Mấy ngày nay, tranh thủ dịp thí sinh thi xong tốt nghiệp THPT ở các địa phương lên Hà Nội tìm lớp, các "cò" nhà trọ "đổ xô" hành nghề, kiếm lời.
Ở các quán nước, quán cơm cạnh các trung tâm luyện thi ĐH Sư Phạm Hà Nội nhan nhản những bảng quảng cáo cho thuê nhà trọ. Hầu hết, khi vào hỏi thì đó chỉ là “văn phòng” trung gian, còn nhà trọ thì ở chỗ khác.
Muốn xem phòng, chi 50.000 đồng
Tại quán nước lề đường, cạnh trung tâm luyện thi ngõ 175, Xuân Thủy, Cầu Giấy, một phụ nữ xấp xỉ 60 tuổi đang mời chào một thí sinh quê Hà Nam: “Cháu muốn thuê phòng giá bao nhiêu? Nếu ở hai người ít nhất cũng phải 500.000 đồng một người, ở ba thì 300.000 đồng. Nếu đồng ý đi xem phòng thì cho bác 50.000 đồng, bác đưa đến tận nơi, thuê được thì trả bác 50.000 đồng nữa”.
Thí sinh đến trung tâm luyện thi đăng ký khóa học cấp tốc. Tương tự, một người phụ nữ chạc 50 tuổi, đứng ở gần cổng Trung tâm giáo dục thường xuyên quận Cầu Giấy, đon đả: “Cháu muốn thuê phòng giá bao nhiêu cũng được, cứ đưa cô 50.000 đồng thì được đưa đến tận nơi, ở được thì ở, không ở được cô lại đưa đi chỗ khác”.
Anh Nguyễn Văn An, một người vừa mất 50.000 đồng cho “cò” nhà trọ, bức xúc: “Tôi đang đi tìm nhà trọ để thuê cho đứa cháu ở quê lên ôn thi thì thấy một bà đến bảo biết chỗ cho thuê và xin 50.000 đồng công dẫn đường. Khi đến nơi thì bà chủ nhà báo hết phòng, chỉ còn một phòng đã có ba người ở, có ở ghép thì ở, tôi không đồng ý thuê. Thế là mất tiền oan, không được việc mà chuốc bực vào người”.
Theo anh An, tốt nhất thí sinh và người nhà nên đến tận nhà có phòng trọ cho thuê để hỏi. Như vậy, có thể mất thời gian nhưng chắc chắn.
Bà Nguyễn Thị Phương, chủ nhà một xóm trọ trong ngõ 175, Xuân Thủy, Cầu Giấy, cho biết thời gian này, mỗi phòng, nhà cấp bốn cũng phải từ 500.000 - 1 triệu đồng, phòng nhà tầng thì từ 1,5 triệu - 3 triệu đồng. Giá điện 3.500 - 5.000 đồng một số, nước từ 70.000 - 100.000 đồng một người trong một tháng.
Lò luyện thi tranh khách
Mấy ngày nay, các điểm bán phiếu luyện thi gần ĐHSP Hà Nội, ĐH Bách Khoa Hà Nội đã bớt ế ẩm. Tuy nhiên, lượng thí sinh lên Hà Nội dự thi năm nay giảm hẳn so với những năm trước. Do đó, các trung tâm cố tung ra đủ "chiêu" để hút thí sinh.
Để tìm được khách, nhiều trung tâm luyện thi còn lập hai, ba bàn tư vấn, phát tờ rơi cùng những lời mời hấp dẫn. Một số điểm bán phiếu trong ngõ của khu tập thể ĐH Sư phạm đã chuyển ra ngoài mép đường Xuân Thủy, mong "nhắm" được nhiều khách. Thậm chí, có trung tâm còn in cả tờ giới thiệu thành tích luyện thi của trung tâm. Phiếu học cả khóa của các trung tâm có giá từ 900.000 đồng đến một triệu đồng.
Một nhân viên bán thẻ của Trung tâm luyện thi thầy Thành cô Thời vồn vã khi thấy khách: “Dừng xe chọn lớp đi cháu. Em nó học thế nào? Nếu học khá thì học lớp A1, A2; học bình thường thì học lớp A3, A4. Lớp nào thầy cũng tốt cả”.
Dù đã thấy tôi cầm một nắm tờ rơi, nhưng hai bàn bên cạnh vẫn mời nhiệt tình: “Sang đây em ơi! "Lò" chị là của trường ĐHSP, toàn thầy cô "xịn", phòng học quạt mát. Cứ cầm lấy vài tờ lịch học mà tham khảo cho kỹ em ạ”.
Trước nhiều lời mời chào hấp dẫn, anh Nguyễn Văn Thắng, phụ huynh thí sinh đến từ Hà Nam, bối rối: “Nhiều lớp, nhiều thầy quá, biết chọn lớp nào bây giờ? Thôi thì cứ cầm mấy tờ về nhà trọ, hỏi mấy chú sinh viên rồi đi mua thẻ cho chắc”.
Theo Đất việt.
Ở các quán nước, quán cơm cạnh các trung tâm luyện thi ĐH Sư Phạm Hà Nội nhan nhản những bảng quảng cáo cho thuê nhà trọ. Hầu hết, khi vào hỏi thì đó chỉ là “văn phòng” trung gian, còn nhà trọ thì ở chỗ khác.
Muốn xem phòng, chi 50.000 đồng
Tại quán nước lề đường, cạnh trung tâm luyện thi ngõ 175, Xuân Thủy, Cầu Giấy, một phụ nữ xấp xỉ 60 tuổi đang mời chào một thí sinh quê Hà Nam: “Cháu muốn thuê phòng giá bao nhiêu? Nếu ở hai người ít nhất cũng phải 500.000 đồng một người, ở ba thì 300.000 đồng. Nếu đồng ý đi xem phòng thì cho bác 50.000 đồng, bác đưa đến tận nơi, thuê được thì trả bác 50.000 đồng nữa”.
Thí sinh đến trung tâm luyện thi đăng ký khóa học cấp tốc. Tương tự, một người phụ nữ chạc 50 tuổi, đứng ở gần cổng Trung tâm giáo dục thường xuyên quận Cầu Giấy, đon đả: “Cháu muốn thuê phòng giá bao nhiêu cũng được, cứ đưa cô 50.000 đồng thì được đưa đến tận nơi, ở được thì ở, không ở được cô lại đưa đi chỗ khác”.
Anh Nguyễn Văn An, một người vừa mất 50.000 đồng cho “cò” nhà trọ, bức xúc: “Tôi đang đi tìm nhà trọ để thuê cho đứa cháu ở quê lên ôn thi thì thấy một bà đến bảo biết chỗ cho thuê và xin 50.000 đồng công dẫn đường. Khi đến nơi thì bà chủ nhà báo hết phòng, chỉ còn một phòng đã có ba người ở, có ở ghép thì ở, tôi không đồng ý thuê. Thế là mất tiền oan, không được việc mà chuốc bực vào người”.
Theo anh An, tốt nhất thí sinh và người nhà nên đến tận nhà có phòng trọ cho thuê để hỏi. Như vậy, có thể mất thời gian nhưng chắc chắn.
Bà Nguyễn Thị Phương, chủ nhà một xóm trọ trong ngõ 175, Xuân Thủy, Cầu Giấy, cho biết thời gian này, mỗi phòng, nhà cấp bốn cũng phải từ 500.000 - 1 triệu đồng, phòng nhà tầng thì từ 1,5 triệu - 3 triệu đồng. Giá điện 3.500 - 5.000 đồng một số, nước từ 70.000 - 100.000 đồng một người trong một tháng.
Lò luyện thi tranh khách
Mấy ngày nay, các điểm bán phiếu luyện thi gần ĐHSP Hà Nội, ĐH Bách Khoa Hà Nội đã bớt ế ẩm. Tuy nhiên, lượng thí sinh lên Hà Nội dự thi năm nay giảm hẳn so với những năm trước. Do đó, các trung tâm cố tung ra đủ "chiêu" để hút thí sinh.
Để tìm được khách, nhiều trung tâm luyện thi còn lập hai, ba bàn tư vấn, phát tờ rơi cùng những lời mời hấp dẫn. Một số điểm bán phiếu trong ngõ của khu tập thể ĐH Sư phạm đã chuyển ra ngoài mép đường Xuân Thủy, mong "nhắm" được nhiều khách. Thậm chí, có trung tâm còn in cả tờ giới thiệu thành tích luyện thi của trung tâm. Phiếu học cả khóa của các trung tâm có giá từ 900.000 đồng đến một triệu đồng.
Một nhân viên bán thẻ của Trung tâm luyện thi thầy Thành cô Thời vồn vã khi thấy khách: “Dừng xe chọn lớp đi cháu. Em nó học thế nào? Nếu học khá thì học lớp A1, A2; học bình thường thì học lớp A3, A4. Lớp nào thầy cũng tốt cả”.
Dù đã thấy tôi cầm một nắm tờ rơi, nhưng hai bàn bên cạnh vẫn mời nhiệt tình: “Sang đây em ơi! "Lò" chị là của trường ĐHSP, toàn thầy cô "xịn", phòng học quạt mát. Cứ cầm lấy vài tờ lịch học mà tham khảo cho kỹ em ạ”.
Trước nhiều lời mời chào hấp dẫn, anh Nguyễn Văn Thắng, phụ huynh thí sinh đến từ Hà Nam, bối rối: “Nhiều lớp, nhiều thầy quá, biết chọn lớp nào bây giờ? Thôi thì cứ cầm mấy tờ về nhà trọ, hỏi mấy chú sinh viên rồi đi mua thẻ cho chắc”.
Theo Đất việt.