"Cụm từ rắc rối" trong Tiếng Anh

Bạch Việt

New member
Xu
69
" CỤM TỪ RẮC RỐI" TRONG TIẾNG ANH

Một lần cô giáo làm một cuộc khảo sát nho nhỏ trong lớp học và đưa ra câu hỏi: Học tiếng Anh, cái gì là khó nhất? ( Phát âm? ngữ pháp? or nghe nói? ...) Tôi mạnh dạn trả lời: "không, cái khó nhất là cách dùng từ".

Sau đó tôi đưa ra 1 số ví dụ chứng minh như sau:

- Trong từ “Company” thì ai cũng biết đó là “công ty”. Nhưng xem phim thấy 2 người trong xe hơi nhìn vào gương chiếu hậu rồi nói “We’re got company” thì bạn sẽ hiểu như thế nào? Ở đây “company” nghĩa là “cái đuôi” - Chúng ta có cái đuôi bám theo. Một nghĩa khác của “company” là “bạn bè”. Ví dụ: “We’re are judged by the company we keep” – “Người ta sẽ xét đoán bạn qua bạn bè mà bạn đang giao du”. Thế mới có cách chơi chữ độc đáo với từ “company”.
- “Good” từ này đơn giản ai cũng biết. Nhưng gặp câu sau thì phải dè chừng “I’m moving to Europe for good”. Vì “for good” là thành ngữ “mãi mãi, đi luôn”. Hay từ “good” trong câu sau chỉ tương đương như “very”: “I’ll do it when I’m good and ready”. Cụm từ “as good as” tưởng đâu là so sánh bằng, nhưng thật ra chúng mang nghĩa “gần như, hầu như” trong câu sau: “The US$2,000 motorbike is as good as new”.

- "Rather” và “fairly” đều dịch là “khá” nhưng ý nghĩa lại rất khác nhau. “We’re having rather cold weather for October” – “Tháng mười mà thời tiết như thế này thì hơi lạnh”, “rather” mang ý nghĩa chê, thất vọng. Trong khi đó “fairly” mang ý nghĩa khen: Oh, it’s fairly easy” – “Ồ, bài tập này khá dễ”. Sẽ khác với câu “Oh, it’s rather easy” – “Ồ, bài tập này xoàng quá”.

- “Continuous” và “continual” đều có nghĩa là “liên tục”. Nhưng “continual loss of power during the storm” có nghĩa là mất điện liên tục suốt trận bão (có điện rồi lại mất điện), còn “continuous loss of power during the storm” lại là mất điện hẳn suốt trận bão.

- “Housewife” và “homemaker”: “Housewife” nghĩa là người nội trợ theo nghĩa người Anh. Nhưng người Mỹ rất ghét từ này, họ cho rằng nó hạ thấp vai trò phụ nữ. Họ thích từ “homemaker” hơn.

Nhất là các cụm từ trong tiếng anh. Ngay cả những loại từ thương mại như “trade” có nghĩa là buôn bán, trao đổi, nghề nghiệp. Nhưng khi dùng với các từ “down, up, in, on” lại có những hàm ý khác nhau. Ví dụ: bạn có một chiếc xe hơi, bạn đổi lấy một chiếc mới hơn, tốt hơn và bù thêm một khoản tiền thì dùng “trade up”, đổi xe cũ hơn và nhận một khoản tiền bù thì dùng “trade down”. “Trade in” mang ý nghĩa chung, đổi hàng này lấy hàng khác. Còn “trade on” thì mang ý nghĩa xấu “lợi dụng” như “Children of celebrities who trade on their family names”.


 
Vàng, mà lại không phải là vàng, mà lại là vàng, là cái gì?

“Vàng” trong tiếng Việt là tiếng để chỉ “một màu sắc” (yellow), “một kim loại quí” (gold), nhưng cũng còn để chỉ “một vật, một thời kì hưng thịnh/vàng son/hoàng kim, một giai đoạn ăn nên làm ra/tiếng tăm lẫy lừng” (golden days). Trong tiếng Việt nói là “vàng” mà khi nói sang tiếng Anh người ta không nhất thiết phải dùng chữ “vàng”. Ví dụ: tiệm bán vàng lại là “a jewellery shop” hay “the jeweller’s” (tiệm kim hoàn, tiệm/hiệu bán nữ trang), còn những người bán vàng thì lại được gọi là “gold merchants” hay “gold dealers”. Tiếng Anh họ cũng nói All that glitters/glisters is not gold (Tất cả cái gì lóng lánh/lấp lánh không chắc đã phải là vàng) là có ý cảnh báo người đời “chớ có tưởng bở”, “chớ thấy sáng chói mà tưởng là vàng”. Thấy người, thấy của vậy mà chưa chắc đã là người tốt, của quí đâu đấy!

Người Anh họ không nói “a yellow-skinned Vietnamese”, để chỉ “người Việt da vàng”, mặc dù nói thế là nói đúng ngữ pháp, văn phạm. Trong tiếng Anh, chữ “yellow” không đi cùng với “skin”(da) mà chỉ đi cùng với chữ “race” để chỉ hoàng chủng (yellow race), khác với bạch chủng (white race), hắc chủng (black race). Ngặt một nỗi, tiếng “yellow” lại liên hệ tới cowardice (sự hèn nhát), dùng trong tiếng Anh như một thuộc từ, chẳng hạn như khi ta nói: “He’s yellow” thì lại có nghĩa là “Hắn là thằng chết nhát” (He’s a coward). Nhưng trong “áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc”, Nguyên Sa không chỉ yêu màu vàng (yellow) mà còn yêu cả màu cam (orange) nữa, bởi vì tiếng Việt “cam” cũng là “vàng” nếu không cần phân biệt kĩ. Cũng như khi ta nói “màu xanh” mà không nói rõ, người nghe có thể hiểu theo nghĩa “blue” hay ‘green”.

Khi để chỉ màu sắc “vàng”, ngoài từ “yellow”, tiếng Anh còn dùng từ “gold” như trong “green and gold” (màu xanh lá cây và màu vàng) là hai màu gọi là màu dân tộc Úc (Australian national colours) khi tranh giải thể thao. Người Úc dùng “gold” thay vì “yellow” để ám chỉ rằng người Úc là thuộc loại xịn, ngon lành (good) chứ không phải thuộc loại dởm, xoàng xĩnh (mediocre). Hai màu “green” và “gold” là màu lấy từ loại hoa đặc trưng của Úc the Wattle (hoa mi-mô-da Úc).

“Gold” còn dùng để nói đến huy chương trong các giải thi đấu thể thao. Có ai trong chúng ta đã đoán, đã đánh cá xem đội banh nào sẽ thắng trận chung kết để lãnh huy chương vàng (gold medal) trong Giải Bóng Đá Thế Giới này chưa? Liệu đội nhà Socceroos của Úc chúng ta có hi vọng vào sâu được đến đâu? Với tên đội banh là Socceroos thì quả là ai đó đã khéo đặt. Này nhé, Soccer là “bóng đá”, còn roo là chữ viết tắt của chữ “kangooroo” (đại thử), ý nói là Úc. Có điều cần ghi nhận là trong từ Socceroos chỉ có một chữ r sau chữ soccer và roos có thêm chữ s.

Khi để chỉ cái gì hiếm quí, tiếng Anh dùng chữ “golden” (bằng vàng). Trong trận Bóng đá Thế giới vừa rồi, Harry Kewell, cầu thủ hàng đầu của Úc, đã được gọi là “the Golden Boy with the Golden Boot” (Cậu Quí tử với chiếc Giầy Vàng). Khi anh dùng chân phải đá quả banh lọt khuôn thành của Croatia để san bằng tỉ số 2-2 vào gần giờ phút chót, người tường thuật trận đấu đã la lên: “The golden boy has kicked the golden goal” (Cậu con cưng vừa đá ghi bàn thắng bằng vàng).
 
Khám phá thêm những điều thú vị của ngôn ngữ qua 2 từ "curriculum and resumé"
1. Curriculum vs. syllabus

Curriculum: mang nghĩa những môn học nằm trong khung chương trình đào tạo của trường đại học, cao đẳng, trung học hay phổ thông.

The National Curriculum stipulates the core subjects and foundation subjects to be taught in state schools in England and Wales. (Chương trình đào tạo quốc gia quy định những môn chuyên ngành và cơ bản phải được dạy trong các trường công tại Anh và xứ Wales).
Số nhiều của danh từ này là curricula hoặc curriculums, tính từ là curricular.

Syllabus: mang nghĩa chủ đề của một môn học nằm trong chương trình. Từ này khác curriculum ở chỗ nó mang nghĩa nội dung của một môn học nào đó, trong khi curriculum dùng để chỉ nội dung của toàn bộ chương trình đào tạo.

The English literature has a very extensive syllabus. (Môn văn học Anh có nội dung kiến thức rất rộng).
Số nhiều của danh từ này là syllabuses hoặc syllabi.


2. Curriculum vitae vs resumé

Curriculum vitae (CV): là một bản liệt kê ngắn gọn dưới dạng viết hoặc đánh máy, trình bày về cuộc đời, trình độ học vấn và sự nghiệp của một người, thường được dùng trong tuyển dụng hoặc tài liệu nghề nghiệp. Số nhiều của danh từ này là curricula vitae, nhưng thông thường vẫn được viết tắt là CV.

Resumé: nghĩa gốc là bản tóm tắt.

I will give a quick resumé of the results from the initial meeting. (Tôi sẽ ghi tóm tắt kết quả của các buổi họp kể từ buổi họp đầu tiên).
Trong tiếng Anh Mỹ, resumé đồng nghĩa và có thể được dùng thay thế Curriculum vitae.

Applicants are invited to submit their resumés. (Các ứng viên phải nộp bản sơ yếu lý lịch).
Lưu ý dấu “sắc” trong chữ này mỗi khi bạn viết nhé. Vì nếu không thì nó sẽ dễ làm người đọc nhầm sang một từ khác dưới đây đấy!


3. Resumé vs Resume

Với nghĩa như trên, danh từ resumé không thể bị hiểu nhầm với động từ resume mang nghĩa bắt đầu lại một cái gì đó sau một thời gian tạm dừng.

After the strike, it took two days before the production resumed. (Sau cuộc đình công, phải mất đến hai ngày để khởi động lại sản xuất).
Danh từ của động từ resume là resumption.


Chỉ xung quanh có 2 từ curriculum và resumé thôi mà đã có không biết bao nhiêu điều thú vị xảy ra. Tiếng Anh không dễ, nhưng cũng không phải quá khó phải không bạn?
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top