CÓ MỘT “LÀNG TIẾN SĨ CỦA NGƯỜI VIỆT” Ở LÀO
Nguyễn Tiến Dũng (Trường CĐSP Gia Lai)
Tân An là một trong bảy làng người Việt ở Pakse-Champassak-Lào. Đó là một ngôi làng nho nhỏ, xinh xinh nằm ở ngã ba sông Sốp Xế, nơi hợp lưu của hai con sông nổi tiếng Sê Đon và Nặm Khỏng. Bên kia là Phu Noong Non với dáng một cô gái đẹp nằm ngủ thơ mộng. Số dân trong làng chưa tới một ngàn người, chủ yếu làm nghề thợ thủ công, buôn bán nhỏ. Vậy mà con em của họ hiện nay đỗ đạt rất cao, trong đó có nhiều người đỗ tiến sĩ, thạc sĩ ở những quốc gia tiên tiến trên thế giới. Người dân Lào gọi làng này bằng một cái tên với sự ngưỡng mộ và khâm phục: “Làng tiến sĩ của người Việt”.
Làng Tân An có tên Lào là Bun U Đum, có nghĩa là vùng ao tù nước đọng. Ngày trước làng chuyên làm gạch nên có thêm một cái tên khác là Xóm Lò Gạch. Những thế hệ người người Việt đầu tiên ở đây đã chăm chỉ làm ăn, bỏ bao công sức khẩn hoang một nơi “ao tù nước đọng” thành một làng trù phú và vùng đất học nổi tiếng. Trước năm 1975, việc học hành ở đây cực kì khó khăn. Con em người Việt chỉ học quanh quẩn ngôi trường của Hội người Việt với quy mô của một trường làng đủ để biết đọc, biết viết. Muốn học lên cao nữa phải vào các trường tiếng Pháp, học phí rất cao; Trong khi đó con em người Việt hầu hết là nghèo, không thể chen chân. Thế nhưng, sức học siêu phàm của chàng trai người Việt làng Tân An tên là Đặng Ngọc Huỳnh đã xuất sắc lọt qua các vòng thi khắc khe và được chính phủ tài trợ để học bác sĩ tại Pháp. Với thành tích học tập xuất sắc, bác Huỳnh được giữ lại làm việc tại Pháp cho đến ngày nghỉ hưu. Hiện nay, bác Huỳnh (đã 65 tuổi) thường về Lào và Việt Nam để chữa bệnh từ thiện cho người nghèo. Bác Huỳnh coi việc làm này như sự tri ân của người con xa xứ với nước Việt thân yêu và đất nước Lào, quê hương thứ hai.
Thế hệ hiện nay ở làng Tân An là thế hệ thứ năm. Đây là thế hệ làm cho trí tuệ Việt tỏa sáng. Tôi đã ở nhiều ngày và đi thăm nhiều gia đình ở làng Tân An này. Hầu như gia đình nào cũng có con em đã và đang học đại học, trong đó nhiều gia đình có con em đỗ thạc sĩ, tiến sĩ. Có thể kể ra đây hàng loạt tên tuổi cụ thể. Đó là Phan Văn Thuận (sinh năm 1979), con ông Phạm Hói (đã mất) tốt nghiệp Thạc sĩ ngành điện tại Nhật, hiện đang công tác tại Nhật. Đó là Nguyễn Viết Sơn (sinh năm 1980), con của anh Út và chị Liên tốt nghiệp Tiến sĩ ngành điện tử tại Nhật Bản. Hai anh em Đặng Văn Thọ (sinh 1983) và Đặng Văn Phú (sinh năm 1985), con của anh Đặng Xuân Phước, tốt nghiệp đại học xuất sắc tại Việt Nam, được các công ty lớn của nước ngoài tại Viêng Chăng đến tận trường nhận về làm việc. Ngoiaf ra có thể kể con của anh Thực-chị Nọi tốt nghiệp đại học ngành kiểm toán với điểm xuất sắc hiện đang làm việc tại Viêng Chăng. Con của bác Ngọc cũng tốt nghiệp tiến sĩ tại Nhật và làm việc tại Thái Lan.
Về chuyện học hành của con em Việt kiều ở đây, bà con thường nhắc đến nhiều nhất là gia đình bác Hoàng Nhỡ và Phan Thị Thi. Gia đình hai bác có ba người con thì cả ba đều nổi tiếng học giỏi. Người con đầu có tên Lào là Sổm Phon (sinh năm 1969), tốt nghiệp Tiến sĩ tại Nhật, hiện đang công tác tại Phòng Sau đại học Trường Đại học Tokyo. Người con thứ hai là Súc Xạ Vẳn, (sinh năm 1972), cũng tốt nghiệp Tiến sĩ tại Nhật, dạy môn Kinh tế tại trường Đại học Kobe. Cô gái út tên là Phệt Thạ Văn (sinh năm 1974), tốt nghiệp Thạc sĩ tại Pháp, hiện đang công tác tại một công ty thương mại quốc tế ở Thái Lan. Bác Nhỡ cho biết việc lấy tên Lào là để thuận lợi khi đi học, chứng minh có quốc tịch tại Lào mới được đi học nước ngoài.
Khi tôi đến nhà anh Đặng Công Nhân, Phó chủ tịch Hội người Việt ở Pakse, để tìm tư liệu viết bài này thì cũng là lúc con gái của anh, tên là Đặng Thị Sang (sinh năm 1986) có ba bằng đại học (Anh văn, Tin học, Ngân hàng), gọi báo tin đã bảo vệ thành công luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Tài chính-Ngân hàng tại Viêng Chăng.
Còn nhiều nữa các em, các cháu của ngôi làng Tân An nhỏ bé này đang học tập và làm việc tại nhiều nơi ở Lào, Việt Nam và một số nước khác. Ở đâu, các em, các cháu cũng ra sức học tập và đạt những thành tích xuất sắc.
Để có được những kết quả như vậy là sự nỗ lực hết mực của các thế hệ người Việt ở đây. Nhiều bà con cho biết cứ mỗi đầu cấp việc tìm trường cho con cái học hành là một hành trình gian khổ không thể kể hết. Trường ít, điều kiện khó khăn, kinh tế gia đình eo hẹp là những cản trở không nhỏ đối với bà con cho con cái học hành. Chỉ riêng việc chứng minh có quốc tịch nước sở tại để đi du học là một “đoạn trường” không ít mồ hôi và nước mắt. Những năm gần đây, Bộ Giáo dục và Chính phủ Việt Nam đã phối hợp với nước bạn đào tạo rất nhiều sinh viên Lào, trong đó có con em Việt kiều. Song nguyện vọng của bà con ở Champassak nói riêng và ở Lào nói chung là muốn nhà nước Việt Nam có thêm suất học bổng dành riêng cho Việt kiều để có nhiều em hơn được về nước học tập.
Những người Việt thế hệ thứ tư ở đây (tức bố mẹ các em, các cháu hiện nay) vẫn hàng ngày cần mẫn làm việc mưu sinh, chăm lo việc học hành của các cháu và quan tâm đến cộng đồng người đồng hương. Trong làng, có một ngôi nhà khang trang làm trụ sở của Chi hội người Việt tại đây. Hàng ngày, bà con tranh thủ thời gian rãnh làm thêm các việc như thợ mộc, thợ may gây quỹ cho Hội, để lúc hiếu hỉ những người Việt lại đến chia sẻ vui buồn cùng nhau. Họ làm rất nhiều việc để giúp nhau. Người giúp công, kẻ giúp của. Bà Lê Thị Lượng, Chủ tịch tập đoàn Đào Hương, đã tài trợ nhiều suất học bổng cho con em Việt kiều học nâng cao trình độ. Có người tình nguyện lái xe tang gần 20 năm cho bà con Việt kiều mà không nhận thù lao. Có lẽ cuộc sống chân tình, gần gũi, thân thiết của một làng Việt trên đất nước nước triệu voi này đã nuôi dưỡng tâm hồn và trí tuệ Việt tỏa sáng. Có điều, dù ở đâu, học hành giỏi dang như thế nào, những thế hệ người Việt ở đây vẫn nói tiếng Việt hàng ngày và dạy cho con cháu không bao giờ quên tiếng Việt, quên Tổ quốc Việt Nam mến yêu./.
Bài viết của thầy Nguyễn Tiến Dũng - giảng viên CĐSP Gia Lai gửi đến Diễn Đàn Kiến Thức