• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Cuộc đời và sự nghiệp Lý Thương Ẩn

Bút Nghiên

Smod Trùm ^^
Cuộc đời và sự nghiệp Lý Thương Ẩn
Lê Quang Trường​

1. CUỘC ĐỜI

Lý Thương Ẩn (813-858), tự Nghĩa Sơn, hiệu Ngọc Khê Sinh, còn có hiệu là Phàn Nam Sinh. Sinh vào năm thứ tám niên hiệu Nguyên Hòa đời Đường Hiến Tông (813), mất năm Đại Trung thứ mười hai đời Đường Tuyên Tông (858). Quê quán ở Hà Nội, Hoài Châu (nay là Thẩm Dương, tỉnh Hà Nam). Từ đời ông nội là Lý Phố trở đi, sang ở đất Huỳnh Dương (Trịnh Châu, Hà Nam ngày nay). Cha là Lý Tự, từng làm huyện lệnh ở Hoạch Gia (nay là Thân Hương, Hà Nam). Năm Thương Ẩn lên ba, cha ông được điều đến vùng Trấn Giang, Thiệu Hưng sung nhậm mạc liêu (chức quan nhỏ), Lý Thương Ẩn theo cha sống ở vùng Giang Tô, Triết Giang. Đến năm 9 tuổi, cha mất, Lý Thương Ẩn phụng tang theo mẹ trở về Huỳnh Dương. Mãn tang, lại chuyển nhà sang ở đất Lạc Dương ở đó. Từ đời cha trở đi, gia cảnh vô cùng khốn khó. Trong bài Tế Bùi thị tỷ văn (Văn tế chị họ Bùi) của ông có viết: “Bốn biển chẳng còn nơi để về, họ hàng không người thân nương tựa… Một đời khốn cùng, chẳng còn biết gì. Ngoài áo quần để mặc ra, miếng ăn thiếu thốn”.

Cuộc sống bần cùng khiến Lý Thương Ẩn siêng năng học tập, mong tiến danh trên đường khoa cử, gầy dựng lại gia cảnh. Lúc đó, Lý Thương Ẩn có người chú họ sống ẩn cư không chịu ra làm quan rất am hiểu cổ văn và thư pháp. Lý Thương Ẩn được người chú chỉ dạy, nên tuy còn nhỏ đã sớm thuần thục. Ông từng nói: “16 tuổi đã viết Tài luận, Thánh luận, bằng tài viết cổ văn mà xuất hiện giữa chư công” (Phàn Nam giáp tập tự). Năm 18 tuổi, Lệnh Hồ Sở nhậm chức Thiên Bình quân tiết độ sứ (huyện Quân Thành, tỉnh Sơn Đông), cho ông làm tuần quan. Lệnh Hồ Sở mến tài, đặc biệt khen ngợi, cho Thương Ẩn cùng học với con trai mình là Lệnh Hồ Đào, ông còn đích thân dạy Lý Thương Ẩn học. Dưới sự dạy dỗ và chịu ảnh hưởng của Lệnh Hồ Sở, Lý Thương Ẩn học viết tấu chương cận thể. Thương Ẩn “học rộng nhớ dai, hạ bút thì không thể tự dừng lại được” (Cựu Đường thư, Lý Thương Ẩn truyện), điều đó chính là nền móng cho thành tựu của ông trong lĩnh vực sáng tác thơ ca sau này. Bởi thế, Thương Ẩn suốt đời không quên ân đức của Lệnh Hồ Sở. Sau khi Lệnh Hồ Sở mất, Thương Ẩn đã truy niệm thống thiết:

Bách sinh chung mạc báo,
Cửu tử lượng nan truy.

Soạn Bành Dương công biểu văn tất hữu cảm

(Suốt đời vẫn không thể báo hết ơn,
Dẫu chết cũng khó theo được đức độ của người)


để bày tỏ ơn sâu của Lệnh Hồ Sở dành cho ông, cũng như tỏ lòng kính phục học vấn và đạo đức của Lệnh Hồ Sở.

Năm 21 tuổi, Thương Ẩn lần đầu đến kinh thành dự thi tiến sĩ nhưng không đỗ. Chú họ ông là Thôi Nhung nhậm chức thứ sử Hoa Châu (huyện Hoa, Thiểm Tây) bèn cho Thương Ẩn làm thuộc quan. Năm sau, Thôi Nhung được điều sang nhậm chức quan sát sứ Duyện Châu (nay là phía tây thành phố Duyện Châu, tỉnh Sơn Đông), Thương Ẩn theo chú đến Duyện Châu, nắm giữ việc tấu chương. Không lâu, Thôi Nhung mất, Thương Ẩn mất đi chỗ dựa, từng đến Ngọc Dương Sơn và Vương Ốc Sơn ở huyện Tế Nguyên, tỉnh Hà Nam, ẩn cư học đạo, tu thân dưỡng tính, đọc sách tập nghiệp, chuẩn bị ứng thí.

Năm 23 tuổi, ông lại đến kinh thành ứng thí, vẫn không đỗ, liền về phụng dưỡng mẹ ở Tế Nguyên. Mùa xuân năm thứ hai niên hiệu Khai Thành đời Đường Văn Tông (837), lần thứ ba ông ra ứng thí, được Lệnh Hồ Đào hết sức tiến cử, ông mới đỗ tiến sĩ. Đầu hè, ông về lại Tế Nguyên. Mùa đông, lại đến Hưng Nguyên (nay là thành phố Hán Trung, tỉnh Thiểm Tây) làm ở phủ Tiết độ sứ Lệnh Hồ Sở. Sở bảo ông thay mình thảo di biểu. Tháng 11, Lệnh Hồ Sở mất, ông phụng tang trở về kinh thành. Năm 25 tuổi, ông dự khoa thi Bác học hoành từ, nhưng bị đánh rớt. Không đỗ kỳ thi ấy, Thương Ẩn sang làm thuộc quan cho tiết độ sứ Vương Mậu Nguyên ở Kinh Nguyên (nay ở phía bắc huyện Kinh tỉnh Cam Túc). Vương Mậu Nguyên vì mến tài, đem con gái gả cho Lý Thương Ẩn. Vì từng nhờ cậy Lệnh Hồ Sở, mà Sở là người thuộc phái Ngưu do Ngưu Tăng Nhụ và Lý Tông Mẫn đứng đầu, nay về với họ Vương mà Vương bị coi là người thuộc phái Lý do Lý Đức Dụ, Trịnh Đàm đứng đầu, do đó ông bị phái Ngưu căm ghét. Lệnh Hồ Đào mắng ông là “bội ơn”. Thật ra, ông hoàn toàn không có quan niệm phe phái, cũng không có ý đồ lấy chuyện hôn nhân để mưu cầu phú quý, mà cả đời ông lại gặp phải tai ương và trở thành vật hy sinh của các thế lực tranh giành nhau dưới thời Vãn Đường.
Năm Khai Thành thứ tư (839), ông trúng tuyển kỳ thi “thích hạt” (kỳ thi của các tân tiến sĩ được mở sau khi qua kỳ thi đình) của bộ Lại, được trao chức Bí thư tỉnh hiệu thư lang[1]. Do bị phái Ngưu bài xích, không lâu, ông bị điều đến làm chức huyện úy Hoằng Nông (nay là huyện Linh Bảo, tỉnh Hà Nam). Nhân chuyện “hoạt ngục” (giải cứu những người bị tù) mà chọc giận đến quan sát sứ ở Thiểm Quắc là Tôn Giản. Lúc ông sắp bị bãi chức trở về kinh thì may gặp Diêu Hợp đến thay Giản, liền ra chỉ dụ cho Lý Thương Ẩn được phục chức trở lại. Tháng giêng, năm Khai Thành thứ năm (840), Văn Tông mất, Vũ Tông lên ngôi, tin dùng Lý Đức Dụ làm tể tướng, Vương Mậu Nguyên được gọi vào kinh. Lý Thương Ẩn từ Tế Nguyên chuyển nhà đến Trường An, bỏ chức úy Hoằng Nông, xin được điều chức khác.

Năm thứ hai niên hiệu Hội Xương đời Đường Vũ Tông (842), Lý Thương Ẩn 29 tuổi, tham gia và trúng tuyển kỳ thi Thư phán bạt tụy của bộ Lại[2], được trao chức Bí thư tỉnh chính tự (chức quan giữ việc văn thư trong cung cấm, hàm chính cửu phẩm, hạ giai). Ông rất muốn thi triển hoài bão của mình, tạo dựng thanh danh. Cuối năm ấy, mẹ ông bệnh nặng qua đời, đành phải từ chức ở nhà phục tang. Năm sau (843), cha vợ ông là Vương Mậu Nguyên mất. Trong thời gian này, ông phải lo tang sự cho mẹ và cha vợ. Năm Hội Xương thứ tư (844), ông dời nhà đến huyện Vĩnh Lạc (nay là Nội Thành, tỉnh Sơn Tây), tự gọi là “giấu vết nơi vườn đồi, trước cấy cày sau thì tự thết” cho “thỏa chí nông phu bao năm”. Năm Hội Xương thứ năm (845), hết kỳ phục tang, ông lại làm Bí thư tỉnh chính tự.

Tháng ba, năm thứ sáu niên hiệu Hội Xương (846), Vũ Tông mất, Tuyên Tông lên ngôi, trọng dụng phái Ngưu, bài trừ phái Lý. Lý Thương Ẩn khó khăn mới giữ được chức Bí thư tỉnh (thư ký trong cung cấm). Vào năm đầu niên hiệu Đại Trung đời Đường Tuyên Tông (847), theo lời mời của quan sát sứ Quế Quản (nay là thành phố Quế Lâm, tỉnh Quảng Tây) Trịnh Á đến làm thư ký. Bắt đầu từ đó, ông một thân lưu lạc, sống cuộc sống đau buồn khổ sở vì thất ý lại thêm nỗi nhớ nhà nhớ quê. Đầu năm thứ hai niên hiệu Đại Trung (848), phụng mệnh Trịnh Á, thay làm quận thú Chiêu Bình (nay là huyện Lạc Bình, tỉnh Quảng Tây). Tháng hai, Trịnh Á bị biếm làm thứ sử Tuần Châu (nay là huyện Long Xuyên, tỉnh Thiểm Tây), Lý Thương Ẩn mất chỗ nương dựa, phải rời Quế Quản trở về Bắc. Trên đường về, ông ở lại mạc phủ của quan sát sứ Hồ Nam Lý Hồi ở Đàm Châu (nay là thành phố Trường Sa, tỉnh Hồ Nam) một thời gian ngắn. Mùa thu ông đến Lạc Dương, đầu đông thì về đến Trường An. Ở kinh, ông tham gia kỳ Đông tuyển, làm chức úy ở huyện Chu Chí (nay là huyện Chu Chí, tỉnh Thiểm Tây). Rồi lại chuyển làm tham quân ở Kinh Triệu, nắm giữ việc viết tấu chương.

Tháng mười, năm Đại Trung thứ ba (849), tiết độ sứ Vũ Ninh (nay là thành phố Từ Châu, tỉnh Giang Tô) là Lư Hoằng Chính (có thuyết viết là Chỉ) mời Lý Thương Ẩn làm phán quan, rồi làm thị ngự sử[3]. Lư Hoằng Chính đối xử với ông rất tốt, nhờ đó tinh thần ông thêm phấn chấn, muốn dấy lên sự nghiệp một phen, và viết không ít những bài thơ có chí tiến thủ tích cực. Đến năm Đại Trung thứ năm (851), Lư Hoằng Chính mất; giữa mùa hạ thu, vợ ông là Vương thị mất vì bệnh nặng, ông bị đả kích rất lớn. Về đến Trường An, túng quẫn không còn biết xoay vào đâu. Lúc ấy Liễu Trọng Dĩnh (còn có âm là Sính) được điều nhậm chức tiết độ sứ Đông Xuyên (xưa ở Tử Châu, nay là huyện Tam Thai, tỉnh Tứ Xuyên), mời ông làm thư ký. Ở Tử Mạc 5 năm, do trải quá nhiều bấp bênh trong hoạn lộ, lại thêm nỗi đau mất vợ, ông chuyển hướng sang Phật giáo. Ông từng viết trong Phàn Nam ất tập tự rằng: “Ba năm trở lại đây, trong nỗi đau gia đạo tan nát, tôi thường sống hốt hoảng không vui, mới đem lòng thờ Phật, nguyện đánh chuông quét vườn làm một hành giả trong núi non mát mẻ”. Nhưng trên thực tế, ông hoàn toàn không thoát li hiện thực, mà còn viết rất nhiều thơ vịnh sử, dâng lên triều đình để cảnh giới triều đình quan tâm đến chính sự.

Đầu năm Đại Trung thứ mười (856), Liễu Trọng Dĩnh được điều về Trường An, Lý Thương Ẩn theo ông về kinh. Được họ Liễu tiến cử, nên nhậm chức Diêm thiết suy quan[4], đồng thời đi xuống vùng Giang Đông, Nam Kinh, Dương Châu… Năm Đại Trung thứ mười một (857), Lý Thương Ẩn bị bãi chức Diêm thiết suy quan, quay về nhàn cư ở Trịnh Châu. Đầu năm 858, ông từ trần trong niềm cô đơn, uất ức, đau khổ. Lúc ấy Lý Thương Ẩn chỉ mới 46 tuổi.[5]

2. SỰ NGHIỆP


Bước đường công danh của Lý Thương Ẩn vô cùng bấp bênh, suốt đời ông chưa bao giờ được giữ một chức vụ gì quan trọng để thi thố tài “vạn trượng xuyên vân” (xuyên mây vạn dặm) (Thôi Giác) của một kẻ tài tử. Nhưng về sự nghiệp văn chương, ông để lại một khối lượng thơ văn đáng kể, gồm Phàn Nam giáp tập (20 quyển), Phàn Nam ất tập (20 quyển), Ngọc Khê Sinh thi (3 quyển). Sách Toàn Đường thi chép gộp thành 3 quyển.

Trong nền thơ ca cổ điển Trung Quốc, Lý Thương Ẩn có một vị trí không nhỏ bên cạnh các thi nhân nổi tiếng khác như Đỗ Phủ, Lý Bạch… Lý Thương Ẩn là người tiếp thu được những tinh hoa từ thơ ca dân gian, cổ thi các đời trước và cũng chịu ảnh hưởng nhiều từ các nhà thơ lớn ở đời Đường, sâu sắc nhất là Đỗ Phủ về mặt thơ ngũ ngôn và thơ thất ngôn; chịu ảnh hưởng Đỗ Mục ở sự cách điệu trong trẻo, đẹp đẽ nhàn nhã với lối thơ thất ngôn tuyệt cú; và hấp thụ thủ pháp lãng mạn của Lý Hạ nên thơ ông có những liên tưởng kỳ lạ, độc đáo. Thơ ca của Lý Thương Ẩn không những đặc sắc đối với đời Đường, mà còn đối với toàn bộ truyền thống thơ ca cổ điển Trung Quốc.[6]

2.1. Những nội dung chính trong thơ Lý Thương Ẩn

Ở đây chúng tôi chỉ giới thiệu những chủ đề, nội dung chính trong thơ Lý Thương Ẩn để có cái nhìn tương đối toàn diện hơn về thơ ca của ông. Việc làm này không ngoài mục đích để thấy rằng, Lý Thương Ẩn là một tài tử khá nổi bật trong thời Vãn Đường với một tấm lòng ôm ấp hoài bão mong được thi triển tài năng, một khát vọng về tình yêu tự do, chân thành và một tấm lòng đa cảm cho những kiếp người tài sắc.

Thơ Lý Thương Ẩn hiện còn khoảng 600 bài, bao gồm ba nội dung chính. Một là thơ phản ánh những vấn đề chính trị, hai là thơ vịnh vật trữ tình, ba là thơ tình yêu (theo cách chia của Diệp Thông Kỳ và Lục Vĩnh Phẩm). Thơ phản ánh những vấn đề chính trị chỉ chiếm một phần sáu trong số đó. Theo Lục Vĩnh Phẩm, thì đây là hiện tượng đột xuất so với các thi nhân trong thời Vãn Đường.

Từ thời Trung Đường, tình hình quân Phiên trấn cát cứ kéo dài trở thành vấn đề nghiêm trọng. Theo Binh chí, Tân Đường thư chép: “Các phương trấn nhòm ngó nội địa, lớn thì chiếm hơn mười châu, nhỏ thì cũng ba bốn châu”[7]. Lý Thương Ẩn là người cật lực phản đối việc Phiên trấn phân chia cát cứ, ủng hộ triều đình đưa quân bình định Phiên trấn, và ca tụng những công thần có công trong việc bình Phiên. Như bài Hành thứ Chiêu Ưng huyện đạo thượng, tống Hộ bộ Lý Lang trung sung Chiêu Nghĩa công thảo, ông hết sức ca ngợi Lý Phi, Thạch Hùng phụng lệnh chinh phạt quân phản loạn Phiên trấn, chỉ trích bọn phản nghịch Lưu Chẩn, khẳng định chúng ắt có ngày bị diệt vong. Các bài Phục kinh, Hồn hà trung, Hoài Dương lộ, Thọ An công chúa xuất hàng, Tỉnh lạc… đều phản ánh chủ đề này.

Sống trong thời Vãn Đường, các thế lực chính trị đấu tranh giành quyền đoạt lợi, hoạn quan chuyên quyền, khuynh loát cả triều đình, chèn ép người hiền tài, “bức hiếp thiên tử, xem thường tể tướng, lăng nhục triều sĩ như cỏ rác” (Thông giám, Đường kỷ), Lý Thương Ẩn không thể làm ngơ trước những hiện thực xã hội trong thời đại của ông. Từ khi cuộc “biến loạn Cam Lộ”[8] thất bại, bọn hoạn quan càng huênh hoang, hoàng đế bị quản chế, hàng loạt triều thần vô tội bị bức hại, dân chúng ở Trường An cũng bị cướp bóc, sát hại trong cuộc tao loạn. Sự kiện lịch sử quan trọng này đều được phản ánh vào những bài thơ như Hữu cảm nhị thủ, Trùng hữu cảm, Khúc giang… Đặc biệt với nỗi bất hạnh mà Lưu Phần gặp phải, Lý Thương Ẩn càng thêm bi phẫn. Lưu Phần là một nhân tài văn võ song toàn hiếm có, vì trong kỳ thi đối sách, ông luận về việc hoạn quan chuyên quyền ngang ngược khiến nguy đến tông xã, quan khảo thí không dám để tên Phần trong sổ bạ. Sau vào làm quan, bọn thái giám vô cùng ganh ghét, vu ông có tội, ông bị biếm làm Tư hộ tham quân ở Liễu Châu. Trên đường được tha trở về thì ông qua đời. Về cuộc tao ngộ với Lưu Phần, Lý Thương Ẩn viết cả thảy 5 bài: Tặng Lưu tư hộ, Khốc Lưu tư hộ nhị thủ, Khốc Lưu Phần, Khốc Lưu tư hộ Phần để giãi bày nỗi oan của Phần, vạch rõ sự tàn độc của bọn hoạn quan, chỉ trích triều đình không hay biết nhân dân khốn khổ. Một loạt những bài thơ khóc thương Lưu Phần, chứa đầy nước mắt uất hận lẫn tiếng kêu gào cật vấn trời xanh về số phận của tài tử và bày tỏ sự đồng cảm thương tiếc cho một tài sĩ bị bọn hoạn quan hãm hại. Tiếng khóc của Lý Thương Ẩn, vừa là khóc cho một người bạn, nhưng đồng thời cũng là tiếng khóc than cho số phận của người tài tử:

Giang phong xuy nhạn cấp,
Sơn mộc đái thiền huân.
Nhất khiếu thiên hồi thủ,
Thiên cao bất vị văn.
Khốc Lưu tư hộ nhị thủ, bài 1
(Ngọn gió sông thổi giạt cánh nhạn,
Cây cối trên ngàn xào xạc tiếng ve.
Một tiếng kêu vang, ngàn lần ngoái đầu,
Trời cao như không hề nghe thấy.)

Và:

Tịnh tương thiêm hận lệ,
Nhất sái vấn càn khôn.
Khốc Lưu tư hộ nhị thủ, bài 2
(Tôi hòa thêm lệ hận vào dòng sông,
Rưới nước mắt mà hỏi trời đất.)

Các vua thời Vãn Đường phần lớn là những kẻ bất tài, u mê, hoang dâm xa xỉ, mê tín thần tiên, không chăm lo việc nước. Bằng lối thơ vịnh sử, Lý Thương Ẩn nêu ra cuộc sống ruỗng nát của triều đình phong kiến:

Lịch lãm tiền hiền quốc dữ gia,
Thành do cần kiệm bại do xa.
Vịnh sử
(Xem khắp xưa nay chuyện nước nhà,
Thành do cần kiệm, bại vì xa hoa.)

Và:
Mạc thị kim thang hốt thái bình,
Thảo gian sương lộ cổ kim tình.
Lãm cổ
(Chớ cậy thành đồng, hào nước sôi mà được thái bình,
Hưng phế xưa nay như hạt sương trên lá cỏ)

Một bộ phận thơ ca của Lý Thương Ẩn tập trung phản ánh cuộc sống xa hoa, hoang dâm của giai cấp thống trị, đặc biệt là những bài thơ vịnh sử, phúng thích một cách chua cay cuộc sống của các vua chúa không chăm lo đến đời sống nhân dân, không gần người hiền tài, để dẫn đến mất nước.

Sơn thượng li cung cung thượng lâu,
Lâu tiền cung bạn mộ giang lưu.
Sở thiên trường đoản hoàng hôn vũ,
Tống Ngọc vô sầu diệc tự sầu.
Sở ngâm
(Hành cung ở trên núi, lầu đài ở trên cung,
Cạnh cung điện, trước lầu đài, dòng sông chiều trôi.
Nước Sở còn mất hưng vong như mưa tối,
Tống Ngọc dẫu không buồn cũng phải tự buồn.)

Vịnh là vịnh bình phong nhưng có ý trách vua mải vui trong cung cấm, không biết gì đến lê dân:

Lục khúc liên hoàn tiếp thúy duy,
Cao lâu bán dạ tửu tinh thì.
Yểm đăng già vụ mật như thử,
Vũ lạc nguyệt minh câu bất tri.
Bình phong
(Tấm bình phong sáu bức liên hoàn kế màn thúy,
Nằm trong lầu cao, nửa đêm tỉnh rượu trở dậy.
Chỉ thấy tấm bình phong che ánh đèn và hơi sương kín mít,
Chẳng hay biết bên ngoài mưa rơi và trăng sáng.)

Những bài như Phú Bình thiếu hầu, Bắc Tề nhị thủ, Tề cung từ, Tùy cung, Nam triều, Ngô cung,… đều phản ánh những vấn đề xã hội ở phương diện này.

Trong sáng tác của ông, còn có một bộ phận thơ ca phản ánh cảnh đời điêu đứng, lầm than của nhân dân trong buổi tao loạn, hoang tàn. Hành thứ Tây giao tác nhất bách vận là bài tiêu biểu trong số đó.

Thi nhân từ Lương Châu trở về Trường An, qua vùng phương nam núi Đại Tản, vượt sông Vị, chỉ thấy cảnh hoang vu của ruộng đồng thôn xóm. Trước đây nơi này nổi tiếng là vùng đất trù phú, dân cư đông đúc, bây giờ cái cảnh trù phú ấy xác xơ với cỏ cháy cây khô, nông cụ vứt bỏ bên đường, trâu cày chết đói nằm trên gò hoang, ruộng đồng bỏ mặc gai góc ùn mọc, xóm thôn tiêu điều, vắng vẻ như không còn ai:

… Y y quá thôn lạc,
Thập thất vô nhất tồn.
Tồn giả giai diện đề,
Vô y khả nghênh tân…
Hành thứ Tây giao tác nhất bách vận[9]
(… Ngang qua thôn xóm, lòng buồn dàu dàu,
Mười nhà thì chẳng còn lấy một nhà.
Kẻ còn sống đều quay mặt khóc,
Không còn cái áo để mặc tiếp khách…)

Rất tiếc những bài thơ kiểu ấy không nhiều, nhưng chất hiện thực của nó thì không thua kém những tác phẩm hiện thực của Đỗ Phủ hay của Bạch Cư Dị.

Cảm hứng việc hoài tài bất ngộ cũng là cảm hứng chủ đạo trong bộ phận sáng tác thi ca của ông. Thi nhân là người sớm có chí hướng cao xa, hoài bão rộng lớn. Ông từng muốn xoay chuyển trời đất bằng tất cả tài năng của mình, nhưng oái ăm, suốât đời ông chưa từng giữ một chức vụ quan trọng nào để thực hiện ý hướng ấy. Từ một văn nhân tài tử, Lý Thương Ẩn nhiều khi muốn theo bước người xưa, vứt bỏ bút nghiên theo đường võ nghiệp, lập công nơi sa trường, nhưng khát vọng ấy, chưa bao giờ thực hiện được. Ông đem tâm sự này gởi vào một bài thơ viết cho con trai ông là Cổn Sư lúc vừa chào đời:

Gia tích hiếu độc thư,
Khẩn khổ tự trứ thuật.
Tiều tụy dục tứ thập,
Vô nhục úy tao sắt.
Nhi thận vật học gia,
Độc thư cầu ất giáp.
Nhương Thư Tư Mã pháp,
Trương Lương Hoàng Thạch thuật.
Tiện vi đế vương sư,
Bất hà cánh thiên tất.
Huống kim tây dữ bắc,
Khương Nhung chính cuồng bột.
Tru xá lưỡng vị thành,
Tương dưỡng như cố tật.
Nhi đương tốc thành đại,
Thám sồ nhập hổ huyệt.
Đương vi vạn hộ hầu,
Vật thủ nhất kinh trật.

Kiều nhi thi[10]

(Khi xưa cha rất thích đọc sách,
Khắc khổ tự mình viết lách.
Mới bốn chục tuổi mà thân hình tiều tụy,
Cơ thể không có thịt nên sợ loài muỗi rận.
Con chớ nên học theo cha làm gì,
Đọc sách học hành thì phải tìm tòi.
Hãy học binh pháp của Nhương Thư Tư Mã,
Học theo thuật dùng binh của Trương Lương, Hoàng Thạch.
Như thế mới mong làm thầy bậc đế vương,
Chớ nên học theo những chuyện vụn vặt tẹp nhẹp.
Huống gì thời buổi này ở phía tây và bắc,
Giặc Khương giặc Nhung đang nổi loạn.
Đem quân thảo phạt hay giảng hòa, hai cách đều không được,
Là vì cái bệnh hoang dâm quá nặng mới gây thành loạn.
Con hãy mau lớn nhanh nhanh đi,
Mà vào động hổ để bắt hổ (đi dẹp giặc).
Lúc ấy con sẽ được phong hầu vạn hộ,
Chớ nên giữ lấy mãi một pho kinh sách.)

Trong những bài thơ làm vào năm cuối đời, ông cũng không quên nhắc lại nguyện vọng thi thố tài năng để khuông phò đất nước lúc sinh bình với nỗi uất hận và niềm hối tiếc:
Như hà khuông quốc phận,
Bất dữ túc tâm kỳ.
U cư đông mộ
(Tại sao phận khuông phò đất nước,
Lại không hợp với ước nguyện của ta?)

Tâm tình của một người bất đắc chí bao giờ cũng đớn đau và chân thật. Ông tự coi mình là đồng cảnh ngộ với những bậc tài tử như Khuất Nguyên, Giả Nghị, Đỗ Phủ. Trong những bài thơ vịnh vật trữ tình và ca tụng những anh hùng thời xưa, đều tràn đầy nỗi uất ức bi phẫn, nỗi đau tráng chí không được trọng dụng, như Vũ hầu miếu cổ bách, Mậu lăng, Giả Sinh, Quân thiên… Trong những bài thơ vịnh vật, tác giả thường hay ẩn dụ rất khéo để biểu hiện sự cảm khái về cuộc sống phiêu bạt, bất đắc chí, không nơi nương tựa của ông. Như:

Cao tùng xuất chúng mộc,
Bạn ngã hướng thiên nhai.
Cao tùng
(Cây tùng cao vượt cả đám cây cỏ,
Làm bạn cùng ta bên trời xa.)

Rồi có lúc thi nhân tự ví mình như con oanh vật vờ bay trong đất trời:

Lưu oanh phiêu đãng phục sâm si,
Độ mạch lâm lưu bất tự trì…
… Tằng khổ thương xuân bất nhẫn thính,
Phụng thành hà xứ hữu hoa chi?
Lưu oanh
(Chim oanh lưu lạc bay vật vờ,
Lúc ở đầu đường ruộng lúc ở bến sông, không tự chủ được mình…
… Ta từng buồn xuân, không nỡ nghe tiếng chim kêu,
Kinh thành đâu chốn có cành hoa?)

Hoặc những bài như Thiên nhai, Phụng thành… đều phản ánh những uẩn khúc trong lòng ông, một nỗi niềm của kẻ luân lạc nơi chân trời góc bể, khiến người đọc không khỏi bồi hồi xúc động.

Ngoài những bộ phận thơ vừa nói trên ra, loại thơ vô đề và thơ diễm tình của Lý Thương Ẩn có thể nói là những tác phẩm đặc sắc, thể hiện phong cách nghệ thuật cũng như tư tưởng của ông. Tất nhiên, ông không phải là người khởi xướng loại thơ vô đề, nhưng lại là người làm thơ vô đề và loại lấy hai ba chữ ở câu đầu bài thơ làm đề (cũng được xếp vào loại thơ vô đề) nhiều nhất và đặc sắc nhất.[11] Nói như một học giả đời Thanh, vì những bài thơ đó gởi ý quá sâu, hàm nghĩa quá rộng nên khó mà đặt tựa bài cụ thể cho được. Thơ vô đề của Lý Thương Ẩn, có những bài thật sự có gởi gắm hoài bão chính trị, tâm tình khác ngoài tình yêu, có những bài chỉ thuần nói về tình yêu và cũng có bài mang cả hai nội dung trên. Vì nó phức tạp như thế, nên một bài thơ vô đề có thể có nhiều ý kiến khác nhau và chúng trở thành những nghi án thơ ca.

Những sáng tác Lý Thương Ẩn viết dành cho người vợ họ Vương khi nàng còn sống, thật sự khó mà nhận biết chính xác, bởi vì ông tuy tình tứ nhưng cũng rất kín đáo. Bài Dạ vũ ký bắc, Dao lạc… là ví dụ tiêu biểu cho loại này. Về tình yêu của Lý Thương Ẩn dành cho vợ thật vô cùng nồng nàn đằm thắm, thế nhưng đến nay, những bài thơ kiểu như thế vẫn đang chờ những nhà nghiên cứu phân định thêm.

Sau khi vợ Lý Thương Ẩn mất vì bệnh, ông viết rất nhiều bài thơ điệu vong, với nỗi đau trầm thống và tình yêu nồng nàn. Các bài như Phòng trung khúc, Vương thập nhị huynh dữ Úy Chi viên ngoại tương phỏng…, Dạ lãnh, Tây đình, Chính nguyệt Sùng Nhượng trạch, Điệu thương hậu phó Đông Thục tịch chí Tản Quan ngộ tuyết… đều viết cực kì bi thảm, thê lương. Có lẽ Lý Thương Ẩn là người làm thơ về vợ nhiều nhất với tình cảm chân thành sâu sắc nhất trong số những nhà thơ cùng thời.

Thơ tình Lý Thương Ẩn viết cho những cô gái khác càng nhiều hơn, như bài: Yên đài thi tứ thủ, Nguyệt dạ trùng ký Tống Hoa Dương tỉ muội, Thường nga,… là những bài thơ tình yêu tác giả viết tặng nữ đạo sĩ Tống Hoa Dương và những cô gái mà ông ái mộ, đủ thấy chất đa tình của tài tử Lý Thương Ẩn. Không ít thơ vô đề, như bài Vô đề (Tương kiến thì nan biệt diệc nan…), Vô đề tứ thủ, Vô đề nhị thủ… Đại tặng nhị thủ cũng là những bài thơ tình tác giả thay người khác viết hộ.

Qua thơ Lý Thương Ẩn, trong chừng mực nào đó, chúng ta thấy được phong tục xã hội thời Trung Vãn Đường có khác trước, và từ thơ tình yêu của Lý Thương Ẩn cũng có thể thấy một mặt cuộc sống của văn nhân thời Trung Vãn Đường – sự xuất hiện một lớp người đòi hỏi về cuộc sống tình yêu đôi lứa, và khát vọng tự do yêu đương, cũng là những nhu cầu đầu tiên trong vấn đề đòi tự do cá nhân, giải phóng cá nhân ấy ở họ thật vô cùng mãnh liệt.

2.2. Đặc điểm nghệ thuật trong thơ Lý Thương Ẩn

Về tài thơ ca, người đời đặt Lý Thương Ẩn ngang hàng với Ôn Đình Quân, và Đỗ Mục, nhưng sự thật, xét về nội dung lẫn hình thức nghệ thuật, cả hai thi nhân Ôn và Đỗ đều không theo kịp Lý. Thẩm Đức Tiềm nói: “Lối thơ cận thể của Nghĩa Sơn… sở trường về phúng dụ, trong thơ có đốn, toả, trầm, trước, có thể tiếp nối với Thiếu Lăng, nên ông cũng là một đại gia [trong thi ca]. Người đời sau cho Ôn [Đình Quân] ngang hàng với Lý [Thương Ẩn] là vì chỉ thấy cái vẻ đẹp nồng lệ của ông, thật ra phong cốt rất khác nhau”[12].
Thơ của Lý Thương Ẩn chứa chan tình cảm, nồng nàn, chân thật, hàm súc, kín đáo, tuy có dùng nhiều điển bí hiểm nhưng cũng rất tài tình:

Thủy tiên dục thướng lý ngư khứ,
Nhất dạ phù dung hồng lệ đa.
Bản kiều hiểu biệt
(Khách tiên cưỡi chép chào từ biệt,
Đêm trước sen hồng khẳmlệ khơi.)

Hoặc như:

Tần trung cửu dĩ ô đầu bạch,
Khước thị quân vương vị bị tri.
Nhân dục
(Đầu quạ ở nước Tần từ lâu đã bạc trắng hết rồi.
Vậy mà chỉ có vua là vẫn không biết gì thôi.)

Hoặc như khi ta có dịp ngâm nga: Trang Chu hiểu mộng mê hồ điệp, Vọng đế xuân tâm thác đỗ quyên… trong bài Cẩm sắt, hay những câu thơ trong bài Trù bút dịch, và nhiều bài khác mới thấy tiền nhân bình thơ của Ngọc Khê Sinh Lý Thương Ẩn thật tinh xác.

Trương Giới đời Tống, trong cuốn Tuế Hàn đường thi thoại có nhận xét về thơ Lý Thương Ẩn như sau: “…Thơ của Nghĩa Sơn đại để là hay ở đó. Vịnh vật thì kín đáo tỉ mỉ, dùng điển thì như không, mà ý thì xa vời…”[13].
Xưa nay các nhà nghiên cứu đều cho rằng, Lý Thương Ẩn đạt được những thành tựu to lớn trong nghệ thuật. Thơ của ông có sức ảnh hưởng rất lớn, không chỉ trong đời Đường mà dư ba của nó còn kéo dài đến các đời sau. Nhiều bài thơ cũng như nhiều câu thơ của ông được người đời truyền tụng, không những đặc sắc về nghệ thuật mà còn có chiều sâu tư tưởng. Trong thời đại hoàng kim của thơ ca như đời Đường, đạt được một thành tựu nghệ thuật như thế hẳn không phải dễ. Nếu đã có một Lý Bạch hào sảng, phóng khoáng; một Đỗ Phủ sâu sắc, thâm trầm, rộng rãi; một Lý Hạ kỳ dị, hiểm quái; một Bạch Cư Dị giản dị, gần gũi… thì cũng có một Lý Thương Ẩn tình tứ kín đáo, sâu xa, mông lung.

Mạn Đường thuyết thi của Tống Lạc đời Thanh chép: “Thời Vãn Đường, Lý Nghĩa Sơn khắc ý học Đỗ Phủ cũng rất tinh lệ”, và: “Nghĩa Sơn tạo ý kín đáo, mà cảm xúc cũng rất thâm hậu”[14]. Còn nói như Viên Mai thì “Từ kinh Thi cho đến nay, những bài thơ được truyền tụng đều là do ở tính linh chứ không phải do chồng chất chữ nghĩa. Riêng chỉ có thơ của Lý Nghĩa Sơn có hơi nhiều điển cố, nhưng cũng đều dùng tài và tình để điều khiển chứ không phải cố ý nhồi nhét vào” (Tùy Viên thi thoại, quyển 5)[15]. Nhận xét ấy có thể nói là xác đáng và công bình.

Trịnh Chấn Đạc thì cho rằng:

“Nếu phái thơ Bạch Cư Dị sợ người ta không hiểu ý của mình, thì thơ của phái Ôn, Lý lại sợ người ta đọc vào hiểu ngay… Bạch Cư Dị chủ trương nghệ thuật vị nhân sinh; Ôn, Lý chủ trương nghệ thuật vị nghệ thuật[16]. Thơ của phái họ Bạch thì như ban ngày rực rỡ ánh dương, bóng hình quấn quýt, tình cảm phơi bày lồ lộ; còn thơ phái Ôn, Lý thì như đêm trăng mây giăng mờ trôi không ngớt, cảnh tượng mông lung, mờ ảo như không nhìn rõ”.[17]

Ông còn nói Lý Thương Ẩn và Ôn Đình Quân là những Nữ Oa, Bàn Cổ “mở mang trời đất” cho những thành tựu về thể thơ trữ tình ngày nay, cũng như thành tựu của thể Từ đời Tống. Ông ví Vương Kiến và Trương Tịch chỉ là những nhà thơ đi tiên phong như Trần Thắng và Ngô Quảng, không thể lập thành đại nghiệp được; còn Lý Thương Ẩn và Ôn Đình Quân thì là những người thật sự được thiên hạ như Lưu Bang.[18]

Sở dĩ “thơ ca của Lý Thương Ẩn có phong vị riêng, có cái tình và thần vận riêng, có phong cách nghệ thuật đặc biệt không như những người khác”, là vì, một mặt, ông khéo học tập, thừa kế văn học cổ đại, từ thần thoại truyền thuyết, Thi kinh, Sở từ, dân ca Hán nhạc phủ, thi ca thời Tề Lương cho đến các thi nhân đời Đường như Đỗ Phủ, Lý Hạ, đều được ông hấp thu, chắt lọc thành những tinh túy cho riêng mình. Mặt khác, vì trải qua cuộc sống đầy biến động, trên đường đời cũng như hoạn lộ của ông đầy những khảm kha bất bình, vô cùng khắc khổ, gian nan, nên những sáng tác của ông mới có thể đột phá trong lĩnh vực nghệ thuật thi ca của đời Thịnh Đường và Trung Đường. Sáng tác của ông khai thác và sáng tạo phong cách mới vừa đẹp đẽ, tinh tế, uyển chuyển, sâu sắc vừa mang thủ pháp tỷ, hứng phong phú và tình cảm u uất[19]. Từ thực tế sáng tác của ông, các nhà nghiên cứu Trung Quốc đưa ra một vài đặc điểm nghệ thuật thơ ca của Lý Thương Ẩn, tựu trung có mấy điểm sau:

Một là, Lý Thương Ẩn sử dụng thủ pháp tỉ hứng đạt đến trình độ nhuần nhuyễn, linh hoạt khéo léo, biến hóa phong phú, nên thơ của ông tăng thêm vẻ tình thơ ý họa, so với các nhà thơ khác còn cao hơn một bậc.

Hai là, ý cảnh trong thơ Lý Thương Ẩn hàm súc, mông lung đạt đến chất nghệ thuật thẩm mỹ khá cao như kiểu Hoa phi hoa của Bạch Cư Dị[20], là cái mà Trịnh Chấn Đạc gọi như “cánh bướm sặc sỡ rập rờn”.

Ba là, nghệ thuật phúng thích chua cay, sắc lạnh cũng là nét đặc sắc nổi trội trong thơ Lý Thương Ẩn.

Bốn là, thơ Lý Thương Ẩn hàm chứa ý nghĩa triết lý sâu sắc, giàu tính tư tưởng, có thể mang lại cho người đọc nhiều ý vị vô cùng.

Năm là, nghệ thuật dùng điển tích cực kỳ công phu mà tinh tế. Phàm kinh, sử, tử, tập, thần thoại, truyền thuyết, khi được ông dùng đều cấp cho nó nội hàm mới mẻ, khiến cho nội dung tư tưởng của bài thơ thêm phong phú, giàu chất nghệ thuật cũng như sức truyền cảm.[21]

Cũng chính vì vậy, Lý Thương Ẩn có thể trở thành một thi gia có phong cách riêng biệt và có sức ảnh hưởng đến các đời sau. Nhưng tiếc là người đời sau chỉ học theo cái bề ngoài mà không đi vào chỗ xương cốt tinh thần trong thơ của Ngọc Khê tiên sinh. Thơ của ông ít được biết đến và lưu truyền cũng là do lỗi ở những kẻ hậu bối làm hỏng tinh thần trong thơ của ông.

________________________________________
[1] Chức quan trông coi việc văn thư trong triều, hàm chính cửu phẩm.
[2] Đời Đường, mở thêm kỳ thi để trao chức quan khi tuyển người chưa đủ số, gọi là bạt tuỵ.
[3] Phán quan: chức quan do nhà Đường đặt ra, nắm giữ việc văn thư phụ tá cho Tiết độ sứ, Quan sát sứ, Phòng ngự sứ, còn gọi là Tiết độ phán quan, Quan sát phán quan. Chức thị ngự sử là chức quan giữ việc can gián cấp trên, tòng lục phẩm, hạ giai.
[4] Chức quan đặt ra vào đời Đường, thuộc liêu của Tiết độ sứ và Quan sát sứ coi việc thuế muối.
[5] Dựa theo Diệp Thông Kỳ, Lý Thương Ẩn thi tập sơ chú, 2 tập, Nhân Dân văn học xuất bản xã, Bắc Kinh, 1998 và Lục Vĩnh Phẩm, Lý Thương Ẩn thi tuyển, Sơn Đông Đại học xuất bản xã, 1999.
[6] Dư Quan Anh, Tiền Trung Thư, Phạm Ninh chủ biên, Lịch sử văn học Trung Quốc, Lê Huy Tiêu, Lương Duy Thứ… dịch, tập 2, Nxb. Giáo dục,1993, tr.256-257.
[7] Lục Vĩnh Phẩm tuyển chú, sđd., tr. 4.

[8] Những cuộc chính biến nổ ra do Lý Huấn, Trịnh Chú cầm đầu nhằm tiêu diệt tập đoàn hoạn quan Cừu Sĩ Lương, xảy ra vào năm thứ 9, niên hiệu Đại Hoà, đời Đường Văn Tông (835), sử gọi là “cuộc biến loạn Cam Lộ”.
[9] Lục Vĩnh Phẩm tuyển chú, sđd., tr. 17-19.
[10] Diệp Thông Kỳ, sđd., tr. 657-658 và Lục Vĩnh Phẩm, sđd., tr. 99-100.
[11] Xem thêm Trần Bá Hải, Lý Thương Ẩn đích vô đề thi cứu cánh thuyết thập ma nội dung? Nghệ thuật biểu hiện thượng hựu hữu na ta đặc điểm? theo Triệu Phác Sơ biên soạn, Cổ điển văn học tam bách đề, In lần thứ 7, Thượng Hải cổ tịch xuất bản xã, 11.1999, tr. 260-263.
[12] Dẫn theo Diệp Thông Kỳ, sđd., tr. 766.
[13] Dẫn theo Diệp Thông Kỳ, sđd., tr. 739.
[14] Dẫn theo Diệp Thông Kỳ, sđd., tr. 762.
[15] Vương Vận Hy, Cố Dịch Sinh (2003), “Viên Mai bàn về thơ”, Đoàn Lê Giang dịch, Tạp chí Văn học, số 4.
[16] Nên hiểu rằng, nghệ thuật vị nghệ thuật không phải là chỉ chú trọng đến hình thức mà không quan tâm đến nội dung. Về điều này, chúng tôi sẽ trình bày tiếp ở phần sau khi bàn đến quan niệm về văn chương của Lý Thương Ẩn.
[17] Trịnh Chấn Đạc, Sáp đồ bản Trung Quốc văn học sử (4 tập), tập 2, Thương vụ ấn thư quán xuất bản, tr. 393-394.
[18] Theo Trịnh Chấn Đạc, sđd., tr. 394.
[19] Theo Lục Vĩnh Phẩm, sđd., tr. 8.
[20] “Hoa phi hoa, vụ phi vụ, Dạ bán lai, thiên minh khứ. Lai như xuân mộng kỷ đa thì, Khứ tự triêu vân vô mịch xứ”. (Hoa không phải hoa, sương mù không phải sương mù, nửa đêm rơi xuống, sáng mai tan mất. Khi đến thoáng qua như giấc mơ xuân ngắn ngủi, lúc đi tựa mây buổi sáng không biết đâu mà tìm).
[21] Theo Lục Vĩnh Phẩm, sđd., tr. 8-11.

Nguồn: Khoa VH&NN​
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top