Chuyện không riêng của cô giáo mầm non
Cà phê cuối tuần với nhỏ bạn thời phổ thông, hiện đang hàng ngày làm công việc chăm sóc lũ trẻ thay ba mẹ chúng tại một trường mầm non nội ô thành phố. Sau hồi chuyện cơm áo, gạo tiền, chồng con, cuộc sống của đám bạn cũ thì vấn đề muôn thuở vẫn là giáo dục xã hội.
Nhỏ kể tôi nghe chuyện trong chính môi trường “trường mẫu giáo biết bao mến thương”, chị đồng nghiệp của nó đã bạo lực không thương tiếc với một đứa học trò bé nhỏ, ngôn từ chưa rành, chưa biết diễn đạt thành lời tất cả những gì xảy ra với nó.
Giờ ăn của học sinh Trường mầm non Bình Trưng Đông, Q.2, TP.HCM. Nếu có tình yêu thương, cô giáo sẽ coi học sinh như con của mình, sẽ kiềm chế cơn nóng giận - Ảnh: H.HG.
Dẫu biết rằng ba mẹ nào đưa con đi học ở tuổi nhà trẻ, mẫu giáo mà chẳng quan tâm xem con mình có bụ bẫm không, có lên kí lô nào không nhưng như vậy liệu có đủ cho sự phát triển toàn diện của trẻ. Chắn chắn là không rồi nhưng cái áp lực vô hình đó khiến giáo dục ở tuổi mầm non, nhà trẻ dường như thiên về chuyện chăm sóc dinh dưỡng cho bé nhiều hơn là sức khỏe tinh thần. Đúng là cái gì hữu hình thì dễ dàng phản ánh đến với người lớn hơn nhiều so với những cái vô hình, nhưng hậu quả để lại trên sức khỏe tinh thần thì không dễ gì có thể chữa bớt bằng các lọai thuốc Tây y hiện đại trong thời gian ngắn.
Ngẫm lại câu chuyện ô sin mới đăng trên Tuổi Trẻ cách đây mấy tuần, một cậu bé hiện có cuộc sống khá lầm lì, khép kín vì đã có thời gian dài trước đó sống bên cạnh một người ô sin “khẩu Phật tâm xà”. Một ô sin đóng tròn vai trong cả hai nhân cách, một chị vú nuôi hết lòng vì trẻ thơ trước mặt người chủ nhưng đằng sau đó là một người hoàn toàn khác với những cử chỉ, thái độ mà không người cha, người mẹ nào có thể chấp nhận với con cái của mình. Cái dối trá, giả tạo đó cứ thế lặp lại hết ngày này qua ngày kia và đã để lại những dấu ấn khó phai trong tâm trí của trẻ thơ. Ô sin đáng trách là lẽ đương nhiên nhưng giá như gia đình để ý một chút, quan sát một chút và dành thời gian quan tâm đến con trẻ để kịp thời lắng nghe, thấu hiểu con trẻ thì chuyện đáng tiếc đó chắc chắn đã không xảy ra.
Thế trong môi trường giáo dục thì sao, cô giáo đồng nghiệp của nhỏ bạn tôi dường như không thể hóa thân thành mẹ hiền như lời hát ngày nào của trẻ nhỏ. Cô đã hóa thân thành một con người khác, la, mắng, đánh, chửi, dọa nạt, hù dọa khi bé đi vệ sinh chưa đúng, khi bé phạm lỗi và đặc biệt là trong giờ ăn của bé.
Ăn, ăn, nuốt vào, ăn đi chứ, sao không chịu nuốt, sao lỳ quá vậy… Ôi, cái sự ăn sao mà khổ thế. Mỗi bữa ăn dường như là sự hành hạ cho cả bé và cô. Bé mệt mỏi rã rời, ói mửa lung tung, nhìn bữa ăn ngán ngẩm rồi lại nhìn cô đầy sợ sệt, hoang mang, lo lắng. Cô giáo mình đấy ư, Cô giáo như mẹ hiền, Cô giáo em hiền như cô tiên??? Hình ảnh đó bé chỉ thấy được khi ba mẹ đến đón, khi ban giám hiệu dự giờ và khi có đoàn kiểm tra đến lớp.
Có ai nghĩ hai phạm trù khác nhau hoàn toàn như ngoan-hư, hiền-dữ, thật-giả,… lại có thể nhanh chóng hoán chuyển cho nhau đến vậy. Trẻ nhỏ có khả năng phân biệt và kịp suy nghĩ thích ứng với thay đổi đó không? Chắc chắn là không rồi. Và dường như giải pháp chung mà các bé chọn sẽ là thế giới của riêng bé “mình con với con”. Một cuộc sống khép kín, lầm lì và mặc kệ mọi chuyện. Một đáp án mà không gia đình, xã hội nào mong muốn vì tiềm ẩn trong cái im lặng đáng sợ đó là ngòi nổ không biết sẽ phát hỏa lúc nào.
Mọi người lo lắng khi nhìn thấy nhan nhản trên các phương tiện thông tin đại chúng, thế hệ trẻ hiện đang lựa chọn bạo lực để giải quyết vấn đề. Một cách giải quyết nhanh chóng, gọn lẹ nhưng để lại quá nhiều hậu quả khôn lường. Mọi người đổ lỗi cho xã hội, cho nền giáo dục, cho gia đình và dường như lời giải đáp cho cả vấn đề này vẫn còn bỏ ngỏ. Cuộc sống hiện đại, công việc bận rộn, áp lực công việc… vô vàn lý do để người ta có thể giao khoán và đổ hết trách nhiệm giáo dục cho nhà trường, cho xã hội và cho người giúp việc.
Có người nói phải dạy cho trẻ tính kiềm chế, phải dạy cho trẻ cách bày tỏ suy nghĩ, cảm xúc của mình. Mọi vấn đề đều có thể giải quyết nếu chúng ta hiểu nhau. Vấn đề tưởng chừng đơn giản nhưng lại thật không dễ chút nào vì dạy trẻ như thế nào, dạy ở đâu và dạy từ khi nào khi mà ngay trong chính gia đình, trong chính các cấp học đầu tiên của trẻ mọi việc vẫn đang diễn ra theo cách đối phó?
Theo TTO.