ICTnews - Sử dụng nguồn mở không khó, cái khó là thay đổi thói quen người dùng. Song Sở TT&TT tỉnh Khánh Hòa đã làm được.
Phó Giám đốc sở Trần Công Cẩn khẳng định quyết tâm của người đứng đầu rất quan trọng trong công cuộc chuyển đổi này.
Sở TT&TT tỉnh Khánh Hòa bắt đầu triển khai việc ứng dụng phần mềm mã nguồn mở từ khoảng đầu năm 2009. Hiện tại, Sở đã ứng dụng phần mềm mã nguồn mở trong các chương trình ứng dụng văn phòng OpenOffice, trình duyệt web Mozilla FireFox và bộ gõ tiếng Việt Unikey. OpenOffice là một ứng dụng văn phòng, tương đương với phần mềm Microsoft Office, có xử lý văn bản, trình chiếu (powerpoint), xử lý bảng tính. Sử dụng phần mềm này, toàn bộ giao diện đều là tiếng Việt. Nhờ cộng đồng nguồn mở rộng lớn, nên tiếng Việt đã được cập nhật trong phần mềm ứng dụng văn phòng OpenOffice, còn đối với Microsoft Office, sẽ phải đợi Microsoft cập nhật.
Vẫn còn một số phần mềm chưa “mở”
Phó Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Khánh Hòa Trần Công Cẩn cho biết vẫn còn nhiều ứng dụng chưa chạy được trên mã nguồn mở, như phần mềm kế toán của MISA, chữ ký điện tử. Ngoài ra, còn một số ứng dụng khác cũng chưa chuyển đổi môi trường được. Tuy vậy, đến nay Sở chỉ còn bộ phận văn thư và kế toán chưa ứng dụng nguồn mở, do bộ phận văn thư còn vướng máy quét và chữ ký điện tử. Chữ ký điện tử hiện là của phần mềm MobileOffice của Sở KHCN Đồng Nai, xây dựng theo công nghệ của Microsoft, chạy rất tốt trên môi trường Windows nhưng chưa chạy được trên môi trường nguồn mở. Ông Cẩn cho biết sắp tới Sở sẽ yêu cầu Sở KHCN Đồng Nai chuyển phần mềm này từ môi trường Windows sang môi trường nguồn mở.
Để sử dụng các phần mềm trên môi trường nguồn mở, bản thân công ty cung cấp ứng dụng sẽ phải chuyển qua nguồn mở. Ông Cẩn cho biết đó chính là một trong những điều khó khăn nhất hiện nay. Hiện tại do hầu hết các công ty cung cấp phần mềm không chuyển qua nguồn mở, nên những bộ phận, máy tính dùng các phần mềm đặc thù này bắt buộc phải dùng Windows. Chính vì lý do đó, ban đầu các đơn vị triển khai dùng nguồn mở nên đặt ra chỉ tiêu khoảng 80-90% PC dùng nguồn mở. “Thực tế, đạt mục tiêu trên đã tốt rồi”, ông Cẩn nói và tính toán một PC nếu không dùng nguồn mở sẽ phải chi khoảng 300 USD mua bộ Office, thêm 150 USD nữa để mua Windows 7. Với khoảng 4.600 công chức của tỉnh Khánh Hòa, nếu 80-90% số này dùng nguồn mở thì sẽ tiết kiệm được rất nhiều tiền mua phần mềm bản quyền. Ban đầu, những ai dùng công tác văn phòng như văn bản, truy cập web thì dùng nguồn mở, còn những ai phải dùng phần mềm đặc thù thì tạm dừng lại, và sẽ có chính sách với nhà cung cấp dịch vụ.
Nên làm thí điểm trước
Để triển khai phần mềm nguồn mở, Sở phải có quá trình thử nghiệm kỹ càng trước khi đưa vào ứng dụng và nhân rộng, vì thế đòi hỏi phải có con người, máy móc, chi phí đào tạo. Kinh nghiệm triển khai nguồn mở của Sở là phải làm có trọng điểm, thí điểm một nơi tốt, sau đó mới nhân rộng. Trong thời gian đầu sử dụng nguồn mở, người dùng vẫn có thể cài cả phần mềm nguồn mở và nguồn đóng trên cùng một máy tính để dễ xử lý những trục trặc khi chưa quen với nguồn mở. Tuy nhiên, khoảng thời gian dùng song song này nên hạn chế, và sớm kết thúc, để người dùng chỉ còn thói quen sử dụng nguồn mở.
Tỉnh Khánh Hòa đang thí điểm dùng nguồn mở tại 4 điểm, Sở TT&TT, Văn phòng Ủy ban, Trường Cao đẳng sư phạm và huyện Cam Lâm.
Về các nguy cơ tấn công mạng, ông Cẩn cho rằng nguồn mở dễ bị tổn thương hơn nguồn đóng, tuy nhiên nguồn mở hiện không phải là mục tiêu của hacker. “Có 2 loại hacker”, ông Cẩn nói. “Loại nghiệp dư hầu như chỉ tấn công kiểu nghịch ngợm, và cũng chỉ tấn công nhẹ bên ngoài. Còn loại hacker chuyên nghiệp thì mục tiêu của chúng là tiền, nên hiện nay chúng chủ yếu ngắm vào các tổ chức dùng Windows. Hơn nữa, đánh vào cơ quan nhà nước tội nặng lắm, rất dễ đi tù mà lại không có lợi nhuận. Chính vì vậy mảnh đất Windows màu mỡ hơn với hacker”. Tuy nhiên, nói thế không có nghĩa cơ quan nhà nước lơ là việc bảo mật mà vẫn có những biện pháp phòng chống, chẳng hạn như khoanh vùng bảo vệ. Hiện nay các cơ quan Đảng, công an có mạng riêng và được bảo vệ rất nghiêm ngặt.
Nhờ quyết tâm của lãnh đạo
Theo ông Cẩn, sử dụng phần mềm nguồn mở có thể còn gặp khó khăn trong vấn đề tương thích về phần cứng, phần mềm. Tuy nhiên, những khó khăn này không nhiều và tương lai sẽ giải quyết được. Khó khăn lớn nhất là chính sách của nhà nước với người dùng nguồn mở, và sự thay đổi thói quen của người dùng. “Chính sách sẽ tạo động lực để người dùng thay đổi thói quen”, ông Cẩn nói.
Việc ứng dụng nguồn mở không hề khó, cái khó là thay đổi thói quen người dùng. Người dùng đang sử dụng môi trường Windows và chuyển sang nguồn mở, chắc chắn sẽ gặp phải những khó khăn nhất định ban đầu, vì thế nên có chính sách hỗ trợ rõ ràng, không chỉ là về đào tạo. “Một chính sách hỗ trợ cụ thể, thấy ngay cái lợi trước mắt khi chuyển sang dùng nguồn mở, chẳng hạn như trợ cấp cho những người dùng nguồn mở 500.000 đồng, sẽ khuyến khích và gia tăng phong trào dùng nguồn mở”, ông Cẩn nói. “Chúng ta đầu tư 1 lần nhưng có lợi lâu dài về sau”. Quan điểm của Phó Giám đốc Sở TT&TT Khánh Hòa rất rõ ràng, nếu có tiền thì mua Windows dùng, bởi dù sao phần mềm thương mại vẫn có những điểm tối ưu hơn, tuy nhiên nếu nghèo, không đủ chi phí mua bản quyền, thì nên dùng phần mềm nguồn mở, bởi không thể dùng phần mềm bất hợp pháp mãi được.
Thực ra, về việc triển khai dùng nguồn mở, trong Sở TT&TT tỉnh Khánh Hòa cũng có 2 trường phái, ủng hộ và không ủng hộ nguồn mở. Song quan điểm của Sở đã xác định dùng phần mềm hợp pháp, nên cuối cùng đã chọn nguồn mở. Anh Trần Quang Tước, một chuyên viên phòng CNTT của Sở TT&TT tỉnh Khánh Hòa, cho biết dùng nguồn mở “không có gì khó” và hiện nay các cán bộ của Sở đã rất quen thuộc với môi trường làm việc mới.
Thành công ngày hôm nay có sự quyết tâm cao của ban lãnh đạo, đặc biệt là Giám đốc Sở TT&TT, “Trong triển khai các ứng dụng CNTT, vai trò người đứng đầu rất quan trọng”, ông Cẩn nói. “Vì khi thay đổi công nghệ là thay đổi cả một hệ thống xử lý, và mọi quy trình làm việc đều thay đổi”. Hiện nay, tất cả quy trình xử lý văn bản của Sở đều chạy trên môi trường mạng, từ công văn, lịch làm việc đến các quy trình xử lý công việc khác. Trên bàn làm việc của Phó Giám đốc Sở chỉ có chiếc máy tính, không hề có giấy tờ, công văn như thường thấy tại bàn làm việc các phòng, ban cơ quan nhà nước.
Anh Minh
Đọc toàn bộ bài viết trên báo Bưu điện Việt Nam số tháng 12/2009
Đọc toàn bộ bài viết trên báo Bưu điện Việt Nam số tháng 12/2009