Mẹ tôi được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất xung quanh bát ngát ruộng đồng, rồi về làm dâu cho nhà nội tôi cũng thế. Vậy mà mẹ tôi được bạn bè tôi đặt cho cái biệt danh là “cô tiểu thư”. Kể cả tôi cũng vậy. Tôi luôn xem mẹ tôi là một cô tiểu thư, còn mấy đứa con bọn tôi là những a hoàn luôn trung thành và thương yêu chủ nhất trên đời.
Mẹ tôi trắng trẻo, ốm yếu, mỏng manh, èo uột, không có cái vẻ lam lũ như những người mẹ nơi làng quê tôi, trông mẹ giống như một cô tiểu thư sinh nhầm nơi thôn dã.
Mẹ thường khoe rằng ngày xưa mẹ khỏe lắm chứ không như chúng tôi bây giờ bưng có mấy ký gạo mà mệt lên mệt xuống: “Ngày xưa tao á, tao vác cả bao xi măng năm mươi ký lên mấy tầng lầu đó nha. Ăn tới năm sáu chén cơm chứ không như bây giờ đâu”. Ngày xưa mẹ tôi giỏi thiệt. Mẹ làm ruộng giỏi, may đồ giỏi, mà chạy giặc cũng giỏi. Đó là một thời “oanh liệt”, là niềm tự hào của cuộc đời mẹ tôi mà sau này mẹ hay nhắc đến.
Khi về làm dâu cho nhà nội tôi cũng vậy. Mẹ là một người con dâu, người vợ, người mẹ rất giỏi giang. Mấy anh em chúng tôi lần lượt ra đời trong tình thương yêu chăm sóc của ba mẹ, cuộn tròn trong cái bọc ấm áp, chở che của mẹ và cứ mong muốn được ở yên như thế suốt cuộc đời.
Nhưng từ khi mẹ bệnh, cái bọc ấy vỡ ra bao lấy mẹ tôi. Chúng tôi vụt lớn lên, làm những việc mà mẹ đã từng làm. Ba tôi làm nhiều hơn. Anh tôi mới mười bốn tuổi mà đi chợ, nấu cơm, nấu cháo heo và cho heo ăn, tắm dọn chuồng heo. Kể cả đi thăm đồng, nhổ cỏ, dặm lúa, anh tôi đều làm hết.
Từ khi mẹ bệnh, tôi biết giặt đồ cho cả nhà, chăm sóc hai đứa em còn nhỏ. Mấy năm mẹ tôi bệnh, gia đình tôi nghèo đi. Mẹ tôi khó tính hơn. Ba tôi dễ chịu hơn, nuông chiều mẹ hết mực. Chúng tôi vững chãi hơn, quán xuyến hết mọi việc từ trong nhà ra đến ngoài đồng.
Ba tôi đi làm về đưa hết tiền cho mẹ tôi cười và nói: “Tiền vô nhà khó như gió vô nhà trống”. Ba đọc được những suy nghĩ của mẹ tôi. Những năm mẹ bệnh, mẹ coi như mình là người bỏ đi, không còn có ích gì nữa, chỉ có mạnh khỏe làm việc thì con người mới tồn tại và có ý nghĩa, cứ nghĩ như vậy nên mẹ càng khó tính dần. Mẹ ăn uống ít, lúc nào cũng nói ăn không ngon miệng.
Chúng tôi bốn đứa con của mẹ, không biết ý thức được tự lúc nào mà anh tôi mỗi lần đi chợ về đều mua những phần thức ăn ngon về nấu riêng cho mẹ, còn căn dặn mấy đứa em không được ăn phần ăn của mẹ. Tôi, mỗi lần đi đâu hơi xa nhà vài cây số, hoặc đi đâu vài tiếng đồng hồ đều mua về cho mẹ bịch trái cây, bịch bún giò, hay những thứ gì có thể làm cho mẹ ăn vào để khỏe mạnh lại. Từ đó như trở thành thói quen, mỗi lần đi đâu hơi lâu lâu hay xa xa một tí là tôi không quên mua bất cứ thứ gì về cho mẹ, nhìn mẹ ngóng trông giống như cảnh ngày xưa mẹ đi chợ, mấy anh em chúng tôi cứ ngồi chờ ở trước hiên nhà để mong quà của mẹ vậy.
Còn con em kế của tôi thì mỗi khi qua nhà hàng xóm chơi, có cái bánh ít, trái chuối hàng xóm cho cũng đều giấu đi đem về cho mẹ. Cả thằng em út của tôi cũng thế, mỗi trưa đi học về ghé vô quán ăn ly chè với bạn cũng mua thêm bịch chè treo lủng lẳng trước cổ xe đạp, đem về nhà đổ ra ly rồi bưng đưa cho mẹ. Lâu dần những thứ gì ngon, chúng tôi cũng đều để dành cho mẹ ăn trước. Làm con gà, con vịt, tôi cũng chặt nguyên hai cái đùi là phần riêng của mẹ. Những lúc như thế mẹ tôi vừa ăn vừa buồn, mẹ bảo: “Những người mẹ khác, thứ gì ngon cũng đều để dành cho con cái, còn má thì… có người mẹ nào như má không. Thôi thì để má ráng ăn cho khỏe, để cho các con có đủ ba lẫn mẹ”. Mẹ tôi vừa nói vừa chảy nước mắt làm chúng tôi cũng phải khóc theo, nhưng tôi hạnh phúc vô cùng và hiểu được ý nghĩa sự tồn tại của người mẹ trong căn nhà mình. Tôi không sao quên được cái cảm giác lúc nhìn mẹ tôi ăn, tôi chỉ chờ một câu khen ngon của mẹ là lòng thấy mãn nguyện vô cùng, tưởng chừng như mình vừa làm được một việc gì to lớn lắm.
Và cũng từ đó mẹ tôi được xem là cô tiểu thư sinh nhầm chỗ. Ai cũng bảo thế, nhất là bạn bè tôi. Đáng ra mẹ tôi phải được sinh ra là con của nhà giàu, ở thành thị, như thế mới phù hợp với mẹ tôi. Vì mấy năm mẹ tôi bệnh, chúng tôi không dám cho mẹ nấu cơm, sợ gần lửa nóng, mẹ dễ bị cảm, không cho mẹ rửa chén, sợ lạnh tay mẹ dễ bị cảm, không cho mẹ đi chợ hay đi thăm đồng sợ trời nắng làm mẹ tôi dễ bị cảm. Mẹ tôi nhạy cảm với những điều kiện thư thế và dễ bị cảm lại lâu bớt. Tất cả đều có lý do để ngăn không cho mẹ tôi làm gì hết và “ngang nhiên” trở thành cô tiểu thư bất đắc dĩ và phù hợp với vẻ đẹp, vóc dáng yếu ớt của mẹ tôi.
Lâu, mẹ tôi cũng khỏe dần, chúng tôi từng đứa cũng rời xa mẹ. Ba và anh tôi đi làm xa. Tôi học đại học ở Sài Gòn mà lòng không nguôi lo lắng cho mẹ tôi ở nhà. Hai đứa em, buổi đi học, buổi ở nhà giúp đỡ mẹ. Hè đầu tiên tôi về thăm mẹ, thấy mẹ đã quét sân, đã chặt củi được, đã nuôi vài con gà, vài con vịt. Hè thứ hai tôi về thăm mẹ, đàn gà vịt đã đông lên nhiều. Mẹ tự xây thêm cái chuồng heo, nuôi con heo nhỏ để có bạn nói chuyện, chiều chiều mẹ tôi cũng đã đi thăm đồng được. Hè thứ ba tôi về thăm mẹ, bất ngờ vì lần đầu tiên mẹ đi mua đồ ăn sáng cho tôi. Còn bất ngờ hơn nữa là mẹ tôi đã tự đi chợ được, tự nấu cơm được. Lần đầu tiên sau bao năm trời giờ tôi mới lại được ăn cơm do mẹ nấu. Hè thứ tư tôi về thăm mẹ, một ngày mẹ tôi đột nhiên vắng nhà, mà mẹ chỉ nói là đi đây có chút xíu thôi rồi về liền. Nhưng tới trưa, rồi chiều vẫn chưa thấy mẹ về, cả nhà tôi ai cũng bắt đầu thấy lo. Tôi cứ đi ra đi vào đầu ngõ trông chừng. Ba tôi cứ đi xíu lại về hỏi mẹ về chưa làm mấy anh chị em tôi càng phát hoảng hơn. Mẹ tôi ít khi nào đi chơi ở đâu lâu đến vậy. Căn nhà tôi tuy nhỏ bé, đơn sơ, nhưng mẹ tôi yêu nó lắm. Mỗi khi ra nhà cô ở ngoài thị xã chơi, tuy nhà cô tôi giàu có sang trọng nhưng mẹ tôi cứ đòi về sớm, vì mẹ nói: “Chẳng nơi đâu bằng nhà mình”! Đến xẩm tối vẫn chưa thấy mẹ về, hai đứa em tôi muốn khóc. Cả nhà tôi chia nhau đi hỏi thăm, mọi người bảo chỉ thấy mẹ tôi đi với một người phụ nữ hơi cao to, mà chúng tôi thì không thể đoán ra là ai được.
Lúc ấy trong đầu tôi cứ nghĩ đến việc nếu không có mẹ tôi ở trên đời này thi cái gia đình tôi sẽ trở nên vô vị biết mấy. Rồi căn nhà này sẽ không còn sạch sẽ, ngăn nắp như trước nữa. Nếu không có mẹ tôi thì con gà mái sẽ không biết lấy gì làm ổ để đẻ trứng, rồi nó sẽ cục ta cục tác, nháo nhác tìm hoài cái nơi hồi giờ một tay mẹ tôi lo lót ổ cho nó. Nếu không có mẹ tôi thì chúng tôi sẽ không biết ai là người chuyên phun thuốc trừ sâu, chuyên đi lấy nước mướn cho ruộng lúa. Nếu không có mẹ tôi thì hàng năm tới ngày Tết Nguyên tiêu, ai sẽ đi chùa cúng sao cúng hạn cho cả gia đình tôi được bình an, mạnh khỏe vân vân và vân vân, nhiều lắm. Tôi càng nghĩ lại càng thấy tầm quan trọng của mẹ tôi trong cái nhà này là không thể nào thiếu được. Đầu óc tôi rối tung lên, lúc đó nhìn ra ngoài, trời đã tối và cũng đã chín, mười giờ đêm, cả nhà tôi thực sự hoảng thì thấy mẹ tôi từ ngoài ngõ đi vào, tôi vừa mừng vừa muốn òa lên khóc. Thì ra mẹ tôi đi xem bói vì sợ ba tôi la nên không dám nói là đi đâu. Mẹ đi xem bói cho tôi để xem tôi mới ra trường sẽ như thế nào. Tôi tức cười, vừa thương vừa “sợ” cái sự mê tín của mẹ tôi luôn.
Giờ viết lại những dòng này về mẹ, tôi thầm cảm ơn mẹ rất nhiều vì mẹ đã sinh ra tôi và cho tôi một gia đình hạnh phúc. Và mỗi khi nghe ai đó nói mẹ tôi là “cô tiểu thư” thì lòng tôi lại trỗi lên một niềm tự hào vô cùng về mẹ.
LMT - QUÀ TẶNG MẸ - MÙA VU LAN 2007
Mẹ tôi trắng trẻo, ốm yếu, mỏng manh, èo uột, không có cái vẻ lam lũ như những người mẹ nơi làng quê tôi, trông mẹ giống như một cô tiểu thư sinh nhầm nơi thôn dã.
Mẹ thường khoe rằng ngày xưa mẹ khỏe lắm chứ không như chúng tôi bây giờ bưng có mấy ký gạo mà mệt lên mệt xuống: “Ngày xưa tao á, tao vác cả bao xi măng năm mươi ký lên mấy tầng lầu đó nha. Ăn tới năm sáu chén cơm chứ không như bây giờ đâu”. Ngày xưa mẹ tôi giỏi thiệt. Mẹ làm ruộng giỏi, may đồ giỏi, mà chạy giặc cũng giỏi. Đó là một thời “oanh liệt”, là niềm tự hào của cuộc đời mẹ tôi mà sau này mẹ hay nhắc đến.
Khi về làm dâu cho nhà nội tôi cũng vậy. Mẹ là một người con dâu, người vợ, người mẹ rất giỏi giang. Mấy anh em chúng tôi lần lượt ra đời trong tình thương yêu chăm sóc của ba mẹ, cuộn tròn trong cái bọc ấm áp, chở che của mẹ và cứ mong muốn được ở yên như thế suốt cuộc đời.
Nhưng từ khi mẹ bệnh, cái bọc ấy vỡ ra bao lấy mẹ tôi. Chúng tôi vụt lớn lên, làm những việc mà mẹ đã từng làm. Ba tôi làm nhiều hơn. Anh tôi mới mười bốn tuổi mà đi chợ, nấu cơm, nấu cháo heo và cho heo ăn, tắm dọn chuồng heo. Kể cả đi thăm đồng, nhổ cỏ, dặm lúa, anh tôi đều làm hết.
Từ khi mẹ bệnh, tôi biết giặt đồ cho cả nhà, chăm sóc hai đứa em còn nhỏ. Mấy năm mẹ tôi bệnh, gia đình tôi nghèo đi. Mẹ tôi khó tính hơn. Ba tôi dễ chịu hơn, nuông chiều mẹ hết mực. Chúng tôi vững chãi hơn, quán xuyến hết mọi việc từ trong nhà ra đến ngoài đồng.
Ba tôi đi làm về đưa hết tiền cho mẹ tôi cười và nói: “Tiền vô nhà khó như gió vô nhà trống”. Ba đọc được những suy nghĩ của mẹ tôi. Những năm mẹ bệnh, mẹ coi như mình là người bỏ đi, không còn có ích gì nữa, chỉ có mạnh khỏe làm việc thì con người mới tồn tại và có ý nghĩa, cứ nghĩ như vậy nên mẹ càng khó tính dần. Mẹ ăn uống ít, lúc nào cũng nói ăn không ngon miệng.
Chúng tôi bốn đứa con của mẹ, không biết ý thức được tự lúc nào mà anh tôi mỗi lần đi chợ về đều mua những phần thức ăn ngon về nấu riêng cho mẹ, còn căn dặn mấy đứa em không được ăn phần ăn của mẹ. Tôi, mỗi lần đi đâu hơi xa nhà vài cây số, hoặc đi đâu vài tiếng đồng hồ đều mua về cho mẹ bịch trái cây, bịch bún giò, hay những thứ gì có thể làm cho mẹ ăn vào để khỏe mạnh lại. Từ đó như trở thành thói quen, mỗi lần đi đâu hơi lâu lâu hay xa xa một tí là tôi không quên mua bất cứ thứ gì về cho mẹ, nhìn mẹ ngóng trông giống như cảnh ngày xưa mẹ đi chợ, mấy anh em chúng tôi cứ ngồi chờ ở trước hiên nhà để mong quà của mẹ vậy.
Còn con em kế của tôi thì mỗi khi qua nhà hàng xóm chơi, có cái bánh ít, trái chuối hàng xóm cho cũng đều giấu đi đem về cho mẹ. Cả thằng em út của tôi cũng thế, mỗi trưa đi học về ghé vô quán ăn ly chè với bạn cũng mua thêm bịch chè treo lủng lẳng trước cổ xe đạp, đem về nhà đổ ra ly rồi bưng đưa cho mẹ. Lâu dần những thứ gì ngon, chúng tôi cũng đều để dành cho mẹ ăn trước. Làm con gà, con vịt, tôi cũng chặt nguyên hai cái đùi là phần riêng của mẹ. Những lúc như thế mẹ tôi vừa ăn vừa buồn, mẹ bảo: “Những người mẹ khác, thứ gì ngon cũng đều để dành cho con cái, còn má thì… có người mẹ nào như má không. Thôi thì để má ráng ăn cho khỏe, để cho các con có đủ ba lẫn mẹ”. Mẹ tôi vừa nói vừa chảy nước mắt làm chúng tôi cũng phải khóc theo, nhưng tôi hạnh phúc vô cùng và hiểu được ý nghĩa sự tồn tại của người mẹ trong căn nhà mình. Tôi không sao quên được cái cảm giác lúc nhìn mẹ tôi ăn, tôi chỉ chờ một câu khen ngon của mẹ là lòng thấy mãn nguyện vô cùng, tưởng chừng như mình vừa làm được một việc gì to lớn lắm.
Và cũng từ đó mẹ tôi được xem là cô tiểu thư sinh nhầm chỗ. Ai cũng bảo thế, nhất là bạn bè tôi. Đáng ra mẹ tôi phải được sinh ra là con của nhà giàu, ở thành thị, như thế mới phù hợp với mẹ tôi. Vì mấy năm mẹ tôi bệnh, chúng tôi không dám cho mẹ nấu cơm, sợ gần lửa nóng, mẹ dễ bị cảm, không cho mẹ rửa chén, sợ lạnh tay mẹ dễ bị cảm, không cho mẹ đi chợ hay đi thăm đồng sợ trời nắng làm mẹ tôi dễ bị cảm. Mẹ tôi nhạy cảm với những điều kiện thư thế và dễ bị cảm lại lâu bớt. Tất cả đều có lý do để ngăn không cho mẹ tôi làm gì hết và “ngang nhiên” trở thành cô tiểu thư bất đắc dĩ và phù hợp với vẻ đẹp, vóc dáng yếu ớt của mẹ tôi.
Lâu, mẹ tôi cũng khỏe dần, chúng tôi từng đứa cũng rời xa mẹ. Ba và anh tôi đi làm xa. Tôi học đại học ở Sài Gòn mà lòng không nguôi lo lắng cho mẹ tôi ở nhà. Hai đứa em, buổi đi học, buổi ở nhà giúp đỡ mẹ. Hè đầu tiên tôi về thăm mẹ, thấy mẹ đã quét sân, đã chặt củi được, đã nuôi vài con gà, vài con vịt. Hè thứ hai tôi về thăm mẹ, đàn gà vịt đã đông lên nhiều. Mẹ tự xây thêm cái chuồng heo, nuôi con heo nhỏ để có bạn nói chuyện, chiều chiều mẹ tôi cũng đã đi thăm đồng được. Hè thứ ba tôi về thăm mẹ, bất ngờ vì lần đầu tiên mẹ đi mua đồ ăn sáng cho tôi. Còn bất ngờ hơn nữa là mẹ tôi đã tự đi chợ được, tự nấu cơm được. Lần đầu tiên sau bao năm trời giờ tôi mới lại được ăn cơm do mẹ nấu. Hè thứ tư tôi về thăm mẹ, một ngày mẹ tôi đột nhiên vắng nhà, mà mẹ chỉ nói là đi đây có chút xíu thôi rồi về liền. Nhưng tới trưa, rồi chiều vẫn chưa thấy mẹ về, cả nhà tôi ai cũng bắt đầu thấy lo. Tôi cứ đi ra đi vào đầu ngõ trông chừng. Ba tôi cứ đi xíu lại về hỏi mẹ về chưa làm mấy anh chị em tôi càng phát hoảng hơn. Mẹ tôi ít khi nào đi chơi ở đâu lâu đến vậy. Căn nhà tôi tuy nhỏ bé, đơn sơ, nhưng mẹ tôi yêu nó lắm. Mỗi khi ra nhà cô ở ngoài thị xã chơi, tuy nhà cô tôi giàu có sang trọng nhưng mẹ tôi cứ đòi về sớm, vì mẹ nói: “Chẳng nơi đâu bằng nhà mình”! Đến xẩm tối vẫn chưa thấy mẹ về, hai đứa em tôi muốn khóc. Cả nhà tôi chia nhau đi hỏi thăm, mọi người bảo chỉ thấy mẹ tôi đi với một người phụ nữ hơi cao to, mà chúng tôi thì không thể đoán ra là ai được.
Lúc ấy trong đầu tôi cứ nghĩ đến việc nếu không có mẹ tôi ở trên đời này thi cái gia đình tôi sẽ trở nên vô vị biết mấy. Rồi căn nhà này sẽ không còn sạch sẽ, ngăn nắp như trước nữa. Nếu không có mẹ tôi thì con gà mái sẽ không biết lấy gì làm ổ để đẻ trứng, rồi nó sẽ cục ta cục tác, nháo nhác tìm hoài cái nơi hồi giờ một tay mẹ tôi lo lót ổ cho nó. Nếu không có mẹ tôi thì chúng tôi sẽ không biết ai là người chuyên phun thuốc trừ sâu, chuyên đi lấy nước mướn cho ruộng lúa. Nếu không có mẹ tôi thì hàng năm tới ngày Tết Nguyên tiêu, ai sẽ đi chùa cúng sao cúng hạn cho cả gia đình tôi được bình an, mạnh khỏe vân vân và vân vân, nhiều lắm. Tôi càng nghĩ lại càng thấy tầm quan trọng của mẹ tôi trong cái nhà này là không thể nào thiếu được. Đầu óc tôi rối tung lên, lúc đó nhìn ra ngoài, trời đã tối và cũng đã chín, mười giờ đêm, cả nhà tôi thực sự hoảng thì thấy mẹ tôi từ ngoài ngõ đi vào, tôi vừa mừng vừa muốn òa lên khóc. Thì ra mẹ tôi đi xem bói vì sợ ba tôi la nên không dám nói là đi đâu. Mẹ đi xem bói cho tôi để xem tôi mới ra trường sẽ như thế nào. Tôi tức cười, vừa thương vừa “sợ” cái sự mê tín của mẹ tôi luôn.
Giờ viết lại những dòng này về mẹ, tôi thầm cảm ơn mẹ rất nhiều vì mẹ đã sinh ra tôi và cho tôi một gia đình hạnh phúc. Và mỗi khi nghe ai đó nói mẹ tôi là “cô tiểu thư” thì lòng tôi lại trỗi lên một niềm tự hào vô cùng về mẹ.
LMT - QUÀ TẶNG MẸ - MÙA VU LAN 2007