“Con muốn đồ chơi đó nhưng mẹ lại không thích” – không làm chi phối được mong muốn của cha mẹ
1.Sinh nhật Phỉ Phỉ
Hôm nay là sinh nhật của Phỉ Phỉ, cả mẹ và Phỉ Phỉ đều hy vọng sẽ được trải qua một ngày thú vị vui vẻ. Mẹ đưa Phỉ Phỉ tới cửa hàng đồ chơi mà Phỉ Phỉ thích nhất.
Mẹ: Phỉ Phỉ, con thích thứ đồ chơi nào đây? Hôm nay là sinh nhật của con, mẹ cho con chọn thứ đồ chơi mà con thích nhất.
Phỉ Phỉ: Ôi! Thật tuyệt vời! Mẹ à con thích chiếc xe nhỏ này.
Mẹ: Không được, đây là đồ chơi của con trai mà. Chúng ta hãy chọn thứ khác nhé.
Phỉ Phỉ: Vậy thì, thứ đồ chơi xếp hình này nhé, con muốn có một cái.
Mẹ: Nhưng thứ này chơi hơi khó đấy. Con hãy chọn một thứ đồ chơi dành cho con gái đi.
Phỉ Phỉ: Vậy con sơn dương này đi, nó đáng yêu quá.
Mẹ: Con đã có rất nhiều đồ chơi mềm rồi mà.
Phỉ Phỉ: Nhưng con chưa có một con sơn dương nhỏ.
Mẹ: Con đã có một con chó bông, một con gấu bông, một con thỏ bông rồi. Phỉ Phỉ, con nhìn xem con búp bê kia thế nào? Nó đáng yêu đấy chứ?
Phỉ Phỉ: Ồ con sẽ mua con búp bê này, con búp bê có áo màu trắng đấy.
Mẹ: Không phải con búp bê áo màu trắng kia đâu mà là con búp bê có áo màu hồng ấy.
Phỉ Phỉ: Không, con thích cái màu trắng cơ.
Mẹ: Màu trắng dễ bẩn lắm. Màu hồng thì tốt hơn.
Phỉ Phỉ: Không thích! Không thích! Con muốn cái màu trắng cơ!
Mẹ: Con chưa nghe mẹ nói sao? Một lần như vậy nữa là mẹ không mua đâu, chúng ta đi nào!
Kết quả, Phỉ Phỉ chẳng mua được món đồ chơi yêu thích nào lại còn bị mẹ mắng.
Ở đây, điều bất hợp lí là ở chỗ người mẹ. Rõ ràng đã hứa “cho con chọn thứ con thích nhất” nhưng khi Phỉ Phỉ chọn thứ đồ chơi yêu thích nhất thì mẹ lại áp đặt sở thích của mình, cái này không được, cái kia cũng không được, rốt cuộc trở thành “những cái đã được chọn thì mẹ không mua cho”, hơn nữa lại trách con mình thật là khó hiểu. Lúc đầu, Phỉ Phỉ miễn cưỡng chấp nhận sự can thiệp của mẹ, nhưng rốt cuộc không thể nhịn được nữa, tiến tới hành vi phản kháng. Đây là kết quả tất nhiên, bố mẹ áp đặt sở thích của mình thường dẫn đến xung đột với trẻ như thế.
View attachment 9828
2. Bạn có chịu sự chi phối mạnh mẽ của bố mẹ?
Vì sao bố mẹ thường chi phối con cái?
Về cơ bản, họ chưa xem con cái của mình là một cá thể độc lập. Luôn áp đặt cách nghĩ, cảm giác và sở thích của mình lên con cái.
Cứ như vậy về lâu về dài bố mẹ sẽ trở nên thích sự cởi mở giả tạo, dễ dàng đổ lỗi cho con mình.
Tất nhiên, sự lựa chọn của người lớn là rất hợp lí, người mẹ này phủ định toàn bộ lựa chọn của Phỉ Phỉ cũng đều rất hợp lí. Nhưng vấn đề không nằm ở việc người mẹ hướng dẫn sự lựa chọn cho con cái, mà là ở chỗ bà không có năng lực và thói quen như: lí giải được cảm nhận, tôn trọng quyền tự do của trẻ.
Là người lớn, bạn hãy nghĩ lại xem, nếu cấp trên của bạn hứa cho bạn một số quyền lợi nào đó, họ sẽ buông tay và để bạn tự xoay xở một mình để hoàn thành một nhiệm vụ nào đó. Nhưng trong quá trình tiến hành, ông ta thông qua việc “chỉ đạo” cản trở công việc của bạn, định hướng bạn theo ý tưởng của ông ta, bạn có phản ứng lại không? Bạn nhất định cảm thấy cấp trên chỉ đạo rất không hợp lí, thậm chí là rất chán. Ông ta không tuân thủ lời hứa của mình cũng không tín nhiệm năng lực của bạn, càng không tôn trọng cảm giác của bạn.
Trở lại với ví dụ thứ nhất. Chúng ta nói trẻ con cũng có cách nghĩ riêng của mình, nhưng vẫn chưa thành thục. Người mẹ hoàn toàn có đủ lí do để bận tâm trong lúc mua đồ chơi cho Phỉ Phỉ như phát hiện một số nhân tố, khiến phải đắn đo khi quyết định. Cách làm tương đối thông minh đó là, người mẹ có thể dự đoán trước những ý kiến mà Phỉ Phỉ có thể đưa ra, để giải thích và quy định, bổ sung trong phạm vi những thứ đồ chơi và có thể làm phát huy năng lực phán đoán và óc tưởng tượng của trẻ. Ví dụ người mẹ có thể đưa ra quy định:
- Giá trị của đồ chơi phải trong vòng bao nhiêu tiền.
- Không mua những thứ đồ chơi nguy hiểm, dễ làm bẩn hoặc nguy hại.
- Không mua những thứ đồ chơi không phù hợp với lứa tuổi của con…như vậy có thể hạn chế tối đa sự phát sinh xung đột không hay đồng thời lại thỏa mãn được sở thích của cả mẹ và trẻ.
3.Nói trước một cách chân thành thẳng thắn là thể hiện sự tôn trọng người khác
Nói trước một cách chân thành thẳng thắn là một cách tôn trọng người khác. Cư xử với người lớn thế nào, thì với trẻ em cũng như thế. Nói rõ trước lập trường của mình, một mặt có thể tránh được sự hiểu lầm, mặt khác cũng là tín hiệu biểu hiện sự tôn trọng đối với đối phương: tôi tôn trọng cách nhìn nhận của bạn, hy vọng bạn có thể hợp tác với tôi.
Có thể phát huy tính chủ động của bản thân để hoành thành công việc, tức là trong một việc cụ thể nào đó mà trong phạm vi hẹp của bản thân có thể tự mình giải quyết được, khiên người khác có cảm giác hài lòng với việc mình đã hoàn thành. Nếu như bạn thật sự tôn trọng con cái, thì nên tôn trọng nhu cầu cá nhân của chúng.
Văn hóa truyền thống phương Đông luôn đề cao sự kính trọng và vâng lời của người nhỏ tuổi đối với người lớn tuổi, và cũng rất ít đề cao sự tôn trọng song phương. Thậm chí cho đến ngày nay, rất nhiều bậc cha mẹ không ý thức được điều đó nên đã bị phương nhiễm, bị chi phối mạnh mẽ bởi điều đó, thường không xem trọng cá tính độc lập của trẻ, vô tình hay cố ý bắt con mình phải theo ý muốn của mình và phát triển theo cái đã được vạch sẵn.
Sự giáo dục của bố mẹ như vậy thường dẫn đến hai tình huống sau:
Tình huống thứ nhất: đó là sau khi lớn lên trẻ không đủ dũng khí để thừa nhận trách nhiệm của mình, bị xem là người nhút nhát, kẻ nhát gan.
Tình huống thứ hai: có thái độ chống đối quyết liệt, đối với mọi quyền uy đều có ý nghĩ chống lại, muốn khiêu chiến. Sau khi đã trưởng thành trẻ sẽ gặp những vấn đề trở ngại trong giao tiếp xã hội, cuối cùng biến thành những người có tính cô độc.
Cho nên, để trẻ phát triển một cách lành mạnh, bố mẹ nên thường xuyên nhắc nhở mình: chớ nên trở thành một ông bố bà mẹ độc đoán. Các bậc cha mẹ thông minh nên đối xử công bằng, chính xác và tôn trọng con trẻ.
Sự tôn trọng con trẻ nên được bắt đầu từ nhỏ, và thường xuyên quán xuyến trong cuộc sống hàng ngày.
Đầu tiên, nên đối thoại bình đẳng với trẻ, chú ý đến ngữ khí của chúng khi nói, lắng nghe cách nhìn nhận của trẻ.
Thứ hai, chú ý cách phê bình đánh giá trẻ, cách nhận thức của trẻ phần lớn thông qua quá trình đánh giá của người lớn, cho nên bố mẹ không nên xem thường những đánh giá mang tính tiêu cực.
Thứ ba, tôn trọng sở thích và hứng thú của trẻ.
Thứ tư, không nên dạy dỗ con trước mặt người khác, để tránh tổn thương đến lòng tự trọng của trẻ.
Thứ năm, trên nền tảng của sự tôn trọng đó hãy hướng dẫn trẻ phân biệt phải trái, bồi dưỡng chúng tư duy một cách độc lập, học cách lựa chọn mục tiêu sống.
Thứ sáu, tôn trọng trẻ không phải nhắm mắt làm ngơ cho vừa ý trẻ.
Trong một gia đình, tối kỵ nhất là giữa người lớn và con trẻ có bầu không khí tiêu cực. Chỉ có đôi bên tôn trọng nhau, người lớn mới có thể dạy dỗ được con trẻ, mà con trẻ mới dễ dàng tuân thủ theo.
Trong bầu không khí được tôn trọng, sau khi lớn lên trẻ mới hiểu như thế nào là tôn trọng người khác. Điều đó sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống của trẻ.
Theo Sách những thói quen dạy con thành đạt*