"Con chỉ ước có đôi nạng để đến trường"
Đó là mong mỏi của cô bé Lê Thị Thúy, học sinh lớp 5D, Trường tiểu học số 2 Hòa Xuân Tây (Đông Hòa, Phú Yên). Đôi chân teo nhỏ ngay từ khi mới sinh ra, Thuý không thể đi lại như bạn bè đồng trang lứa.
Nhưng điều đó không thể ngăn được niềm khát khao học tập của cô bé. Hơn thế, trong 4 năm liền em luôn đạt thành tích học tập xuất sắc.
"Con bé sinh ra có 7 lạng thôi, nhỏ như cái chai ấy, yếu lắm, nó nằm trong lồng kính 25 ngày luôn cô à. Bác sĩ nói, con bé sống được là điều kỳ diệu đó" - bà Hồ Thị Thành (80 tuổi), bà ngoại của Thúy bắt đầu câu chuyện về cô cháu gái của mình như thế.
Dù đôi chân bị tật nguyền, gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhưng em Lê Thị Thúy luôn cố gắng vượt khó học giỏi.
Chị Nga kể: "Lúc Thúy 3 tuổi gia đình đã đưa ra Quy Nhơn chữa trị nhưng vẫn không có biến chuyển gì. Gia đình cũng khó khăn quá nên đành chịu, thương con lắm mà không biết làm sao".
Lên 6 tuổi, nhìn bạn bè cắp sách đến trường, Thúy cũng náo nức đòi cha mẹ cho đi học. Nhưng chị Nga thương con sức khỏe yếu, lại bị khuyết tật đến lớp sợ chúng bạn chê cười nên khuyên con ở nhà. Nhưng khát khao được đến lớp, được học chữ của Thúy quá lớn, anh Tài, chị Nga cầm lòng không được đành mua sắm sách vở, áo quần đưa con đến trường.
"Lúc đó con bé năn nỉ bố mẹ cho đi học dữ lắm, thấy bạn bè ríu rít đến lớp là nó ra bậc thềm ngồi nhìn theo mà nước mắt cháy ướt cả má. Thương con quá nên cho Thúy đi học chứ tôi vẫn nghĩ chắc là nó không học nổi đâu".
Thế nhưng, Thúy đã làm gia đình rất ngạc nhiên bởi ngay từ khi vào lớp 1 em đã rất sáng dạ. Dù không được học mẫu giáo, không được cha mẹ kèm chữ ở nhà nhưng khi vào lớp 1, Thúy đã nhanh chóng học kịp chúng bạn rồi vượt lên đạt danh hiệu học sinh giỏi.
Thúy (áo kẻ) luôn được bạn bè nể phục, yêu mến vì tinh thần lạc quan.
"Nhiều hôm mưa to lắm, đường thì lầy lội, hai bà cháu lùm xùm áo mưa, cháu ôm cặp sách, bà cõng cháu trên lưng cứ thế đến trường" - bà Thành kể.
Hiện nay, em Lê Thị Thúy mong muốn có đôi nạng mới để đến trường nhưng theo quan sát của PV Dân trí thì đôi tay em Thúy cũng khá yếu, việc chống nạng gặp nhiều khó khăn, nếu đeo cặp sách nặng thì em càng khó di chuyển.
Bạn đọc muốn hỗ trợ em Thúy có thể quyên góp tiền để giúp em Thúy mua một chiếc xe lăn chạy điện, như thế em sẽ thuận tiện hơn khi đến trường, nhất là khi em lên học cấp ba vì trường cấp ba khá xa nhà.
Lớn hơn một chút, thương ngoại già yếu, Thúy xin phép tự đến lớp một mình. Bố Thúy đã nhờ một người thợ mộc trong thôn đóng cho Thúy một đôi nạng gỗ nhỏ để em có thể tự đi học. Từ nhà ngoại đến lớp chỉ mất khoảng 10 phút đi bộ nhưng sao đối với Thúy lại dài đến thế. Con đường làng mấp mô những viên sỏi khiến em không ít lần bị ngã trầy đầu gối, bẩn cả chiếc áo sơ mi trắng tinh mới thay.
Nhưng tất cả những khó khăn đó không hề làm Thúy nản lòng, cô bé lại chống nạng đứng dậy, gạt nước mắt tiếp tục bước tiếp, những bước đi dù không vững chải nhưng chứa đựng quyết tâm vượt khó mãnh liệt.
Cứ thế, gần 5 năm nay, người dân ở thôn Phước Lương (Hòa Xuân Tây, Đông Hòa) đã quen thuộc với hình ảnh một cô bé nhỏ nhắn chống nạng đến trường, dù nắng hay mưa vẫn chưa nghỉ một buổi học nào.
Cô giáo Lưu Thị Nhiễm, giáo viên chủ nhiệm lớp 5D, Trường tiểu học số 2 Hòa Xuân Tây nói về cô học trò đặc biệt của mình: “Dù khuyết tật, nhưng Thúy rất thông minh, đặc biệt em luôn biết vượt khó trong học tập, Thúy là tấm gương vượt khó học giỏi để nhiều học sinh khác noi theo".
Mới đây em Lê Thị Thúy được Sở GD-ĐT Phú Yên tặng giấy khen thưởng Học sinh khuyết tật học giỏi.
Trong 4 năm liên tiếp Thúy liên tiếp là học sinh giỏi, được nhận nhiều giấy khen của Hội khuyến học xã, Sở GD-ĐT Phú Yên.
Biết gia đình khó khăn nên những khi học bài xong Thúy cũng phụ mẹ bóc hạt điều. Chị Nga rơm rớm nước mắt nói: "Con bé ngoan lắm, cứ đòi phụ mẹ việc nhà thôi. Nhưng nó có đi lại được đâu, toàn phải lết thôi nên tôi không cho nó làm. Thế là nó đòi bóc hạt điều, tay nó yếu nên bóc khó khăn lắm, thế mà cứ cương quyết làm cho bằng được. Có ngày cũng bóc được cả cân luôn đấy".
Những lúc rảnh rỗi Thúy lại giúp mẹ bóc hạt điều để kiếm thêm thu nhập.
Đôi nạng cùng Thúy đến trường bao lâu nay đã cũ mục, bị gãy nhưng không tìm được người đóng nạng mới nên bố Thúy phải quấn lại bằng dây cao su. Biết hoàn cảnh của Thúy, một nhà hảo tâm đã tặng một chiếc xe lăn nhưng đôi tay Thúy quá yếu, đường làng lại gập ghềnh nên không thể sử dụng được.
Chặng đường đến lớp của Thúy sẽ gian nan bội phần khi lên các bậc cao hơn em phải đi học xa hơn. Đôi nạng cũ kỹ liệu còn đủ sức nâng bước chân em...
Theo Dân trí.