• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Chuyện ở làng "giữ lửa" ngày ấy...

  • Thread starter Thread starter Butchi
  • Ngày gửi Ngày gửi

Butchi

VPP Sơn Ca
Xu
92
Với chiếc radio bán dẫn, quân và dân làng Tân Hạnh - "cái nôi" của phong trào cách mạng vùng Hòa Vang, TP Đà Nẵng, đã theo dõi từng ngày khi biết tin Bác Hồ ốm nặng. Và lúc Bác Hồ qua đời, từ người già đến lớp trẻ của làng Tân Hạnh đều đau đớn, tiếc thương. Ngay giữa lòng giặc, họ đã tổ chức làm lễ truy điệu và chịu tang Bác...

Về Tân Hạnh vào một ngày đầu tháng 9, chúng tôi gặp rất nhiều người dân đang lo sắm sửa hương hoa chuẩn bị cúng giỗ Bác Hồ. Năm nào cũng vậy, cứ đến dịp Quốc khánh 2/9 là nhà nhà ở Tân Thạnh cúng giỗ Bác, rồi cả làng ngồi lại nghe các cán bộ cách mạng lão thành kể lại chuyện truy điệu Bác Hồ trong lòng giặc ngày ấy; chuyện những tấm gương chiến sĩ cách mạng trung kiên, một lòng thủy chung son sắt với Đảng và Bác Hồ, chẳng may sa vào tay giặc bị tra tấn đến chết đi sống lại vẫn nghiến răng chịu đựng không khai lấy nửa lời làm tổn hại Đảng và cách mạng; trước lúc bị giặc bắn vẫn còn hô vang khẩu hiệu: "Hồ Chí Minh muôn năm !"...

Bà Võ Thị Mai, nguyên Phó Bí thư Chi bộ xã Hòa Phước, vợ của ông Lê Tích nguyên là Phó Bí thư Huyện ủy Hòa Vang, còn nhớ như in rằng, ở làng Tân Hạnh nhỏ bé nằm lọt giữa ranh giới hai huyện Hòa Vang và Điện Bàn, Quảng Nam, từ những năm Pháp thuộc, người dân và trai tráng tiến bộ trong làng đã đọc được những bài báo của Nguyễn Ái Quốc trong báo "Người cùng khổ". Sở dĩ như vậy là bởi, đồng chí Nguyễn Thúy, một chiến sĩ Cộng sản đã sớm có mặt tại đây.

Không giấu được niềm tự hào, bà Mai nói: "Dân tui ở cái làng ni lạ lắm. Chưa một ai được gặp Bác Hồ, nhưng từ già chí trẻ đều một lòng hướng về Bác, hướng về miền Bắc trong những năm đau thương mất mát nhất...".

4_1dangvien1500-400.jpg

Một đảng viên từng chiến đấu ở Tân Hạnh kể lại chuyện để tang Bác và tổ chức đánh giặc sau ngày Bác qua đời.


Theo lời bà Mai, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và đánh Mỹ xâm lược, Tân Hạnh luôn là căn cứ địa cách mạng của Khu II - Hòa Vang nói riêng và huyện Hòa Vang nói chung. Thời kháng chiến chống Pháp, gieo mầm cách mạng, tuyên truyền tư tưởng cứu nước của Nguyễn Ái Quốc tại làng Tân Hạnh năm 1930, là hai cụ Nguyễn Ngọc Kinh và Nguyễn Ngọc Cầu. Hai người này đã từng treo cờ đỏ, rải truyền đơn kêu gọi nhân dân đi theo Đảng, theo cách mạng. Và từ đó, hình ảnh Bác Hồ luôn hiện diện trong tim của người dân đất này...

Nhắc đến sự kiện tổ chức lễ truy điệu Bác Hồ vào năm 1969, khi Người qua đời, bà Mai nhớ lại. Ngay sau khi Bác Hồ mất, qua chiếc radio bán dẫn, Bí thư Chi bộ xã Hòa Phước lúc ấy là anh Trần Long, quyết định tổ chức truy điệu Bác. Gần 30 cán bộ, đảng viên tại Tân Hạnh, cũng là lực lượng nòng cốt của xã Hòa Phước, đều có mặt. Chi bộ quyết định chọn ngôi nhà của ông Dương Ngọc Hoa tại làng Tân Hạnh để làm lễ truy điệu Bác.

Ông Hoa là một gia đình khá giả, là một cơ sở của ta, nhà do bị Mỹ, ngụy dội bom nên nhà cháy hết còn một mảng tường ông đành bỏ vậy đi ở nơi khác. Chính ngôi nhà ông lại trở thành nơi Chi bộ tổ chức những cuộc họp, kết nạp đảng viên mới hoặc nơi ẩn náu của lực lượng du kích Hòa Phước mỗi khi địch đi càn...

Ngừng một lúc, bà Mai kể tiếp rằng, trong những ngày Bác mất, anh Trần Long luôn kè kè bên người chiếc radio bán dẫn, mọi tin tức về đám tang của Bác đều do anh nghe là thông báo cho mọi người. Trong những ngày ấy, Đài Tiếng nói Việt Nam luôn phát đi phát lại tiểu sử của Bác và chương trình tang lễ.

Thực hiện sự chỉ đạo của Khu ủy Khu II - Hòa Vang, anh Trần Long tổ chức cho Chi bộ Hòa Phước làm lễ truy điệu Bác. 30 cán bộ, đảng viên của xã, mỗi người, mỗi việc lo làm lễ truy điệu. Người lo hương, hoa, trái cây; người may băng tang, người chuẩn bị cờ, băng rôn và ảnh Bác...

Lúc đó, các đồng chí Trần Lý, Phạm Thị Cúc, và hai chị em Nguyễn Thị Dung, Nguyễn Thị Loan (con gái ông Nguyễn Ngọc Cầu) được giao nhiệm vụ may cờ, may băng tang; mấy anh thanh niên được giao dùng những tấm vải khổ rộng để làm băng rôn với các dòng chữ cắt bằng giấy như: "Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh!", "Bác Hồ muôn năm!"... Ảnh Bác là một tấm vải thêu hình Bác khá đẹp. Nghe đâu, tấm chân dung này được các anh Bộ đội miền Bắc đem vào tặng cho chiến trường Quảng Đà. Chi bộ Hòa Phước được Đảng bộ Hòa Vang tặng để tổ chức những lễ kết nạp Đảng, hay những ngày lễ lớn của ta... Băng tang may bằng vải có hình bình hành xéo góc, một mặt màu đen, còn mặt kia là trắng. Nếu đi lại hợp pháp giữa ban ngày thì đeo băng tang màu trắng, còn đi về ban đêm thì lật mặt màu đen cho địch không phát hiện...

Chuẩn bị đâu vào đó, anh em du kích chặt 2 nhánh cây đa, dựng lên như một cái phường môn và căng ngang một tấm vải trắng. Giữa tấm vải là ảnh Bác Hồ. Trên bàn thờ có một ảnh Bác, một bình bông chủ yếu là hoa trang và hoa phượng... Vào lúc 20h đêm hôm ấy, tại nhà của ông Hoa ở Tân Hạnh, Chi bộ Hòa Phước tiến hành làm lễ truy điệu Bác.

Khi Đài Tiếng nói Việt Nam phát đi phút mặc niệm và chào cờ thì tất cả đều răm rắp làm theo. Chiếc radio bán dẫn của Trần Long với âm lượng vừa đủ nghe đang lần lược điểm lại công lao của Bác Hồ qua một chất giọng rất truyền cảm của phát thanh viên.

Trong cái phút yên lặng thiêng liêng ấy, mọi người như chết lặng đi, rồi bật khóc òa lên thành tiếng. Ai nấy đều nghẹn ngào, tức tưởi "Bác Hồ ơi!"... "Tui còn nhớ, lúc đó anh Long bước tới trước bàn thờ Bác nói: - Các đồng chí, Bác Hồ đã mất! Sinh thời, Bác Hồ đã cống hiến cả cuộc đời mình cho Tổ quốc. Trước khi chết, Người vẫn ước mong một ngày nước nhà thống nhất, Bắc - Nam một nhà như Di chúc đã để lại. Nay Bác đã ra đi, chúng ta thề biến đau thương thành hành động. Anh dũng, kiên cường chiến đấu "đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào" như di nguyện của Người!".

Rồi tiếp theo, một du kích bất hợp pháp cực kỳ gan dạ và dũng cảm đại điện cho Đội du kích quyết tử của Hòa Phước là anh Ngô Xoài đứng ra đọc lời thề: "- Vì sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vì lòng kính yêu và thương tiếc Bác vô hạn, chúng tôi xin thề chiến đấu đến hơi thở cuối cùng như di nguyện của Người! Xin thề!". Và mọi người đều hô: - Xin thề!

Chiến tranh đã qua đi rất lâu, nhưng giờ đây trở lại làng Tân Hạnh, chúng tôi vẫn nhận ra một điều kỳ lạ rằng, ở ngôi làng nhỏ bé này, các thế hệ hôm nay và hôm qua đều giữ được ngọn lửa cách mạng truyền thống và khắc ghi hình ảnh Bác Hồ trong trái tim mình. Làng kháng chiến Tân Hạnh đã góp thành tích rất lớn để xã Hòa Phước của huyện Hòa Vang được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân"
reddot.gif


Theo L.Vân - H.Giang - CAO
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top