vanchuong83
New member
- Xu
- 0
CHUYỆN PHIẾM TỪ TIỂU THUYẾT ĐẾN PHÓNG SỰ
Những ngày này muốn tìm gặp nhà văn Nguyên Ngọc rất dễ. Ông gần như “thường trực” ở Đại học Phan Châu Trinh, phố cổ Hội An. Là Chủ tịch Hội đồng quản trị, nhưng ông đích thân tìm chọn nhà báo tham gia đứng lớp ngữ văn-truyền thông cho trường. Khi ông chọn ai, thường thì người ấy chỉ còn cách là “dạ”, dẫu bận mấy cũng khó lòng nói không. Tôi đã “dạ” như thế và gặp lại ông sau nhiều năm. Ngồi với ông ở quán bia, hay trong bữa cơm bình dân bờ sông Hoài quãng còn hoang vắng (nơi có món cá-đối-kho-dưa ông thích, đến mức “tên” nhà quán trong danh mục điện thoại của ông là Cá đối!), tôi thường né “đề tài” giáo dục mà chỉ muốn nghe chuyện phiếm văn chương từ cách nhìn và lối bình luận của riêng ông.
Nhớ một chuyện đến nay còn mang tính thời sự, tôi hỏi nhà văn Nguyên Ngọc là người đã “bỏ phiếu” cho “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh đoạt giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1991? Nhà văn gật đầu:
- Sự thể thế này, hồi ấy tôi làm Trưởng ban Sáng tác của Hội Nhà văn. Ban Sáng tác có nhiệm vụ chuẩn bị và phục vụ cho lãnh đạo Hội làm giải thưởng hằng năm, trong có việc đề nghị các Hội đồng sơ khảo và chung khảo. Trước đó Hội vẫn theo nếp Ban Chấp hành đồng thời là Hội đồng chung khảo. Tôi đánh giá cao tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh nhưng thấy chung khảo là Ban Chấp hành gồm 9 người, thì tác phẩm này rất khó lọt vào giải.
Với tư cách Trưởng ban Sáng tác, tôi đề nghị một danh sách chung khảo khác, với lý lẽ: Khi bầu Ban Chấp hành Hội người ta không bầu những nhà văn giỏi nhất, mà chọn những người có khả năng hơn cả nhằm đảm nhiệm những công việc cụ thể của Hội, như công tác tổ chức, công tác đối ngoại, công tác hội viên... Vậy để làm tốt giải thưởng nên có một Hội đồng chung khảo khác gồm một số thành viên Ban Chấp hành, cùng một số nhà văn có tài năng, có uy tín và công tâm ngoài Ban Chấp hành. Lý lẽ đó thuyết phục được Ban Chấp hành và chúng tôi đã thành lập được một Hội đồng chung khảo gồm 9 người, có cả các nhà văn Vũ Cao, Lê Ngọc Trà, Bùi Hiển...Chính Hội đồng chung khảo ấy đã chọn được ba tiểu thuyết thật đáng giá để trao giải văn xuôi năm 1991: “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh, “Mảnh đất lắm người nhiều ma” của Nguyễn Khắc Trường và “Bến không chồng” của Dương Hướng. Cho đến nay giải thưởng năm 1991 vẫn được coi là “hay” nhất trong các giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam. Riêng đối với “Nỗi buồn chiến tranh” tôi dự kiến đạt được 5/9 phiếu là thắng lợi rồi, nhưng khi bỏ phiếu kín thì được đến 7/9.
Nhà văn Nguyên Ngọc
20 năm sau chính ông lại “bỏ phiếu” cho “Nỗi buồn chiến tranh” khi tham gia Hội đồng xét tuyển của Giải Sách hay 2011 (https://www.sachhay.com/). Thực lòng, tôi chưa thỏa mãn cách diễn giải của anh Giản Tư Trung, đại diện nhà trao giải: “Dù là tác phẩm hay, đôi khi chúng chỉ nổi lên ở một giai đoạn nhất định. Nếu được trao giải, đây sẽ là cơ hội cho những tác phẩm trong quá khứ được sống lại, được đưa đến bạn đọc và có sức sống với thời gian”. Theo tôi, trao giải không phải là trao cơ hội sống lại cho những tác phẩm hay trong quá khứ. Nhà văn Nguyên Ngọc giải thích thêm về việc này:
- Tôi nghĩ ý kiến của anh Giản Tư Trung cũng không hẳn là sai. Giải thưởng Sách hay vừa rồi trao cho 7 thể loại sách khác nhau, trong 7 thể loại ấy có những cuốn sách rất có giá trị được in từ sau năm 1975, vì những lý do nào đó đã bị lãng quên. Giải thưởng lần này quả cũng có mục đích đánh thức lại sự quan tâm của người đọc đối với những cuốn sách đó. Riêng đối với “Nỗi buồn chiến tranh” thì thậm chí tình hình hầu như ngược lại. Sau khi ra đời và được tôn vinh trong một giải thưởng thật “hay”, nó đã phải trải qua khá nhiều trầm luân, bị phê phán gay gắt, bị quy tội chống chiến tranh chính nghĩa của dân tộc.
Đáng buồn và đáng buồn cười là ngay cả một số người ở trong Hội đồng chung khảo đã bỏ phiếu trao giải cho nó cũng không chịu nổi áp lực ấy, đã quay lại lên án nó. Còn “Nỗi buồn chiến tranh” thì bất chấp tất cả, nó đã đi qua cái mớ sự đời ấy, chưa bao giờ bị quên đi trong đời sống văn học và xã hội, ngày càng tự khẳng định giá trị của mình, thản nhiên và đàng hoàng. Trao giải thưởng cho nó lần này ở Giải Sách hay, chúng tôi chỉ làm công việc “tổng kết” sự khẳng định công bằng của xã hội qua mọi trầm luân sau 20 năm.
Nhắc đến sự kiện “Nỗi buồn chiến tranh” cũng vừa đoạt giải Nikkei Asia Prize năm 2011 (Nhật Bản), tôi hỏi nhà văn Nguyên Ngọc, vậy có phải văn học VN có một “khoảng trống” trong vòng 20 năm qua?
- Tôi nghĩ không nên nói rằng Nikkei Asia Prize và Sách hay trao giải cho “Nỗi buồn chiến tranh” chứng tỏ có khoảng trống trong văn học Việt Nam 20 năm qua. Đối với Sách hay, điều lệ giải cho phần văn học lần này quy định chỉ trao cho tiểu thuyết, và về tiểu thuyết trong nước thì ban chấm giải thấy chưa có cuốn nào vượt được tác phẩm của Bảo Ninh. Như vậy không có nghĩa là sau “Nỗi buồn chiến tranh”, văn học Việt Nam bỗng rơi vào khoảng trống mênh mông! Vẫn có xuất hiện tác phẩm mới chứ, và rất đáng kể... Còn việc Nikkei Asia Prize tôn vinh “Nỗi buồn chiến tranh” thì chỉ chứng tỏ tác phẩm này không còn là giá trị riêng của Việt Nam nữa.
Thư về giải thưởng Sách hay, nhà văn Bảo Ninh viết đại ý “Nỗi buồn chiến tranh” là sản phẩm của thời đại Đổi mới. Tôi nói Đổi mới cũng đã làm sống lại thể phóng sự, góp phần làm mới diện mạo của báo chí VN, và hỏi nhà văn Nguyên Ngọc có phải phóng sự đã góp phần làm nên thời “hoàng kim” báo Văn Nghệ?
- Ở đây có hai chuyện. Một là vai trò của phóng sự trong đổi mới văn học những năm 80 và 90 thế kỷ trước. Chúng ta biết trước 1945 từng có một thời kỳ huy hoàng của thể loại phóng sự, với Vũ Trọng Phụng, Trọng Lang, Tam Lang... Đến kháng chiến chống Pháp, rồi chống Mỹ, phóng sự bỗng vắng hẳn, thay vào đó là bút ký và tùy bút. Có lẽ cũng dễ hiểu, văn học bấy giờ phải tập trung ghi vội chiến công của chiến sĩ, đồng bào, và cổ vũ cuộc chiến đấu. Phóng sự vốn là một thể văn “soi mói” không còn thích hợp…
Sau 1975, bỗng có khoảng mươi năm văn học ta hầu như mất hẳn độc giả, người đọc quay lưng lại với văn học trong nước, mà đi đọc văn học nước ngoài và văn học xưa... Vì sao? Vì cuộc sống hòa bình hóa ra lại nhiêu khê, phức tạp hơn trong chiến tranh nhiều, bao nhiêu câu hỏi rắc rối mới và không ngờ đặt ra hàng ngày với con người. Mà văn học thì vẫn còn trôi theo quán tính cũ của một kiểu anh hùng ca kéo dài… Các nhà văn có biết điều đó không? Có chứ. Bởi vì chính họ cũng đang bị dày vò vì những câu hỏi mới hằng ngày đó. Song trong văn học vẫn vậy, khó nhất là tìm ra được ngôn ngữ nghệ thuật mới để nói hiện thực mới.
Nhà văn, nhà phê bình văn học Pháp Roland Barthes nói rằng các từ có một trí nhớ ngoan cố và dai dẳng, mãi không chịu rứt ra khỏi âm vang cũ quen thuộc của nó, là âm vang của hiện thực cũ. Cần tìm ra cho kỳ được âm vang mới của từ. Tìm bằng cách nào đây? Làm thế nào để thoát ra được ngôn ngữ cổ vũ ngợi ca đã thành quán tính của văn học thời chiến? Tôi cho rằng trong hoàn cảnh đó báo Văn Nghệ đã làm được một công việc có tính mở đường. Nó đã khôi phục lại thể phóng sự, là một thể loại nằm giữa văn học và báo chí, có cái sâu của văn học, lại có cái sắc và kịp, nóng hổi của báo chí, giàu khả năng làm những mũi khoan nhọn quyết liệt khoan sâu, soi mói không thương tiếc vào những thực tế xã hội ngổn ngang, phức tạp, nheo nhóc, xới lên những tầng sâu của những vấn đề xã hội mà bút ký hay tùy bút khó tiếp cận đến được. Chúng ta nhớ những phóng sự trên báo Văn Nghệ từng chấn động xã hội thời bấy giờ: “Lời khai của bị can”, “Người đàn bà quỳ”, đặc biệt “Cái đêm hôm ấy đêm gì”…
Phóng sự được khôi phục đã phá tung một cửa mở để hiện thực mới ngồn ngộn ùa tràn vào văn học, kéo độc giả lập tức quay lại với văn học, bởi vì văn học đã nói trực tiếp đến những câu hỏi nóng hổi hàng ngày của họ. Rồi đến một lúc, phóng sự cũng không còn đủ nữa, tiểu thuyết liền xông lên đảm nhận vai trò nối tiếp; nhưng là một kiểu tiểu thuyết rất khác trước, có thể gọi là “tiểu thuyết phóng sự”, quả là những phóng sự kéo dài, đầy chất tả thực và chính luận xã hội. Có thể coi “Cù lao Chàm” của Nguyễn Mạnh Tuấn là mở đầu và “Mảnh đất lắm người nhiều ma” của Nguyễn Khắc Trường là kết thúc của giai đoạn tiểu thuyết đặc biệt này… Nhưng văn học “kể lể” hiện thực rồi cũng đến hồi không còn thỏa mãn được người đọc. Bởi chức năng của văn học nói cho đúng không phải là để mà kể lể, dầu có kể lể thật hay. Người đọc chờ đợi ở văn học, từ cuộc sống ngồn ngộn, chưng cất cho người ta những gì sâu xa hơn về lẽ nhân sinh.
Chính lúc này truyện ngắn lại nổi lên. Cũng là một dạng truyện ngắn rất đặc biệt, khác hắn kiểu truyện ngắn đẹp như thơ hồi những năm 1960, hay truyện ngắn “anh hùng ca” thời chống Mỹ. Truyện ngắn bây giờ cực kỳ cô đặc, chỉ mươi trang, thậm chí có khi chỉ vài trang thôi mà cầm trên tay thấy dung lượng nặng. Chẳng hạn hãy nhớ lại truyện ngắn “Bước qua lời nguyền” của Tạ Duy Anh hay “Khách thương hồ” của Hào Vũ… Tôi muốn nói rằng văn học đi đến được thời kỳ truyện ngắn đặc sắc này chính là nhờ công lớn của phóng sự và tiểu thuyết phóng sự nói trên đã tận tụy làm công việc tích lũy hiện thực mới cho nó…
Hai là nên hiểu “Nỗi buồn chiến tranh” trong bối cảnh văn học và xã hội đó. Tiến trình văn học như vừa nói chính là tiến trình đổi mới trong văn học, phản ánh tiến trình đổi mới của xã hội, hoặc nói cách khác, tiến trình dân chủ hóa của xã hội. Không chỉ phản ánh, nó còn dắt dẫn quá trình đó. Và ở đây, theo tôi có thể nhận ra điều thú vị này: thoạt đầu văn học đổi mới bằng cách bám vào hiện thực xã hội, tiếp nhận hơi thở nóng hổi của xã hội để tạo sinh khí mới cho mình, nhưng rồi nó lại phải biết “tách ra” khỏi cái hiện thực cụ thể đó để chắt lọc ra tinh túy từ đấy, đặng trở lại làm đúng cái mà chỉ có văn học mới làm được.
Đến Bảo Ninh ta không còn thấy chuyện “đấu tranh chống tiêu cực, cho tích cực xã hội” (vốn cần thiết trước đó để văn học lấy lại sinh khí từ đời sống) nữa. Dấu vết báo chí đã mất. Anh đã vón lấy cái tinh túy nhất của quá trình xã hội đó, mà anh gọi là “sự khai sáng và thức tỉnh trong Đổi mới”, “tinh thần nhân văn tự do”, để có thể viết được một cuốn sách về chiến tranh đầu tiên trong văn học ta không phải từ số phận của cộng đồng dân tộc nữa, mà là từ số phận của một con người, một cá nhân đối mặt với chiến tranh, cuộc tìm tòi vô cùng căng thẳng lẽ sống làm người của một con người trong điều kiện cực đoan nhất của thách thức sống, là chiến tranh.
Trong cuốn tiểu thuyết này có một câu rất lạ: “Nỗi buồn được sống sót”. Không phải niềm vui, mà là nỗi buồn được sống sót! Sau một cuộc tàn sát khủng khiếp (mà lại rất đẹp vì ý nghĩa giải phóng dân tộc cao quý của nó) sự sống còn, và cần sống như thế nào của kẻ “mang nỗi buồn nặng trĩu của sống còn” bỗng trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Đầy giằng xé. Ngôn ngữ nghệ thuật trong “Nỗi buồn chiến tranh” luôn nước đôi, hầu như mỗi câu vừa được viết ra đã lập tức tự tranh cãi lại với chính nó. Bảo Ninh viết: “Cuộc chiến tranh vừa được ghi nhớ vĩnh hằng, vừa bị quên lãng từng ngày”; “Tương lai của tôi (nhân vật chính Kiên) đã nằm lại ở phía sau xa kia rồi trong những cánh đồng nguyên thủy của chiến tranh”… Vậy đó, một cuốn sách viết về chiến tranh Việt Nam, và mang tầm nhân loại. Thậm chí, nói cho đúng, cũng không hoàn toàn là viết về chiến tranh. Mà là về nỗi khó nhọc của kiếp làm người, trong cái thế giới vừa tuyệt đẹp vừa đau đớn này. Nikkei Asia Prize đã nhận ra điều ấy...
Và vậy đó, nhà văn Nguyên Ngọc và tôi, hai thế hệ cầm bút, ngồi bên sông Hoài triệu triệu năm chảy hoài ra biển để chuyện phiếm về 20 năm văn chương Việt.
Vĩnh Quyền (thực hiện)
Sửa lần cuối bởi điều hành viên: