Chuyện học ở Bảy Núi

  • Thread starter Thread starter Butchi
  • Ngày gửi Ngày gửi

Butchi

VPP Sơn Ca
Xu
92
Biết được mặt chữ, con em ham học, rồi tiếp tục học lên cao. Chuyện học trên vùng Bảy Núi (tỉnh An Giang) ngày nay có nhiều thay đổi: ý thức cộng đồng đã được nâng lên, không chỉ đối với người Kinh, mà ngay cả trong các phum, sóc đồng bào dân tộc thiểu số Khmer.

Trường trên đỉnh núi

Các đồng nghiệp ở Trường tiểu học B An Hảo (núi Cấm, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên) gọi Trần Hoàng Anh là thầy giáo “cố cựu” bởi anh dạy học từ năm 1985, lúc trường trên đỉnh núi này còn làm bằng cây lá rất sập xệ.

Năm 2005, 2 phòng học xây dựng tại vồ Rau Tần, đặt trên “đỉnh đồi” nhỏ của núi Cấm, tối ngày sương giăng mù mịt. Điểm học phụ gồm 2 lớp ghép (lớp 1 và lớp 3), không quá 10 học sinh và 5 cháu chưa tới tuổi, do Trần Hoàng Anh phụ trách. Điểm học phụ hình thành bởi con em nhỏ tuổi, không thể leo đèo xuống dốc, đi lại xa xôi đến điểm trường chính.

images410037_1.jpg

Trường lớp vùng Bảy Núi đã phát triển


Rất gian nan, vậy mà đỉnh núi Cấm, có hơn 50 em đã và đang học đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp; rồi không ít em đi làm việc, xuống đồng bằng dạy học. Riêng gia đình anh Hảo, có cậu con trai lớn Trần Hoàng Huy tốt nghiệp Trung cấp Thú y và đứa con gái kế Trần Quỳnh Như cũng vào Đại học Marketing TP.HCM.

Giờ đây, các ngõ ngách ở những vồ, điện trên núi Cấm khai thông. Hàng ngày, đến lớp bằng xe Honda, không còn lội bộ như trước; mỗi lần đi ngang qua Trường mẫu giáo, Tiểu học B An Hảo và Trung học cơ sở Núi Cấm, thầy giáo Trần Hoàng Anh cảm thấy sung sướng, vui mừng.

Học trò cũ của thời trường bằng cột tre, vách lá bây giờ đã trưởng thành, nhưng vẫn luôn nhớ tới người gánh… chữ lên non. Thỉnh thoảng, các em gọi điện hỏi thăm gia đình, chúc mừng sức khỏe thầy giáo cũ.

images410038_2.jpg

Lớp học cấp 2 trên đỉnh núi Cấm

Ấp… đại học

Đó là ấp An Lương (xã Lương Phi, huyện Tri Tôn) ven bờ kinh Tám Ngàn, nhà cửa thưa thớt, sinh hoạt đìu hiu, đi lại nhiều cách trở. Vậy mà, hỏi đến việc học thì người dân ở đây vô cùng hãnh diện, âm thầm lập nên “kỳ tích” rạng rỡ. Năm học vừa rồi, toàn ấp có thêm 7 em thi đậu đại học ở An Giang, Cần Thơ và TP.HCM; được Chi nhánh Ngân hàng Chính sách & Xã hội cho vay vốn theo chế độ đối với học sinh, sinh viên nghèo.

Ông Hứa Hồng Cống, Bí thư Chi bộ, kiêm Trưởng ấp An Lương cho hay: “Nghe giấy báo trúng tuyển, nhà nào có con vào đại học, cả bờ kinh như ngày hội. Ai nấy chuẩn bị đủ thứ, để con lên đường nhập học, trong túi ít nhất từ năm trăm ngàn đến một triệu đồng. Vậy mà, nhiều nhà xoay sở không ra!”.

Ở khu vực bến đá Sà Lôn, tại tổ 1 có ông Cao Mạnh Hùng, được tôn vinh “Gia đình hiếu học”. Nhà không ruộng đất sản xuất, chỉ buôn bán nhỏ, gia đình ông chăm chút nuôi 2 cô con gái và 1 thằng con trai đi học trở thành thầy, cô giáo; xứng đáng tấm gương để cả xóm, ấp An Lương làm theo. Cũng bên bờ kinh Tám Ngàn này, ông Nguyễn Văn Ba, tổ 6, có con Nguyễn Thị Chí Hải tốt nghiệp đại học và được kết nạp vào Đảng đầu tiên huyện Tri Tôn; con gái kế Nguyễn Thị Hải cũng đang học Đại học An Giang…

Người ta nhẩm tính, cả ấp An Lương này có ít nhất 30 sinh viên đã và đang học đại học, nếu cộng chung con số cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp, sẽ lên tới cả trăm người.

images410039_3.JPG

Khen thưởng học sinh Khmer thi đậu đại học

Ngày càng… nhiều nhân tài

Giữa năm 2007, em Neáng Sóc Phâu thi đậu Đại học Cần Thơ, cả nhà Chau Rên và chị Neáng Phách mừng quýnh, lo tính đủ điều để cho đến trường. Vợ chồng Chau Rên thật thà cho biết, gia đình khó khăn quá, may nhờ có xã Cô Tô hướng dẫn lên huyện Tri Tôn xin vay tiền Nhà nước, con của anh chị mới vững bụng lên đường.

Thầy giáo Chau Mo Ni Sóc Kha, Bí thư Đảng ủy Trường THPT Dân tộc nội trú An Giang (đóng trên địa bàn xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn) cho biết, từ năm 2000 đến nay, hơn 400 học sinh thi đậu, đã và đang học đại học. Trong số đó, có nhiều em tốt nghiệp, ra trường đi dạy ở các xã, thị trấn của 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên, kể cả việc trở lại dạy ngôi trường cũ mình đã học. Tỉ lệ giáo viên là đồng bào Khmer tăng lên, nguồn bổ sung vẫn luôn dồi dào; không còn khan hiếm và “thời vụ” như trước đây.

images410040_4.jpg

Trường THPT Dân tộc nội trú An Giang


Từ đó, đồng bào dân tộc thiểu số Khmer tin tưởng hơn công tác đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho sự nghiệp phát triển vùng Bảy Núi (tỉnh An Giang). Theo ông Chau Si Vath, cán bộ Phòng GD-ĐT Tri Tôn, toàn huyện có hơn 300 cán bộ, giáo viên và nhân viên là đồng bào Khmer; riêng giáo viên Khmer chiếm hơn 250 người. Hầu hết, bậc mầm non, tiểu học và trung học cơ sở đều có giáo viên Khmer; nhất là các xã Ô Lâm, An Tức, Lê Trì, Núi Tô, Cô Tô, Châu Lăng và Lương Phi…

Tri Tôn được coi là huyện “nghèo nhất” của tỉnh An Giang, nhưng thông qua các chương trình, dự án phát triển miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số; chuyện học trong từng phum, sóc Khmer có nhiều thay đổi đáng kể. Những tấm gương vượt khó, học giỏi ngày một nhiều, có sức lan tỏa và tác động mạnh trong cộng đồng.

Theo ông Chau Kim Sêng, Phó ban Dân tộc tỉnh An Giang cho biết, từ năm 2005, chuyện học trong các phum, sóc ở các xã, thị trấn của 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên chuyển biến tốt; chứng tỏ suy nghĩ cộng đồng đã được nâng lên một bước, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số Khmer.

Phan Trọng Ân - Báo GD&TĐ
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top