• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

'Chuyện xưa tích cũ' trong truyện ngắn VN hiện đại

  • Thread starter Thread starter Butchi
  • Ngày gửi Ngày gửi

Butchi

VPP Sơn Ca
Xu
92
'Chuyện xưa tích cũ' trong truyện ngắn VN hiện đại

Truyện ngắn sử dụng "chuyện xưa tích cũ" thường không bị lặp lại mà còn tạo ra những giá trị mới qua sự nhìn nhận và đánh giá của con người hiện đại về những nhân vật vốn “im lặng” trong truyện xưa.

Trên văn đàn Việt Nam đương đại, dạng truyện ngắn viết lại “chuyện xưa tích cũ” đang nở rộ khác thường. Đây được xem là một hiện tượng giàu ý nghĩa với sự góp mặt của các tác giả như Nguyễn Huy Thiệp, Lê Đạt, Lê Minh Hà, Hoà Vang, Trương Quốc Dũng, Bùi Hoàng Vị, Lưu Minh Sơn, Hồ Anh Thái… Dạng truyện này không chỉ có hình thức đa dạng, phong phú mà phạm vi phản ánh cũng rất rộng, đề cập đến mọi vấn đề trong đời sống xã hội, đặc biệt là một số vấn đề mang tính nhạy cảm trong xã hội hiện đại. Việc tìm hiểu dạng truyện này còn giúp chúng ta hiểu thêm về mối quan hệ giữa đời sống văn học và đời sống xã hội.

Dạng truyện ngắn này sử dụng các mẩu “chuyện xưa” hay một số “tích cũ” làm “vật liệu” để kiến tạo nên tác phẩm mới. Đó có thể là những chuyện cổ tích, những giai thoại, những mẩu chuyện lưu truyền trong dân gian, nay được viết lại, viết thêm hoặc dựa trên những yếu tố cơ bản như nhân vật, sự kiện để viết thành cốt truyện mới. Sự sáng tạo bằng hệ thống thi pháp hiện đại, đã làm cho loại truyện cổ này không còn đơn thuần là công cụ chức năng nữa, mà nó được nâng lên tầm cao hơn, chuyên chở những thông điệp khác nhau, mang màu sắc hiện đại.

Việc viết lại “chuyện xưa tích cũ” có nhiều cách thức khác nhau, trong đó cách giữ nguyên cốt truyện cũ và gia cố thêm các chi tiết mới như nhân vật, tình tiết, diễn biến câu chuyện.


Một số truyện cổ được tái hiện trong các truyện ngắn đương đại với cốt truyện không hề thay đổi nhưng cũng không phải là kể lại hoặc dịch lại nguyên văn chuyện cũ. Thay vào đó, tác giả bổ sung một số chi tiết làm cho truyện đó vừa mang màu sắc cổ xưa vừa mang màu sắc của cuộc sống đương đại với sự bộn bề, phức tạp đa dạng cũng như sự phong phú trong đời sống nội tâm của con người.

Nếu như, những nhân vật cổ xuất hiện trong truyện ngắn của Lỗ Tấn vẫn mang dáng vẻ của thời đại cũ, thì ở trong tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp những nhân vật như Hồ Xuân Hương, Trương Chi… đều được trao cho một dáng vẻ của con người hiện đại. Chút thoáng Xuân Hương được gợi ý từ thơ của Hồ Xuân Hương, tuy Hồ Xuân Hương không xuất hiện. Trong truyện Trương Chi, cũng không phải là một Trương Chi hát hay, đàn giỏi như trong hình dung xưa nay mà là một anh chàng rất đời thường, tính toán, nhưng không phải là do bản chất của chàng không tốt mà vì chàng hiểu ra bản chất của cuộc đời, sự khốn nạn của kiếp sống nghèo hèn do sự tàn nhẫn phi lý của hiện thực. Hiện thực ấy khiến chàng đau khổ, tức giận và căm ghét.

Trong các tác phẩm của Lê Đạt, có rất nhiều truyện được viết theo cách thức này. Bài Hai ku nói về cuộc gặp gỡ giữa Tướng quân Yođa và nhà thơ Basô là có thật nhưng cuộc đối thoại giữa họ cùng những chi tiết như Basô nợ tiền rượu, “mặt như một nông phu”, uống trà như “phường ngưu ẩm”, một Basô sỗ sàng, dung tục, hồn nhiên đến quá mức thì lại mang nhiều nét hư cấu. Cùng một cách thức như thế một loạt tác phẩm khác như: Lầu Hạc Vàng, Bữa tiệc Flobe, Bức tranh có ma, Đám ma Sêkhôp, Tượng Balzac, Hèn đại nhân đều có những nhân vật thật. Tác giả đã giữ nguyên những sự kiện cơ bản về nhân vật. Câu chuyện về lầu Hoàng Hạc với hai bài thơ của Thôi Hiệu và Lý Bạch là có thật, còn cuộc thi thơ được tác giả nói đến không phải để so sánh tài năng mà để nhằm đến mục đích khác. Flobe với những trang viết nhập thần là có thật. Cuộc đời của nhà văn Balzac trong Tượng Balzac và hoạ sĩ Van Gogh trong Bức tranh có ma đã diễn ra đúng như tác giả nói. Bên cạnh đó, có rất nhiều chi tiết được làm mới, qua đó thể hiện thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm. Trong Cây đàn Long Môn, tác giả nhắc đến mối tình tri âm giữa Bá Nha và Tử Kỳ cùng tiếng đàn huyền thoại, đồng thời bổ sung một loạt chi tiết mới về cuộc sống riêng tư của Bá Nha cũng như sự tái xuất của tiếng đàn theo một cách đầy dụng ý.

Việc giữ nguyên các sự kiện chính liên quan đến nhân vật từ hoàn cảnh xuất thân, đến quá trình tưởng thành, sự nghiệp họ theo đuổi và cách kết thúc cuộc đời của họ như Lê Đạt làm với Balzac, Flobe, Van Gogh đã tạo cho người đọc niềm tin rằng câu chuyện là điều có thật. Có thể so sánh, giọng điệu, ngôn ngữ của nhân vật trong các truyện cổ ít biểu cảm, thiên về miêu tả và nhân vật chỉ được miêu tả hành động không có diễn biến nội tâm, nếu có thì cũng mang tính chung chung. Trong khi đó, các truyện viết lại “truyện cổ” tái hiện các nhân vật đó nhưng không chỉ được miêu tả nội tâm đa dạng mà còn có rất nhiều đối thoại thậm chí độc thoại. Lời nói của nhân vật cũng không còn vẻ chung chung nữa mà mang tính cá nhân rõ rệt, những nhân vật cổ luôn bị đóng khung trong những khuôn phép chuẩn mực nay được trở thành những người mang tính hiện đại. Những tưởng khập khiễng nhưng hoàn toàn phù hợp. Qua lời nói, nhân vật có thể bộc lộ những nỗi niềm của một con người với đầy đủ quyền lợi đáng phải có. Cũng chính những chi tiết được thêm vào và lời nói của nhân vật mà tác giả thể hiện được ý tưởng nghệ thuật của mình. Trong bối cảnh văn học có sự phát triển mạnh mẽ, phương thức sáng tạo đó hoàn toàn được chấp nhận. Các hình thức cách tân, sự đa nghĩa và khẳng định bản sắc phong cách riêng của từng nhà văn được khuyến khích.

Hình thức mượn xưa để nói nay đã là truyền thống từ trước, nay được phát triển hơn nữa, nhằm chuyên chở những thông điệp không tiện nói ra trực tiếp nên mượn vỏ bọc của chuyện xưa, người cũ, như vậy vừa hiệu quả, vừa ít bị bắt bẻ. Ngoài hình thức làm mới cốt truyện cũ thì truyện ngắn viết lại còn có một số hình thức thể hiện khác.

Khi truyện ngắn Sự tích ngày đẹp trời và truyện Nhân sứ của tác giả Hoà Vang ra đời, dư luận khá xôn xao. Khen chê lẫn lộn, sự phán xét của dư luận bao giờ cũng ồn ào nhưng công bằng, kết quả cho thấy không một tác phẩm nào được nhớ đến trong thời gian dài nếu nó không thực sự có chất lượng. Giá trị của tác phẩm không chỉ được thể hiện qua những giải thưởng đã làm rạng danh tác giả cũng như khiến người ta chú ý mà nó thực sự được khẳng định khi có sức sống trong lòng độc giả. Hai truyện ngắn của tác giả Hoà Vang được sáng tác theo hình thức viết thêm phần hậu truyện, phần sau của những câu chuyện cổ tích đã định hình trong lòng độc giả. Xưa nay chúng ta vẫn quen với những kết thúc có hậu của truyện cổ tích, ở đó cái thiện được bù đắp, cái ác bị trừng trị, người “ở hiền gặp lành” kẻ “gieo gió thì gặp bão”. Chúng ta tưởng như thế là kết thúc thoả đáng rồi. Nhưng không, Hoà Vang đã là người đi tiếp, viết tiếp phần sau cho những câu chuyện ấy.

Vẫn là nhân vật trong truyện xưa nhưng nếu ở trong truyện của Lê Đạt thường là nhắc lại cuộc đời của nhân vật và sáng tạo thêm khiến cho người đọc một hình dung khác về nhân vật thì Hòa Vang lại không biến đổi cốt truyện cũ mà chỉ viết thêm phần sau. Đó như là những vui buồn của người diễn viên sau cánh gà khi đã diễn xuất những gì người xem yêu cầu. Truyện Sự tích ngày đẹp trời nói về Mị Nương - người con gái xưa nay ta vẫn hình dung là hiền thục, thật thà, xinh đẹp đã hạnh phúc hài lòng khi theo Sơn Tinh về núi Tản Viên bỏ lại Thủy Tinh thất bại, căm hận, dâng nước trả thù. Những con nước bạc hàng năm nhấn chìm hoa màu làm hại đến đời sống của nhân dân là do vết thương lòng đó gây ra. Chúng ta quen ngợi ca Sơn Tinh và nguyền rủa Thuỷ Tinh, kẻ thất bại, kẻ độc ác, kẻ xấu xa. Và chúng ta quên đi một điều hãy đối xử thật công bằng để xem xét lại mọi việc, khi xét lại mọi việc mới thấy Thủy Tinh quả bị oan, chàng cũng là một người có tình cảm sâu nặng nhưng do thua thiệt đủ đường từ lễ vật đến khoảng cách, chàng thua Sơn Tinh là phải. Một người nặng tình như thế thì Mị Nương - một người con gái lấy chồng theo ý cha - không nhớ không lưu tâm mới là điều không bình thường. Và vì cảm thông cho nỗi niềm của Mị Nương và Thuỷ Tinh, như một sự bù đắp “một ngày đẹp trời” xuất hiện mỗi năm cho hai người gặp nhau. Trong truyện này tác giả để cho nhân vật tự bộc lộ và giãi bày suy nghĩ. Lời nói của nhân vật là lời của những con người hiện đại có cái tôi to lớn, phát ngôn để tự bào chữa cho mình. Câu chuyện khiến độc giả thấy thương cho Mị Nương và Thuỷ Tinh. Mỗi người có một lý lẽ riêng. Tuy là phần hậu truyện nhưng lại có mối liên hệ khớp với truyện cổ chúng ta thường nghe. Đây vừa là cái nhìn mới mẻ của nhà văn, cũng là sự đánh giá của con người hiện đại về những chuyện đã thuộc về lịch sử. Cách lật ngược vấn đề như vậy chính là một nét đặc sắc trong các sáng tác văn học ngày nay.

Ngoài ra, còn có nhiều truyện ngắn khác cũng được viết theo dạng này như Đường Tăng của Trương Quốc Dũng. Hình ảnh bốn thầy trò Đường Tăng trải qua bao gian nan vất vả để đi Tây Trúc thỉnh kinh mong tu thành chính quả đã quá quen thuộc với người đọc. Trong truyện, sau khi nhiệm vụ hoàn thành, cả bốn được ban cho thoát khỏi chốn dương trần về với cõi Phật, trong đêm cuối cùng làm người, Đường Tăng không ngủ được. Tác giả đã viết về những con sóng trong lòng Đường Tăng trong đêm ấy. Trong truyện Tây Du Ký chúng ta chỉ tưởng ra sự hài lòng đến tuyệt đối của bốn thầy trò chứ chưa từng nghe nói đến một sự băn khoăn nào. Tác giả làm cho người đọc sửng sốt khi Đường Tăng tỏ ra băn khoăn về sự lựa chọn của mình, nghi ngờ chân lý mình theo đuổi. Nhưng đã quá muộn. Nếu như người đọc không hiểu dụng ý của tác giả thì sẽ ngỡ đó là sự cân đo giữa Đạo và đời, nhưng thực chất không phải thế. Phần hậu truyện này giúp chúng ta nhận ra rõ “đạo” không ở đâu xa mà ở ngay trong mỗi chúng ta.

Cũng nói về thầy trò Đường Tăng, truyện Nhân sứ của Hoà Vang viết về việc bốn thầy trò đã tu đắc đạo đã thành chính quả nhưng lại luôn chờ đến kiếp làm người và muốn được làm người như Sa Tăng. Vậy chẳng hoá ra việc tu luyện vượt qua thử thách là vô ích.

Tác giả Lê Minh Hà có các truyện như Châu Long, Ngày xưa cô Tấm, An Dương Vương đều được viết theo cách thức này. Truyện Châu Long đã lần đầu tiên đưa Châu Long - người phụ nữ vĩ đại chưa từng được nói đến - xuất hiện trong văn học. Tình bạn của Lưu Bình và Dương Lễ đã trở thành giai thoại, để người đời sau hết lời ca ngợi nhưng lại không ai biết rằng có được tình bạn cao cả đó, đã có một người phụ nữ hy sinh cuộc đời của mình trở thành một thứ phương tiện trong tay đàn ông. Tác giả đã nhìn ra nỗi thiệt thòi của Châu Long, vì thế ở cuối truyện nàng đã được nâng lên đúng tầm. Còn hai người đàn ông mà nàng đã vì họ quên mình lại bị hạ bệ. Ở đây tác giả đã nói lên những cơ cực của Châu Long, cách nói đầy hàm súc. Nàng lấy chồng, không được chăm sóc cho chồng, mà được chồng bắt đi chăm sóc bạn chồng. Tay nàng vun vén, vỗ về giúp người bạn của chồng đậu đạt vinh quy bái tổ. Nàng chẳng được hưởng niềm vui đó mà phải trở về theo lời chồng dặn. Sau hơn mười năm xa cách, chăn đơn gối chiếc, trái tim của nàng đã lạnh giá, lại bị chồng ngờ vực. Suốt quãng đời còn lại nàng sống trong lặng lẽ, giá băng. Đó chính là phần sau của một câu chuyện có hậu.

Dù viết tiếp, nhưng truyện không bị lặp lại mà còn tạo ra những giá trị mới qua sự nhìn nhận và đánh giá của con người hiện đại về những nhân vật đã “im lặng” trong truyện xưa từng được ca ngợi. Trước đó các nhân vật chỉ được nhìn một chiều, hành động theo chức năng thì nay trong phần hậu truyện được nhìn ở nhiều góc cạnh khác nhau, từ đó tái hiện được mọi biểu hiện của tâm trạng nhân vật, hoặc nói cách khác nhân vật được sống trong thời hiện đại với sự đa giọng điệu và con người cá nhân được bộc lộ rõ ràng tự nhiên nhất. Họ được nói lên tiếng nói của lòng mình chứ không phải nói thay cho một người nào khác với những tâm sự khát khao chân thật, mãnh liệt của một con người.

Nếu như câu chuyện về Thánh Gióng là phần một, hậu truyện 'Gióng' của Lê Minh Hà là phần hai thì dân tộc ta hẳn còn dựng một lên bức tượng đài về mẹ.

Nếu văn Lê Đạt sắc sảo, góc cạnh thì văn Lê Minh Hà lại có phần nhẹ nhàng, đằm thắm. Với truyện Gióng, tiêu đề dễ làm người ta lầm tưởng tác giả viết về Gióng, nhưng thực ra lại kể về người mẹ sinh ra Gióng. Toàn bộ truyện là những lời độc thoại, ngay cả những lời đối thoại trong cơn mơ cũng là một trong những hình thức độc thoại, thể hiện những nỗi niềm của người mẹ dành cho đứa con mới lên ba đã phải đảm đương trọng trách của người lớn để rồi trở thành thánh nhân. Một trong “Tứ bất tử” của Việt Nam chỉ là một cậu bé, nhưng trong tưởng tượng, Gióng vẫn là vị anh hùng cưỡi ngựa sắt, mặc áo giáp sắt, xông pha trận mạc, đánh đuổi quân thù đem lại bình yên cho đất nước, để rồi sau khi hoàn thành nhiệm vụ lại bay về trời.

Đó là câu chuyện xưa nay ai cũng biết, nhưng có những điều chưa ai biết cho đến khi đọc truyện Gióng. Câu thơ đề từ “Không ai cúng thờ niềm thương nhớ ấy” (lời thơ của Đỗ Quang Nghĩa) như một lời ru, một bài đồng giao mẹ vẫn hát, câu thơ đề từ như nói lên tất cả: mọi người thờ Thánh Gióng nhưng Gióng mới lên ba, mới là một đứa trẻ, ít ai hiểu tình cảm thiêng liêng và rất đỗi đời thường của mẹ Gióng dành cho con. Mẹ Gióng nói chuyện với con hằng đêm trong cơn mơ. Với bà, đứa con bé bỏng luôn ở bên, vui đùa và nũng nịu cùng mẹ, vậy mà Gióng phải xa mẹ khi “mẹ chưa kịp dạy con gì ngoài yêu thương”. Người mẹ luôn nhớ con thương con, tự hào vì con của mẹ đã cứu giữ nước non, nhưng lại cảm thấy xót xa khi chợt nghĩ “Chẳng mấy ai còn nhớ người được dâng hương chính là chú bé của mẹ”. Chúng ta cảm nhận được nỗi niềm của mẹ qua những lời đối thoại với con trong cơn mơ và độc thoại với chính mình. Nếu như câu chuyện về Thánh Gióng là phần một, hậu truyện này là phần hai thì dân tộc ta hẳn còn dựng một lên bức tượng đài về mẹ.

Trong các phần hậu truyện, lời của nhân vật nhiều khi chính là lời của lớp người hiện đại đánh giá về các nhân vật cổ xưa. Trong truyện An Dương Vương (Lê Minh Hà), đoạn đối thoại của An Dương Vương và Rùa Vàng vừa thể hiện sự dằn vặt, day dứt của một vị vua đã làm mất nước, một người cha đã giết con gái mình. Lời của An Dương Vương vừa tự trách lại vừa thanh minh cho hành động của mình còn lời của Rùa Vàng là lời của nhân dân, những con người của thời đại ngày nay. Câu chuyện kết thúc với một giai thoại mới, là “điềm trời” cho mưa thuận gió hoà, đó mới là điều cần thiết nhất với mọi người. Cuộc đối thoại của hai nhân vật cũng có thể hiểu như là sự đối mặt giữa quá khứ, thứ đã trở thành những huyền thoại lung linh màu nhiệm và hiện đại, cuộc sống xô bồ nơi ta phải đấu tranh để khẳng định mình, để sống và vươn lên. Sự tiến lên của thời gian là sự lùi lại của lịch sử, thời gian có thể xoá đi lỗi lầm, nhưng khó có thể xoá được khi ngay trong chính lòng mình luôn trỗi dậy cảm giác có lỗi. Cảm giác đó khó biến mất mà đôi lúc lại quay về, tựa như những vết thương cũ tái phát. Những lời vấn đáp giữa An Dương Vương và Rùa Vàng cũng có thể xem là sự phán xét khách quan của dư luận, của thế hệ sau dành cho nhà vua và công chúa Mỵ Châu. Vẫn là hình ảnh những nhân vật cổ xưa nhưng tư duy mang đậm tính hiện đại, những băn khoăn, lý giải đã thể hiện rõ hình ảnh của con người ý thức rõ vị trí của mình.

Những nhân vật như An Dương Vương, Đường Tăng, Cô Tấm đều mang nặng nỗi niềm. Tấm (truyện Ngày xưa cô Tấm) bây giờ luôn phải vật lộn với chính lương tâm của mình, những dằn vặt về việc làm của mình đối với mẹ con Cám. Sự tĩnh lặng không có ngay trong chính lòng mình, sự dằn vặt hành hạ Tấm. Chính nàng tự kết tội mình. Bản thân tự kết tội chính là hành động nặng nề nhất, hành hạ đời sống tinh thần của chính người đó. Tấm chẳng được sống hạnh phúc dẫu lúc này không còn ai giành chồng với nàng nữa. Nhà vua không dám yêu thương một người vợ tàn bạo như thế. Trong truyện cổ tích, Bụt vẫn thường xuất hiện lúc Tấm gặp khó khăn và bảo ban cho nàng vượt qua nhiều khó khăn và thử thách vậy mà lần này Bụt không xuất hiện để giúp Tấm xua đuổi những giấc mơ kinh hoàng, những cơn chống đỡ tuyệt vọng. Chỉ đến khi Tấm khóc và chịu nhận ra lỗi của mình, Cám cũng thôi không xuất hiện nữa. Những nỗi niềm của Tấm phải chăng là sự hóa thân của một con người cá nhân vào con người chức năng bổn phận của truyện cổ tích?

Còn có một loại truyện khác sử dụng vật liệu được lấy từ nhiều truyện khác nhau để tạo nên một truyện mới, cùng thể hiện một chủ đề trung tâm. Các “nguồn vật liệu” này có thể không liên quan đến nhau, nhưng khi được đặt cạnh nhau qua bàn tay tài hoa của các nhà văn thì lại hoà hợp lạ lùng. Truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp có hai tác phẩm tiêu biểu viết theo phong cách này: Chút thoáng Xuân HươngNhững ngọn gió Hua Tát. Chút thoáng Xuân Hương gồm những câu chuyện khác nhau đều có hình bóng của nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Xuân Hương không xuất hiện trực tiếp, nhưng mọi vấn đề trong tác phẩm đều thể hiện qua cái nhìn của nàng, một con người tài năng và giàu cá tính. Sự tồn tại của nàng giúp người ta hiểu đời và biết vượt lên cái phàm tục, gian trá đầy rẫy trong cuộc đời để con người ta biết phân biệt lẽ phải, vượt qua, chối bỏ đi những cái phàm tục khinh bỉ mà vươn lên. Xuân Hương là hơi rượu thơm, là đóa hoa ngát hương trên bàn thờ, là hơi ấm nước vối có mấy lát gừng thơm cay, là đĩa bánh trôi bốc hơi nóng. Trong truyện này Xuân Hương được nhắc đến trong những cảnh huống khác nhau, tác giả bộc lộ những nỗi niềm khác nhau để cùng làm cho chủ đề trung tâm của truyện được nhen lên giúp con người ý thức rõ giá trị chân thực của cuộc sống để không quên hy vọng vào lý tưởng và cũng không quá thất vọng trước những bế tắc của cuộc đời. Truyện thứ hai viết về những câu chuyện cổ ở bản Hua Tát, là một bản làng có những điểm đặc biệt, màu của huyền thoại vẫn đang bao trùm cả làng bản Những ngọn gió Hua Tát gồm có mười truyện, mỗi truyện nói về những nỗi đau khác nhau: nỗi đau của một con người bé nhỏ, của một tập thể, của cả một thế hệ. Tất cả đều được tái hiện qua những con người cụ thể ở bản Hua Tát. Những con người ấy đó nay không còn nữa, họ đã là đất là gió - những ngọn gió quẩn quanh chân nhà sàn và trên cả những đồi nương. Các nhân vật trong truyện ít có người nào có kết thúc tốt đẹp, người không bỏ mạng thì cũng phải đi xa. Cảnh đời nhiều lắm, chuyện kể về những cảnh đời ấy đã trở thành chuyện cổ, thành những việc đã qua. Ta chỉ có thể nghe lại, khó có thể “can thiệp” vào được. Những thành công và thất bại, những cái được cái mất và làm cho ta bình tĩnh và suy ngẫm. Hình ảnh của bản Hua Tát ở đây được xem như hình ảnh của đất nước Việt Nam, vì thế mọi vấn đề của đất nước đều được nói đến thông qua những câu chuyện cổ.

Truyện Nhân sứ của tác giả Hoà Vang gồm có ba truyện, mỗi truyện cũng nói về một chủ đề, nhưng đều toát lên một chủ đề chung, tìm ra một nhân sứ - một nhân chứng của cuộc đời, tìm ra lẽ sống chân chính, nó ở ngay trong cuộc sống trong mỗi người, chỉ có điều phải sáng suốt, tĩnh tâm mới nhận ra được. Nỗi niềm băn khoăn trước sự đời đó cũng được tác giả Lê Minh Hà thể hiện trong truyện Ới ơi dâu bể gồm có bốn phần ghép lại: Viênan, Chử ơi, Những kẻ lạ, Thất thanh. Ở phần một và phần ba đều nói về những cặp trai gái thời hiện đại. Phần hai nói về mối tình Chử Đồng Tử và Tiên Dung, ở đó chúng ta thấy hình ảnh của họ thật mới mẻ, đến với nhau và sống với nhau thực tế hơn chứ không lung linh như trong truyện cổ tích. Những tưởng sống trong nghèo thiếu mới khổ đằng này Chử sống trong cảnh đầy đủ mà không vui sướng được bao lâu, chàng buồn nhớ và thầm khát khao những cảm giác ngày xưa, sống tự do, phóng khoáng giữa đất trời, chẳng mong làm nên những điều cao xa, lớn lao mà chỉ muốn sống thật với lòng mình. Phần bốn của truyện nhắc lại hai nhân vật này “Tiên Dung và Chử Đồng Tử vẫn sống” ở một nơi xa lắm, nơi không ai còn phải ước mong gì. Bốn phần có vẻ không ăn nhập với nhau nhưng đều có một mối liên hệ, con người từ cổ chí kim đều không bao giờ thoả mãn hết những ham muốn của bản thân mình, hãy biết vừa lòng với những gì mình có. Các phần một - ba và hai - bốn có sự đan xen bắc cầu với nhau tạo nên chủ đề chung của truyện.

Với dạng truyện ngắn viết lại truyện cổ, các yếu tố của truyện cổ trở thành vật liệu được sử dụng để phối trộn với những yếu tố hiện đại tạo nên một tác phẩm mới. Các nhân vật, cốt truyện, tình tiết đều được xử lý và đưa vào những môi trường mới. Đôi khi, trái với kết thúc có hậu trong tích cũ, phần hậu truyện khiến người ta phải suy ngẫm khi nhân vật bộc lộ những nỗi niềm không hài lòng hay tự bạch về những việc làm trong quá khứ, tác giả cũng lồng vào đó cách đánh giá của người đương thời về những yếu tố đã định hình. Các nhân vật đều đối thoại hoặc độc thoại bằng ngôn ngữ hiện đại, với tư duy hiện đại. Vì thế, dạng truyện này đã tạo nên một chỗ đứng cho mình trên văn đàn, gây ra ấn tượng mạnh trong đời sống văn học đương đại.


Theo Nguyễn Thị Minh Tâm - eVan

 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top