Cuộc sống hiện đại với những âm thanh náo nhiệt đôi khi làm ta vô tình quên đi việc lắng nghe những tiếng thì thầm trong cuộc sống

Vui Học Văn

Cộng tác viên
Đề bài: Cuộc sống hiện đại với những âm thanh náo nhiệt đôi khi làm ta vô tình quên đi việc lắng nghe những tiếng thì thầm trong cuộc sống.
Anh (Chị) hãy viết bài văn trình bày quan điểm của bản thân về vấn đề trên.

Bài làm đạt giải học sinh giỏi văn

Trong cuốn sách “Nếu biết trăm năm là hữu hạn”, Phạm Lữ n từng nhắn gửi độc giả thông điệp “Đừng để mình cứ mãi xoay theo những tiếng ồn ào khác. Hãy lắng nghe tiếng thì thầm của trái tim”. Lời nhắn gửi ấy có giá trị đặc biệt trong cuộc sống hiện đại ngày nay khi con người đang chạy theo những giá trị nhất thời, quên đi cách cảm nhận và tận hưởng cuộc sống. Ít ai nhận thức được về việc đôi khi con người phải học cách để tâm hồn tĩnh lại và lắng nghe nhiều hơn. Giống như có người đã từng nói “Cuộc sống hiện đại với những âm thanh náo nhiệt đôi khi làm ta vô tình quên đi việc lắng nghe những tiếng thì thầm trong cuộc sống”.

Nếu hiểu một cách đơn giản “âm thanh náo nhiệt” là những âm thanh hiện đại đang vây quanh chúng ta một cách không ngừng nghỉ: tiếng nhạc ồn ào, tiếng xe cộ, tiếng nói huyên náo trên các phương tiện truyền thông đến tiếng chuông điện thoại di động,...Tuy nhiên hàm ý mà câu nói muốn đề cập tới ở đây là sự náo nhiệt và bận rộn của cuộc sống hiện đại. Bước sang tuổi trưởng thành, mỗi người đều phải từ giã thế giới tuổi thơ của bản thân mình - nơi mà “điều khó nhất phải làm là quyết định xem bây giờ sẽ chơi trò gì” - để bước vào một thế giới mới đầy rẫy những khó khăn cám dỗ. Con người bị quấn vào nhịp sống xô bồ, việc khẳng định bản thân, chạy theo bộn bề của công việc mà quên đi “lắng nghe tiếng thì thầm của cuộc sống”. “Lắng nghe” ở đây chính là sự cảm nhận và thấu hiểu một cách sâu sắc bằng trái tim. “Những tiếng thì thầm của cuộc sống” là những âm thanh nhỏ bé nhưng ý nghĩa, không phải lúc nào cũng được chú ý và thường bị lãng quên hoặc bỏ qua. Tiếng thì thầm đó có thể là tiếng lòng của bản thân mỗi người hoặc tiếng thở dài khe khẽ của những người xung quanh, nỗi niềm mong mỏi của những người cha mẹ đang ngóng chờ đứa con của mình trở về,... Đó còn là những âm thanh, vẻ đẹp đến từ thiên nhiên vạn vật. Quả thật, giữa sự hối hả của cuộc sống hiện đại, con người đang vô tình đánh mất đi những điều kì diệu mà cuộc sống mang đến.

Cuộc sống không phải là một tấm thảm trải đầy hoa hồng để con người dễ dàng bước qua. Như con chim nhỏ bé ngoài kia trước khi sải cánh bay vào bầu trời bao la cũng phải tự mình tách ra khỏi lớp vỏ trứng, hạt mầm kia trước khi trở thành cây đại thụ cũng phải chịu vùi mình dưới lớp đất đen, đối chọi với mưa sa bão táp. Và con người cũng vậy, nếu muốn bước trên tấm thảm trải đầy hoa hồng của thành công, hạnh phúc cũng phải chịu đau đớn do gai hoa cào xé. Đặc biệt trong xã hội ngày hôm nay, nhu cầu khẳng định bản thân, vươn tới thành công của mỗi người lại trở nên bức thiết hơn bao giờ hết. Ai cũng muốn được mọi người công nhận, chúng ta đương đầu với những khó khăn, không ngại thử thách, mạo hiểm xông pha. Con người ta sợ rằng nếu mình dừng lại thì sẽ bị mọi người bỏ lại phía sau. Và thế là chúng ta dành hết tâm trí, thời gian của bản thân cho công việc, không mảy may để ý tới những thứ xung quanh. Cuộc sống của mỗi người cũng đâu chỉ có bận rộn trong công việc, chúng ta còn phải đối mặt với biết bao những “vấn đề của người trưởng thành”. Càng lớn, chúng ta càng sợ bị người khác đánh giá, những lời đàm tiếu, gièm pha của người khác đôi khi làm chúng ta cảm thấy ngột ngạt, khó chịu với chính bản thân mình. Những người nhạy cảm lại luôn trách cứ bản thân không đủ tốt rồi ép mình vào một khuôn mẫu do người khác tạo nên. Chúng ta chỉ mãi nhìn ra thế giới bên ngoài, ta sợ hãi mọi thứ, thậm chí chấp nhận buông mình vào những tấm lưới định kiến của xã hội mà quên mất mục tiêu, lý tưởng sống của chính mình. Tất cả đều là những âm thanh náo nhiệt, thậm chí là nhiễu loạn mà bất cứ người trưởng thành nào cũng phải trải qua. Những người biết cách dừng lại “lắng nghe những tiếng thì thầm của cuộc sống” sẽ tìm được chìa khóa mở ra cánh cửa tâm hồn, tìm thấy “dải ngân hà” trong chính bản thân mình.

Khi biết “lắng nghe những tiếng thì thầm của cuộc sống” con người sẽ có thời gian tự nhìn nhận lại bản thân, nhìn nhận lại về hành trình mà mình vừa trải qua và định hình con đường phía trước. Không chỉ vậy con người còn có thêm sức mạnh khai phá được năng lực nội tại, chữa lành những tổn thương của bản thân. Thế giới ngoài kia đầy rẫy định kiến, cám dỗ, nếu cứ để bản thân xoay vần theo những tiếng ồn ào đó, con người sẽ dần đánh mất chính mình, sống một kiếp vô danh, mờ nhạt, để tâm hồn tàn lụi ngay cả khi còn sống. Chắc hẳn các bạn còn nhớ tới cô học sinh lớp chuyên Toán trường Năng khiếu Đại học Quốc gia Hà Nội sau khi tốt nghiệp THPT đã “Xách ba lô lên và đi” (tên quyển sách tự truyện của Huyền Chíp). Huyền đã thực hiện hành trình vòng quanh thế giới với chiếc ba lô trên vai, mấy đô la trong túi với khát vọng của tuổi đôi mươi là đi để sống, để có cách nhìn đúng đắn về thế giới, về bản thân từ sự dấn thân và trải nghiệm mặc cho xã hội có nghĩ rằng việc xách ba lô lên và đi của cô là cổ xúy cho giới trẻ lao vào chỗ chết.

“Lắng nghe những tiếng thì thầm của cuộc sống”, con người sẽ nhận được những thông điệp mà Thượng Đế gửi tới. Những thông điệp ấy chỉ có thể được lĩnh hội khi con người mở lòng mình và biết cách lắng nghe. Chúng ta nhận ra được những giá trị đích thực của cuộc sống đó là phải biết yêu thương, thấu cảm với những người xung quanh, rằng hạnh phúc không ở đâu xa xôi mà ở ngay chính bên cạnh chúng ta. Cuộc sống hiện đại, chúng ta mải mê làm dài “friendlist” trong Facebook của mình từng ngày, chúng ta say sưa với ảo tưởng nắm bắt được cảm xúc của những người quen ở nơi xa xôi nào đó mà mất dần kết nối với chính những người xung quanh. “Mạng lưới rộng đến nỗi một đứt gãy nhỏ bên cạnh không làm ta để tâm. Nhưng chính những đứt gãy nhỏ kề cận, chứ không phải những đứt gãy rời rạc ở xa, mới làm ta trở thành một tinh cầu cô độc” (Nếu biết trăm năm là hữu hạn - Phạm Lữ n). Tôi vô cùng ấn tượng với chương trình truyền hình thực tế “Thiếu niên nói” - một sân chơi mang định hướng giáo dục học đường đầy tính nhân văn và giải trí. “Bục dũng khí” sẽ là nơi giúp các bạn học sinh chia sẻ những tâm tư, tình cảm giấu kín bấy lâu của mình với tất cả mọi người xung quanh. Đây là cơ hội tuyệt vời để học sinh, thầy cô, cha mẹ thấu hiểu lẫn nhau, tạo ra những sự gắn bó và kết nối trong cuộc sống.

Biết “lắng nghe tiếng thì thầm của cuộc sống”, chúng ta sẽ cảm nhận được sự kì diệu của cuộc đời, từ đó biết cách điều chỉnh lối sống chậm lại, không sống một cách vội vàng, hời hợt. Con người ta sẽ cảm nhận được hơi thở của mình trong từng khoảnh khắc, ta sẽ không bỏ lỡ những cảnh tượng huy hoàng của thiên nhiên mà bấy lâu nay ta vẫn thường lãnh đạm bỏ qua. Hương ổi phả vào trong gió se, tiếng cười nói của trẻ thơ, tiếng nước sôi réo trong ấm, tiếng phin cà phê va vào nhau lách cách hay đơn giản là tiếng gọi thân thương của bố mẹ,... - những điều tưởng chừng bình dị ấy lại có thể khiến ta cảm thấy cuộc đời này đáng sống hơn rất nhiều. Anne Frank - cô bé phải sống trong sự truy lùng và cuối cùng qua đời trong trại tập trung của Đức Quốc Xã đã viết: “Chừng nào ánh mặt trời và bầu trời trong xanh này còn tồn tại, và miễn là tôi còn thưởng ngoạn được điều đó thì làm sao tôi phải buồn”. Giữa âm thanh đầy hỗn tạp của tiếng súng bom, vẫn có một bông hoa mạnh mẽ vươn mình trỗi dậy và lắng nghe âm thanh thì thầm của cuộc sống. Anne Frank tựa như một bông hoa hướng dương, mọc lên giữa nơi sa mạc cằn cỗi đã mang tới cho người đọc những chiêm nghiệm quý giá về niềm tin và cách cảm nhận, lắng nghe cuộc sống từ những điều nhỏ bé, giản dị nhất.

Điều đáng buồn khi trong cuộc sống ngày hôm nay con người lại sống một cách gấp gáp, vội vàng tới mức bỏ qua tất cả những cơ hội để “lắng nghe những tiếng thì thầm của cuộc sống”. Ta chỉ chăm chăm làm việc để thăng tiến, mải mê nghĩ về những điều hạnh phúc xa xôi và sống như một cỗ máy: đi làm rồi về nhà, không biết giữ cho bản thân niềm vui sống; ta mất dần định hướng và nhìn cuộc đời bằng một con mắt thiếu tích cực. Ta bị những âm thanh náo nhiệt lấn át và dần buông mình để nhập hội trong đám đông với những âm thanh hỗn tạp ấy.

Tuy vậy, những âm thanh đó vẫn là thứ không thể thiếu trong cuộc sống của con người. Nhìn ở mặt khác, nó lại là môi trường, thử thách để con người tôi luyện bản thân, để sống vững vàng, bản lĩnh hơn. Nếu cuộc đời chỉ toàn là những âm thanh nhẹ nhàng, những bản nhạc du dương bình yên quá đỗi, liệu con người có thể cứng cáp và trưởng thành được không? Điều quan trọng là mỗi người hãy biết dung hòa và cân bằng cuộc sống theo cách riêng của mình. Chúng ta làm việc vì của cải và danh vọng không có điều gì sai, nhưng đừng quên dừng lại để cảm nhận những vẻ đẹp bình dị đang hiện hữu, làm đầy ắp tâm hồn của ta. Hãy mở rộng tầm mắt, nhìn ngắm những thứ xung quanh và hãy dùng trái tim của bản thân để cảm nhận.

Hạnh phúc không phải là đích đến mà là hành trình ta đang đi. Câu nói “Cuộc sống hiện đại với những âm thanh náo nhiệt đôi khi làm ta vô tình quên đi việc lắng nghe những tiếng thì thầm trong cuộc sống" dường như đã trở thành một lời khuyên cho chúng ta. Ngay ngày mai, tôi sẽ thức dậy thật sớm để ngắm nhìn bình minh đang lên, vươn vai và hít thở không khí trong lành, đọc một vài trang sách và giúp mẹ tưới hoa buổi sáng,...Tôi sẽ không bỏ lỡ những âm thanh kì diệu mà cuộc sống đang kí thác, gửi gắm vào thiên nhiên tươi đẹp, vào những khoảnh khắc diệu kỳ vẫn hay bị những âm thanh náo nhiệt che lấp mất. Giữa cuộc đời với những âm thanh náo nhiệt, mỗi người đừng quên dừng lại hít thở thật sâu và “lắng nghe cuộc sống, bởi nó đang cố gắng nói với bạn những điều quan trọng và tuyệt vời”.

suu tam
---
Đề thi văn học sinh giỏi tỉnh Lâm Đồng
 
Lắng nghe là điều vô cùng cần thiết đối với mỗi người trong cuộc sống. Nó được hiểu là quá trình chủ động, tập trung, trong đó người nghe phải nhẫn nại, chân thành lắng nghe những thanh âm cuộc sống quanh mình hoặc lắng nghe người khác bộc bạch, chia sẻ, trình bày quan điểm, ý kiến,… về những câu chuyện của họ.

Từ đó, người nghe sẽ đưa ra những cảm nhận, lời khuyên, sẻ chia, góp ý phù hợp, hướng đến những điều tốt đẹp, hạnh phúc.

Nếu được chia sẻ là nhu cầu cần thiết thì mong muốn được người khác lắng nghe cũng là nhu cầu tất yếu của con người. Có câu: “Nếu bạn muốn hiểu tư duy của ai đó, hãy lắng nghe lời nói của anh ta” (Johann Wolfgang von Goethe).

Việc lắng nghe trọn vẹn sẽ có giá trị hơn ngàn vạn lời an ủi bâng quơ. Nó đem đến cho tất cả những ai biết lắng nghe cơ hội được sở hữu chiếc chìa khóa diệu kỳ mở cánh cửa khám phá những điều tuyệt vời từ cuộc sống muôn màu.

Lắng nghe tạo điều kiện cho con người gần gũi, hiểu rõ, hiểu thấu về một người nào đó. Ralph Waldo Emerson từng nói: “Người hạnh phúc là người lắng nghe; kẻ bất hạnh là kẻ thổ lộ”.

Lắng nghe người khác để biết đặt mình vào vị trí của họ; để cảm thông với họ, thay vì vội vàng đưa ra những nhận định, phán xét, định kiến phiến diện, tiêu cực, khiến họ bị tổn thương. Biết lắng nghe, mỗi người sẽ biết vì người khác mà sống bao dung, vị tha, chân thành.

Lắng nghe giúp mỗi người tự rèn luyện cho mình tính nhẫn nại, kiên trì. Thực tế cho thấy, việc lắng nghe không chỉ giúp ta biết được, hiểu được những điều hay lẽ phải, bổ ích, lý thú về chính cuộc sống, con người, những vấn đề được đề cập đến trong câu chuyện của người nói; đây còn là cách ta lĩnh hội, đúc rút, trau dồi nhiều bài học quý cho riêng mình.

Câu chuyện về tấm lòng ấm áp của cậu bé đối với mẹ phía sau hai quả táo bị cắn dở mà chị từng đọc đã minh chứng cho điều kỳ diệu: khi lắng nghe, nếu biết chờ đợi đến cuối câu chuyện, điều chúng ta nhận được sẽ là món quà vô cùng ý nghĩa.

Lắng nghe cũng là cách mỗi người thể hiện thái độ tôn trọng người khác, đồng thời nắm bắt thành công theo cách riêng của mình. Trong học tập, lắng nghe thầy cô giảng bài, ta sẽ nắm vững được kiến thức và đạt được thành tích, kết quả như mong muốn.

Trong công việc, lắng nghe giúp chúng ta học hỏi được những kinh nghiệm hữu ích từ bạn bè, đồng nghiệp, đối tác,… từ đó tạo sự hiệu quả, chất lượng công việc một cách tốt nhất. Trong cuộc sống, lắng nghe giúp con người thêm gần gũi, thân thiết, gắn bó, tin tưởng nhau hơn.

Lắng nghe cũng là cách hóa giải các xung đột, mâu thuẫn lớn nhỏ trong đời sống, xã hội. Cuộc sống là tổng hòa của nhiều mối quan hệ, nhiều lĩnh vực, ngành nghề,…

Thế nên xung đột xảy ra là chuyện bình thường. Có thể vì đôi bên hiểu lầm nhau, vì cá tính, quan điểm, hiểu biết,… khác nhau. Nếu chúng ta biết lắng nghe, mọi khúc mắc, khó khăn ắt sẽ được tháo gỡ, giải quyết một cách nhẹ nhàng, thông suốt.

Không chỉ biết lắng nghe người khác nói, chúng ta còn phải biết lắng nghe những điều nhỏ bé quanh mình, đặc biệt là lắng nghe chính mình. Lắng nghe vạn vật, thiên nhiên, chúng ta sẽ tìm cho mình một khoảng lặng bình yên cần thiết giữa dòng đời bon chen, vội vã. Lắng nghe chính mình để hiểu mình, biết mình, từ đó biết yêu thương, trân trọng chính mình, không ngừng hoàn thiện bản thân.

Shakespeare từng nói: “Cái đáng sợ nhất là căn bệnh không chịu lắng nghe, đó là một tệ nạn hết sức phổ biến”. Trong xã hội, vẫn không ít người hoặc không muốn lắng nghe hoặc thờ ơ, vô cảm trước cuộc sống, trước mọi người.

Lại có người chỉ biết nói, thích nói và bắt người khác phải nghe mình hơn là bản thân lắng nghe người khác nói. Có người lại nghe không có chọn lọc, không có lập trường, trở thành kẻ “đẽo cày giữa đường”. Tất cả điều đó đều tạo nên những hệ lụy không tốt, tiêu cực cho mỗi cá nhân cũng như toàn xã hội.

“Cách nhìn của chúng ta về thế giới thực sự được định hình bởi điều chúng ta quyết định lắng nghe” (William James). Chính vì thế, học cách lắng nghe là sự sáng suốt cũng là cơ hội để mỗi người nắm giữ thành công, hạnh phúc cho mình.

XANH NGUYÊN
Vĩnh Long
 
Lắng nghe là gì? Vì sao phải lắng nghe?

Trong cuộc sống, chúng ta ai cũng đều gặp phải những khó khăn, gian khổ và cần có người để chia sẻ. Tuy nhiên, cũng có những lúc chúng ta cần lắng nghe tâm sự từ những người xung quanh để đồng cảm và thấu hiểu. Lắng nghe là một kỹ năng quan trọng và là chìa khóa của thành công trong cuộc sống. Đó là việc chúng ta nhẫn nại và chân thành lắng nghe tâm sự và chia sẻ của người khác để đồng cảm và rút ra bài học cho chính mình. Lắng nghe và đồng cảm với người khác sẽ giúp chúng ta nhận ra và hiểu được nhiều điều hơn và có nhiều bài học quý giá. Nếu biết lắng nghe, chúng ta có thể nhận được những nhận xét và đánh giá của người khác về bản thân, từ đó có cái nhìn khách quan, toàn diện hơn về bản thân để phát huy mặt mạnh và khắc phục mặt yếu. Mỗi người đều có nhu cầu chia sẻ và lắng nghe, và khi chúng ta lắng nghe người khác, chúng ta cũng có thể chia sẻ với họ. Kỹ năng lắng nghe mang lại ý nghĩa và vai trò to lớn đối với cuộc sống con người. Những người biết lắng nghe là những người có lòng kiên trì, nhẫn nại và biết gạt bỏ cái tôi để tiếp thu và lĩnh hội. Bên cạnh đó, lắng nghe còn giúp con người thấu hiểu và bao dung cho nhau, xây dựng một xã hội tích cực và đẹp hơn. Tuy nhiên, trong cuộc sống vẫn còn rất nhiều người chưa biết lắng nghe người khác, chỉ cho rằng lí lẽ của mình là đúng. Cũng có những người chỉ muốn chia sẻ những khó khăn và đau khổ của mình mà không chịu lắng nghe tiếng lòng của người khác. Vì vậy, nếu mỗi người chúng ta bớt đi một chút cái tôi, biết lắng nghe và thấu hiểu một chút thì cuộc sống sẽ trở nên tốt đẹp.

Suu tam
 
Vì sao lắng nghe là điều quan trọng trong cuộc sống?

Trong cuộc sống, chúng ta sống với nhau bằng tình cảm. Điều này đúng với việc con người đã tiến hóa đến mức độ hiện tại nhờ vào tình cảm. Trong xã hội ngày nay, việc lắng nghe và đồng cảm với nhau trở nên càng quan trọng hơn bao giờ hết. "Lắng nghe với lòng thấu cảm là chìa khóa của thành công". Lắng nghe là một hành động mà mỗi người cần có tính kiên nhẫn và chân thành để nghe tâm sự của người khác, chia sẻ những câu chuyện của họ. Từ đó, chúng ta có thể đồng cảm và thấu hiểu nhau và rút ra được bài học quý giá cho bản thân mình. Thấu cảm là việc hiểu biết và đồng cảm hoàn toàn với ai đó. Nó giúp chúng ta hiểu được những suy nghĩ và cảm xúc của người khác mà không cần phán xét. Việc lắng nghe và đồng cảm với người khác sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn và có nhiều bài học quý giá hơn. Mỗi người ai cũng có nhu cầu chia sẻ niềm vui nỗi buồn, nếu chúng ta lắng nghe tâm sự của người khác, tức là chúng ta có thể chia sẻ với tâm hồn đang thương tổn của họ. Lắng nghe để thấu hiểu nhau hơn, khi mọi người thấu hiểu sẽ bao dung cho nhau, và những đức tính tốt đẹp sẽ được nhân lên. Người biết lắng nghe là những người có lòng kiên trì, nhẫn nại và biết từ bỏ cái tôi để tiếp thu, lĩnh hội. Chúng ta cần nhận ra những tiêu cực của việc không chịu lắng nghe và rèn luyện cho bản thân việc kiên nhẫn lắng nghe để tìm ra nhiều bài học quý giá hơn. Ngược lại, nếu chúng ta nghe qua loa, chiếu lệ hoặc chỉ cho bản thân mình là nhất thì sẽ hạn chế sự tương tác giữa người và người.

suu tam
 
Lắng nghe là điều hạnh phúc

Khi giao tiếp, đôi khi bạn chỉ muốn nói mà không quan tâm đến người khác đang nói gì. Điều này thật không tốt nếu bạn muốn được người khác lắng nghe. Lắng nghe có nghĩa là tận tình tiếp nhận, cảm thông và chia sẻ với cảm xúc, thái độ của người khác. Người hạnh phúc là người biết lắng nghe và thấu hiểu, còn kẻ bất hạnh chỉ biết than vãn và không biết lắng nghe. Sự thông minh không phải là việc nói nhiều, mà là khả năng lắng nghe và thấu hiểu. Được người khác lắng nghe là bạn đã được chia sẻ, thấu hiểu và cảm thông. Điều này là chìa khóa để xây dựng mối quan hệ tốt với mọi người, mở cửa cho hạnh phúc trong gia đình và thành công trong cuộc sống. Để có thể lắng nghe người khác, bạn cần lắng nghe và thấu hiểu chính mình trước. Hãy tìm kiếm những giá trị thực sự trong cuộc sống và đừng lắng nghe một cách lãng phí. Sau khi người khác chia sẻ, hãy hành động để giúp họ giải tỏa và kết nối tình cảm tốt hơn. Nếu bạn không biết lắng nghe, tâm hồn của bạn sẽ trở nên khô héo, ích kỷ và cô đơn. Bởi vì nếu bạn không thể lắng nghe người khác, bạn cũng không thể lắng nghe được chính mình.

suu tam
 
Chìa khóa mở cửa tâm hồn là gì?

Bạn có biết chìa khóa để mở cánh cửa tâm hồn, hạnh phúc gia đình và thành công trong xã hội là gì không? Đó chính là lắng nghe. Mục đích cuối cùng của lắng nghe là để thấu hiểu và cảm thông với người khác. Tuy nhiên, để thực hiện được điều này thì không phải ai cũng có thể. Để lắng nghe một cách chân thành, ta cần có kinh nghiệm và sự sẵn sàng. Thậm chí, để hiểu được người khác còn khó hơn nếu ta không có đủ kinh nghiệm để chia sẻ với họ. Vì vậy, đừng tự làm khó mình và chê trách mình không đủ khả năng để hiểu họ. Thay vào đó, hãy lắng nghe người khác một cách bình tĩnh và chân thành. Dù ta có thể không thấu hiểu hết được những điều mà họ chia sẻ, nhưng ta vẫn có thể cảm thông và chia sẻ với họ. Điều quan trọng là ta cần tránh kiểu lắng nghe hình thức, chỉ lắng nghe để có lắng nghe mà không thực sự hiểu được người khác. Vậy làm thế nào để đạt được sự thông thái? Bước đầu tiên là im lặng và bước thứ hai là biết lắng nghe người khác nói. Chỉ cần lắng nghe và chia sẻ với thái độ chân thành, ta có thể mở cánh cửa tâm hồn của người khác, đem lại hạnh phúc cho gia đình và thành công trong cuộc sống.

sưu tầm
 

VnKienthuc lúc này

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top