Chuyện sử quan Lê Nghĩa
Đời vua Lê Thánh Tông có viên sử quan tên Lê Nghĩa. Ông già, người gầy guộc, nhỏ thó. Mái đầu bạc trắng, lưa thưa vài sợi tóc, râu cằm cứng bết lại thành một đám vểnh nhọn lên như cái mũi mác. Chẳng hiểu ông có gia đình vợ con gì không, hay nhà xa kinh thành, suốt ngày chỉ quanh quẩn trong Hàn lâm viện, làm công việc biên chép.
Chiều đến, khi hoàng hôn xuống, tím ngắt kinh thành, ông ngồi lặng tờ như cái bóng, nhâm nhi chén rượu suông. Những lúc như thế, có cảm tưởng ông già mảnh khảnh, như sắp tan hoà vào không gian bảng lảng, u tịch của chiều hôm... Vào một buổi chiều thu, ông già chép sử một mình cặm cụi trước một trang sách ố vàng đầy bụi bặm.
Dường như tất cả nhãn lực, cùng trí não, tâm hồn ông đều tập trung vào nội một chữ "Trần" hình thành bởi hai chữ Đông và A ghép lại. Cái mẫu tự có cấu trúc kỳ lạ, có thể viết thành một cuốn sách ngõ hầu bổ sung và mở mang thêm kiến văn cho các bậc thức giả vốn đã uyên thâm, lịch duyệt.
Ông làm việc say mê đến nỗi không biết có một người từ trong cung đi ra và đang thẳng bước tới Viện. Khách cũng đã dặng hắng ba lần, kính cẩn chào tới ba lần, nhưng đều không được đáp lại, còn lúc này đã đứng sát ngay trước mặt mà ông già vẫn chưa hay biết. - Kính chào sử quan!
Nghe tiếng chào, ông già giật mình, ngẩng lên. - Tôi là nội quan hầu cận Hoàng thượng. Hoàng thượng sai tôi đến Hàn lâm viện để mượn "Thực lục".
- Thực lục! Lê Nghĩa khẽ kêu lên, ngạc nhiên, không dấu được vẻ sợ sệt, hốt hoảng: - Thực lục là sách sử gia ghi chép các công việc của vua làm hàng ngày, không ai được xem.
Nội quan nói: - Nhưng đây là lệnh vua. Vua sai tôi...
- Vua càng không được tuỳ tiện. Tôi là sử quan trong Viện hàn lâm, không thể không giữ nghiêm quy chế đã ban hành, ông về lựa lời tâu vua như thế. - Lê Nghĩa cắt ngang lời nội quan, giọng dứt khoát. Xem thái độ và lời nói cương quyết của vị sử quan già nua, viên nội quan đành phải lui ra khỏi Viện.
Việc đến đó tưởng là xong. Không ngờ hôm sau đích thân vua Lê Thánh Tông vào Viện tìm gặp Lê Nghĩa: - Hôm qua ta sai nội quan đến hỏi mượn sách, sao nhà ngươi từ chối là nghĩa thế nào? Có phải vì không có tín bài chăng?
- Tâu Hoàng thượng, phải thế mà cũng chẳng phải thế. Việc hệ trọng, quan được vua sai đi làm mà không có tín bài, ai dám tin. Vả lại dẫu Hoàng thượng có trao tín bài cho nội quan thì thần cũng không dám làm việc khinh suất. Lệ đã định...
Không để Lê Nghĩa tâu trình tiếp, vua Thánh Tông đã gạt đi: - Ta biết rồi. Nhà ngươi biết giữ gìn phép nước. Ta khá khen. Nhưng ta chỉ muốn xem qua, không có ý định can thiệp vào những công việc của sử thần thì có hề gì.
- Hoàng thượng là bậc minh quân, từ ngày lên ngôi làm nên bao công nghiệp rỡ ràng được bốn phương hướng về. Ngoài, giữ yên bờ cõi. Trong, dân tình no đủ, văn học chưa thời nào phồn thịnh như bây giờ, khiến cho kẻ sĩ hết thảy đều hớn hở, nức lòng. Thần tin yêu Hoàng thượng nhưng càng tin yêu chúa mình bao nhiêu, các bề tôi càng phải giữ mình, không được một mảy may sai sót.
Vua Thánh Tông căng trán, nhíu mày. Đoạn nhà vua hỏi: - Này Lê Nghĩa! Ta hỏi thực nhé! Sử cũ chép: Trước kia Phòng Huyền Linh làm sử quan. Đường Thái Tông muốn xem Thực lục, Huyền Linh không cho xem. Nay ngươi với Huyền Linh thì ai hơn?
Lê Nghĩa kiêu hãnh đáp: - Sự kiện ở cửa Huyền Vũ, Đường Thái Tông giết Kiến Thành và Nguyên Cát, Phòng Huyền Linh chỉ dám chép qua loa mập mờ, chung chung là "sự kiện ngày mồng 4 tháng 6" thôi. Thế mà khi Đường Thái Tông xem, bắt phải viết lại cho rõ ràng. Như vậy thì thần cho rằng Huyền Linh cũng vẫn chưa phải là hiền thần!
- Ta hiểu rồi. Như vậy là nhà ngươi tự coi mình còn hơn Huyền Linh, còn ta thì không được như Đường Thái Tông. Ta không thể bắt bẻ được những điều ông nói. Nhưng sao ông vẫn không hiểu được thiện ý của ta. Ta chỉ cốt xem lại những ghi chép hàng ngày của các sử gia để còn biết trước đây có lỗi gì để còn sửa được.
Lê Nghĩa thấy vua đã nhận ra lẽ phải, nhưng vì vẫn chưa vượt qua được thói thường tò mò, nên cố nài thêm đó thôi. Viên sử quan già dịu giọng tâu lên:
- Muôn tâu chúa thượng! Thánh chúa mà muốn sửa bỏ lỗi lầm, đó là phúc lớn vô hạn của xã tắc. Ngoài ra nếu bệ hạ suốt ngày chỉ lo điều hay thôi thì cần gì phải để mắt đến quốc sử. Còn nếu như bệ hạ quyết xem thì cho phép thần được ghi một câu: "Ngày... tháng... năm... này, đức vua vào Hàn Lâm viện đòi Lê Nghĩa cho xem Thực lục. Sử quan họ Lê quyết một lòng bảo vệ phép nước nhưng không được. Đành phải tuân theo".
Lê Thánh Tông lâm vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Vua nhìn viên sử quan già nua mảnh khảnh bé như cái tăm, bộ râu cằm cứng đờ vểnh cong lên ra tuồng cao ngạo, mà vừa kính vừa ghét.
Nguồn: Sưu tầm