'Con phải đến trường, dẫu lưng mẹ oằn thêm...'
Nhà Uớc rất nghèo, đến mức khó tin được ở thị trấn ngay cạnh QL1A mà còn có ngôi nhà như vậy. Ngoài giờ học, Uớc trở về nhà giúp mẹ mang những thúng lúa đã lên mầm vì ngâm nước lũ ra phơi.
Học sinh đến trường thưa hơn trước
Trường tiểu học Đại Lộc 1 tuần sau khi con nước rút vẫn còn nhầy nhụa bùn đất. Dọc theo các hành lang, các cô giáo đang cố gắng phơi khô đống sách vở, tài liệu bị nước cuốn trôi.
Cô giáo Phượng - Hiệu trưởng nhà trường, vừa tất bật chạy đi hong khô ít sách vở của học sinh còn sót lại, giọng buồn buồn: "Hơn 10 ngày bị ngâm trong nước, sách vở, các thiết bị dạy học bị hỏng hết. Học sinh đến trường cũng thưa hơn trước. Nhiều em không còn sách vở, quần áo để đến trường nữa. Thương lắm."
Những đống sách vở vẫn chưa kịp khô cho ngày trở lại trường tại trường Tiểu học Đại Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh. Ảnh: Duy Tuấn
Cô Phượng bảo, mặc dù ở ngay thị trấn của huyện Can Lộc nhưng học sinh của trường còn rất nhiều em có hoàn cảnh khó khăn. Ngày thường, mưa thuận gió hòa, nhiều em còn chưa đủ cái ăn, cái mặc để đến trường nữa là huống chi vào mùa mưa lũ.
Hiệu trưởng trường Tiểu học Đại Lộc đưa cho chúng tôi bản danh sách những em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn rồi bảo: Trường có 20 em hoàn cảnh đặc biệt. Em thì bị bố mẹ bỏ rơi khi còn nhỏ, đến giờ chưa thấy mặt người thân thế nào, may mắn được đôi vợ chồng nghèo nuôi ăn học; em thì bố mẹ đi làm thuê ở tận trong miền Nam, ở nhà với ông bà ngoại tuổi đã ngót nghét 80. Ngày lũ, một già một trẻ phải chui lên nóc nhà nhìn con nước đục ngầu cuốn phăng tất cả tài sản trong gia đình....
Điểm 10 ngâm trong nước lũ. Ảnh: Duy Tuấn
Đối với các em, chuyện ăn uống hàng ngày đã khó, huống hồ nói chi đến việc học hành cho đến nơi đến chốn.
"Ấy vậy mà các em vẫn ham học. Trời rét căm căm, vẫn nhịn đói, đội mưa đến trường. Mưa lớn, sẵn sàng cởi áo mưa để bọc cặp và sách vở, mặc cho người bị ướt hết..." - cô giáo Phượng kể.
Nhà của em Từ Dương Ước, học sinh lớp 3B trường tiểu học Đại Lộc nằm ngay tại xóm Phúc Sơn, thị trấn Nghèn chỉ rộng khoảng gần 20 m2, được lợp bằng tranh, bao quanh bởi những phên đất. Nhiều người còn không hiểu nổi tại sao ngôi nhà này vẫn không bị nước lũ cuốn trôi trong đợt lũ vừa rồi.
Nhà Uớc rất nghèo, đến mức khó tin được ở thị trấn ngay cạnh QL1A mà còn có ngôi nhà như vậy. Ngoài giờ học, Uớc trở về nhà giúp mẹ mang những thúng lúa đã lên mầm vì ngâm nước lũ ra phơi. Ảnh: Hoàng Sang
Trong ngồi nhà nhỏ bé tin hin, chị Nhỏ đáng lúi húi phơi khô một ít thóc đã lên mộng - tài sản duy nhất còn sót lại sau đợt lũ vừa qua. Một người hàng xóm đi ngang chép miệng: "lúa má thế này, chỉ còn cách xay nhỏ nấu cho lợn ăn".
Chị Nhỏ kể, mấy ngày nước lũ chưa vào, Ước suốt ngày trốn trong nhà để "canh chừng" sách vở. Nhà dột chỗ này thì chuyển áo quần, sách vở sang chỗ khác. Khổ nỗi, căn nhà tranh xiêu vẹo này chỉ có duy nhất chỗ nằm của 2 mẹ con là không bị dột nhờ có tấm bạt mà chị đi xin của đám thợ hồ về.
Căn nhà xiêu vẹo, nơi ở của hai mẹ con Từ Dương Uớc, học sinh lớp 3B, trường tiểu học Đại Lộc. Ảnh: Duy Tuấn
Vậy là bao nhiêu sách vở, Ước dồn hết lên cái giường rộng chừng 1m2 rồi ngồi canh chừng, phòng khi con nước ập đến.
Ước bảo: "Áo quần ướt thì còn phơi khô mặc được, chứ sách vở ướt hết, không dùng được nữa". Nghĩ vậy, nên đêm đêm, khi ngoài trời mưa như trút, căn nhà run lên trong những đợt gió, em lại lọ mọ ngồi dậy, lấy chăn trùm kín đống sách vở cũ, còn mình thì nằm co ro chờ trời sáng.
Một buổi sáng, chị Nhỏ đang đi ra ngoài thả lưới kiếm con cá về ăn thì hay tin nước lũ đã tràn vào nhà. Hớt hả chạy về thì không còn kịp nữa, nước đã ngập hơn nửa nhà. Hơn 2 tạ thóc vụ vừa rồi, mẹ con định dành dụm ăn dần trong mùa giáp hạt cũng bị nước cuốn trôi. Ngước lên trên nóc nhà, thấy ước đang ngồi bấu tay vào kèo nhà, mặt buồn rười rượi. Hỏi, Ước mếu máo: "Sách vở của con trôi hết rồi, lấy gì mà đi học tiếp đây".
Nước lũ rút, chị Nhỏ phải bảo mãi, Ước mới chịu đến trường. Hỏi vì sao, em lắc đầu nguầy nguậy rồi nói: "Đến trường mà không có sách, sợ cô mắng. Với lại, mẹ từng hứa là sau lũ sẽ bán ít thóc để đóng tiền học cho con. Giờ thóc trôi hết rồi, mẹ lấy gì để đóng tiền học".
20 suất quà trị giá 300 ngàn đồng/suất đã được đại diện báo VietNamNet gửi đến các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại trường Tiểu học Đại Lộc, thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh). Ảnh: Duy Tuấn
Hàng xóm chị Nhỏ kể rằng, chưa từng thấy ai nghèo như 2 mẹ con chị Nhỏ. Quá lứa lỡ thì, muốn có thêm một đứa con để vui cảnh tuổi già nên chị đã xin một người đàn ông cho chị một đứa con. Cái đêm ân ái đó, cũng chính tại ngôi nhà tranh, phên đất này.
9 tháng sau, chị trở dạ, cũng trong ngôi nhà gió thốc tứ bề này.
Vậy mà cũng đã được hơn mười năm có lẻ, 2 mẹ con chui rúc trong ngôi nhà phên đất này. 2 sào ruộng may sao cũng chỉ để 2 mẹ con sống qua ngày đoạn tháng. Còn tiền sách vở, giấy bút cho con chủ yếu được dành dụm từ số tiền chị đi làm thuê cho người khác. Chị Nhỏ khóc, bảo rằng: "Giờ tôi còn sức, còn lo cho con đến trường được. Nhưng lỡ một ngày tôi ốm đau, lấy đâu ra tiền nuôi cho con nó ăn học".
Góc học tập của Uớc được đặt sát cửa để lấy ánh sáng. Bàn học được nhà trường cho, còn ghế ngồi học là 2 viên gạch và 2 chiếc đòn khập khễnh. Ảnh: Trường Minh
Nhiều lần, nghe tiếng mẹ thở dài mỗi khi Ước xin tiền đóng học phí, em đã xin mẹ được nghỉ học để đi chăn trâu thuê cho người khác cho mẹ đỡ cực hơn. Thấy vậy, chị Nhỏ gạt phăng: "Dù khó đến đâu, con cũng phải đi học. Chỉ có học thì mới thoát nghèo được con ạ".
Cuối cùng thì con nước hung dữ cũng đã rút đi, thế nhưng, hậu quả mà nó để lại thì thật nghiêm trọng. Ngành giáo dục Hà Tĩnh vẫn đang phải gồng mình để đưa mọi thứ trở lại bình thường. Nhưng vẫn còn đó muôn vàn khó khăn khi hàng vạn học sinh vẫn đang phải đến lớp với manh áo mỏng manh, chân đất, những chiếc cặp không có sách vở, những lớp học đã bị cuốn theo nước lũ…!
Theo VNN.