Chuyển thể thành văn xuôi tự sự có sử dụng yếu tố đối thoại và độc thoại nội tâm đoạn trích "Thuý Kiều báo ân báo oán".
BÀI LÀM
Trải qua nhiều cay đắng, biết chẳng thoát khỏi tay lũ buôn thịt bán người, Kiều đành tiếp khách trong nỗi vô vọng. Đúng lúc đó, Từ Hải xuất hiện. Người anh hùng đội trời đạp đất ấy không những cứu Kiều thoát khỏi lầu xanh mà còn giúp nàng đền ơn báo oán.
Giữa thanh thiên bạch nhật, dưới rừng gươm giáo uy nghi, Kiều ngồi trên ghế quan toà, tự mình phân xử. Đầu tiên, nàng cho mời Thúc Sinh. Chàng Thúc nhu nhược đáng thương không rõ mình có công hay tội, sợ hãi run rẩy bước ra. Gặp lại người đã từng cứu vớt, thương yêu mình trong một hoàn cảnh khác hẳn, nhất là trông thấy điệu bộ run sợ của chàng, lòng Kiều dâng lên một nỗi xúc động lẫn cảm thương. Nàng nhẹ nhàng nói:
- Chàng còn nhớ thiếp không? Thiếp may mắn đã từng được chàng cứu giúp ở Lâm Tri. Tuy chỉ được làm vợ chàng trong một năm ngắn ngủi, nhưng thiếp đã được chàng thương yêu, che chở. Tình nghiã đó nặng tựa nghìn non. Chẳng may, lòng người thâm hiểm, vợ chàng quỷ quái tinh ma đã dùng mưu đánh ghen tàn nhẫn khiến hai ta cách biệt chia lìa đôi ngả. Đa tạ tình chàng, ân tình đó, thiếp khắc ghi nhớ mãi. Hôm nay gọi là có chút lễ mọn, gấm trăm cuốn, bạc nghìn cân ban tặng chàng tỏ chút lòng biết ơn, mong chàng vui lòng nhận cho.
Chàng Thúc vừa run sợ, vừa mừng, vừa cảm động ứa nước mắt, nghẹn ngào không nói nên lời. Thuý Kiều nói tiếp :
- Vợ chàng và thiếp phen này gặp nhau, để rồi xem ai thắng ai. Chị ta đã dùng quỷ kế để làm tội làm tình thiếp, bây giờ thiếp cũng sẽ cho chị ta nếm trải những đắng cay, đau đớn như thiếp đã từng bị hành hạ.
Thúc Sinh còn chưa hết run, Thuý Kiều đã sai quân dẫn Hoạn Thư ra trước sân đình. Vừa thoáng thấy Hoạn Thư, nàng chào mỉa mai :
- Xin chào tiểu thư. Hôm nay tiểu thư cũng có mặt ở đây sao ? Để rồi xem tiểu thư còn giỏi đến mức nào ? Đàn bà như tiểu thư xưa nay thật hiếm. Những kẻ cay nghiệt, độc ác cuối cùng đều phải gánh chịu sự trừng phạt nặng nề của số phận.
Hoạn Thư hoảng sợ, hồn siêu phách lạc, cúi rạp người dưới trướng:
- Lạy phu nhân, xin phu nhân tha tội !
Sau phút hoảng sợ, vốn có bản lĩnh và khôn ngoan giảo hoạt, Hoạn Thư dần dần lấy lại được bình tĩnh và liệu lời kêu van gỡ tội :
- Xin phu nhân rủ lòng thương. Ghen tuông âu cũng là thói thường tình của nữ nhi. Dân gian có câu : "Ớt nào là ớt chẳng cay / Gái nào là gái chẳng hay ghen chồng". Tôi cũng chỉ là đàn bà. Xin phu nhân nghĩ lại cho, xưa phu nhân xin ra gác Quan Âm viết kinh tôi cũng đồng ý. Rồi khi phu nhân bỏ đi, tôi cũng không cho người đuổi theo giữ lại. Trong thâm tâm, tôi hết sức mến đức, trọng tài phu nhân, nhưng chồng chung thì chưa dễ ai nhường cho ai. Một ngưòi rộng lượng, thông minh và từng trải như phu nhân, chắc phu nhân cũng thấm thía, thấu hiểu nỗi đau khổ của một người đàn bà bị chồng phụ bạc như tôi. Nhưng dù sao tôi cũng đã trót gây cho phu nhân nhiều đau khổ, chông gai. Tội tôi đáng bị trừng trị nghiêm khắc. Tôi rất ân hận. Bây giờ chỉ còn trông chờ vào tấm lòng khoan dung, độ lượng rộng lớn như trời biển của phu nhân mà thôi.
Nghe Hoạn Thư nói đến đây, Thuý Kiều càng ngạc nhiên vì tài ăn nói khôn ngoan rất mực, lập luận chặt chẽ, sắc bén của Hoạn Thư. Thực ra, chị ta nói mọi điều đều có lí. Những điều đó nàng cũng đã trải qua. Nàng nghĩ: "Quả thật, chồng chung ai dễ ai nhường cho ai ? Khi chia tay tiễn Thúc Sinh về với Hoạn Thư, mình đã rất đau khổ đó thôi ! Và suy cho cùng, chị ta đã không đuổi theo mình lúc chạy trốn, chứng tỏ chị ta cũng còn một chút lương tâm. Tha cho chị ta ư ? Tha thì may mắn cho chị ta quá. Nhưng trị tội thì hoá ra mình là người nhỏ nhen chấp nhặt lỗi đàn bà trong khi mình cũng là một người đàn bà ? Thôi, chị ta đã biết tội thì cũng nên rộng lòng tha thứ vậy".
Nghĩ vậy, Thuý Kiều truyền quân tha cho Hoạn Thư. Thế là Hoạn Thư được tha ngay. Lúc đầu có người chê Thuý Kiều nhẹ dạ quá, nhưng càng về sau, người ta càng nể phục bởi tấm lòng nhân hậu, vị tha và cao thượng của nàng.
Sưu tầm