mailehoangvinh
New member
- Xu
- 0
Thông tin dự thi:
Tên: Mai Lê Hoàng Hoa
Tuổi: 21
Nghề nghiệp: Sinh viên
[h=4]CUNG ĐÀN MÙA XUÂN[/h]
Mùa xuân sắp về. Ở xóm nhỏ này, từng kẽ đá tưởng như khô cằn cũng cựa mình bởi những mầm non vừa nhú nở. Anh Nhớ ngồi thả câu mà mơ màng theo từng giọt khí trời rơi khe khẽ làn ao. Hơn hai giờ đồng hồ mới câu được bốn năm con cá rô. Anh ráng câu thêm để có cá kho cho ba ngày tết. Con mực nằm lim dim, chờ lâu chừng như cũng mỏi, buồn chí đứng lên đi tìm cào cào, châu chấu đùa giỡn.
Cha anh Nhớ ở nhà cặm cụi quét dọn bàn thờ. Mười năm rồi, cứ cuối năm ông đem ảnh vợ ra lau chùi. Ông lau bằng thứ bông thấm nước tinh khiết mới mua ở quán về lại xịt thêm nước hoa. Vừa lau vừa ngắm nghía. Nhìn vợ tươi roi rói của tuổi mới ngoài ba mươi, ông cười với vợ mà miệng méo xệch. Càng nhìn ông càng nghe đứt từng đoạn ruột. Nghe nhớ thương quá chừng. Mỗi lần bà đau bệnh, điều trị bằng thuốc tây bao nhiêu cũng chưa đủ, ông lặn lội lên rừng tìm lá thuốc về thứ xông, thứ sắc cho bà uống. Ông ngồi sắc thuốc mà cứ nóng ruột nóng gan. Đến mấy lần rót ra đổ vào để xem chúng còn đúng bảy phân. Ông cho bà uống chầm chậm từng chút một như người mẹ đút cháo còn nóng cho con. Bà hơi khoe khỏe, ông đi câu cá về nấu cháo, tỉ mẩn lọc từng tí thịt không để dính xương. Ông thương bà vậy đó. Hỏi sao vắng bà ông không héo queo héo quắt!.
Từ khi về ở với ông hơn mười năm, bà đau ba trận vậy mà không sao. Đến khi ông bị nhiễm nước bởi vật lộn với dòng sông cuồn cuộn sóng để cứu sống một người phụ nữ do lũ cuốn trôi. Hơn mười ngày ông chưa dứt hẳn bệnh. Bà lại cùng con mực, lên rừng tìm lá thuốc. Con mực vừa tròn một năm tuổi, ra dáng anh chàng lực lưỡng. Nó chạy nhảy khắp nơi. Bà bắt gặp những khóm nấm mối. Cứ thế, lòng mừng vui, bà đi sâu vào rừng. Nhổ những cây nấm mập mạp bà như nghe mùi thơm phưng phức, ngọt lịm tỏa ra từ nồi cháo. Ăn được cháo nấm đầu mùa chắc ông nhanh lại sức. Lòng bà khấp khởi. Chừng như thấm mệt, bà ngồi lên thân gỗ mục để nghỉ và gọi con mực về. Bỗng khúc gỗ mục ấy cuộn tròn, quấn riết lấy bà – thì ra đó là một con trăn. Con mực chạy đến chưa kịp quẫy đuôi, trông thấy cảnh tượng hãi hùng, nó cũng hiểu ra liền nhảy xổ tới, nhè đầu con trăn mà ngoạm, xé, tới tấp. Mặc, con trăn vẫn siết chặt. Đến lúc đầu con trăn thành một đống bầy nhầy, máu me đỏ ối, con mực ngoạm lấy áo kéo ra được thì người bà đã mềm nhũn, chỉ còn thoi thóp. Nó quì xuống liếm láp thân bà và và rên ư ử như nói lời tha tội vì đã chơi xa. Bà gắng sức xua xua bàn tay, bảo đi. Nó hiểu ý phóng chạy về nhà.
Lừng khừng, mặt trời đã đứng bóng lúc nào không biết nữa. Ông nằm chờ bà về mà như nằm trên đống lửa. Lần bậc cửa, ngồi trông ra đầu ngõ chẳng thấy bóng dáng bà đâu. Chừng như trỗi dậy dỗi hờn, ông bèn quay lưng thì con mực chạy về. Nó không mừng rỡ như mọi khi mà rên lên thống thiết. Ông biết chắc điều chẳng lành đã xảy ra với vợ. Nước mắt ông chảy dài. Đất trời quay cuồng. Ông quị xuống. Thằng Nhớ ở đâu chạy về thấy thế luýnh quýnh gọi người cứu chữa. Ông thều thào: “Tôi hổng sao đâu, nhờ bà con đi theo con mực để cứu vợ tôi”. Con mực đi trước, đoàn người theo sau mà lo già lo non.
Ông chịu cảnh gà trống nuôi con chứ không đi bước nữa. Con đã mười tuổi ông còn ru trên võng. Lời ru sao da diết quá chừng: “Ầu ơ... non xanh bao tuổi mà già...” Lời ru lại còn ngân nga: “Ầu ơ... chớ... khăn thương nhớ ai, khăn rơi xuống đất...” Âm điệu cứ theo gió theo mây mà bay tít mù xa. Chẳng biết lời ru ấy có thấu tận thiên đình chăng mà thường thường mỗi lần ông ru con đất trời cũng buồn rười rượi. Một hôm Nhớ đi học về, thấy mắt cha đỏ hoe mà không dám hỏi. Cơm nước xong ông bảo con nằm vào võng để ông ru. Nó liền phụng phịu: “Con lớn rồi mà cha cứ ru hoài, bạn bè biết được chọc ghẹo, con mắc cỡ ghê”. “Cha mầy!...” Ông mắng yêu con mà tự dưng nước mắt chảy ràn rụa. Từ đó mỗi khi buồn buồn ông lên võng nằm đung đưa rồi hát ru một mình mà không vỗ về ru con nữa. Bây giờ đến tuổi nầy, mỗi khi đặt lưng lên chiếc võng, anh Nhớ lại ngẩn ngơ lời ru của cha. Lời ru đã an ủi lòng ông ở vậy để nuôi anh khôn lớn nên người.
Anh Nhớ cặm cụi làm đồng không biết mệt, vẫn chưa đủ, để cha đỡ buồn còn học đàn và gảy cho cha nghe. Thấy anh có năng khiếu âm nhạc cha mừng vui như mở cờ trong bụng. Ban đầu chỉ có con mực nằm bên vểnh tai mơ màng. Rồi tụi nhỏ ở gần cũng mê tiếng đàn anh lúc nào không biết. Mấy đứa nhỏ lại xúi anh đem đàn ra ngõ, ngồi dưới gốc xoài ngân nga thanh trầm thanh bổng, tha hồ mà quyện gió vờn mây. Tại bởi nghe lời tụi nhỏ, trái tim anh chừng như ngủ yên cũng khẽ cựa mình. Tiếng đàn làm cô Lan bán quán gần bên ngơ ngẩn. Có hôm mê tiếng đàn, khách hàng bảo bán trà lại đưa thuốc lá. Ban đầu anh vẫn vô tình đâu hay biết. Người ta xầm xì, anh chỉ cười tựa nghe làn gió thoảng qua. Khi chuyện đồn ầm lên hết xóm, nhột cả lỗ tai anh vẫn bình thản như người rời xa thế tục. Đến lúc cha sai mua xị rượu, anh đứng trước quán ngập ngừng mãi mới nói nên lời. Chị lại cố bán rề rà như để được ngắm anh thêm chút nữa. Đưa chai rượu, chị nhìn tay anh khen bàn tay đẹp. “Đâu có, bàn tay tui cuốc ruộng sần sùi đây nè”. Anh lại ngửa bàn tay ra như hồi còn đi học xòe tay cho thầy kiểm tra vệ sinh. Chị cười mà ửng hồng đôi má: “Bàn tay tài hoa mới đánh đàn hay để bắt người ta quên ăn quên ngủ. Anh không thấy bàn tay tôi to đùng, ngón tay như dùi đục đây sao”. Lần đầu chạm phải làn da phái đẹp anh nghe máu chạy râm ran cả người.
Mùa xuân lại về, ở xóm này cái gì cũng khoác lên mình nét duyên dáng. Từ đó anh thường ra quán để mua gói trà hay bao thuốc lá cho cha, có khi chỉ là năm trăm đồng bột ngọt. Một ngày mà anh chưa ghé quán là chị vẫn đợi vẫn chờ. Dù muộn một chút hay không mua gì anh cũng đi qua để chị được nhìn, được nghe mùi thơm rơm rạ, mùi mồ hôi nồng nồng ngai ngái. Bữa nào không được hít thứ mùi quen thuộc ấy chị chẳng tròn mộng đẹp. Vậy mà chị đã ra đi lấy chồng.
Ai đời, đi xem ngày lành tháng tốt để làm đám hỏi, người ta lại nói tuổi không hợp nhau. Chuyện đời ác nghiệt thiệt, ai bày ra chi tuổi xung khắc để chia cắt mối tình da diết. Đêm ấy, ngồi bên chị mà anh Nhớ buồn lắm. Buồn đến đến teo tóp mặt mày. Chị bảo anh đừng tin, thuận vợ thuận chồng tát biển đông cũng cạn kia mà. “Hổng được đâu, người đời họ để miệng vô, họ thêm mắm thêm muối làm sao sống nổi”. Anh trả lời mà giọt lệ ngắn, giọt lệ dài tuôn rơi lã chã. Chị úp mặt vào ngực anh, thổn thức: “Hay mình đi tìm nơi khác để sống nghen, anh”. “Lan thì dễ, chứ tui làm sao được. Còn cha già, còn mộ mẹ, tổ tiên ông bà, tui làm sao bỏ đi đành”. Họ ngồi bên nhau suốt đêm, cổ họng đắng ngắt mà chẳng nói thêm được lời nào. Họ như hai pho tượng lặng im mà cõi lòng tan nát. Đến lúc tiếng gà gáy sáng văng vẳng cất vang, bất ngờ anh vùng chạy và nấc lên nghẹn ngào:
- Tui đâu còn thương Lan nữa. Lan hãy quên tui mà đi lấy chồng!
Ngày đám cưới Lan, anh vẫn vác cuốc ra đồng. Người ta lại xì xầm chắc thằng Nhớ hết thương con Lan nên mới dửng dưng như người xa lạ. Nhưng anh ra đồng mà chẳng cuốc được lát đất nào. Cứ chống cuốc đứng ngẩn ngơ như trời trồng. Rồi ù chạy về nhà xách cây đàn ra gốc xoài. Lũ nhỏ lại xúm tới. Tay anh run run lên dây, lên hoài mà đàn có phát ra được âm thanh đâu. Có đứa la lớn, đây đàn ướt nhèm làm sao mà đánh được. Rồi chúng đồng thanh sao anh khóc vậy! Đâu có. Có mà, nước mắt ước cả thùng đàn đây nè. Tại... tại anh chảy mồ hôi nhiều đó. Mà thật, cả thân mình anh mồ hôi nhễ nhại hơn đi cày về. Tội nghiệp, lũ nhỏ chạy đi kiếm quạt, quạt lấy quạt để cho anh. Rồi chúng ngóng tiếng đàn như ngóng mẹ đi chợ về. Thế mà không gian vẫn chùng lắng, âm thanh vẫn lịm tắt như vì sao sa cuối trời. Từ đấy chẳng ai còn nghe tiếng đàn của anh nữa.
Chuyện thiệt lạ, Lan lên xe hoa mà khóc ngon khóc lành. Khóc hết nước mắt. Hay đúng hơn phần nước mắt còn lại, đem nén chặt vào tim để dành ba hôm sau lén chồng chạy về nhà nhờ lũ nhỏ nhắn anh ra quán mà tấm tức dỗi hờn. “Lan khóc vầy, người ta nói tại tui mà Lan phụ bạc. Nếu Lan không thương yêu chồng thì tui phải rời bỏ nơi chôn rau cắt rốn này thôi”. Anh sợ phải xa quê hương đầy ắp kỷ niệm ngọt ngào, bất ngờ bật lên tiếng thút thít: “Lúc ấy chẳng biết tui phải đưa cha đi tít tận phương trời nào”. Lan khóc nhiều hơn. Khóc để chẳng bao giờ được khóc nữa. Cũng từ đó người ta thấy Lan tưng tiu, thương yêu chồng, mặt mày nàng luôn hớn hở. Bất chợt một lần gặp nhau giữa đường Lan hỏi: “Anh giận Lan sao mà chưa lấy vợ để chăm sóc cha già”. “Tại... tại cung đàn...mà thôi, tui sẽ nghe lời Lan”. Rồi quày quã ra đi không ngoái đầu nhìn lại dù Lan còn đắm đuối trông theo.
Lụi hụi non trưa, anh Nhớ vai vác cần câu, tay xách xâu cá ra về. Trong chớm xuân, ánh nắng lung linh nhảy múa. Anh cố quên đi kỷ niệm xưa nhưng sao vẫn cứ nhớ, vẫn cứ thấy đám cưới của Lan chờn vờn trước mặt. Vậy mà người ta nói anh là thằng con trai phụ bạc. Có ai biết lòng anh day dứt đến mức nào đâu. Biết bao đêm anh thức trắng, cứ thở ra nghe mà não nuột. May có con mực luôn quấn quýt, an ủi lòng anh. Đang đi bỗng nó khựng lại, hít hít rồi kêu ư ử. Nó định phóng đi nhưng quay nhìn anh, nhận lấy ánh mắt nghiêm khắc của chủ, nó đành quỳ xuống. Thì ra từ đằng xa, trước mặt nó có hai con chó đang phải lòng nhau. Tội nghiệp con mực, tuổi đã nhiều mà hình như chưa biết hạnh phúc cuộc đời. Thấy bạn nó sung sướng, không kiềm lòng được nữa liền phóng tới. Anh gọi lại, buộc lòng nó phải quay về trong buồn bã. “Tụi nó đang hạnh phúc, định đến phá đám hả. Đừng có ích kỷ. Đến đó tranh giành nhau chẳng sứt tai cũng mẻ trán, nào có hay ho gì”. Anh vỗ về vào đầu rồi vuốt ve nựng nịu nó: “Thôi, chờ qua ba ngày tết, tao dẫn lên xóm trên tìm bạn cho nghen”. Con mực quẫy đuôi ra điều mừng rỡ.
Thêm mùa xuân nữa, mùa xuân thứ ba anh xa Lan mà chưa lấy vợ. Tết về lũ trẻ mừng vui xúng xính trong quần áo mới. Chúng vây quanh, bắt anh đánh đàn. “Bộ không nhớ anh nghỉ đàn rồi sao mà còn nhắc nữa?”. “Chồng chị Lan nghiện ngập bỏ đi xa rồi, không về. Đem đàn ra đánh cho vui đi anh”. Anh có nghe nhưng không tin. Bây giờ lũ nhỏ mà nói thì chẳng sai rồi. Anh nắn nót lên dây đàn. Cung đàn đợi chờ quyện nỗi lòng anh len lỏi vào mọi ngóc ngách mùa xuân. Đất trời xuân, hương xuân, mây gió xuân... tất cả rạo rực, ngân nga tha thiết!.
Anh đợi chờ ai vậy cà! Đố ai biết được.
Chờ đến bao giờ lận? Thêm mùa xuân nữa!...
------------------------------------------------------
Tên: Mai Lê Hoàng Hoa
Tuổi: 21
Nghề nghiệp: Sinh viên
[h=4]CUNG ĐÀN MÙA XUÂN[/h]
Mùa xuân sắp về. Ở xóm nhỏ này, từng kẽ đá tưởng như khô cằn cũng cựa mình bởi những mầm non vừa nhú nở. Anh Nhớ ngồi thả câu mà mơ màng theo từng giọt khí trời rơi khe khẽ làn ao. Hơn hai giờ đồng hồ mới câu được bốn năm con cá rô. Anh ráng câu thêm để có cá kho cho ba ngày tết. Con mực nằm lim dim, chờ lâu chừng như cũng mỏi, buồn chí đứng lên đi tìm cào cào, châu chấu đùa giỡn.
Cha anh Nhớ ở nhà cặm cụi quét dọn bàn thờ. Mười năm rồi, cứ cuối năm ông đem ảnh vợ ra lau chùi. Ông lau bằng thứ bông thấm nước tinh khiết mới mua ở quán về lại xịt thêm nước hoa. Vừa lau vừa ngắm nghía. Nhìn vợ tươi roi rói của tuổi mới ngoài ba mươi, ông cười với vợ mà miệng méo xệch. Càng nhìn ông càng nghe đứt từng đoạn ruột. Nghe nhớ thương quá chừng. Mỗi lần bà đau bệnh, điều trị bằng thuốc tây bao nhiêu cũng chưa đủ, ông lặn lội lên rừng tìm lá thuốc về thứ xông, thứ sắc cho bà uống. Ông ngồi sắc thuốc mà cứ nóng ruột nóng gan. Đến mấy lần rót ra đổ vào để xem chúng còn đúng bảy phân. Ông cho bà uống chầm chậm từng chút một như người mẹ đút cháo còn nóng cho con. Bà hơi khoe khỏe, ông đi câu cá về nấu cháo, tỉ mẩn lọc từng tí thịt không để dính xương. Ông thương bà vậy đó. Hỏi sao vắng bà ông không héo queo héo quắt!.
Từ khi về ở với ông hơn mười năm, bà đau ba trận vậy mà không sao. Đến khi ông bị nhiễm nước bởi vật lộn với dòng sông cuồn cuộn sóng để cứu sống một người phụ nữ do lũ cuốn trôi. Hơn mười ngày ông chưa dứt hẳn bệnh. Bà lại cùng con mực, lên rừng tìm lá thuốc. Con mực vừa tròn một năm tuổi, ra dáng anh chàng lực lưỡng. Nó chạy nhảy khắp nơi. Bà bắt gặp những khóm nấm mối. Cứ thế, lòng mừng vui, bà đi sâu vào rừng. Nhổ những cây nấm mập mạp bà như nghe mùi thơm phưng phức, ngọt lịm tỏa ra từ nồi cháo. Ăn được cháo nấm đầu mùa chắc ông nhanh lại sức. Lòng bà khấp khởi. Chừng như thấm mệt, bà ngồi lên thân gỗ mục để nghỉ và gọi con mực về. Bỗng khúc gỗ mục ấy cuộn tròn, quấn riết lấy bà – thì ra đó là một con trăn. Con mực chạy đến chưa kịp quẫy đuôi, trông thấy cảnh tượng hãi hùng, nó cũng hiểu ra liền nhảy xổ tới, nhè đầu con trăn mà ngoạm, xé, tới tấp. Mặc, con trăn vẫn siết chặt. Đến lúc đầu con trăn thành một đống bầy nhầy, máu me đỏ ối, con mực ngoạm lấy áo kéo ra được thì người bà đã mềm nhũn, chỉ còn thoi thóp. Nó quì xuống liếm láp thân bà và và rên ư ử như nói lời tha tội vì đã chơi xa. Bà gắng sức xua xua bàn tay, bảo đi. Nó hiểu ý phóng chạy về nhà.
Lừng khừng, mặt trời đã đứng bóng lúc nào không biết nữa. Ông nằm chờ bà về mà như nằm trên đống lửa. Lần bậc cửa, ngồi trông ra đầu ngõ chẳng thấy bóng dáng bà đâu. Chừng như trỗi dậy dỗi hờn, ông bèn quay lưng thì con mực chạy về. Nó không mừng rỡ như mọi khi mà rên lên thống thiết. Ông biết chắc điều chẳng lành đã xảy ra với vợ. Nước mắt ông chảy dài. Đất trời quay cuồng. Ông quị xuống. Thằng Nhớ ở đâu chạy về thấy thế luýnh quýnh gọi người cứu chữa. Ông thều thào: “Tôi hổng sao đâu, nhờ bà con đi theo con mực để cứu vợ tôi”. Con mực đi trước, đoàn người theo sau mà lo già lo non.
Ông chịu cảnh gà trống nuôi con chứ không đi bước nữa. Con đã mười tuổi ông còn ru trên võng. Lời ru sao da diết quá chừng: “Ầu ơ... non xanh bao tuổi mà già...” Lời ru lại còn ngân nga: “Ầu ơ... chớ... khăn thương nhớ ai, khăn rơi xuống đất...” Âm điệu cứ theo gió theo mây mà bay tít mù xa. Chẳng biết lời ru ấy có thấu tận thiên đình chăng mà thường thường mỗi lần ông ru con đất trời cũng buồn rười rượi. Một hôm Nhớ đi học về, thấy mắt cha đỏ hoe mà không dám hỏi. Cơm nước xong ông bảo con nằm vào võng để ông ru. Nó liền phụng phịu: “Con lớn rồi mà cha cứ ru hoài, bạn bè biết được chọc ghẹo, con mắc cỡ ghê”. “Cha mầy!...” Ông mắng yêu con mà tự dưng nước mắt chảy ràn rụa. Từ đó mỗi khi buồn buồn ông lên võng nằm đung đưa rồi hát ru một mình mà không vỗ về ru con nữa. Bây giờ đến tuổi nầy, mỗi khi đặt lưng lên chiếc võng, anh Nhớ lại ngẩn ngơ lời ru của cha. Lời ru đã an ủi lòng ông ở vậy để nuôi anh khôn lớn nên người.
Anh Nhớ cặm cụi làm đồng không biết mệt, vẫn chưa đủ, để cha đỡ buồn còn học đàn và gảy cho cha nghe. Thấy anh có năng khiếu âm nhạc cha mừng vui như mở cờ trong bụng. Ban đầu chỉ có con mực nằm bên vểnh tai mơ màng. Rồi tụi nhỏ ở gần cũng mê tiếng đàn anh lúc nào không biết. Mấy đứa nhỏ lại xúi anh đem đàn ra ngõ, ngồi dưới gốc xoài ngân nga thanh trầm thanh bổng, tha hồ mà quyện gió vờn mây. Tại bởi nghe lời tụi nhỏ, trái tim anh chừng như ngủ yên cũng khẽ cựa mình. Tiếng đàn làm cô Lan bán quán gần bên ngơ ngẩn. Có hôm mê tiếng đàn, khách hàng bảo bán trà lại đưa thuốc lá. Ban đầu anh vẫn vô tình đâu hay biết. Người ta xầm xì, anh chỉ cười tựa nghe làn gió thoảng qua. Khi chuyện đồn ầm lên hết xóm, nhột cả lỗ tai anh vẫn bình thản như người rời xa thế tục. Đến lúc cha sai mua xị rượu, anh đứng trước quán ngập ngừng mãi mới nói nên lời. Chị lại cố bán rề rà như để được ngắm anh thêm chút nữa. Đưa chai rượu, chị nhìn tay anh khen bàn tay đẹp. “Đâu có, bàn tay tui cuốc ruộng sần sùi đây nè”. Anh lại ngửa bàn tay ra như hồi còn đi học xòe tay cho thầy kiểm tra vệ sinh. Chị cười mà ửng hồng đôi má: “Bàn tay tài hoa mới đánh đàn hay để bắt người ta quên ăn quên ngủ. Anh không thấy bàn tay tôi to đùng, ngón tay như dùi đục đây sao”. Lần đầu chạm phải làn da phái đẹp anh nghe máu chạy râm ran cả người.
Mùa xuân lại về, ở xóm này cái gì cũng khoác lên mình nét duyên dáng. Từ đó anh thường ra quán để mua gói trà hay bao thuốc lá cho cha, có khi chỉ là năm trăm đồng bột ngọt. Một ngày mà anh chưa ghé quán là chị vẫn đợi vẫn chờ. Dù muộn một chút hay không mua gì anh cũng đi qua để chị được nhìn, được nghe mùi thơm rơm rạ, mùi mồ hôi nồng nồng ngai ngái. Bữa nào không được hít thứ mùi quen thuộc ấy chị chẳng tròn mộng đẹp. Vậy mà chị đã ra đi lấy chồng.
Ai đời, đi xem ngày lành tháng tốt để làm đám hỏi, người ta lại nói tuổi không hợp nhau. Chuyện đời ác nghiệt thiệt, ai bày ra chi tuổi xung khắc để chia cắt mối tình da diết. Đêm ấy, ngồi bên chị mà anh Nhớ buồn lắm. Buồn đến đến teo tóp mặt mày. Chị bảo anh đừng tin, thuận vợ thuận chồng tát biển đông cũng cạn kia mà. “Hổng được đâu, người đời họ để miệng vô, họ thêm mắm thêm muối làm sao sống nổi”. Anh trả lời mà giọt lệ ngắn, giọt lệ dài tuôn rơi lã chã. Chị úp mặt vào ngực anh, thổn thức: “Hay mình đi tìm nơi khác để sống nghen, anh”. “Lan thì dễ, chứ tui làm sao được. Còn cha già, còn mộ mẹ, tổ tiên ông bà, tui làm sao bỏ đi đành”. Họ ngồi bên nhau suốt đêm, cổ họng đắng ngắt mà chẳng nói thêm được lời nào. Họ như hai pho tượng lặng im mà cõi lòng tan nát. Đến lúc tiếng gà gáy sáng văng vẳng cất vang, bất ngờ anh vùng chạy và nấc lên nghẹn ngào:
- Tui đâu còn thương Lan nữa. Lan hãy quên tui mà đi lấy chồng!
Ngày đám cưới Lan, anh vẫn vác cuốc ra đồng. Người ta lại xì xầm chắc thằng Nhớ hết thương con Lan nên mới dửng dưng như người xa lạ. Nhưng anh ra đồng mà chẳng cuốc được lát đất nào. Cứ chống cuốc đứng ngẩn ngơ như trời trồng. Rồi ù chạy về nhà xách cây đàn ra gốc xoài. Lũ nhỏ lại xúm tới. Tay anh run run lên dây, lên hoài mà đàn có phát ra được âm thanh đâu. Có đứa la lớn, đây đàn ướt nhèm làm sao mà đánh được. Rồi chúng đồng thanh sao anh khóc vậy! Đâu có. Có mà, nước mắt ước cả thùng đàn đây nè. Tại... tại anh chảy mồ hôi nhiều đó. Mà thật, cả thân mình anh mồ hôi nhễ nhại hơn đi cày về. Tội nghiệp, lũ nhỏ chạy đi kiếm quạt, quạt lấy quạt để cho anh. Rồi chúng ngóng tiếng đàn như ngóng mẹ đi chợ về. Thế mà không gian vẫn chùng lắng, âm thanh vẫn lịm tắt như vì sao sa cuối trời. Từ đấy chẳng ai còn nghe tiếng đàn của anh nữa.
Chuyện thiệt lạ, Lan lên xe hoa mà khóc ngon khóc lành. Khóc hết nước mắt. Hay đúng hơn phần nước mắt còn lại, đem nén chặt vào tim để dành ba hôm sau lén chồng chạy về nhà nhờ lũ nhỏ nhắn anh ra quán mà tấm tức dỗi hờn. “Lan khóc vầy, người ta nói tại tui mà Lan phụ bạc. Nếu Lan không thương yêu chồng thì tui phải rời bỏ nơi chôn rau cắt rốn này thôi”. Anh sợ phải xa quê hương đầy ắp kỷ niệm ngọt ngào, bất ngờ bật lên tiếng thút thít: “Lúc ấy chẳng biết tui phải đưa cha đi tít tận phương trời nào”. Lan khóc nhiều hơn. Khóc để chẳng bao giờ được khóc nữa. Cũng từ đó người ta thấy Lan tưng tiu, thương yêu chồng, mặt mày nàng luôn hớn hở. Bất chợt một lần gặp nhau giữa đường Lan hỏi: “Anh giận Lan sao mà chưa lấy vợ để chăm sóc cha già”. “Tại... tại cung đàn...mà thôi, tui sẽ nghe lời Lan”. Rồi quày quã ra đi không ngoái đầu nhìn lại dù Lan còn đắm đuối trông theo.
Lụi hụi non trưa, anh Nhớ vai vác cần câu, tay xách xâu cá ra về. Trong chớm xuân, ánh nắng lung linh nhảy múa. Anh cố quên đi kỷ niệm xưa nhưng sao vẫn cứ nhớ, vẫn cứ thấy đám cưới của Lan chờn vờn trước mặt. Vậy mà người ta nói anh là thằng con trai phụ bạc. Có ai biết lòng anh day dứt đến mức nào đâu. Biết bao đêm anh thức trắng, cứ thở ra nghe mà não nuột. May có con mực luôn quấn quýt, an ủi lòng anh. Đang đi bỗng nó khựng lại, hít hít rồi kêu ư ử. Nó định phóng đi nhưng quay nhìn anh, nhận lấy ánh mắt nghiêm khắc của chủ, nó đành quỳ xuống. Thì ra từ đằng xa, trước mặt nó có hai con chó đang phải lòng nhau. Tội nghiệp con mực, tuổi đã nhiều mà hình như chưa biết hạnh phúc cuộc đời. Thấy bạn nó sung sướng, không kiềm lòng được nữa liền phóng tới. Anh gọi lại, buộc lòng nó phải quay về trong buồn bã. “Tụi nó đang hạnh phúc, định đến phá đám hả. Đừng có ích kỷ. Đến đó tranh giành nhau chẳng sứt tai cũng mẻ trán, nào có hay ho gì”. Anh vỗ về vào đầu rồi vuốt ve nựng nịu nó: “Thôi, chờ qua ba ngày tết, tao dẫn lên xóm trên tìm bạn cho nghen”. Con mực quẫy đuôi ra điều mừng rỡ.
Thêm mùa xuân nữa, mùa xuân thứ ba anh xa Lan mà chưa lấy vợ. Tết về lũ trẻ mừng vui xúng xính trong quần áo mới. Chúng vây quanh, bắt anh đánh đàn. “Bộ không nhớ anh nghỉ đàn rồi sao mà còn nhắc nữa?”. “Chồng chị Lan nghiện ngập bỏ đi xa rồi, không về. Đem đàn ra đánh cho vui đi anh”. Anh có nghe nhưng không tin. Bây giờ lũ nhỏ mà nói thì chẳng sai rồi. Anh nắn nót lên dây đàn. Cung đàn đợi chờ quyện nỗi lòng anh len lỏi vào mọi ngóc ngách mùa xuân. Đất trời xuân, hương xuân, mây gió xuân... tất cả rạo rực, ngân nga tha thiết!.
Anh đợi chờ ai vậy cà! Đố ai biết được.
Chờ đến bao giờ lận? Thêm mùa xuân nữa!...
------------------------------------------------------