Cố gắng để quên

rubi_mos2002

New member
Xu
0

Duy Đoàn chuyển ngữ


Khả năng buông cho suy nghĩ và trí nhớ trôi đi hậu thuẫn cho một trạng thái tinh thần minh mẫn, cho một trí năng sắc bén – và thậm chí giúp cho bộ nhớ tốt hơn.

Solomon Shereshevsky có thể thuật lại nguyên bài nói chuyện, từng từ một, sau khi nghe chỉ một lần. Trong mấy phút, anh ta ghi nhớ những công thức toán phức tạp, những đoạn văn bằng tiếng nước ngoài và mấy bảng biểu chứa 50 con số hoặc các âm tiết vô nghĩa. Dấu hiệu của những chuỗi này được in hằn lâu dài trong bộ não của anh ta đến mức anh ấy có thể tái tạo lại chúng sau nhiều năm, theo nhà tâm lí học người Nga Alexander R. Luria, người đã viết về người đàn ông mà ông gọi đơn giản là “S” trong cuốn The Mind of a Mnemonist.

Nhưng sức nặng của toàn bộ kí ức, chất chồng lên nhau trong bộ não, đã tạo ra sự lẫn lộn gây thương tật. S khong thể hiểu được ý nghĩa câu chuyện, bởi vì các từ ngữ cứ chen vào làm cản trở. “Không,” sẽ nói. “Điều này là quá nhiều. Mỗi từ gọi ra những hình ảnh, chúng xung đột lẫn nhau, và kết quả là sự hỗn loạn. Tôi không thế làm gì bởi vì vậy.” Khi người ta yêu cầu S đưa ra quyết định, với vai trò chủ trì của một nhóm liên hiệp, thì anh ta không thể phân tích tình huống theo tổng thể, mắc sai sót khi anh ta cứ đi theo những chi tiết không liên quan. Anh ta kiếm sống bằng việc trình diễn những kì tích của trí nhớ.

Dù vậy anh ta mong muốn có thể quên, một cách tuyệt vọng. Trong một nỗ lực vô dụng, anh ta ghi ra những món đồ anh muốn bứt nó ra khỏi tâm trí mình và đốt tờ giấy ghi đó. Mặc dù nỗ lực của S nhằm kiềm chặt trí nhớ của mình là điều cảnh báo lạ thường, nhưng tất cả chúng ta cần phải – và thường đấu tranh – biết cách quên. “Trí nhớ con nguời rất tuyệt,” nhà thần kinh học tri nhận Benjamin J. Levy của trường Stanford University cho biết. “Vấn đề với trí nhớ chúng ta không phải việc không có gì đi vào tâm trí mình – mà vấn đề về những thứ không thích hợp đi vào tâm trí chúng ta.”


Hành động quên sẽ tạo ra và mài dũa dữ liệu trong bộ não như thể gọt đẽo một bức tượng từ một khối đá cẩm thạch. Nó giúp ta ý thức về thế giới bằng cách dọn đường cho những ý nghĩ thật sự giá trị. Nó cũng trợ giúp cho sự phục hồi cảm xúc. “Bạn muốn quên đi những thứ đáng xấu hổ,” nhà thần kinh học tri nhận Zara Bergström của trường University of Cambridge. “Hoặc nếu bạn tranh cãi với đồng sự của mình, bạn sẽ muốn bàn về chuyện khác.” Trong những năm gần đây, các nhà nghiên cứu đã thu thập chứng cứ về khả năng quên có chủ ý của chúng ta. Họ đã phác thảo mạch thần kinh làm cơ sở cho kĩ năng này, giống với cái giúp ngặn chặn những hành động bộc phát.

Dữ liệu phát sinh cung cấp sự hậu thuẫn khoa học cho lí thuyết gây tranh cãi của Freud về sự dồn nén, nhờ đó mà những kí ức không mong muốn sẽ được đẩy vào tiềm thức. Chứng cứ mới này cho biết khả năng dồn nén khá là hữu ích. Những ai không thể làm tốt điều này có khuynh hướng để cho những suy nghĩ bám chặt vào tâm trí họ. Họ cứ ngẫm nghĩ, điều này có thể dọn đường đến sự trầm cảm. Tương tự vậy, việc kiềm nén kí ức một cách yếu ớt có thể ngăn trở việc phục hồi cảm xúc của những nạn nhân bị tổn thương tinh thần. Không kiềm hãm lại những sự xâm nhập vào tinh thần, thì những người với bệnh rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) cũng có nhiều khả năng nằm trong số những-người-không-có-khả-năng-quên (chỉnh cụm từ này lại một chút). Nói ngắn gọn, trí nhớ – và khả năng quên – có thể định hình tính cách bạn.

Khả năng quên dù sao không phải là bất biến. Nếu bạn tập luyện áp dụng việc kiềm hãm trí não, những kí ức không mong muốn sẽ có xu hướng phai nhạt đi. Do vậy, trái ngược với sự hiểu biết thông thường, liệu pháp kiềm nén một ngày nào đó có thể sẽ trợ giúp trong việc điều trị những rối loạn tinh thần và rối loạn khả năng tri nhận. Bởi vì việc cố ý quên còn tuỳ thuộc vào việc khống chế ý nghĩ và kí ức nào sẽ thâm nhập vào nhận thức của chúng ta, nền khoa học của các hồi ức bị chối bỏ có thể sẽ giúp các nhà khoa học hiểu được ý thức.


Dọn dẹp ngôi nhà kí ức

Đối với hầu hết mọi người, quan niệm quên đi một thứ gì đó gợi ra hình ảnh về những chiếc chìa khoá xe bị thất lạc, những cuộc hẹn bị bỏ lỡ và bị điểm thấp trong các kì thi. Tệ hơn nữa là nó là dấu hiệu của chứng mất trí. Các nhà tâm lí học theo truyền thống đã chia sẻ góc nhìn này, và hầu hết họ học về bộ nhớ với con mắt hướng về việc đóng kín các kẽ hở mà kiến thức có thể thoát ra qua đó. Thậm chí việc ngăn chặn những kí ức cảm xúc gây phiền nhiễu từ lâu được xem là hình thức tệ hại. Đầu thập niên 1900, Freud đưa ra giả thuyết rằng con người có xu hướng chặn lại những hồi ức tiêu cực như một cơ chế phòng ngự. Theo lí thuyết đó, mọi người cần phải ghé thăm lại những kí ức này để thúc đẩy sự phục hồi tâm lí.

Thử thách ban đầu cho quan điểm bi quan đó về việc quên xuất hiện năm 1970, khi nhà tâm lí học Robert A. Bjork, hiện đang ở trường University of California tại Los Angeles, đưa ra báo cáo rằng những chỉ dẫn để quên đi những thứ đã được học trước đó có thể cải thiện trí nhớ cho những thứ khác. Việc quên do vậy không phải là dấu hiện của một trí năng hạ đẳng – mà thật sự là ngược lại. Ông viết, mục tiêu của việc quên là ngăn chặn ý nghĩ không còn cần thiết nữa để chúng không can thiệp vào việc xử lí thông tin hiện tại – tương tự việc bỏ đi những món đồ dư thừa trong nhà bạn để có thể tìm thấy cái mình cần. “Khi con người cất tiếng than phiền về kí ức họ, thì họ luôn cho rằng vấn đề ở chỗ thông tin không được giữ lại đầy đủ,” Bjork viết như thế. “Tuy nhiên, theo một ý nghĩa vô cùng xác thực, thì vấn đề có thể ít nhất một phần nằm ở chỗ người ta quên đi chưa đủ hoặc không hiệu quả.”

Một vài nhà khoa học tán thành những ý tưởng của Bjork ngay từ ban đầu, vẫn cho rằng việc quên đối nghịch với việc học và trí nhớ. Rồi sau đó thập niên 1990, Bjork, cùng với vợ mình là Elizabeth L. Bjork và chàng sinh viên đã tốt nghiệp Michael C. Anderson, toàn bộ đều ở U. C. L. A., họ đã xác định được mục đích khác trong việc cho kiến thức trôi đi – một hiện tượng mà họ gọi là quên-để-phục-hồi-lại (retrieval-induced forgetting). Họ phát hiện rằng việc cố tình thăm viếng lại một thông tin đã được đưa vào lưu trữ sẽ cản trở sự hồi tưởng sau này về những tư liệu tương tự vậy. Quá trình này dễ thích ứng bởi vì nó loại bỏ hoặc làm nhạt đi những kí ức có thể chặn đường những suy nghĩ quan trong khác. Ví dụ, nó sẽ khiến cho con đường lúc bạn lái xe đến nhà một cô bạn làm lu mờ lối đi dẫn bạn tới chỗ ở trước đó của cô ta. “Nếu bạn quên đi một số điều, thì sẽ có ít can thiệp vào thứ bạn muốn giữ lại,” theo lời nhà tâm lí học John Jonides của trường University of Michigan ở Ann Arbor. “Đó là một sự thúc đẩy to lớn đối với trí nhớ.”

Người ta nghĩ rằng sự thúc đẩy này phụ thuộc vào vỏ não trán trước (prefrontal cortex), nằm ở vị trí phía sau trán. Vỏ não trán trước là chỗ ở của cái gọi là những chức năng thực thi của não bộ, bao gồm việc lập kế hoạch, việc tính toán và lí giải, nó cũng kiểm soát những cơn bốc đồng. Người ta nghĩ rằng nhiều vùng của vỏ não trán trước mang tính kiềm hãm; chúng làm dịu đi những phản ứng của neuron ở những phần khác trong bộ não. Khi chúng ta cảm thấy muốn chỉ trích người chồng hay người vợ vì về nhà trễ hoặc đã để nhà bừa bộn, ví dụ thế, thì những tế bào trong những khu vực này (nếu chúng hoạt động lúc đó) sẽ ngăn ta lớn tiếng. Tầm thường hơn, chúng có thể ngăn ta không theo phản xạ chạy đuổi theo trái banh bị hất văng ra ngoài đường đông đúc.

Các nhà nghiên cứu phỏng đoán rằng một số neuron kiềm hãm này có thể có tác dụng với trí nhớ. Trong trường hợp quên-để-phục-hồi, việc kiềm hãm xảy ra vô tình, bên dưới nhận thức của ta. Nhưng khoảng 10 năm trước, Anderson, sau này là nhà tâm lí học tri nhận ở trường University of Oregon, đã tự hỏi liệu con người ta có thể áp dụng sự kiểm soát ý thức đối với kí ức của họ. Chúng ta có thể dùng ý chí để quên không? Rốt cuộc thì chúng ta thường muốn quên đi vài điều, dù cho có là lí do cảm xúc hay trí tuệ đi nữa.


Quay lại sự dồn nén

Để kiểm tra ý tưởng của mình, Anderson xây dựng một phiên bản tác vụ của kí ức gọi là đi/không-đi, dùng để đánh giá khả năng của con người trong việc cản trở các hành động của mình. Trong một nghiên cứu công bố năm 2001, Anderson và sinh viên của mình là Collin Green, hiện đang làm việc ở NASA Arnes Research Center, đã cho 32 sinh viên đại học làm một tác vụ có tên gọi là nghĩ/không-nghĩ. Những sinh viên đó học 40 cặp từ ví dụ như “ordeal-roach”, với từ đầu tiên đóng vai trò gợi ý cho từ thứ nhì. Kế tiếp họ đưa ra những gợi ý và yêu cầu những người tham gia thí nghiệm nghĩ về nó và nói ra từ đi cùng hoặc là kiềm nén lại (không nghĩ về) từ có liên quan đó.

Việc kiềm nén dường như có tác dụng. Các sinh viên thậm chí nhớ được ít mối liên hệ từ bị kiềm nén hơn là những từ “chuẩn” – những từ học được nhưng không thực hành hoặc không ngăn trở nó. Và các sinh viên càng cố ngăn chặn việc nhớ một cặp từ nào, thì trí nhớ càng tệ đi; tức là, họ cố quên đi càng nhiều thì họ càng quên đi. Ngược lại, hồi ức của họ về một cặp từ sẽ cải thiện nếu có đọc liên tục. Khi các nhà nghiên cứu đưa cho sinh viên những gợi ý mới của cùng những từ đó, các sinh viên lại gặp nhiều khó khăn để tìm ra những từ bị kiềm nén, điều này cho thấy rằng họ đã quên đi những từ đó. Những phát hiện này cho biết bộ não có thể dồn chặt lại những kí ức không mong muốn, như Freud đã nói. Mặc dù Freud nghĩ rằng các kí ức bị dồn nén có thể trở lại ám ảnh chúng ta, nhưng các dữ liệu mới chỉ ra rằng con người có thể khiến những hồi ức đó nhạt nhoà lui dần vào hậu cảnh (mặc dù vẫn chưa rõ trong bao lâu). Việc làm thế do đó có thể là một cách quan trọng để điều chỉnh cảm xúc và suy nghĩ của ta. Để những ý niệm hỗn tạp lang thang trong tâm trí để phản ứng lại những điều gợi nhớ là một phiên bản nhận thức của một phản xạ vận động (motor reflex), theo Anderson, người hiện đang làm việc ở Medical Research Council’s Cognition and Brain Sciences Unit ở Cambrige nước Anh. “Chúng ta không lúc nào cũng muốn hành động theo phản xạ”, ông nói. “Đó là điều làm nên con người.”


Cơ cấu của sự kiềm chế

Trong vòng vài năm, Anderson và những người khác đã phác thảo nên những vùng não hậu thuẫn việc kiểm soát trí nhớ. Năm 2004, ông cùng với nhà tâm lí học John Gabrieli, lúc đó đang làm việc ở Stanford, và các đồng nghiệp, sử dụng fMRI (cộng hưởng từ chức năng) để quét bộ não của những người tham gia thí nghiệm khi họ đang thực hiện tác vụ nghĩ/không-nghĩ. Bằng cách nhìn vào sự tương phản giữa những lần quét tạo ra khi một người được cho là sẽ nhớ từ, với những lần quét lúc họ cố quên đi, các nhà nghiên cứu liên hệ được việc kiềm nén trí nhớ với phần hoạt động mạnh mẽ hơn nằm ở hai vùng vỏ não trán trước – cái vùng được đề cập trước đó, dùng cho việc hoạch định và việc sơ sót – và phần hoạt động giảm dần ở vùng đồi hải mã (hippocampus), một vùng chịu trách nhiệm cho việc kết hợp các thành phần kí ức lại với nhau và tái kích hoạt nó.

Những vật người ta nhớ được sau đó sẽ tạo ra nhiều hoạt động hơn trong vùng đồi hải mã so với những vật vốn sẽ bị quên lãng, một mẫu hình tiên đoán được những cặp nào sẽ được kiềm nén thành công. Trong khi đó, phần can dự vào của vỏ não trán trước tiên báo về khả năng quên đi của một người: kích hoạt càng nhiều tức là càng nhiều sức mạnh ngăn trở.

Nhà thần kinh học tri nhận Brendan Depue của trường University of Colorado ở Boulder và đồng nghiệp đã quyết định xem xét cảm xúc có thể ảnh hưởng những kết quả đó ra sao. Trong một nghiên cứu năm 2006, đội ngũ của Depue kiểm tra những đối tượng tham gia thí nghiệm về khả năng học, nhớ và kiềm nén những mối liên hệ giữa những biểu hiện trên gương mặt với những biểu hiện thần kinh và một vài kích thích khác – những từ có nghĩa tiêu cực (như “deformed”) hay trung tính (ví dụ “lantern”) hay những bức hình gây khó chịu hoặc vô cảm. Họ phát hiện không chỉ việc kiềm nén có tác dụng cho nhiệm vụ này mà còn phát hiện ra rằng nó thậm chí mãnh liệt hơn nếu các kích thích mang tính tiêu cực, điều này gợi ý rằng con người có thể có nhiều quyền năng hơn đối với các trí nhớ cảm xúc so với trí nhớ về những thứ trung tính. Hơn nữa, khi những người này dùng tới sự kiểm soát này, theo như Depue và đồng nghiệp báo cáo năm 2007, thì những phần phụ trách các giác quan trong bộ não, bao gồm vỏ não thị giác, ban đầu sẽ rơi vào trạng thái im lặng, như thể bộ não chính nó đang cố loại bỏ đi hình ảnh kí ức. Khi người ta tiếp tục thực hành việc nén giữ lại suy nghĩ, thì cả hai vùng đồi hải mãi và vùng hạch hạnh nhân (amygdala), yếu tố then chốt cho việc xử lí cảm xúc, đều câm lặng. Depue lí thuyết hoá nó lại, một khi những khung cảnh của kinh nghiệm phai nhạt đi thì bộ não cố giảm thiểu những cảm xúc vẫn còn bám chặt vào nó và gắng sức làm suy biến đi tổng thể kí ức. Cái vùng điều hành màn trình diễn đó, như thường lệ, vẫn là vỏ não trán trước.

Bergström và đồng nghiệp của bà giờ đây đã xác định được tín hiệu não bộ đánh dấu cái khoảnh khắc quên lãng. Bằng cách dùng điện não đồ, đội ngũ của bà vận dụng những vùng điện trường tạo ra bởi các neuron thông qua các điện cực đặt trên da đầu. Những thay đổi ở các trường này ngay lập tức phản ánh những sự kiện tri nhận mới. Một sóng hoạt động được phát hiện ở gần đỉnh đầu có liên hệ với lượng thông tin thu thập được, theo số liệu mới nhất của Bergström. Tín hiệu càng lớn, thì kí ức càng chi tiết. Trong một nghiên cứu công bố năm 2007, Bergström và đồng nghiệp thấy tín hiệu này co lại trong vòng nửa giây nỗ lực áp chế một kí ức được một gợi ý nào đó khơi ra. Năm 2009, cũng nhóm đó đã báo cáo rằng chỉ những nỗ lực áp chế trí nhớ có toan tính và phối hợp với nhau, mà không nghĩ về điều gì khác, thì mới gây ra tín hiệu xung điện của sự quên. “Tín hiệu này liên hệ với phần hồi ức được tiết chế xuống đến mức trông có vẻ như người ta sẽ không còn nhớ gì nhiều nữa,” Bergström cho biết.

Khi con người thay vào đó dùng những sự thay thế ý nghĩ – một kĩ thuật liên quan đến việc thay thế một ý tưởng mình muốn chấm dứt bằng một ý tưởng khác – thì tín hiệu kí ức không co lại. Mặc dù những người tham gia thí nghiệm khi thực hiện những chuyển đổi đó đã quên đi một số liên kết từ mà họ học được, nhưng sự quên lãng đó ít triệt để hơn, điều này cho thấy rằng nó xảy ra theo một cơ chế khác, Bergström cho biết.


Quá nhiều kí ức

Việc quên đi đối với mọi người không phải là điều dễ dàng. Những người thực hiện sự quên tốt nhất trong các thí nghiệm của Anderson đã quên được tới 60 phần trăm tư liệu mà họ cố ngăn chặn – một nỗ lực ấn tượng cho phần thực hành chỉ hơn một phút. Những phiên bản nhẹ nhàng hơn của Shereshevsky thì ngược lại, cố hết sức xoá đi dấu vết của những cặp từ ngữ, trong một số trường hợp thì việc nhớ chúng lại tốt hơn sau khi thực hiện vài nỗ lực áp chế chúng. “Có một phạm vi rộng lớn về việc con người đạt mức hiệu quả như thế nào để có thể quên,” Levy cho biết.

Có được kĩ năng này, hoặc thiếu kĩ năng này, đều lan toả sức ảnh hưởng lên tính cách. Nếu bạn không xua tan đi những kí ức tiêu cực, ví dụ vậy, thì bạn có thể dễ sa lầy vào tâm trạng sầu não. Mặc dù việc không thể quên không gây ra chứng trầm cảm, nhưng nghiên cứu cho thấy rằng những bệnh nhân trầm cảm gặp khó khăn trong việc để qua một bên những suy nghĩ u tối. Trong một thí nghiệm công bố năm 2003, nhà tâm lí học Paula T. Hertel của trường Trinity Universtiy ở San Antonio và Melissa Gerstle, hiện đang làm việc tại Texas Children’s Hospital và Bayor College of Medicine, họ đã phát hiện ra rằng những sinh viên bị trầm cảm hồi tưởng lại được nhiều hơn những từ mà họ thực hành việc áp chế nó, nhiều hơn so với những sinh viên khác. Những sinh viên gặp vấn đề trong việc quên thì đạt được mức độ trầm tư cao nhất – vốn là xu hướng nhắc đi nhắc lại một ưu tư nào đó – và mức độ thường xuyên xảy ra của những suy nghĩ không mong đợi.


Việc kiểm soát kí ức tệ có thể dẫn đến những vấn đề nhận thức khác – sự mất tập trung chẳng hạn. Năm 2010, nhóm nghiên cứu của Depue báo cáo rằng những người bị ADHD (rối loạn tăng động giảm chú ý) gặp nhiều vấn đề hơn trong việc quên đi những cặp ý tưởng về gương mặt và bức hình trong tác vụ nghĩ/không-nghĩ so với những người cũng thực hiện tác vụ đó nhưng không bị rối loạn. Chứng ADHD ở con người càng trầm trọng, thì người đó càng gặp nhiều khó khăn hơn khi thực hiện tác vụ này. Một mẫu hình kích hoạt riêng biệt của não bộ dường như hậu thuẫn cho những khiếm khuyết này: vùng vỏ não trán trước của những bệnh nhân bị chứng này trong suốt quá trình áp chế suy nghĩ hoạt động ít hơn so với những người khác. Thậm chí sau 10 hay 12 nỗ lực ngăn chặn sự liên hệ, vùng đồi hải mã và hạch hạnh nhân, là những vùng cùng nhau ghi nhận các kí ức cảm xúc, không cho thấy có tín hiệu nào bị tắt đi ở những người bị ADHD. Do vậy, ADHD dường như liên quan đến việc giảm dần sự điều khiển kí ức cũng như các hành động. Sự thiếu hụt này mở ra cánh cửa đến những suy nghĩ gây lạc hướng có thể quấy nhiễu những nỗ lực tập trung.


Những khu vực có chức năng điều hành tốt (execute function) thì sẽ có khả năng áp chế kí ức rất tốt. Một phạm vi của chức năng điều hành có tên gọi kí ức vận hành (working memory), một vùng làm việc trong tâm trí giúp bạn có khả năng giữ và điều khiển thông tin trong tâm trí để, dạng như, có thể đọc được hay thực hiện các tính toán trong đầu. Trong hai thí nghiệm gần đây, chưa được công bố, Anderson và Ted Bell, nhà tâm lí học của trường University of Oregon, họ đã kiểm tra kí ức vận hành bằng cách yêu cầu họ giữ trong đầu một danh sách dài thườn thượt các từ ngữ trong khi đang thực hiện tính nhẩm trong đầu. Những người nào có thể nhớ nhiều từ hất cũng là những người có khả năng quên tốt nhất trong tác vụ nghĩ/không-nghĩ. “Việc giữ nhiều thứ trong đầu có liên hệ với việc đẩy nhiều thứ ra khỏi tâm trí,” Anderson nhận xét ngắn gọn như thế.

Đối với người bình thường, khả năng quên tăng giảm theo năm tháng giống như chức năng điều hành vậy. Năm 2009, Anderson, nhà thần kinh học Pedro M. Paz-Alonso của trường University of California ở Berkeley, và đồng nghiệp của họ đã báo cáo rằng việc áp chế kí ức được cải thiện trong độ tuổi 8 đến 12, khi nó tiếp cận đến mức độ đó vốn thường thấy ở người vị thành niên. Vào cuối đời, việc quên một lần nữa trở nên khó khăn hơn. Trong một nghiên cứu công bố năm 2011, Anderson và đồng nghiệp đã khám phá ra rằng những người lớn tuổi gặp nhiều vấn đề hơn những người trong độ tuổi 18 đến 25 trong việc loại bỏ một trải nghiệm nào đó ra khỏi ý thức khi được gợi nhắc đến. “Trẻ con và người già có một quãng thời gian khó khăn trong việc loại bỏ chuyện này,” nhà tâm lí học Karl-Heinz Bäuml của trường Regensburg University ở Đức cho biết. Kết quả là, theo như Bäuml dự đoán, thì cả hai độ tuổi đó có thể gặp những vấn đề nhất định trong việc hồi phục lại sau những bất ổn của cuộc đời.

Ánh mặt trời vĩnh hằng (eternal sunshine)

Trong một phim năm 2004, Eternal Sunshine of the Spotless Mind, Clementine (Kate Winslet) chấm dứt mối quan hệ với bạn trai cô là Joel (Jim Carrey), do đó cô nhờ người ta xoá kí ức về anh chàng đó. Là một bác sĩ, Howard (Tom Wilkinson) giải thích cho Joel biết, “Cô ta không hạnh phúc; cô ta muốn tiếp tục đi tiếp. Chúng tôi cung cấp cái khả năng đó.” Dịch vụ của Howard được người phụ tá ái mộ tóm gọn thế này: “Người lớn là một mớ những buồn phiền, sợ hãi… Howard chỉ làm cái việc đẩy những thứ đó đi chỗ khác,” cô nàng phụ tá nói thế.

Phải mà như vậy. Các nhà nghiên cứu đang tìm hiểu những cách dùng thuốc để có thể quên đi nhẹ nhàng, nhưng các phương tiện y tế hết sức đơn giản dùng để tẩy bỏ đi những kí ức gây phiền não vẫn là chuyện của tương lai. Dù vậy, có thể rèn luyện con người khả năng quên.


Trong những thí nghiệm tâm lí học, đối với một số người thì 10 đến 20 nỗ lực nhằm ngăn chặn một luồng kí ức có thể dẫn đến việc quên lãng đi, Bäuml cho biết. Do đó, theo lí thuyết, bạn có thể chôn vùi một hồi ức nào đó bằng cách mỗi ngày dập tắt nó đi và làm như thế trong suốt một tháng. Bäuml cũng phát hiện ra cách để nâng cao tính hiệu quả của tác động này. Năm 2010, ông và đồng nghiệp đã cho các sinh viên, những người đang thực hiện tác vụ nghĩ/không-nghĩ, một giây chú ý trước về việc phải áp chế (hoặc nhớ lại) một từ mà họ có liên hệ với một gương mặt nào đó. Việc cảnh báo trước giúp cải thiện hiệu năng: những sinh viên nào có khả năng chuẩn bị trước để làm tâm trí ngưng lại thì có thể quên được nhiều từ hơn những người nhận được gợi ý cùng lúc với chỉ dẫn áp chế kí ức. Do vậy khi bạn bước vào hoàn cảnh có thể làm khơi dậy những kí ức khó chịu thì hãy nghĩ về việc cần phải đẩy chúng ra khỏi tâm trí trước một thời điểm nào đấy, và bạn có thể tự cảm thấy khá hơn.


Tập luyện việc áp chế suốt hàng nhiều năm trời có thể khiến bạn làm được điều đó tốt hơn. Anderson, cùng với những sinh viên tốt nghiệp của mình Justin Hulbert và nhà thần kinh học Brice Kuhl của trường Yale University, đã cho thấy rằng những sinh viên nào trải qua một vụ tổn thương nghiêm trọng nào đó – ví dụ như từ cái chết của một người thân thương, một vụ hãm hiếp hay một cơn thiên tại nào đó – thì lúc nào cũng có khả năng ngăn chặn những từ ngữ làm gợi lại kí ức về chúng, tốt hơn so với những người chịu đựng ít hơn. Do đó, một nỗ lực lâu dài để xua tan kí ức tồi tệ có thể sẽ mài dũa kĩ năng kiềm chế này. Dĩ nhiên là những nạn nhân bị tổn thương, những người có thể tới trường học bình thường, ngay từ đầu họ có thể có khả năng kiểm soát tốt chức năng vận hành của não.

Thật sự bởi vì những khác biệt giữa người này người kia, việc áp chế tự thân nó không phải lúc nào cũng có tác dụng với tất cả mọi người. Trong một nghiên cứu năm 2009 Hertel, Jutta Joormann của trường University of Miami và đồng nghiệp đã yêu cầu những người từng bị trầm cảm nhớ lại các cặp danh từ không liên quan nhau, mỗi cặp chứa một từ trung tính về cảm xúc và một từ hoặc là tích cực hoặc là tiêu cực – nấm và con tin chẳng hạn, hoặc tấm màn và tính hài hước. Rồi họ thực hành các cặp tích cực và áp chế những cặp tiêu cực, mặc dù một số người đã dùng phương cách thay thế bằng suy nghĩ khác để thế chỗ từ này bằng một từ khác. Khi kiểm tra những người đó bằng tài liệu ban đầu, những người trầm cảm nào dùng cách áp chế thì không quên được những từ tiêu cực nhiều bằng lúc họ quên những từ mà họ không cố gắng áp chế. Ngược lại, những bệnh nhân nào dùng phương pháp thay thế thì khả năng nhớ giảm đi 25 phần trăm chỉ sau hai lần thực hành kĩ thuật đó. Kết quả cho biết rằng những ai trầm cảm khong thể chỉ đơn giản là đẩy lùi những kí ức không mong muốn; họ có thẻ cần phải thay thế chúng một cách chủ động.


Một số nhà tâm lí học không ủng hộ phương thức nào hết. Có một cách khác để quên đi, theo nhà tâm lí học tri nhận Tracy Tomlinson của trường University of Maryland cho biết, đó là hãy đơn giản làm thứ gì đó xao lãng đi trong lúc hồi tưởng. Trong một nghiên cứu năm 2009, Tomlinson và đồng nghiệp phát hiện rằng những ai ấn nút enter bất cứ lúc nào xuất hiện gợi ý về một từ nào đó, thì họ sẽ quên đi nhiều từ cũng giống như những ai cố gắng ngăn chặn tâm trí mình để những từ ngữ không đi vào đầu. “Con người ta không cần phải chủ động tìm kiếm kí ức, và rồi lại kéo lê nó ra khỏi đầu,” Tomlinson cho biết. “Hành động sẽ can thiệp vào hồi ức.”

Không có phương pháp kiểm soát tâm trí cá nhân nào được cải tiến để dùng cho lĩnh vực y tế. Rõ ràng là con người có thể quên đi những từ ngữ gây tức giận hay những gương mặt đáng sợ, nhưng khả năng dập tắt những kí ức xúc cảm riêng tư sâu thẳm đó, như việc lạm dụng tình dục chẳng hạn, vẫn còn là một điều mơ hồ, Tomlinson cho biết. Dù sao, các nhà nghiên cứu vẫn hi vọng tận dụng được một hình thức quên lãng nào đó vào việc chữa trị các chứng rối loạn tinh thần, bao gồm trầm cảm và căng thẳng sau thời kì tổn thương, và có lẽ cả chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế (obssessive compulsive disorder).

Một số trường hợp không chỉ đơn giản là đẩy nó ra khỏi tâm trí, dĩ nhiên thế, bởi vì chúng có thể tái diễn hoặc cần xác định lại nguyên do. Thậm chí ở trường hợp vậy, việc quên đi vẫn có thể có một vai trò nào đó. Trong việc giúp đỡ bệnh nhân diễn giải lại một trải nghiệm, các nhà trị liệu có thể vô tình đem lại sự mất trí nhớ bằng cách nhấn mạnh vào những khía cạnh trong sự kiện nhằm nâng đỡ tinh thần bệnh nhân. Làm như thế, họ có thể thay đổi khả năng truy nhập tương đối của những kí ức tích cực và tiêu cực, như vậy thì những kí ức giúp xoa dịu tinh thần sẽ sẵn sàng nảy ra trong tâm trí hơn. Bằng cách này, việc quên đi dưới nhiều hình thức có thể là nhân tố bí ẩn nằm sau hậu thuẫn cho một tinh thần lành mạnh.

Nó có thể giúp giải mã được ý thức con người. Những thành phần của sự chú tâm có ý thức đến không chỉ từ các giác quan, vốn dùng để quan sát thế giới bên ngoài, mà còn đến từ tâm tưởng và kí ức của ta, là những thứ mà ta cũng có thể để ý đến – hoặc không để ý đến. Biết được con người làm cách nào để loại trừ theo ý muốn những khái niệm trừu tượng bên trong ra khỏi tâm trí sẽ dạy cho ta biết về cách thức hoạt động của ý thức nói chúng, Anderson cho biết. “Có những thứ gì hiện diện ở đó dành cho chúng ta ngoại trừ những trải nghiệm ý thức theo từng thời điểm?” ông đặt câu hỏi. “Nếu chúng ta có thể hiểu được điều đó, chúng ta sẽ chạm được vào cái nền tảng nhất của con người.”

Phụ lục: Quên để nhớ

Một mảng các vùng não bộ đóng vai trò trong việc quên – và nhớ. Ở phần vỏ não trán trước (prefrontal cortex), vùng lưng bên (dorsolateral) điều khiển việc áp chế kí ức, trong khi vùng phía dưới bên trái (left inferior) trợ giúp cho việc xây dựng những kí ức xúc cảm mạnh mẽ hơn. Vùng đồi hải mã (hippocamus) là nơi trung chuyển cho sự hình thành kí ức. Theo sau nó là một trợ thủ khác, vùng hạch hạnh nhân (amygdala), khi có cảm giác liên quan vào. Các vùng thị giác và thính giác tắt tín hiệu khi tâm trí đang dập tắt những hồi ức. Một cơ chế tắt tín hiệu tương tự khác xảy ra khắp vùng vỏ não thuỳ đỉnh (parietal cortex), với chứng cứ là việc phát hiện ra các tín hiệu sóng não tắt dần ở khu vực đó.

_
Chuyển ngữ tại Sài-gòn
20120306

Nguồn:
Wickelgren, Ingrid. “Trying to Forget.” Scientific American Mind, January/February, 2012: 33-39

 
Khi chúng ta cố gắng để quên, tức là chúng ta luôn nghĩ tới điều mà chúng ta muốn quên. Vì vậy, càng cố quên thì càng nhớ.
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top