small star
Moderator
- Xu
- 94
Dad người Hà Lan, mum người Việt, Thi được sinh ra và lớn lên ở Sing. Dad và mum toàn dùng tiếng Anh nói chuyện với nhau, thường thêm ngôn ngữ hình thể, tay chân mắt mũi, để diễn tả điều mình muốn nói. Thi đi học trường quốc tế, bạn bè đủ các quốc tịch. Cô nói giỏi tiếng Anh, thứ tiếng Anh pha giữa English chuẩn và Singlish, là thứ tiếng có âm điệu nghe giống tiếng Trung Quốc hơn là tiếng Anh.
Cô mười bảy tuổi, da trắng tóc vàng mắt xanh, có hai quốc tịch Hà Lan và Sing, có tên Việt là Thi theo mum và họ Hà Lan là K. theo dad, nhưng cô không biết gì nhiều về những dân tộc mà mình mang quốc tịch và mang tên. Ở trường học, cô không làm được các bài luận văn nói về quê hương tổ quốc của mình. Bạn bè cô thường cũng thế mà thôi. Sau một cuộc ly dị lằng nhằng đầy tai tiếng, nhiều cãi vã, chửi bới, mum dắt cô về sống nơi quê mẹ. Cô đứng ở các ngã tư trên đường phố Sài Gòn mà ngơ ngác như người khác đứng trước các ngã rẽ quan trọng của cuộc đời họ vậy.
Như nhiều người đàn ông có nhiều tiền khác, dad chấp nhận việc chu cấp cao và lâu dài cho vợ cũ để đổi lấy tự do, lấy một người vợ mới trẻ đẹp hơn. Về tới Sài Gòn, mum liên lạc và gặp gỡ lại những người cũ của mum, tối tối hay đi bar với họ, nói cười và uống rượu với họ. Có đêm mum về nhà say khướt, có đêm đến sáng mới về, nhưng Thi biết không bao giờ mum lấy họ. Việc chu cấp của dad sẽ chấm dứt ngay khi mum có chồng mới, mum đang không có việc làm, không lý do gì mum để cho chuyện đó xảy ra. Trong vở kịch của họ, của dad và mum, không có vai nào dành cho Thi, dù là vai phụ.
Phòng của Thi ở trên lầu, nhìn xuống cái hồ bơi xanh biếc bao quanh bởi một hàng dừa cũng xanh không kém. Nhưng Thi không bơi bao giờ, cô không thích bơi một mình. Chỉ có mum làm điều đó, đôi khi có thêm bạn của mum, bụng của họ chảy tràn ra khỏi những sợi dây thun quần bơi. Thi chỉ ở trong phòng, ôm cái máy vi tính của mình, thả lên đó những câu nói vô thanh. Cô thường xuyên chat với những người bạn đã xa lắc của mình, đang ở Sing, những người không thể nào hiểu và chia sẻ nỗi buồn của cô. Nhưng dù sao vẫn hơn là đứng ngơ ngác ở một ngã tư nào đó trên đường phố Sài Gòn. Mum và Thi, hai người cùng đang ngụp lặn, vùng vẫy trong vũng cô đơn của riêng mình, cố làm sao giết được nó đi, hoặc là thoát ra khỏi nó.
Cuối tháng tám, mum làm thủ tục chuyển trường cho Thi, cô còn một năm học cuối bậc trung học. Bạn cùng lớp cũng nhiều quốc tịch, nhiều đứa nói tiếng Anh còn ghê hơn bọn Singlish. Học sinh trong lớp đều là bạn với nhau từ lớp dưới lên, chỉ có cô là học sinh mới. Không ai trong bọn chúng có ý định lôi kéo cô vào các câu chuyện hoặc trò vui của chúng. Cô cũng không có ý định đó. Cô ngồi ở bàn cuối, nghe thầy giảng, làm bài tập, rồi xếp tập vở lại khi nghe tiếng chuông reo cuối giờ. Cô thấy việc nói cho một người nào đó hiểu mình hoặc mình hiểu người ta là một việc khá khó khăn, và có vẻ hơi vô ích.
Một học kỳ trôi qua như thế. Cuối học kỳ, cô giáo chủ nhiệm gửi cho mum một lá thư dán kín, mời mum đến trao đổi với chuyên gia tư vấn tâm lý của nhà trường "vì lý do Thi K. có vài biểu hiện của hội chứng tự kỷ". Mum chửi om lên một hồi, rằng đi đâu cũng không thoát được cái bọn chuyên gia tâm lý rỗi hơi này, rằng mỗi người đều có vấn đề và hoàn cảnh của riêng mình, tư vấn rồi thì giải quyết được gì. Mum gọi điện thoại cho cô giáo, bảo khi nào thu xếp được thời gian sẽ đến. Và mum không bao giờ thu xếp được thời gian. Nhưng sau đó ít lâu, nhờ thằng Lee Chung Hee ngồi kế bên, tình hình có khá hơn. Thi bắt đầu nói chuyện, dù rất ít, như một con sò vùi sâu trong vũng cát im lặng của mình, nay mở hé dần đôi vỏ ra, từng chút, từng chút một.
Ban đầu, khi Thi mới về Việt Nam, dad gửi cho cô mỗi tuần một e-mail, kể vài công việc thường nhật của ông (ông đã về Hà Lan, không còn sống ở Sing nữa), và nói rằng ông cố gắng giữ sao cho giữa ông và cô có một mối dây liên lạc bền vững, không bao giờ tách rời. Cuối thư bao giờ ông cũng viết: Dad yêu con gái của dad vô cùng. Nhưng Thi chẳng bao giờ nhìn thấy tình yêu của ông ở đâu cả. Cô vẫn còn giận dad nên ít trả lời. Có lẽ vì thế nên về sau các e-mail của dad thưa dần, cho đến bức thư dad báo tin mình sắp có baby thì dứt hẳn, chỉ thỉnh thoảng còn những bức thư báo tin đã chuyển tiền cho mum. Không lẽ để cái sợi chỉ mong manh như tơ nhện kia tan biến luôn sao? Cô định hôm nào sẽ viết cho dad một lá thư dài, nhưng cô lần lữa mãi vì không biết mình sẽ phải bắt đầu từ đâu.
Chơi với nhau được ít lâu thì Chung Hee bảo tao rất thích mày, mày làm bạn gái tao nhé. Thi cũng thích Hee, cô đã mười tám tuổi, không ai không có bạn trai khi đã đến tuổi ấy. Tình yêu len vào tim cô, dường như đẩy dần "vài biểu hiện của hội chứng tự kỷ" đi. Cô không viết mail cho những người bạn đã xa lắc ở Sing nữa, và thấy bầu trời cùng mặt nước hồ bơi bên ngoài cửa sổ phòng cô càng xanh hơn, và trong văn vắt.
Đi xem phim với nhau được vài lần, Hee dắt cô về nhà. Trưa chủ nhật gia đình Hee đi chơi cả, chỉ còn một người giúp việc đang ủi quần áo ở phòng giặt bên khu nhà dành cho gia nhân. Phòng của Hee ở tít trên lầu ba, trong ấy có một chiếc giường rộng, rất mát và êm. Cô nằm lên chiếc giường ấy và Hee cùng cô làm tình với nhau. Khi đã xong, Hee nằm nghiêng, tránh những vết máu đỏ nhờ loang trên mặt ga trải giường, cười và vuốt ve khuôn mặt cô rồi hôn cô. Cô cũng cười. Dư chấn của cơn đau và cơn khoái lạc làm cho cơ thể cô run lên từng cơn, rồi dịu dần, lan tỏa ra, đến tận cùng các mạch máu và các đầu dây thần kinh li ti. Cô cũng cười, vuốt ve khuôn mặt Hee, hôn Hee, và nói "thank you". Được một lúc Hee bảo: Em ngồi tránh sang bên ghế này, để anh mang tấm ga đi giặt. Khi Hee ôm tấm vải lùng nhùng ấy đi ngang qua chỗ cô ngồi, cô hỏi một câu bất chợt: Anh đã từng giặt bao nhiêu tấm ga thế này rồi? Hee cười, nụ cười không bảo rằng có cũng không bảo rằng không.
Các chủ nhật sau, khi nào người nhà đi vắng Hee đều nhắn tin rủ cô đến. Cô thường đến bằng xe ôm, có một chút cảm giác kích thích và liều lĩnh trong đó. Cô bước lên thang lầu nhà Hee bằng những bước chân êm ái, dẻo dai và đầy khoái cảm của loài mèo hoang. Cô yêu chiếc giường của Hee, yêu niềm đê mê nhục dục ở đấy, nhưng yêu nhất là cảm giác mình lớn lên, khôn ngoan lên, và đang mang máu thịt của mình ra nhập cuộc vào đời sống.
Sau năm chủ nhật như thế thì một hôm, một đứa con gái trong lớp nói với Thi: Mày định làm bạn gái của thằng Lee Chung Hee à? Nó bồ lâu rồi với một con nhỏ cũng người Hàn Quốc học ở lớp 11, từ khi mày chưa vào học trường này kìa! Con đó dữ lắm, không lẽ mày dám giật người yêu của nó à? Thi không hỏi Hee chuyện này, cô không nghĩ là cô có quyền hỏi. Cô cũng không nghĩ rằng mình có khả năng chiếm hữu bất cứ cái gì, lại còn phải chiến đấu để giữ nó. Hỏi ra thì hoặc là Hee sẽ chối đây đẩy, hoặc là sẽ đuổi cô khỏi chiếc giường của anh ta. Cô không muốn thế. Nhưng từ đấy, mỗi khi trườn người trên chiếc giường vừa êm vừa mát ấy, cô không thoát khỏi cảm giác sợ hãi và cảm giác lợn nhợn của sự lừa dối. Hee lừa dối cô và cô lừa dối cô.
Và đã xảy ra một chuyện tồi tệ. Hôm ấy gia đình Hee đi Vũng Tàu hai ngày, và cô đã chui ngay vào giường của Hee, khi Hee và ba mẹ anh ta nói bye bye với nhau chưa được nửa giờ. Khi đã xong, Hee đi tắm, còn cô thì nằm tênh hênh trên giường xem ti vi, vì quần áo cô treo cả trong buồng tắm. Vào lúc ấy cô nghe tiếng ồn ào của một nhóm người nói cười vui vẻ đi lên cầu thang, đến gần cửa phòng của Hee. Cô quýnh quáng phóng mình vào chiếc tủ âm tường to ở cuối phòng, và mắc phải một sai lầm chết người là không kịp cuốn theo mình bất cứ mảnh vải nào.
Chiếc tủ ấy trống trơn, chứa một cái laptop cùng mấy cái máy chơi điện tử đã cũ, vài cuốn sách và một chiếc gối nhỏ không có bao. Bọn người ấy ở trong phòng rất lâu, giỡn hớt ăn uống, nói toàn tiếng Hàn, có giọng người lớn có giọng trẻ con, nhưng chịu không thể đoán được ai là ai. Còn cô thì ngồi thu lu trong tủ, hoảng loạn, tuyệt vọng vì nỗi sợ hãi một người nào đó mở cánh cửa tủ ra, trông thấy cô trần truồng èo oặt như một con rùa bị móc ra khỏi chiếc mai cứng của mình. Còn may là không có ai mở.
Ba giờ sau bọn người ấy mới kéo đi. Khi Hee mở được cánh cửa tủ, ôm lấy cô, thì cô đã lạnh ngắt, toàn thân tái nhợt như thể máu đã rút hết ra ngoài, và co giật liên hồi. Hee hoảng hốt mặc quần áo cho cô, len lén dìu cô xuống nhà qua cửa sau, và đón taxi đưa cô về. Hee nói anh xin lỗi xin lỗi, chỉ vì ba mẹ anh đổi ý không đi Vũng Tàu nữa, còn anh thì không thể đuổi họ ra khỏi phòng anh được. Khi giao cô cho mum, Hee nói hiền lành: Cả nhóm đi xem phim Quỷ ám, chắc có nhiều cảnh làm cho cô ấy quá xúc động. Mum mời nước anh ta, trách cứ: Các cháu phải cẩn thận dùm chứ, tinh thần của Thi rất yếu, sao lại dắt nó đi xem phim kinh dị? Hee nói: Dạ cháu xin lỗi. I am sorry. Rồi Hee ra về. Và đến đấy là hết trách nhiệm của anh ta.
Tuần lễ sau đó Thi từ chối đến trường, cô ôm chặt chiếc máy vi tính để chơi trò đua xe. Tất cả các chiếc xe đều phải va vào tường hoặc rơi xuống vực, mặc dù như thế thì cô phải gầy bàn chơi lại. Chơi chán cô mím môi đập phá đồ đạc. Cô đập nát tất cả mọi món đồ chơi cô có, ném chiếc điện thoại di động và chiếc MP3 cho tan tành trong góc nhà, cuối cùng đập vỡ luôn chiếc màn hình vi tính.
Tối mum sang ngủ phòng cô, cố xoa dịu các giấc ngủ đầy mộng mị và tiếng la hét của cô. Mum luôn miệng chửi rủa bọn làm phim kinh dị, rồi cuối tuần đưa cô đến trường xin gặp chuyên viên tư vấn tâm lý. Suốt buổi tư vấn Thi trả lời rất ngắn cho những câu hỏi rất dài của bà bác sĩ, về các mối quan hệ với dad và mum, các mối quan hệ với bạn bè. Cô nói: Tôi không có bạn bè. Tôi có cha và mẹ nhưng giống như không có. Cô không một lời nào nhắc đến tên Lee Chung Hee, hay tên cái giường, cái tủ. Cuối buổi, bà bác sĩ nói: Tôi nghĩ vấn đề nằm ở chỗ cha em. Từ nhỏ có khi nào cha làm cho em quá sợ hãi hoặc quá đau đớn không? Cô trả lời: Tôi không nhớ. Hồi nhỏ cha tôi hay làm bò cho tôi cưỡi đi khắp nhà. Bà ta hỏi: Nhưng có thể có một điều gì đó gây tổn thương? Cô nhắc lại: Tôi không nhớ. Bà ta không thể hiểu được giai đoạn hạnh phúc nhất của cô, những cuộc cưỡi bò tràn ngập tiếng cười, trong một ngôi nhà nhìn ra biển, đầy gió và nắng. Sau cùng bà ta nói: Đôi khi người ta phải dùng đến cả thuật thôi miên để làm sáng tỏ những điều ẩn giấu, hoặc những điều chỉ còn trong vô thức. Ở đây chúng ta không sử dụng thuật đó, nên chúng ta sẽ nói chuyện cùng nhau nhiều. Hẹn lại tuần sau nhé.
Tuần sau Thi không đến. Cô không thích việc lộn trái tất cả mọi thứ bên trong mình ra để cho người ta xem xét, tọc mạch. Trong khi mình trần truồng và yếu ớt như một con sâu non.
Tuần sau Thi đi học lại. Vào lớp cô không nói với ai một lời nào nữa, đôi khi Hee chào cô, nhưng cô nhìn anh ta như nhìn vào một khoảng không hư vô. Cũng may thời gian ấy kéo dài không bao lâu, vì đã gần hết năm học. Cuối năm mum thay Thi đến trường lấy chứng chỉ tốt nghiệp. Bà hiệu trường cầm tờ chứng chỉ đưa cho mum, vừa chép miệng vừa lắc đầu, vừa nói: I am sorry. Mum cũng nói sorry. Mà không ai biết mình sorry vì cái gì, hay vì tất cả mọi thứ. Hay thật ra không ai có lỗi gì cả, không có gì cần phải nói sorry cả.
Và cũng kể từ đó, không khi nào Thi còn gặp lại Hee nữa. Miệng chiếc vỏ sò vừa he hé mở ra, nay lại đóng chặt lại, tưởng chừng là mãi mãi.
° ° °
Tình trạng "mất khả năng tiếp xúc với thế giới bên ngoài" của Thi trong một thời gian dài tưởng chừng đi đến chỗ bế tắc. Không ai giúp gì được cho cô. Các cơn ác mộng và các cơn giận dữ giảm dần đi, nhưng đuổi chúng đi hẳn là bất khả. Ngược lại chính chúng là những thứ cùng chung sống với cô, trong cô, bao quanh cô. Mum tổ chức vài chuyến đi chơi Vũng Tàu, nhưng cô im lặng lên xe, im lặng ngồi cào cát rồi im lặng về. Lâu ngày mum đâm chán, bà làm sao có đủ kiên nhẫn cho những chuyện như vậy, đành bỏ lơ luôn. Bà còn có cuộc đời của bà, bấy lâu nay bỏ phí, bây giờ phải vội vàng sống cho kịp với chút tuổi trẻ muộn mằn đang sầm sầm kéo đi...
Thế mà cái "hội chứng tự kỷ" ấy rốt cuộc lại được hóa giải một cách cực kỳ đơn giản. Cũng đơn giản như chính bản chất cuộc sống vậy thôi, vốn dĩ là rất đơn giản. Một hôm Vĩnh lên gõ cửa phòng cô. Vĩnh là con trai của bà đầu bếp, nghe nói đang theo học một trường đại học nào đó, đi làm thêm bằng cách dọn rửa các hồ bơi trong khu vực nhiều biệt thự này. Thỉnh thoảng từ trên cửa sổ phòng mình, Thi trông thấy anh ta làm việc, nhưng chưa bao giờ cô thực sự gặp hoặc chào hỏi anh ta. Thi mở cửa, và hỏi: Anh muốn gì, bằng giọng nói trầm lặng và món tóc rũ che hết nửa khuôn mặt cô. Vĩnh nói thứ tiếng Anh bập bõm, rằng nhóm của anh thường đi làm công tác xã hội ở một cô nhi viện, bây giờ muốn mở một lớp dạy tiếng Anh mà chưa có người dạy, nếu cô có thể... Nói đến đấy thì anh ta bỏ dở câu, chừng như rất ngại ngùng. Thi cũng ngập ngừng một lúc rồi nói: Tôi có thể...
Chủ nhật Vĩnh đến chở cô, chạy vòng vèo mấy chục cây số đường đầy nắng và bụi, mới đến cô nhi viện của một tổ chức Công giáo. Nhóm bạn độ chừng mười người, họ hello với cô rất vui vẻ, rồi ai bắt tay vào việc nấy. Lớp tiếng Anh của cô cũng chừng chục đứa trẻ, tuổi từ tám, chín đến mười bốn, mười lăm. Chừng như thấy cô lạ, tóc vàng mắt xanh, lũ trẻ cứ nhìn cô mà cười mãi, ngoác cả miệng. Cô không hiểu chúng cười cái gì, nhưng nụ cười dễ lây, một lúc cô cũng bất giác mỉm miệng cười, thấy trong động tác ấy có len vào cái gì đó rất ấm áp. Nào chúng ta học nào, "ây bi xi đi"... Cô chạnh nhớ những tiếng cười đã xa lăng lắc, ở một ngôi nhà nào đó cũng xa lăng lắc, đầy gió và nắng... Nào "i eo gi éch"... Nhớ những viên gạch vỡ dưới chân cầu thang, chỗ dad làm rơi một chiếc bình nặng khi bò bằng bốn chân chơi đùa với cô con gái nhỏ... Nào "ai chi ki eo"... Những đứa trẻ đang ngoác miệng ra cười kia cũng bất hạnh như cô, hoặc hơn cô, có cha có mẹ mà thành ra không có... Nào "en em âu pi"... Tình yêu thương của con người tưởng phải ngập tràn cuộc sống này, thật ra lại quá đỗi hiếm hoi, tật nguyền... Nào...
Vĩnh phụ trách việc dạy xếp tàu bay giấy cho mấy em nhỏ bị thiểu năng trí tuệ, công việc trông đơn giản mà không đơn giản. Khi hết giờ dạy tiếng Anh, anh ta đưa cô đến phòng trẻ ăn sữa, nhờ cô bế em bé. Các sơ bảo mẫu không bao giờ bế các em, sợ các em vòi vĩnh thì không làm việc được nên thường chỉ nhờ người trong các đoàn công tác bế cho các em đỡ ghiền, đỡ thiếu hơi người.
Thi ngồi trên ghế, đặt hai em bé lên đùi mình, và vòng tay ôm siết lại để hai bé khỏi rơi. Những con mắt trong veo và những chiếc miệng cười trong veo. Những bàn tay bé bỏng sờ chạm vào má, vào môi... Một luồng hơi ấm bỗng nhiên chạy dài theo sống lưng cô, cô cảm lại một cảm giác rất thân quen mà lâu rồi quên mất, là cảm giác của da thịt chạm vào da thịt, của hơi thở chạm vào hơi thở. Những đứa trẻ chưa biết nói này cũng như cô, đâu cần tới ngôn ngữ, tiếng nói, đã truyền các rung động, cảm xúc cho nhau chỉ bằng ánh mắt, nụ cười, bằng nhịp đập của chính con tim mình.
Cô thấy tự dưng các sớ thịt trong tim mình như mềm ra, để chảy trong đó không phải là máu đào, mà là thứ nước cam lồ của tình yêu. Cô nhắm mắt lại, hít thở sâu vào, thấy cơ thể mình duỗi ra, rộng ra, mênh mông ra, cơ hồ chỉ vươn hai cánh tay ra mà ôm trọn được cả bầu trời... Cô như người đốn ngộ, hiểu ra những điều trước đây chưa từng hiểu...
Khuya ấy, mum đi chơi về thấy cô hãy còn thức. Cô ngồi ở máy vi tính viết mấy dòng chữ đầu tiên cho bức thư gửi dad, cô định viết về sự tha thứ. Thi sẽ tha thứ cho dad. Mum đã uống rượu nên hai gò má mum đỏ bừng bừng và trông rất vui vẻ, mum hỏi: Này cô nhóc, hôm nay đi chơi có vui không, có lợi ích gì cho ai không nào? Thi cười, bằng nụ cười hiếm hoi của mình, thì thầm: Mum lại hiểu sai rồi, con thì lợi ích gì cho ai đâu, nhưng lũ trẻ con ở đó giúp con hiểu ra được nhiều thứ, và tìm thấy rất nhiều thứ, mum ạ.
Rồi bất ngờ Thi ôm chầm lấy mum và hôn tới tấp vào mặt mum. Mum vừa gỡ tay Thi ra vừa cười hăng hắc vừa đưa tay cù vào nách Thi. Nhột quá Thi cũng cười lên hăng hắc, tiếng cười vang vang giữa những bức tường trống của ngôi nhà vắng...
Sưu tầm
Nguồn: TNOL
Cô mười bảy tuổi, da trắng tóc vàng mắt xanh, có hai quốc tịch Hà Lan và Sing, có tên Việt là Thi theo mum và họ Hà Lan là K. theo dad, nhưng cô không biết gì nhiều về những dân tộc mà mình mang quốc tịch và mang tên. Ở trường học, cô không làm được các bài luận văn nói về quê hương tổ quốc của mình. Bạn bè cô thường cũng thế mà thôi. Sau một cuộc ly dị lằng nhằng đầy tai tiếng, nhiều cãi vã, chửi bới, mum dắt cô về sống nơi quê mẹ. Cô đứng ở các ngã tư trên đường phố Sài Gòn mà ngơ ngác như người khác đứng trước các ngã rẽ quan trọng của cuộc đời họ vậy.
Như nhiều người đàn ông có nhiều tiền khác, dad chấp nhận việc chu cấp cao và lâu dài cho vợ cũ để đổi lấy tự do, lấy một người vợ mới trẻ đẹp hơn. Về tới Sài Gòn, mum liên lạc và gặp gỡ lại những người cũ của mum, tối tối hay đi bar với họ, nói cười và uống rượu với họ. Có đêm mum về nhà say khướt, có đêm đến sáng mới về, nhưng Thi biết không bao giờ mum lấy họ. Việc chu cấp của dad sẽ chấm dứt ngay khi mum có chồng mới, mum đang không có việc làm, không lý do gì mum để cho chuyện đó xảy ra. Trong vở kịch của họ, của dad và mum, không có vai nào dành cho Thi, dù là vai phụ.
Phòng của Thi ở trên lầu, nhìn xuống cái hồ bơi xanh biếc bao quanh bởi một hàng dừa cũng xanh không kém. Nhưng Thi không bơi bao giờ, cô không thích bơi một mình. Chỉ có mum làm điều đó, đôi khi có thêm bạn của mum, bụng của họ chảy tràn ra khỏi những sợi dây thun quần bơi. Thi chỉ ở trong phòng, ôm cái máy vi tính của mình, thả lên đó những câu nói vô thanh. Cô thường xuyên chat với những người bạn đã xa lắc của mình, đang ở Sing, những người không thể nào hiểu và chia sẻ nỗi buồn của cô. Nhưng dù sao vẫn hơn là đứng ngơ ngác ở một ngã tư nào đó trên đường phố Sài Gòn. Mum và Thi, hai người cùng đang ngụp lặn, vùng vẫy trong vũng cô đơn của riêng mình, cố làm sao giết được nó đi, hoặc là thoát ra khỏi nó.
Cuối tháng tám, mum làm thủ tục chuyển trường cho Thi, cô còn một năm học cuối bậc trung học. Bạn cùng lớp cũng nhiều quốc tịch, nhiều đứa nói tiếng Anh còn ghê hơn bọn Singlish. Học sinh trong lớp đều là bạn với nhau từ lớp dưới lên, chỉ có cô là học sinh mới. Không ai trong bọn chúng có ý định lôi kéo cô vào các câu chuyện hoặc trò vui của chúng. Cô cũng không có ý định đó. Cô ngồi ở bàn cuối, nghe thầy giảng, làm bài tập, rồi xếp tập vở lại khi nghe tiếng chuông reo cuối giờ. Cô thấy việc nói cho một người nào đó hiểu mình hoặc mình hiểu người ta là một việc khá khó khăn, và có vẻ hơi vô ích.
Một học kỳ trôi qua như thế. Cuối học kỳ, cô giáo chủ nhiệm gửi cho mum một lá thư dán kín, mời mum đến trao đổi với chuyên gia tư vấn tâm lý của nhà trường "vì lý do Thi K. có vài biểu hiện của hội chứng tự kỷ". Mum chửi om lên một hồi, rằng đi đâu cũng không thoát được cái bọn chuyên gia tâm lý rỗi hơi này, rằng mỗi người đều có vấn đề và hoàn cảnh của riêng mình, tư vấn rồi thì giải quyết được gì. Mum gọi điện thoại cho cô giáo, bảo khi nào thu xếp được thời gian sẽ đến. Và mum không bao giờ thu xếp được thời gian. Nhưng sau đó ít lâu, nhờ thằng Lee Chung Hee ngồi kế bên, tình hình có khá hơn. Thi bắt đầu nói chuyện, dù rất ít, như một con sò vùi sâu trong vũng cát im lặng của mình, nay mở hé dần đôi vỏ ra, từng chút, từng chút một.
Ban đầu, khi Thi mới về Việt Nam, dad gửi cho cô mỗi tuần một e-mail, kể vài công việc thường nhật của ông (ông đã về Hà Lan, không còn sống ở Sing nữa), và nói rằng ông cố gắng giữ sao cho giữa ông và cô có một mối dây liên lạc bền vững, không bao giờ tách rời. Cuối thư bao giờ ông cũng viết: Dad yêu con gái của dad vô cùng. Nhưng Thi chẳng bao giờ nhìn thấy tình yêu của ông ở đâu cả. Cô vẫn còn giận dad nên ít trả lời. Có lẽ vì thế nên về sau các e-mail của dad thưa dần, cho đến bức thư dad báo tin mình sắp có baby thì dứt hẳn, chỉ thỉnh thoảng còn những bức thư báo tin đã chuyển tiền cho mum. Không lẽ để cái sợi chỉ mong manh như tơ nhện kia tan biến luôn sao? Cô định hôm nào sẽ viết cho dad một lá thư dài, nhưng cô lần lữa mãi vì không biết mình sẽ phải bắt đầu từ đâu.
Chơi với nhau được ít lâu thì Chung Hee bảo tao rất thích mày, mày làm bạn gái tao nhé. Thi cũng thích Hee, cô đã mười tám tuổi, không ai không có bạn trai khi đã đến tuổi ấy. Tình yêu len vào tim cô, dường như đẩy dần "vài biểu hiện của hội chứng tự kỷ" đi. Cô không viết mail cho những người bạn đã xa lắc ở Sing nữa, và thấy bầu trời cùng mặt nước hồ bơi bên ngoài cửa sổ phòng cô càng xanh hơn, và trong văn vắt.
Đi xem phim với nhau được vài lần, Hee dắt cô về nhà. Trưa chủ nhật gia đình Hee đi chơi cả, chỉ còn một người giúp việc đang ủi quần áo ở phòng giặt bên khu nhà dành cho gia nhân. Phòng của Hee ở tít trên lầu ba, trong ấy có một chiếc giường rộng, rất mát và êm. Cô nằm lên chiếc giường ấy và Hee cùng cô làm tình với nhau. Khi đã xong, Hee nằm nghiêng, tránh những vết máu đỏ nhờ loang trên mặt ga trải giường, cười và vuốt ve khuôn mặt cô rồi hôn cô. Cô cũng cười. Dư chấn của cơn đau và cơn khoái lạc làm cho cơ thể cô run lên từng cơn, rồi dịu dần, lan tỏa ra, đến tận cùng các mạch máu và các đầu dây thần kinh li ti. Cô cũng cười, vuốt ve khuôn mặt Hee, hôn Hee, và nói "thank you". Được một lúc Hee bảo: Em ngồi tránh sang bên ghế này, để anh mang tấm ga đi giặt. Khi Hee ôm tấm vải lùng nhùng ấy đi ngang qua chỗ cô ngồi, cô hỏi một câu bất chợt: Anh đã từng giặt bao nhiêu tấm ga thế này rồi? Hee cười, nụ cười không bảo rằng có cũng không bảo rằng không.
Các chủ nhật sau, khi nào người nhà đi vắng Hee đều nhắn tin rủ cô đến. Cô thường đến bằng xe ôm, có một chút cảm giác kích thích và liều lĩnh trong đó. Cô bước lên thang lầu nhà Hee bằng những bước chân êm ái, dẻo dai và đầy khoái cảm của loài mèo hoang. Cô yêu chiếc giường của Hee, yêu niềm đê mê nhục dục ở đấy, nhưng yêu nhất là cảm giác mình lớn lên, khôn ngoan lên, và đang mang máu thịt của mình ra nhập cuộc vào đời sống.
Sau năm chủ nhật như thế thì một hôm, một đứa con gái trong lớp nói với Thi: Mày định làm bạn gái của thằng Lee Chung Hee à? Nó bồ lâu rồi với một con nhỏ cũng người Hàn Quốc học ở lớp 11, từ khi mày chưa vào học trường này kìa! Con đó dữ lắm, không lẽ mày dám giật người yêu của nó à? Thi không hỏi Hee chuyện này, cô không nghĩ là cô có quyền hỏi. Cô cũng không nghĩ rằng mình có khả năng chiếm hữu bất cứ cái gì, lại còn phải chiến đấu để giữ nó. Hỏi ra thì hoặc là Hee sẽ chối đây đẩy, hoặc là sẽ đuổi cô khỏi chiếc giường của anh ta. Cô không muốn thế. Nhưng từ đấy, mỗi khi trườn người trên chiếc giường vừa êm vừa mát ấy, cô không thoát khỏi cảm giác sợ hãi và cảm giác lợn nhợn của sự lừa dối. Hee lừa dối cô và cô lừa dối cô.
Và đã xảy ra một chuyện tồi tệ. Hôm ấy gia đình Hee đi Vũng Tàu hai ngày, và cô đã chui ngay vào giường của Hee, khi Hee và ba mẹ anh ta nói bye bye với nhau chưa được nửa giờ. Khi đã xong, Hee đi tắm, còn cô thì nằm tênh hênh trên giường xem ti vi, vì quần áo cô treo cả trong buồng tắm. Vào lúc ấy cô nghe tiếng ồn ào của một nhóm người nói cười vui vẻ đi lên cầu thang, đến gần cửa phòng của Hee. Cô quýnh quáng phóng mình vào chiếc tủ âm tường to ở cuối phòng, và mắc phải một sai lầm chết người là không kịp cuốn theo mình bất cứ mảnh vải nào.
Chiếc tủ ấy trống trơn, chứa một cái laptop cùng mấy cái máy chơi điện tử đã cũ, vài cuốn sách và một chiếc gối nhỏ không có bao. Bọn người ấy ở trong phòng rất lâu, giỡn hớt ăn uống, nói toàn tiếng Hàn, có giọng người lớn có giọng trẻ con, nhưng chịu không thể đoán được ai là ai. Còn cô thì ngồi thu lu trong tủ, hoảng loạn, tuyệt vọng vì nỗi sợ hãi một người nào đó mở cánh cửa tủ ra, trông thấy cô trần truồng èo oặt như một con rùa bị móc ra khỏi chiếc mai cứng của mình. Còn may là không có ai mở.
Ba giờ sau bọn người ấy mới kéo đi. Khi Hee mở được cánh cửa tủ, ôm lấy cô, thì cô đã lạnh ngắt, toàn thân tái nhợt như thể máu đã rút hết ra ngoài, và co giật liên hồi. Hee hoảng hốt mặc quần áo cho cô, len lén dìu cô xuống nhà qua cửa sau, và đón taxi đưa cô về. Hee nói anh xin lỗi xin lỗi, chỉ vì ba mẹ anh đổi ý không đi Vũng Tàu nữa, còn anh thì không thể đuổi họ ra khỏi phòng anh được. Khi giao cô cho mum, Hee nói hiền lành: Cả nhóm đi xem phim Quỷ ám, chắc có nhiều cảnh làm cho cô ấy quá xúc động. Mum mời nước anh ta, trách cứ: Các cháu phải cẩn thận dùm chứ, tinh thần của Thi rất yếu, sao lại dắt nó đi xem phim kinh dị? Hee nói: Dạ cháu xin lỗi. I am sorry. Rồi Hee ra về. Và đến đấy là hết trách nhiệm của anh ta.
Tuần lễ sau đó Thi từ chối đến trường, cô ôm chặt chiếc máy vi tính để chơi trò đua xe. Tất cả các chiếc xe đều phải va vào tường hoặc rơi xuống vực, mặc dù như thế thì cô phải gầy bàn chơi lại. Chơi chán cô mím môi đập phá đồ đạc. Cô đập nát tất cả mọi món đồ chơi cô có, ném chiếc điện thoại di động và chiếc MP3 cho tan tành trong góc nhà, cuối cùng đập vỡ luôn chiếc màn hình vi tính.
Tối mum sang ngủ phòng cô, cố xoa dịu các giấc ngủ đầy mộng mị và tiếng la hét của cô. Mum luôn miệng chửi rủa bọn làm phim kinh dị, rồi cuối tuần đưa cô đến trường xin gặp chuyên viên tư vấn tâm lý. Suốt buổi tư vấn Thi trả lời rất ngắn cho những câu hỏi rất dài của bà bác sĩ, về các mối quan hệ với dad và mum, các mối quan hệ với bạn bè. Cô nói: Tôi không có bạn bè. Tôi có cha và mẹ nhưng giống như không có. Cô không một lời nào nhắc đến tên Lee Chung Hee, hay tên cái giường, cái tủ. Cuối buổi, bà bác sĩ nói: Tôi nghĩ vấn đề nằm ở chỗ cha em. Từ nhỏ có khi nào cha làm cho em quá sợ hãi hoặc quá đau đớn không? Cô trả lời: Tôi không nhớ. Hồi nhỏ cha tôi hay làm bò cho tôi cưỡi đi khắp nhà. Bà ta hỏi: Nhưng có thể có một điều gì đó gây tổn thương? Cô nhắc lại: Tôi không nhớ. Bà ta không thể hiểu được giai đoạn hạnh phúc nhất của cô, những cuộc cưỡi bò tràn ngập tiếng cười, trong một ngôi nhà nhìn ra biển, đầy gió và nắng. Sau cùng bà ta nói: Đôi khi người ta phải dùng đến cả thuật thôi miên để làm sáng tỏ những điều ẩn giấu, hoặc những điều chỉ còn trong vô thức. Ở đây chúng ta không sử dụng thuật đó, nên chúng ta sẽ nói chuyện cùng nhau nhiều. Hẹn lại tuần sau nhé.
Tuần sau Thi không đến. Cô không thích việc lộn trái tất cả mọi thứ bên trong mình ra để cho người ta xem xét, tọc mạch. Trong khi mình trần truồng và yếu ớt như một con sâu non.
Tuần sau Thi đi học lại. Vào lớp cô không nói với ai một lời nào nữa, đôi khi Hee chào cô, nhưng cô nhìn anh ta như nhìn vào một khoảng không hư vô. Cũng may thời gian ấy kéo dài không bao lâu, vì đã gần hết năm học. Cuối năm mum thay Thi đến trường lấy chứng chỉ tốt nghiệp. Bà hiệu trường cầm tờ chứng chỉ đưa cho mum, vừa chép miệng vừa lắc đầu, vừa nói: I am sorry. Mum cũng nói sorry. Mà không ai biết mình sorry vì cái gì, hay vì tất cả mọi thứ. Hay thật ra không ai có lỗi gì cả, không có gì cần phải nói sorry cả.
Và cũng kể từ đó, không khi nào Thi còn gặp lại Hee nữa. Miệng chiếc vỏ sò vừa he hé mở ra, nay lại đóng chặt lại, tưởng chừng là mãi mãi.
° ° °
Tình trạng "mất khả năng tiếp xúc với thế giới bên ngoài" của Thi trong một thời gian dài tưởng chừng đi đến chỗ bế tắc. Không ai giúp gì được cho cô. Các cơn ác mộng và các cơn giận dữ giảm dần đi, nhưng đuổi chúng đi hẳn là bất khả. Ngược lại chính chúng là những thứ cùng chung sống với cô, trong cô, bao quanh cô. Mum tổ chức vài chuyến đi chơi Vũng Tàu, nhưng cô im lặng lên xe, im lặng ngồi cào cát rồi im lặng về. Lâu ngày mum đâm chán, bà làm sao có đủ kiên nhẫn cho những chuyện như vậy, đành bỏ lơ luôn. Bà còn có cuộc đời của bà, bấy lâu nay bỏ phí, bây giờ phải vội vàng sống cho kịp với chút tuổi trẻ muộn mằn đang sầm sầm kéo đi...
Thế mà cái "hội chứng tự kỷ" ấy rốt cuộc lại được hóa giải một cách cực kỳ đơn giản. Cũng đơn giản như chính bản chất cuộc sống vậy thôi, vốn dĩ là rất đơn giản. Một hôm Vĩnh lên gõ cửa phòng cô. Vĩnh là con trai của bà đầu bếp, nghe nói đang theo học một trường đại học nào đó, đi làm thêm bằng cách dọn rửa các hồ bơi trong khu vực nhiều biệt thự này. Thỉnh thoảng từ trên cửa sổ phòng mình, Thi trông thấy anh ta làm việc, nhưng chưa bao giờ cô thực sự gặp hoặc chào hỏi anh ta. Thi mở cửa, và hỏi: Anh muốn gì, bằng giọng nói trầm lặng và món tóc rũ che hết nửa khuôn mặt cô. Vĩnh nói thứ tiếng Anh bập bõm, rằng nhóm của anh thường đi làm công tác xã hội ở một cô nhi viện, bây giờ muốn mở một lớp dạy tiếng Anh mà chưa có người dạy, nếu cô có thể... Nói đến đấy thì anh ta bỏ dở câu, chừng như rất ngại ngùng. Thi cũng ngập ngừng một lúc rồi nói: Tôi có thể...
Chủ nhật Vĩnh đến chở cô, chạy vòng vèo mấy chục cây số đường đầy nắng và bụi, mới đến cô nhi viện của một tổ chức Công giáo. Nhóm bạn độ chừng mười người, họ hello với cô rất vui vẻ, rồi ai bắt tay vào việc nấy. Lớp tiếng Anh của cô cũng chừng chục đứa trẻ, tuổi từ tám, chín đến mười bốn, mười lăm. Chừng như thấy cô lạ, tóc vàng mắt xanh, lũ trẻ cứ nhìn cô mà cười mãi, ngoác cả miệng. Cô không hiểu chúng cười cái gì, nhưng nụ cười dễ lây, một lúc cô cũng bất giác mỉm miệng cười, thấy trong động tác ấy có len vào cái gì đó rất ấm áp. Nào chúng ta học nào, "ây bi xi đi"... Cô chạnh nhớ những tiếng cười đã xa lăng lắc, ở một ngôi nhà nào đó cũng xa lăng lắc, đầy gió và nắng... Nào "i eo gi éch"... Nhớ những viên gạch vỡ dưới chân cầu thang, chỗ dad làm rơi một chiếc bình nặng khi bò bằng bốn chân chơi đùa với cô con gái nhỏ... Nào "ai chi ki eo"... Những đứa trẻ đang ngoác miệng ra cười kia cũng bất hạnh như cô, hoặc hơn cô, có cha có mẹ mà thành ra không có... Nào "en em âu pi"... Tình yêu thương của con người tưởng phải ngập tràn cuộc sống này, thật ra lại quá đỗi hiếm hoi, tật nguyền... Nào...
Vĩnh phụ trách việc dạy xếp tàu bay giấy cho mấy em nhỏ bị thiểu năng trí tuệ, công việc trông đơn giản mà không đơn giản. Khi hết giờ dạy tiếng Anh, anh ta đưa cô đến phòng trẻ ăn sữa, nhờ cô bế em bé. Các sơ bảo mẫu không bao giờ bế các em, sợ các em vòi vĩnh thì không làm việc được nên thường chỉ nhờ người trong các đoàn công tác bế cho các em đỡ ghiền, đỡ thiếu hơi người.
Thi ngồi trên ghế, đặt hai em bé lên đùi mình, và vòng tay ôm siết lại để hai bé khỏi rơi. Những con mắt trong veo và những chiếc miệng cười trong veo. Những bàn tay bé bỏng sờ chạm vào má, vào môi... Một luồng hơi ấm bỗng nhiên chạy dài theo sống lưng cô, cô cảm lại một cảm giác rất thân quen mà lâu rồi quên mất, là cảm giác của da thịt chạm vào da thịt, của hơi thở chạm vào hơi thở. Những đứa trẻ chưa biết nói này cũng như cô, đâu cần tới ngôn ngữ, tiếng nói, đã truyền các rung động, cảm xúc cho nhau chỉ bằng ánh mắt, nụ cười, bằng nhịp đập của chính con tim mình.
Cô thấy tự dưng các sớ thịt trong tim mình như mềm ra, để chảy trong đó không phải là máu đào, mà là thứ nước cam lồ của tình yêu. Cô nhắm mắt lại, hít thở sâu vào, thấy cơ thể mình duỗi ra, rộng ra, mênh mông ra, cơ hồ chỉ vươn hai cánh tay ra mà ôm trọn được cả bầu trời... Cô như người đốn ngộ, hiểu ra những điều trước đây chưa từng hiểu...
Khuya ấy, mum đi chơi về thấy cô hãy còn thức. Cô ngồi ở máy vi tính viết mấy dòng chữ đầu tiên cho bức thư gửi dad, cô định viết về sự tha thứ. Thi sẽ tha thứ cho dad. Mum đã uống rượu nên hai gò má mum đỏ bừng bừng và trông rất vui vẻ, mum hỏi: Này cô nhóc, hôm nay đi chơi có vui không, có lợi ích gì cho ai không nào? Thi cười, bằng nụ cười hiếm hoi của mình, thì thầm: Mum lại hiểu sai rồi, con thì lợi ích gì cho ai đâu, nhưng lũ trẻ con ở đó giúp con hiểu ra được nhiều thứ, và tìm thấy rất nhiều thứ, mum ạ.
Rồi bất ngờ Thi ôm chầm lấy mum và hôn tới tấp vào mặt mum. Mum vừa gỡ tay Thi ra vừa cười hăng hắc vừa đưa tay cù vào nách Thi. Nhột quá Thi cũng cười lên hăng hắc, tiếng cười vang vang giữa những bức tường trống của ngôi nhà vắng...
Sưu tầm
Nguồn: TNOL