Có thể hạ điểm sàn với những ngành khó tuyển
Tại hội nghị tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2011, diễn ra sáng nay, 18 - 2, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho rằng, trong trường hợp cần thiết, sẽ hạ điểm sàn của những ngành khó tuyển trùng với những ngành mà đất nước đang ưu tiên.
Thí sinh trong kì thi đại học, cao đẳng 2010. Tại hội nghị, chủ trương giữ ổn định trong kỳ thi tuyển sinh 2011 của Bộ GD&ĐT theo phương thức ba chung, ba đợt nhận được sự ủng hộ của đại diện các trường. Tuy nhiên, đại diện nhiều trường vẫn băn khoăn về vấn đề xét tuyển nguyện vọng (NV) 2, nguyện vọng 3.
Quan tâm đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận cho rằng, xét tuyển NV2, NV3 nên triển khai trên tinh thần công khai (càng công khai, tiêu cực càng giảm), không nên hạn chế cơ hội của thí sinh. Thời gian xét tuyển cũng không nên "cứng" quá, tạo thuận lợi cho thí sinh và các trường.
“Chúng ta không thể để học sinh đăng ký nguyện vọng như chơi sổ xố, đến cuối cùng mở ra mới biết kết quả, mà hãy để các em thấy rõ cơ hội của mình. Phải chọn trường phù hợp với kết quả cho đến khi nào không thể lựa chọn được nữa. Chúng ta sẽ không hạn chế cơ hội của các em" - Bộ trưởng Luận nói.
Bên cạnh đó, nhiều đại biểu còn đề cập đến vấn đề được ưu tiên trong tuyển sinh đối với những ngành khó tuyển. Tiến sĩ Nguyễn Tấn Vui, Phó hiệu trưởng Đại học Tây nguyên đưa ra thực tế những ngành rất quan trọng với đất nước, với vùng như Nông - Lâm - Ngư rất khó tuyển sinh (hầu như năm nào cũng hụt chỉ tiêu trầm trọng).
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho rằng, trong trường hợp cần thiết sẽ hạ điểm sàn với những ngành khó tuyển trùng với những ngành mà đất nước đang ưu tiên để vừa giải quyết khó khăn cho các trường, vừa tạo thêm điều kiện cho thí sinh.
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận cho rằng, việc khuyến khích các ngành khó tuyển, trên tinh thần chung đồng tình với các kiến nghị, nhưng việc ưu tiên phải có chọn lọc. Đó phải là những ngành phù hợp với chiến lược phát triển nguồn nhân lực quốc gia.
Thêm bốn ngày cho mỗi đợt nộp hồ sơ dự thi
Đại diện một số trường cho rằng, chưa có quy chế thi trắc nghiệm khiến cho các trường rất vất vả; đề nghị Bộ GD&ĐT ra quy chế này để tạo ra sự đồng bộ cho các trường.
“Bộ GD&ĐT nên đưa tất cả những vấn đề liên quan đến môn thi trắc nghiệm vào bản hướng dẫn giống như môn thi tự luận chứ không tách riêng ra, để tiện cho các trường trong việc tra cứu”- Ông Trần Văn Nam- Giám đốc Đại học Đà Nẵng đề nghị.
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga, thí sinh quốc tịch nước ngoài, có nguyện vọng học tại các trường đại học, cao đẳng ở Việt Nam, không phải dự thi tuyển sinh: “Hiệu trưởng các trường căn cứ vào kết quả học tập THPT (học bạ) kết hợp với kiểm tra kiến thức và trình độ tiếng Việt của thí sinh theo quy định của trường để xét tuyển”- Thứ trưởng Ga nói. Còn Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận cho rằng, “không nên quy định cứng là không thi mà giao cho hiệu trưởng các trường quyết định”.
Bộ GD&ĐT cũng cho biết, năm 2011 sẽ bổ sung chế tài xử lý với hình thức cảnh cáo với cán bộ tham gia công tác tuyển sinh vi phạm một trong các lỗi: Gửi giấy triệu tập trúng tuyển cho thí sinh không nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào trường; thông báo nhận và kết thúc việc nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển của thí sinh không đúng thời hạn quy định; hạ điểm trúng tuyển các nguyện vọng trái quy định; tính điểm sàn với điểm môn thi đã nhân hệ số.
Đặc biệt, nội dung đáng chú ý nhất trong kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng năm nay là qui định về thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi. Bộ GD&ĐT cho biết, để hai ngày cuối của đợt nộp hồ sơ đăng ký dự thi theo tuyến của Sở GD&ĐT và theo tuyến của các trường không trùng vào ngày thứ bảy và chủ nhật.
Theo đó, thí sinh sẽ có thêm bốn ngày ở mỗi đợt nộp hồ sơ đăng ký dự thi. Dự kiến, thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi sẽ bắt đầu từ ngày 14 - 3 - 2011 đến hết ngày 14 - 4 - 2011 (nếu theo tuyến của Sở GD&ĐT) và từ ngày 15 - 4 - 2011 đến hết ngày 21 - 4 - 2011 (nếu theo tuyến của các trường đại học, cao đẳng).
Ngoài ra, thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính, quy định “nộp hồ sơ trúng tuyển” khi thí sinh nhập học bị bãi bỏ.
Thí sinh có nguyện vọng đăng ký dự tuyển vào trung cấp chuyên nghiệp nộp hồ sơ và lệ phí tuyển sinh về trường đăng ký dự tuyển (qua đường bưu điện chuyển phát nhanh hoặc đến nộp trực tiếp tại trường).
Ngoài ra, tùy theo yêu cầu và tình hình cụ thể của việc thu nhận hồ sơ và công tác tuyển sinh trung cấp chuyên nghiệp tại địa phương, các sở GD-ĐT có thể thu nhận hồ sơ đăng ký dự tuyển vào trung cấp chuyên nghiệp của thí sinh trên địa bàn tỉnh, thành phố và chủ động bàn giao cho các trường theo kế hoạch và yêu cầu thu nhận hồ sơ của từng trường.
Theo TPO.