Con người cô đơn trong tiểu thuyết của nhà văn thuận

  • Thread starter Thread starter Cua Ta
  • Ngày gửi Ngày gửi

Cua Ta

New member
Con người cô đơn trong tiểu thuyết của nhà văn thuận

MỞ ĐẦU


1.LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI

Nền văn học Việt Nam từ sau thời kì đổi mới đến nay đã có nhiều biến chuyển, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thời đại và độc giả. Đặc biệt những năm cuối thế kỉ XX đầu thế kỉ XXI, văn học Việt Nam bắt đầu vươn ra tầm văn học thế giới. Trong thành tựu lớn của văn học đương đại, chúng ta ghi nhận một lớp nhà văn Việt ở hải ngoại, sáng tác của họ đã góp phần làm cho nền văn học Việt Nam trở nên phong phú và đa dạng hơn.

Một trong số những nhà văn hải ngoại có đóng góp cho nền văn học nước nhà là Đoàn Ánh Thuận. Mặc dù sống và viết văn ở nước ngoài nhưng tác giả luôn đau đáu một nỗi niềm nhớ quê hương. Điều này được thể hiện rõ trong toàn bộ tác phẩm của nhà văn. Chính tác giả tâm sự: “Hà Nội là một ám ảnh dai dẳng, vì ở đó tôi đã sinh ra và lớn lên cho hết thời thơ ấu, nhưng khi viết về Hà Nội, tôi luôn cố gắng cư xử như một nhà văn với chủ thế sáng tạo của mình” (Hà Nội là một ám ảnh dai dẳng, Phong Điệp trò chuyện với nhà văn Thuận). Tiểu thuyết của Thuận đã đóng góp cho thành tựu mới của nền văn học đương đại Việt Nam; được công chúng độc giả đón nhận, giới nghiên cứu tìm hiểu và được Hội Nhà văn Việt Nam công nhận, đánh giá cao (Paris 11 tháng 8 của Thuận nhận Giải thưởng Văn học của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2006).
Chủ đề nổi bật trong sáng tác của tác giả Thuận là tâm trạng cô đơn của con người xa xứ. Nhân vật trong tiểu thuyết Thuận là những con người sống chông chênh giữa hai miền văn hóa, cuối cùng rơi vào sự buồn chán, bế tắc. Sự cô đơn của con người - vấn đề muôn thuở mà văn học quan tâm - được nhà văn Thuận thể hiện một cách sâu sắc. Những trang văn của Thuận đã phơi bày thế giới nội tâm phức tạp của những cái tôi đa dạng, qua đó nhà văn thể hiện rõ quan niệm mới mẻ và cái nhìn đa chiều về số phận con người- đặc biệt là bi kịch tha hương trong một bối cảnh lạnh lùng, thực dụng ở phương Tây.

Câu hỏi về số phận con người là vấn đề chung của văn học nhân loại. Nó làm nên giá trị nhân văn sâu sắc ở nhiều tác phẩm đã vượt qua mọi biên giới và thời gian. Tìm hiểu nỗi cô đơn của con người trên “mảnh đất đời người” nhiều xáo động để khẳng định sự đóng góp của nhà văn Thuận trong mối quan tâm đến số phận con người là việc làm cần thiết. Đấy chính là lý do tôi chọn đề tài: Con người cô đơn trong tiểu thuyết của nhà văn Thuận.

2. LỊCH SỬ VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU


Với năm cuốn tiểu thuyết (Made in Vietnam, Chinatown, Paris 11 tháng 8, T mất tích, Vân Vy) nhà văn Thuận đã thu hút được bạn đọc bởi nội dung và nghệ thuật mang nhiều hơi hướng lạ. Nhận định về tiểu thuyết của Thuận chúng tôi tìm thấy những bài báo, những ý kiến phát biểu qua những trang Web, cụ thể như sau:

Trong bài viết Với tôi văn chương là những chuyến đi, tác giả Thủy Lê nhận định: “Đặc điểm chung tiểu thuyết của Thuận là thường gây lạ bằng những nhan đề chứa địa danh quen thuộc: Việt Nam, Chinatown, Paris và nghe nói tới đây còn có New York”. Cũng theo Thủy Lê: Những địa danh đó liên quan đến cuộc đời và số phận nhân vật của Thuận; phần lớn nhân vật của Thuận “là những kiếp sống tha hương thậm chí đã có lúc đã chạm đến tận cùng cay đắng”.

Tiểu Quyên trong bài viết Dòng chảy trầm của văn học xa xứ khẳng định: các nhà văn xa xứ có cách nhìn cuộc sống già dặn, triết lí và đầy giá trị nhân sinh sâu sắc. Bài báo đánh giá cao sáng tác của nhà văn Thuận, nhất là viết về thân phận người phụ nữ ly hương. Tác giả bài báo đề cập đến số phận những người xa xứ, nhất là nỗi cô đơn, sự cô độc của con người trong thế giới hiện đại phương Tây.

Tác giả Đoàn Minh Tâm trong bài viết Một vài đặc trưng nghệ thuật tiểu thuyết của Thuận đã chỉ ra được một vài đặc trưng tiểu thuyết của nhà văn Thuận như sau:

Thứ nhất, về không gian Paris, theo tác giả bài báo: Đây là không gian chủ đạo, xuyên suốt trong ba tác phẩm Paris 11 tháng 8, Chinatown T mất tích.

Thứ hai, về người phụ nữ hướng nội, theo Đoàn Minh Tâm: “Thế giới nhân vật nữ Thuận sáng tác nên đa phần đều là những người hướng nội”; nhân vật của Thuận có một đời sống nội tâm mãnh liệt, họ luôn tự đấu tranh cho bản thân mình, nhưng họ vẫn là những con người cô đơn.

Thứ ba, về kết cấu tiểu thuyết, theo tác giả bài báo, mỗi cuốn tiểu thuyết Thuận lại chọn một kiểu kết cấu riêng: Made in Vietnam có kết cấu theo lối mảng; Chinatown thì theo kết cấu thời gian; Paris 11 tháng 8 có kết cấu “vận hành theo nguyên lý đối xứng”; còn T mất tích thì có kết cấu đơn giản đó là: “Bắt nguồn câu chuyện theo một nhánh phụ - việc T mất tích - rồi lan tỏa ra cuộc đời chồng T và con gái”.

Thứ tư, về bút pháp, “Văn Thuận là thứ văn lạnh, tưng tửng như không, được viết ra bởi một cái đầu lạnh, thông minh nhiều hơn là từ một trái tim chan chứa tình cảm”. Mỗi một tác phẩm, tác giả Thuận sử dụng những bút pháp khác nhau: Made in Vietnam “sử dụng chất huyền ảo”; Chinatown sử dụng “bút pháp dòng ý thức”; Paris 11 tháng 8 “sử dụng ngòi bút sắc lạnh” …

Bút pháp Thuận theo Đoàn Minh Tâm là “có chiều hướng tới cái bi. Nhưng cái bi của Thuận không khiến con người ta cảm thấy đau buồn, bi quan và chán nản mà ngược lại đưa con người ta đến sự hoài nghi triết học. Sự hoài nghi bắt nguồn từ trí thông minh và nỗi cô đơn của con người”.

Trong bài báo, Đoàn Minh Tâm nêu dự cảm rằng con người cô đơn là một trong những kiểu nhân vật trung tâm của tiểu thuyết nước nhà trong một tương lai không xa.

  • Điểm qua tình hình nghiên cứu về tác giả Thuận, có thể khẳng định chưa có một công trình nghiên cứu nào đề cập một cách toàn diện và hệ thống vấn đề con người cô đơn trong tác phẩm của nhà văn Thuận. Đây là đề tài mới. Trên cơ sở kế thừa một số công trình đi trước, chúng tôi tập trung vào hình tượng con người cô đơn trong tác phẩm của nhà văn Thuận để chỉ ra quan niệm về con người và cá tính sáng tạo của nhà văn.

3. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU


3.1. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của đề tài luận văn là tiểu thuyết của nhà văn Thuận, với những tác phẩm: Chinatown, Paris 11 tháng 8, T mất tích, Vân Vy.

3.2. Phạm vi nghiên cứu

Tác phẩm của nhà văn Thuận có nhiều yếu tố cách tân, dấu ấn hiện đại và hậu hiện đại rõ nét, gợi nhiều vấn đề để chúng ta tìm hiểu và nghiên cứu. Nhưng do điều kiện thời gian và khả năng cho phép nên chúng tôi giới hạn phạm vi nghiên cứu là vấn đề con người cô đơn trong tiểu thuyết của nhà văn Thuận - từ quan niệm về con người, hệ thống nhân vật; các kiểu con người cô đơn; phương thức biểu hiện con người cô đơn.

4. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Thực hiện đề tài Con người cô đơn trong tiểu thuyết của nhà văn Thuận chúng tôi sử dụng một số phương pháp nghiên cứu sau:

- Phương pháp cấu trúc - hệ thống
- Phương pháp phân tích
- Phương pháp so sánh (đồng đại, lịch đại)

5. ĐÓNG GÓP CỦA LUẬN VĂN

  1. Qua việc tìm hiểu Con người cô đơn trong tiểu thuyết của nhà văn Thuận, đề tài góp phần khẳng định những giá trị đích thực trong văn chương của tác giả Thuận, qua đó làm sáng rõ sự đổi mới trong quan niệm về con người - một cách tân cơ bản của tiểu thuyết Việt Nam đương đại.
  2. Khẳng định sự đóng góp của nhà văn Thuận trong thành tựu đa dạng và phong phú của văn học Việt Nam đương đại.
6. CẤU TRÚC LUẬN VĂN

Ngoài phần Mở đầu, Kết luận và Tài liệu tham khảo, luận văn được triển khai thành ba chương:
Chương 1. Tiểu thuyết của nhà văn Thuận trong dòng chung của tiểu thuyết Việt Nam đương đại
Chương 2. Các kiểu con người cô đơn trong tiểu thuyết của nhà văn Thuận - từ bình diện phản ánh hiện thực và quan niệm về con người
Chương 3. Phương thức biểu hiện con người cô đơn trong tiểu thuyết của nhà văn Thuận.
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top