalin quá thấp: nhiều người không hiểu thế nào là cách mạng dân chủ tư sản, cũng chẳng hiểu cách mạng ruộng đất có liên quan gì đến sự nghiệp chống đế quốc. Quốc cho rằng mặc dù các vấn đề này có từ những năm 1930-31 nhưng gần đây đã trở nên đặc biệt nghiêm trọng do các đồng chí lãnh đạo còn quá trẻ. Không hiểu là ông định ám chỉ Tập hay kẻ đã chết là Trần Phú.

Đại hội lần thứ 7 của QTCS được khai mạc ngày 25/7/1935 tại Nhà Công đoàn đầy ngóc ngách. Trong khi khẩu hiệu trên hội trường thông báo về chiến thắng đang đến gần của giai cấp vô sản, bên ngoài đại hội là không khi rất căng thẳng của vụ xử tử hai lãnh tụ cũ là Kamenev và Zinoviev. Các đại biểu bị tập trung cả vào khách sạn Lux và bị cấm ra vào điện Kremlin. Đoàn Việt nam có ba đại biểu: Lê Hồng Phong (còn có các tên khác là Litvinov, Hải An, Chajan, Chayan); Nguyễn Thị Minh Khai (Vân hay Phan Lan) và Hoàng Văn Nón. Hai đại biểu nữa cũng đã xuất phát từ Việt nam nhưng không bao giờ đến nơi. Cả ba đều đã đăng đàn phát biểu. Minh Khai nói về sự bóc lột phụ nữ và tầm quan trọng của phụ nữ trong cách mạng; Nón phát biểu về các phương pháp huy động quần chúng. Bài phát biểu chính của Phong nói về những sai lầm đã qua và nhiệm vụ hiện tại của Đảng. Các bài phát biểu đều đã không “gãi” đúng vào mục đích của đại hội 7, nhằm xác định chiến lược mới cho các đảng cộng sản. Chiến lược này gần với các ý tưởng của Quốc thời Thanh niên hội hơn là chiến lược cực tả của đại hội Sáu. Nguyên nhân chính dẫn đến thay đổi là sự lớn mạnh nhanh chóng và nguy hiểm của Hitler và chủ nghĩa phát xít. Stalin đã tin rằng sự lên ngôi của Hitler tại Đức năm 1933 đã phản ánh giai đoạn sụp đổ của chủ nghĩa tư bản dẫn đến chính quyền của đảng CS. Tuy nhiên sau đó ông đã thay đổi quan điểm và coi chủ nghĩa phát xít như hiểm hoạ trực tiếp và quan trọng nhất của Liên xô. Thư ký mới của QTCS, ông Dimitrov, đã lờ đi nhiệm vụ cách mạng vô sản và chính quyền xô viết do đại hội Sáu đề ra. Ông nhấn mạnh sự nguy hiểm của chủ nghĩa phát xít và kêu gọi các đảng CS huy động hoặc tham gia vào các phong trào tiến bộ, nhằm thành lập mặt trận rộng rãi chống chủ nghĩa phát xít Đức và quân phiệt Nhật. Cuối đại hội, Đảng CS Đông Dương được kết nạp vào QTCS và Phong được bầu lên chủ tịch đoàn.


Quốc tham gia đại hội với tư cách quan sát viên từ Dalburo với mật danh là Linov. Mặc dù không phát biểu chính thức nhưng chắc chắn là Quốc rất tích cực sau hậu trường, la cà trò chuyện. Quốc cũng tham gia vào bữa tiệc chào mừng việc kết nạp Đảng CS Đông Dương do Maurice Thorez, một lãnh đạo đảng CS Pháp tổ chức. Tuy chiến lược mới làm Quốc hài lòng vì nó phù hợp với tư tưởng mặt trận rộng rãi mà ông đã đặt ra cho Thanh niên Hội và vẫn giữ vai trò là người phát ngôn chủ yếu cho Đông Nam á tại Ban chấp hành QTCS, chắc hẳn là Quốc không dễ chịu khi phải ngồi ngoài lề đại hội và nhìn Lê Hồng Phong xuất hiện trong hào quang như một nhà lãnh đạo của Đảng CS Đông Dương mới. Tệ hơn nữa, mối tình với Minh Khai cũng đi đên hồi kết. Chẳng mấy chốc sau khi đại hội kết thúc Minh Khai và Phong làm lễ kết hôn tại Matxcova.

Trong khi đó, tất cả các tài liệu của lãnh đạo Đảng CS Đông Dương gửi đi từ Makao cho QTCS trước đại hội đều nhấn mạnh là “vợ đ/c Quốc” (Le femme de Quoc) tức Minh Khai (MK) sẽ có mặt trong thành phần đoàn. Chỉ có khả năng là Phong đã cưa đổ MK trên đường đi dự đại hội. Sao lại đến nông nỗi vậy? Có nguồn cho rằng chẳng qua Quốc và MK đã bị xa nhau quá lâu. Cũng có nguồn cho rằng QTCS đã cấp cho Quốc “một người vợ tạm thời”. Lại có tin đồn là Quốc đã có con gái với một cô bạn người Nga.

Quan hệ giữa Quốc và MK là một trong những vấn đề gây bối rối nhất trong cuộc đời ông. Mặc dù Quốc không bao giờ nhắc đến chuyện này, các nguồn tin chính thức của đảng đều phủ nhận, tuy nhiên các bằng chứng cho thấy họ đã có quan hệ khá khăng khít. Ít nhất là các đồng chí của họ đều coi họ là vợ chồng. Tuy nhiên nếu nói như một nhà sử học nào đó là Quốc đã bị “thất bại kép”: mất cả vợ và chức lãnh đạo đảng vào tay Lê Hồng Phong thì cũng chưa thực sự ổn lắm. Thực tế cuộc đời Quốc đã cho thấy ông ưa chuộng những mối quan hệ ngẫu hứng để khỏi ảnh hưởng đến các mục đích chính trị của mình. Có thể ngay từ đầu Quốc đã coi mối quan hệ với MK là tạm thời.

Sau khi cưới xong, Phong ngay lập tức trở về Trung Quốc để báo cáo tình hình. Mãi đến hè năm 1936, Minh Khai và Hoàng Văn Nón mới rời Matxcova đi Pháp trong vai một cặp vợ chồng nhà buôn người Hoa giàu có đi nghỉ mát. Sau đó hai người qua Hồng kông, Thượng hải. Tại đây Minh Khai tái ngộ Lê Hồng Phong và cùng trở về Sài gòn. Minh Khai được bầu làm uỷ viên trung ương xứ uỷ Nam kỳ. Minh Khai và Phong chắc không biết được rằng số mệnh đã giao cho họ trở thành cặp liệt sĩ quan trọng nhất của cách mạng Việt nam. Trước khi rời Moscow, Minh Khai và Nón có đến gặp Quốc.

Tình hình lúc đó đã có một số thay đổi theo đường lối mới của đại hội 7. Tại Pháp, Mặt trận bình dân thắng cử và thành lập chính phủ mới được Đảng CS Pháp ủng hộ. Chính phủ kêu gọi chống phát xít, hỗ trợ Liên xô, cải cách tại các thuộc địa. Quốc viết cho các đồng chí mình:

Thắng lợi của Mặt trận bình dân tại Pháp là cơ hội hiếm có mà chúng ta phải sử dụng. Vấn đề quan trọng nhất bây giờ là sự thống nhất của Đảng, đặc biệt giữa các cơ sở trong và ngoài nước. Khi về đến Sài gòn, hãy nói với đồng chí Lê Hồng Phong 3 điều:
1. Uỷ ban hải ngoại phải ngay lập tức trở về Việt nam để đảm nhận vai trò lãnh đạo phong trào, chỉ để lại vài đồng chí giữ quan hệ với thế giới bên ngoài.
2. Đảng phải kiên quyết tách xa khỏi bọn Troskist đang phản bội lợi ích của cách mạng
3. Tập trung hết sức lực để xây dựng mặt trận rộng rãi chống phát xít và chiến tranh. Đoàn kết các lực lượng yêu nước cứu nước nhưng kiên quyết duy trì sự lãnh đạo của đảng và giai cấp lao động .


Chiến lược xây dựng mặt trận rộng rãi nhưng kiên quyết giữ vững sự lãnh đạo đã từng được Quốc áp dụng trong việc xây dựng Thanh niên Hội. Q chắc bị áp lực khi chỉ đạo bài xích các phần tử Troskist. Lúc đó Stalin đang phải vất vả chiến đấu với các thế lực theo Troski trong phong trào cách mạng thế giới. Mặc dù Quốc không đồng tình với lý thuyết phi thực tế “cách mạng liên tục và khắp nơi” của Troski, hẳn là ông thừa hiểu rằng những người Troskist còn tốt hơn khối lần các kẻ thù thực sự của cách mạng. Nếu được tự do lựa chọn, Quốc sẽ tìm cách thuyết phục họ chấp nhận sự lãnh đạo của Đảng CS Đông Dương.

Sau khi các đồng chí về hết, Quốc càng cảm thấy vô dụng. Từ năm 1935, Quốc đã nói với nhà báo xô viết Ilia Erenburg rằng ước muốn duy nhất của mình là được về nước hoạt động càng sớm càng tốt. Sau khi đại hội 7 kết thúc, Quốc đã chính thức xin phép về nước nhưng bị từ chối với lý do là tình hình Đông dương rất phức tạp. Mùa hè năm 1936, Quốc lại xin phép hồi hương qua đường Berlin và Paris. Giấy tờ đang được chuẩn bị thì chuyến đi bị huỷ do cuộc nội chiến Tây ban nha và sự khủng bố ở Pháp. Trong lúc chờ đợi, Quốc đăng ký vào học tại Học viện các vấn đề dân tộc và thuộc địa (trường Stalin cũ) và chuyển đến một căn hộ độc thân ở phố Bolsaia Bronaia. Trong lúc rảnh rỗi Quốc dịch các tác phẩm: Tuyên ngôn đảng cộng sản của Marx và Bệnh ấu trí tả khuynh của Lenin ra tiếng Việt. Ông còn viết bản khoá luận về “Cách mạng ruộng đất ở Đông Nam á”. Đối với một nhà hoạt động tích cực và ít quan tâm đến các lý thuyết giáo điều như Quốc, phải ngồi nhai giáo án khô khốc, dịch tác phẩm lý luận của những danh nhân hẳn phải là một cực hình. Tháng 6/1938 Quốc viết một lá thư tuyệt vọng cho Trung ương QTCS: “Làm gì với tôi thì làm, cho tôi ở đâu thì ở, nhưng đừng bắt tôi bất lực và ở ngoài đảng” . Với sự giúp đỡ của Vassilieva, cuối cùng Quốc được cho phép về Trung quốc qua Trung Á. Ngày 29/9/1938, Quốc ra khỏi trường. Hồ sơ của trường ngày 30/9 chính thức xác nhận sinh viên số 19 mang tên Lin được giải phóng.

Nếu không có thêm hồ sơ mật giai đoạn những năm 30 được Matxcova cho phép sử dụng, rất khó lý giải tại sao cuối cùng Matxcova lại giải phóng Quốc khỏi giai đoạn cải tạo nhiều năm vì bị nghi ngờ là đồng ý cung cấp thông tin cho Anh để đổi lấy tự do trong phiên toà ở HongKong. Cũng có vẻ như không phải là Stalin không ưa chuộng những quan điểm dị giáo của Quốc trước đây. Bởi nếu vậy, sau đại hội 7, Quốc đã bị phái đi ngay để thực thi những chiến lược mới. Tình hình Trung Quốc lúc đó đang thay đổi nhanh chóng: trước sức ép to lớn của Tưởng, Mao phải từ bỏ căn cứ phía nam sông Dương tử tiến hành cuộc Trường chinh đến Di An. Có thể dự đoán Matxcova cần người nắm vững thông tin về Trung Quốc. Đối với Quốc đây là cơ hội để ông chung sức cùng các đồng chí của mình bước vào giai đoạn mới của cách mạng Việt Nam.


8.Trong hang Pacbo

Năm 1938 Trung quốc đang trong tình trạng chiến tranh. Cuộc chiến khởi nguồn từ năm 1931 khi bọn quân phiệt Nhật bất ngờ chiếm Mãn châu và thành lập chế độ bù nhìn Mãn châu quốc. Trong những năm sau đó, chúng tiến dần xuống phía nam, chiếm đóng các tỉnh Đông bắc quanh kinh đô cũ là Bắc kinh. Ban đầu Tưởng Giới Thạch chẳng quan tâm lắm đến điều đó. Bỏ qua sự quân sư của các đồng sự, Tưởng tiếp tục chiến dịch quét sạch cộng sản ở bờ nam sông Dương tử làm Mao phải bỏ chạy lên Di an. Năm 1937, Tưởng bị các đồng chí của mình bắt cóc khi đang đi thăm Tây an và buộc phải thay đổi thái độ. Lần thứ hai, liên minh Quốc-Cộng được thành lập nhằm chống lại sự xâm lược của Nhật. Cuộc chiến bùng nổ sau đó vài tháng sau trận đánh trên cầu Marco Polo. Cuộc xâm lược của Nhật mang đến sự thống khổ cùng cực cho nhân dân Trung Quốc nhưng lại mở ra một cơ hội mới cho Nguyễn Ái Quốc. Nhờ có liên minh Quốc-Cộng mới, Quốc có thể di chuyển tự do để liên lạc với các đồng chí của mình. Cuộc chiến cũng đe doạ sẽ lan đến các vùng khác của châu á, có thể kết liễu sự thống trị của Pháp tại Đông dương.

Quốc rời Matxcova đầu thu 1938, đi tàu hoả qua những thảo nguyên Trung á bát ngát. Sau vài ngày nghỉ ngơi ở Alma-Ata, Quốc theo một đoàn xe qua Urumgi đến Lan châu, thành phố phía đông của con đường tơ lụa nổi tiếng thời Trung cổ. Đại diện của Đảng CS Trung Quốc tại Lan châu đã giúp Quốc đến Tây an. Tại đó tư lệnh quân giải phóng Trung quốc (PLA) Vũ Thiếu Quân đã được lệnh của thượng cấp “phải tiếp đón một vị khách châu á quan trọng, chăm sóc cẩn thận và hộ tống ông ta đến Di an”. Đường đến Di an phải qua vô số những trạm kiểm soát của Quốc dân Đảng. Quốc phải đóng vai một anh đánh xe chở quần áo và thực phẩm cho các bộ tộc trên núi và hầu như phải đi bộ suốt chặng đường 200 dặm này.


\hc\2c\hc

Quốc quan sát những thay đổi trên từ căn cứ tạm thời của mình ở phía nam Trung quốc. Ông hy vọng các đồng chí của mình sẽ nhận ra mình qua phong cách và nội dung các bài báo trong Notre Voix được viết dưới bút danh Lin (mà ông đã từng dùng ở Matxcova). Tháng 7/1939 Quốc đã liều hơn, gửi thẳng thư tay có địa chỉ của mình qua người quen cho các uỷ viên trung ương. Bức thư là bản tuyên ngôn ủng hộ chính sách mặt trận rộng rãi đã được đại hội 7 của QTCS thông qua.

1. Vào thời điểm này đảng cần phải kiềm chế không đòi hỏi như độc lập dân tộc, lập nghị viện... Điều đó chỉ có lợi cho bọn phát xít Nhật. Cần tập trung vào việc đòi các quyền dân chủ như tự do hội họp, tự do báo chí, tự do tổ chức, tự do ngôn luận và đưa đảng ra công khai.
2.Muốn đạt được điều đó, phải thành lập mặt trận liên minh rộng rãi bao gồm cả những người Pháp tiến bộ ở Đông dương và giai cấp tư sản dân tộc.
3. Đảng phải bằng mọi cách lôi kéo được những tầng lớp tư sản có thể lôi kéo được, trung lập hóa những phần tử có thể trung lập được. Kiên quyết không để họ rơi vào tay bọn phản động kẻ thù của cách mạng.
4. Không thoả hiệp với bọn Troskist đang trở thành chó săn của chủ nghĩa phát xít.
5, Mặt trận dân tộc Đông dương cần phải có quan hệ chặt chẽ với Mặt trận Bình dân của Pháp để đấu tranh cho tự do và dân chủ.
6. Đảng không được phép đòi hỏi quyền lãnh đạo mặt trận. Ngược lại phải thể hiện đảng là lực lượng tích cực nhất, trung thành nhất và hy sinh nhiều nhất. Chỉ có qua cuộc chiến đấu hàng ngày, nhân dân mới có thể hiểu được những chính sách đúng đắn của đảng và thừa nhận vai trò lãnh đạo của đảng.
7. Đảng phải kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa bè phái, không ngừng nâng cao trình độ văn hoá và chính trị của đảng viên và giúp đỡ những người chưa phải là đảng viên nâng cao trình độ. Đảng cũng phải duy trì những quan hệ mật thiết với đảng cộng sản Pháp

Nguyễn Ái Quốc gửi kèm bức thư này trong báo cáo chính thức đầu tiên cho QTCS. Quốc giải thích về sự chậm trễ này là do tình hình thực tế xấu đi. Quốc cũng xin lỗi và nhờ (có thể có chút châm biếm ở đây) các đồng chí tại Matxcova xem hộ liệu có sai sót gì về tư tưởng trong bức thư gửi Đảng CS Đông Dương. Quốc nói đã mất hết tài liệu chính thức của đại hội 7 và chỉ dựa vào trí nhớ. Quốc cũng thông bâo, mặc dù Mặt trận bình dân Pháp đã mang lại một số cải cách tại Đông dương, chính sách thiên hữu của chính phủ Daladier từ năm 1938 đang có nguy cơ xoá sách những cải cách đó. Một số cuộc đấu tranh của công nhân đã bùng phát trở lại và được sự ủng hộ rộng rãi của dân chúng.

Tháng hai năm 1939, Quốc - Cộng liên minh mở trường đào tạo quân sự tại Hằng dương, 200km về phía đông bắc Quế lâm. Khoá học đầu tiên bắt đầu từ 15/2 và kết thúc vào giữa tháng 5. Tưởng chỉ thị tướng Gia Gian Anh tìm một vài cán bộ cộng sản để giúp đỡ. Nguyễn Ái Quốc lúc đó vẫn với tên là Hồ Quang những đã mang hàm thiếu tá, được phân về làm quản lý, kiêm luôn phụ trách li
 
Tình hình tại chiến trường Thái bình dương càng ngày càng thuận lợi cho quân Đồng minh. Các thành phố Nhật tan hoang do các phi đội B29. Nhà trắng xem xét phương án tấn công Đông dương với sự hỗ trợ của quân Tưởng từ phía Nam trung hoa đánh xuống. Trong khi đó, tại Đông dương, nạn đói đang hoành hành do hạn hán từ cuối năm 1944, cộng với việc trưng thu thóc và bắt nhổ lúa trồng đay của quân Nhật. Chính quyền Nhật từ chối mở cửa các kho thóc hay tăng cường việc vận chuyển gạo từ phía nam ra. Nông dân ăn hết khoai sắn, chuyển sang các loại rau, củ, cùng đường phải ăn vỏ cây, lá cây. Nạn đói lan dần đến thành phố. Giá hàng tiêu dùng phi mã. Thị dân phải đem đổi các đồ dùng trong nhà để mua gạo. Xác chết chất đống 2 bên đường, nông dân lang thang từng đám kiếm ăn.

Cho dù hậu quả của cơn đói có nặng nề thế nào đi nữa, nó đã cho Việt minh một cơ hội vàng để thu phục lòng dân. Việt Minh đã kích động nông dân phá kho thóc để chia cho dân nghèo, khơi dậy lòng căm thù cả Pháp và Nhật đã gây ra nạn đói. Sau chiến thắng ban đầu tại Nà ngần, Phai khắt, đội quân của Giáp tiến lên phía bắc gần biên giới Việt - Trung, giải phóng các làng dân tộc 2 bên đường. Khi quân Pháp phản kích ác liệt, Giáp lui về khu rừng nằm giữa Cao bằng và Bắc cạn, gọi là chiến khu Hoàng Hoa Thám, cùng với Vũ Anh và Phạm Văn Đồng bàn kế hoạch Nam tiến.


Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp, thành lập chính phủ bù nhìn do Bảo đại cầm đầu. Vì thế toàn bộ vùng phía bắc châu thổ sông Hồng trở nên mảnh đất màu mỡ cho cách mạng phát triển. Trước đó 1 ngày, thấy trước tình huống Trường Chinh đã triệu tập cuộc họp trung ương tại làng Đình bảng, khoảng 12 dặm phía bắc Hà nội. Phân tích các yếu tố có lợi: khoảng trống quyền lực do cuộc đảo chính, nạn đói và khả năng Đồng minh tấn công Đông dương, TƯ đã ra nghị quyết đặt ưu tiên cao nhất cho đấu tranh quân sự, phát triển các căn cứ du kích, mở rộng cơ sở chính trị của Việt minh và tập hợp các đội quân khác nhau dưới chung một ngọn cờ Giải phóng quân Việt nam. Tuy nhiên Trường Chinh cũng cẩn thận nhắc các cơ sở Đảng không được manh động, chỉ hoạt động phía sau lưng Nhật để đợi cho quân Đồng minh bắt đầu tiến công mới được ra tay. Trong trường hợp Nhật đầu hàng trước khi Đồng minh tấn công, cũng có thể lợi dụng cơ hội để tổng khởi nghĩa.

Trước khi rời Côn minh, Hồ đã gửi văn bản ký tên Lực cho OSS để đưa ra nhận định của mình về sự kiện 9/3. Mục tiêu của văn bản này là thuyết phục Đồng minh tấn công Đông dương. Như mọi khi, Hồ dùng ngôn ngữ ví von: “từ đảo Nhật bản đến New Guinea, quân Nhật như con rắn mà cổ nó là Đông dương. Nếu đập gẫy cổ, con rắn sẽ hết cựa quậy”. Lực nhận xét: “Con sói thực dân Pháp đã bị phát xít Nhật hất khỏi Việt nam sau 87 năm. Đối với thế giới đang chiến tranh, sự kiện đó chỉ là tích tắc, nhưng chắc chắn nó sẽ có hậu quả sâu sắc đối với Đông dương, Phát, Nhật và Trung quốc” . Tại Cao bằng các lãnh đạo đảng cũng đưa ra nhận định của mình phải tăng cường cuộc đấu tranh vũ trang. Giáp đưa đội quân của mình Nam tiến, giải phóng các làng trên đường và liên tục tuyển mộ quân. Sau khi vượt qua Chợ Chu, cuối cùng Giáp đã hội quân với Cứu quốc quân của Chu Văn Tấn ở một làng nhỏ có tên là Kim Lũng nằm sâu trong rừng giữa Thái nguyên và Tuyên quang.

Đầu tháng 4/1945, TƯ quyết định tổ chức hội nghị quân sự tại Hiệp hoà. Hội nghị đã đưa ra nhận định, chỉ tổng tấn công khi quân Đồng minh đã đánh nhau với quân Nhật bên trong Đông dương, hoặc khi Nhật đã đầu hàng Đồng minh trước đó. Cũng trong hội nghị này, Giáp được tin vợ mình (Nguyễn Thị Minh Thái) đã chết trước đó 3 năm. Được tin Hồ đã trở lại Việt nam, về đến Cao bằng sau hội nghị, Giáp lập tức lên đường đi đón.

Cuối tháng 4, Hồ về đến Pacbo và gửi báo cáo tình báo đầu tiên cho Patti, kèm theo hai bức thư: một cho các lãnh đạo Đồng Minh và một cho tổ chức vừa mới thành lập là Liên hợp quốc. Nội dung của cả hai bức thư là đề nghị công nhận Việt minh và Việt nam. Cả hai tài liệu này đều được đứng tên là Đảng Dân tộc Đông dương, tổ chức tự xưng là đã thành lập Đồng minh Hội, sau đó sát nhập với Việt minh. Patti đã chuyển các tài liệu này cho chính quyền Mỹ ở Trùng khánh. Ngày 4/5, trong vai một ông già Nùng được các vệ
sĩ và nhóm AGAS tháp tùng, Hồ lên đường đi Kim Lũng, nơi hội quân của các lực lượng cách mạng. Tại Lam sơn họ gặp Hoàng Quốc Việt, Phạm Văn Đồng và Vũ Anh. Hồ gửi báo cáo cho Fenn cám ơn ông này đã gửi thiết bị liên lạc và huấn luyện cho quân. Ngày 9/5 cả đoàn đi Ngân sơn. Ngày 17, tại Nà kiên Hồ gặp Giáp đang đi lên phía bắc. Hai người chưa gặp nhau từ cuối năm ngoái khi thành lập Việt nam tuyên truyền giải phóng quân. Giáp báo cáo với Hồ về tình hình trong nước và kết quả của hội nghị Hiệp hoà. Hồ cũng thông tin về tình hình thế giới. Cả hai bàn bạc việc chọn địa điểm để xây dựng căn cứ địa cách mạng và đã thống nhất chọn Kim Lũng. Cảm nhận được ngôi làng nhỏ bé này sẽ trở thành địa danh lịch sử của cách mạng Việt nam, Hồ đã quyết định đổi tên thành Tân Trào (Thuỷ triều mới).

Cả đoàn tiếp tục nam tiến, ngày 21/5 họ vượt sông Đáy, đến Tân trào. Thoạt đầu Hồ ở trong một nhà dân, còn hai sĩ quan liên lạc Mỹ được cho ở ngoài rừng. Sau đó dân làng đã dựng lên một ngôi nhà sàn để làm trụ sở. Còn Hồ đích thân chọn chỗ để dựng lán cho mình trong một khu rừng tre. Để chuẩn bị khởi nghĩa, Hồ ra lệnh triệu tập Hội nghị cán sự vào đầu tháng 6. Hội nghị đã thống nhất tất cả các lực lượng vũ trang tại 6 tỉnh Việt bắc (Cao bằng, Bắc kạn, Lạng sơn, Hà giang, Tuyên quang, Thái nguyên) thành Quân giải phóng Việt nam (VLA). Chính quyền dân sự do Uỷ ban lâm thời điều hành, tiến hành tuyển cử bầu ra các cơ quan hành chính địa phương, cải cách ruộng đất và xoá mù chữ.

Giáp được chỉ định đứng ra để điều phối các công việc tương tự trong toàn quốc, dưới sự cố vấn của Hồ. Trong hai tháng tiếp theo, một nhiệm vụ quan trọng của Hồ là giữ vững liên lạc với các nhà bảo trợ Mỹ ở Nam Trung quốc. Trong một báo cáo, Hồ đã đề nghị sử dụng đội du kích hàng ngàn người ở Chợ Chu để tấn công quân Nhật. Mặc dù e ngại những rắc rối chính trị khi có quan hệ chính thức với Việt minh, Patti vẫn được cấp trên là đại tá Helliwell “bật đèn xanh”, sau khi thấy rõ sự bất lực của đội tàn quân Pháp chạy trốn do tướng Gabriel Sabatier chỉ huy. Patti điện cho Hồ chuẩn bị một sân bay nhỏ để tiếp đón vũ khí và quân đội. Ngày 30/6 Hồ đồng ý tiếp nhận với điều kiện không được có người Pháp tham gia vào chiến dịch. Trung uý Dan Phelan được thả dù xuống Tân trào từ trước làm đại diện cho OSS. Ngày 16/7, thiếu tá Allison Thomas cùng đội “Con nai” của OSS nhày dù xuống Tân trào để nghiên cứu tình hình và giúp đỡ Việt minh chống Nhật trong sự chào mừng của hàng trăm du kích. Thomas kể lại:

Tôi được dấn đến gặp Ông Hồ, một lãnh đạo lớn của VML (Việt minh League). Ông ta nói tiếng Anh thành thạo, nhưng trông rất yếu vì mới đi bộ từ Trung Quốc về. Người ta đã dựng cho chúng tôi những cái lán tre có sàn cao và mái lợp lá cọ. Người ta còn giết một con bò để chiêu đãi, và chúng tôi được chén bữa tối gồm bia, cơm, măng rừng và beefsteak.

Cũng có những người trong nhóm Con nai không được chào đón. Ví dụ như trung uý Pháp Montfort. Sáng hôm sau, Hồ nói với Thomas: “Tôi không có vấn đề gì với người Pháp, nhưng nếu quân tôi mà biết tay này là người Pháp, họ đã bắn chết tươi rồi”. Montfort cùng hai sĩ quan Pháp nữa được lệnh biến khỏi làng càng sớm càng tốt và nhập vào đoàn người di tản sang Trung Quốc. Sau đó Hồ gọi một tay đầu bếp đến để dạy cách quay gà theo kiểu Mỹ, và sai người đi kiếm vài chai Sâmpanh và Dubonnet để mở tiệc chào mừng.


Ngay ngày hôm sau, Hồ đã đề nghị qua Thomas báo cáo với chính quyền Mỹ là Việt minh sẵn sàng đàm phán với đại diện cấp cao của Pháp. Patti đã chuyển thông điệp này cho thiếu tá Jean Sainteny, đại diện của phái bộ quân sự Nước Pháp Tự do mới được cử đến để tiếp nhận lại Đông dương sau chiến tranh. Vài ngày sau, Hồ lại gửi lời kêu gọi sẵn sàng tiếp xúc với Pháp ở trong Đông dương hoặc Trung quốc. Trong lời kêu gọi, Hồ đề nghị tổ chức nghị viện thông qua bầu cử phổ thông đầu phiếu, trả lại các nguồn tài nguyên cho nhân dân Việt nam, cấm buôn bán thuốc phiện, và cam kết phục hồi độc lập cho Việt nam theo những quy định của Hiến chương Lien Hiệp Quốc trong vòng từ 5-10 năm. Pháp vẫn lờ đi những đề nghị của Hồ.


Trong lúc đó các sĩ quan Mỹ vẫn tiếp tục huấn luyện hơn 100 quân du kích cách sử dụng các loại vũ khí Mỹ (súng trường M1, carbin, bazooka) và các kỹ thuật chiến tranh du kích tại một địa điểm cách Tân trào khoảng 2 dặm. Henri Prunier, một “thầy” Mỹ tỏ ra rất ấn tượng về khả năng học hỏi nhanh của quân du kích. Hồ cũng nhanh chóng đả thông về mặt tư tưởng cho các sĩ quan Mỹ. Thomas đã viết trong một báo cáo gửi về Côn minh: “Quên ngay mấy cái nghi ngờ vớ vẩn. Việt Minh không phải là cộng sản. Đấu tranh cho tự do và cải cách nhằm thoát khỏi sự tàn bạo của Pháp”. Phelan cũng đã từng ngần ngại tham gia chiến dịch này vì nghe đồn là Hồ có tư tưởng cộng sản. Một lần Hồ hỏi Phelan có nhớ những câu mở đầu của tuyên ngôn Độc lập Mỹ để ông ta cho vào bản tuyên ngôn Độc lập của đất nước mình. “Nhưng rõ ràng là ông ta biết nhiều hơn tôi” Phelan nhớ lại và báo cáo Việt Minh “... là những người yêu nước đáng được sự tin cậy và giúp đỡ toàn diện”. Sau này, Phelan cũng không bao giờ thay đổi lập trường của mình. Nhiều năm sau, ông đã trả lời phỏng vấn của nhà báo Mỹ Robert Shaplen, miêu tả Hồ như ´”Một con người cực kỳ dễ chịu. Nếu tôi phải chọn một tính cách của con người nhỏ bé đó, ngồi trên ngọn đồi trong những cánh rừng già, thì đó chính là sự dịu dàng của ông ta”.


Sức khôe của Hồ vốn đã suy sụp sau khi mắc bệnh lao trong những tháng ngồi tù ở Trung Quốc, lại bị đày đoạ bởi chuyến đi bộ sang Côn minh. Hồ đã bị ốm nặng trên đường đến Jingxi những vẫn tiếp tục hành trình của mình. Giờ đây Hồ đang rất yếu. Võ Nguyên Giáp kể lại:

Bác ốm. Mặc dù mệt và sốt, Bác vẫn tiếp tục làm việc. Ngày nào lên báo cáo tình hình tôi cũng cảm thấy lo lắng. Nhưng Bác nói: “yên tâm, mọi sự sẽ qua thôi, báo cáo tình hình cho Bác đi”. Tuy nhiên tôi nhận thấy Bác yếu đi và gầy đi rõ ràng. Chúng tôi chẳng có thuốc thang gì ngoài mấy viên aspirin và ký ninh nhưng tình hình vẫn xấu đi. Một hôm tôi thấy Bác mệt lả đi, bình thường trừ những lúc ngủ, Bác chắc bao giờ chịu nằm nhưng giờ đây Bác nằm sốt li bì trong ổ rơm. Trong những đồng chí hay ở bên Bác chỉ còn tôi lúc đó đang ở Tân trào. Tôi xin phép Bác được ở lại cùng với người một đêm, chỉ thấy Bác hơi mở mắt và khẽ gật đầu đồng ý. Đêm tối mịt mùng và rừng sâu bao quanh căn lán nhỏ. Mỗi khi tỉnh dậy, Bác lại quay lại tình hình hiện tại: “điều kiện đang rất thuận lợi cho cách mạng, dù có phải đốt cháy dãy Trường sơn cũng phải dành cho được độc lập”, Bác nhắc lại những quan điểm vẫn hay thường nói hàng ngày: “trong chiến tranh du kích, khi phong trào lên, phải tận dụng thời cơ để mở rộng căn cứ, chuẩn bị cho những thời điểm quyết định”. Dù không muốn tin, tôi vẫn nhận ra rằng, có lẽ Bác đang cố gắng truyền lại những lời di chúc cuối cùng của mình. Cứ thế suốt đêm, mê man nối tiếp những phút tỉnh táo. Sáng hôm sau, tôi báo tin ngay lập tức cho Trung ương, đồng thời hỏi bà con dân tộc xem có ai có bài thuốc gì. Dân làng mách có một ông lang chuyên chữa sốt. Tôi liền cử người đi đón về ngay. Sau khi bắt mạch, ông lang sắc một niêu thuốc từ một thừ rễ cây ông đào trong rừng, hoà với một bát cháo và đút cho Bác. Điều kỳ diệu đã xảy ra. Bác tỉnh dậy. Ngày hôm sau, Bác uống thêm 2, 3 bát thuốc nữa. Cơn sốt lui dần, Bác đã đứng dậy được và có thể tiếp tục công việc.


Về chuyện này, người Mỹ có một câu chuyện khác. Một nhân viên OSS là y tá. Anh này đã khám bệnh cho Hồ, chẩn đoán là sốt rét và ỉa chảy và đã tiêm mấy mũi kí ninh cùng với sulfa. Không rõ điều này có tác dụng đến đâu, Thomas ghi lại sau này: “Mặc dù Hồ bệnh nặng, nhưng tôi cũng không chắc chắn là nếu không có chúng tôi thì ông ta sẽ chết” . Viên y tá đã khám cho Hồ là Paul Hoagland thì một mực cho rằng chính thuốc của ông ta đã cứu sống Hồ Chí Minh.


Đầu tháng 8, sau khi nghe tin Mỹ thả bom nguyên tử xuống Hiroshima, Hồ đã chỉ thị cho tổng bộ Việt minh từ khắp nước ngay lập tức cử đại biểu về Tân trào để tham dự Quốc dân Đại hội. Ngày đại hội dự kiến là ngày 16/8. Hội nghị TƯ đảng lần thứ 9 được dự kiến họp trước đó 3 ngày. Qua chiếc radio của Thomas, Hồ cảm được cuộc chiến đã đến hồi kết: thành lập Liên hiệp quốc, Mỹ thả quả bom nguyên tử thứ hai, Nga trực tiếp tham chiến. Trước đó sau một hồi lưỡng lự, Hồ đã đồng ý đi gặp phong trào Nước Pháp tự do tại Côn minh. Có lần Hồ đã ra đứng đợi ở đường băng nhưng vì thời tiết xấu máy bay không hạ cánh được. Sau sự kiện Hiroshima, Hồ đã huỷ bỏ ý định này.


Ngày 12/8, các lãnh đạo Đảng đã quyết định kêu gọi tổng khởi nghĩa trong toàn quốc, và quyết định vẫn triệu tập Hội nghị TW lần thứ 9 vào ngày hôm sau mặc dù một số đại biểu vẫn chưa đến được. Hội nghị đã bầu ra Uỷ ban khởi nghĩa toàn quốc do Trường Chinh làm chủ tịch và ra lời hiệu triệu khởi nghĩa. Ngày 16/8 Tổng bộ Việt minh tiến hành Đại hội Quốc dân tại Tân trào. Có hơn 60 đại biểu từ khắp nước về dự. Có người đã phải đi hàng tuần. Nhiều người mang theo quà là gạo và thịt. Một đại biểu dân tộc còn dắt theo cả một con trâu. Đại hội được tiến hành trong một ngôi đình 3 gian bên bờ suối. Gian trái treo ảnh Lenin, Mao và tướng Clair Chennault, gian giữa bày các vũ khí chiếm được của Nhật còn gian phải là thư viện kiêm luôn nhà ăn của các đại biểu. Sau khi Trường Chinh khai mạc, Hồ Chí Minh lên phát biểu. Do Ban tổ chức chỉ giới thiệu Hồ Chí Minh như một nhà cách mạng lão thành nên nhiều đại biểu cũng không rõ nhân thân của Hồ. Tuy nhiên sau đó đã có tiếng thì thầm, Hồ Chí Minh chính là Nguyễn ái Quốc.


Trong bài phát biểu của mình, Hồ nhắc lại việc phải nhanh chóng chiếm chính quyền để có thể chào đón quân đồng minh trên thế mạnh. Tránh đối đầu mà dùng biện pháp mềm dẻo để thu phục quân Nhật. Hồ cũng cảnh báo rằng Pháp có thể dựa vào Đồng minh để mở cuộc tiến công chiếm lại Đông dương và chúng ta sẽ phải tiến hành cuộc đấu tranh kéo dài để có được nền độc lập hoàn toàn. Đại hội đã phê duyệt “10 quốc sách” của Việt minh, quyết định quốc kỳ, quốc ca của nước Việt nam Dân chủ Cộng hoà, một quốc gia dân chủ, theo đuổi sự công bằng kinh tế và xã hội. Đại hội cũng bầu ra Uỷ ban giải phóng Dân tộc gồm 5 người do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, sẽ chỉ đạo khởi nghĩa và hoạt động như chính phủ lâm thời. Ngày hôm sau, Hồ Chí Minh đã cùng các đại biểu làm lễ tuyên thệ ngay trên bờ suối. Bản “Kêu gọi khởi nghĩa” được phát ra Giờ quyết định cho dân tộc đã điểm. Hãy đứng lên giải phóng bản thân mình. Các dân tộc bị áp bức trên thế giới đều đang đua tranh giành lại độc lập, chúng ta không thể lạc hậu. Tiến lên, Tiến lên dưới ngọn cờ Việt minh, Dũng cảm tiến lên. " Đây cũng là văn bản cuối cùng được ký tên NGUYỄN ÁI QUỐC.


. Những ngày tháng 8


Ngày 14/8, tiếng súng chiến tranh lặng im trên toàn châu Á. Nhật đã đầu hàng và tướng Mc Carthur bay đến vịnh Tokyo để ký kết các điều kiện đầu hàng với Hoàng gia Nhật bản trên chiến hạm Missouri. Từ các căn cứ địa của mình trên vùng rừng núi Tân trào, Việt minh bắt đầu hành động. Ngày 16, cùng ngày với Đại hội quốc dân, các đơn vị của Giáp do nhóm Con nai hộ tống bắt đầu tiến về phía Nam. Lác đác tại một số vùng nông thôn Bắc bộ, nơi nạn đói và lụt lội đã cướp đi sinh mạng của hơn 1 triệu người trong nửa năm đầu, dưới sự chỉ đạo của các hội Việt minh địa phương, nông dân đã nổi dậy cướp chính quyền, phá kho thóc và thành lập các Uỷ ban giải phóng nhân dân địa phương.

Ngày 19/8 tại Thái nguyên, khi quân của Giáp ăn mặc chỉnh tề tiến vào thành phố và được nhân dân nhiệt liệt chào đón, lực lượng bảo an và các quan chức chính phủ lâm thời của Trần Trọng Kim đã nhanh chóng đầu hàng. Tuy nhiên quân Nhật đồn trú đã kiên quyết kháng cự. Được tin, TƯ đã ra lệnh cho Giáp chỉ để lại một đơn vị nhỏ, còn lại tiến thẳng về thủ đô. Tình hình cũng xảy ra tương tự ở Tuyên quang.

Ở Hà nội, tin Nhật sắp đầu hàng được rỉ tai nhau từ ngày 11/8. Cơ quan đảng dưới sự chỉ đạo của Nguyễn Khang đã tích cực chuẩn bị cho khởi nghĩa cướp chính quyền từ tay quân Nhật. Họ đợi ngày này đã lâu. Mặc dù chỉ có khoảng hơn 50 đảng viên ở trong thành phố, đảng đã tổ chức được hàng ngàn người bất mãn với chính quyền hiện tại vào các Hội cứu quốc của Việt minh. Tại ngoại ô, nông dân được huy động để sẵn sàng tràn vào thành phố hỗ trợ cuộc khởi nghĩa.

Tình hình kinh tế ở Hà nội cũng có lợi cho cách mạng. Đồng bạc đông dương bị mất giá thảm hại, chỉ trong mấy tháng giảm từ 0.25 $ xuống còn 0.10. Chi phí sinh hoạt tăng 30 lần so với trước chiến tranh. Các tầng lớp trung lưu bắt đầu có cảm tình với Việt minh, nhiều người bí mật mua trái phiếu Việt minh. Trong hai tuần đầu tháng 8, đảng tìm cách cài người vào các đơn vị quân đội đóng trong thành phố và thiết lập quan hệ với đại diện của triều đình ở Bắc bộ Phan Kế Toại (ông này có con tham gia Việt minh). Ngày 13/8, Toại gặp Nguyễn Khang và khuyên Việt minh tham gia thành lập chính quyền cùng Bảo đại để đón tiếp quân đồng minh. Khang từ chối và đề nghị Bảo đại thoái vị nhường chính quyền cho chính phủ cộng hoà. Toại hứa sẽ truyền đạt thông điệp đó cho triều đình. Cùng ngày, tại Huế Trần Trọng Kim xin từ chức vì bất lực trước tình hình (ông này trước đây là nhà sử học) và trao quyền lại cho một chính phủ lâm thời. Các phần tử không cộng sản ở Hà nội đã thành lập ra Uỷ ban cứu quốc, tự xưng là đại diện cho chính phủ lâm thời mới này.


Ngày 15/8 sau khi Tokyo ký văn bản đầu hàng, quân Nhật tại Hà nội ngay lập tức bàn giao quyền lực cho chính quyền lâm thời. Xứ uỷ Bắc kỳ họp khẩn cấp tại Hà đông trước tình hình mới. Mặc dù chưa có chỉ thị gì từ Tân trào, cuộc họp vẫn quyết định tổng khởi nghĩa tại các tỉnh thuộc đồng bằng Bắc bộ, tiến tới giải phóng thủ đô. Nguyễn Khang được giao chỉ huy Uỷ ban khởi nghĩa vũ trang gồm 5 người. Tối ngày 16/8, người Hà nội phấp phỏng chờ đón số phận của mình. Ánh đèn rực rỡ từ những khung cửa sổ khách sạn đối lập với màn đêm đen đặc và những ngọn đèn đường tù mù vì sợ bị oanh tạc. Tại một rạp chiếu bóng gần hồ Hoàn Kiếm bỗng vang lên những tiếng súng lục, Việt minh chiếm sân khấu và kêu gọi khởi nghĩa. Một sí quan Nhật chạy ra ngoài lập tức bị bắn chết, nằm trên đường mấy tiếng đồng hồ không ai thèm ngó tới. Ngày 17, Hội đồng tư vấn Bắc bộ, một tổ chức bù nhìn do Pháp lập ra cách đây 2 thập kỷ, họp tại Toà Thống sứ. Thành viên của Hội đồng này chủ yếu là thành viên của đảng Đại Việt và cũng chiếm chân trong Uỷ ban cứu quốc vừa được thành lập 4 ngày hôm trước. Hội đồng quyết định kêu gọi cuộc biểu tình của dân chúng để ủng hộ Bảo đại. Trưa ngày 17, trong lúc Hội Đồng còn đang họp, các đảng phái thân chính phủ lâm thời của Trần trọng Kim đã tổ chức một cuộc miting lớn với gần 20000 người tham dự ngay trước cửa Nhà hát Lớn. Khi cuộc miting còn đang diễn ra, các phần tử võ trang Việt minh đã nhảy lên cướp khán đài, giật cờ triều đình, treo cờ đỏ sao vàng. Nguyễn Khang đã lên phát biểu kêu gọi quần chúng ủng hộ Việt minh giành lại độc lập cho dân tộc. Cuộc miting đã kết thúc trong hỗn loạn, dòng người đội mưa tiến về Bắc bộ phủ, Toà Thống sứ và khu phố cổ.




Trong khi đó, dưới sự chỉ huy của Uỷ ban khởi nghĩa vũ trang, nông dân các làng ngoại ô đã chiếm chính quyền và tổ chức thành các đơn vị dân quân với giáo mác và vài khẩu súng kíp, sẵn sàng tràn vào nội thành vào sáng hôm sau. Đêm 17, là một đêm mùa hè nóng nực. Các lãnh đạo Đảng bí mật họp tại một địa điểm ngoại ô và quyết định khởi nghĩa vào ngày 19/8. Họ ước tính có khoảng 100,000 người hay 1/2 dân số nội thành ủng hộ Việt minh, thêm vào đó là các đơn vị dân quân ở ngoại ô sẵn sàng tiếp viện. Trong ngày 18, vũ khí sẽ được tuồn vào và các đội xung kích sẽ án ngữ các vị trí quan trọng. Đêm ngày 18, các uỷ viên Việt Minh lặng lẽ đột nhập Hà nội.

Rạng sáng chủ nhật, ngày 19/8. Dòng người từ các huyện Thanh trì, Thường tín, Phú xuyên, cuồn cuộn đổ vào thành phố hoà cùng với công nhân, sinh viên, tiểu thương và các công chức tò mò, bắt đầu tụ tập trước quảng trường Nhà hát Lớn. Đàn ông mặc áo nâu, đi dép cao su, đàn bà áo nâu, chít khăn mỏ quạ, đi giày cỏ. Rợp trời cờ đỏ sao vàng.

Cuộc diễu hành bắt đầu bằng phút mặc niệm các chiến sĩ đã ngã xuống vì độc lập dân tộc. Dàn nhạc chơi giai điệu mới “Đoàn quân Việt nam đi”, các lãnh đạo Việt minh tuyên bố lệnh Tổng khởi nghĩa. Đoàn người chia làm nhiều ngả chiếm Bắc bộ phủ, Dinh Toàn quyền, Trụ sở bảo an và các địa điểm quan trọng khác. Họ hầu như không gặp sự chống đối nào, ngoại trừ một chút khó khăn ở Bắc bộ phủ. Sau khi đàm phán, quân Nhật tuyên bố sẽ không can thiệp. Uỷ ban cứu quốc bù nhìn hoàn toàn bị tan rã. Đến cuối ngày, toàn
bộ thành phố đã nằm trong tay quân khởi nghĩa. Đoàn diễu hành đi khắp các phố hát vang những bài ca cách mạng và hô khẩu hiệu đòi độc lập dân tộc. Chắc chắn là rất ít người trong số họ hiểu Việt minh là ai và tại sao lại có thể đại diện cho dân tộc. Tuy nhiên, cuộc chiến tranh Thái bình dương đã kết thúc và viễn cảnh được đá đít Pháp cũng đã đủ để ăn mừng.

Ngay trong đêm 19, lãnh đạo Xứ uỷ gửi chỉ thị đi khắp nơi: “Hành động như Hà nội, nếu quân Nhật kháng cự, hãy tiêu diệt, dành chính quyền bằng mọi giá”. Làn sóng khởi nghĩa mau chóng lan rộng và đến ngày 22/8, cờ đỏ sao vàng đã bay khắp các tỉnh Bắc bộ và Bắc Trung bộ. Quân Nhật ở Thái nguyên cũng đồng ý hạ vũ khí vào sáng hôm sau. Tình hình miền Trung, đặc biệt ở Huế có vẻ phức tạp hơn. Do không có vùng giải phóng để huy động lực lượng, thông tin từ Tân trào thì phải hàng mấy ngày mới đến, dân nội thành thì toàn là công chức và quan lại, không có đông công nhân, tiểu thương, sinh viên, chi bộ Đảng ở đây chủ yếu phải dựa vào những chỉ thị từ hội nghị tháng 3 để chuẩn bị lực lượng trong các làng ngoại ô. Ngày 21/8, Hà nội gửi điện yêu cầu Bảo đại thoái vị. Nhà cách mạng, nhà thơ trẻ Tố Hữu được phái vào kích động phong trào. Sáng 22/8, hơn 100,000 tụ tập trước cửa Ngọ môn để chứng kiến Uỷ ban khởi nghĩa chiếm chính quyền mà không gặp phải sự kháng cự nào của quân Nhật.


Nam bộ tỏ ra khó khăn hơn đối với Việt minh. Sau thất bại của cuộc khởi nghĩa Nam kỳ, tất cả các lãnh đạo Đảng hoặc chết hoặc đang ở trong trại giam. Các đảng phái dân tộc chủ nghĩa mọc ra như nấm dưới sự cai trị của Nhật, hô hào khẩu hiệu nhái theo học thuyết Monroi: “Châu á của người châu á”. Chính quyền Pháp thì bám vào tầng lớp thị dân Sài gòn và một số thành phố thuộc đồng bằng sông Cửu long. Trong hoàn cảnh đó, cựu học viên của trường Stalin, Trần Văn Giàu, sau khi trốn khỏi nhà tù, quyết định xây dựng lại từ đầu.

Vì mất liên lạc với TƯ, xứ uỷ Nam kỳ quyết định hành động theo chỉ thị của Hội nghị 6 năm 1939, kêu gọi chuẩn bị lực lượng để tổng khởi nghĩa. Không có rừng núi như Việt bắc làm chiến khu, Giàu tập trung nỗ lực vào khu đô thị Sài gòn - Chợ lớn, cùng lúc xây dựng phong trào tại các vùng nông thôn. Giàu thường lấy những ngươi thiểu số Bônsevic, nhờ huấn luyện kỹ đã dành được chính quyền, để động viên tinh thần anh em.

Đầu năm 1945, Đảng đã điều khiển được hoạt động của hơn 70 tổ chức công đoàn gồm gần 3000 công nhân. Sau cuộc đảo chính tháng 3, lợi dụng tình hình nhốn nháo, Đảng thừa cơ nắm quyền lãnh đạo tổ chức Thanh niên Tiền phong do Nhật dựng lên. Dưới sự lãnh đạo của Phạm Ngọc Thạch (con trai ông Phạm Ngọc Thọ, người đã từng gặp Hồ ở Quy nhơn khi Hồ trốn vào nam năm 1908), tổ chức này đã phát triển nhanh chóng, và đến tháng 8 năm 1945 đã có hơn 1 triệu thành viên ở tất cả các tỉnh của Nam bộ. Ngày 14/8, Nhật chuyển giao quyền lực. Thừa cơ, ngày 16, khi Sứ thần của Bảo đại là Nguyễn Văn Sâm chưa đến nơi, các phần tử dân tộc không cộng sản lập ra Mặt trận Quốc gia Thống nhất, chiếm lấy chính quyền. Cũng lúc đó, ngày 14 Giàu đã họp các đồng chí của mình để chuẩn bị khởi nghĩa. Tuy nhiên, từ kinh nghiệm cay đắng năm 1940, nhiều người do dự vì Việt minh không có vũ khí để vũ trang cho dân quân và Thanh niên Tiền Phong. Thêm vào đó, họ cũng chẳng có thông tin gì về kế hoạch của các đồng chí phía Bắc. Cuối cùng cuộc họp quyết định khởi nghĩa “thử” ở một số xã nông thôn, rồi sẽ xem tiếp. Cuộc thử nghiệm đã diễn ra suôn sẻ ở Tân An, một thị trấn nhỏ phía Nam Sài gòn. Ngày 20, sau khi nghe tin Hà nội thành công, Giàu đã yêu cầu Mặt trận Quốc gia từ chức vì quá dính líu với Nhật, chắc chắn sẽ không được Đồng minh chấp nhận. Giàu thông báo chỉ có Việt minh mới được sự hỗ trợ hoàn toàn của Đồng minh. Đang hoang mang, Mặt trận lại được tin Bảo đại đã gửi điện đề nghị Hà nội lập chính phủ cộng hoà thay thế Trần Trọng Kim, cả hội vội vàng giải tán. Ngay lập tức Giàu thành lập Uỷ ban Nam bộ do chính ông làm chủ tịch, triệu tập cuộc họp Xứ uỷ, quyết định khởi nghĩa vào ngày 25.

Sáng 25, các đội xung phong chiếm các trụ sở và nhà máy. Nông dân rầm rập tiến vào từ ngoại ô, hô vang khẩu hiệu: “Đả đảo đế quốc, đả đảo thực dân, Việt nam của người Việt nam, Tất cả chính quyền cho Việt minh. Tuy Việt minh tránh đối đầu với quân Nhật, vẫn xảy ra những cuộc đụng độ với người châu Âu. Đã xảy ra một số vụ thảm sát người châu Âu trên đường phố Sài gòn. Chiều ngày 25, Uỷ ban Nam bộ với 6 thành viên là Việt minh đã tuyên thệ nhậm chức chính quyền tạm thời. Đài Việt minh thông báo: “Khởi nghĩa đã thắng lợi tại thành phố Hồ Chí Minh"


Ngày 22/8 Hồ Chí Minh rời Tân trào, tối hôm đó Hồ đến Thái nguyên, nghỉ đêm và tiếp tục theo đường số 3 xuôi về Hà nội. Sáng 25, Giáp, Trần Đăng Ninh đón và báo cáo tình hình với Hồ tại làng ngoại ô Ga. Trưa hôm đó, Trường Chinh chở Hồ qua cầu Long biên đến thẳng tầng trên cùng của một ngôi nhà 3 tầng trên phố Hàng Ngang. Sau 55 năm, Hồ Chí Minh đã có mặt tại Hà nội. Ngày hôm sau, Hồ chuyển xuống tầng 2 vốn là tầng để ăn, ở cùng với Giáp, Ninh. Hồ làm việc với một cái máy chữ cũ trên bàn ăn và ngủ trên giường xếp, Giáp và Ninh thì ngủ trên chõng và 2 chiếc ghế xếp lại. Đối với hàng xóm, họ chỉ là những họ hàng từ quê ra.

Ngay buổi trưa đến Hà Nội, Hồ đã triệu tập Uỷ ban thường vụ TƯ để bàn việc ra mắt chính phủ lâm thời. Hồ đề nghị mở rộng thành phần chính phủ được bầu ở Tân trào, nhấn mạnh lễ ra mắt phải được tổ chức trước càng đông dân chúng càng tốt. Tất cả mọi việc đều phải hoàn thành trước khi quân Đồng minh vào đến Hà nội. Theo quy định của Hội nghị Postdam, quân Tưởng sẽ tiếp quản miền Bắc, còn quân Anh sẽ tiếp quản Nam bộ. Người Pháp chỉ được tham gia các hoạt động nhân đạo. Trong lúc đại quân còn chưa kịp đến thì những đơn vị OSS tiền tiêu do Archimedes Patti chỉ huy đã đến Hà nội để tiếp nhận tù binh và đánh giá tình hình. Sainteny, đại diện của phong trào Nước Pháp Tự do đã xin đi theo với lý do để bảo vệ những người Pháp bị kẹt lại. Cả hội ở khách sạn Metropole sang trọng, ngay đối diện toà nhà Bắc bộ phủ. Trưa ngày 26, Patti bất ngờ được mời đến gặp Hồ tại số nhà 48 Hàng Ngang. Sau khi chén súp cá, gà và lợn luộc cả hai đã đàm đạo khá lâu về tình hình hiện tại. Hồ hết sức bất mãn về sự có mặt của quân Pháp trong đoàn Patti. Ông cho rằng mục tiêu của hội này chắc chắn không phải chỉ là lo lắng cho người Pháp ở đây. Quân Anh thì hiển nhiên là sẽ thông đồng với Pháp, còn Tưởng thì chẳng có lý gì lại không bán đứng Việt nam vì lợi ích của mình. Hồ thăm dò thái độ của Mỹ, phủ định tin đồn về nguồn gốc cộng sản của mình, biện hộ rằng sở dĩ mình phải đến Matxcova và chơi với cộng sản Trung hoa là do hoàn cảnh đưa đẩy. Patti thì chẳng hứa hẹn gì, nói rằng mình không có thẩm quyền bàn về các vấn đề chính trị địa phương. 3h30, Patti xin phép về nhà mình tại Maison Gautier, một vila sang trọng cạnh hồ Hoàn kiếm. Lúc đó, Hồ được tin là Sứ thần Bảo đại ở Nam bộ là Nguyễn Văn Sâm đã xin triều đình từ chức. Về đến nhà, Patti đã thấy Sainteny gửi giấy hẹn sang nói chuyện. Thừa biết là Patti đã có quan hệ với Hồ, Sainteny đề nghị Patti môi giới cuộc gặp gỡ với Việt minh. Chiều hôm đó, Patti được thông báo là Giáp sẽ đến gặp Sainteny và Patti vào sáng hôm sau. Rõ ràng là Giáp muốn có những người bạn Mỹ bên cạnh trong lần tiếp xúc đầu tiên với đại diện của Pháp. Hôm sau, Giáp đến trong bộ lễ phục trắng, và ngay lập tức được Sainteny huấn thị về việc Việt minh đã lơ là trong việc bảo vệ luật pháp, trật tự và tính mạng của những người Pháp. Giáp đáp lại, tôi đến đây không phải để giải thích các hành động của người Việt mà để tiếp xúc với đại diện của một nước Pháp “mới”. Sainteny xuống giọng, hứa sẽ xem xét các yêu cầu của người Annam, tuy nhiên cũng doạ thêm là nếu không dựa vào Pháp, Việt nam sẽ bị Tàu Tưởng làm cỏ.


Trong khi Hồ bắt đầu cuộc thương lượng đầy sóng gió với Pháp về số phận mới của Việt nam, chính phủ Việt minh tiếp tục thương lượng với triều đình Huế. Ngày 20, Bảo Đại đồng ý từ chức, kêu gọi Hà nội thành lập chính phủ mới. Việt minh quyết định đẩy nhanh tiến độ bằng cách gửi đoàn đại biểu gồm Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Lương Bằng và Trần Huy Liệu vào ngày 29 yêu cầu Bảo đại thoái vị. Ngày hôm sau, đoàn gặp Bảo đại. Nhà vua tiến hành nghi lễ thoái vị, chiều hôm đó, lại lặp lại nghi lễ trước cổng Ngọ môn. Sau khi nhận ấn kiếm, Liệu chuyển lời của Hồ Chí MInh mời Bảo đại ra Hà nội tham gia vào chính phủ với tư cách một công dân. Bảo đại đồng ý dù đây là lần đầu tiên nghe thấy cái tên Hồ Chí Minh mà ông ta có thể phần nào đoán ra đó chính là nhà cách mạng lão thành Nguyễn Ái Quốc. Không khí buổi lễ thoái vị có vẻ hội hè chứ không có ý gì ép buộc. Tuy nhiên không ít quan lại triều đình cảm thấy ngậm ngùi khi phải chứng kiến cảnh vị vua cuối cùng của Việt nam rời khỏi ngai vàng. Một số các cận thần của Bảo đại không được may mắn như nhà Vua. Phạm Quỳnh và Ngô Đình Khôi bị bắt và bị đưa ra Hà nội sau đó bị thủ tiêu. Ở Quảng ngãi, Tạ Thu Thâu, người theo chủ nghĩa Troskist và thường xuyên công kích Đảng CS Đông Dương cũng nhận được số phận tương tự.


Ngày 28, Hồ triệu tập cuộc họp của Uỷ ban giải phóng dân tộc (sẽ nhanh chóng trở thành chính phủ lâm thời) tại toà nhà Bắc bộ phủ để bàn về thành phần chính phủ và xem xét nội dung của bản Tuyên ngôn Độc lập mà Hồ đã chuẩn bị và đánh máy trong căn phòng tối tăm ở phố Hàng ngang. Sau này Hồ kể lại “đó là thời điểm hạnh phúc nhất của đời tôi”.


Trên cuộc họp, Hồ đã đề xuất mở rộng thành phần để có thể có đại diện rộng rãi nhất của dân chúng trong chính phủ và đã được nhiệt liệt hoan nghênh. Một số thành viên Việt minh đã tình nguyện từ chức để nhường chỗ cho các đảng phái khác. Hai ngày sau, Hồ tuyên bố thành phần chính phủ mới: ngoài chức danh Chủ tịch, Hồ Chí MInh còn kiêm bộ trưởng ngoại giao, Võ Nguyên Giáp làm bộ trưởng bộ Nội vụ, Phạm Văn Đồng làm bộ trưởng bộ Tài chính, Chu Văn Tấn làm bộ trưởng Bộ quốc phòng, Trần Huy Liệu làm bộ trưởng bộ Tuyên truyền. Khoảng một nửa thành viên chính phủ là Việt minh, ngoài ra là từ đảng Dân chủ (thành lập 1944), một số giáo chức thiên chúa và các thành viên phi đảng phái.


Mấy ngày sau đó, Hồ làm việc ở văn phòng nhỏ tại Bắc bộ phủ để trau chuốt lại bản Tuyên ngôn, Hồ cũng chuyển sang ở một vila tại Rue Bonchamps nhưng vẫn về ăn với các đồng chí tại Hàng Ngang. TƯ đã quyết định lễ Độc lập sẽ được tổ chức tại quảng trường Puginier, mang tên của một giáo sĩ Pháp mà sau này sẽ được đổi thành Ba đình theo đề nghị của Hồ để kỷ niệm ba làng ở Thanh hoá đã nổi lên chống Pháp ở cuối thế kỷ 19.

Từ sáng ngày 2/9, Hà nội đỏ rực cờ hoa và biểu ngữ. Cờ đỏ chảy từ mái nhá, bay trên các ngọn cây, trôi trên mặt hồ. Khẩu hiệu: “Đả đảo thực dân Pháp”, “ủng hộ chính phủ lâm thời”, “ủng hộ chủ tịch Hồ Chí Minh” “Chào mừng Đồng minh” bằng đủ các thứ tiếng Việt, Nga, Hoa, Pháp, Anh giăng khắp nơi. Xưởng máy, cửa hàng, chợ búa trống trơn, tất cả xuống đường. Đoàn người đủ màu sắc đổ về Ba đình. Chính giữa quảng trường, đội cận vệ đứng nghiêm trong nắng hè chói chang, bảo vệ một khán đài bằng gỗ mới dựng lên hôm trước, dự kiến sẽ là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh giới thiệu chính phủ và đọc bản Tuyên ngôn độc lập.

Buổi lễ dự kiến bắt đầu lúc 2h nhưng Hồ đến chậm mấy phút do đoàn xe Mỹ chở phải khó khăn lắm mới vượt qua được biển người. Giáp là người dẫn chương trình, giới thiệu Hồ Chí Minh. Bài nói của Hồ ngắn nhưng xúc động:
“Tất cả sinh ra đều bình đẳng. Tạo hoá đã cho họ những quyền không thể tách rời, trong đó có quyền Sống, quyền Tự do và quyền Mưu cầu Hạnh phúc”. Câu nói bất hủ đó trích trong Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ năm 1776. Nói rộng ra điều đó có nghĩa là tất cả các dân tộc trên trái đất bình đẳng từ lúc ra đời. Tất cả các dân tộc đều có quyền sống và được hưởng tự do và hạnh phúc. Tuyên ngôn Nhân quyền của Cách mạng Pháp 1789 cũng đã nhấn mạnh “Mọi người sinh ra đều tự do và bình đẳng và mãi mãi sẽ tự do và bình đẳng”

Sau đó Hồ Chí Minh miêu tả những đau khổ mà chế độ thực dân Pháp đã gây ra cho Việt nam, và cuối cùng người Việt nam đã phải đứng lên đánh đuổi Pháp dành lại độc lập dân tộc. Hồ kết luận “Việt nam có quyền được hưởng tự do, độc lập và thực sự đã trở thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể nhân dân Việt nam sẽ huy động tất cả sức mạnh vật chất và tinh thần, sẵn sàng hy sinh tính mạng và của cải để bảo vệ tự do và độc lập của mình”. Giữa bài nói của mình, Hồ đã dừng lại hỏi “Tôi nói đồng bào có nghe rõ không?”. Hàng triệu người đã reo lên “Có”, theo lời Giáp kể.Sau khi chính phủ tuyên thệ độc lập, đám đông bắt đầu giải tán trong tiếng gầm rú của phi đội P-38 của Mỹ bay chào mừng. Cùng ngày hôm đó, lễ độc lập được tổ chức tại tất cả các đền, chùa và nhà thờ thiên chúa giáo.

Tối đó, Hồ Chí Minh tiếp đại diện của các tỉnh . Khoảng 15.000 dân Pháp sống ở Hà nội lúc đó quan sát sự kiện này với sự lo lắng ra mặt. Họ lẳng lặng chuẩn bị vũ khí và thực phẩm cho những ngày khó khăn sắp tới. 5000 quân Pháp bị giam ở Hoả lò cũng âm thầm chuẩn bị nổi dậy khi quân đội của Nước Pháp Tự do theo Đồng minh tiến vào Đông dương.

Sáng 3/9, chính phủ họp phiên đầu tiên ở Bắc bộ phủ để thảo luận chiến lược hoạt động, dựa trên “10 chính sách” mà Quốc dân Đại hội đã vạch ra ở Tân trào. Trong bài khai mạc, Hồ Chí Minh nhấn mạnh mục tiêu quan trọng nhất của chính phủ là đẩy lùi nạn đói. Mặc dù vụ đông xuân có một số tiến bộ, nhưng nạn lụt vào tháng 8 đã đẩy các tỉnh Bắc bộ vào tình cảnh hết sức khó khăn. Sản lượng lúa của 15 tỉnh Bắc bộ chỉ là 500,000 tấn so với 832,000 tấn của năm 1944. Sinh viên các trường đại học phải lập những đội tình nguyện đi thu nhặt xác chết vào mỗi buổi sáng sớm. Một loạt các biện pháp được thông qua. Đầu tiên là thực thi tiết kiệm. Hồ Chí Minh tự nguyện 10 ngày nhịn ăn 1 ngày để giúp người nghèo. Đất công, thường chiếm khoảng 20% đất canh tác ở làng, được trưng thu để chia đều cho dân nghèo từ 18 tuổi trở lên. Cấm sản xuất bún và nấu rượu. Giảm và miễn thuế nông nghiệp. Mở các trạm tín dụng nông nghiệp tại xã. Đẩy mạnh khai hoang. Theo đề nghị của Hồ Chí Minh, chính phủ còn quan tâm đến một số vấn đề quan trọng khác trong đó có việc xoá mù chữ.


Theo đánh giá, chính sách giáo dục thiển cận của Pháp đã đẩy một dân tộc thường xuyên có tỉ lệ biết chữ cao ở châu á xuống mức 90% mù chữ vào năm 1945. Chính phủ ra sắc lệnh yêu cầu tất cả người Việt nam phải học đọc và viết chữ quốc ngữ trong vòng 1 năm. Sắc lệnh mang hơi hướng của Nho giáo viết: “Ai chưa biết phải học. Vợ học chồng. Em học anh. Già học trẻ. Bố mẹ học con. Tất cả đều phải học chăm chỉ hơn”. Các lớp xoá mù được mở khắp nơi, đền chùa, chợ búa cũng biến thành trường. Đến mùa thu năm 1946, hơn 2 triệu người Việt nam đã được xoá mù chữ.

Ngày 8/9, Chính phủ quyết định tổ chức Tổng tuyển cử trong 2 tháng tới để bầu ra quốc hội lập pháp có khả năng thông qua hiến pháp mới. Ngày 13/10 ban bố sắc lệnh về việc thành lập các hội đồng nhân dân tại địa phương thông qua bầu cử. Các chính sách kinh tế của chính phủ chủ yếu là miễn giảm thuế, nâng cao điều kiện lao động và cấp đất cho người nghèo. Không có quốc hữu hoá hoặc cải cách ruộng đất. Chỉ có đất của người Pháp và những kẻ cộng tác mới bị tịch thu. Chính sách này phù hơp với các tuyên bố của Hồ Chí Minh trước đó về cách mạng 2 giai đoạn, khi dành được chính quyền, ưu tiên đầu tiên của ông là thành lập chính phủ có khả năng đoàn kết rộng rãi các tầng lớp dân chúng, tập hợp được sức mạnh để đối phó với đe doạ ngoại xâm. Tuy nhiên đây đó vẫn xảy ra những hiện tượng quá khích, các phần tử địa chủ, quan lại bị thanh toán, đền chùa bị đập bỏ, nhân dân bị cấm không được tiến hành các nghi lễ phong tục, tập quán.

Trong khi Hồ đang trau chuốt những nét bút cuối cùng cho bản tuyên ngôn độc lập, những đơn vị quân Tưởng đầu tiên đã bắt đầu tiến vào Việt nam. Vào phút cuối, Tưởng đã đổi ý, không dùng Trương Phát Khuê mà sử dụng quân đoàn 1 của Lư Hán ở Vân Nam để tiến vào Hà nội. Tiêu Văn, người đỡ đầu cũ của Hồ trong Việt nam cách mạng đồng minh Hội ở Lưu châu trước đây được cử làm chính uỷ. Các bọn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh cũng được dịp bám theo. Đội quân 180,000 này rõ ràng không phải là lực lượng tốt nhất của Quốc dân đảng. Dân Việt nam thì chỉ thấy một đội quân bệ rạc, áo quần bẩn thỉu, chân thì phù thũng, dắt díu theo cả họ hàng hang hốc. Patti miêu tả trong hồi ký của mình:
Quân Tưởng của Lư Hán tiến vào thành phố lúc ban đêm. Chúng tôi nghe rõ tiếng bước chân, tiếng động cơ rồi tiếng quát tháo. Sáng hôm sau, đập vào mắt chúng tôi là một cảnh tượng gây sốc. Các đơn vị “tinh nhuệ” hôm qua (các đơn vị tiền tiêu) đã biến thành đội quân “thổ phỉ ”. Khắp phố là cảnh hỗn loạn, lính Tàu đi lại lang thang vô mục đích. Trên các hè phồ, lề đường, vườn hoa, ngổn ngang quân lính và người thân, các dụng cụ gia đình lẫn lộn với quân trang quân dụng. Một số đám đun chè uống, xếp đồ đạc, thậm chí giặt giũ

Đối với Hồ Chí Minh, bề ngoài của đội quân này không quan trọng bằng mục đích của nó. Mặc dù Tưởng đã hứa với Roosevelt tại Hội nghị Cairo 1943 là không hề có ý định dòm ngó Việt nam, hiển nhiên là Trung Quốc muốn duy trì một chế độ mà mình có thể ảnh hưởng. Thái độ của quân Tưởng đối với Pháp khi Pháp quay trở lại tiếp quản Đông dương cũng là điều Hồ bận tâm, Trương Phát Khuê kịch liệt chống Pháp nhưng cũng không loại trừ một số kẻ thoả hiệp để bảo vệ quyền lợi của mình. Trong hội nghị TƯ vào giữa tháng 8, Hồ đã tập trung phân tích những vấn đề liên quan phức tạp liên quan đến quân Đồng minh, khai thác sự mâu thuẫn giữa chúng để bảo vệ độc lập. Hồ cho rằng 2 đối tượng nguy hiểm nhất là Pháp và Tưởng. Pháp chắc chắn muốn chiếm lại Việt nam. Tưởng cũng vậy, nếu không được thì cũng sẽ cố gắng dựng lên một chính phủ thân Tưởng ở Hà nội. Hồ dự đoán, một là Mỹ và Tưởng có thể ở một bên, còn Anh ủng hộ Pháp để chiếm lại VN, chính phủ mới có thể lợi dụng sự mâu thuẫn này. Hai là, các nước đồng minh thống nhất chĩa mũi dùi sang Liên xô, khi đó Mỹ, Anh sẽ đều quay sang ủng hộ Pháp vào Việt Nam. Trong mọi điều kiện VN, phải cố gắng tránh đối đầu một mình. Đối với Pháp, tránh đụng độ vũ trang, nhưng kiên quyết huy động quần chúng chống lại Pháp khôi phục cai trị. Đối với Anh, Tưởng, phát triển quan hệ hữu hảo, nếu bị can thiệp vào công việc, dùng quần chúng để đòi độc lập. Dựa trên chính sách đó, chính phủ mới ở Việt Nam đã hết sức mềm dẻo với Tưởng.


Khi người bảo trợ cũ là Tiêu Văn đến Hà Nội, Hồ Chí Minh đã đích thân hứa phát triển mối quan hệ hữu hảo. Giáp đổi tên Giải phóng quân thành Vệ quốc quân, rút một số đơn vị ra ngoại ô, bố trí lại các đơn vị trong Hà Nội để tránh đụng độ. Ngày 14/9 Lư Hán đến Hà nội và chiếm luôn Dinh Thống sứ, đuổi Sainteny xuống một biệt thự gần Ngân hàng Đông dương khi đó vẫn do Nhật chiếm. Các phần tử dân tộc thân Tưởng cũng tranh thủ ùa vào. Chính phủ phải thông báo cho các uỷ ban nhân dân từ biên giới hết sức bình tĩnh trước những hành động khiêu khích của đám này trên đường từ Việt bắc về Hà nội. Tại Hà nội, Nguyễn Hải Thần và tay chân tự động lập ra “Vùng tự trị” và bắt đầu gây rối.


Hồ có lẽ cũng đã cảm thấy những cố gắng của mình nhằm xây dựng quan hệ chiến lược với Mỹ thông qua OSS không mang lại nhiều kết quả. Trong một bức thư gửi Charle Fenn vào giữa tháng 8, Hồ viết rất vui vì chiến tranh đã kết thúc, nhưng cũng rất buồn vì phải chia tay những người bạn Mỹ. Hồ tiên đoán “Khi các ông đi, quan hệ giữa chúng ta chắc chắn sẽ xấu đi”. Đối với Hồ, Mỹ qua tổng thống Roosevelt là người lớn tiếng đòi phục hồi độc lập cho các dân tộc bị áp bức ở châu á. Nhưng Hồ cũng hiểu rằng, với tình hình thế giới phân cực, kiểu gì Mỹ cũng sẽ trở thành thành trì của chủ nghĩa tư bản, chống lại cách mạng thế giới. Tháng 4, Truman lên thay Roosevelt chết vì bệnh, đã lờ đi không nhắc đến vấn đề độc lập ở Đông dương nữa. Tháng 5, tại hội nghị San Francisco, phái đoàn Mỹ cho thấy rằng sẽ không phản đối nếu Pháp trở lại Đông dương. Sự thay đổi chính sách này là kết quả cuộc tranh luận giữa Vụ châu á và Vụ châu Âu của Bộ Ngoại giao Mỹ. Vụ châu Âu cho rằng trong tình hình sự đối đầu ngày càng căng thẳng giữa Mỹ và Liên xô tại châu Âu, Mỹ phải ủng hộ Pháp. Tuy nhiên Mỹ cũng yêu cầu “bảo đảm những điều kiện tự trị tiến bộ hoặc hình thức liên hiệp cho các dân tộc mong muốn độc lập, tương ứng với các điều kiện bên ngoài cũng như khả năng thực tế của dân tộc đó”.


Tướng De Gaul cũng hứa Đông dương “sẽ nhận được những hình thức tự trị tương xứng”. Vào cuối tháng 8, khi Việt minh đang bận củng cố quyền lực, Truman đã gặp De Gaul ở Nhà Trắng. De Gaul đã từ chối yêu cầu của Nhà trắng hứa hẹn về tương lai của Đông dương, cho rằng nói bây giờ chỉ là những lời “nói suông”. Mấy ngày sau, Mỹ tuyên bố không phản đối việc Pháp trở lại Đông dương. Đáng tiếc là đến tận tháng 10 tin này mới đến Trùng Khánh, bởi thế Patti và những quân nhân Mỹ đến Hà nội chẳng được chỉ thị nào của Đại sứ quán cả. Hồ vẫn tiếp tục liên lạc với Patti mà không biết rằng ông này cũng chẳng biết gì hơn mình về đường lối chính thức của Mỹ.


Trong cuộc gặp gỡ trước ngày 2/9, H kêu ca là Mỹ không hiểu gì về mục tiêu của Tưởng và Pháp. Hồ cam kết rằng Việt minh không phải là Đảng CS Đông Dương, chấp nhận đàm phán với Pháp về một nền độc lập hạn chế và hứa sẽ dành cho Mỹ những nhượng quyền kinh tế đặc biệt. Patti, cũng như tất cả những người Mỹ đã từng tiếp xúc với Hồ ở cuối cuộc chiến, có cảm tình với chính phủ của Hồ. Tuy nhiên cấp trên của ông này là Richard Hepnner đã ra lệnh không được dính líu gi đến các vấn đề chính trị. Bị bỏ rơi, Hồ tìm cách thoả hiệp với Tưởng. Khi Tiêu Văn nhắc khéo về việc bổ sung thêm thành phần chính phủ, Hồ đã thề thốt rằng mục tiêu của ông là dân chủ hoá chính phủ và tổng tuyển cử sẽ được tiến hành cuối năm.


Trong lúc đó, chính quyền mong manh ở phía Nam phải đối mặt với nhiều đe doạ trực tiếp. Sau những sự kiện lộn xộn ngày 25/8, Uỷ ban Nam bộ bắt đầu ổn định tình hình và thâu tóm quyền lực để chuẩn bị đón quân đội chiếm đóng Anh. Vài ngày sau, Hoàng Quốc Việt được Trung Ương phái vào. Việt đã khuyên Giàu tránh đối đầu với quân Anh. Tuy nhiên vị thế của Giàu khá tế nhị. Ông này phải chấp nhận trong uỷ ban có nhiều thành phần khác. Hội này không những luôn luôn nghi ngờ bản chất của Việt minh mà còn rình rập thế cơ để tố cáo Việt minh thoả hiệp với quân thù. Trên thực tế, Xứ uỷ Nam bộ cũng bị mất liên lạc với Trung Ương và đã quen tự quyết định tình hình. Thậm chí, khi Việt vào, Giàu mới biết nhân vật kỳ bí Hồ CHí Minh chính là Nguyễn ái Quốc. Bởi vậy các đồng chí phía Nam không nhiệt tình lắm với những đề nghị của Việt, chưa kể nhiều khi Việt như muốn ra lệnh.Xuất thân từ công nhân, với tư tưởng cứng nhắc, Việt cũng chẳng thích thú gì với hội của Giàu. Việt coi hội này như những kẻ phiêu lưu tiểu tư sản đã bị nhiễm lối sống của tư bản Sài gòn. Sự chia rẽ giữa Xứ uỷ hai miền từ cuối những năm 30, càng trở nên căng thẳng cuộc khởi nghĩa tại hai nơi bị buộc phải đi theo những con đường khác nhau.


Ngày 2/9, đám đông tụ tập trước dinh Norodom để chào mừng độc lập và nghe truyền thanh bản Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh. Trong lúc đó, căng thẳng với kiều dân Pháp vẫn rất cao. Khi những người biểu tình đang rầm rộ tiến vào Rue Catinat thì tiếng súng bỗng đột nhiên vang lên tại quảng trường Nhà thờ. Đám đông trở nên bị kích động, thanh niên ùa vào những ngôi nhà lân cận để tìm kẻ bắn lén. Lộn xộn xảy ra, cha cai quản Nhà thờ Tricoire đang đứng trên thềm thì bị trúng đạn chết ngay tại chỗ. Bạo lực lan nhanh, nhà cửa bị đập phá, cửa hàng bị hôi của, đám đông đi tìm người châu Âu để đánh. Báo chí Pháp gọi ngày này là Ngày Chủ nhật đen. Bốn người chết và hàng trăm người bị thương. Vài ngày sau, Giàu ra lời kêu gọi các đồng chí của mình duy trì kỷ luật, kiềm chế tránh bị lôi kéo vào những hành động manh động. Các phe phái dân tộc chủ nghĩa và nhóm Troskist được thể lấn át Việt minh. Hai giáo phái chính là Cao đài và Hoà hảo bắt nguồn và sinh sôi nảy nở trên đồng bằng Mekong từ những năm đầu thế kỷ, với hàng trăm ngàn giáo dân, cũng ra sức củng cố quyền lực trong khu vực hoạt động của mình, chống lại sự bành trướng của Việt minh.


Ngày 12/9 Sư đoàn Gurkha số 20 của tướng Douglas Gracey đến Tân sơn nhất cùng với một số đơn vị quân Pháp. Sư đoàn này vừa trải qua những trận chiến với quân Nhật tại Miến điện. Gracey, con của một quan chức thực dân ở ấn độ, tốt nghiệp Sandhurst, dáng khắc khổ, với bộ ria mép đặc trưng cho các vị tướng Anh. Con đường binh nghiệp của Gracey chủ yếu ở các nước thuộc địa châu Á. Ông được binh lính kính trọng vì lòng dũng cảm và công bằng. Có vẻ như Gracey là sự bổ nhiệm hoàn hảo cho nhiệm vụ tiếp quản sự đầu hàng của Nhật và duy trì luật pháp tại Đông dương. Tuy nhiên ngay từ những ngày đầu tiên ông này đã gặp phải những vấn đề lớn. Đầu tiên là thiếu kinh nghiệm xử lý chính trị, xuất phát từ nguồn gốc của mình Gracey coi việc các dân tộc châu á phải bị cai trị là đương nhiên. Tiếp đến là sự thiếu nhất quán trong lãnh đạo đồng minh. Khi ở Rangoon, Gracey được giao nhiệm vụ chỉ huy toàn bộ quân đội đồng minh ở Đông dương phía dưới vĩ tuyến 16. Tuy nhiên, trên đường hành quân, tướng Slim chỉ huy quân Anh ở Đông Nam á lại chỉ đạo Gracey chỉ tập trung kiểm soát một số vùng trọng yếu, còn lại để mặc quân Pháp, trừ khi Pháp yêu cầu hoặc có lệnh của tướng Mountbatten, chỉ huy toàn bộ quân đội Đồng minh tại Đông Nam Á (trụ sở tại Ceylon). Thực tế là Slim đã trả lại nửa Nam của Đông dương cho Pháp .



Sài gòn khi Gracey đến không yên bình. Quân Nhật đầu hàng làm thành phố hầu như không có chủ. Cảnh sát Việt nam chẳng biết phải báo cáo cho ai. Ngày 8/9, Giàu kêu gọi dân chúng bình tĩnh và hợp tác với Uỷ ban Nam bộ và ngay lập tức bị các thành viên phê phán về thái độ hoà hoãn, thậm chí còn nghi ngờ Giàu là “tay sai” của Pháp. Hôm sau Uỷ ban bị cơ cấu lại, Giàu phải từ chức, Việt minh chỉ còn 4 trong số 13 thành viên. Ngày 12/9, một số tù binh Pháp được quân Pháp đi theo Gracey giải cứu ùa ra đường, đập phá và tấn công những người Việt nam cho bõ tức. Gracey ra lệnh cho quân Nhật tước vũ khí của các đơn vị Việt nam, đuổi Uỷ ban Nam bộ ra khỏi toà nhà Thống sứ. Bộ chỉ huy Anh tuyên bố sẽ trực tiếp cai trị cho đến khi chế độ thực dân Pháp được phục hồi.Trong vài ngày sau, các đơn vị Anh đã tuần tiễu khắp đường phố và đuổi quân “phiến loạn” ra khỏi những vị trí trọng yếu. Giàu nhận được lệnh từ Hà nội tìm mọi cách tránh đối đầu trực tiếp, âm thầm sơ tán các đơn vị Việt minh ra ngoại ô.

Uỷ ban Nam bộ cũng bắt đầu thương lượng với đại diện Pháp Jean Cedile, đã nhảy dù xuống Nam bộ từ 22/8. Tuy nhiên như nhà ngoại giao Pháp Bernard de Folin ghi lại, đây là cuộc đối thoại của 2 người câm, mặc dù có sự trợ giúp đắc lực của Peter Dewey từ OSS. Pháp chỉ chấp nhận nói chuyện về độc lập sau khi chế độ cai trị thực dân được khôi phục lại. Đến giữa tháng 9, Phạm Văn Bách lúc đó là chủ tịch UBNB hiểu rằng các cuộc đàm phán là vô nghĩa, UB kêu gọi tổng bãi công vào ngày 17. Ngay lập tức Gracey ban bố thiết quân luật, thả tất cả quân Pháp (chủ yếu là lính lê dương), trang bị vũ khí và đề nghị Pháp lập lại trật tự. Đụng độ đã xảy ra giữa quân Việt nam và Pháp. Đêm 22/9, Cedile ra lệnh cho quân Pháp chiếm lại tất cả các vị trí trọng yếu và đuổi UB ra khỏi trụ sở mới là toà Thị chính Sài gòn. Sáng hôm sau, 22000 người Pháp hân hoan biết rằng Sài gòn lại dưới quyền cai trị của họ. Người Pháp tràn ra phố đánh đập bất cứ người Việt nam nào bất kể trẻ già, trai, gái mà chúng gặp trên đường.


Chỉ huy của OSS lúc đó tại Sài gòn là trung tá Dewey. Chàng thanh niên 28 tuổi này tốt nghiệp đại học Yale, từng là phóng viên báo Tin tức Chicago, gia nhập OSS tại châu Âu, vốn là con của đại sứ Mỹ tại Pháp. Anh nói tiếng Pháp thành thạo nhưng lại căm ghét chế độ thực dân chẳng khác Patti. Dewey liền đến gặp Gracey để phàn nàn về sự lộng hành của quân Pháp. Gracey chẳng những không tiếp mà còn yêu cầu Dewey rời khỏi Đông dương càng sớm càng tốt, cho rằng các hoạt động của OSS không có ích gì mà còn gây rối thêm. Tuy nhiên Gracey cũng xuống nước, đề nghị Pháp rút quân khỏi đường phố, trao lại quyền gìn giữ trật tự cho Nhật.


Ngày 24/9, hàng trăm phần tử vũ trang, chủ yếu là Cao đài và Bình xuyên tràn vào khu phố người Pháp Herault hô ầm ĩ “Giết bọn Âu trắng”. Hơn 150 người chết, 100 người bị bắt đi và mất tích luôn, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em. Nông dân ngoại ô cũng bạo loạn, đốt nhà, chiếm đất và đánh giết các địa chủ. Bây giờ thì Giàu không còn tin vào hoà hoãn nữa. Lo sợ các lực lượng dân tộc sẽ chiếm mất quyền lực, Giàu ra lệnh tiếp tục bãi công và phong toả thành phố. Những chiến luỹ được dựng trên các ngả đường để ngăn người Pháp ra khỏi thành phố và không cho người Việt nam từ ngoài vào. Dewey điện cho Patti “Nam bộ như lò thuốc súng, người Mỹ cần hành động”. Trưa ngày hôm sau, trên đường ra sân bay Tân sơn nhất, Dewey bị bắn chết trên một chiến luỹ và trở thành người Mỹ đầu tiên chết trong cách mạng Việt nam. Trụ sở OSS cũng bị tấn công và được quân Anh giải cứu. Các sĩ quan OSS điều tra cái chết của Dewey đều cho rằng Việt minh không có động cơ để giết Dewey cũng như người Mỹ vốn ủng hộ nền độc lập của Việt nam. Một phần lỗi là do Gracey đã từ chối cho Dewey được treo cờ Mỹ trên chiếc Jeep của mình (theo Gracey là chưa xứng đáng), và nhiều khả năng là Việt minh đã nhầm chiếc xe của Dewey là chở quân Pháp. Biết chuyện qua Patti, Hồ Chí Minh đã bị sốc, sau đó gửi thư đến tổng thống Truman bày tỏ sự đau buồn.

Sự hỗn loạn ở Sài gòn đã ảnh hưởng nặng đến hình ảnh gìn giữ hoà bình của quân Anh. Ngài Mountbatten đã triệu Gracey và Cedile đến Singapore để mắng mỏ vì kỳ thị chủng tộc và không chịu làm việc với người Việt nam. Nhưng mọi sự đã muộn. Đầu tháng 10, quân Pháp do Leclerc chỉ huy đã tiến vào Nam bộ, vài ngày sau, tại Cung Sportif, Grace đã ký hiệp định giao lại toàn quyền cai trị Việt nam từ vĩ tuyến 16 trở về trước cho Pháp. Ngày 10/10, Giàu tấn công quân Anh-Pháp tại Tân sơn nhất và các cửa ô. Tuy nhiên chỉ vài tuần sau, các đơn vị Việt minh và các phần tử dân tộc thiếu kinh nghiệm đã bị đẩy bật ra xa ngoại ô Sài gòn và buộc phải lẩn trốn trong những cánh rừng và đầm lầy. Trước tình hình đó, Việt minh ra sức tìm cách hàn gắn các phe phái, còn Lê Duẩn thì khẩn cấp triệu tập cuộc họp Việt minh ở đồng bằng sông Mekong để chuẩn bị cho chiến tranh. Tại Hà nội, Hồ CHí MInh lên đài kêu gọi cả nước ủng hộ miền Nam, thề sẽ thống nhất đất nước. Tại miền trung, nhiều nơi, cả làng đã hưởng ứng Nam tiến đánh Pháp. Tuy nhiên trong chỗ thân tín, Hồ khuyên các cộng sự phải kiên nhẫn, “từ kinh nghiệm lịch sử, chỉ có cuộc chiến kéo dài mới dành được kết quả”.


Quả thật là chính quyền non trẻ chưa thể có đủ năng lực đến tiến hành chiến tranh. Tuy quân Pháp chưa đến Bắc bộ, nhưng dưới sự bảo kê của quân Tưởng, các phần tử dân tộc đang ngày càng lấn lướt. Hồ Chí MInh phải hết sức khéo léo để lôi kéo đồng minh. Ông ra lệnh cung cấp thuốc phiện cho Lư Hán, tư lệnh quân Tưởng ở Việt nam. Ông cho mời Bảo đại từ Huế ra, tỏ vẻ lấy làm tiếc là cáp dưới đã dùng vũ lực để ép Bảo Đại thoái vị. Hồ nói “Tôi cho rằng ngài phải lãnh đạo đất nước, còn tôi sẽ lãnh đạo chính phủ”. Hồ Chí MInh đã đề nghị Bảo đại làm cố vấn tối cao cho Chính phủ và ông này đã nhận lời.

Mặc dù Hồ đã làm hết sức để giữ hình ảnh ôn hoà, ông không thuyết phục được các phần tử dân tộc trong Đồng minh Hội, đã tố cáo Việt minh tráo trở trong khi chủ động đơn phương dành chính quyền. Nguyễn Hải Thần và Đại Việt gọi chính phủ là “Hồ và băng đảng khố rách áo ôm” đang tìm cách thoả hiệp với Pháp. Vũ Hồng Khanh và báo chí Việt Nam Quốc Dân Đảng thì rêu rao về nguy cơ “Khủng bố đỏ”. Mặc dù như Patti nhận xét bọn này không có một chiến lược kinh tế xã hội nào và “mất phương hướng chính trị một cách vô vọng” , chúng có trong tay một con bài quan trọng là sự ủng hộ của quân Tưởng. Tuy nhiên bọn này cũng chẳng có mục tiêu thống nhất. Hội liên quan đến Đồng minh Hội do Tiêu Văn ủng hộ thì mong quân Tưởng và Nhật rút sớm để có thể thành lập chính phủ của mình. Đại Việt và Việt nam Quốc Dân Đảng thì theo đuôi Lư Hán và muốn quân chiếm đóng Tưởng ở lại lâu dài. Nhà báo Pháp Phelip Deviller, lúc đó đang ở Hà nội cũng nhận thấy sự chia rẻ trong hàng ngũ Việt minh làm 3 nhóm: nhóm cộng sản cứng rắn như Hoàng Quốc Việt, Trần Huy Liệu, Hồ Tùng Mậu; nhóm cộng sản thực dụng như Giáp, Hoàng Minh Giám và bố vợ Giáp là Đặng Thai Mai; nhóm thứ 3 là nhóm không cộng sản, theo Việt minh vì yêu nước. Deviller cho rằng Hồ Chí MInh đã rất khéo léo xoa dịu mâu thuẫn giữa các nhóm, đặc biệt là thuyết phục các đồng chí cứng rắn không manh động. Trong một bình luận, Hồ cho rằng các phần tử phản động sẽ “bị quét sạch” nhưng từng bước cho đến khi chính phủ nắm được chính quyền một cách vững chắc. Nhiều lúc tình hình quá căng thẳng, Hồ phải thay đổi chỗ ở thường xuyên, đề phòng bị ám sát. Theo Hồ, cách tốt nhất để trị hội Dân tộc chủ nghĩa là làm việc với quân Tưởng. Tuy nhiên chưa rõ là Lư Hán sẽ ở lại đây bao lâu. Đầu tháng 10, Tưởng cử tướng Hồ Yingqin sang thị sát tình hình, phê phán Lư Hán không có kế hoạch hành động để ngăn cản cộng sản thâu tóm quyền lực. Khả năng quân Tưởng rút lại càng mù mờ hơn.

Trong khi đó Pháp vẫn là mối đe doạ lớn nhất, nếu các nước Đồng minh cùng xúm lại để chống Nga, đương nhiên Pháp sẽ được rảnh tay để chiếm lại Đông dương mà chẳng ai phản đối mặc dù có thể không thích. Hiểu được điều đó, từ giữa tháng 9, Hồ đã bí mật đàm phán với Marcel Alessandri bà Leo Pignon (Sainteny lúc này đã sang ấn độ). Trong các cuộc phỏng vấn với các nhà báo phương Tây, Hồ đã chào mừng người Pháp quay trở lại Đông dương nếu họ đến như những người bạn chứ không phải những kẻ chinh phục.


Hy vọng cuối cùng của Hồ là được Mỹ bảo trợ. Mặc dù liên tiếp bị cấp trên khiển trách, đại diện cao cấp nhất của Mỹ ở Đông dương là thiếu tá Patti không giấu được thiện cảm với chính phủ Việt nam. Ông này báo cáo là tuy chính phủ rõ ràng là thiên tả nhưng họ đang nắm vững chính quyền và sẵn sàng tiến hành chiến tranh với Pháp. Vài tuần sau Patti lại báo cáo: các nhà lãnh đạo Việt nam rất muốn được Mỹ bảo trợ như Philippines, tuy nhiên họ hiểu rằng điều đó là vô vọng nên đề nghị lộ trình 10 năm để tiến tới độc lập hoàn toàn, cho tới lúc đó Pháp có thể cử Thống sứ với tư cách là nguyên thủ quốc gia, dưới sự giám sát của Liên hiệp quốc.


Quan điểm của chính phủ Mỹ không nhất quán, chủ yếu là do mâu thuẫn giữa 2 Vụ châu Á và châu Âu. Ngày 28/9, vụ phó vụ Viễn đông John Carter Vincent (sau này trở thành nạn nhân của phong trào chống Cộng do nghị sĩ Mc Carthy khởi xướng) đã nêu vấn đề với thứ trưởng Dean Acheson. Theo Vincent, chính sách “không can thiệp” của Mỹ sẽ dẫn đến cuộc khủng hoảng toàn diện ở Đông dương vì Pháp không chịu nhượng bộ. Vincent đề nghị Mỹ và Anh thành lập một uỷ ban điều tra tình hình.Trên cơ sở báo cáo của UB này, một cuộc đàm phán quốc tế có thể có đại diện thích hợp của Annam sẽ được tiến hành. Những biện pháp này sẽ tránh được một cuộc bùng nổ chủ nghĩa dân tộc ở Đông dương. Vụ châu Âu có quan điểm khác, Vụ trưởng Freeman Mathew cho rằng hãy để Anh Pháp tự giải quyết lấy. UB mà điều tra chỉ có thể dẫn đến một kết quả duy nhất là Pháp phải trả lại Đông dương. Khi đó Nga sẽ nhảy vào đòi chia phần, rất rắc rối :”bất lợi cho Pháp, cho phương Tây và cho cả người Đông dương nói chung” Vốn xuất thân từ dân Châu Âu, Acheson đồng ý với Mathew và Mỹ sẽ chỉ can thiệp nếu tình hình xấu đi nhanh chóng. Ngày 20/10 Vincent ra thông báo, Mỹ không phản đối Hà lan và Pháp tiếp quản các thuộc địa cũ tại Đông Nam á, nhưng Mỹ hy vọng là nhân dân các nước này sẽ được chuẩn bị cho trách nhiệm tự trị.

Trong lúc đó Pháp cũng tỏ rõ thái độ. Cuối tháng 10, đại diện của Sứ Quán Pháp tại Washington đã gặp một quan chức vụ Viễn đông là Abbot Moffat để bày tỏ quan điểm về tin đồn là đại diện của chính phủ Hồ Chí MInh đang tới Mỹ, ông này tuyên bố “chính phủ Pháp coi hành động này của Mỹ là không thân thiện”.

Hồ Chí Minh có thể không biết về những thay đổi này trong thái độ của Mỹ, nhưng rõ ràng là ông nhận thấy xu hướng xấu đi. Trong bữa tiệc chia tay với Patti ngày 30/9 tại Bắc bộ phủ, Hồ chia sẻ, ông không thể nào liên kết được những gì Mỹ đã tuyên bố tại Teheran, Quebec và Postdam với thái độ dửng dưng cho phép Anh và Tưởng đưa Pháp trở lại Việt nam. Tại sao Hiến chương Đại tây dương lại không áp dụng cho Việt nam? Hồ đề xuất một chương trình cải cách kinh tế xã hội cho khối các nước thuộc địa châu á. Patti bày tỏ thiện cảm với cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam nhưng cũng nhắc lại quan điểm của Mỹ: "ủng hộ chủ quyền của Pháp nhưng không ủng hộ những tham vọng thực dân của Pháp". Cuối buổi nói chuyện, Hồ nhắc lại những thời điểm mấu chốt trong đời cách mạng của mình. Ông phủ nhận mình là cộng sản, là “bù nhìn của Matxcova” theo cách hiểu của Mỹ. Hồ Chí Minh đã nợ Liên xô bài học tư tưởng và đã trả hết trong 15 năm hoạt động cho Đảng, bây giờ ông là người tự do. Có phải là Mỹ đã giúp Việt nam trong những tháng gần đây để dành độc lập? Thế thì tại sao Việt nam lại mang nợ với Matxcova. Khi chia tay, Hồ nhờ Patti mang theo thông điệp Việt nam luôn biết ơn Mỹ đã giúp đỡ và mãi mãi coi Mỹ như người bạn và đồng minh tin cậy, cuộc đấu tranh giành độc lập của Mỹ là tấm gương cho nhân dân Việt nam noi theo. Vài ngày sau, Hồ còn gửi một bức thư cho tổng thống Truman. Nhưng tất cả đều vô vọng, những hoạt động của Patti, bức thư của người kế nhiệm Patti về đề nghị của Hà nội để Mỹ trung gian hoà giải, và những bức thư của Hồ cho Truman đều bị vứt vào sọt rác.


Đến mùa thu năm 1945, bức tranh về Cách Mạng Tháng 8 trở nên rõ ràng hơn. Tuy lãnh thổ vẫn do quân Tưởng chiếm đóng, Việt minh kiểm soát phía Bắc chủ yếu nhờ sự hồ hởi vì độc lập của dân chúng và hình ảnh huyền thoại của chủ tịch Hồ Chí Minh. Tại miền Nam, quân Pháp đã khôi phục lại chế độ thuộc địa, Việt minh đang xây dựng những căn cứ địa tại nông thôn.


Đối với Hồ Chí Minh, diễn biến trên chính trường quốc tế mới là điều quan trọng. Hồ muốn nhờ tay nước ngoài để ngăn chặn tham vọng thực dân của Pháp. Kinh nghiệm lâu năm cho Hồ biết Stalin chẳng quan tâm gì đến châu á và không thể ảo tưởng về sự giúp đỡ của Liên Xô.Tuy nhiên cũng khó có khả năng là Liên Xô sẽ ủng hộ Pháp. Hồ biết rõ về những tư tưởng chống thực dân ở Mỹ, tuy nhiên hy vọng Mỹ giúp đỡ thật là mong manh. Nếu liên minh Xô - Mỹ chuyển thành thế đối đầu, Việt nam sẽ bị kẹt trong thế mâu thuẫn toàn cầu mới. Tại hội nghị Tân trào, Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh, rất có thể vì sợ cách mạng thế giới, Mỹ sẽ quay sang ủng hộ Pháp.


Mặc dù con đường phía trước còn đầy chông gai, thực tế là Việt minh đang nắm chính quyền tại Hà nội. Sau này nhiều nhà sử học của Đảng đã tâng bốc vai trò lãnh đạo tài tình của Đảng, rằng Cách Mạng Tháng 8 ( CMT8) là điển hình kết hợp giữa nông thôn và thành thị, là hình mẫu cho các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của các nước thứ Ba... Gần đây nhiều nhà nghiên cứu lại cho rằng CMT8 là một cuộc nổi dậy có tính ngẫu hứng, rất ít có kế hoạch và chỉ đạo. Một số còn gọi đó là cuộc đảo chính. Những nhận xét này cũng có phần đúng, Lenin đã từng nói thực tế cách mạng phức tạp hơn nhiều so với lý thuyết với cách mạng và bất cứ cuộc cách mạng nào cũng có yếu tố ngẫu nhiên. Mặc dù có thể Đảng đã dự trù nhiều thứ ở Tân trào, khi Nhật đầu hàng, cuộc nổi dậy đã diễn ra có phần bột phát. Nhiều cơ sở đảng chẳng có liên hệ gì với TƯ, cứ tuỳ cơ ứng biến mà làm. Nạn đói khủng khiếp hoành hành trước đó vài tháng làm nhân dân nổi giận cũng giúp cho cuộc nổi dậy thành công nhanh chóng.

Tuy nhiên cũng phải thừa nhận CMT8 là một thành công to lớn của Đảng. Không thể có một cuộc cách mạng nếu không có những người cách mạng. Trong khi các phần tử dân tộc chủ nghĩa co ro nằm chờ ở Nam Trung hoa thì Việt minh đã dám chấp nhận thử thách và đã chớp được cơ hội tại thời điểm cuối của cuộc chiến tranh Thái bình dương, đặt thế giới vào một sự đã rồi “Fait accompli”. Bằng cách sử dụng Việt minh như một mặt trận rộng rãi với chương trình thu hút tất cả các tầng lớp nhân dân, Hồ Chí Minh đã mở rộng đáng kể phạm vi ảnh hưởng của Đảng cộng sản. Không những thế, Việt minh còn giúp Hồ kêu gọi sự công nhận của các nước đồng minh thắng trận như đại diện hợp pháp cho các quyền lợi dân tộc. Hình ảnh ôn hoà đó chính là hình ảnh của Hồ Chí Minh, một “người đơn giản là yêu nước”, mặc áo kaki và đi dép cao su, đã chiếm trọn trái tim hàng triệu người Việt nam và những người gần gũi với Hồ như Charles Fenn, Archimedes Patti, Jean Sainteny, Tướng Leclerc. Tuy nhiên không phải tất cả các đồng đội của Hồ đều ủng hộ ông. Sau này Trường Chinh đã nói, Đảng đã tắm máu không sạch và để lại quá nhiều kẻ thù tương lai trong CMT8.

Chiến lược của Hồ không phải là hoàn hảo. Chương trình hành động của Việt minh chỉ là điểm khởi đầu và sau này, rất có thể Đảng phải lộ bộ mặt thật sẽ dẫn đến sự thất vọng của dân chúng. Nhưng Hồ Chí MInh luôn luôn là một con người thực dụng. Trong cuộc phỏng vấn với nhà báo Mỹ Harold Isaacs cuối năm 1945, Hồ nói: “Độc lập là một sự kiện. Cái gì phải đến sau đó sẽ đến. Nhưng độc lập phải có trước, không phụ thuộc sau đó sẽ là cái gì”. Có giữ được độc lập hay không là một chuyện khác “chúng tôi đang đơn độc, và chúng tôi phải phụ thuộc vào chính mình”. Hồ nói với Isaacs, chấp nhận cuộc chơi đầy khó khăn phía trước.



10. Tái thiết và kháng chiến



Tình hình Hà nội trở nên xấu đi và đặt những gánh nặng to lớn lên Hồ CHí Minh như người lãnh đạo Đảng và chính phủ. Những cái đầu nóng ở Đảng CS Đông DƯơng- ICP đòi phải dẹp các nhóm đối lập thì Hồ CHí Minh lại kiên trì chính sách hoà giải và hoà hợp dân tộc, nhằm chia rẽ và cô lập những kẻ thù của Đảng. Trong khi đa số người Việt nam quyết liệt phản đối Pháp quay trở lại, thi Hồ lại đánh tiếng sẽ đón tiếp Pháp như những người bạn.


Mặc dù tìm kiếm hoà bình, chính phủ mới cũng tích cực chuẩn bị cho chiến tranh. Lực lượng dân quân tự vệ được Hồ gọi là “bức tường thép của Tổ quốc” được tổ chức khắp các làng xã, nhà máy, đường phố, do cơ sở đảng địa phương lãnh đạo và tổ chức tập luyện. Thức ăn và vũ khí thì tự lo lấy. Tại Hà nội, hàng chục ngàn thanh niên gia nhập tự vệ. Ngoài ra còn có bộ đội địa phương, được lựa chọn nòng cốt từ hội thanh niên cứu quốc, do Bộ quốc phòng trang bị và huấn luyện tại Trường huấn luyện quốc phòng Hồ Chí Minh. Quân đội chính quy: Quân giải phóng Việt nam mới đổi tên thành Vệ quốc quân, được tổ chức thành các tiểu đoàn, du nhập thêm số Dân vệ của chính phủ cũ bị giải ngũ. Trường kháng Nhật Việt bắc chuyển về Hà nội được đổi thành Học viện chính trị quân sự, dưới danh nghĩa huấn luyện để có thể hợp tác với quân Tưởng. Nếu kể cả số quân phía Nam, quân đội lên tới 80,000 người. Tuy nhiên vũ khí thì hết sức thiếu thốn. Nếu có thì cũng từ loại đồ cổ, nhiều khi từ thế kỷ trước ngoại trừ một ít mìn chống tăng và tiểu liên thu được của Nhật. Còn lại đa số là giáo, mác hoặc súng kíp do mấy bác thợ rèn địa phương tự chế. Để có tiền mua vũ khí từ lực lượng chiếm đóng, Hồ CHí Minh miễn cưỡng đồng ý tổ chức “Tuần lễ vàng” kêu gọi nhân dân đóng góp. Theo Patti, Hồ không tin tưởng lắm vào sự thành công của việc này vì sẽ chỉ có người nghèo là tích cực, còn tầng lớp giàu có sẽ chẳng đóng được bao nhiêu. Thực tế đã diễn ra đúng như vậy, và Hồ “cảm thấy như kẻ phản bội” khi để “vụ việc” này diễn ra. Chính phủ tìm cách tăng thuế thực phẩm. Khi một quan chức đề nghị đánh thuế thịt gà, vịt, bò, “Công dân” Vĩnh Thuỵ buột miệng “sao không thêm cả thịt chó?”. Hồ là người đầu tiên lăn ra cười. Chính phủ còn phát động phong trào thu gom đồng và các loại kim loại khác để đúc vũ khí khắp nơi.


Mặc dù vậy Hồ CHí Minh tin tưởng rằng vũ khí quan trọng nhất sẽ là sự ủng hộ của quần chúng, đi đâu ông cũng nhắc cán bộ hành xử cho đúng với dân: “Trợn mắt nhìn ngàn tráng sĩ, cúi đầu làm ngựa nhi đồng”. Ông luôn luôn nhấn mạnh, cuộc đấu tranh sống còn của chính phủ là trên mặt trận ngoại giao và chính trị. Nếu dụ dỗ nhượng bộ quân Tưởng, bọn dân tộc chủ nghĩa sẽ bị cô lập. Và lúc đó Hồ CHí Minh có thể xây dựng mặt trận thống nhất để chống sự trở lại của Pháp ở phía Bắc. Sau khi đặc phái viên của Tưởng, tướng He Yingqin đến thị sát Hà nội và ra lệnh: giảm ảnh hưởng của cộng sản, chính phủ đã tỏ thái độ mềm mỏng.Hồ CHí Minh ra lệnh thả Ngô Đình Diệm, con của một quan chức triều đình yêu nước, bộ trưởng nội vụ trong chính phủ Bảo đại trước WWII, nhưng đã từ chức vì cho rằng Pháp không cho chính phủ thực quyền. Diệm theo Thiên chúa và chống cộng điên cuồng, đặc biệt là khi một trong 5 anh em của Diệm là Ngô Đình Khôi bị Việt minh thủ tiêu. Hành động này của Hồ CHí Minh đã bị nhiều đồng chí chỉ trích, trong đó có cả Bùi Lâm- bạn chiến đấu từ thời Paris . Để lôi kéo cộng đồng thiên chúa, Hồ CHí Minh còn dành cho họ một chân trong chính phủ và thỉnh thoảng đi dự lễ nhà thờ. Ông cũng không ngần ngại đến thăm các đồng bào miền núi,thắp hương cho Khổng tử ở Văn miếu.

Dưới sức ép của tướng Tiêu Văn, từ cuối tháng mười Hồ CHí Minh bắt đầu đàm phán với Nguyễn Hải Thần,“lãnh đạo tối cao” của Đại Việt cùng các đảng khác như Việt Quốc và Đồng minh Hội. Nhưng các cuộc đàm phán chẳng đi đến đâu. Đồng Minh Hội đòi giải tán chính phủ, đổi tên Việt minh, thay đổi quốc kỳ. Các đồng chí của Hồ rất bực tức, một người viết Tôi là người tán thành việc diệt sạch bọn Việt quốc tay sai của Tưởng. Có hôm tôi bảo: “Thưa Bác, tại sao ta lại để cho bọn ám sát và phản bội đó tồn tại? Bác cứ ra lệnh, bảo đảm cháu sẽ bọn nó tiêu trong một đêm”. Bác cười và chỉ vào phòng, hỏi lại “Nếu có con chuột chạy vào phòng này, chú sẽ dùng đá ném hay đặt bẫy hoặc đuổi nó ra?” “Thưa Bác, nếu ném đá sẽ vỡ mất nhưng đồ quý trong phòng”.


Mặc dù không nhượng bộ những yêu cầu của phe đối lập, ngày 11/11, Đảng CS Đông Dương - ICP đột ngột tuyên bố tự giải tán, đổi thành Hội nghiên cứu chủ nghĩa Max ở Đông dương. Rõ ràng Đảng muốn thể hiện yêu cầu của đất nước cao hơn cuộc đấu tranh giai cấp, và lợi ích của nhân dân cao hơn lợi ích của Đảng. Dù thế, ngày hôm sau vẫn xảy ra vụ đụng độ lớn giữa Việt minh và phe dân tộc gần Nhà hát Lớn làm hàng chục người chết. Rõ ràng là ngoài việc nhằm thống nhất dân chúng, động thái này chủ yếu là hướng đến quân Tưởng và xoa dịu phe đối lập. Trong Đảng cũng đã có những cuộc tranh luận gay gắt, các đảng cộng sản khác cũng lúng túng không hiểu. Thực chất thì đảng không giải tán mà chỉ rút vào hoạt động bí mật để rồi mấy năm sau lại tái xuất hiện. Ngày 19/11, theo lệnh của Trương Phát Khuê, Tiêu Văn triệu tập cuộc họp chính phủ và phe đối lập. Hai bên thống nhất thành lập chính phủ liên hiệp, tập hợp tất cả các tổ chức vũ trang dưới sự lãnh đạo của chính phủ, tổ chức hội nghị quân sự để bàn cách giúp đồng báo phía Nam chống Pháp. Các phe phái phải ngay lập tức ngừng các hoạt động chống đối nhau. Cuộc đàm phán kéo dài mấy tuần. Đầu tiên, phe đối lập đòi chức Chủ tịch và 6 ghế bộ trưởng. Hồ CHí Minh thì đề nghị thành lập Hội đồng Cố vấn chính trị do Thần làm chủ tịch và 3 ghế bộ trưởng. Căng thẳng leo thang khi Giáp cho tay chân mặc thường phục đuổi các phần tử Việt quốc đang rải truyền đơn chạy re kèn. Sau vụ này Hồ Chí Minh liền lập tức bị triệu đến trụ sở quân Tưởng nghe chửi.


Một vấn đề nữa là ngày bầu cử. Phe đối lập cho là ngày 23/12 là quá gấp để họ chuẩn bị. Trương Phát Khuê can thiệp, ngày 19/12 hai bên nhất trí dời ngày tổng tuyển cử 15 ngày. Không phụ thuộc vào kết quả bầu cử, Việt quốc sẽ có 50 ghế và Đồng MInh Hội có 20 ghế trong quốc hội tương lai. HCM sẽ làm chủ tịch, Hải Thần phó chủ tịch, Việt minh, Việt Quốc, Đồng MInh Hội và Đảng Dân chủ mỗi đảng có 2 ghế bộ trưởng và hai ghế nữa sẽ dành cho các phần tử không đảng phái. Quyết định này bị phản ứng quyết liệt trong đảng. Một đồng chí đã hỏi “Hải Thần có phải là cục phân bẩn thỉu?”. Hồ trả lời “Nhưng nếu dùng để bón lúa được thì tại sao lại không dùng?” Khi một số cho rằng Việt minh và phe đối lập như lửa với nước, cớ sao lại nhượng bộ 70 ghế, Hồ châm biếm: “Nếu lấy lửa để đun sôi nước, thì lại có thể uống được đấy”.


Ngày 1/1/1946, chính phủ liên hiệp lâm thời ra mắt tại Nhà hát Lớn. Hồ Chí Minh kêu gọi bầu cử dân chủ và thống nhất các lực lượng vũ trang. Hải Thần cũng phát biểu, nhận một phần trách nhiệm về sự chậm trễ trong việc hoà hợp dân tộc và hứa sẽ hợp tác chống Pháp. Ngày 6/1 cuộc tổng tuyển cử đầu tiên được tiến hành trên toàn quốc và các vùng do Việt minh kiểm soát ở Nam bộ. Việt minh nhận được 97% phiếu và lẽ ra sẽ có 300 ghế quốc hội, nhưng 70 ghế phải nhường cho phe đối lập. Hồ CHí Minh cũng ra ứng cử tại Hà nội và được 98.4% phiếu bầu.


Trong một cuộc hội nghị tháng 11, TW đã ra nghị quyết hy vọng là Pháp có thể dành độc lập cho Đông dương để đổi lấy những lợi ích kinh tế. Paris thì lại nghĩ khác và không muốn đàm phán gì trước khi chủ quyền của Pháp được phục hồi. Cuối tháng 9, De Gaul điện cho Leclerc “Việc của ngài là khôi phục lại sự cai trị của Pháp và tôi rất lấy làm tiếc là ngài vẫn chưa làm điều đó” . Trong khi đó, Leo Pignon và Alessandri lại coi Hồ Chí Minh là người có bản lĩnh, tin cậy và đáng đàm phán. Cedile cũng điện từ Sài gòn cho rằng có nhiều phần tử ôn hoà trong chính phủ và nên đàm phán. Ngày 10/10 Paris điện cho Alessandri đề nghị thương lượng với Hà nội về các vấn đề trên toàn Đông dương. Hai ngày trước đó, Jean Sainteny trở lại Việt nam với tư cách đại diện toàn quyền cho Pháp tại Bắc bộ và Bắc Trung bộ, sau chuyến đi sang Ân độ thăm tướng D’Argenlieu để xin từ chức vì bất mãn, bị từ chối.


Sainteny ở trong toà nhà Ngân hàng Đông dương. Sainteny gặp Hồ Chí Minh lần đầu tiên vào giữa tháng 10 cùng với một quan chức thực dân cũ là Pignon. Hồ đi cùng với bộ trưởng văn hoá Hoàng Minh Giám. Mặc dù là người đàm phán cứng rắn và yêu nước Pháp, Sainteny rất kính trọng Hồ và tự đáy lòng, ông này cảm thấy Hồ thân Pháp. Nhiệm vụ của Saiteny là thuyết phục để Hồ đồng ý cho quân Pháp quay trở lại Bắc bộ, đổi lấy việc Pháp sẽ thương lượng để đuổi Tưởng đi. Tại lúc đó, tướng Leclerc đang có 8000 quân ở Nam bộ từ Sư đoàn số 2 đã nổi tiếng trong chiến dịch Normandy. Pháp không dễ dàng tràn vào bằng vũ lực bởi ngoại trừ sự chống đối của Việt minh, còn có hơn 30000 quân Tưởng đang thong thả “giải giáp” quân Nhật. Sainteny đã cảnh báo chính phủ Pháp “tuyệt đối chưa dùng vũ lực, vì sẽ vấp phải sự chống đối mạnh mẽ”.


Ngay từ đầu, Hồ Chí Minh đã thành thật thú nhận là ông không yêu cầu độc lập ngay lập tức. Ông đồng ý để Pháp quay lại với một chân trong liên hiệp Pháp nếu Pháp đồng ý độc lập trong vài năm tới. Nhưng mọi việc không dễ dàng, rắc rối đầu tiên là câu chữ, Hồ đề nghị phải dùng chữ “Independence” trong văn bản cuối cùng, trong khi đó De Gaul không chịu chấp nhận. Leclerc, sau khi đi thăm tướng Mountbatten về, định hoà giải bằng cách đề nghị Paris có một thể chế phù hợp cho Đông dương sau chiến tranh ( ông này dùng chữ “Autonomie”), liền bị De Gaul chửi mắng thậm tệ “Nếu tôi mà nghe mấy thứ nhảm nhí này thì đế quốc Pháp đã tiêu vong lâu rồi. Hãy đọc thật kỹ câu chữ trong tuyên bố tháng 3 của Pháp về Đông dương”.

Vấn đề gây tranh cãi thứ hai là quy chế của Nam bộ, Hồ Chí Minh muốn gộp chung cả vào đàm phán nhưng Saiteny cho rằng dân chúng ở thuộc địa cũ của Pháp này phải được tự do lựa chọn thể chế cho mình. Cả hai tranh cãi liên miên mấy tuần liền trong căn phòng mịt mù khói thuốc. Sainteny hút tẩu sang trọng, còn Hồ hút đủ thứ thuốc Tàu, Mỹ và Gaulois Pháp. Thỉnh thoảng Hồ xin nghỉ để hội ý với chính phủ mình, hoặc xin ý kiến “Cố vấn” Vĩnh Thuỵ.

Thái độ của Hồ Chí Minh với Bảo đại làm Sainteny và nhiều người khác ngạc nhiên. Hồ bao giờ cũng tỏ ra rất lễ phép. Hồ còn mắng cán bộ của mình đã gọi là “ông cố vấn” mà không phải là “thưa Ngài”. Có lần Hồ còn đề nghị Bảo đại làm người đứng đầu nhà nước trong tương lai. Như cố vấn tối cao, Bảo Đại dự tất cả các cuộc họp chính phủ và cảm thấy như ở nhà, kể cả trong quan hệ với những kẻ cứng rắn như bộ trưởng tuyên truyền Trần Huy Liệu, trước đây đa số thời gian là sống ở Nga hoặc trong tù.

Thoạt tiên Bảo Đại có cảm tình với Hồ so với mấy tay đối lập bám đít Tưởng. Ông chủ tịch yếu đuối và mềm dẻo này , thích nói chuyện văn thơ hơn chính trị và có vẻ giống một nhà nho hay thầy đồ hơn là điệp viên của Quốc Tế Cộng Sản hay chủ tịch nước. Dần dần Bảo Đại cũng nhận ra bộ mặt thật của Hồ và chính phủ. Khi nghe tin Phạm Quỳnh và Ngô Đình Khôi bị bắt, Bảo Đại đã phản đối và đề nghị thả. Hồ ậm ừ nói rằng nhân dân sẽ không hiểu (hai ông này đều bị thủ tiêu). Khi xung đột giữa các phe phái tăng cao, Bảo Đại được cử đi Thanh hoá lánh nạn. Trở về, ông được bầu vào đại biểu quốc hội và thỉnh thoảng theo Hồ đi thăm thú để nhân dân thấy rằng ông vẫn còn sống.


Trong những tuần đầu 1946, dưới vỏ bọc của chính phủ liên hiệp mới, Hồ Chí Minh nối lại các cuộc thương lượng với Sainteny. Cũng quãng thời gian đó, Kenneth Landon, chuyên gia về các vấn đề châu á của vụ Đông Nam Á Bộ ngoại giao Mỹ đến Hà nội để tìm hiểu tình hình. Sainteny hứa với Landon rằng chính phủ Pháp sẽ tìm cách hoà giải với Việt nam. Nhưng Hồ lại không lạc quan khi trao đổi riêng với Landon. Hồ nghi ngờ sự thành thật của chính phủ Pháp và khẳng định quyết tâm sắt đá của Việt Nam giành lại độc lập. Hồ nhờ Landon chuyển bức thư cho tổng thống Truman kêu gọi Mỹ ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của Việt nam, trong bối cảnh Mỹ đang chuẩn bị trao trả lại độc lập cho Philippines.

Những nghi ngờ của Hồ đối với Pháp xem ra là có cơ sở. Tại Paris, bộ ngoại giao Pháp thông báo cho đại sứ Mỹ Jefferson Caffery rằng Pháp sẽ “thoáng” trong đàm phán, tuy nhiên vấn đề độc lập hoàn toàn của Việt nam chưa được xét đến lúc này. Trong báo cáo sau đó cho Washington, Caffery nhận xét: chính sách về Đông dương của chính phủ Pháp đang bị một số viên tướng thủ cựu lũng đoạn.


Tuy nhiên tình hình biến chuyển theo chiều hướng có lợi cho đàm phán. Paris cần một số tiến bộ tại Hà nội để hỗ trợ cho cuộc đàm phán với Tưởng ở Trùng khánh về việc quân Pháp sẽ thay thế quân Tưởng ở Bắc bộ. Chính phủ xã hội mới của Felix Guin thay thế De Gaul cũng tỏ ra mềm mỏng hơn. D’Arengenlieu quay về Pháp để xin ý kiến chính phủ mới, không quên dặn Leclerc chưa vội nhượng bộ với chữ “Independence”. Ngày 14/2,Leclerc điện về Paris “đang có cơ hội để chính phủ Pháp ra tuyên bố ủng hộ việc dùng chữ Độc lập cho toàn Đông dương, nhưng có giới hạn, trong khuôn khổ khối Liên hiệp Pháp”. Đáng tiếc là D’Argenlieu, một người bảo thủ được mệnh danh là “bộ óc thông minh nhất của thế kỷ 12” đã không chấp nhận ý tưởng này.Trước khi từ chức, De Gaul cũng cử bộ trưởng Max Andre sang thăm dò thái độ của Hồ. Theo Pháp, Hồ sẵn sàng chấp nhận sự quay lại của Pháp với một số điều kiện.


Mặt khác, Hồ phải đối diện với nhiều sức ép bên trong về việc không được nhượng bộ Pháp. Báo chí đối lập ra sức đả kích vụ Hồ đàm phán với Pháp, đòi giải tán chính phủ “của bọn phản bội” đang bán đứng quyền lợi dân tộc cho Pháp. Hồ càng khó thoả hiệp trong bối cảnh Pháp càng ngày càng đẩy mạnh chiến tranh tại phía Nam. Tháng 11/1945, mặc dù bị Việt Minh bao vây, Pháp vẫn chiếm thành phố nghỉ mát Nha trang. Vài tuần sau, quân của tướng Alessandri vượt biên giới tại Lai châu, bắt đầu chiến dịch đóng cửa biên giới, cắt đứt liên hệ của Việt Minh với Nam Trung hoa. Khoảng giữa tháng 2/46 Pháp cảnh báo Việt Nam phải thoả hiệp nhanh vì hiệp định Hoa-Pháp sắp được ký. 18/2, Sainteny điện về Paris thông báo Hồ đã nhượng bộ không dùng chữ “Independence” mà chỉ cần Pháp “công nhận những nguyên tắc tự trị của Việt nam, trong khuôn khổ Liên hiệp Pháp”. D’Argenlieu đồng ý trên nguyên tắc.

Ngày 20/2, hãng Reuters công bố những điều khoản của hiệp định Trùng khánh sắp được ký kết, cho phép quân Pháp vào thay thế quân Tưởng. Paris cũng lệnh cho Leclerc chuẩn bị đổ bộ ra Hải phòng. Hà nội rối loạn. Những phần tử đối lập, vốn đang tức việc Hồ đàm phán với Pháp, kêu gọi tổng bãi công và đòi Hồ từ chức, lập chính phủ mới do “Công dân” Vĩnh Thuỵ đứng đầu. Hai bên đã đụng độ ở khu vực quanh hồ Hoàn kiếm. Ngày 22/2, Hồ trả lời phỏng vấn, không bình luận về tin đồn về hiệp định Hoa-Việt. Trên thực tế, chính phủ tích cực chuẩn bị chiến tranh, thành lập thêm các đơn vị dân quân tự vệ, bắt đầu sơ tán trẻ em và người già khỏi thành phố.

Sainteny, đã đồng ý với nguyên tắc tự trị của Việt Nam (nhưng không nhắc đến từ độc lập), lại nêu yêu cầu mới, đòi hỏi chính phủ Việt nam phải có sự tham gia rộng rãi của các tầng lớp dân chúng mới có thể đứng ra ký hiệp định. Hồ cũng chỉ đạo đẩy nhanh kỳ hạn họp quốc hội lần thứ nhất mới được bầu tháng giêng, lập ra chính phủ liên hiệp. Nhưng Việt quốc được Tưởng ủng hộ, kiên quyết đòi đa số trong chính phủ. Có vẻ như có lúc Hồ đã mất hy vọng. Theo Bảo đại, sáng 23/2, Hồ bất thình lình đến thăm và đề nghị Bảo đại ra nắm quyền.

“Thưa ngài, tôi không biết làm gì hơn. Tình hình căng thẳng. Tôi hiểu rõ người Pháp không muốn nói chuyện với tôi. Tôi không thuyết phục được đồng minh ủng hộ. Cả thế giới bảo tôi đỏ quá. Tôi đề nghị ngài hy sinh một lần nữa và ra nắm chính quyền”.



Bảo Đại từ chối, nhưng sau khi tham khảo ý kiến các cố vấn đã nhận lời. Nhưng Hồ Chí Minh lại đổi ý. Chiều đó, Hồ gặp lại Bảo Đại

“Thưa ngài, hãy quên những điều tôi nói lúc sáng. Tôi không có quyền từ bỏ những trách nhiệm của mình lúc khó khăn. Trả lại quyền lực cho ngài là sự hèn nhát của tôi. Xin ngài hãy tha lỗi cho phút yếu mềm và ý định chuyển gánh nặng trách nhiệm cho ngài. Tôi có kế hoạch từ chức chẳng qua vì sự chống đối quyết liệt của phe đối lập với hiệp định mà tôi đang thảo luận với Pháp.”

Cái gì đã làm Hồ thay đổi ý định? Chỉ biết là ngày hôm sau, thấy các bên thông báo là đã thoả thuận được thành phần chính phủ liên hiệp. Hai bộ quan trọng nhất là Nội vụ và Quốc phòng được trao cho các phần tử trung lập. Việt minh và các đảng khác chia nhau 8 ghế còn lại. Theo Võ Nguyên Giáp, Hồ đã nhờ Tiêu Văn, vốn rất ghét Pháp, thuyết phục phe đối lập thoả hiệp để có thể thành lập chính phủ chống Pháp.


D’Argenlieu quay lại Sài gòn ngày 27/2. Cùng ngày, ông đồng ý bản hiệp định khung do Sainteny đề nghị, công nhận Việt nam là “Nhà nước tự do, có quốc hội, quân đội và tài chính riêng” nhưng không chấp nhận quyền tự trị của Việt Nam trong đối ngoại cũng như sự thống nhất về chính trị và lãnh thổ giữa 3 miền. Tuy nhiên vấn đề thống nhất có thể giải quyết thông qua trưng cầu ý dân. Cùng ngày tại Trùng khánh, Pháp đồng ý bỏ yêu cầu về các lãnh thổ hải ngoại tại Quảng châu và Thượng hải và sẵn sàng ký hiệp định Hoa Việt. Tất cả đã sẵn sàng để quân Pháp quay trở lại Bắc bộ. Paris tức tốc điện cho Leclerc: “Hãy giương buồm lên”


Ngày 2/3, Quốc hội họp phiên đầu tiên tại Nhà hát lớn. Cả toà nhà tràn ngập cờ đỏ sao vàng. Hơn 300 đại biểu, khách mời và phóng viên tham dự. Trong bộ quần áo kaki nổi tiếng Hồ Chí MInh bước lên diễn đàn đề nghị quốc hội chấp nhận 70 đại biểu của Việt quốc và Đồng Minh Hội đang phải đợi ở phòng chờ. Sau khi được chấp nhận, Hồ tuyên bố khai mạc quốc hội đại diện cho toàn thể dân tộc Việt nam và đại diện cho chính phủ liên hiệp lâm thời xin từ chức. Quốc hội đã nhất trí bầu Hồ Chí MInh làm chủ tịch, Nguyễn Hải Thần làm phó chủ tịch mặc dù ông này cáo ốm không đến dự. Hồ Chí MInh tuyên bố thành lập Uỷ ban dân tộc kháng chiến đấu tranh cho độc lập hoàn toàn của dân tộc và Hội đồng cố vấn quốc gia do Bảo Đại làm chủ tịch.Cùng ngày hạm đội Pháp chở đạo quân của tướng Leclerc rời Sài gòn nhằm hướng Hải phòng thẳng tiến.


Ngày 5/3 Hồ Chí MInh triệu tập lãnh đạo đảng họp tại Hương canh ngoại ô Hà nội (sau khi TƯ đã họp ngày 24/2) để đánh giá tình hình và đề ra chiến lược thích hợp. ý kiến rất khác nhau. Một số đòi đánh ngay lập tức, số khác thì đề nghị theo Tàu chống Pháp... Đánh giá là lực lượng vũ trang Việt minh còn quá yếu, Hồ Chí Minh khẳng định cần phải hoà hoãn bằng mọi giá. Có lúc Hồ phải hét lên: “Moi người quên lịch sử rồi sao? Mỗi khi bọn Tàu đến, chúng ở lại hàng ngàn năm. Tây thì bất quá ở vài năm rồi cũng sẽ phải cuốn xéo”. Sau này khi nói chuyện với nhà sử học Pháp Paul Mus, Hồ dùng từ còn kinh hơn: ”Thà ngửi c. Tây một lúc, còn hơn ăn c. Tàu cả đời” (1). Cuối cùng quan điểm của Hồ thắng thế. Nghi quyết cuộc họp nêu rõ: “Vấn đề bây giờ không phải là đánh hay không. Mà là biết ta và biết người, đánh giá đúng tình hình để có hành động thích hợp. Tình hình hiện tại phức tạp hơn nhiều so với lúc xảy ra Cách mạng Tháng 8. Khi đó, các lực lượng đối lập hoặc không muốn hoặc không thể ngăn cản. Bây giờ, được Tưởng giúp sức, chúng sẵn sàng manh động chống chính phủ. Lúc đó, đồng minh đang lộn xộn, chúng ta có thể khai thác những mâu thuẫn. Bây giờ mâu thuẫn đã tạm thời lắng xuống. Lực lượng tiến bộ do Liên Xô lãnh đạo thì ở xa, chẳng cách nào giúp được cách mạng Việt Nam. Bởi vậy “chiến đấu đến cùng” chẳng khác gì tự làm yếu và cô lập mình”. Nghị quyết cũng nêu rõ, hoà hoãn với Pháp sẽ làm cho chính phủ bị chửi là bán nước, giúp Pháp củng cố lực lượng tấn công miền bắc. Nhưng hoà hoãn với Pháp sẽ làm Tưởng suy yếu, kéo theo bọn cơ hội dân tộc chủ nghĩa. Hoà hoãn cũng giúp chính phủ có thời gian chuẩn bị đầy đủ các điều kiện lâu dài cho cuộc đấu tranh giành độc lập hoàn toàn. Cuối cùng nghị quyết yêu cầu Pháp phải công nhận các quyền tự quyết và toàn vẹn lãnh thổ của nhân dân Việt nam.


***************
(1):
Xem “Jours passes aupres Oncle Ho” in Avec l’Oncle Ho (NXB Ngoại ngữ, 1972) p 352


Cùng ngày 5/3, hạm đội Pháp của Leclerc tiến vào vịnh Bắc bộ. Bất ngờ Saiteny nhận được điện từ Sài gòn thông báo, Tưởng từ chối cho Pháp đổ bộ nếu không có những nhượng bộ nữa. Uỷ ban kháng chiến quốc gia cũng ra lời kêu gọi chuẩn bị đứng lên bảo vệ đất nước. Quân Pháp lên bờ chắc chắn sẽ vấp phải sự kháng cự của cả Việt nam lẫn Tưởng. Leclerc hoảng quá, yêu cầu Sainteny phải làm mọi cách để thoả thuận với các bên, kể cả “hứa những điều mà sau này sẽ vứt đi”. Cuối ngày hôm đó, Sainteny gặp Hồ. Cảm nhận được cuộc đàm phán Hoa - Pháp đang gặp khó khăn, Hồ thừa cơ đòi thêm chữ “independence” và toàn vẹn lãnh thổ. Sainteny hứa sẽ tổ chức trưng cầu ý dân 3 miền về việc thống nhất nhưng kiên quyết từ chối dùng từ “Independence”. Cuộc đàm phán chẳng đi đến đâu.

Sáng hôm sau, hạm đội Pháp tiến vào vịnh Hải phòng. 8h30, tàu đổ bộ Pháp được hạ xuống cửa sông Cấm. Quân Tưởng trên bờ nổ súng. Sau chừng 15 phút suy nghĩ, quân Pháp đã bắn trả. Đạn vãi như mưa trên đường phố Hải phòng đến tận 11h. Kết quả, một số tàu Pháp bị hư hại, một kho đạn của Tưởng bốc cháy dữ dội. Tại Hà nội, tình hình lại tiến triển thuận lợi. Sau khi tư vấn với các đồng chí, Hồ quyết định nhượng bộ. Hoàng Minh Giám được phái đến biệt thự của Sainteny thông báo Việt Nam đồng ý những điều kiện của Pháp, thay chữ “indepedence” bằng chữ “Free state”. Khoảng 4h chiều, tại toà biệt thự trên Lý Thái Tổ đối điện với Bắc bộ phủ, toàn văn bản hiệp định đã được công bố trước các đại diện Việt nam, Pháp và một số nhà quan sát khác. Hiệp định thừa nhận Việt nam dân chủ cộng hoà “là một quốc gia tự do, có chính phủ, quốc hội, quân đội và tài chính riêng, nằm trong khối Liên hiệp Pháp”. Pháp cũng đồng ý việc tiến hành trưng cầu ý dân ở cả ba miền để thống nhất đất nước. Đổi lại Việt nam đồng ý để 15.000 quân Pháp vào Bắc bộ thay thế quân Tưởng. Hồ Chí Minh ký trước rồi đưa cho thứ trưởng quốc phòng Vũ Hồng Khanh (Việt quốc) ký tiếp theo. Sau lễ ký, đáp lại sự hài lòng ra mặt của Sainteny, Hồ Chí Minh phát biểu:
“ông đã thắng, ông biết rằng tôi muốn nhiều hơn thế. Nhưng tôi hiểu rằng không thể có mọi thứ ngay một lúc”. Sau đó Hồ bình thản lại ngay, quay sang nói với Pignon và Sainteny: “Tôi có một điều an ủi, đó là tình bạn giữa chúng ta”. Ban chấp hành TƯ họp sau lễ ký bàn cách tuyên truyền về hiệp định. Hoàng Quốc Việt được cử đi Sài gòn, Hoàng Minh Giám đi Huế, Võ Nguyên Giáp đi Hải phòng để giải thích về nội dung bản hiệp định.


Tin về bản hiệp định được loan trên các báo ngay sáng hôm sau và được dân chúng đón nhận với sự thờ ơ chen lẫn ngạc nhiên và giận dữ. Tình hình ở thủ đô khá căng thẳng. Các báo đối lập gọi Hồ là Việt gian. Đảng quyết định tổ chức một cuộc mít tinh của quần chúng trước cửa nhà hát lớn lúc 4h chiều để ủng hộ chính phủ. Phe đối lập đã cài người vào để gây kích động, một kẻ giấu mặt thậm chí đã ném một quả lựu đạn, may mà quên rút chốt. Giáp vừa mới quay về từ Hải phòng, lên diễn đàn giải thích nội dung hiệp định và kêu gọi mọi người bình tĩnh giữ vững trật tự. Giáp so hiệp định này với hiệp định Brest Litovsk mà Lê nin đã ký với Đức năm 1918, tuy có nhượng bộ một phần lãnh thổ Nga nhưng cuối cùng dẫn đến độc lập hoàn toàn. Tiếp theo một số diễn giả, Hồ xuất hiện trên ban công:

Đất nước chúng ta được tự do từ tháng 8/1945. Nhưng đến giờ, chưa có một cường quốc nào công nhận điều đó. Bản hiệp định này mở đường cho việc công nhận quốc tế và nâng cao vị thế của Việt nam trên thế giới. Chúng ta đã trở thành một dân tộc tự do. Quân Pháp sẽ rút khỏi Việt nam. Đồng bào cần phải bình tĩnh, giữ gìn kỷ luật, củng cố khối đoàn kết dân tộc. Tôi, Hồ Chí Minh, đã cùng với các đồng chí của mình chiến đấu suốt đời vì độc lập của Tổ quốc. Tôi thà chết chứ không thể phản bội đất nước của mình.

Sự chân thành và xúc động trong phát biểu của Hồ đã gây ấn tượng. Buổi mitting kết thúc trong tiếng hô vang dậy “Hồ Chí Minh muôn năm”.



Nhưng các lãnh đạo đảng thì thực tế hơn. Hai ngày sau, ủy ban thường vụ ra nghị quyết với tên gọi “Hoà để tiến”, nêu rõ “Tổ quốc đang lâm nguy, thoả thuận với Pháp cho chúng ta thêm thời gian bảo toàn lực lượng, củng cố vị trí để có thể nhanh chóng tiến tới độc lập hoàn toàn”. Võ Nguyên Giáp quay lại Hải phòng để đàm phán với Leclerc về các điều khoản quân sự quy định trong hiệp định tạm thời. Nguyễn Lương Bằng được cử lên Thái nguyên để chuẩn bị căn cứ kháng chiến, Hoàng Văn Hoan được cử đi Thanh hoá cũng với mục đích đó. Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào Nam bộ thông báo về việc ngừng bắn, nhưng kêu gọi giữ vững kỷ luật và chuẩn bị. Tại Paris, bản hiệp định được chào đón tích cực. Bộ trưởng thuộc địa Marius Moutet trình lên chính phủ và được phê duyệt về nguyên tắc. Thủ tướng Pháp Bidault còn gọi đây là mô hình để giải quyết tình hình ở các nước thuộc địa khác. Trong nước, các phần tử đối lập vẫn đòi chính phủ tìm kiếm sự ủng hộ của Tưởng hoặc Mỹ. Cố vấn Vĩnh Thuỵ xin và được phép đi Trùng khánh để trực tiếp kêu gọi Tưởng Giới Thạch giúp đỡ.


Ngày 18/3, 1200 quân Pháp trên 200 xe quân sự, chủ yếu là của Mỹ, tiến qua cầu Paul Doumer vào nội thành Hà nội trong sự hân hoan của kiều dân Pháp. Quân Tưởng đã rút khỏi thành phố trước đó mấy ngày. Dân Việt nam nhìn thấy đội quân được trang bị tối tân của Pháp đều choáng váng: “Chúng ta thua mất rồi, họ mạnh quá”. Trong khi Leclerc thừa biết rằng 1 sư đoàn khó có thể bình định được giải đất này. Chiều đó, Leclerc, Sainteny, Pignon cùng một số sĩ quan khác đến Bắc bộ phủ để chào Hồ Chí Minh và các thành viên chính phủ. Mặc dù Hồ và Leclerc nâng cốc chúc mừng tình hữu nghị Việt Pháp, không khí trong phòng họp cũng nặng chẳng kém gì ngoài phố. Tối đó, Hồ mở tiệc chiêu đãi. Một trong những khách mời danh dự là thiếu tá Frank White, đại diện mới của OSS. White được xếp ngồi ngay cạnh Hồ làm cho nhiều sĩ quan có cấp cao hơn cùng dự buổi tiệc đó cảm thấy khó chịu. Bản thân White cũng lúng túng. Nhưng Hồ nói: “nếu không nói chuyện với anh thì tôi nói chuyện với ai”. Theo White, không khí rất khách sáo. Bên Pháp thì chẳng có gì mà nói, quân Tàu do Lư Hán đứng đầu thì “say khướt”. Tuy nhiên Hồ cũng bi quan về sự quan tâm của Mỹ tới Đông dương. Sự thực là Truman cũng chẳng buồn động đến lá thư do Hồ gửi kêu gọi Mỹ ủng hộ Việt nam độc lập theo các điều khoản của hiến chương Liên Hiệp Quốc. Khi nghe tin về hiệp định Việt Pháp, ngoại trưởng Mỹ James Byrnes nói “thế là Pháp đã hoàn thành việc thâu tóm Đông dương”. Sau khi Churchil đọc bài diễn văn nổi tiếng về “bức màn sắt” tại Fulton, Missouri, quan tâm hàng đầu của Mỹ là chủ nghĩa cộng sản thế giới, chứ không phải việc công nhận Việt nam là “quốc gia tự do” trong khối liên hiệp Pháp.


Ngày 22/3, một cuộc diễu binh chung được tổ chức gần khu thành cổ Hà nội để hâm nóng “tình hữu nghị Việt Pháp”. Xe của Pháp toàn do Mỹ sản xuất, máy bay Spitfire thì của Anh. Đám đông thì bên nào vỗ tay quân bên đấy. Ngày hôm sau Leclerc rời Hà nội, bàn giao lại cho tướng Valluy. Tuy không có những giao tranh lớn, đã xảy ra đụng độ khi quân Pháp chiếm một số công sở và chỉ chịu rút sau khi nhân dân tổng bãi công.


Khi trao đổi với Sainteny, thống sứ Pháp là D’Argenlier ngỏ lời muốn gặp Hồ Chí Minh trực tiếp. Hồ nhận lời ngay vì thấy đây là cơ hội để có thể đàm phán chính thức tiến tới phê duyệt hiệp định sơ bộ càng nhanh càng tốt. Ngày 24/3, Hồ đội một chiếc mũ rộng vành, cùng với Giám và bộ trưởng ngoại giao mới Nguyễn Tường Tam, lên chiếc thuỷ phi cơ Catalina, bay đến Hạ long gặp D’Argenlier trên chiến hạm Emile Bertin. Sau khi xem những chiến hạm của D’Argenlier biểu dương lực lượng, hai bên trao đổi trong cabin của đô đốc. Hồ muốn phê chuẩn hiệp định ngay lập tức. D’Argenlier ngược lại, muốn các đại diện khác của Pháp làm quen với những điều khoản căn bản của hiệp định trước. D’Argenlier đề nghị tổ chức một cuộc họp trù bị dự kiến ở Đà lạt và sau đó sẽ đàm phán tiếp tục ở đó. Hồ đồng ý họp trù bị, nhưng sợ D’Argenlier sẽ kiểm soát tình hình ở Đà lạt, nên đề nghị chuyển địa điểm đàm phán sang Pháp, hy vọng có thể dùng uy tín cũ ảnh hưởng đến ý kiến của công chúng Pháp vốn đang rất dao động từ sau chiến tranh. Sainteny and Leclerc lại vào hùa với Hồ, cho rằng như thế Hồ sẽ đỡ bị sức ép của phe đối lập và quân Tưởng. Cuối cùng D’Argenlier cũng đồng ý. Cuộc gặp gỡ này là một bài tập hữu ích cho Hồ. Nó giúp ông được đối diện với một tay thực dân lõi đời như D’Argenlier và đã đứng vững trong cuộc nói chuyện. Trên đường về, Hồ chia sẻ với thuộc cấp của D’Argenlier là tướng Salan: “Nếu đô đốc nghĩ rằng hạm đội của ông ta làm tôi sợ thì ông ấy lầm to. Những chiến hạm to đùng đấy làm sao bơi ngược vào các cửa sông của chúng tôi được.”


Hội nghị trù bị được tổ chức tại Đà lạt vào giữa tháng 4/1946. Đoàn Việt nam gồm có Võ Nguyên Giáp và Nguyễn Trường Tam đã không thuyết phục được D’Argenlier thảo luận về tình hình Nam bộ lúc đó đang có giao tranh dữ dội mặc dù đã có lệnh ngừng bắn. Mâu thuẫn cũng phát sinh khi bàn về vị trí tương lai của Việt Nam trong khối Liên Hiệp Pháp. Đoàn Việt Nam cho rằng Việt Nam sẽ là một quốc gia có chủ quyền trong Liên hiệp. Pháp thì cho rằng Liên Hiệp Pháp là một nhà nước liên bang, mỗi quốc gia tự do cần phải nhượng bộ phần lớn chủ quyền cho cơ chế liên bang và thống sứ do Paris bổ nhiệm. Giáp quay về Hà nội rất thất vọng. Hồ an ủi, hai bên dù sao đã hiểu nhau hơn, các vấn đề khác biệt không phải là quá đối kháng và có thể thoả hiệp trong cuộc đàm phán sắp tới tại Pháp.Năm ngày sau, D’Argenlier bay ra Hà nội định thuyết phục Hồ hoãn chuyến đi với lý do cuộc vận động tranh cử ở Pháp đang đến hồi cao trào. D’Argenlier còn doạ hình như sắp tới sẽ thành lập Nhà nước Nam bộ tự trị, hoàn toàn đi ngược lại với những gì đã quy định trong hiệp định tạm thời giữa Hồ và Sainteny. Hồ quyết định không nhượng bộ.


Ngày 30/5/1946, hơn 50,000 dân đã đội mưa đến khuôn viên Đại học Đông dương để tiễn phái đoàn chính phủ đi Pháp đàm phán hoà bình. Phái đoàn do Phạm Văn Đồng dẫn đầu. Hồ không có trong thành phần đàm phán chính thức mà tham gia với tư cách “Khách mời danh dự” của chính phủ Pháp. Cùng đi có Salan. Hồ thề trước đám đông sẽ phục vụ quyền lợi Tổ quốc và nhân dân Việt nam, kêu gọi nhân dân tuân thủ các yêu cầu của chính quyền khi Hồ vắng mặt và tôn trọng người ngoại quốc. Sáng hôm sau, cả đoàn khởi hành từ Bắc bộ phủ, sang sân bay Gia lâm và cất cánh trên 2 chiếc Dakota. Tất cả đều mặc âu phục trừ Hồ vẫn chiếc áo khoác kaki và đi giày đen.


Paris chỉ thị cho phi công bay lòng vòng, bảo đảm phái đoàn chỉ đến Pháp khi kết quả bầu cử đã ngã ngũ. Chặng nghỉ đầu tiên là ở Calcuta (sau khi dừng tại Miến điện). Ra đón đoàn có Lãnh sự Pháp và đại diện chính quyền Anh. Cả hội được bố trí ở khách sạn Great Eastern hai ngày đi ngắm cảnh. Ngày thứ 4 đi Agra thăm Taj Mahal, sau đó đi Karachi, Iraq, đến Cairo ngày thứ bảy và ở lại đó 3 ngày. Trước khi rời Ai cập, Hồ nhận được tin D’Argenlier đã lập nhà nước Nam bộ tự trị và được chính phủ Pháp công nhận. Hồ yêu cầu Salan hành động để đừng biến Nam bộ thành “Alsace-Lorraine mới” có thể dẫn đến cuộc chiến tranh Trăm năm.

Cuộc bầu cử ở Pháp ngày 2/6 đã đánh đổ chính phủ xã hội của thủ tướng Guin. Trong khi chính phủ mới đang được thành lập, không rõ ai sẽ đứng ra tiếp đón chính thức phái đoàn. Paris đành phải lái chuyến bay đến bãi biển Biarritz trên vịnh Biscay. Các quan chức địa phương đã ra đón và đưa Hồ đến khách sạn Carlton ngay bờ biển, còn các thành viên khác được mời đến chỗ ít sang trọng hơn. Sau đó các thành viên khác được đưa đến Paris, còn thủ tướng bảo thủ mới bầu Georges Bidault phái Sainteny đến hầu chuyện Hồ mấy ngày ở Biarritz cho đến khí chính phủ mới được thành lập xong. Hồ rất lo lắng về diễn biến tình hình Paris và đặc biệt ở là Đông dương. Có vẻ như D’Argenlier đang làm mọi cách để phá hoại hiệp định sơ bộ giữa Hồ và Sainteny. Sainteny ra sức trấn an Hồ là quốc hội Pháp sẽ không công nhận Nam bộ nếu không có kết quả trưng cầu ý dân. Saiteny cố gắng làm cho Hồ khuây khoả. Thỉnh thoảng hai người đến thăm biệt thự của em gái Sainteny tại Hendaye, ở đó Hồ chơi đùa hàng giờ với cháu gái của Sainteny trên bãi biển. Hồ còn đi xem đấu bò ở biên giới Tây ban nha, thăm tu viện Lourdes. Khi ăn trưa tại làng đánh cá nhỏ Biristou, Hồ đã để lại dòng lưu niệm: “Đại dương và biển cả không thể chia cắt những người anh em gắn bó với nhau”. Có hôm, họ dành cả ngày đi đánh cá trên biển ở St-Jean de Luz. Hồ có vẻ thích thú, tự câu được mấy con cá ngừ và tán ngẫu với thuyền trưởng. Khi bàn đến phong trào ly khai xứ Basque ở trong vùng, Hồ nhấn mạnh: “Riêng khoản này tôi có kinh nghiệm hơn anh, tôi e rằng người anh em Basque nên nghĩ rất kỹ trước khi hành động”. Vào những năm sau này, thỉnh thoảng Hồ có nhắc lại đây là một trong những ngày hạnh phúc nhất của đời ông.

Hồ còn dành một số thời gian cho việc nhà nước. Ông vào vai “Bác Hồ” tiếp các đại diện Việt kiều, công đoàn và phóng viên báo Nhân đạo. Hồ quan tâm đến mọi thứ, mọi người, cư xử hết sức giản dị và nhũn nhặn. Nhưng cũng có lúc Hồ tỏ ra cứng rắn. Khi được một đảng viên xã hội Pháp thông báo là Việt minh đã ám sát phần tử Troskit Tạ Thu Thâu tại Sài gòn, Hồ đã khóc “người yêu nước vĩ đại” nhưng sau đó nói thêm “Tất cả những người đi sai đường đều sẽ bị loại bỏ”.


Ngày 22/6 Hồ và Sainteny bay đến Paris qua vùng đồng bằng sông Loa tuyệt đẹp. Sainteny kể lại, khi máy bay chuẩn bị hạ cánh “ Hồ Chí Minh tái mặt, mắt chớp liên tục, thậm chí cổ họng nghẹn lại, không nói được nên lời”. Khi máy bay chạy chậm trên đường băng, Hồ cầm tay Sainteny: “Hãy ở gần tôi. Đông người quá”


Sân bay Bourger quả thật hôm đó rất đông. Cờ Việt nam và cờ Pháp tung bay trong gió. Đón Hồ Chí Minh tận sân bay là Maurius Moutet, bộ trưởng hải ngoại, cũng là bạn cũ của Hồ thời sau Thế chiến I. Sau vài nghi lễ ngoại giao, Hồ được bố trí đưa về căn phòng suit (- cao cấp), khách sạn Royal Monceau phố Hoche. Hình ảnh lãnh tụ du kích loay hoay xoay xở với những đồ vật sang trọng của căn phòng khắc đậm trong trí nhớ của Saiteny. Sainteny còn nghi ngờ là thể nào Hồ cũng ngủ trên thảm sàn chứ không phải trên giường.

Chính phủ Bidault đến tận ngày 26 mới chính thức nhậm chức, bởi thế đàm phán chỉ có thể bắt đầu vào tháng 7. Hồ loanh quanh thăm thú những chỗ trước đây, ra rừng Boulogne rồi đến ngõ Compoint. Hồ còn đề nghị Sainteny đưa đến bãi biển Normandy nơi đồng minh đổ bộ. Hồ ngủ tại biệt thự của Sainteny ở gần đó và dậy rất sớm để tán gẫu và hỏi kinh nghiệm chăn nuôi của các nông dân Pháp.

Hồ còn phải tiếp đón vô số khách khứa, dưới sự chỉ đạo của vụ trưởng lễ tân Jacques Dumaine. Nhưng nói chung là Hồ làm đơn giản, mời tất cả những người muốn phỏng vấn đến ăn sáng với ông từ 6h sáng và ăn mặc bình thường. Kể cả tại tiệc chiêu đãi tân thủ tưởng Bidault tối 4/7, Hồ cũng chỉ cài kín cổ chiếc áo kaki của mình cho trang trọng, tuy nhiên vẫn diện đôi dép cao su. Trong một bữa tiệc do Sainteny tổ chức tại nhà riêng, Hồ đã gặp lại Albert Sarraut. Ông này kêu lên: “Cuối cùng thì tôi cũng tóm được ngài, tôi đã phải tốn gần cả đời để theo đuổi ngài” rồi ôm chầm lấy rất thân thiết. Saraut chỉ quan tâm không biết trường A. Saraut ở Hà nội có còn không? Hồ cũng xin gặp De Gaule nhưng không được vì Charle “Lớn” không thích can thiệp vào công việc của chính phủ sau khi ra nghỉ hưu ở Colombey. Lạ nhất là Leclerc lại tìm cách tránh Hồ mặc dù cả hai có vẻ rất thân nhau ở Đông dương. Sainteny cho rằng các hoạt động của Leclerc tại Đông dương bị các giới chức quân sự Pháp phê phán dữ dội nên ông này tránh đổ thêm dầu vào lửa. Cũng có thể là Leclerc cho rằng Hồ đã lừa mình khi khăng khăng khẳng định là chính phủ Việt Nam không chuẩn bị chiến tranh.


11h sáng 2/7, ôtô cùng với Dumaine đón Hồ đến khách sạn Matignon dự lễ tiếp đón chính thức của Bidault. Trong bài phát biểu khai mạc, Bidault xin lỗi về sự chậm trễ tiến hành đàm phán hoà bình và nhắc đến tình hữu nghị lâu đời giữa hai dân tộc. Ông này miêu tả Khối Liên hiệp Pháp mới sẽ thấm đẫm tính nhân đạo và hy vọng hai bên sẽ đàm phán chân thành và trên tinh thần hiểu biết lẫn nhau. Đáp lời, Hồ nhắc lại Paris là cái nôi của những lý tưởng cao cả của cách mạng Pháp năm 1789. Hồ dự đoán đàm phán sẽ khó khăn nhưng sẽ thành công nếu cả hai bên đều “không làm với người khác những điều mà không muốn người khác làm với mình”. Ngày hôm sau, Hồ đi bộ trên đại lộ Champ-Elysees, đặt hoa tại mộ chiến sĩ vô danh cạnh Khái hoàn môn, kéo theo một đám đông người tò mò. Hồ nói đùa “Họ muốn xem Charlie Chaplin của châu á như thế nào.” Hồ cũng đến điện Versailles nơi ông đã trao “Bản kiến nghị” cho lãnh đạo các nước đồng minh thắng trận sau Thế chiến I, thăm mộ Napoleon tại điện Les Invalides và thăm tượng đài kỷ niệm các chiến sĩ du kích bị Đức hành hình trên núi Valerian ở Monmartre.



Cuộc đàm phán chính thức bắt đầu từ ngày 6/7 tại cung Fontainebleau cổ kính. Đoàn Pháp do Max André (đã được De Gault cử sang Đông dương hồi tháng Giêng) lãnh đạo. D’Argenlier đã đề nghị bay về Paris làm trưởng đoàn nhưng Bidault từ chối vì sợ phản ứng của Việt nam và công chúng Pháp. Thành phần chính trị tương đối hỗn hợp gồm cả đảng viên Đảng CS Pháp (FCP), đảng Xã hội và đảng Nhân dân cộng hoà (MRP) của Bidault.


Tình hình Việt nam trước đàm phán xấu đi nhanh chóng. Ngày 1/6, chính quyền Nam bộ do Nguyễn Văn Thịnh lãnh đạo đã nhậm chức ở Sài gòn. Tại Hà nội, quân Pháp chiếm toà nhà Thống sứ, biểu tượng quyền lực ở Đông dương. Chỉ sau khi bị phía Việt nam phản đối kịch liệt, Valluy mới chịu rút ra và tổ chức canh gác chung cùng với quân đội Việt nam đợi kết quả đàm phán ở Paris. Phạm Văn Đồng đã đả kích những hành động này của Pháp ngay trong phiên khai mạc. Hai bên cũng thống nhất được nội dung gồm 3 phần: vị trí Việt nam trong Liên hiệp Pháp, quan hệ với các nước thứ ba và thống nhất 3 miền. Tuy nhiên các bên vẫn giữ nguyên ý kiến như tại Hội nghị tháng Tư ở Đà lạt. Người Pháp đặc biệt khó chịu khi nói đến chuyện Nam bộ, đòi rút tất cả các quân của miền Bắc trước khi có ngừng bắn, họ cũng đưa ra một định nghĩa rất hẹp cho khái niệm “quốc gia tự do”. Một số còn tỏ thái độ coi thường bằng cách thường xuyên vắng mặt tại các cuộc họp. Đoàn Việt Nam hy vọng sự ủng hộ từ FCP và may ra thì từ cả đảng Xã hội. Báo chí hai đảng này đều có thái độ ủng hộ Hồ Chí Minh rõ rệt.


Trước đó đoàn đại biểu quốc hội cũng đã đến Pháp và nối lại quan hệ với FCP. Tuy vậy, mặc dù nhiều đảng viên FCP có thiện chí với ước vọng của Việt Nam, lãnh đạo đảng FCP tỏ ra nghi ngờ trước động thái giải tán Đảng CS Đông Dương (ICP) hồi tháng 11 năm ngoái. FCP cũng đang bị cuốn vào làn sóng khôi phục tinh thần dân tộc chủ nghĩa sau chiến tranh tại Pháp. Sainteny đã biết thái độ của FCP khi ông trình bản hiệp định sơ bộ lên Maurice Thorez, một thợ mỏ được đôn lên phó thủ tướng. Thorez duyệt bản hiệp định và nói thêm: “Nếu Việt nam không tuân thủ những điều khoản này, hãy để nòng súng nói chuyện hộ chúng ta”.


Hồ không tham gia vào cuộc đàm phán chính thức mà lợi dụng tất cả các cơ hội bằng uy tín và sự cuốn hút của mình để tìm kiếm sự ủng hộ cho sự nghiệp của Việt nam. Có người gọi những hoạt động này là “Chiến dịch làm duyên” của Hồ. Hồ gặp đại diện tất cả các đảng phái chính trị, nói chuyện với tất cả các nhà báo và trí thức nổi tiếng. Hồ còn đề nghị ông bạn cũ là Thorez giúp ảnh hưởng đến chính phủ Pháp. Không rõ Thorez trả lời thế
nào.

Do không có thông tin từ các cuộc hội đàm, xem ra công chúng thì ủng hộ Việt nam còn phe bảo thủ chống lại. Không khí khá nóng trong xã hội Pháp. Ngày 12/7 Hồ Chí Minh tổ chức cuộc họp báo để trình bày quan điểm của chính phủ mình. Hồ nhấn mạnh, Việt Nam tìm kiếm độc lập dân tộc và không tán thành phương án liên bang. Tuy nhiên Việt Nam sẵn sàng chấp nhận độc lập trong khuôn khổ Liên hiệp Pháp. Hồ tuyên bố các tỉnh Nam bộ là một phần không thể tách rời của Việt nam và không thể đàm phán riêng rẽ. Hồ hứa sẽ bảo vệ tất cả các tài sản và quyền lợi kinh tế của Pháp ở Đông dương, bảo đảm quyền ưu tiên cho Pháp khi Việt nam cần sự trợ giúp của nước ngoài. Khi một phóng viên Mỹ hỏi, có phải Hồ là cộng sản? Hồ thừa nhận là học trò của Marx, tuy nhiên cho rằng chủ nghĩa cộng sản đòi hỏi một nền công nghiệp phát triển do đó không có điều kiện xây dựng ở Việt Nam. Ai mà biết được bao giờ giấc mơ thế giới đại đồng của Marx được thực hiện. 2000 năm trước Jesus cũng đã dạy ta phải yêu kẻ thù của mình, bây giờ có thấy ở đâu đâu?

*************
FCP : Đảng CS Pháp
ICP : Đảng CS Đông Dương


Tại Sài gòn, D’Argenlier bắt đầu các hành động nhằm gây ảnh hưởng đến cuộc đàm phán. Ngày 23/7, có tin đồn là D’Argenlier dự kiến sẽ tổ chức hội nghị tại Đà lạt ngày 1/8 để thành lập liên bang Đông dương gồm Nam bộ, Nam Trung bộ, Tây nguyên, Lao, Cambodia. Phạm Văn Đồng lập tức bỏ cuộc họp, phía Pháp phải hứa trình chính phủ xem xét. Việt minh cũng tiến hành một loạt các cuộc tấn công vào các quyền lợi của Pháp. Ngày 26/7, Hồ Chí Minh đến Fontenebleau và thuyết phục được 2 bên ngồi lại bàn đàm phán. Nhưng không được bao lâu. Ngày 1/8, D’Argenlier vẫn tiến hành hội nghị Đà lạt, đoàn Việt Nam sau khi chính thức phản đối, không được chính phủ Pháp trả lời, đã rời bàn họp. Hồ lại phải nhờ đến ông bạn cũ Moutet để tìm ra công thức nối lại đàm phán. Moutet cho rằng đàm phán với Hồ vẫn là tốt hơn cả, trên tinh thần hiệp định sơ bộ 6/3. Tuy nhiên hai bên phải giảm cường độ phê phán, tuyên truyền và khiêu khích. Moutet dự đoán là Việt Minh sẽ thắng trong bất cứ cuộc bầu cử tại Nam bộ nếu pháp luật ở đó không được khôi phục. Cuối tháng 8, các cuộc đàm phán được nối lại. Tuy nhiên phía Pháp kiên quyết không chịu chấp nhận độc lập của Việt Nam cũng như định chính xác ngày trưng cầu ý dân tại Nam bộ, ngày 10/9 đoàn Việt nam bỏ bàn họp. Ba ngày sau, họ lên tàu về nước để Hồ Chí Minh ở lại một mình.


Khi đàm phán rơi vào bế tắc, Sainteny đã đề nghị Hồ Chí Minh về nước để dẹp những tư tưởng chống Pháp ở trong nước, nhưng Hồ không thể ra về “tay trắng” và quyết định ở lại. Chính phủ Pháp gây sức ép bằng cách không trả tiền tại Roayl Monceau. Hồ chuyển đến nhà người quen là Raymond Aubrac tại Soysy-sous-Montmorency và tiếp tục tiếp khách, trả lời phỏng vấn. Hồ kêu gọi Moutet “đừng để tôi rời Pháp trong tình trạng này, hãy trang bị cho tôi chống lại những kẻ muốn tiêu diệt tôi, ông sẽ không phải tiếc”.


Ngày 11/9, Hồ tổ chức họp báo nhấn mạnh Việt Nam muốn tìm kiếm thoả thuận. Hồ cho rằng những mâu thuẫn hiện tại cũng như mâu thuẫn trong gia đình, dự đoán có thể ký hiệp định trong 6 tháng và hứa sẽ ổn định tình hình tại Đông dương. Cùng ngày Hồ gặp đại sứ Mỹ Jefferson Caffery tại đại sứ quán. Caffery trong báo cáo về Washington đã nhận định rằng Hồ Chí Minh rất có tư cách và đúng mực trong nói chuyện, dự định lôi kéo Mỹ vào đàm phán để gây sức ép với Pháp. Ngày hôm sau, Hồ gặp George Abott, bí thư thứ nhất sứ quán Mỹ sau này là tổng lãnh sự Mỹ tại Sài gòn. Hồ nhắc lại chuyện hợp tác với Mỹ trong chiến tranh, bày tỏ sự ngưỡng mộ với Rousevelt, kêu gọi Mỹ giúp đỡ kinh tế cho Việt nam vì Pháp quá nghèo không thể làm gì được. Cuối buổi, Hồ nhắc khéo về chuyện Mỹ có thể sử dụng Cam Ranh làm căn cứ hải quân cho mình.


Một số chuyên gia châu á của Bộ ngoại giao Mỹ cũng tỏ ra lo ngại. Abott Low Moffat của vụ Đông Nam Á trong một bức thư gửi thứ trưởng phụ trách các công việc Viễn đông John Carter Vincent đã cảnh báo: “tình hình đã trở nên nghiêm trọng” ở Đông dương do Pháp vi phạm hiệp định 6/3. Người Việt rất phẫn nộ về các hành động của Pháp dẫn đến Pháp sẽ sử dụng vũ lực để tái chiếm Đông dương. Moffat khuyến cáo bộ ngoại giao nên “bày tỏ Mỹ hy vọng Pháp sẽ tuân thủ các điều khoản của hiệp định 6/3, ổn định trật tự và bảo đảm quyền lợi của các dân tộc phụ thuộc”. Tất nhiên chính phủ Truman chẳng dại gì mà dây với Pháp vào thời điểm chính trị nhạy cảm này của nước Pháp. Thêm nữa, có tin báo chính phủ Hà nội chẳng qua là công cụ của Kremlin để mở rộng ảnh hưởng sang châu Á. Tháng 8, tổng lãnh sự Charles Reed nhận được điện phải tìm hiểu tương quan giữa cộng sản và không cộng sản trong chính phủ, cũng như đường lối của Hồ và các đồng chí. Reed đã thông báo cho Washington rằng người Việt Nam đều tin là Mỹ ủng hộ Pháp, bằng chứng là lính Pháp cưỡi xe Jeep chạy trên đường, khí tài quân sự mà Pháp sử dụng được lấy từ kho quân dụng của Mỹ ở Manila nên vẫn còn nguyên phù hiệu của quân đội Mỹ. Bộ ngoại giao đã báo cho Nhà trắng về tình hình này, nhưng Truman quyết định không can thiệp.


Quyết định của Hồ Chí Minh ở lại Paris sau khi cả đoàn đàm phán đã về nước đã gây nên tranh luận lớn. Một số nhà quan sát Pháp cho rằng Hồ muốn ăn vạ chính phủ Pháp những điều mà Hồ không thoả thuận được trên bàn đàm phán. Một số cho rằng lời kêu gọi tới Moutet là không chân thành vì cuối cùng Hồ đã ra lệnh cho chính phủ tiến hành chiến tranh chống Pháp, mà nếu có chân thành thì đã chắc gì Hồ bảo được đám thuộc cấp cũng như kiểm soát được tình hình lộn xộn ở Đông dương. Đúng thế, ở Việt nam, và thậm chí ngay trong giới Việt kiều ở Pháp, tinh thần chống Pháp đang lên cao và Hồ chịu sức ép to lớn trước bất kỳ thoả hiệp nào. Saiteny thì tin rằng Hồ chân thành, bằng chứng là Hồ đã bỏ nhiều công sức để xoa dịu lòng căm thù Pháp trong dân chúng. Bidault thì cho rằng Hồ chỉ diễn “tình hữu nghị” còn trên thực tế đã chỉ đạo Hà nội chuẩn bị chiến tranh.


Bidault không phải là không có lý, Trong một cuộc phỏng vấn Hồ ngày 11/9, phóng viên Newyork Times David Schoenbrun đã hỏi thẳng: “Liệu ông có nghĩ chiến tranh là không thể tránh khỏi?”. Hồ đã trả lời “Chắc chắn chúng tôi sẽ phải chiến đấu. Người Pháp ký hiệp định và vẫy cờ chào đón tôi. Nhưng tất cả chỉ là để che mắt”. Khi David cho rằng bắt đầu cuộc chiến tranh mà thiếu quân đội và vũ khí thì thật là vô vọng, Hồ đã phản đối: "Không, không vô vọng. Đó sẽ là một cuộc chiến gay go và quyết liệt nhưng chúng tôi sẽ thắng. Chúng tôi có một vũ khí mạnh chẳng kém những cỗ đại bác: đó là tinh thần dân tộc! Đừng có đánh giá thấp điều đó. Người Mỹ chắc hẳn phải nhớ là một đám nông dân chân đất Mỹ đã đánh thắng quân đội hoàng gia Anh như thế nào ". David cho rằng đó là chuyện xưa rồi. Còn bây giờ vũ khí đã phát triển đến mức quyết định. Hồ nhấn mạnh, vũ khí lúc nào cũng có thể mua được, và tinh thần anh dũng của con người mới là quyết định, như các du kích Nam tư đã đánh thắng phát xít Đức. “Hàng triệu cây tầm vông sẽ mọc lên sau lưng quân thù” và đây sẽ là cuộc chiến Giữa hổ và voi. Nếu hổ đứng yên, chắc chắn voi sẽ dẫm bẹp. Nhưng hổ nấp trong rừng và sẽ xuất hiện ban đêm, cắn một miếng rồi lại biến mất vào rừng sâu. Dần dần voi sẽ chảy hết máu mà chết. Đó sẽ là cuộc chiến tranh Đông dương .


Do vẫn có hy vọng là Đảng CS Pháp - FCP sẽ lên nắm quyền ở Pháp, Thorez đã thuyết phục Hồ hoãn tiến hành các hoạt động quân sự để tìm biện pháp ngoại giao. Ngày 14/9 ngay trước khi đi gặp Moutet, Hồ đã cảnh cáo Sainteny là nếu không đạt được thoả thuận, chắc chắn chiến tranh sẽ xảy ra. “Mỗi người các ông bị giết, các ông sẽ giết 10 người của chúng tôi. Nhưng các ông mới là người bỏ cuộc trước”. Trong cuộc gặp Hồ đã đề nghị hai bên cùng chịu trách nhiệm về tình hình ở Nam bộ, nhưng Moutet từ chối, cho rằng Việt nam tham gia vào uỷ ban theo dõi tình hình là vi phạm chủ quyền của Pháp. Moutet đề nghị ký bản Ghi nhớ (modus vivendi) để tránh cho đàm phán đổ vỡ hoàn toàn. Bản ghi nhớ kêu gọi ngừng bắn tại Nam bộ từ ngày 30/10 và nối lại đàm phán vào tháng Giêng 1947. Hồ không đồng ý và rời bàn đàm phán lúc 11h đêm, tuyên bố sẽ trở về Đông dương vào thứ hai 16/9. Sau nửa đêm, Hồ liên lạc lại với Moutet. Hai bên đồng ý về nguyên tắc là đại diện VN được uỷ quyền hợp tác với D’Argenlier để tiến tới hoà bình tại Đông dương. Hồ đã đồng ý ký bản Ghi nhớ. Bản Ghi nhớ là tất cả những gì Hồ có được sau 2 tháng đàm phán tại Fontenableau. Saiteny nhớ lại mẩu giấy “nóng bỏng” đó đã được soạn thảo vội vã ngay trong phòng làm việc của ông và cho Hồ “ít hơn nhiều cái mà ông ta hy vọng”. Tại Đông dương, người Pháp thở phào, còn người Việt cảm thấy bị làm nhục. Hồ đã nói với
Sainteny khi cuộc họp kết thúc lúc 3h sáng: “Tôi đã ký vào bản án tử hình của tôi”


Kỳ lạ là sau khi ký kết thoả thuận, Hồ Chí Minh cũng có vẻ không vội vàng gì quay về Việt nam. Hồ từ chối chiếc máy bay do chính phủ Pháp bố trí, lấy cớ là sức khoẻ yếu và đề nghị được đi tàu thuỷ. Trong khi Sainteny đang lưỡng lự, Hồ liên lạc thẳng với bộ trưởng hàng hải và được đồng ý lên tàu Dumont D’Urville khởi hành từ Toulon. Ngày 16, Hồ và Sainteny lên tàu đi Toulon. Tại Montelimar, Hồ đã xuống tàu và gặp đoàn đại biểu sinh viên Việt Nam để giải thích về Bản ghi nhớ và khuyên sinh viên cố gắng học tập. Tại Marseill, Hồ cũng làm tương tự, mặc dù trong đám đông có nhiều tiếng kêu “Việt gian”. Ngày 18/9 Hồ đến Toulon và lên tàu về nước. (Đoàn Việt nam cũng khởi hành từ đây 4 ngày trước đó trên tàu Pasteur). Cùng đi với Hồ là một số trợ lý và 4 sinh viên mới kết thúc năm học trở về Việt nam. Sáng ngày 19/9, con tàu mang cờ đỏ sao vàng do thuyền trưởng Gerbaud chỉ huy nhổ neo nhằm hướng Địa trung hải thẳng tiến.

Ngay ngày đầu, Hồ đã điện về Hà Nội để giải thích những điều khoản của Bản ghi nhớ. Hồ cũng gửi điện cảm ơn Moutet và hy vọng ông này sẽ giúp đỡ thực hiện hiệp định. Vài ngày sau, Hồ nhận được điện của Bidault và lập tức trả lời, cảm ơn về lòng hiếu khách, nhưng cũng nhận xét rằng nhân dân Việt nam không hài lòng về Bản ghi nhớ. Theo Hồ, đó cũng là chuyện thường tình “Tôi đã làm tất cả và chắc đã thành công, nếu những người bạn Pháp áp dụng những quyền tự do dân chủ tại Nam bộ, chấm dứt những khiêu khích vũ trang, trả lại tự do cho tù nhân và tránh dùng những từ ngữ xúc phạm. Tôi hy vọng vào sự hỗ trợ tích cực của ông để tiến hành công việc vì lợi ích của hai dân tộc”.


Ngày 22/9, tàu cập bến Port Said, cửa ngõ phía bắc của kênh Suez. Hồ gửi thư trả lời một phụ nữ Pháp kêu gọi ông đừng để xảy ra chiến tranh. Hồ nói Việt nam cũng như Pháp rất ghét đổ máu, nhưng cũng như dân Pháp, dân Việt mong muốn độc lập và thống nhất. Nếu Pháp công nhận những ước vọng chính đáng đó, Pháp sẽ chiếm được trái tim của cả dân tộc Việt nam. Điểm đến tiếp theo là cảng Djibuti thuộc Pháp, Hồ đã xuống tàu đến thăm Thống sứ. Sau đó tàu đến Ceylon, Colombo và Hồ được các đồng chí của Gandhi và Nehru chào đón.

Tàu đi chậm vì thỉnh thoảng phải dừng lại vài ngày để duy tu hoặc bắn vài loạt đại bác để hoàn thành nhiệm vụ tuần tiễu. Hồ sống đơn giản, chỉ có một bộ quần áo để thay và tự giặt lấy. Lúc rỗi rãi Hồ tán gẫu với các thuỷ thủ và sinh viên, dĩ nhiên là không quên công tác tuyên truyền. Một sinh viên cùng đi nhớ lại, Hồ đã nói: “Chúng ta không có gì, không có máy móc, nguyên liệu và cả thợ lành nghề. Bù lại chúng ta có sông núi, biển khơi và những con người mạnh mẽ, dũng cảm và sáng tạo”. Có người hỏi Hồ khi thuyền trưởng cho tàu thử pháo: “Họ thử thần kinh ông đấy, ông có sợ không?” Hồ đã cười phá lên. Đối với thuyền trưởng Gerbaud thì Hồ là một người “thông minh nhưng lý tưởng hoá, hiến dâng đời mình cho sự nghiệp mà ông ta tưởng tượng ra”

Ngày 18/10, tàu đến vịnh Cam ranh. D’Argenlier và tướng Morliere (người thay thế Sainteny, đại diện cho Pháp với chính phủ Hà nội) đón tiếp Hồ trên chiến hạm Suffren, lần thứ hai trong vòng 7 tháng, Hồ được xem diễu binh của hải quân Pháp. Hồ và D’Argenlier bàn về việc triển khai Bản ghi nhớ. D’Argenlier nhất trí hợp tác với đại diện của Việt nam để ngưng bắn, D’Argenlier cũng bày tỏ sự phản đối trước những hành động khủng bố diễn ra gần đây. Mặc dù 2 bên không thống nhất được về việc rút quân miền bắc ra khỏi miền nam, cuộc gặp đã kết thúc vui vẻ. D’Argenlier báo cáo về Paris, tất cả phụ thuộc hành động của chính phủ Việt Nam khi Hồ về đến Hà nội. 2 ngày sau, Dumont d’Urville vào cửa Cấm trong sự chào đón của đám đông hát Tiến quân ca và Marseillaise (theo đề nghị của Hồ). Tối hôm đó, Hồ chiêu đãi các đồng chí và báo cáo sơ bộ tình hình đàm phán 4 tháng qua. Sáng hôm sau Hồ lên tàu hoả về Hà nội và được đưa về Bắc bộ phủ nơi đã có hơn 100,000 người tụ tập chào đón.


Cho đến giờ, các nhà sử học vẫn băn khoăn là tại sao Hồ Chí Minh không trở về nước ngay. Lý do Hồ viện ra với chính phủ Pháp là sức khoẻ là không thể chấp nhận được vì Hồ chưa bao giờ để sức khoẻ của mình ảnh hưởng đến các mục đích chính trị. Một số người cho rằng, Hồ dành thời gian để Giáp tranh thủ diệt bớt bọn đối lập, tập trung quyền lực để chuẩn bị chiến tranh. Số khác thì nghĩ Hồ muốn những phản ứng tức thời về Bản Ghi nhớ lắng xuống đã. Sainteny thì đoán là Hồ sợ bị ám sát. Nhiều năm sau này, Hồ thừa nhận với các đồng chí ở Hà nội, đó là một trong những lo ngại lớn nhất của ông. Ông còn thêm vào “đi tàu thuỷ để xem nhiều sự thay đổi cũng hay”


Không hề nghi ngờ gì là Võ Nguyên Giáp đã sử dụng thời gian Hồ vắng mặt để tăng cường sự quản lý của Đảng với chính phủ. Đầu hè, Pháp đề nghị được tổ chức diễu binh nhân ngày 14/7. Theo tin tình báo, Giáp được biết là các phần tử đối lập sẽ tổ chức khiêu khích quân Pháp để phá vỡ đàm phán. Giáp từ chối Pháp vì lý do an ninh và ngày hôm sau tổ chức đột nhập trụ sở Việt quốc, phát hiện ra phòng tra tấn và một số tù nhân, cùng với kế hoạch bắt cóc con tin Pháp. Cuộc tấn công này đã chặn đứng âm mưu chống chính phủ nhưng đã làm sự căng thẳng giữa hai bên lên cao dẫn đến Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh và Nguyễn Tường Tam rút khỏi chính phủ. Quan hệ giữa chính phủ Viẹt Nam và Pháp cũng không lấy gì làm tốt. Mặc dù Morliere là người khá ôn hoà, sau khi hội nghị Fontenebleau thất bại, các cuộc đụng độ giữa người Pháp và người Việt xảy ra như cơm bữa. Mỗi lần lại thấy Morliere ra tối hậu thư để tìm thủ phạm nên nhân dân gọi ông này là “Tướng tối hậu thư”.


Cuộc chiến Nam bộ, đương nhiên là làm xấu thêm tình hình. Trần Văn Giàu bị phê phán vì những hành động tàn bạo được thay bằng Nguyễn Bình. Ông này trông võ biền, một mắt chột sau cặp kính đen. Đặc biệt ghét Pháp. Đã tham gia Quốc dân đảng từ cuối những năm 20, sau đó biến mất và đột ngột xuất hiện lại ở Việt bắc vào cuối thế chiến II tham gia Việt minh. Có thiên tài quân sự và mặc dù không phải là đảng viên vẫn được trao trách nhiệm tổng chỉ huy quân kháng chiến ở Nam bộ từ tháng 1/1946. Bình đã tổ chức những khu căn cứ du kích lớn ở phía bắc Sài gòn (sau này được biết đến như là chiến khu D), Đồng tháp mười và trong rừng U minh để từ đó quấy phá quân Pháp. Tuy nhiên Bình đã bỏ qua lời dặn của Hồ phải tránh vũ lực và tập hợp được đông đảo dân chúng. Bình đã đưa những hành động khủng bố lên tầm cao mới, đăch biệt là vụ ám sát Huỳnh Phú Sổ “mad bonze”, người sáng lập ra giáo phái Hoà Hảo.


Bốn tháng đi xa, chắc chắn làm Hồ Chí Minh phải nhìn nhận tình hình với con mắt khác. Một mặt các đồng chí đã giúp ông củng cố quyền lực dễ bề đưa ra các chính sách. Mặt khác những hành động đấy sẽ thu hẹp sự ủng hộ của đông đảo nhân dân mà Hồ Chí Minh đã dày công vun đắp trong những ngày sau Cách Mạng Tháng 8, sẽ đặt Hồ vào thế khó để thống nhất dân tộc trong cuộc chiến tranh dự kiến. Các đồng chí của Hồ như Giáp, Đồng, Việt, Chinh cũng lợi dụng khoảng thời gian này để thể hiện mình nhiều hơn trong Đảng. Nhiều người không tin là có thể hoà hoãn với Pháp mà phải nhanh chóng chuẩn bị chiến tranh. Trong bài diễn văn kỷ niệm 1 năm quốc khánh, Trường Chinh đã áp đặt tầm nhìn của mình cho cách mạng Việt nam, phê phán xu hướng “thoả hiệp không nguyên tắc”, không tin tưởng vào quần chúng, nhấn mạnh rằng chúng ta không sợ quân thù mà chỉ sợ “sai lầm của các đồng chí của chúng ta”. Mặc dù không ai dám phê bình Hồ công khai, rõ ràng là Hồ sẽ phải mất công hơn nhiều để thuyết phục các đồng chí của mình.


Đối với nhân dân, đặc biệt phía bắc, Hồ vẫn được coi là người mang những khát vọng của dân tộc. Ngày 23/10 Hồ tuyên bố với dân chúng, dù tình hình rất khó khăn nhưng nhất định Việt nam sẽ là một nước độc lập và thống nhất. Do Hồ thường từ chối nói về quá khứ mà chỉ nhận mình là “người yêu nước già” nên ít người biết được Hồ chính là Nguyễn Ái Quốc. Chị Hồ là Nguyễn Thị Thanh tình cờ nhận ra ảnh của em trên báo đã ra tận Hà nội thăm Hồ tại Bắc bộ phủ. Anh trai Hồ là Khiêm cũng lên thăm và được tiếp đón tại một căn nhà ngoại ô. Cả Thanh và Khiêm đều sống ở Kim liên, Khiêm chết năm 1950, Thanh chết 4 năm sau đó.


Việc đầu tiên của Hồ khi về đến Việt Nam làm họp ngay Ban thường vụ để phân tích tình hình và định ra kế hoạch hành động. Hai vấn đề chủ chốt là có đồng ý ngày ngừng bắn 30/10 và đối phó với phe đối lập. Hồ đề xuất triệu tập họp quốc hội để thông qua hiến pháp tiến tới thành lập chính phủ mới thay thế cho chính phủ liên hiệp đã bị yếu đi rất nhiều sau khi những người như Hải Thần từ chức.

Phiên họp quốc hội ngày 28/10 thật khác xa không khí thống nhất dân tộc của kỳ họp 7 tháng trước. Có tổng cộng 291 đại biểu trong số 444 đại biểu được bầu tham dự. Trong số 70 đại biểu chỉ định chỉ có 37 người đến. Khi một đại biểu đứng lên hỏi những người còn lại đâu, ông này được trả lời là cả lũ đã bị bắt theo yêu cầu của uỷ ban thường vụ quốc hội vì những tội hình sự. Trước đó vài ngày, hàng trăm nhân vật đối lập đã bị bắt, đã xảy ra xung đột vũ trang làm nhiều người chết trong đó có hai nhà báo. Tình hình khá căng thẳng. Các đại biểu ngồi thành 3 khối: bên trái là các đại biểu Đảng CS Đông Dương - CIP, đảng xã hội và đảng dân chủ đeo cà vạt đỏ. Trung tâm là các đại biểu Việt minh không cộng sản, bên phải là các đại biểu Việt quốc và Đồng minh hội. Sang ngày thứ hai, chính phủ xin từ chức và ba ngày sau quốc hội phê duyệt danh sách chính phủ mới do Hồ Chí Minh đệ trình. Danh sách chính phủ mới chỉ còn 2 phần tử ngoài Việt minh, trái ngược lại những gì Hồ hứa khi rời Paris là sẽ mở rộng thành phần chính phủ. Giáp giữ chân bộ trưởng Quốc phòng, Đồng bộ trưởng Kinh tế. Hồ là chủ tịch kiêm thủ tướng, kiêm bộ trưởng ngoại giao. Mặt trận liên hiệp với các đảng dân tộc tan vỡ. Có thể do các đảng dân tộc công khai đối lập chính phủ buộc ICP không thấy sự cần thiết phải thoả hiệp. Cũng có thể phe cứng rắn như Chinh, Việt, Liệu đang thắng thế (bằng chứng là mấy tuần sau, Chinh công bố một bài báo phê phán chủ trương cách mạng từng giai đoạn của Hồ).


Mấy ngày sau, quốc hội dự thảo Hiến pháp mới, mặc dù bị Chinh phê phán, rõ ràng là nội dung bản Hiến pháp rất ôn hoà và đáp ứng mong ước của đại đa số dân chúng. Chương về tổ chức chính trị nhấn mạnh bảo đảm các quyền tự do dân chủ và nhu cầu liên kết rộng rãi để chống lại việc khôi phục chế độ thực dân Pháp. Chương kinh tế bảo đảm quyền tư hữu và không đả động gì đến việc thành lập xã hội phi giai cấp. Người Pháp hẳn phải rất thất vọng khi bản Hiến pháp tuyên bố nền độc lập hoàn toàn cho Việt nam mà chẳng thấy đả động gì đến liên bang Đông dương hoặc khối Liên hiệp Pháp cả. Quốc hội đã phê duyệt Hiến pháp và uỷ quyền cho chính phủ quyết định ngày đưa vào hiệu lực. Ngày 14/11 Quốc hội giải tán, chỉ còn 242 đại biểu, trong đó chỉ có 2 thuộc phe đối lập


Trong khi quốc hội họp, hai bên cũng đã thử cố gắng tuân thủ điều khoản ngừng bắn của Bản ghi nhớ vào ngày 30/10, nhưng không ăn thua. D’Argenlier đề phòng Việt minh bất ngờ tấn công mình ở miền Bắc và miền Trung, đã chuẩn bị kế hoạch thay thế Hồ Chí Minh bằng một chính phủ ôn hoà hơn. Từ tháng 9, Pháp đã liên lạc với Bảo đại khi đó đang ở HongKong về khả năng ông này trở lại chính trường. Vào giữa tháng 11 D’Argenlier cũng đã chỉ thị Valluy chuẩn bị phương án tấn công nhanh cho trường hợp đàm phán đổ vỡ.


Với nguy cơ chiến tranh đã cận kề, Đảng cũng ra sức chuẩn bị vũ khí qua cảng Hải phòng để trang bị cho quân đội vì trên thực tế biên giới đường bộ đã bị quân Pháp phong toả. Hải phòng trở thành điểm nóng trong đàm phán giữa hai bên, nhất là vấn đề hải quan vì thuế nhập khẩu vốn là nguồn thu nhập chính của chính phủ thuộc địa trước đây. Được D’Argenlier bật đèn xanh, đầu tháng 11, quân Pháp chiếm trụ sở hải quan Hải phòng mặc cho phía Việt nam ra sức phản đối. Ngày 20/11, quân Pháp bắt một tàu Trung quốc chở xăng lậu được nghi là cho mục đích quân sự và kéo vào bờ. Các dân quân Việt nam đã nổ súng và Pháp lập tức đáp trả. Cuộc bắn nhau lan nhanh khắp thành phố trước khi được dập tắt bằng một lệnh ngừng bắn. Hai ngày sau, Valluy ra lệnh cho quân Pháp chiếm thành phố. Ngày 23/11, Pháp nã pháo vào khu phố Tàu đòi Việt minh phải hạ vũ khí. Hàng trăm thường dân chết, hàng ngàn người bị thương. Hơn 2000 quân Pháp tràn vào khu vực và vấp phải sức kháng cự mãnh liệt, trước khi Việt minh bỏ trận địa vào ngày 28/11.


Sự cố Hải phòng ngay lập tức được James O’Sullivan báo về Nhà trắng. Ông này nói mặc dù Việt minh khai hoả trước nhưng thái độ của Pháp là không thể chấp nhận được. Đại sứ Mỹ tại Pháp Caffery được lệnh bày tỏ sự không hài lòng với chính phủ Pháp. Phía Pháp trưng ra bằng chứng là chính phủ Hồ nhận chỉ thị từ Moscow. Từ Sài gòn, lãnh sự Mỹ là Charles Reed cũng cảnh báo là nếu Nam bộ rơi vào tay Việt minh, thì Lào và Cambodia sẽ nguy hiểm. Đây là một trong những phát biểu đầu tiên của một quan chức về cái sau này được gọi là “học thuyết domino”

Cuối tháng 11, bộ ngoại giao Mỹ cử Moffat vụ trưởng vụ Đông Nam á sang Đông dương để đánh giá tình hình và tìm hiểu bản chất của chính phủ Hà nội. Moffat là người công khai ủng hộ độc lập của Việt nam và được uỷ quyền thông báo với Việt Nam là Mỹ ủng hộ hiệp định 6/3 và có thể bảo được chính phủ Pháp. Moffat cũng dự kiến sẽ khuyên Hồ Chí Minh không dùng vũ lực và thoả hiệp trong vấn đề Nam bộ. Moffat đến Sai gon ngày 3/12 và ra Hà nội ngày 7/12.


Sullivan cho rằng Hồ đang “cực kỳ cô đơn” và thông tin công khai về chuyến viếng thăm của Moffat sẽ làm tăng uy tín của Hồ. Mặc dù rất ốm do lao phổi trở lại, Hồ vẫn mời Moffat đến Bắc bộ phủ. Hồ khẳng định mình không phải là cộng sản mà chỉ đấu tranh vì độc lập, kêu gọi Mỹ ủng hộ và nhắc lại đề nghị cho Mỹ sử dụng Cam ranh. Do không chuẩn bị trước vấn đề này, Moffat “không nói được câu nào” như về sau ông này điều trần trước Thượng viện Mỹ. Moffat khẳng định rằng Mỹ không thể có quan hệ ngoại giao chính thức với Việt Nam nếu Việt nam không thoả thuận được với Pháp về thể chế. Trong báo cáo sau khi rời Đông dương, Moffat nhận định chính phủ Hà nội đang nằm dưới sự kiểm soát của cộng sản và có thể có quan hệ với Nga - Xô và Trung cộng. Tuy nhiên ông này cũng thấy sự khác biệt giữa những phần tử ôn hoà xung quanh Hồ và các phần tử cứng rắn như Giáp. Moffat kết luận, hiện tại cần có sự hiện diện của Pháp để không những chống ảnh hưởng của Nga mà đề phòng Trung Quốc tấn công. Moffat đề nghị Mỹ ủng hộ thoả thuận trước khi tình hình tiếp tục xấu đi cho Pháp. Nhà sử học Pháp Philippe Devillers cũng nhận thấy sự chia rẽ trong lãnh đạo Việt minh giữa Hồ và những phần tử hiếu chiến hơn như Giáp, Việt. Bản thân Hồ cũng thường xuyên kêu gọi Pháp và các nước phương Tây giúp ông củng cố quyền lực với đối thủ. Nhưng cũng có người bi quan cho rằng đó là đòn của Hồ sử dụng để gây sức ép với Pháp.


Nhận xét của Moffat về quan hệ của Hà nội và Nga có vẻ không đúng, thực tế thì Hồ và các đồng chí của mình chỉ có thể biết được tình hình Nga xô qua Đảng CS Pháp - FCP. Báo cáo của Moffat cùng với cuộc nội chiến đang nóng lên ở Trung quốc đã dẫn Bộ ngoại giao Mỹ đi đến kết luận “Sự có mặt của Pháp ở khu vực là quan trọng, không chỉ để ngăn ảnh hưởng của Nga- Xô mà còn bảo vệ Việt nam và Đông nam á khỏi đế quốc Trung Quốc”.

Ngày 13/11 D’Argenlier đi Pháp xin thêm quân để có thể tiến hành tiến công phủ đầu. Không ngờ chính phủ Pháp vẫn đang hy vọng hoà hoãn. Bidault đang chuẩn bị chuyển giao quyền lực cho đảng Xã hội mới thắng cử, hứa là sẽ có thêm quân nhưng cũng cảnh báo rằng Đông dương không thể giữ được chỉ bằng quân sự. Trong khi đợi chính phủ mới được thành lập, Sainteny được bổ nhiệm thay thế cho Morliere. Saiteny đến Sài gòn ngày 23/11, chỉ vài giờ sau sự cố Hải phòng. Đợi ở đó vài ngày cho tình hình lắng xuống, ngày 2/12 Sainteny ra Hà nội với chỉ thị của D’Argenlier trong túi: “Danh dự quân sự đã được bảo vệ, uy tín của Pháp đang tăng, không nên làm tình hình căng thẳng thêm dồn chính phủ của Hồ vào những hành động cùng quẫn. Tôi cho rằng ông không nên ở trong dinh Thống sứ, dễ bị coi là hành động khiêu khích và quay trở lại phương pháp thống trị cũ” . Valluy cũng ủng hộ hoà hoãn, cho rằng “có thể Hồ không muốn chiến tranh”


Do ốm, Hồ Chí Minh không đón được Sainteny tại phi trường mà tiếp ông này vào ngày hôm sau, đúng ngày Pháp đổ thêm quân vào cảng Đà nẵng. Tuy nhiên Hồ đã được Hoàng Minh Giám tư vấn về thái độ hoà hoãn của Pháp. Hai bên không bàn chuyện gì nghiêm túc mà chỉ xoay quanh sức khoẻ của Hồ và chuyến đi từ Pháp về Việt nam. Mấy ngày sau, Sainteny mất luôn liên lạc với Hồ nên cứ bán tin bán nghi không biết Hồ có còn kiểm soát được tình hình nữa không? Mặc dù ghi nhận lo ngại của Hồ về sự thay đổi bất chợt nhưng Sainteny đã yêu cầu Hồ phải khai trừ những phần tử cực đoan khỏi chính phủ, bằng không Pháp sẽ dùng các biện pháp “cảnh sát”. Sainteny chia sẻ quan điểm của mình với Sullivan nhưng ông này tỏ ra bi quan: “Nếu ông muốn đuổi Việt minh đi thì e rằng sẽ mất thời giờ hơn nhiều”


Quãng giữa tháng 12, Hồ điện cho Blum- Thủ tướng mới của Pháp nêu ra những giải pháp cụ thể để giải quyết căng thẳng. Nhưng rõ ràng là Hồ đã không hy vọng vào các giải pháp chính trị. Tháng 10, Đảng CS Đông Dương - ICP thiết lập Uỷ ban quân sự để có thể bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong quân đội, cử chính uỷ cho từng đơn vị, lập cơ sở đảng tại tất cả các vùng quân sự. Văn Tiến Dũng, người sau này sẽ là tổng tư lệnh cuộc tiến công vào Sài gòn, chỉ đạo toàn bộ việc này. Theo tin tình báo Pháp, quân Việt minh nay được đổi thành Quân đội Nhân dân Việt nam - VPA có khoảng 60,000 quân ở phía Bắc được tổ chức thành 35 tiểu đoàn bộ binh và 3 tiểu đoàn pháo binh, cộng với khoảng 12.000 quân ở Nam bộ. Về vũ khí VPA có khoảng 35.000 khẩu súng trường, 1000 tiểu liên và 55 pháo. Việt minh đang tích cực chuẩn bị căn cứ, các quân xưởng ở Tân trào, Việt bắc và sơ tán các cơ quan chính phủ đến đó khi chiến tranh xảy ra. Đa số quân Việt Minh được bố trí ở ngoại ô, trong thành phố chỉ có khoảng 10,000 dân quân và thanh niên xung phong. Quân Pháp có vài ngàn lính lê dương, đóng chủ yếu trong thành và các điểm quan trọng như Dinh Thống sứ, nhà Ga, cầu Doumer- Long Biên và sân bay Gia lâm. Giáp nhận định là có thể giữ Hà nội được trong vòng 1 tháng để các cơ quan có thời gian rút ra chiến khu. Ngày 6/12, Hồ kêu gọi quân Pháp rút lui về các vị trí trước ngày 20/11 nhưng không được đáp lại. Trả lời phỏng vấn báo Pháp vào ngày hôm sau, Hồ nói “chúng tôi bị áp đặt chấp nhận cuộc chiến này, chúng tôi thà đấu tranh chứ không hy sinh sự tự do của mình”

Cũng lúc đó, tướng Valluy hiểu rằng Hồ không hề có ý định loại các phần tử cực đoan ra khỏi chính phủ. Valluy xin chỉ thị được hành động ngay sau khi quân tăng viện đến, nếu để đến sang năm sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của Pháp. Nhưng thủ tướng Blum có vẻ chưa muốn dùng đến quân sự. Ngày 12/12, Blum tuyên bố sẽ xem xét việc công nhận độc lập của Việt nam. Ba ngày sau, Hồ trao cho Sainteny bức thư gửi thủ tướng Pháp với những đề nghị cụ thể. Sainteny điện vào Sài gòn nhờ chuyển sang Paris. Không rõ là các nhà lãnh đạo khác của Việt nam có thực sự hy vọng gì vào tuyên bố của Blum? Còn Giáp trong hồi ký của mình cho rằng Blum chỉ là công cụ của tư bản Mỹ và Pháp. Rõ ràng là Blum không lựa chọn một bộ trưởng cộng sản nào và tiếp tục bổ nhiệm D’Argenlier làm Đại diện toàn quyền ở Đông dương. Tuy nhiên nội các mới của Blum đã không quyết định được có tăng viện cho D’Argenlier hay không và có nên tiến hành những hành động quân sự tức thời hay không. Valluy, cũng như D’Argenlier quyết tâm duy trì sự có mặt của Pháp ở Việt nam đã quyết định cần phải khiêu khích để Việt nam khởi xướng những hoạt động thù địch đặt Paris vào sự đã rồi. Valluy ra lệnh cho Morliere phá huỷ các chiến luỹ trên đường phố. Khi nhận được điện của Hồ do Sainteny chuyển vào, Valluy đã tự bình phẩm thêm vào là phải tiến hành các hoạt động quân sự vào trước cuối năm. Bức điện chỉ được chuyển đến Paris vào ngày 19, khi đã quá muộn


Ngày 17, các chiến xa bắt đầu xô đổ các chiến luỹ, lính lê dương đứng đầy từ thành cổ ra đầu cầu Doumet - Long biên dọc đường đến sân bay. Ngày hôm sau, Pháp ra tối hậu thư cấm được xây các công sự trên đường phố, ngay buổi trưa hôm đó, lại ra tiếp tối hậu thư từ ngày 20, quân Pháp sẽ bảo đảm trật tự an ninh trên đường phố. Sáng ngày 19, Pháp yêu cầu Việt nam ngưng tất cả các hoạt động chuẩn bị chiến tranh, giải tán các đơn vị dân quân và chuyển giao toàn bộ việc bảo đảm an ninh cho Pháp. Tình hình rất giống ở Hải phòng, khi trung tá Debes ra hết tối hậu thư này đến tối hậu thư khác trước khi ném bom Hải phòng. Ngày 18, Hồ Chí Minh chỉ thị chuẩn bị tấn công các cơ sở của Pháp vào ngày 19. Cùng ngày, sợ thư gửi qua Sainteny không tới được Paris, Hồ đã điện thẳng cho Blum - Thủ tướng Pháp. Sáng 19, Hồ viết một bức thư cho Sainteny nhờ Hoàng Minh Giám chuyển hộ, nội dung viết: “Tình hình đã trở nên rất nghiêm trọng, trong lúc chờ đợi quyết định từ Paris, tôi hy vọng là ông sẽ cùng với ông Giám tìm được giải pháp để cải tiến tình hình hiện tại”. Theo giọng văn mà đoán thì rõ ràng Hồ cũng chẳng đợi trả lời một cách nghiêm túc. Chưa kể sáng hôm đó, Sainteny đã gửi cho Hồ một bức thư dài phản đối Việt minh nổi loạn giết chết và làm bị thương mấy người Pháp, đòi phải trừng trị ngay lập tức kẻ phạm tội. Do đã đồng thuận để Valluy khiêu khích, Sainteny hẹn gặp Giám sang sáng hôm sau. Khi được Vũ Kỳ báo tin Sainerny từ chối gặp Giám, ngay lập tức Hồ triệu tập họp uỷ ban thường vụ gồm Võ Nguyên Giáp , Lê Đức Thọ và Trường Chinh. Uỷ ban đã nhận xét trong hoàn cảnh hiện tại, không thể tiếp tục nhượng bộ và quyết định toàn dân kháng chiến. Uỷ ban cũng xem xét lời kêu gọi của Hồ gửi toàn thể đồng bào mới được Hồ dự thảo lúc trưa. Giáp được giao chỉ huy các hoạt động quân sự. Thời điểm tiến công được xác định là 8h tối. Sau đó Uỷ ban giải tán.


Buổi tối hôm đó 19/12. Sainerny đang chuẩn bị rời nhiệm sở về nhà riêng. Cũng như mọi người Sainteny biết rằng cuộc chiến đã có thể nổ ra bất cứ lúc nào. Khi đồng hồ tại bệnh viên Yersin điểm 8h, Sainteny nói với đồng nghiệp “Thế là không phải hôm nay rồi, tôi đi về nhà đây”. Đúng lúc Sainteny đang chuẩn bị bước vào xe, một tiếng nổ lớn phát ra. Điện tắt phụt, toàn thành phố chìm vào bóng tối. Sainteny chạy vội về nhà, lên chiếc xe bọc thép chạy thẳng vào thành. Được một đoạn, chiếc xe trúng mìn. Sainteny bị thương nặng nằm trong vũng máu trong gần 2h giữa các đồng đội quằn quại hấp hối.


Theo đúng kế hoạch, Việt minh đã đặt mìn nhà máy điện. Các đội dân quân tấn công các cơ sở của Pháp, còn biệt động thì thâm nhập vào tư dinh trong khu phố Tây. Giáp có 3 sư đoàn bố trí ở ngoại ô phía tây nam và cạnh Hồ Tây, nhưng quyết định không sử dụng. Quân Pháp bị bất ngờ lúc ban đầu nhưng nhanh chóng giành lại thế chủ động. Gần đến nửa đêm Pháp đã kiểm soát hầu hết những điểm trọng yếu. Một cánh quân tấn công Bắc bộ phủ suýt bắt được Hồ. Cuộc chiến tranh Đông dương lần thứ nhất bắt đầu.


Sự kiện 19/12 gây nên phản ứng dữ dội tại Pháp. Đa số cho rằng Việt minh đã tấn công khiêu khích các lợi ích và công dân Pháp. Nhưng nhìn kỹ có thể thấy vai trò của Pháp cũng rất quan trọng. Mặc dù, chính phủ Paris còn đang lưỡng lự trong việc có tiến hành chiến tranh không, thì các tướng Pháp ở Đông dương đã tự cho mình quyền hành động. Valluy cho rằng Hồ không thể hoặc không muốn kiểm soát các phần tử cực đoan trong chính phủ, nên đã quyết định ra tay trước khi lực lượng Pháp tại khu vực yếu đi. Tối hậu thư 17/12 đòi hỏi chuyển quyền kiểm soát an ninh trật tự ở thành phố cho Pháp rõ ràng là đã được tính toán để khiêu khích Việt minh. Liệu Hồ có thực sự muốn tránh chiến tranh hay chỉ “động tác giả” để có thêm thời gian chuẩn bị chiến tranh? Thực ra cũng chẳng cần trả lời. Là học trò của Tôn Tử, Hồ tin rằng chiến thắng đẹp nhất là chiến thắng không cần vũ lực. Để đạt được nó, ngoại giao và tuyên truyền là các vũ khí sắc bén làm chia rẽ và giảm năng lực chiến đấu của đối thủ. Đến ngày 19/12, Hồ và các đồng chí của mình hiểu rằng, không thể thoả hiệp được nữa. Vấn đề phải được quyết định trên chiến trường
 
11. Hổ và Voi

Ba ngày sau sự biến ở Hà nội, ngày 22/12, chính phủ Việt nam ra thông báo, cuộc chiến sẽ được tiến hành qua 3 giai đoạn: phòng ngự, cầm cự và tổng phản công và Pháp sẽ phải chịu những hậu quả cay đắng. Các cơ sở của chính quyền được rút lên Việt bắc. Những đơn vị chiến đấu vẫn tiếp tục bám trụ tại khu phố cổ và kháng cự quyết liệt. Valluy đã đề xuất ném bom huỷ diệt nhưng Morlieres đã phản đối và vẫn quyết định dùng bộ binh. Phải đến tận giữa tháng 1/1947, quân Pháp mới đến được chợ Đồng xuân. Các đơn vị Việt minh rút lên phía bắc qua chân cầu Long biên, để lại những dòng chữ viết bằng than trên tường: “Chúng tôi sẽ quay lại”. Trong hồi ký của mình, lãnh sự Mỹ O’Sullivan đã ghi nhận “Sự dũng cảm và ngoan cường chưa từng thấy của quân Việt nam”, chẳng khác gì quân Nhật trong cuộc chiến Thái bình dương. Khoảng 100 lính Pháp và 40 thường dân châu Âu chết, hai trăm người khác mất tích. Tại các khu vực khác, tình hình cũng tương tự, Việt minh tìm cách kìm chân quân Pháp trong thành phố để rút lực lượng về nông thôn. Khi Pháp bắt đầu tiến ra ngoại ô sẽ gặp phải cảnh “vườn không, nhà trống”.

Tuy nhiên, có vẻ như Hồ Chí Minh chưa muốn từ bỏ những nỗ lực tìm kiếm hoà bình. Ngay trong ngày đánh nhau đầu tiên, Việt minh đã rải truyền đơn thông báo với “nhân dân Pháp” về nguyện vọng của chính phủ được sống hoà bình trong khối liên hiệp Pháp. Cuộc chiến đã xảy ra vì “những tên thực dân phản động đã đánh mất danh dự nước Pháp, chia rẽ hai dân tộc”. Chỉ cần Pháp công nhận Việt nam độc lập và thống nhất, sự hợp tác sẽ được khôi phục ngay lập tức. Ngày hôm sau, đài Việt minh kêu gọi nối lại đàm phán. Ngày 23/12, Hồ viết thư cho Moutet và Leclerc đề nghị hai bên gặp nhau, khi hai vị này vừa lên đường sang Đông dương để thị sát tình hình. Mấy ngày sau, Hồ chính thức đề nghị ngừng bắn và tổ chức hội nghị hoà bình mới tại Paris trên tinh thần hiệp định HoChiMinh-Sainteny tháng 3/1946. Pháp thì chưa vội kết thúc đánh nhau. Ngày 23, thủ tướng Blum phát biểu trước quốc hội: “Chúng ta đang phải đối mặt với việc dẹp loạn. Tôi tuyên bố, binh lính Pháp đang chiến đấu, kiều dân Pháp đang sinh sống và các bạn bè Pháp ở Đông dương có thể yên tâm vào sự kiên quyết của chính phủ”. Kết luận, Blum để ngỏ khả năng đàm phán: “chúng tôi sẽ khôi phục lại cuộc đàm phán bị phá vỡ để có được một nước Việt nam tự do trong liên bang Đông dương tự do trong Liên hiệp Pháp. Nhưng đầu tiên, trật tự phải được khôi phục”. Ngay cả một người được coi là “sứ giả hoà binh” như Moutet cũng phát biểu với báo chí hôm Noel khi ông ta đến Sài gòn: “cần phải có chiến thắng quân sự trước khi có bất cứ cuộc đàm phán nào. Tôi rất tiếc nhưng những gì mà Việt minh đã làm phải bị trừng trị”. Moutet cũng không tìm cách liên lạc với người bạn cũ là Hồ mà suốt ngày chỉ trò chuyện với các quan chức Pháp ở Lào và Cambodia.

Về phần mình, ngày 3/1, Hồ đã viết thư cho Moutet, nhưng bức thư đã không đến được nơi. Tướng Leclerc có quan điểm mềm dẻo hơn. Một mặt ông cho rằng một đòn giáng trả đối với cuộc tấn công của Việt minh là cần thiết, nhưng giải pháp cuối cùng phải là giải pháp chính trị. Pháp không thể khuất phục dân tộc 24 triệu dân với tinh thần dân tộc ngất trời bằng vũ lực. Leclerc lo ngại về việc Moutet không chịu gặp Hồ. Trước khi rời Việt Nam ngày 9/1, Leclerc nhận xét: “Có quá nhiều người tưởng là có thể xây chiếc cầu nối giữa Việt nam và Pháp bằng súng đạn”. Tuy nhiên Leclerc cho rằng cần phải thay chủ nghĩa dân tộc quá khích của Việt minh bằng một hình thức ôn hoà hơn. Muốn vậy, vị thế của quân Pháp trên chiến trường càng mạnh càng tốt.

Quan điểm của Leclerc tương đối trùng với Blum. Vì thế khi trở lại Pháp, Blum đã đề nghị Leclerc làm tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông dương thay D’Argenlier quá cứng và bị cho là góp phần gây nên tình trạng hỗn loạn hiện nay. Trong lúc Leclerc còn đang suy nghĩ thì Blum bị Ramadier thay thế. Thủ tướng mới lên lưỡng lự chưa dám quyết việc tăng quân cho Đông dương, lại thêm De Gaul rỉ tai, nên Leclerc đã quyết định từ chối. Ramadier bổ nhiệm Emile Bollaert, được một nhà ngoại giao Mỹ miêu tả là “năng động và có năng lực nhưng chưa được nhiều người biết đến”.

Bollaert đến Đông dương vào đầu tháng 3 và ngay lập tức rơi vào tình huống khó xử. Được sự ủng hộ của D’Argenlier, các quan chức thực dân địa phương đáng ráo riết tìm cách qua mặt Việt minh và thoả thuận với Bảo đại, lúc đó đang ở Hồng kong đánh bạc và chơi gái. Mặc dù chưa có kết quả cụ thể nhưng phương án này cũng có một số người hâm mộ tại cả Đông dương và Pháp. Trong khi đó Việt minh vẫn được sự ủng hộ của đông đảo dân chúng, và Hồ Chí Minh được thừa nhận như nhà lãnh đạo của dân tộc. Trước khi rời Paris, Leclerc cũng đã tư vấn Bollaert “đàm phán bằng mọi giá”. Đám thuộc cấp của Bollaert gồm chánh văn phòng Pierre Messmer và cố vấn Paul Mus, cũng tán đồng việc đàm phán với Việt minh. Tuy nhiên với hơn 1000 quân Pháp đã chết hoặc mất tích, tâm lý của dân Pháp Đông dương là chống Việt minh. Bảo đại coi như là phương án khả dĩ nhất. Nhưng Bảo đại khó đối trọng được với Hồ Chí Minh trong lòng dân. Mặc dù có một số quan chức cũ ủng hộ, đại đa số nhân dân không ưa gì lối sống của ông Cựu hoàng này. Càng nghi ngờ về khả năng của ông có thể thống nhất được những lực lượng đối lập manh mún.

Hồ Chí Minh vẫn kiên trì duy trì quan hệ mong manh với Pháp. Ngày 23/4, bộ trưởng ngoại giao Hoàng MInh Giám chuyển cho Bollaert thư của Hồ đề nghị ngừng bắn ngay lập tức và đàm phán để vãn hồi hoà bình. Đang nghi hoặc, lại được một số quân sư thông báo rằng quân Pháp đang kiểm soát tình hình trên chiến trường, Bollaert đưa ra một loạt các điều kiện mà thực chất là đòi Việt minh đầu hàng trước khi đàm phán. Paul Mus được giao nhiệm vụ này nhờ mối quan hệ cũ với Hồ. Ngày 12/5, Mus đã gặp Giám ở ngoại ô Hà nội sau đó là gặp Hồ gần Thái nguyên. Hồ lắng nghe rất lịch sự rồi trả lời: “Trong khối Liên hiệp Pháp, không có chỗ cho kẻ hèn nhát. Nếu tôi chấp nhận những điều kiện này, tôi sẽ là một người như vậy”. Hồ hiểu rằng Pháp không thể nuốt trôi việc phải từ bỏ các thuộc địa của mình. Cuối tháng, Hồ ra lời kêu gọi kháng chiến mới, tuyên bố Pháp đưa ra những điều kiện không thể chấp nhận được cho hoà bình.

Hy vọng đàm phán của Hồ Chí Minh bây giờ chỉ có thể dựa vào sự can thiệp của Mỹ (mà Hồ và các đồng chí của mình không hề có thông tin). Trên thực tế, ngay sau khi sự kiện Hà nội, thứ trưởng Dean Archeson đã gọi đại sứ Pháp Henry Bonnet lên bày tỏ sự không hài lòng và đưa ra đề nghị Mỹ có thể trung gian hoà giải. Pháp thẳng thừng từ chối, nói dẹp loạn xong mới có thể đàm phán. Vài tuần sau, George Marshall được điều từ Trung quốc về thay James Byrnes ở chức ngoại trưởng. Marshall đã ra sức tìm cách hoà giải Quốc -Cộng nhưng thất bại, cuối năm 1946, nội chiến vẫn đã nổ ra. Marshall đã gửi một bức điện bày tỏ quan điểm chính thức đầu tiên của Washington cho đại sứ Caffery tại Paris. Mỹ công nhận chủ quyền của Pháp ở Đông dương và không muốn can thiệp, nhưng “chúng ta không thể nhắm mắt làm ngơ, các bằng chứng cho thấy Pháp (chủ yếu ở Sài gòn) ít hiểu biết về đối phương, vẫn còn cố bám lấy mô hình và cách suy nghĩ thực dân lạc hậu”. Ngay sau đó, Marshall lại cho thấy sự lưỡng lự: “Chúng ta không quên rằng Hồ có những mối quan hệ trực tiếp với cộng sản và không muốn mô hình thực dân lại được thay thế bằng một tổ chức mới do Kremlin kiểm soát”. Cuối cùng Marshall cũng chẳng đưa được ra giải pháp nào, ngoài việc khuyên Pháp nên để ngỏ quan hệ và “hào phóng” hơn trong việc tìm giải pháp. Đó cũng là thái độ điển hình của Mỹ cho đến khi Truman rời nhiệm sở.

Cuối tháng 2, Marshall chỉ thị cho Sullivan tìm gặp các lãnh đạo Việt minh nếu có điều kiện. Chẳng phải đợi lâu, tháng 4, lãnh đạo Thanh niên tiền phong là Phạm Ngọc Thạch, mới được thăng chức thứ trưởng ngoại giao, đã liên lạc với cộng đồng doanh nhân Mỹ tại Thái. Thạch còn bí mật gặp gỡ đại tá William Law, tham tán quân sự tại đại sứ quán Mỹ. Thạch cũng trả lời bằng văn bản một số câu hỏi của Law và đại sứ F. Stanton. Về mặt chính trị, Thạch nói, mục đích của chính phủ là dân tộc chứ không phải cách mạng thế giới. Về kinh tế, chính phủ sẽ “tôn trọng việc phát triển quyền tự trị của tư bản cũng như kêu gọi đầu tư nước ngoài để tái thiết đất nước”. Thạch cũng dự đoán, nếu không thoả thuận được Việt Nam sẽ sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh du kích có thể kéo dài đến 6 năm. Cùng thời điểm, Hồ trả lời phỏng vấn một nhà báo Mỹ phủ nhận chính phủ của ông ta theo những nguyên lý của Marx. Hồ còn hỏi, tại sao không thể áp dụng mô hình Philippin và Ấn độ cho Việt nam

Các động thái này của Việt nam, cùng với việc Giám được bổ nhiệm làm ngoại trưởng đã làm các quan chức bộ ngoại giao Mỹ chú ý. Sullivan đề nghị được trực tiếp gặp Thạch ở Băng kok vì cho rằng Hồ là người “rất giả dối”. Marshall đồng ý, giao luôn nhiệm vụ tìm hiểu ảnh hưởng của Moscow đến Việt nam sâu đến mức nào. Nhưng cuộc gặp đã không bao giờ diễn ra. Stanton thông báo Thạch bất ngờ rời Băng Kok, 2 ngày sau Marshall cũng đề nghị huỷ vì Thạch đã đi mất và sợ phản ứng của Pháp. Ngày 8/5, Giám chính thức kêu gọi Mỹ công nhận chính phủ Việt nam để “nâng cao uy tín của mình và ổn định tình hình trong khu vực”. Thạch gửi một thông điệp nữa đề nghị giúp đỡ về chính trị, kinh tế, văn hoá và trung gian hoà bình. Marshall đặt câu hỏi cho bộ máy ngoại giao của mình ở Hà nội, Sài gòn và Paris: quan điểm thực sự của Hồ là gì? Những nhân vật hiếu chiến đáng ngờ như Chinh, Việt liệu sẽ có vai trò gì trong một chính thể Việt nam độc lập? Các phần tử không cộng sản có biết về thiên hướng cộng sản của Việt minh không? Họ có làm việc được cùng nhau không? Và cuối cùng là VNDCCH liệu có chấp nhận “quyền tự do bày tỏ chính kiến một cách hợp lý”? Sullivan đánh giá một cách thận trọng “tuy có ảnh hưởng cộng sản nhưng khó đủ để lái Việt nam vào phía Liên xô, mặc dù hiển nhiên là có xu hướng như vậy”. Sullivan nhấn mạnh việc Hồ ngần ngừ không công nhận mình là Nguyễn Ái Quốc vì Hồ muốn thương thảo với phương Tây. Sullivan kết luận: Hồ mong muốn nhận được hỗ trợ và sẽ lái các chính sách của mình theo nguồn hỗ trợ đó. Các nhận xét khác thì bi quan hơn. Charles Reed miêu tả Hồ là một tay “cơ hội” và “sẵn sàng xây dựng một quốc gia cộng sản, kể cả khi nhân dân không mấy người quan tâm đến cộng sản là gì”. Đại sứ Mỹ tại Paris Caffery cũng cho rằng, tuy nhân dân Việt nam không ưa lắm chủ nghĩa cộng sản, “ít nghi ngờ là Hồ có những quan hệ mật thiết với cộng sản”.

Bollaert đã khá chân thành khi đề nghị các điều kiện hoà bình với Việt minh, bởi vậy khi bị từ chối, ông này vẫn tiếp tục tìm kiếm các phương án khác. Lúc đó, bộ trưởng chiến tranh Paul Coste-Floret vừa tuyên bố sau chuyến thị sát Đông dương: “Vấn đề quân sự ở Việt Nam đã chấm dứt, chúng ta đã kiểm soát hoàn toàn tình hình”. Được cổ vũ bởi tình hình chiến trường, Bollaert bắt đầu xem Việt minh chỉ là một trong nhiều những nhóm Việt nam đòi độc lập mà ông ta cần đàm phán. Nhận xét của Coste-Floret không phải không có lý. Việt minh không giữ được lâu thế trận họ có hồi đầu chiến tranh do ham đánh chính quy dẫn đến tổn thất lớn, thiếu vũ khí, thiếu phương pháp lãnh đạo chiến tranh du kích, đánh giá sai sự ủng hộ của nông dân. Các chính sách tàn bạo của Nguyễn Bình ở Nam bộ đã đẩy cả Cao đài và Hoà hảo sang phía Pháp.

Thừa thắng Valluy đề nghị tấn công vào sào huyệt của Việt minh, bắt sống Hồ Chí Minh và chỉ khi đó mới bắt đầu đàm phán. Valluy đề nghị tăng quân lên đến trên 100,000 quân. Tại Paris lúc đó cũng không có phong trào phản chiến nào đáng kể. Có điều mọi người đều cho rằng cuộc chiến Đông dương chẳng qua cũng là cuộc cãi vã vớ vẩn ở góc nào đó của thế giới. Chính phủ Pháp đang nhức đầu với Madagascar và chỉ đồng ý tăng viện tí chút cho Valluy. Ông này phải chấp nhận lập kế hoạch tấn công với ít quân hơn rất nhiều so với yêu cầu.

Tháng 8, Việt minh gửi một thông điệp hoà bình rõ ràng bằng cách thay 2 vị trí bộ trưởng quan trọng: Bộ nội vụ và Bộ quốc phòng của Tôn Đức Thắng và Võ Nguyên Giáp bằng những phần tử ôn hoà hơn. Valluy và Bollaert được triệu về Paris để tư vấn. Tháng 9, Bollaert đưa ra đề nghị Việt nam thống nhất trong khối Liên hiệp Pháp nhưng không nhắc gì đến độc lập hoàn toàn. Ngày 15/9, Giám trả lời: không thể có tự do nếu không nền độc lập hoàn toàn. Ba ngày sau, Bảo Đại tuyên bố chấp nhận đàm phán với Pháp nhưng cũng đặt điều kiện là phải có độc lập và thống nhất. Mặt trận dân tộc thống nhất mới được thành lập ở HongKong, cũng vội vã tuyên bố không chấp nhận đề nghị của Bollaert. Dân Sài gòn đồn ầm lên là Hồ Chí Minh đi đêm với Bảo đại.

7/10/1947, quân Pháp mở cuộc tấn công lên Việt bắc. Do thiếu quân nên thay vì đánh cả từ hai phía bắc và nam, Pháp sẽ tấn công vào trung tâm và giành quyền kiểm soát toàn bộ thung lũng sông Hồng từ Hà nội đến Lào cai. Chiến dịch mang tên Léa do Salan chỉ huy, dự kiến sẽ tiến hành trong 3 tuần. Đầu tiên quân Pháp nhảy dù xuống Bắc cạn chiếm chỉ huy sở. Hai cánh quân một từ phía bắc, một sử dụng chiến xa từ phía tây Lạng sơn sẽ kẹp Việt minh ở giữa và hội quân ở Bắc cạn. Quân Pháp tiến nhanh nhưng Hồ và các đồng chí đã kịp chạy vào rừng đến một căn cứ khác. Trên bàn làm việc của Hồ còn điếu thuốc đang cháy dở và một số văn bản trình ký cho Hồ. Quân Pháp tiếp tục càn quét khu vực nhưng rất ít khi gặp Việt minh. Salan tuyên bố đã hoàn thành nhiệm vụ, làm chủ đường lên Cao bằng, tuyến phòng thủ cuối cùng của Việt minh đã bị phá huỷ. Việt minh bây giờ chỉ còn là: “những nhóm thổ phỉ bị cô lập, chỉ có thể tiến hành những hoạt động khủng bố”.

Có lẽ đây là một trong những nhận định sai lầm nhất trong toàn bộ cuộc chiến. Vì thực ra cuộc chiến mới chỉ bắt đầu. Không nghi ngờ gì là Việt minh đã phải rút lui nhưng các lãnh đạo Việt minh đã thay đổi chiến lược chiến tranh. Họ giải tán những đơn vị chính quy của mình thành những nhóm tuyên truyền vũ trang theo mô hình trước cách mạng tháng 8, từ bỏ những trận đánh “thông thường” tập trung vào chiến tranh du kích, thành lập những uỷ ban hành chính kháng chiến tại mỗi làng biến làng xã thành đơn vị phòng thủ và chỉ cung cấp quân cho trung ương khi cần thiết.

Từ khi quay lại Việt bắc tháng 12/46, Hồ Chí Minh lại trở lại với nếp sống cũ tưởng đã kết thúc khi lên làm chủ tịch tháng 9/45. Hồ có 8 người giúp việc, bao gồm cả vệ sĩ, giao liên và cấp dưỡng, ở trong một căn nhà sàn được chia làm 2. một bên là phòng của Hồ, bên kia vừa là bàn họp, phòng ăn và ký túc xá. Mọi người còn nuôi được một con chó săn, nhưng sau đó bị hổ vồ mất. Hồ ăn uống đơn giản, cơm rau chấm nước mắm, thỉnh thoảng được bổ sung thêm ít thịt băm xào với ớt, muối, sả, gọi đùa là “thịt Việt minh”. Nhiều khi thiếu lương thực, cả nhóm phải tự đào khoai, trồng sắn, trồng rau trên triền núi. Giường ngủ của Hồ chỉ là cái màn và mấy bộ quần áo để sẵn. Khi có lệnh phải di chuyển, chỉ trong mấy phút là tất cả đã sẵn sàng. Hồ mang mấy quyển sách và tài liệu trong một cái cặp, một người thư ký được phân chuyên trách chiếc máy chữ. Hồ luôn dành thời gian để rèn luyện sức khoẻ, đặc biệt thích chơi bóng chuyền. Khi đội bạn lợi dụng cứ nhằm chỗ Hồ mà bỏ nhỏ thì ông thường rất khoái trá: “các chú đánh được Bác rồi”. Khi vượt suối, luôn có người bên cạnh Hồ. Tuy nhiên, theo một kẻ đào ngũ kể lại thì sức chịu đựng và dẻo dai của Hồ hơn đa số các đồng đội trẻ của ông. Hồ thường đùa: “ Bác là máy bay bà già cổ lỗ, còn các chú là phản lực”. Cuộc sống rồi cũng dần dần ổn định hơn, quanh nhà có vườn hoa, vườn rau, sân bóng chuyền, xà kép, xà đơn. Hồ còn mua các dụng cụ âm nhạc của đồng bào điạ phương và thỉnh thoảng tổ chức những đêm liên hoan văn nghệ cho dân địa phương, giảng giải cho họ về cuộc sống dưới xuôi, phát thuốc chữa bệnh. Cuộc sống bình yên kết thúc mùa thu 1947, khi chiến dịch Léa bắt Hồ phải sơ tán.

Sau chiến dịch Léa, cuộc xung đột rơi vào giai đoạn mà một nhà bình luận quân sự Pháp miêu tả là “sa lầy”. Do ít quân, Valluy đành tập trung ở khu vực châu thổ để Việt minh có cơ hội lập khu giải phóng ở miền Trung kéo dài 200 dặm từ Faifo (Hội an) tới Mũi Varella (Phan thiết???). Tại Nam bộ, quân của Nguyễn Bình bị đẩy tít vào rừng sâu. Quân Pháp tiếp tục hành quân bình định những khu vực mới chiếm đóng để cô lập đối phương. Việt minh còn phải đương đầu ở phía Nam với một số nhóm du kích muốn trở thành “lực lượng thứ ba” giữa Việt minh và Pháp. Trong bối cảnh, chiến dịch Léa không “đánh giập đầu” được Việt minh, các phần tử dân tộc quan tâm đến mặt trận chính trị và vai trò của Bảo đại. Tháng 12, Bảo đại gặp Bollaert tại Hạ long, không được kết quả lắm vì Bollaert không chịu làm rõ những quyền gì sẽ được chuyển giao cho nước Việt nam tương lai. Bảo đại ngần ngừ đã định ký vào tuyên bố chung, nhưng lại thôi vì thấy Mặt trận dân tộc thống nhất phản đối mạnh quá.

Tháng 3/1948, Bảo gặp đại diện Mặt trận tại HongKong và đồng ý chỉ định Nguyễn Văn Xuân, người Nam bộ, công dân Pháp làm thủ tướng cho chính phủ lưu vong để có thêm con bài mặc cả với Pháp. Sau một hồi suy nghĩ, Bollaert đồng ý đàm phán với chính phủ tạm thời này. Tháng 6, hai bên gặp lại tại Hạ long và thống nhất thành lập Quốc gia liên hiệp Việt nam, trên nguyên tắc độc lập và thống nhất của Việt nam trong khối liên hiệp Pháp. Tuy nhiên cũng chẳng có gì quy định rõ ràng ý nghĩa của chữ “độc lập” cũng như quyền hạn của quốc gia này. Cũng không rõ việc thành lập Quốc gia này có thể ảnh hưởng gì đến cuộc chiến Việt minh - Pháp hiện tại.

Đối với Pháp, thoả thuận này là cái cớ tốt để tiếp tục xin viện trợ Mỹ. Mặc dù không hài lòng với cách giải quyết mâu thuẫn của Pháp, Mỹ cũng không có nhiều lựa chọn trước sự đe doạ bành trướng của cộng sản Trung quốc và quan hệ càng ngày càng xấu đi với Matxcova. Marshall đã ra lệnh cho các viên chức Mỹ ở Đông dương làm tất cả những gì có thể để thổi “các nhóm dân tộc chủ nghĩa” làm suy yếu Việt minh. Mặc dù không ưa gì Bảo đại, Mỹ cũng coi thoả thuận này là một “bước tiến” và cảnh báo nếu Pháp “không thực thi độc lập và thống nhất cho Việt nam thì có thể mất cả Đông dương”, ngược lại Mỹ sẽ xem xét lại chính sách để có thể viện trợ trực tiếp cho Pháp ở Đông dương. Tháng 1/1949, cuối cùng Pháp nhượng bộ để Bảo đại ghép Nam bộ vào trong Quốc gia liên hiệp và ngày 9/3 tại Paris hai bên đã ký hiệp định. Pháp công nhận Việt nam độc lập và thống nhất trong khối Liên hiệp Pháp. Quốc gia mới sẽ có ngoại giao, tài chính và quân đội riêng. Một số quy định hạn chế là hiệp định phải được quốc hội Pháp thông qua, các điều kiện của thành viên Liên hiệp và tình hình chiến tranh ở Việt nam. Những trở ngại này hoá ra là quá lớn.

Tháng 1/1948, Việt minh tuyên bố kết thúc giai đoạn “phòng ngự” để chuyển sang “cầm cự “. Lãnh đạo Đảng cho rằng cần phải huy động nhân dân Lào, Cambodia vào cuộc chiến để phân tán quân Pháp. Một tài liệu của Đảng đã viết: “Nếu người Anh coi sông Ranh là tuyến phòng ngự thứ nhất của họ trong thế chiến 2 thì Việt nam cũng coi Mekong ở vị trí tương tự”. Trường Chinh đã viết trong một bài báo năm 1947: “Nếu địch đánh phía trên, ta sẽ đánh chúng từ phía dưới. Nếu chúng đánh ở miền Bắc, ta sẽ trả lời ở miền Trung hoặc Lào, Cambodia. Nếu địch thò chân vào căn cứ , ta sẽ đánh vào thắt lưng và hậu phương chúng cắt đường tiếp viện”. Các cán bộ đảng ở địa phương được chỉ thị liên lạc với Lao Issara và Khme Issarak và tìm cách lái các tổ chức này theo Việt nam. Tuy nhiên, chỉ thị nói tiếp, cần phải rất cẩn thận, không để cho bạn bất mãn vì sự thống trị của Việt nam.

Bóng mây đen duy nhất che phủ hy vọng của Việt minh là việc Mỹ sẽ nhảy vào cuộc chiến thông qua viện trợ trực tiếp cho Pháp ở Đông dương nếu Hiệp định Elysee được phê chuẩn. Việt minh cần phải có đồng minh mới có thể đứng vững được. Nga thì ở xa và có vẻ không quan tâm gì, có vẻ như Trung cộng là lựa chọn duy nhất. Quan hệ với Đảng CS Trung Quốc - CCP mới được khởi động lại từ mùa xuân 1947. Hồ Chí Minh và Chu An Lai có điện qua điện lại cho nhau, trao đổi thông tin. Tại vùng biên giới, các đơn vị của hai bên cũng đã hợp tác với nhau lập ra Trung đoàn độc lập, chủ yếu là người Tày, Nùng, đánh Pháp ở vùng biên giới. Tại Trung quốc, Bát lộ quân đang thắng thế và tiến xuống phía Nam. Pháp lo lắng. Salan (thay Valluy chỉ huy Quân viễn chinh Pháp ở Đông dương - FEF) đề nghị mở các cuộc tấn công để củng cố biên giới trước khi cộng sản thắng thế ở Trung quốc.

Trong đề nghị xin quân để mở cuộc tiến công mới, Salan đã không tiếc lời chỉ trích chính phủ thờ ơ. Ngay lập tức tháng 4 năm đó, lấy cớ Salan còn trẻ và thiếu kinh nghiệm Paris đã cử tướng Blaizot sang thay. Leon Pignon cũng được cử sang thay Bollaert. Hai ông này không thống nhất được với nhau về kế hoạch quân sự tấn công lên Việt bắc. Để hoà giải, tháng 5/1949 Paris cử tướng Revers sang thị sát. Ông này có ý kiến khá bi quan về cả 2 lĩnh vực quân sự lẫn chính trị, không tin tưởng gì chính phủ tham nhũng của Bảo đại. Revers cũng đề nghị chức danh Cao uỷ Pháp phải quyết cả chính trị lẫn quân sự. Nhưng ông cũng nghi ngờ về thắng lợi quân sự, theo ông khả thi nhất là cải thiện tình hình để dễ đạt được thoả thuận. Revers gợi ý quân Pháp củng cố vùng Bắc bộ cho đến khi Mỹ đưa quân tham chiến trực tiếp. Do không đủ quân rải khắp biên giới, Revers đề xuất chỉ bảo vệ đoạn từ Lạng sơn đến Thất khê và rút quân khỏi các vùng biên giới khác.

Mùa xuân 1949, Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc - PLA vượt sông Dương tử, tiến về phía Nam. Cộng sản chuẩn bị lập chính phủ ở Bắc kinh. Tưởng đang lập kế hoạch di tản sang đảo Đài loan. Các nguồn tình báo bắt đầu thông báo về sự có mặt của PLA tại biên giới. Có tin cho rằng, PLA đã chiếm Móng Cái vào cuối tháng 3, sau đó mới rút đi. Cũng có tin cho rằng Giáp đã ký thoả thuận về hợp quân tại vùng biên giới vào tháng 4. Một nguồn tin Mỹ nói đài phát thanh của Việt minh thông báo PLA đã đến biên giới và đang hỗ trợ “một cách quan trọng” cho Việt minh. Tại một cuộc họp gần Vĩnh Yên vào thời điểm này, Hồ đã tuyên bố chuẩn bị để mở cuộc tấn công trên biên giới thông đường với Trung quốc. Việc Trung cộng thắng thế hiển nhiên là tin tức tốt lành cho Việt minh. Nhưng Hồ cũng thừa hiểu rằng, bất kỳ một sự “a dua” công khai nào với Trung quốc sẽ tạo cớ để Mỹ can thiệp trực tiếp vào Việt nam và làm lợi cho những lực lượng đối lập thù địch. Tháng 3/1949, Hồ phủ nhận là đã có một thoả thuận với Trung quốc, nói rằng đó là “tin đồn của bọn thực dân”. Khi trả lời một phóng viên Mỹ cũng trong tháng đó, Hồ nói Việt nam sẽ tự giành được độc lập, còn luận điệu Quốc Tế cộng sản “khống chế Việt minh” là “trò tuyên truyền của Pháp”. Tháng 8/1949, Hồ tuyên bố, mặc dù có nhiều điểm tương đồng nhưng dân chủ mới của Trung Quốc là Trung Quốc, dân chủ mới ở Việt Nam sẽ là của Việt Nam. Việc Pháp công nhận Quốc gia Liên hiệp của Bảo đại cũng là thách thức mới. Washington bây giờ không còn phải đoán ý Pháp nữa và sẽ có thể quyết định dính líu trực tiếp tới chiến tranh Đông dương. Tháng 6/49, Hồ thừa nhận với một phóng viên Indonesia là Việt minh có thể vẫn muốn đàm phán với Pháp trên cơ sở độc lập và thống nhất dân tộc.

Tuy nhiên những thắng lợi cuối cùng của Bát lộ quân vào mùa hè năm đó đã thuyết phục các lãnh đạo Đảng là có thể thành công bằng con đường quân sự. Ngày 9/7, Phạm Ngọc Thạch tuyên bố Bảo đại là “bù nhìn của bọn xâm lược”. Tình báo Pháp thu nhặt được một số thông tin về việc Giáp ra lệnh cho quân sĩ chuẩn bị chuyển sang Tổng phản công.

*********************
PLA - Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc

Giữa tháng 8, chính phủ Việt minh chính thức kêu gọi chính quyền mới ở Trung Quốc giúp đuổi quân Pháp. Hồ Chí Minh cử hai đại diện đi Bắc kinh để chào mừng Mao và nhấn mạnh tầm quan trọng của chiến thắng này đối với nhân dân châu Á. Sau đó ít lâu, Hồ quyết định đích thân sẽ đi Bắc kinh để thắt chặt mối quan hệ. Hai đại biểu Việt minh đến vào giữa tháng 10. Chính phủ mới ra mắt vào ngày 1/10 tại quảng trường Thiên An Môn và đang suy nghĩ về vai trò tương lai của mình trên trường quốc tế. Mặc dù Mao tuyên bố “sẽ nghiêng” về Liên xô nhưng Mỹ vẫn còn đại diện ngoại giao và vẫn hy vọng tránh được cuộc khủng hoảng ngoại giao. Quan điểm chính thống của Trung Quốc được Lưu Thiếu Kỳ phát biểu tại đại hội Công đoàn toàn quốc vào tháng 10. Lưu nói, Trung Quốc sẽ giúp đỡ phong trào giải phóng dân tộc tại châu á, đặc biệt là Đông dương và Malaysia. Ngày 25/11, báo chí Trung Quốc đăng “Việt nam và Trung quốc trên tuyến đầu chống chủ nghĩa đế quốc”. Đến lúc đó, tất cả các nước cộng sản đều đã công nhận ngoại giao Trung Quốc. Tháng 12/1949, dưới ảnh Stalin, Mao, và Hồ, Trường Chinh đã đọc báo cáo tại hội nghị công đoàn, tuyên bố Việt nam đi theo chế độ mới của Trung Quốc về chính trị và tư tưởng. Hồ gửi thư đến hội nghị nhấn mạnh “công nhân sẽ là giai cấp lãnh đạo xã hội”

Giữa tháng 12, Mao lên đường đi Matxcova, mà chưa có kế hoạch gì cụ thể với đề nghị của Việt minh ngoài việc Lưu đã nói chuyện để gửi Luo Quibo, một cán bộ bộ tổng tham mưu sang Việt Nam 3 tháng để nắm tình hình. Ngày 24/12, khoảng 1 tuần sau khi Mao đi, Lưu triệu tập bộ chính trị để bàn về tình hình Đông dương và đưa ra chiến lược. Ngày hôm sau, Lưu điện cho lãnh đạo Việt nam là sẽ gửi đoàn đại biểu sang đánh giá tình hình và cũng mời chính thức phía Việt nam sang thăm Trung quốc. Trước khi Lưu nhận được điện trả lời, đoàn Việt Nam đã lên đường đi bộ xuyên rừng. Mặc dù Bắc kinh được thông báo trưởng đoàn là cục trưởng hậu cần Trần Đăng Ninh, thực chất Hồ chính là người dẫn đầu đoàn. Hồ vẫn mặc bộ kaki thường ngày, sử dụng bí danh là Định. Đoàn rời Tuyên quang ngày 30/12, đến Jingxi ngày 16/1/1950 và được PLA hộ tống đến Nam ninh. Tại đây, Hồ được tin Trung quốc đã công nhận ngoại giao Việt nam dân chủ cộng hoà, 4 ngày sau khi DRV tuyên bố tại Băng kok là đại diện duy nhất của nhân dân Việt nam. Nghỉ ngơi một chút, cả đoàn lên tàu đến cảng Vũ hán trên sông Dương tử. Vài ngày sau, đoàn đến Bắc kinh và được xếp ở Trung Nam Hải, khu biệt thự ở phía tây cấm thành. Hồ được gặp lại bạn cũ là Hoàng Văn Hoan, từ châu Âu đến dự Đại hội công đoàn nhưng bị muộn.

Trưởng đoàn đón tiếp Hồ là tướng Chu Đức, đồng đội của Mao, để bàn về các nội dung quân sự chắc chắn sẽ được đề cập đến. Mao cũng gửi điện về hỏi thăm và chúc mừng DRV gia nhập hệ thống XHCN. Trong bữa tiệc chiêu đãi đoàn, Lưu đề nghị với đại sứ Nga Roshin là Hồ cần được gặp trực tiếp Stalin để báo cáo tình hình. Không ngờ Stalin đồng ý. Ngày 3/2, Hồ cùng với Ninh và Chu Ân Lai lên tàu đi Matxcova. Hoan ở lại để chuẩn bị mở đại sứ quán.

********************
PLA - Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc
DRV: Việt Nam dân chủ cộng hòa

Từ cuối thế chiến 2, Liên Xô có vẻ như chẳng quan tâm gì lắm đến số phận của cách mạng Việt nam. Trong một phát biểu nổi tiếng tháng 9/1947, một người thân cận của Stalin là Andrey Zhdanov đã tuyên bố ủng hộ cuộc đấu tranh của các dân tộc bị áp bức chống lại chủ nghĩa đế quốc, ngụ ý là Liên Xô ủng hộ tất cả các lực lượng dân tộc tư sản đấu tranh đòi độc lập tại các thuộc địa. Nhưng sang đầu 1948, Liên Xô lại thay đổi thái độ, tỏ ra cực đoan hơn. Trong tuyên bố của mình tại Hội nghị thanh niên Calcuta, Nga đã chỉ thị cho các đảng cộng sản từ bỏ liên hiệp với các đảng dân tộc, để tự giành chính quyền. Chính sách thiển cận này đã trở thành thảm hoạ tại Đông ấn thuộc Hà lan khi cuộc khởi nghĩa của cộng sản bị dìm trong máu. Các đảng dân tộc trong khu vực cũng thẳng tay loại cộng sản ra khỏi các mặt trận liên hiệp. Chính sách thù địch đối với các lực lượng tư sản dân tộc này chính là quan điểm của Stalin, qua những bài học rút ra từ cuộc hợp tác Quốc-Cộng tại Trung quốc. Từ lâu Stalin cũng đã nghi ngờ sự trung thành của Hồ, nhất là thái độ cầu thân của Hồ với Mỹ trong những tháng sau cuộc chiến Thái bình dương. Stalin càng nghi ngờ hơn khi ICP đùng đùng tuyên bố tự giải tán. Năm 1947, Nga công nhận ngoại giao Indonesia của Sukarno nhưng lờ đi Việt nam vì cho rằng Việt Nam khó có thể thắng được Pháp.

Trong những năm đầu của cuộc chiến, Việt Minh cũng chẳng có quan hệ trực tiếp gì với Liên Xô. Cho đến năm 1949, đoàn đại biểu cộng sản Pháp, được cho là do Liên Xô chỉ đạo, đến thăm Đông dương để đánh giá tình hình. Tháng 8 năm đó, Hồ gửi thư trực tiếp cho Stalin, cám ơn Nga đã giúp đỡ CCP và hỗ trợ cho Liên đoàn lao động quốc tếc. Thái độ của Stalin được thể hiện rõ trong chuyến thăm của Hồ. Trong hồi ký của mình, Nikita Khrushchev, miêu tả thái độ của Stalin với Hồ là “khiêu khích và xúc phạm”. Ngày 14/2, Hồ tham dự lễ ký hiệp ước hữu nghị Xô - Trung và đề nghị Stalin ký hiệp ước tương tự với Việt nam. Stalin chối phắt, lấy cớ là chuyến đi của Hồ là chuyến đi bí mật. Khi Hồ đề nghị kiếm một chiếc trực thăng lượn vài vòng rồi hạ xuống đâu đó với nghi lễ đàng hoàng, Stalin đã trả lời: “người phương đông các ông thật giàu trí tưởng tượng!”. Hồ Chí Minh đã làm mọi cách để lấy lòng vị chủ nhà độc đoán. Tan một cuộc họp, Hồ đã tiến tới xin chữ ký của Stalin trên cuốn tạp chí “Liên xô đang xây dựng”, Stalin đã ký, nhưng sau đó lại ra lệnh cho trợ lý thu hồi lại vì lỡ ký nhầm. Khi đã thu lại được cuốn tạp chí, Stalin đã đem ra đùa với các đồng chí của mình: “ Hồ chắc vẫn đang đi tìm cuốn tạp chí, nhưng ông ta làm sao tìm được”.

**********************
ICP : Đảng CS Đông Dương
CCP : Đảng CS Trung Quốc

Dù sao những cố gắng của Hồ Chí Minh cũng có được kết quả, ngày 30/1/1950, Nga- xô tuyên bố công nhận ngoại giao với Việt Nam dân chủ cộng hòa. Tuy nhiên Stalin chưa bao giờ hết nghi ngờ về tư tưởng chính thống của Hồ. Nhiều nguồn tin Việt nam kể rằng trong một cuộc gặp gỡ giữa hai bên năm 1952, Stalin đã đưa ra 2 chiếc ghế và nói: “đồng chí Hồ, một chiếc là dành cho người dân tộc chủ nghĩa, một cho người quốc tế chủ nghĩa, đồng chí sẽ ngồi ghế nào?”, Hồ đã trả lời: “Tôi muốn ngồi trên cả hai”

Tại sao Stalin lại quyết định công nhận Việt Nam dân chủ cộng hòa mặc dù vẫn còn nghi ngờ Hồ? Theo các nguồn Trung quốc, cuộc đàm phán với Mao là nguyên nhân chính. Sau hiệp định Yalta, Liên Xô chiếm một vùng lớn đất đai của Trung Quốc mà Mao rất muốn đòi lại. Stalin sợ rằng Trung Quốc có thể vì tức giận mà đi theo Mỹ nên tìm cách xúi giục Trung Quốc theo đường lối cực đoan gây gổ với Mỹ, chặn đường quan hệ Trung Mỹ. Trong một cuộc gặp tay ba tại Matxcova, Stalin đã khuyến khích Mao cầm đầu cách mạng tại châu Á. Stalin hứa với Hồ: “ Sẽ quan tâm đến Việt nam như Trung Quốc. Các đồng chí có thể tin vào chúng tôi, đặc biệt bây giờ, sau chiến tranh, chúng tôi có vô khối nhu yếu phẩm, phương tiện và sẽ chuyển cho các đồng chí qua đường Trung Quốc. Tuy nhiên vì điều kiện địa lý tự nhiên, Trung Quốc mới là người đỡ đầu chính. Trung Quốc thiếu gì, chúng tôi sẽ cung cấp”. Mao hùa theo: “Cái gì Trung Quốc có mà Việt Nam cần, chúng tôi sẽ cung cấp”.

Ngày 17/2, Hồ cùng với Chu và Mao lên tàu về Bắc kinh. Cả hai đều đã giành được một phần lợi ích, nhưng không phải dễ dàng. Sau này Mao kể lại: “lấy được cái gì đó từ Stalin chẳng khác gì giằng miếng thịt ra khỏi miệng hổ” . Ngày 3/3 tàu về đến BắcKinh. Mao mở tiệc chiêu đãi Hồ tại Trung Nam Hải với tất cả các quan chức cao cấp của Trung Quốc tham dự. Trong cuộc đàm phán chính thức sau đó, Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đồng ý đảm nhận an ninh tại biên giới và cho phép Việt Nam mở lãnh sự tại Nam ninh và Côn minh. Hồ chỉ định Hoàng Văn Hoan làm đại sứ đầu tiên tại Trung Quốc và quyết định chuyển trụ sở hải ngoại của Đảng đang ở Bangkok về Trung Quốc. Ngày 11/3, Hồ lên đường về nước.

Hồ có thể hài lòng về chuyến đi của mình. Ông đã giành được sự công nhận ngoại giao của hai cường quốc XHCN chính và lời hứa sẽ giúp đỡ về quân sự và kinh tế. Việt minh sẽ không phải chiến đấu đơn độc. Trung Quốc cũng có lợi. Mao rất tin rằng chiến tranh với Mỹ là không thể tránh khỏi và có thể xảy ra bất cứ lúc nào dọc biên giới Trung Quốc không chỉ ở Triều tiên. Có được Việt Nam làm lá chắn phía nam là cực kỳ quan trọng.

Hồ Chí MInh đã không nhầm khi lo rằng việc chơi thân với L.Xô và Trung Quốc sẽ làm cho Mỹ phải có hành động. Liên tiếp hai sự kiện Trung Quốc và L.Xô công nhận ngoại giao Việt Nam dân chủ cộng hòa đã ảnh hưởng lớn đến chính sách của Mỹ. Trước đó năm 1949, quyết định của Pháp lựa chọn Bảo đại để đối trọng với Việt minh làm Mỹ không hài lòng. Các quan chức Mỹ cho rằng vị cựu hoàng này không có cá tính và không được nhân dân ủng hộ. Có tin đồn là Mỹ đã tiếp cận Hồ CHí Minh liên minh với Bảo đại, thậm chí là hai bên đã gặp nhau. Hồ lập tức lợi dụng luôn, trả lời phỏng vấn của phóng viên Mỹ Harold Isaacs: "Tôi đã bảo tôi không phải là cộng sản, Việt Nam dân chủ cộng hòa không phải là vệ tinh của L.xô mà là chính phủ đoàn kết dân tộc rộng rãi". Chắc là những tin đồn này có ít phần sự thật.

Mặc dù Dean Archeson không ưa gì Bảo đại, nhưng ông này còn nghi Hồ hơn, nhất là thái độ “cộng sản dân tộc” kiểu Tito. Dean nói: “cộng sản hay dân tộc chủ nghĩa chỉ có ý nghĩa hàn lâm. Tại các nước thuộc địa, tất cả cộng sản đều là những người dân tộc. Khi lên nắm chính quyền, những quan điểm cực đoan Stalin của họ mới lộ ra”. Cuộc cãi vã trong bộ ngoại giao Mỹ về việc có công nhận Bảo đại hay không kéo dài cho đến cuối năm 1949. Dean Archison, vốn là một người châu Âu, không muốn làm Pháp giận dữ. Raymond Fosdick, thành viên chủ chốt của nhóm cố vấn tổng thống về chính sách châu á thì cho rằng thí nghiệm Bảo đại không có nhiều cơ may thành công. Tuy Hồ cũng không phải là lựa chọn hấp dẫn, nhưng nếu nhìn vào quan hệ lịch sử phức tạp giữa Trung Quốc và Việt Nam , có cơ may là Mỹ sẽ có lợi thế hơn bây giờ. Quan điểm của Fosdick tất nhiên là chìm ngỉm ở một thành phố mà chiến tranh lạnh đã gõ cửa. Sau khi nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ra đời, Truman bị đả kịch liệt vì không làm gì để ngăn chặn làn sóng đỏ. Tháng cuối cùng năm 1949, Mỹ vẫn chưa quyết hy vọng là Pháp sẽ trao nhiều quyền tự quyết hơn cho Việt nam. Nhưng đầu năm 1950, tình hình biến chuyển, Trung Quốc chính thức giúp đỡ Việt nam đã làm thay đổi cán cân lực lượng. Đầu tháng 2, Mỹ công nhận chính phủ Bảo đại. Anh và một số nước châu Âu theo đuôi ngay nhưng đa số các nước châu á lại đứng ngoài. Ngày 10/3 Truman quyết định viện trợ quân sự 15 triệu Đôla cho Đông dương và 10 triệu đôla cho Thái lan. Nhà trắng cũng bắt đầu lên kế hoạch cử đoàn cố vấn sang Đông dương để xác định làm thế nào có thể quản lý chương trình một cách hữu hiệu.

Đoàn đại biểu Trung Quốc do Luo Guibo đến biên giới Việt nam ngày 26/2/1950 và được Võ Nguyên Giáp cùng với Hoàng Văn Thái nghênh đón và đưa về căn cứ địa Việt bắc. Trường Chinh, lãnh đạo đảng khi Hồ đi vắng cũng đã tiếp đoàn. Ba tuần sau khi Hồ lên đường, Chinh đã chủ trì Hội nghị toàn quốc lần thứ 3 để bàn kế hoạch tổng phản công. Chinh phấn khích tuyên bố, với sự thành lập của nước Trung hoa mới “chúng ta đã không bị cô lập, đã mở được đưòng ra thế giới. Đằng sau chúng ta là một đồng minh hùng mạnh”. Ngày 21/2, đảng kêu gọi tổng động viên: tất cả ra tiền tuyến, tất cả cho chiến tranh nhân dân, tất cả cho chiến thắng. Giáp cũng có bài phát biểu dài tại hội nghị. Giáp nhấn mạnh mặc dù tình hình thế giới đang diễn biến có lợi cho ta và ta nhất định sẽ thắng, nhưng quân Pháp vẫn chiếm ưu thế trên toàn cục. Cuộc tổng phản công sẽ không phải là một chiến dịch đơn lẻ mà là một chuỗi các trận tấn công trên nhiều điểm khác nhau của Đông dương, đẩy cán cân lực lượng dần dần nghiêng về Việt minh.

Trung Quốc bắt đầu viện trợ thiết bị quân sự cho Việt nam vài tháng sau đó. Đoàn cố vấn Trung quốc (CMAG) do tướng Vi Quốc Thanh chỉ huy cũng đã đến Việt bắc và bắt đầu huấn luyện chiến lược, chiến thuật cho Quân đội nhân dân Việt nam (VLA). Trước khi đi, đoàn đã được Lưu Thiếu Kỳ dặn dò: “Nếu các đồng chí không giúp được đuổi kẻ thù ra khỏi Đông dương, thì Trung Quốc cũng sẽ gay go”. Những đơn vị chính quy đầu tiên của Việt nam cũng được gửi sang Vân nam huấn luyện vào tháng 4/1950. Thiết bị quân sự, chủ yếu là chiến lợi phẩm của Nhật và Mỹ được chở theo đường biển từ cảng Yulin, phía nam đảo Hải nam. Hai bên thoả thuận là Trung Quốc sẽ không đưa quân tham chiến trực tiếp trừ khi Việt minh bị đe doạ tiêu diệt. Bắc kinh cũng yêu cầu giữ kín để tránh làm xấu quan hệ với Pháp. Nhưng lo lắng này bằng thừa vì Pháp đã được thông tin đầy đủ về chuyến đi của Hồ và những hậu quả của nó. Đến tháng 9/1950 đã có khoảng 20,000 quân được huấn luyện và trang bị ở Trung Quốc. Đa số họ được biên chế vào sư đoàn 308. Hai trường chính trị được mở tại Nam ninh và Kaiyuan ở Vân nam, mỗi khoá 6 tháng. Luo và Vi thường xuyên gặp gỡ với lãnh đạo Việt minh.

Việt minh cũng không che dấu tầm quan trọng của mối quan hệ với Trung Quốc. Tháng 8, khi trả lời phỏng vấn nhà báo Mỹ Andrew Roth, Hồ thừa nhận ảnh hưởng của Trung Quốc và phong trào giải phóng Việt nam đang chuyển mình theo mô hình của Trung Quốc. Phong trào học tập kinh nghiệm kháng Nhật, chống Tưởng của PLA được phát động rộng khắp ở Việt bắc. Tài liệu được dịch, in và phân phối cho tất cả sĩ quan, binh lính. Các lớp học được mở thường xuyên để thảo luận làm cách nào áp dụng những kinh nghiệm đó vào điều kiện Việt nam. Tất nhiên là Việt minh chỉ giả vờ là mới “bất ngờ” phát hiện ra cái hay của Trung cộng. Ngay từ lời kêu gọi kháng chiến năm 1946, Hồ đã xác nhận là Việt nam sẽ áp dụng đường lối chiến tranh nhân dân của Mao. Đầu năm sau, Trường Chinh đã viết bài ngắn Kháng chiến nhất định thắng lợi , trích dẫn rất nhiều từ những bài viết của Mao về chiến tranh du kích. Bản thân bút danh của Chinh cũng thể hiện sự ngưỡng mộ cách mạng Trung quốc (tên của một chiến dịch nổi tiếng của Bát lộ quân). Tuy nhiên Chinh cũng đã chỉ ra một số điểm không thể áp dụng:

Việt nam nhỏ hơn và không có khả năng xây dựng vùng giải phóng rộng lớn như ở phía bắc Trung Quốc trong cuộc chiến kháng Nhật. Việt nam cũng sẽ phải đặc biệt chú trọng đến mặt trận ngoại giao mà các đồng chí Trung Quốc hoàn toàn không quan tâm.

***********
PLA: Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc
CMAG: Đoàn cố vấn Trung quốc
VLA: Quân đội nhân dân Việt Nam

Nhưng ảnh hưởng Trung Quốc không dừng lại ở lĩnh vực quân sự mà lan sang các vấn đề đối nội và tổ chức Đảng. Từ hội nghị 8 tại Pacbo năm 1941, đảng chủ trương ưu tiên đấu tranh chống đế quốc theo kế hoạch mà Hồ đã du nhập từ những năm 1920. Giai đoạn đầu là giải phóng dân tộc, đảng sẽ phải thu mình để đoàn kết dân tộc và tránh sự can thiệp của các thế lực chống cộng bên ngoài. Sau đó mới dần chuyển sang cách mạng XHCN. Bây giờ, các đồng chí Trung quốc nghĩ khác và tư vấn tổ chức lại đảng theo mô hình Trung Quốc, khi mà giai đoạn một sẽ chuyển ngay sang giai đoạn hai là cách mạng xã hội phản phong. Những ảnh hưởng của quá trình này thể hiện rõ nét trong Hội nghị toàn quốc lần thứ 3, khi đảng quyết định sẽ nhấn mạnh hơn vấn đề giai cấp trong mặt trận thống nhất, cũng như đưa đảng trở lại công khai. Hành động này sẽ gộp Việt Nam dân chủ cộng hòa vào cùng một phe với chính phủ mới của Trung Quốc cũng như những “nền dân chủ nhân dân” ở Đông Âu, tuy nhiên chắc chắn sẽ làm việc đạt được thoả thuận với Pháp trở nên phức tạp cũng như giúp Mỹ có cớ can thiệp trực tiếp.

Vai trò của Hồ trong việc chuẩn y thay đổi đường lối này đến đâu là một câu hỏi lớn? Đặc biệt trong bối cảnh Hồ vắng mặt tại Hội nghị 3. Từ những năm 20, quan điểm rõ ràng của Hồ là cách mạng hai giai đoạn. Trong giới cộng sản quốc tế và ngay cả giữa các đồng nghiệp cũng luôn luôn có sự nghi ngờ về lòng trung thành của Hồ với những quan điểm giáo điều của Bắc kinh và Matxcova. Suốt mùa đông 1949-1950, nhiều bài báo dựa trên thông tin của bọn đào ngũ đã đưa tin về việc Stalin ra lệnh thay thế Hồ bằng Chinh vì Hồ không chịu tuân lệnh Matxcova. Cũng có tin đồn là đoàn đảng CS Pháp do Léo Figueres đến Việt bắc tháng 3/1950 để khôi phục lại vai trò lãnh đạo của đảng như đội tiên phong của cách mạng Việt nam. Có thể cho rằng Hồ không hào hứng lắm trong việc chấp nhận đường lối mới, nhưng Hồ thừa hiểu rằng sự can thiệp của Mỹ là không thể tránh khỏi và chỉ có dựa vào L.xô và Trung cộng, Việt minh mới có thể chiến thắng. Như mọi khi, Hồ sẵn sàng điều chỉnh và biến hoàn cảnh mới thành có lợi cho mình. Với nghệ thuật “lay động” các ân nhân bằng cách như nuốt lấy từng lời khuyên cũng như kinh nghiệm của họ, Hồ đã gửi thư ca ngợi chính phủ mới ở Trung Quốc và thừa nhận là đảng và chính phủ mình chẳng có cách nào khác là học theo mô hình các đồng chí Trung Quốc. Không phải ngẫu nhiên mà Hồ bắt đầu thử nghiệm tập thể hoá nông nghiệp vào cuối năm 1950.

Từ mùa xuân năm 49, các nhà chiến lược của đảng đã chỉ ra rằng phải kiểm soát được biên giới, mở đường tiếp tế từ Trung Quốc mới có thể nói đến chuyện tổng phản công. Về phần mình tướng Pháp là Blaizot quyết định bỏ phía bắc Lạng sơn và tập trung kiểm soát vùng từ Lạng sơn đến vịnh Bắc bộ. Tuy nhiên cho đến hè năm 50, kế hoạch này cũng chưa được triển khai đến nơi đến chốn. Kết quả là quân Pháp bị căng ra trên một tuyến những đồn cô lập dọc đường 4 từ Móng cái đến Cao bằng.

Vào tháng 4/1949 Việt Minh quyết định sẽ tấn công cánh tây trước, nhưng đến tháng 7/1950, Ban thường vụ lại quyết định chuyển sang cánh phía đông, có đường thâm nhập đồng bằng sông Hồng dễ dàng hơn. Hồ Chí Minh phát biểu, chỗ này “dễ giữ khi rút, dễ đánh khi tấn công”. Võ Nguyên Giáp được bổ nhiệm chỉ huy chiến dịch. Trung Quốc cử tướng Trần Canh, chuyên gia gỡ rối của Bát lộ quân đến Việt bắc để giúp Việt minh lên kế hoạch. Hồ dặn Giáp “ Chiến dịch này cực kỳ quan trọng. Chúng ta không được thua!” và hứa sẽ trực tiếp thị sát chiến trường cùng với Trần Canh. Giữa tháng 9, hơn 8000 quân Việt minh tấn công Đông khê. Tình báo Pháp kinh ngạc thấy Việt Minh lần đầu tiên được tổ chức thành trung đoàn, có sử dụng bazoka, súng phóng lựu và tiểu liên. Quân Pháp rối loạn và rút chạy để lại hàng trăm xác chết và hàng chục ngàn tấn vũ khí. Quân ứng viện từ Cao bằng lên cũng chịu số phận tương tự. Tướng Marcel Carpentier chỉ huy quân Pháp trên mặt trận đã ra lệnh rút khỏi tất cả các đồn dọc tuyến biên giới, trừ Móng cái. Tại Hà nội, cao uỷ Léon Pinon rất phẫn nộ và miêu tả Carpentier là “bị động và chỉ biết phòng thủ...rõ ràng là không có khả năng lãnh đạo tối cao” và thay thế ông này. Tuy nhiên mọi việc đã quá muộn. Đến cuối tháng 10, toàn bộ khu biên giới rộng lớn phía bắc châu thổ sông Hồng đã về tay Việt minh. Người Pháp hoảng loạn, thông báo hơn nửa dân Hà nội theo Việt minh và chuẩn bị sơ tán anh em bà con khỏi Hà nội. Các tướng Pháp không bao giờ có thể lừa dối mình về chiến thắng quân sự cuối cùng được nữa. Donal Heath, vừa mới đến Sài gòn với tư cách đại diện của Mỹ tại Quốc gia liên hiệp cũng cảnh báo rằng tình hình ở Bắc bộ là bi đát. Ông này cho rằng, chính phủ liên hiệp thì vừa lười biếng vừa không được dân ủng hộ, Bảo đại thì thiếu động cơ và cũng không có khả năng lãnh đạo. Heath cũng dự báo là Trung Quốc sẽ không can thiệp trực tiếp trừ khi Việt minh bị đe doạ tiêu diệt.

Vai trò của cố vấn Trung Quốc trong chiến dịch biên giới cũng gây tranh cãi sau này. Hoàng Văn Hoan cho rằng, chính Trần Canh đã tư vấn Hồ đánh Đông khê và chỉ bao vây Cao bằng, cố vấn Trung Quốc cũng được Hồ bố trí vào tất cả các đơn vị từ cấp tiểu đoàn trở lên. Giáp thì kiên quyết rằng chính ông đã tự lực đi đến quyết định đánh Đông khê, và sau đó cả Trần Canh lẫn Hồ đều đã phê duyệt kế hoạch này. Dù sự thật thế nào đi nữa, sau chiến dịch, Trần Canh được rút về và điều sang mặt trận Triều tiên. Trước khi về, Canh đã viết một báo cáo phê phán khá gay gắt khả năng chiến đấu của Việt minh. Theo Canh, lính Việt Minh thì không có kỷ luật, không có kinh nghiệm chiến đấu và chưa sẵn sàng cho những trận đánh lớn, chỉ huy Việt Minh thì không nắm được khả năng của lính, hay giấu những tin tức xấu.

Các nhà chiến lược của Việt MInh thì đang phấn khởi với kết quả tốt hơn mong đợi của chiến dịch biên giới và bàn đến việc tổng phản công vào trung tâm của châu thổ sông Hồng. Mặc dù Hồ vẫn thận trọng phê phán mấy viên tướng nóng đầu là tổng phản công, cũng như phụ nữ có mang, phải đủ ngày đủ tháng mới có thể tiến hành, không khí lạc quan vẫn bao trùm. Giáp dự kiến trong năm sau sẽ tấn công tại 3 điểm đồng bằng: phía bắc tại Vĩnh Yên, phía đông tại Mạo kê và phía nam dọc theo sông Đáy. Nếu thành công sẽ bắt đầu giai đoạn 2 tấn công thẳng vào thủ đô. Đài phát thanh Việt minh dự báo năm sau Hồ sẽ ăn Tết tại Hà nội. Trung Quốc hứa sẽ cung cấp đầy đủ vũ khí và các phương tiện chiến tranh. Nếu Đảng không lạc quan tếu trong những dự báo của mình, có vẻ như cuộc chiến đã đến hồi kết.

12. Nơi đó, Điện biên phủ

Có vẻ như Hồ Chí Minh không thể ăn Tết ở Hà nội. Mặc dù Việt Minh đã có những khởi đầu khá thuận lợi. Những đơn vị Việt minh chân đất từ trong rừng đã tràn vào Vĩnh yên theo chiến thuật “biển người” của Trung Quốc. Nhưng tướng Jean de Lattre de Tassigny, được bổ nhiệm 19/12/1950 làm cao uỷ kiêm tổng tư lệnh quân đội viễn chinh Pháp ở Đông dương không phải là người dễ bị bắt nạt. Như một anh hùng thời chiến và là người tự tin, De Lattre lập tức hành động. Ông này ngay lập tức huỷ lệnh sơ tán thân nhân Pháp ra khỏi Hà nội, tập trung quân dự bị và ra lệnh cho các phi cơ ném bom napalm của Mỹ xuống Vĩnh yên. Những người lính Việt Minh lần đầu tiên chứng kiến những hiệu quả khủng khiếp của napalm đã hoảng hốt bỏ chạy. Một người trong số họ kể lại : "Sư đoàn của chúng tôi bắt đầu tấn công từ sáng. Từ xa xuất hiện 3 con chim én. Đến gần thì ra 3 chiếc máy bay. Chúng nghiêng cánh và mở ra cánh cửa địa ngục. Ngọn lửa khủng khiếp lan xa hàng trăm mét trùm lên đội hình. Lửa napalm rơi từ trên trời xuống. Một chiếc máy bay nữa cũng sà tới. Một quả bom rơi ngay sau lưng và tôi cảm thấy hơi nóng chạy khắp người. Tất cả bỏ chạy và tôi không thể ngăn họ. Lửa ăn tất cả mọi thứ xung quanh, không để bất cứ một chỗ nào cho ai trốn."

Theo báo cáo của tình báo Mỹ, khoảng 3500 đến 4000 quân Việt minh bị giết trong tổng số 10,000 quân tấn công. Pháp mất khoảng 400 lính và 1200 bị thương. Các cuộc tấn công Mạo khê và sông Đáy còn ít có hiệu quả hơn và cuối cùng Việt minh đành phải rút quân về núi. Sức ép lên Hà nội đã giảm đáng kể. De Lattre thú nhận là quyết định “ngừng di tản Hà nội” của ông ta là quyết định mò mẫm và chỉ có mục đích lấy lại tinh thần quân lính. Thay vì mở đường đến Hà nội, cuộc tiến công đã trở thành một thất bại cá nhân thảm hại cho nhà chiến lược quân sự của Hồ là Võ Nguyên Giáp. Tại hội nghị lãnh đạo đảng vào giữa tháng 4, Hồ đã đề nghị tự kiểm điểm và rút kinh nghiệm để chuẩn bị cho trận đánh mới. Các nguồn tin chính thức ngừng sử dụng khẩu hiệu: “Chuẩn bị chuyển sang tổng phản công”. Đài phát thanh của Việt Minh nhắc đi nhắc lại là chỉ đánh lớn khi chắc thắng. Hồ cũng nhấn mạnh việc phải sử dụng các kỹ năng chiến tranh du kích để trường kỳ kháng chiến. Các cố vấn Trung Quốc tỏ thái độ vô can “không phải tôi”, bằng cách báo cáo kêu ca lên thượng cấp (sau khi sự việc đã diễn ra), rằng quân Việt Minh thiếu kinh nghiệm cho những trận đánh lớn như vậy. Giáp thừa nhận khuyết điểm khi đưa quân thiếu kinh nghiệm ra đối đấu với quân đội được trang bị tốt hơn trong những trận đánh cổ điển. Chưa kể quân Việt Minh nhiều lúc còn chưa thật kiên quyết và dũng cảm.

Trung Quốc không chỉ gây ảnh hưởng đến chiến lược chiến tranh. Những cán bộ mặc áo đại cán kiểu Mao, luôn mồm khẩu hiệu cách mạng bắt đầu ồ ạt kéo vào, tư vấn cho Việt minh cách cai trị cũng như phương thức cư xử hợp lý. Mặc dù Lưu Thiếu Kỳ đã không ngừng dặn dò các đồng chí của mình trước khi đi là không được áp đặt các phương pháp Trung Quốc, không phải cán bộ nào cũng tuân theo lời khuyên đó. Các sĩ quan và cán bộ Việt Nam vốn luôn cảnh giác với những láng giềng phương Bắc của mình, tất nhiên là chẳng thích thú gì. Đáng kể nhất là phong trào “chỉnh huấn, chỉnh phong”, đào tạo lại về tư tưởng cho cán bộ, đảng viên. Những cuộc tự phê bình thường xuyên trở thành làm nhục và xúc phạm. Nhiều cán bộ Việt Minh, vốn chưa hiểu biết nhiều về Max, tham gia kháng chiến vì lòng yêu nước chứ không phải vì tư tưởng, trở thành đối tượng cho các cuộc đấu tranh giai cấp của các đồng chí ngèo hơn của mình. Georges Baoudarel, đảng viên cộng sản Pháp, hoạt động trong Việt minh lúc đó, miêu tả không khí tại một số đơn vị căng thẳng đến mức phải thu dao cạo râu và để đèn suốt đêm vì sợ số cán bộ này tự tử. Tất cả các đơn vị đều có thêm chức danh chính trị viên, trong trường hợp mâu thuẫn với chỉ huy, anh này có quyền quyết định.

Những chính sách cực đoan thân Mao này có hai hiệu quả xấu: trước mắt là mất các cán bộ ôn hoà, gây chia rẽ trong Đảng, lâu dài sự sợ hãi sẽ giết chết tính sáng tạo của các nhà văn và nghệ sĩ. Pháp cũng nhận được vô số tài liệu nói về sự mâu thuẫn giữa Việt Minh và các cố vấn Trung Quốc. Nhiều kẻ đào ngũ đã thừa nhận ảnh hưởng của chủ nghĩa Mao là nguyên nhân khiến họ rời bỏ hàng ngũ. Nhiều cán bộ trung và cao cấp bị thanh trừng theo yêu cầu của Trung Quốc. Theo một nguồn tin của Pháp, tướng Nguyễn Bình, chỉ huy quân Việt Minh tại Nam bộ đã phản ứng quyết liệt với sự can thiệp của Trung Quốc và đã bị điều ra Trung ương để “cải tạo”. Việt minh nói Bình bị quân Hoàng gia Khơ me giết tại biên giới Campuchia trên đường ra Việt bắc. Cũng có tin rằng thực ra ông này bị bắt và đã lựa chọn “chết trên chiến trường” thay vì bị xử tại hậu phương.

Mao cũng bắt đầu có ảnh hưởng tại nông thôn. Trước đây, chính sách nông nghiệp của Hồ chủ yếu tập trung vào việc giảm tô và chỉ tịch thu đất của những người cộng tác với Pháp và Bảo đại, lôi kéo tầng lớp địa chủ ủng hộ kháng chiến. Chính sách mới đặt mục đích thủ tiêu những ảnh hưởng về kinh tế và chính trị của địa chủ tại các làng, xã. Lãnh đạo Đảng như Trường Chinh cho rằng nếu không động viên được sự ủng hộ của dân nghèo, mục đích của cách mạng khó mà đạt được. Các cố vấn Trung Quốc sẵn kinh nghiệm còn nóng hổi của cuộc cải cách ở Trung Quốc cũng ép Việt Nam phải “làm việc” với các phần tử phong kiến ở làng quê một cách kiên quyết hơn.

Sự kiện quan trọng nhất đánh dấu sự dịch chuyển thiên tả của chính phủ là Đại hội II của đảng được tiến hành vào giữa tháng hai năm 1951 tại Tuyên quang. Hơn 200 đại biểu đại diện cho khoảng nửa triệu đảng viên đã về dự. Đại hội đã công khai thừa nhận sự ảnh hưởng của Trung Quốc. Trường Chinh phát biểu: Việt nam sẽ áp dụng “chuyên chính dân chủ nhân dân” của Trung Quốc chứ không phải “chuyên chính vô sản” của Nga. Việt minh, được thành lập từ năm 1941, được đổi tên thành Mặt trận Liên Việt và thừa nhận sự lãnh đạo của đảng cộng sản. Đảng CS Đông Dương cũng được đổi tên thành Đảng lao động Việt nam. Đảng thừa nhận sự khác biệt trong tình hình 3 nước đông dương và mỗi nước có thể có con đường khác nhau. Hai nước còn lại sẽ thành lập Đảng nhân dân cách mạng và sẽ lập liên minh với Đảng CS Đông Dương. Mặc dù nguồn tin của Đảng sau này nói rằng, quan điểm Liên bang Đông dương được nêu lên từ đại hội I năm 1935 bị chính thức xoá sổ tại Đại hội này, một tài liệu chính thức của Đại hội đã viết: “Sau này nếu điều kiện cho phép, 3 đảng cách mạng sẽ tập hợp thành một đảng duy nhất, đảng của Liên bang Việt-Lào-Miên”. Dấu ấn của Hồ là tương đối rõ qua việc nhấn mạnh tầm quan trọng của phản đế so với phản phong, cách mạng hai giai đoạn (dù thời gian trung chuyển có thể rất ngắn), và áp dụng tư tưởng cách mạng trong những điều kiện cụ thể của từng nước. Việc đảng được gắn tên với Việt nam cũng thể hiện quan điểm dân tộc mà Hồ theo đuổi từ giữa những năm 20. Tuy nhiên cũng khó phủ nhận là những kết quả chính của đại hội là chịu ảnh hưởng của Bắc kinh. Thuật ngữ “dân chủ mới” cũng chính là cái mà Trung Quốc áp dụng cho chính thể của mình. Đưa Đảng ra công khai và chấp nhận chuyển từ cách mạng dân tộc sang cách mạng XHCN hiển nhiên là để giải toả những nghi ngờ của Trung Quốc và L.Xô về màu sắc Max của cuộc đấu tranh của nhân dân Việt nam.

Tất nhiên là ít người ở Việt Nam hiểu Mao và các đồng chí của ông ta hơn Hồ Chí Minh. Hồ cần sự ủng hộ của Trung Quốc để có thể hoàn thành sự nghiệp cách mạng của mình. Nhưng Hồ cũng thừa hiểu là những kỹ thuật kiểu tập trung quyền lực của đảng, cải tạo tư tưởng và đàn áp tàn bạo các phần tử chống đối chưa chắc đã thành công dưới ánh nắng mặt trời của Đông dương thuộc Pháp. Linh tính chắc chắn cũng mách bảo Hồ chống lại những chính sách có thể đẩy hàng loạt cán bộ nòng cốt của Việt Minh sang tay kẻ thù. Giới quan sát bấy giờ hiển nhiên không bỏ qua những lo lắng của Hồ. Tin đồn lan nhanh là mặc dù vẫn được bầu là chủ tịch Đảng, đại hội đánh dấu sự thất bại của Hồ và ảnh hưởng của ông đối với cách mạng Việt Nam. Một báo Sài gòn còn đưa tin là Giáp đã ra lệnh thủ tiêu Hồ. Ban chấp hành TƯ có 29 thành viên (chủ yếu là thành viên cũ từ trước Chiến tranh Thế Giới II). Bắt chước mô hình L.xô, đại hội bầu ra Bộ chính trị gồm 7 thành viên và một thành viên dự khuyết. Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp và Hồ Chí Minh được coi là “Tứ trụ” của Đảng. Báo Nhân dân ra tháng 3 đã đăng tiểu sử sơ bộ của các cán bộ và gọi Chinh là kiến trúc sư , còn Hồ là linh hồn của cách mạng Việt nam.

Sau thất bại tại chiến dịch đồng bằng sông Hồng của Giáp, tình hình chiến trường trở nên giằng co. Đến năm 1951 thì các trận đánh chỉ chủ yếu ở phía Bắc. Tại miền Nam, sau cuộc tiến công dở chừng mùa hè 1950, Việt minh thay đổi chiến thuật. Lợi dụng điều kiện kinh tế khó khăn, Nguyễn Bình tổ chức những cuộc biểu tình lớn chống chiến tranh tại Sài gòn còn được gọi là “Những ngày đỏ”. Tuy nhiên nhiều thành phần ôn hoà đã không tham dự vì những bạo lực thái quá của đoàn biểu tình. Thủ tướng mới của Bảo đại là Nguyễn Văn Tâm vốn có biệt danh là “hổ Mái Lai” khi còn phụ trách cảnh sát, đã đàn áp dữ dội. Đến tháng 8 thì có thể nói bộ máy Việt Minh tại Sài gòn đã bị tan rã. Ban Chấp Hành Trung ương Mặt Trận liên Việt - VWP quyết định thành lập TƯ Cục miền Nam (COSVN) để chỉ đạo cuộc chiến. Giáp và các đồng chí của mình cũng bắt đầu gây sức ép ở Lào, Campuchia và vùng miền núi Tây bắc, kéo căng lực lượng Pháp để tìm điểm tiến công. Hoà Bình là một thị xã phía Nam châu thổ sông Hồng và quân Pháp tin rằng đây là điểm nối giữa Việt bắc và các vùng phía nam cung cấp quân lương cho trung ương. Hồ đã từng nói: “Những cánh đồng lúa chính là chiến trường”. Các đơn vị Pháp đã chiếm Hoà bình tháng 11/1951 và ngay lập tức chịu sự tấn công ác liệt của Việt minh. Nhà sử học Bernard Fall đã gọi đây là những cái “cối xay thịt”. Tháng 2/1952 quân Phâp bắt đầu rút lui. Trong khi trận đánh đang diễn ra, De Lattre phải về Pháp chữa bệnh và đã chết vì ung thư vào tháng Giêng. Bao nhiêu lạc quan gắn với sự năng động của viên tướng này tan biến. Đại sứ quán Mỹ ở Sài gòn thông báo, các phần tử dân tộc càng ngày càng tin rằng Việt minh sẽ chiếm Hà nội vào mùa hè. Chuỗi lô cốt phòng thủ được xây theo lệnh của De Lattre nhanh chóng trở thành phòng tuyến Maginot. Việt Minh hoặc là đi vòng qua hoặc chiếm từng cái một. Cuối năm 1952, các đơn vị Việt minh đã có thể di chuyển tự do trên những cánh đồng xung quanh Hà nội. Hơn một nửa số làng tại châu thổ đã có chính quyền kháng chiến.

Cũng mùa thu năm đó, Việt Minh mở mặt trận sâu trong vùng Tây bắc, nơi có những thung lũng hẹp lọt thỏm trong những dãy núi trập trùng. Pháp đã chiếm vùng này từ những ngày đầu cuộc chiến. Kế hoạch của Việt Minh được hình thành từ mùa xuân, do các chuyên gia Trung quốc đề xuất, nhằm mục tiêu tạo thế để đánh vào Thượng Lào. Tháng 9, Hồ Chí Minh bí mật đi Bắc kinh để tư vấn với Trung Quốc và đi Matxcova dự Đại hội 19 đảng CS Liên xô. Kế hoạch tấn công Nghĩa lộ được phê duyệt vào cuối tháng 9. Hồ quay về Việt nam vào tháng 12. Giữa tháng 10, 3 sư đoàn Việt Minh tấn công Nghĩa lộ. Quân Pháp bỏ luôn Sơn la và lùi về cố thủ tại Nà sản và Lai châu. Việt Minh tập trung tấn công Nà sản nhưng chịu thất bại nặng nề và bỏ cuộc. Đầu năm sau, Việt Minh tiến sang Bắc Lào, giải phóng Sầm nưa và uy hiếp Luang Prabang, tiếp tục kéo dãn quân Pháp rồi quay về Việt bắc.

Từ năm 1947, trong suốt thời gian kháng chiến, hành tung của Hồ tỏ ra khá bí ẩn đối với thế giới bên ngoài. Một số tin rằng Hồ đã chết vì những bệnh kinh niên mắc từ trước đó. Có kẻ lại đồn Hồ đã bị đưa đi đày ở Trung Quốc vì chống lại sự ảnh hưởng của Quân giải phóng nd Trung Quốc -PLA . Mãi đến tháng 7/1952, mật thám Pháp mới tin là Hồ vẫn còn sống qua tấm ảnh của báo Humanite. Cuối cùng tháng 3/1953, phóng viên tờ Daily Worker là Joseph Starobin đã gặp và phỏng vấn Hồ tại một địa điểm bí mật và thông báo cho toàn thế giới biết.

Trong vùng giải phóng, ngược lại, người ta thấy Hồ ở khắp nơi. Trên chốt tiền tiêu, trên cánh đồng, trong các cuộc họp... Hồ không mệt mỏi động viên khích lệ nhân dân hy sinh để kháng chiến. Mặc dù đã trên 60, mỗi ngày Hồ đều có thể đi bộ được hơn 30 dặm đường rừng. Theo thông tin của một số kẻ đào ngũ thì tinh thần trong khu giải phóng có vẻ đi xuống. Việt minh bắt buộc phải đưa ra chế độ lao động công cộng cưỡng bức. Trí thức thì bất mãn vì những đợt tự phê bình và tẩy não, thuế cao và bom đạn thường xuyên của Pháp cũng làm cho dân nơm nớp lo sợ. Tuy đa số cơ chấp nhận tất cả những khó khăn đó như cái giá phải trả để giành lại độc lập từ Pháp, chiến tranh kéo dài ngốn rất nhiều nhân lực và vật lực. Trong khi các cơ sở ở thành phố hầu như không còn hoạt động. Đảng quyết định phải giành lại dân nghèo nông thôn.

Tháng 3/1953, học tập kinh nghiệm Trung Quốc trong cao trào của cuộc nội chiến, Việt Minh ra nghị quyết cải cách ruộng đất: giảm tô và tịch thu ruộng đất của những địa chủ bất hợp tác. Các toà án xã, do những nông dân quá khích lập ra, tổ chức đấu tố và phân phối lại ruộng đất. Trong một số trường hợp, kẻ bị kết tội “phản bội” nhân dân bị thủ tiêu ngay tại chỗ. Dương Văn Mai Elliott đã miêu tả lại bi kịch của chính gia đình mình:

Họ tổ chức các phiên toà kiểu Kangaroo, khéo léo ngụy trang dưới cái gọi là “nguyện vọng của dân”. Chừng một chục những kẻ nghèo nhất, chịu đựng nhiều nhất, căm thù địa chủ nhất được chọn sẵn và huấn luyện trước những điều cần phải tố cáo trước toà. Trong lúc đó, đám đông đứng sau kích động “đả đảo bọn địa chủ”... để tăng không khí thù địch. Nếu bị kết tội chết, địa chủ sẽ bị xử ngay tại chỗ, nếu không sẽ bị dẫn đi. Toàn bộ tài sản, ruộng đất, nhà cửa, đồ đạc, công cụ sẽ bị tịch thu và chia lại cho những người
nghèo.


Đảng hy vọng là sẽ kéo được nhiều nông dân nghèo tham gia vào kháng chiến thông qua những chính sách như vậy. Đài Việt Minh suốt ngày trích đọc bức thư của một bà lão nông dân gửi Hồ: “Trước đây, tôi và các con không có cơm ăn, áo mặc... từ cuối năm 1952, nông dân đã vùng lên chống lại bọn địa chủ bẩn thỉu. Chúng tôi không bao giờ quên ơn cụ”. Tuy nhiên, đối với một số đồng chí quân sự cực đoan, có vẻ các biện pháp mạnh vẫn chưa đủ để cho dân nghèo không ruộng đất (khoảng 15% dân số) ra trận. Tháng 11/1953, tại Hội nghị Nông nghiệp toàn quốc, Trường Chinh đã đề xuất luật cải cách mới, thực chất là tịch thu tài sản và ruộng đất của toàn bộ giai cấp địa chủ. Chắc chắn là Hồ sẽ chống lại tất cả những biện pháp nào quá cứng rắn làm mất sự ủng hộ của kháng chiến của những người ôn hoà. Nhưng nhu cầu cấp bách về nhân lực tham gia kháng chiến đã thắng. Tại kỳ họp quốc hội kháng chiến vài tuần sau Hội nghị nông nghiệp, Hồ phát biểu:" chính phủ đã quá nuông chiều địa chủ mà quên mất quyền lợi của nông dân nghèo". Luật cải cách mới được thông qua quy định ngặt nghèo về giảm tô cũng như tịch thu của cải của tất cả địa chủ. Những địa chủ được coi là tiến bộ sẽ được bồi thường bằng trái phiếu chính phủ. Những kẻ được coi là bóc lột sẽ bị trừng phạt. Lần đầu tiên từ sau Xô viết Nghệ - Tĩnh, Đảng quyết định phát động đấu tranh giai cấp ở nông thôn, quyết tâm tiêu diệt giai cấp phong kiến, hòng giành sự ủng hộ của nông dân

Tháng Giêng 1953, tổng thống thứ 34 của Mỹ Dwight D. Eisenhower tuyên thệ nhậm chức. Ông này thắng cử trên cương lĩnh “giải thoát khỏi chủ nghĩa cộng sản” cho rằng đảng Dân chủ nhu nhược dẫn đến mất Trung Quốc và giằng co ở Triều tiên. Tuy nhiên Eisenhower không quan tâm nhiều đến Đông dương, chỉ nhắc đến đôi chút trong thông điệp Liên bang, cho rằng chiến tranh Triều tiên “là một phần của cuộc xâm lăng đã được tính toán của kẻ thù mà hiện cũng đang gây sức ép tại Đông dương, Malaixia và quần đảo Formosa”. Khi gặp thủ tướng Pháp là Rene Mayer cuối tháng 3, Eisenhower chỉ đồng ý tăng viện trợ nếu Pháp quyết tâm giành thắng lợi toàn diện cuối cùng.

Về phía Pháp, sau khi tướng Salan thay de Tassigni, hy vọng vào thắng lợi quân sự đã tan biến. Pháp cần viện trợ Mỹ để cải thiện tình hình chiến trường trước khi bước vào đàm phán. Nhiệm vụ thuyết phục Washington được giao cho Henry Navarre, nguyên tham mưu trưởng quân đội Pháp ở NATO, mới được bổ nhiệm làm chỉ huy quân viễn chinh tại Đông dương. Việc đầu tiên ông này làm là vạch ra một kế hoạch đầy tham vọng (Kế hoạch Navarre) nhằm giành lại thế chủ động trên chiến trường tại Đông dương. Mỹ thì luôn nghi ngờ và Navarre bị cho là quá cẩn thận và thậm chí không quyết đoán. Đầu tháng 8/1953 tạp chí Life đăng bài phê phán kịch liệt những nỗ lực của Pháp và kết luận:" cuộc chiến coi như là tàn". Tuy nhiên Mỹ cũng chẳng có nhiều cửa để lựa chọn và Eisenhower đã ký hiệp định viện trợ cho quân viễn chinh Pháp FEF tháng 9/1953. Tại Paris , cũng không có nhiều người ủng hộ Navarre. Dân chúng thì la ó, cho rằng chính phủ đã đổi máu Pháp lấy đô la Mỹ. Bản thân chính phủ cũng từ chối chuyển 11 tiểu đoàn từ châu Âu sang Đông dương theo yêu cầu của Navarre.

Tháng 11/1953, Navarre cho quân nhảy dù chiếm lại Điện Biên Phủ làm bàn đạp chống lại các cuộc tấn công của Việt minh vào Thượng Lào và Luangprabang. Tin này đến đúng lúc các tướng Việt minh đang chuẩn bị trình bản kế hoạch tấn công Lai châu, cách Điện Biên Phủ 30 dặm về phía Bắc. Trước đó, hồi đầu năm, các nhà hoạch định chính sách của Đảng đã yêu cầu giới quân sự tìm kiếm những điểm yếu trong tuyến phòng ngự của Pháp tại Lào, Campuchia và Tây bắc. Giáp cũng đã từng đề xuất tấn công tại vùng châu thổ nhưng đã bị các cố vấn Trung Quốc được Hồ Chí MInh ủng hộ, gạt đi. Cú mạo hiểm của Navarre mở ra cơ hội cho Việt MInh tái chiếm Điện Biên Phủ sẽ trực tiếp tác động đến tinh thấn quân Pháp, tạo tiền đề cho những cuộc tấn công khác. Mặt khác Việt Minh sẽ lần đầu tiên bị đặt vào thế phải tấn công trực diện một cứ điểm cố thủ của quân Pháp. Ngày 6/12, được những cố vấn Trung Quốc khích lệ, lãnh đạo Việt minh quyết định chuyển hướng tấn công sang Điện Biên Phủ. Ba sư đoàn mới được thành lập được chuyển đến trận địa, trong khi các đơn vị khác tấn công nghi binh ở Bắc Lào, kéo dãn quân Pháp.

Tại sao các lãnh đạo Trung Quốc lại khuyến khích đồng minh của mình nhảy vào một trận đánh hứa hẹn sẽ là một cuộc đụng độ lớn? Mặc dù Trung Quốc có những lợi ích riêng của mình như bảo vệ vùng biên giới phía nam, cuộc chiến ở Điện Biên Phủ chắc chắn sẽ đòi hỏi một khối lượng viện trợ quân sự lớn cả về chất lẫn về lượng. Và chưa rõ liệu pháo binh Việt Minh có thể hạn chế hoặc cắt hẳn đường tiếp tế không vận của Pháp? Trong bối cảnh quốc tế lúc đó, có vẻ như Trung Quốc đang thay đổi quan điểm. Tiếp theo hiệp định ngừng bắn tại Triều tiên tháng 7/1953, giới lãnh đạo không muốn đẩy cao căng thẳng với phương Tây, dành nguồn lực cho kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế. Mao có vẻ như lờ đi dự báo của chính mình về cuộc chiến tranh tất yếu với chủ nghĩa đế quốc. Đến tháng 10, Chu Ân Lai đã phát biểu với đoàn đại biểu India những ý tưởng đầu tiên của “5 nguyên tắc chung sống hoà bình” sau này. Ngoại trưởng Hoa kỳ, John Foster Dulles cũng đã tỏ ra mềm mỏng khi đề nghị đàm phán để giải quyết vấn đề Đông dương trong phát biểu trước American Legion vào tháng 9. L.Xô cũng sốt sắng, thủ tướng mới lên hồi tháng 3 Malenkov đề nghị triệu tập hội nghị 5 cường quốc để giảm căng thẳng quốc tế. Trung Quốc đồng ý ngay. Có vẻ như Trung Quốc quyết định đánh bạc. Chiến thắng của Việt minh tại Điện Biên Phủ có thể sẽ đẩy cao căng thẳng, dẫn đến nguy cơ Mỹ can thiệp trực tiếp. Mặt khác, chiến thắng cũng sẽ kích động phong trào phản chiến tại Pháp, đặt tiền đề cho đàm phán hoà bình theo những điều kiện có lợi cho Việt minh và Trung quốc.

Hồ Chí Minh và các đồng chí của mình phản ứng thận trọng trước thái độ của các nước lớn. Hồi đầu kháng chiến, khi Việt Minh rõ ràng là yếu hơn rất nhiều so với quân Pháp, Hồ luôn luôn kêu gọi đàm phán.Khi đã rõ ràng là Pháp không thể giành chiến thắng quân sự, các lãnh đạo Việt Minh tỏ ra không mấy mặn mà với hoà giải. Tháng 3/1950, khi nói chuyện với đảng viên Pháp Leo Figueres, Hồ nhấn mạnh “lãnh đạo Đảng tìm kiếm những giải pháp chính trị nhưng chắc chắn sẽ không thoả hiệp”. Trường Chinh còn quyết liệt hơn, phát biểu trong dịp kỷ niệm thành lập VNDCCH năm đó, ông này cho rằng: “Cần phải đả phá những tư tưởng thoả hiệp về việc đàm phán hoà bình với kẻ thù”. Cuối năm 1952, VNDCCH lờ đi những tín hiệu hoà giải của Paris. Đến tận tháng 9/1953, hãng TASS còn dẫn lời Hồ cho rằng hoà bình chỉ có thể đạt được bằng thắng lợi hoàn toàn.

Vậy mà, mấy tuần sau, lãnh đạo Đảng đã thay đổi thái độ, chuyển sang đồng tình với L.Xô và Trung Quốc. Hồ trả lời phỏng vấn tạp chí Expresen là chính phủ của mình sẵn sàng tham gia hội nghị quốc tế về hoà bình và sẽ xem xét các đề nghị của Pháp. Theo các nhà ngoại giao Mỹ ở Sài gòn, sự thay đổi đột ngột này làm cho những phần tử dân tộc không cộng sản ở Sài gòn hết sức “lúng túng, thậm chí sợ hãi”.

Tại hội nghị Berlin đầu năm 1954, các cường quốc đã quyết định triệu tập Hội nghị hoà bình Geneva vào tháng 4, và mặc dù Eisenhower không thích, chương trình nghị sự bao gồm cả vấn đề Đông dương. Tháng 3, phái đoàn Việt nam sang Bắc kinh để tham khảo ý kiến. Ngay sau đó, Hồ đích thân đi Bắc Kinh và Matxcova để thảo luận chiến lược thương thuyết chung. Từ kinh nghiệm đàm phán về Triều tiên, Trung Quốc cảnh báo các đồng chí Việt nam phải “thực tế” trong những đòi hỏi của mình.

Hai ngày sau khi hội nghị Geneva được công bố, mật thám Pháp phát hiện các đơn vị Việt minh ở Thượng lào đang tiến về Điện biên phủ. Đến đầu tháng 3 thì Pháp đã không còn nghi ngờ gì về một trận đánh lớn sẽ xảy ra ở đây. Để có thể những điều kiện thuận lợi trên bàn đàm phán, viện trợ quân sự của Trung Quốc được đổ vào ào ạt trong vài tháng. Khoảng 200 xe tải, 10000 thùng dầu, 1700 tấn lương thực, 3000 khẩu súng, 60,000 viên đạn đại bác. (Theo một nguồn tin khác từ Trung Quốc, trong suốt giai đoạn 1951-1954, Trung Quốc đã đổ vào Việt nam 116.000 khẩu súng bộ binh, 4.630 khẩu đại bác, trang bị cho 5 sư đoàn bộ binh, một sư đoàn công binh, một trung đoàn phòng không, một trung đoàn cận vệ). Chu Ân Lai gửi thư cho các cố vấn Trung Quốc: “Chúng ta phải có những chiến thắng ấn tượng trước khi bước vào đàm phán, tương tự như ở Triều tiên”. Hồ Chí Minh cũng ra lời kêu gọi: “Đây là chiến dịch quan trọng không những về quân sự mà còn về chính trị, không những ảnh hưởng trong nước mà còn tác động đến tình hình thế giới. Toàn đảng, toàn quân, toàn dân phải đoàn kết dành thắng lợi cuối cùng”.

Để chống lại 16.000 quân Pháp tại Điện Biên Phủ, Việt minh đã tập hợp được 33 tiểu đoàn gồm khoảng 50.000 quân, chiếm lĩnh các sườn núi bao quanh thung lũng. Việt minh còn có lực lượng hậu cần 55.000 người và gần 100.000 dân công. Lực lượng dân công này chủ yếu là nữ từ các tỉnh miền Trung , vượt qua vùng đồng bằng sông Hồng. Mỗi người mang khoảng 30 pounds lội bộ 10 dặm mỗi đêm trên các con đường rừng. Hàng hoá chủ yếu là lương thực và đạn được. Ngoài ra còn có các khẩu pháo lớn do Nga viện trợ, được tháo ra và khênh tay về từ biên giới cách đó hơn 200 dặm.

Trong giai đoạn thăm dò, Việt Minh áp dụng chính sách “biển người” của Trung Quốc và chịu thương vong rất lớn. Cuối tháng Giêng, bộ tư lệnh Việt minh sau khi tham khảo với Bắc Kinh, đã quyết định chuyển sang chiến thuật “đánh chắc, thắng chắc”. Quân Việt Minh đào hàng trăm km giao thông hào tiến từ từ nhưng vững chắc bao vây các cứ điểm Pháp. Trên những sườn đồi bao quanh thung lũng, các khẩu sơn pháo được tháo và vận chuyển bằng tay từ biên giới, có thể di chuyển theo các đường hầm dần dần kiểm soát hoàn toàn sân bay. Các đồ tiếp tế Pháp được thả dù bay lung tung cả sang bên Việt minh, đa số quân tăng viện chết trước khi tiếp đất. Giữa tháng 3, Pháp quay sang kêu cứu Mỹ. Tướng Paul Ely bay đi Washington đề nghị Mỹ tăng cường khẩn cấp hỏa lực không quân. Tham mưu trưởng liên quân, đô đốc Arthur Radford và phó tổng thống Nixon tỏ vẻ ủng hộ ý tưởng này của Pháp. Tuy nhiên tổng thống Eisenhower, đã quá ngán ngẩm vì tình trạng giằng co trong cuộc chiến Triều tiên, không muốn tham chiến một mình Ông này đòi hỏi tìm kiếm liên minh quốc tế và đặt điều kiện Pháp phải trao trả lại độc lập cho 3 nước Đông dương. Ngoại trưởng Dulles được phái sang London và Paris, nhưng chẳng nơi nào chấp nhận các điều kiện của Mỹ.

Đầu tháng Năm, quân Việt minh đã tiến sát những căn cứ cuối cùng. Theo nguồn tin Trung quốc, các nhà hoạch định chiến lược Việt nam không dám mở trận tấn công cuối cùng vì sợ Mỹ can thiệp và thương vong quá lớn, phải nhờ Bắc kinh động viên họ mới dám quyết định tấn công vào ngày 6/5. Ngày 7/5, tướng Giáp miêu tả “quân ta tấn công từ mọi hướng, chiếm chỉ huy sở và bắt sống toàn bộ quân Pháp tại Điện biên phủ”. Pháp đã thất bại toàn diện, 1500 quân chết, 4000 bị thương, còn lại bị bắt sống, chỉ có 70 lính Pháp chạy thoát. Việt minh mất khoảng 25,000 người, trong đó 10,000 trực tiếp trong các trận đánh.

Một ngày sau Điện biên phủ thất thủ, hội nghị hòa bình về Đông dương được khai mạc tại Geneva với sự tham gia của Pháp, VNDCCH, Anh, Liên xô, Trung quốc, Mỹ, đại diện của chính phủ Bảo đại và chính quyền Hoàng gia Lào, Campuchia. Lãnh đạo đoàn VNDCCH, được Hồ Chí Minh cảnh báo là sẽ không có đàm phán dễ dàng, có vẻ hơi run, tuy nhiên họ cũng cảm thấy đây là cơ hội cho “bước ngoặt của cuộc đấu tranh thống nhất đất nước”

Đoàn Pháp mở đầu hội nghị kêu gọi thỏa thuận và tập kết quân đội hai bên tại những địa điểm do ủy ban quốc tế kiểm soát. Cũng như năm 1946, Phạm Văn Đồng cầm đầu đoàn Việt nam. Đồng chấp nhận ngừng bắn trước khi có một giải pháp chính trị. Nhưng Bộ chính trị đòi hỏi hơn thế. Đồng yêu cầu công nhận chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của 3 nước Đông dương, rút hết quân Pháp và tiến hành bầu cử tự do. Việt minh còn đòi hỏi các lực lượng kháng chiến là Pathet Lào và Khơ me đỏ cũng phải được tham gia hội nghị.Như một cử chỉ hữu nghị, Đồng nhất trí xem xét về khả năng tham gia khối liên hiệp Pháp trên cơ sở tự nguyện và xác nhận các quyền lợi kinh tế và chính trị của Pháp tại 3 nước Đông dương.

Người Pháp không có nhiều thế để đàm phán. Các nguồn tin tình báo cho rằng Hà nội sẽ thất thủ. Người Mỹ cũng bi quan, tại hội nghị của Hội đồng An ninh quốc gia, giám đốc CIA Allen Dulles cho rằng Việt minh có thể dùng 5000 xe quân sự để chở quân từ Điện biên phủ về Hà nội trong 2 đến 3 tuần. Tuy nhiên Việt minh lại có vấn đề với các đồng minh của mình. Mặc dù đã họp trước để thống nhất chiến lược đàm phán, cả L.Xô và Trung quốc đều cho thấy sẽ không ủng hộ vô điều kiện những đòi hỏi của Việt minh cũng như không muốn tài trợ để Việt minh tiếp tục cuộc chiến. Cả hai đều lo ngại sẽ dây vào việc đối đầu với Mỹ. Chu Ân Lai và Molotov thống nhất với nhau là nên chia Việt nam thành 2 vùng, một do Việt Minh kiểm soát, vùng kia cho quân của Bảo đại và những nhà tài trợ.

Chu cũng đề nghị không mời Pathet Lào và Khơ me đỏ, khuyến cáo Việt minh nên chấp nhận chính phủ Hoàng gia trung lập tại những nước này. Để thuyết phục Đồng đồng ý, Chu thỏa hiệp cho Pathet Lào cũng được tập kết cùng với Việt minh. Nhiều năm sau này, Việt nam cho rằng Trung quốc cố tình thiết kế để lùa Lào và Campuchia vào vòng ảnh hưởng của mình. Mặc dù không có bằng chứng cụ thể nào, cũng có thể đoán được là Trung quốc chẳng thích có một liên bang Đông dương. Tuy nhiên, nhiều khả năng, mong muốn chính của Chu lúc đó là đề phòng đàm phán đổ vỡ và Mỹ có thể thành lập các căn cứ quân sự tại Lào và Campuchia. Được L.Xô ủng hộ, Chu thuyết phục được Đồng gật đầu dù là miễn cưỡng.

Xong việc Lào, Campuchia, tất cả quay ra mổ xẻ những chi tiết liên quan đến Việt nam. Trong cuộc đàm phán quân sự riêng với Pháp, Việt minh muốn vùng tập kết của mình phải ít nhất bao gồm toàn bộ châu thổ sông Hồng và Hà nội, Hải phòng. Pháp thì không muốn mất Hà nội nhưng biết cũng chẳng thể nào giữ được đành tìm cách đổi chác lấy quyền kiểm soát ở miền Nam và thời gian để di tản khỏi Bắc bộ. Còn lại việc lớn là xác định đường ranh giới tập kết và làm thế nào có thể kiểm soát việc thực thi hiệp định. Việt minh muốn vĩ tuyến 13, Pháp thì muốn đẩy lên sát với Bắc bộ. Việt minh chỉ muốn các bên tự dàn xếp, Pháp (được Mỹ thầy dùi) thì muốn có ủy ban kiểm soát quốc tế dưới danh nghĩa Liên hợp quốc.

Khi Việt Minh và Pháp đang tranh luận câu chữ thì Chu Ân Lai bay về Bắc kinh để tư vấn Mao và chính phủ. Trên đường đi, Chu ghé thăm Nehru. Ông này đang cảm giác bất ổn khi thấy khả năng cả Đông dương sẽ rơi vào tay cộng sản và như thế sẽ chịu ảnh hưởng của Bắc kinh. Chu phải thuyết phục Nehru là Lào, Campuchia sẽ trung lập, còn Việt nam sẽ chia làm 2 miền, và chủ nghĩa cộng sản không phải là thứ để “xuất khẩu”. Cuối cùng cả hai nhất trí ủng hộ 5 nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình là cơ sở cho các quan hệ quốc tế ở châu Á và thế giới. Chu còn dừng lại ở Rangoon để gặp thủ tướng Myanma U Nu, rồi bay thẳng đến Lưu châu gặp Hồ và Giáp tại trụ sở cũ của tướng Trương Phát Khuê. Chu thuyết phục được Hồ nhượng bộ tại Geneva để tránh việc Mỹ can thiệp trực tiếp. Hai bên thống nhất chọn vĩ tuyến 16 và chấp nhận chế độ trung lập ở Lào, Campuchia nếu có vùng tập kết riêng cho Pathet Lào. Đổi lại Chu cam kết sẽ viện trợ thương mại và kinh tế cho VNDCCH thông qua hiệp định ký ngày 7/7. Các nguồn chính thức của Việt nam đưa tin rất hai mặt. Báo Nhân dân viết: “hòa bình ở Đông dương không thể chỉ do một bên quyết định”

Sau khi báo cáo tình hình tại Bắc kinh, Chu quay trở về Geneva để thống nhất chi tiết. Khó khăn nhất vẫn là đường giới tuyến. Phương án cuối cùng là vĩ tuyến 17. Để thuyết phục Đồng, Chu đã phải dỗ dành, cần phải giữ thể diện cho thủ tướng Pháp Mendes, còn “khi quân Pháp rút hết, toàn bộ Việt nam là của các đồng chí”. Hiệp định cuối cùng được ký ngày 21/7. Hiệp định sẽ do ủy ban quốc tế gồm Ba lan, Ấn độ, Canada giám sát. Ngoài ra còn có Tuyên bố chính trị kêu gọi hợp tác giữa chính phủ hai miền và tiến tới tổng tuyển cử thống nhất đất nước sau 2 năm.

Ngay sau lễ ký kết, đã có nhiều việc diễn tiến không thuận lợi cho Hồ và các đồng chí. Mỹ không chấp nhận những điều khoản của hiệp định và Tuyên bố chính trị, sợ rằng nếu tổng tuyển cử sẽ dẫn đến khả năng cộng sản thắng lợi hoàn toàn. Bảo đại cũng không nhất trí, viện cớ việc chia cắt đất nước đi ngược với ý nguyện của nhân dân. Vài ngày sau khi hội nghị kết thúc, ngoại trưởng Mỹ Dulles họp báo tuyên bố Mỹ ủng hộ việc xây dựng các quốc gia không cộng sản tại Nam Việt nam, Lào và Campuchia. Nhiều thành viên của phái đoàn Việt nam cũng hậm hực vì cho rằng các đồng minh Nga, Trung đã phản bội họ nếu không thì đã có thể “một phát thống nhất ngay đất nước”. Tâm trạng này lan rộng cả ở trong nước, đến nỗi Hồ phải viết trong báo cáo chính trị cho trung ương: "Một số đồng chí, đang say chiến thắng, muốn đánh nhau bằng mọi giá, đến cùng. Họ không thấy cây mà không thấy rừng. Thấy Pháp rút quân mà không thấy Mỹ đang đến. Họ chỉ biết quân sự mà coi nhẹ ngoại giao. Họ không biết rằng muốn đạt được mục đích, chúng ta phải chiến đấu cả trên chiến trường và trên bàn hội nghị. "

Hồ cho rằng, cuộc kháng chiến của cả 3 dân tộc đã đạt được những thành tựu đáng kể. Bây giờ là lúc phải thay đổi chiến lược vì Mỹ đang tìm cách phá hiệp định và tìm cớ để can thiệp. Khẩu hiệu “kháng chiến đến cùng” phải được thay bằng “hòa bình, thống nhất, độc lập và dân chủ” để cô lập Mỹ (đang trở thành kẻ thù chính của các nước Đông dương) trên trường quốc tế. Hồ thừa nhận rằng, chia cắt đất nước là cái giá phải trả để đổi lấy hòa bình, nhưng cho rằng vùng tập kết chỉ là tạm thời:"Vì phải phi quân sự và thay đổi miền, một số vùng tự do sẽ lại rơi vào tay giặc. Nhân dân ở đấy sẽ bất mãn, một số sẽ thất vọng và theo kẻ thù. Chúng ta phải nói với nhân dân rằng, những thử thách mà họ đang phải gánh chịu là vì lợi ích chung lâu dài của đất nước. Đến vinh quang cuối cùng, cả dân tộc sẽ biết ơn họ".

Việc chấp nhận thỏa hiệp đương nhiên là có ảnh hưởng của Chu qua cuộc hội kiến ở Lưu châu. Tuy nhiên nó cũng thống nhất với những gì Hồ đã thể hiện trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh Thái bình dương. Hồ hiểu rằng, độc lập và thống nhất của Việt nam không thể thực hiện riêng rẽ mà phải xét đến những thay đổi phức tạp đang diễn ra trên trường quốc tế.

(Sưu tầm) từ lichsuvn.info
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top