Cơ hội vàng để phát triển CNTT

baohoa2886

New member
Xu
0
ICTnews - Giới CNTT vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau về định hướng phát triển CNTT đất nước.

Một số cho rằng chúng ta nên tập trung phát triển phần mềm và dịch vụ, số khác lại nói chúng ta có những thế mạnh riêng để phát triển công nghiệp phần cứng.

Ngày 23/12, Bộ TT&TT đã tổ chức tọa đàm bàn về định hướng phát triển công nghiệp CNTT Việt Nam trong những năm tới. Đây là chủ đề đã được xới lên nhiều lần trong vài tháng gần đây kể từ khi Bộ TT&TT xin ý kiến góp ý cho bản dự thảo Đề án tăng tốc đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về CNTT.

Tọa đàm đã thu hút sự tham gia của khoảng 40 doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực CNTT và viễn thông, như FPT, CMC, TMA, Viettel và VNPT. Tại tọa đàm, một số doanh nghiệp đã góp ý những định hướng, những việc nên làm để thúc đẩy ngành CNTT phát triển trong thời gian tới.

Tuy nhiên, các góp ý của các doanh nghiệp vẫn có sự bất đồng. Một số ngả theo hướng cho rằng Việt Nam nên tập trung phát triển công nghệ phần mềm và dịch vụ để tận dụng thế mạnh nhân lực. Nhưng cũng có một số ý kiến khác phân tích nếu Việt Nam phát triển phần cứng sẽ mang lại doanh thu cao hơn, đóng góp lớn hơn cho phát triển kinh tế.

Tận dụng trí tuệ Việt để làm phần mềm


Làm gì để đưa Việt Nam thành nước mạnh CNTT? Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Hữu Lệ, Chủ tịch công ty phần mềm TMA Solutions cho rằng đã đến lúc chúng ta phải nhìn nhận đâu là thế mạnh của mình. Theo ông, về số lượng nhân lực, Việt Nam không sánh được Trung Quốc, Ấn Độ; về cơ sơ hạ tầng, Việt Nam không bằng các nước trong khu vực như Malaysia; thị trường nội địa cũng không lớn như Trung Quốc hay Ấn Độ; tiếng Anh cũng kém hơn Philippines, Ấn Độ; giá cũng không còn là lợi thế so với các quốc gia mới nổi như Bangladesh hoặc thậm chí là những thành phố nhỏ ở Trung Quốc và Ấn Độ.

Vậy chúng ta cạnh tranh bằng gì? Theo ông Lệ, người Việt có thế mạnh vượt trội là thông minh, vì vậy phải tìm cách phát huy chất xám Việt Nam bằng cách tập trung phát triển R&D (nghiên cứu và phát triển) trong lĩnh vực dịch vụ phần mềm. Tuy nhiên, để phát huy yếu tố này, ông cho rằng Chính phủ phải nhanh chóng có những chính sách cụ thể để phát triển nguồn nhân lực.

"Thực tế, doanh nghiệp hiện nay rất khó khăn trong việc tìm kiếm nhân sự tham gia vào các dự án R&D trong gia công phần mềm", ông Lệ nói. "Ngành giáo dục cần phải thay đổi rất nhiều bởi chất lượng đào tạo nhân lực CNTT đang ngày càng xuống cấp." Bên cạnh đó, ông Lệ đề nghị Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp làm R&D như miễn thuế nhập thiết bị cho các dự án R&D, điều mà Ấn Độ đã thực hiện từ 20 năm nay.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp phần mềm Việt Nam (Vinasa) cũng nhấn mạnh nhân lực là chìa khóa đột phá quan trọng nhất để Việt Nam phát triển công nghiệp phần mềm. "Sức mạnh có thực của Việt Nam là nguồn nhân lực", ông nói.

Để khai thác được "sức mạnh có thực" đó cho phần mềm, ông Bình cho rằng phải thay đổi nhận thức, trong đó đào tạo nhân lực CNTT phải đặt vấn đề cung cấp cho thị trường toàn cầu. Nhà nước phải thể hiện rõ cam kết thông qua đầu tư. "Nếu coi đào tạo nhân lực CNTT là quan trọng, Nhà nước sẽ bỏ bao nhiêu tiền vào đó?", Chủ tịch Vinasa nói, đồng thời khẳng định "vai trò dẫn dắt của Nhà nước thể hiện rõ rệt nhất là ở đầu tư".

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đề cập đến việc cần có chính sách thu hút Việt kiều làm việc trong lĩnh vực CNTT trở về đầu tư và đóng góp trí tuệ cho đất nước. Đó cũng là bài học thành công của ngành phần mềm Ấn Độ và Trung Quốc.

Phù hợp với phần cứng hơn


Cũng coi nhân lực là thế mạnh để phát triển công nghiệp CNTT, nhưng ông Phạm Hồng Quang, Giám đốc công ty phần mềm CadPro coi phát triển công nghiệp phần cứng mới là lĩnh vực Việt Nam nên tập trung phát triển.

Phân tích tỷ trọng phân bố doanh thu, nhân lực và xuất khẩu hiện tại của công nghiệp CNTT, ông Quang cho rằng "Việt Nam nên chuyển hướng từ tập trung phát triển phần mềm sang làm phần cứng".
Theo số liệu về doanh thu công nghiệp CNTT năm 2008 của Bộ TT&TT, công nghiệp phần cứng đạt 4,1 tỷ USD, xuất khẩu là 3,2 tỷ USD; phần mềm là 680 triệu USD, xuất khẩu 210 triệu USD; nội dung số là 440 triệu USD, với tỷ lệ xuất khẩu không đáng kể; viễn thông là 5,14 tỷ USD.

Như vậy, xét theo tỷ lệ phần trăm doanh thu, xuất khẩu và nhân lực, công nghiệp phần mềm chỉ chiếm 4,5% doanh thu, 10% xuất khẩu và 25% nhân lực của toàn ngành. Phần cứng chiếm 40% doanh thu, 80% giá trị xuất khẩu và 40% nhân lực; còn viễn thông chiếm 50% doanh thu và 25% nhân lực.

"Nếu xét theo tỷ lệ trên, công nghiệp phần cứng chỉ cần đạt tốc độ bằng nửa phần mềm thì tổng doanh thu, số lượng việc làm tạo ra đã lớn hơn nhiều phần mềm", ông Quang nói. Trong khi đó, theo ông Quang, nhân lực làm công nghiệp phần cứng đòi hỏi trình độ thấp nhất trong ngành công nghiệp CNTT, phù hợp với thực tế của Việt Nam.

ImageView.aspx


Bộ TT&TT: sẽ phát triển đồng bộ


Phát biểu tại tọa đàm, Bộ trưởng Bộ TT&TT Lê Doãn Hợp khẳng định Việt Nam đang có cơ hội vàng để phát triển CNTT. Nhận thức của Đảng và Nhà nước với vai trò của ngành CNTT ngày càng rõ rệt, và chúng ta có lao động trẻ giỏi về tự nhiên. Việt Nam cũng có thị trường nội địa đủ lớn để công nghiệp CNTT phát triển. Bên cạnh đó, "sự phát triển của CNTT thời gian qua cho phép chúng ta có bước phát triển nhanh hơn trong thời gian tới", Bộ trưởng nói.

Về định hướng, Bộ trưởng cho biết chiến lược là tập trung phát triển 3 mũi nhọn chính: nguồn nhân lực, công nghiệp CNTT và hạ tầng. Riêng công nghiệp CNTT sẽ phát triển đồng bộ cả phần cứng, phần mềm và nội dung số. Trong thời gian trước mắt, Bộ sẽ có chính sách khuyến khích sản xuất công nghệ lõi và sản xuất game có nội dung lành mạnh, đặc biệt là các game lịch sử.

Bộ trưởng cũng cho biết Bộ TT&TT sẽ đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ về cơ chế quy tụ những Việt kiều giỏi trong lĩnh vực và đưa họ vào những vị trí xứng đáng để cống hiến cho sự phát triển của ngành CNTT.

Phần mềm Việt Nam "PR" rất kém


Theo nhận định của ông Nguyễn Hữu Lệ, một trong những yếu tố khiến phần mềm Việt Nam chưa thành công là không quan tâm cung cấp thông tin về năng lực của ngành, đặc biệt là thông tin bằng tiếng Anh và Pháp. Ví dụ, nếu một khách hàng nước ngoài muốn tìm hiểu về phần mềm Việt Nam, khi họ vào Google tìm kiếm cụm từ "Vietnam Outsourcing" thì may ra có vài ba công ty làm phần mềm của Việt Nam nổi lên trang đầu.

Ngoài vai trò của các doanh nghiệp làm phần mềm, một phần còn do các hiệp hội ngành nghề như Vinasa không làm tròn trách nhiệm cập nhật thông tin cung cấp cho khách hàng nước ngoài.
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Vinasa thừa nhận Việt Nam chưa quan tâm đến tiếp thị, xây dựng thương hiệu cho ngành phần mềm. Để thúc đẩy thông tin về phần mềm Việt Nam ra quốc tế, Chủ tịch Vinasa cho rằng Chính phủ phải tổ chức các hội thảo quốc tế ở Việt Nam và có tham luận về phần mềm Việt Nam ở các hội thảo quốc tế.

Nhiều trường bị điểm 0 về lập trình


Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Long, Tổng thư ký Hội Tin học Việt Nam cảnh báo nếu không nhanh chóng đẩy mạnh chất lượng đào tạo nhân lực CNTT, thảm cảnh doanh nghiệp phải tái đào tạo lại nhiều tháng sẽ trở nên phổ biến ở Việt Nam.

Qua các kỳ Olympic tin học toàn quốc do Hội Tin học Việt Nam tổ chức hàng năm, ông Long cho biết có nhiều trường bị điểm 0 trong các môn thi về kiến thức lập trình. Trong khi đó, lập trình là kiến thức cơ bản nhất trong đào tạo CNTT.

Mặc dù cả nước hiện có khoảng 270 trường (cao đẳng và đại học) có chuyên ngành đào tạo CNTT nhưng chỉ có gần 100 trường dám cử sinh viên đi thi lập trình và trong số này không có một trường đại học nào ở các địa phương.

Theo ông Long, điều đó lý giải vì sao các trung tâm đào tạo kỹ năng lập trình như Aptech lại thu hút đông sinh viên các trường khác như thế. Theo thống kê của Aptech, khoảng 70% những người theo học tại Aptech là những người đang theo học tại các trường đại học, trong đó có những trường công nghệ như Đại học Bách Khoa hay Đại học Công nghệ Hà Nội.

Duy An

Tags: công nghệ thông tin, Aptech, lập trình, tin học



________________________
Học đi đôi với hành, hành đi đôi với tỏi
giadinh-phapluat.tumblr.com/
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top