Trang Dimple

New member
Xu
38
Italia là quốc gia nằm ở phía Nam châu Âu, có quốc kỳ ba màu xanh lá – trắng – đỏ đã quen thuộc với rất nhiều người. Quốc gia này là nơi khởi nguồn của nhiều nền văn hóa châu Âu, cũng là nơi bắt đầu cho phong trào Phục hưng – phong trào mang tới nhiều thiên tài xuất chúng như Leonardo da Vinci, Michelangelo, Dante,… cũng như để lại cho nơi đây nhiều công trình kiến trúc tiêu biểu. Ở bài viết này bút nghiên cùng các bạn tìm hiểu về các thời kì lịch sử của Đất nước Italia

1. Italia sơ kỳ

Những cư dân đầu tiên của bán đảo Italia là những di dân châu Á và châu Âu, đến đây từ hơn 30.000 năm trước. Khoảng 4000 năm trước, những bộ lạc Latinh và Italia đã thống trị miền đất này.

Khoảng 700 Tr.CN, có những cư dân thời kỳ đồng thau bắt đầu biết chèo thuyền đi lại xung quanh Địa Trung Hải do ảnh hưởng từ những người Hy Lạp và Phoenicians. (Người Phoenician chỉ chung ngươi ở vương quốc cổ Phoenicia vùng ngày nay là Syria, Lebanon và Israel). Các nhà viết sử gọi họ là những người Etruscans. Trước đây người ta nghĩ rằng những người Etruscans đến từ Tây Á do tin vào sử gia Herodotus nhưng ngày nay người ta biết rằng những người Etruscans là 1 bộ phận của dân cư Italia.

Những người Etruscans học được rất nhiều thứ từ người Hy Lạp và người Phoenicians mà người Latins sống xung quanh Rome còn chưa biết. Những người Etruscans xây các thành phố với tường thành bằng đá. Họ xây các đền thờ lớn bằng đá. Họ đào kênh và mương để dẫn nước vào cánh đồng của họ. Họ đã tổ chức được chính quyền có vua. Sau đó một số cư dân khác ở Italia cũng bắt đầu học làm theo những gì người Etruscans đã làm.

Người Etruscans có một nền văn hóa phát triển cao, họ có ngôn ngữ riêng – mà nay đã biến mất, và ở họ có sự bình đẳng nam nữ, họ cho phép phụ nữ được học hành, được giữ lại tên họ và tài sản riêng. Người Etruscans cũng rất được kính trọng bởi họ là những thày bói đại tài. Người đã cảnh báo cho Julius Caesar về cái chết của ông với những lời “Hãy coi chừng Con cá tháng Ba!” (tức ngày 15 tháng 3) chính là một người Etruscans. Ngoài ra, những chiếc áo choàng không tay bằng len mịn của người Etruscans cũng ảnh hưởng tới văn hóa Italia, nó gợi hứng cho chiếc tô-ga (áo choàng rộng) của người La Mã.

Trong cùng khoảng thời gian, rất nhiều người Hy Lạp cũng đến chiếm nhiều nơi ở Italy làm thuộc địa, chủ yếu ở miền nam, nơi họ tiếp quản phần lớn đất của người Etruscans. Những người Hy Lạp này đã lập nên thành phố Naples nơi trở thành thành 1 cảng quan trọng. Còn người Etruscans thì thống trị miền trung Italia, đặc biệt là vùng đất giữa 2 con sông Arno và Tiber.

Những người Etruscans giao lưu buôn bán rất mạnh với những người Hy Lạp và những người Phenicians. Họ chuyển gỗ xẻ, lông thú và có thể là cả nô lệ sang phía đông và mua về đá quý, hương liệu, gia vị và bình gốm Hy Lạp. Phần lớn các bình gốm Hy Lạp trong các bảo tàng ngày nay là được tìm thấy ở Italy, trong các mộ táng của người Etruscans.

Thành phố Rome nằm giữa Italy, đồng thời là địa điểm tốt để qua con sông Tiber nên là nơi người Etruscans muốn nắm giữ. Trong 1 thời gian, Rome đã nằm dưới quyền của các vua Etruscans. Các vua này cũng cho xây các tường đá vững chắc, các đền thờ bằng đá và kênh đào dẫn nước ở đây.

Từ thế kỷ 4 đến thế kỷ 1 trước Công nguyên, người Roma lớn mạnh và các cuộc chinh phục của họ đã khiến sự thống trị của người Etruscans bị suy yếu và kết thúc hoàn toàn.

Nền cộng hoà ở Rome

Thành Roma cổ đại được xây dựng trên bảy ngọn đồi – Palatine, Capitoline, Caelian, Esquitine, Aventine, Quirinal và Viminal. Khoảng 500 Tr.CN, ngay khi nền dân chủ bắt đầu được thiết lập ở Athens, những quí tộc Roman (những người giàu) đã quyết định rằng họ không muốn ở dưới sự cai trị của các vua Etruscans nữa.

Quyền lực của các vị vua này không ảnh hưởng gì tới dân nghèo nhưng các quý tộc thì muốn có thêm quyền lực cho riêng họ. Nhưng giới quý tộc không thể tự mình mạo hiểm đương đầu với các vua chúa. Họ cần dân nghèo chiến đấu cho họ. Vì vậy quý tộc đã hứa hẹn trao cho dân nghèo nhiều quyền trong chính quyền mới nều họ chống lại các vua chúa. Dân nghèo đã đồng ý và cùng với quý tộc lật đổ các vua Etruscans.

Nhưng sau khi vua chúa đã bị lật đổ thì các quý tộc Roma lại không muốn trao cho đám dân nghèo bất cứ quyền lực gì. Do đó các lãnh đạo của đám dân nghèo rời bỏ thành phố và bãi công. Họ từ chối làm việc trừ phi họ có được 1 số quyền. Các quý tộc Roma đã phải nhượng bộ, để cho dân nghèo (trừ phụ nữ và nô lệ) có quyền bầu cử.

Tuy nhiên dân nghèo ở Roma không có được nhiều quyền như ở Athens. Thay vì được bỏ phiếu cho những vấn đề cụ thể, các công dân Roma phải bầu chọn ra những người đứng đầu, những người sẽ quyết định thay họ, giống như chọn các đại cử tri để bầu ra tổng thống ở Mỹ. Đồng thời chỉ những quý tộc mới được chọn vào Viện nguyên lão (Senate) của Roma.

The Roman Forum hay Imperial Forum: nơi tranh luận về các vấn đề của thành phố. Được xây dựng trong thung lũng giữa các đồi Palatine, Capitoline và Quirinal từ năm 500 trước Công nguyên đến thế kỷ thứ 2 sau Công nguyên.

Nhiều năm sau nữa, dân nghèo Roma vẫn cảm thấy không được đối xử bình đẳng và đấu tranh. Cuối cùng họ buộc được giới quý tộc phải chấp nhận các quan bảo dân (tribune) do họ bầu ra. Các quan bảo dân có quyền tham gia các cuộc họp của Viện nguyên lão và có quyền phủ quyết bất cứ điều gì mà Viện nguyên lão đưa ra bất lợi cho dân nghèo. Dân nghèo cũng buộc giới quý tộc phải ghi ra các luật lệ và đặt ở 1 quảng trường công cộng nơi bất cứ ai cũng có thể đọc. Các luật này được gọi là Bản 12 điều, giống như Bản điều luật Hammurabi của người Babylonian, hiểu như hiến pháp, để nhắc nhở giới quý tộc.

Trong khi đó, dần dần từng ít một, quân đội Roma chinh phục các thành phố xung quanh. Trong các cuộc chinh phục đó, khi chiếm được 1 thành phố, người Roma không lấy tài sản, phá hủy các tòa nhà rồi rút đi mà bắt thành phố đó phải lệ thuộc vào Roma, trở thành 1 phần của Roma. Dân cư trong các thành phố đó thường cũng được quyền bầu cử nhưng phải đóng thuế và đi lính cho Roma. Bởi vậy, càng xâm chiếm được nhiều, Roma càng giàu có và quân đội của Roma càng thêm đông đảo. Và Roma lại càng dễ dàng chinh phục các thành phố khác. Một cách nhanh chóng, Roma đã chiếm được phần lớn miền trung Italia.

Sau đó Roma bắt đầu chinh phục nam Italia. Người Roma có một ý tưởng mới, Roma sẵn sàng giúp đỡ 1 thành phố nào đó trong các cuộc chiến tranh nhưng sau khi giúp đỡ thành phố này đánh bại kẻ thù, Roma để lại binh lính với tuyên bố để bảo vệ an toàn cho thành phố. Bằng cách đó Roma lại chiếm được toàn bộ nam Italia. Đặc biệt thành công là việc 1 số thành phố của người Hy Lạp ở nam Italia yêu cầu được giúp đỡ chống lại Pyrrhus, vua của Epirus (quốc gia cổ ở vùng tây Hy Lạp và nam Albania). Pyrrhus cho rằng ông ta sẽ giống như Alexander Đại đế chinh phục thế giới, đã đem theo nhiều quân và voi từ Ấn Độ nhưng cũng bị Roma đánh bại.

Chinh phục Địa Trung Hải

Khoảng năm 274 trước Công nguyên, Rome đã chiếm toàn bộ bán đảo Italia. Khi đó một thành phố của người Hy Lạp ở Sicilia yêu cầu Rome giúp đỡ trong tranh chấp. Sau 1 thời gian lưỡng lự vì Sicilia ở quá xa, cuối cùng Viện nguyên lão cũng quyết định gửi quân giúp đỡ với ý định chiếm cả Sicilia, mở đầu cho ba cuộc chiến tranh Punic và công cuộc chinh phục Địa Trung Hải kéo dài hơn một thế kỷ.

hannibal-cross-alp.jpg


Hannibal, vị tướng người Carthaginians đã vượt qua dãy Alpes để tấn công Roma

Lúc đó Sicilia chia làm 2 phần, 1 phần là các thành phố của người Hy Lạp, phần kia là các thành phố của người Carthaginians (Những người Bắc Phi cổ, còn gọi là người Punic hay người Carthaginians). Khi người Carthaginians nghe thấy việc quân Roma được cử tới Sicilia, họ đã lo sợ bị chiếm đóng. Vì vậy họ quyết định tấn công trước.

Ban đầu quân Roma thua vì phải đến Sicilly bằng thuyền trong khi họ không giỏi về kỹ năng chèo thuyền. Nhưng người Roma đã học và sao chép nhanh chóng thuyền của người Carthaginians. Và cuối cùng họ đánh bại người Carthaginians trong cuộc chiến tranh thứ nhất. Người Roman chiếm toàn bộ đảo Sicilia, buộc các thành phố ở đây đóng thuế cho Roma và dưới quyền một viên toàn quyền người Roma.

romantrireme.jpg


Chiến thuyền La Mã (những mái chèo do các nô lệ ngồi ở tầng hầm điều khiển)

Lãnh thổ chính của người Carthaginians là Carthage ở châu Phi, quân đội Roma không thể chiếm đóng, nhưng Carthage phải trả cho Roma 1 khoản tiền hàng năm rất lớn.

Chiến tranh Punic lần thứ hai

Những người Carthaginians, dưới quyền chỉ huy của tướng Hasdrubal (cha của Hannibal), vì phải lo khoản tiền trả cho Roma nên muốn chiếm nam Tây Ban Nha, mảnh đất giàu có với những mỏ bạc. Cùng lúc đó, những người Roma đang xâm chiếm miền bắc Tây Ban Nha, nơi có những mỏ vàng. Những người Roma và Carthaginians đã thỏa thuận chia sẻ Tây Ban Nha với nhau. Nhưng năm 219 trước Công nguyên, một thành phố nằm trong vùng chiếm đóng của người Carthaginians yêu cầu Roma giúp đỡ chống lại người Carthaginians. Người Roma gửi quân đến giúp khiến Hannibal, lúc này thay cha lãnh đạo người Carthaginians, quyết định tấn công Roma.

Hannibal sử dụng 1 lực lượng lớn quân đội và nhiều voi, ngựa chiến, vựợt qua dãy Alps vào Italia. Hannibal đã nghĩ rằng khi ông ta vào Italy, tất cả các thành phố sẽ vui mừng giúp đỡ ông ta để được độc lập khỏi Roma. Nhưng một số thành phố thì cho rằng Roma đã đối xử tốt với họ, một số khác quá e sợ Roma, không thành phố nào muốn giúp đỡ Hannibal.

Khi nghe tin Hannibal đến, những người Roma giữ khoảng 1/2 đội quân khổng lồ của họ ở lại Italia để chống lại Hannibal và gửi 1/2 số quân còn lại dưới quyền của Scipio đến nam Tây Ban Nha để chiếm các mỏ bạc.

Chiến tranh kéo dài, Hannibal không thể tiếp cận được Roma do chiến thuật khôn khéo của nguyên soái La Mã là Quintus Fabius (luôn tránh những trận đánh quyết định). Tuy voi chiến của Hannibal bị chết nhiều nhưng ông lại được những người Hy Lạp gửi thuyền đến giúp.

Nhưng sau đó Scipio đã chiếm được Tây Ban Nha và đem quân sang châu Phi tấn công Carthage. Hội đồng lãnh đạo của những người Carthaginian hoảng sợ gọi Hannibal quay về. Trận đại chiến diễn ra ở Zama (Maktar, Tunisia ngày nay), gần Carthage vào năm 202 trước Công nguyên và Hannibal bị thua.

Tuy chiến thắng nhưng người Roma một lần nữa cũng không thể chiếm Carthage. Họ chỉ chiếm toàn bộ Tây Ban Nha và để 1 số binh lính ở Morocco và Algeria, đồng thời buộc người Carthaginians phải đình chiến.

Chiến tranh Punic lần thứ ba

hannibals_route.jpg


Sau cuộc chiến lần thứ 2, Italia đã bị tàn phá. Quân đội của Hannibal đã dày xéo Italia trong suốt hơn 10 năm. Toàn bộ đàn ông đã ra trận và phần lớn bị giết, một phần thì phải ở lại Tây Ban Nha hoặc châu Phi. Những người trở về nhà thì đất đai trang trại đã bị tàn phá, phải bán lại cho quý tộc để đủ tiền đóng thuế. 1 hậu quả khác là chiến tranh cũng làm nhiều dân nghèo các nơi đổ về Roma, không có việc làm và Viện nguyên lão phải cứu tế. Chỉ có giới quý tộc thì được lợi to vì mua được nhiều nô lệ và đất đai.

Những hậu quả đó đưa đến ý tưởng chinh phục Hy Lạp và Tây Á. Hy Lạp đã giúp người Carthginians là lý do chính đáng để quân đội Romans tấn công. Tấn công Hy Lạp sẽ giúp giải quyết đám dân nghèo nhờ xung họ vào lính và đẩy họ ra khỏi Roma. Và nếu Roma thắng, họ sẽ có nhiều tù binh để bán làm nô lệ.

Với quân đội hùng mạnh, người Roma đã thắng mọi nơi họ đến, ở Hy Lạp và tiếp tục tiến về Tây Á.

Trong khi đó, các đồng minh của người Roma ở châu Phi thường xuyên quấy nhiễu Carthage trong khi theo điều ước người Carthaginians không được phép đem quân trả đũa. Người Carthaginians đã yêu cầu Roma giúp giải quyết nhưng Roma từ chối. Cuối cùng, năm 146 trước Công nguyên, dù có ít hy vọng chiến thắng nhưng những người Carthaginian vẫn quyết định đánh lại các đồng minh của Roma. Khi nghe tin này Viện nguyên lão Roma rất tức giận, một thành viên của Viện nguyên lão là Cato ra lệnh phải phá hủy Carthage.

Quân đội Roma hành quân đến Carthage, thiêu hủy thành phố và đuổi dân chúng đi. (Có một câu chuyện về việc người Roma rắc muối lên các cánh đồng để người dân không canh tác được nữa nhưng chuyện này không có thật.)

Cũng trong năm 146 trước Công nguyên, người Roma chiếm xong các thành bang Hy Lạp và phá hủy thành phố giàu có Corinth (miền trung Hy Lạp).


julius-caesar.jpg


Caesar là người đưa ra Dương lịch (Julian) thay cho lịch cũ của Roma, tên ông được đặt cho tháng 7

Đến 146 trước Công nguyên, sau các cuộc chiến tranh Punic và chinh phục Hy Lạp, những người Roma đã là quyền lực duy nhất còn lại trong vùng Địa Trung Hải và họ nắm giữ hầu như tất cả các vùng ven biển

Nhưng La Mã cũng có những trục trặc. Đầu tiên, ngay tại Roma, 2 anh em Cornelius Gracchus và Gaius Gracchus tìm cách lấy lại 1 số đất đai cho dân nghèo. Nhưng các nhà quý tộc giàu có trong Viện nguyên lão không đồng ý. Vào năm 133 và 123 trước Công nguyên, chính những thành viên Viện nguyên lão cùng với những kẻ ủng hộ đã truy đuổi và lần lượt giết chết 2 người này.

Thứ hai, những người châu Phi đã tấn công Carthage nay lại tiếp tục sinh sự. Rất nhiều thương nhân người Roma đang sinh sống tại châu Phi bị tàn sát hàng loạt. Vì vậy khoảng năm 100 trước Công nguyên quân đội Roma lại phải quay lại chiến đấu tại châu Phi. Nhưng lúc này rất khó khăn để có đủ binh lính cho mặt trận châu Phi, tướng Marius đã phải lấy những người nghèo khó thất nghiệp từ Roma và khuyến khích họ bằng chiến lợi phẩm. Nhờ đó Roma đã thắng.

Thứ ba, các thành phố Italia khác cảm thấy rằng Roma đã không đối xử đủ tốt với họ. Họ muốn tăng quyền hạn bầu cử. Vì vậy trong những năm 80 trước Công nguyên, đã có một cuộc chiến tranh với các thành phố Italia, viên tướng của mặt trận này là Sulla. Cuộc chiến tranh này gọi là Cuộc chiến tranh liên minh. Cuộc chiến kéo dài song cuối cùng Roma cũng thắng.

Nhưng rồi Marius và Sulla lại đánh lẫn nhau khi muốn trở thành tướng chỉ huy ở Tây Á. Marius thắng nhưng Sulla đem quân đội hành quân về Roma và đe dọa tấn công Roma nếu Viện nguyên lão không bổ nhiệm ông ta. Sulla thành công và đi Tây Á. Sau đó ông ta trở về với quyền lực lớn và trở thành nhà độc tài, lấn quyền của cả Viện nguyên lão.

Vì vậy sau khi Marius và Sulla chết, Viện nguyên lão Roma đã không còn đủ quyền lực để điều khiển đế chế La Mã nữa. Dân Roma muốn tìm kiếm 1 viên tướng tiếp theo có đủ khả năng nắm quyền. Có 3 kẻ tranh nhau, đó là Pompey – bạn của Sulla, Crassus – 1 kẻ giàu có và Julius Caesar – bạn của Marius. 3 người này thay nhau nắm quyền trong khoảng 10 năm. Trong thời gian này Caesar chiếm xong xứ Gaul (nước Pháp ngày nay). Khi Crassus bị giết trong cuộc chiến với những người Parthians (những người đến Tây Á từ Seberia, vào khoảng 100 trước Công nguyên lập nên nhà nước Parthia ở khoảng Iran ngày nay) ở Tây Á thì Pompey và Caesar đánh nhau, bắt đầu một cuộc nội chiến đẫm máu.

Năm 49 trước Công nguyên, Caesar vượt sông Rubicon (xem bản đồ) và tiến vào Roma còn đối thủ của ông rút về phía đông. Một năm sau, Caesar đại thắng Pompey trong trận Pharsalus. Pompey phải chạy sang Ai Cập và bị những người Ai Cập giết. Khi Caesar tiến vào Ai Cập, ông ta vui mừng vì Pompey đã bị giết nên đã đối xử rất hòa nhã với người Ai Cập, Caesar cũng gặp Cleopatra ở đây và mang Cleopatra về Roma.

Caesar là một thiên tài quân sự, một nhà hùng biện lỗi lạc, nhà thơ và là nhà sử học. Mặc dù là một quý tộc, ông lại ủng hộ chính nghĩa của giới bình dân. Năm 45 trước Công nguyên, Caesar tự tuyên bố là nhà độc tài của Cộng hòa La Mã và là người cai trị của đế quốc rộng lớn này. Caesar tin vào sự bình đẳng (ông cho phép tất cả các cư dân Italia trở thành công dân Roma), nhưng đồng thời cũng tin tưởng rằng nhà độc tài phải có quyền lực tuyệt đối và được phép lựa chọn người kế vị. Tuy nhiên nhiều thành viên Viện Nguyên lão không đồng tình với ông. Ngày 15 tháng 3 (Con cá tháng Ba) năm 44 trước Công nguyên, Julius Caesar bị một nhóm thành viên đâm chết, trong đó có một người tên là Brutus, người mà người ta cho rằng chính là con riêng của Caesar.

Một nhóm quyền lực khác được thành lập gồm Marc Anthony – bạn của Caesar, Lepidus – 1 kẻ rất giàu có và Octavian – cháu họ và là con nuôi của Caesar. Mọi chuyện lại lặp lại. Lepidus bị gạt bỏ. Rồi Anthony cùng người tình Cleopatra gây chiến với Octavian. Nhưng năm 31 trước Công nguyên, Octavian đánh bại Anthony và Cleopatra ở trận Actium, khiến 2 người này phải tự sát. Sau đó Octavian lên ngôi hoàng đế và lấy niên hiệu là Augustus, khởi đầu thời kỳ thịnh trị của Đế chế La Mã.

Nền thái bình La Mã

mapromeempireatheight.jpg


Augustus mở đầu cho “nền thái bình La Mã”

Sau cái chết của Ceasar, một thập kỷ bất ổn liên miên cuối cùng cũng đã kết thúc nhờ người cháu của Ceasar – Octavian Ceasar. Năm 31 trước Công nguyên, ông trở thành vị hoàng đế La Mã đầu tiên, lấy tên hiệu là Augustus (“Tôn kính”). Ông cho xây dựng thư viện, đền đài, nhà hát và đường sá, và ban hành bộ luật chung cho toàn đế quốc. Augustus sống đến năm 13 sau Công nguyên

Sự cai trị của ông bắt đầu một thời kỳ hòa bình và thịnh vượng, được biết đến dưới tên gọi Pax Romana (“Nền thái bình La Mã”), mặc dù sau Augustus ít lâu, người dân Roma đã có nhiều năm kinh hoàng dưới sự cai trị của bạo chúa Nero, người đã đốt cháy cả thành Roma hoa lệ để tìm thi hứng và tạo cớ tàn sát những người theo Thiên chúa giáo. (Chính Nero đã ra lệnh hành quyết thánh Peter và thánh Paul.) Galba, viên toàn quyền xứ Tây Ban Nha đã kéo quân về cùng dân chúng chống lại Nero khiến hoàng đế cuối cùng của dòng họ Caesar phải tự sát.

Đế quốc La Mã đạt đến đỉnh cao vào cuối thế kỷ thứ nhất, khi La Mã vĩ đại và tiếng Latinh thống trị toàn bộ những vùng đất từ biển Caspian đến Đại Tây Dương. Thời thịnh trị này kéo dài từ năm 98 (Hoàng đế Nerva lên ngôi) đến khoảng giữa thế kỷ thứ hai sau Công nguyên (Hoàng đế Marcus).

Thời kỳ trị vì của Marcus không yên ổn. Ngay khi hoàng đế trước là Antonius chết, những người Parthians đã tấn công phần lãnh thổ phía đông của đế chế với hy vọng là Roma có thể sụp đổ sau khi Antonius chết. Marcus đã phải phái quân đội từ phần phía tây của đế quốc đi đánh dẹp, quân Roma thắng trận. Nhưng sau cuộc chiến này, người Roma đã bị nhiễm một bệnh dịch khủng khiếp từ những người Parthians, ngày nay không thể biết chắc là bệnh gì, có thể là đậu mùa. Binh lính từ phía đông trở về đã mang theo bệnh dịch lan tràn khắp đế quốc, rất nhiều người chết vì dịch bệnh. Ở phía bắc, những người German sống trong vùng ngày nay là Đức, Áo và Thụy Sĩ thấy rằng phần lớn lính Roma đã rời đi và đang có bệnh dịch lan tràn. Họ cho rằng đã đến lúc thích hợp để tấn công vào đế quốc. Trong suốt thời gian trị vì còn lại, Marcus phải lo đối phó với các bộ tộc German này. Khi sắp đi đến chiến thắng cuối cùng thì Marcus chết năm 180. Lúc này đế quốc rất suy sụp vì bệnh dịch và dồn sức cho chiến tranh.

Sau đó La Mã trải qua một thời kỳ khó khăn đặc biệt là trong thế kỷ thứ 3 với các cuộc tấn công của người Sassanids từ phía đông và của người Germans từ phía bắc.

Người Sassanids họ là 1 nhóm người Persians, từ khoảng năm 210 đã đánh bại được người Parthians và chiếm quyền kiểm soát vương quốc của người Parthians, họ muốn khôi phục đất đai của đế quốc Persia trước kia bao gồm đến tận Ixrael, Syria, Li băng và Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời cả Ai Cập. Sassanids thường được xếp vào lịch sử của Iran ngày nay. Còn người Germans là những người Ấn Âu, trước kia ở vùng biển Đen và Caspian, từ khoảng năm 2000 trước Công nguyên bắt đầu di cư nhiều đợt vào miền bắc châu Âu như vùng bán đảo Scandinavia (nước Nauy, Thụy Điển và Denmark) và vùng Đức, dần dần là Áo, Thụy Sĩ ngày nay.

Vấn đề của Đế quốc La Mã là các hoàng đế không thể chỉ huy cả 2 bộ phận quân đội cùng 1 lúc, cần thêm 1 viên tướng nữa chỉ huy mặt trận thứ 2, khi đó quân đội ở đâu cũng luôn muốn lập viên tướng của mình làm hoàng đế sẽ dẫn đến xung đột nội bộ và kết quả là 2 nửa quân đội của Rome chủ yếu đánh lẫn nhau hơn là đánh người Sassanids và người Germans. Ngoài ra để phục vụ cho chiến tranh, dân chúng trong đế quốc cũng sẽ phải è cổ ra đóng thuế, các cuộc nổi loạn nhỏ xảy ra khá thường xuyên cũng khiến quân đội phải can thiệp.

Trong giai đoạn này có rất nhiều Hoàng đế vì lần lượt bị giết trong chiến trận hoặc vì binh lính nổi loạn, gần như không có ai cầm quyền được quá 5 năm.

Đến năm 284, Hoàng đế Diocletian, một viên tướng trẻ tuổi và có tài, lên ngôi và đã đánh lui cả người Sassanids và người Germans, dẹp tan tất cả các cuộc nổi loạn. Diocletian cũng giải quyết cuộc xung đột giữa 2 bộ phận quân đội đông và tây bằng cách lập nên 1 hệ thống gồm 2 Hoàng đế cùng lúc, và 2 phụ tá, khi 1 Hoàng đế chết, 1 phụ tá của ông ta sẽ lên thay và chỉ định 1 phụ tá mới, hệ thống này gọi là Bộ tứ (Tetrarchy – quyền lực 4 người).

Hệ thống Bộ tứ hoạt động tốt trong khoảng 20 năm thì bị phá vỡ. Constantine, con trai của Hoàng đế Constantius vừa chết đã được quân đội ủng hộ lên làm Hoàng đế thay vì phụ tá Severus của cựu hoàng đế. Một cuộc nối chiến lớn đã xảy ra vì Severus được sự ủng hộ của vị Hoàng đế còn lại, Maximian. Năm 312, 1 trận chiến lớn giữa Constantine và Maxentius con trai của Maximian đã xảy ra ngay tại Roma, Constantine ở bên ngoài tường thành và Maxentius ở bên trong.

Có một truyền thuyết rằng Constantine đã mơ thấy hình ảnh cây thập tự của Cơ đốc giáo xuất hiện trên bầu trời kèm theo lời sấm truyền “dưới biểu tượng này nhà ngươi sẽ chiến thắng”, và ông ta đã ra lệnh cho binh lý vẽ lên trên áo giáp hình thập tự trước khi bước vào trận chiến và đã giành chiến thắng dù có quân số ít hơn. Vì vậy Constantine đã bị quyền lực của chúa Jesu chinh phục và quyết định trở thành một người Cơ đốc giáo.

Năm 324 Constantine chính thức lên làm Hoàng đế duy nhất. Cùng năm đó ông ta thành lập 1 thành phố mới ở phía đông, thành phố Constantinople (có nghĩa là thành phố của Constantine, nay là thủ đô Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ) để phản ánh sự lớn mạnh của phần phía đông của đế quốc đồng thời là điểm giữa 2 chiến trường phía bắc và phía đông, thuận tiện cho sự cai quản của 1 Hoàng đế duy nhất.

Constantine chết năm 337 và đế quốc lại rơi vào những cuộc nội chiến và chiến tranh chống lại người Sassanids, lúc này đã giải quyết xong nội chiến và quay lại tấn công vào La Mã.

Sự sụp đổ của Roma

iatalia-early-middle-age.gif


Sau khi Constantine chết năm 337, ba người con của ông đánh lẫn nhau cùng với cuộc nổi loạn ở xứ Gaul khiến tình hình đế quốc rất rối ren. Đến năm 350, Constantius mới giết được hai người em kia và lên làm hoàng đế xưng là Constantius II.

Sau đó đế quốc liên tục phải trải qua các cuộc chiến tranh với người Sassanids ở phía đông và người German ở phía bắc, xen lẫn đó là các cuộc chiến tranh giành quyền lực giữa hai lực lượng quân đội đông và tây. Bên cạnh đó là cuộc chiến giành quyền thống trị của các nhánh của Thiên chúa giáo. Sau khi hoàng đế Theodosius chết năm 395, hai con trai của ông là Honorius và Arcadius đã chia nhau cai quản hai phần đông, tây tách thành Đông đế quốc và Tây đế quốc. Nhưng 2 người này lớn lên tại triều đình, không giỏi và không quan tâm đến việc cai trị, hầu như mọi công việc do các cố vấn giải quyết. Giúp đỡ cho Honorius là 1 người Vandal tên là Stilicho, người đã gia nhập quân đội Roman và từ lính leo lên đến cương vị tướng.

Không bao lâu sau những người Germans và người Goths nhận thấy sự yếu kém của các Hoàng đế mới và tấn công mạnh. Các tướng lĩnh La Mã cũng nhận ra sự yếu kém đó và nổi loạn. Đầu tiên Constantine III, 1 viên tướng ở Anh, tự tuyên bố lập mình làm Hoàng đế ở York năm 405. Constantine III đem quân vượt eo biển Anh đổ bộ vào Pháp, thu phục binh lính ở đây rồi tiến về Roma. Khi đó biên giới của đế quốc gần như bỏ ngỏ.

Tháng giêng năm 409, các nhóm người German gồm người Alans, Vandals và Sueves vượt sông Rhine lúc này đang đóng băng và tiến vào Pháp 1 cách dễ dàng. Không còn binh lính Roma ở đây, và đội quân này tha hồ cướp phá, không những vậy họ còn mang theo cả gia đình và ở lại chiếm đóng tại đây. Còn Constantine III trên đường tiến về Roma đã cắt 1 bộ phận đánh chiếm Tây Ban Nha do Gerontius chỉ huy, nhưng chính Gerontius lại tự lập mình làm Hoàng đế. Để có được 1 đội quân đủ mạnh Gerontius thỏa hiệp với người Alans, Vandals và Sueves, cho phép họ vào Tây Ban Nha khi họ hứa giúp ông ta, thế là những người German này ở lại đây. Chính quyền trung ương Roma điều quân chặn đánh và giết chết được cả Constantine III rồi cả Gerontius. Sau đó khi quân đội Roma từ Anh, Pháp, Tây Ban Nha được tập trung về Italia để đối phó với người Visigoths, những nơi này trở thành gần như hoàn toàn thuộc quyền cai quản của những người German mới đến.

Về những người Visigoths, sau chiến thắng năm 378 tại Adrianople, Theodosius đã thỏa hiệp cho phép họ ở lại bên trong đế quốc, nhưng họ không được đối xử tốt, không được phép xây nhà ở tử tế và rất khó kiếm sống. Khi 1 vua mới của người Visigoths là Alaric lên, Alaric muốn gây chiến, ông ta đòi vua La Mã ở phía tây là Honorius phải trả cho họ 1 lượng vàng, khi Honorius không chấp thuận, quân Visigoths tiến về Roma. Dù chính quyền trung ương Roma đã tập trung khá đông quân về Roma nhưng những người Visigoths năm 410 vẫn chiếm được thủ đô, cướp phá và tàn sát. Người La Mã bị tác động rất mạnh, họ cho rằng đó chính là đức chúa trời đã giận dữ. Quân Visigoths sau khi cướp phá Roma thì tiến xuống miền nam Italia, định vượt biển sang châu Phi nhưng Alaric chết và bão to làm họ hoảng sợ, người Visigoth quay lên và chuyển hướng sang miền nam Pháp rồi định cư ở đây.

Trong khi người Burgundians đã chiếm miền đông Pháp, còn người Vandals và Sueves đã ở Tây Ban Nha (người Alans thì gần như bị xóa sổ). Năm 429 người Vandals vượt eo biển Gibraltar tiến sang chiếm châu Phi mà hầu như không gặp sự kháng cự nào đáng kể. Chỉ còn người Sueves ở lại Tây Ban Nha nhưng rồi người Visigoths bắt đầu tràn xuống chiếm dần từng phần của Tây Ban Nha. Những người Picts và 1 số nhóm German khác đến sau bắt đầu xâm chiếm Anh, dân Anh kêu gọi sự giúp đỡ của Roma nhưng lúc này các Hoàng đế La Mã đã hoàn toàn suy yếu. Năm 476 Hoàng đế Roma cuối cùng ở phía tây, Romulus Augustulus bị hạ bệ bởi Odoacer, một người Huns (một tộc người có nguồn gốc châu Á). Tây đế quốc hoàn toàn sụp đổ.

Odoacer lên nắm quyền trên chủ yếu là Italia. Hoàng đế Roma ở phía đông là Zeno nhận được thông báo của Odoacer, dù rất tức giận và muốn chiếm lại Italy nhưng lúc này phần lớn quân đội phía đông và bản thân ông ta đang phải phòng thủ Constantinople trước sự tấn công của người Sassanids. Vì vậy Zeno cho những người Ostrogoths theo Arians (một nhánh của Thiên chúa giáo), dưới sự chỉ huy của vua của họ là Theodoric đi chiếm lại Italia từ tay Odoacer. Đội quân Ostrogoths này nhanh chóng giết được Odoacer và trên thực tế Theodoric trở thành vua Italia dù trên danh nghĩa, ông ta vẫn thuần phục Zeno, là đại diện của Zeno ở Italia.

Theodoric nắm quyền khá lâu và cai trị khá tốt. Ông ta có lúc đã nắm được cả Tây Ban Nha với tư cách nhiếp chính cho vua ở đó còn nhỏ tuổi. Nhưng sau khi Theodoric chết, những người kế thừa lại bất tài và Justinian, Hoàng đế mới ở Đông đế quốc quyết đinh lấy lại Italia. Đầu tiền ông ta cho tướng Belisarius chiếm lại châu Phi từ tay người Vandals, sau đó Belisarius được lệnh mang quân đánh Italia nhưng người Ostrogoths chống trả rất dữ dội. Sau khoảng 20 năm chiến tranh, quân đội Đông đế quốc chiến thắng nhưng Italia bị tàn phá nặng nề.

Năm 568, những người Lombard bắt đầu tấn công Italia, muốn chiếm Italia từ tay quân đội Đông đế quốc, tuy nhiên họ chỉ chiếm được miền bắc rồi bị chặn lại. Những người Lombard làm chủ bắc Italia khoảng 200 năm đến khi bị vua Charlemagne chinh phục và sát nhập vào Đế quốc La Mã Thần thánh (Holy Roman Empire) của Charlemagne vào năm 774. Phần phía nam thì vẫn thuộc quyền kiểm soát của Đông đế quốc nhưng dần dần Giáo hoàng mới, dưới sự bảo trợ của vua Pháp mới thực sự là người nắm quyền. Đến năm 830 thì quân Ả rập chiếm Sicilia và phần nam Italia, Giáo hoàng chỉ giữ được phần miền trung, và Italia bị chia 3. Đông đế quốc mất hẳn kiềm quyển soát Italia và lịch sử nước này bước sang thời Trung cổ.


Nguồn : Nghiên cứu Lịch sử
 
Sửa lần cuối:
2.Thời kỳ đầu Trung cổ

italia-middle-age.png


Năm 568, người Lombards xâm chiếm Italia từ tay Đông đế quốc của người La Mã nhưng bị quân đội La Mã đánh bại. Tuy vậy họ vẫn chiếm cứ miền bắc Italia và định cư ở đây. Người đứng đầu của họ được gọi là duces (thủ lĩnh), chính là nguồn gốc của từ tiếng Anh Duke. Người Lombards cai trị miền bắc Italia khoảng 200 năm trước khi bị xâm chiếm bởi vua Charlemagne người Frankish (người Pháp ngày nay) vào năm 774.

Người Lombards cũng là một nhóm người Germans, họ vượt sông Danuyp vào lãnh thổ đế quốc Tây La Mã trước khi được Narses, một tướng lĩnh Đông La Mã mời vào giúp ông ta trong cuộc tranh giành nội bộ nhằm cai trị Italia sau khi hoàng đế Justinian chết, Narses đã “cõng rắn cắn gà nhà” và người Lombards khi chiếm cứ miền bắc Italia đã phá hủy phần lớn các công trình của người Roma ở đây.

Nhà thờ (đặc biệt là Giám mục Roma, một cách gọi khác của Giáo hoàng) đã đóng một vai trò chính trị rất quan trọng từ thời Hoàng đế Constantine, người đã đưa Thiên chúa giáo lên làm quốc giáo và cố gắng đưa nó vào việc cai trị đế chế.

Trong những sự thay đổi hỗn loạn khi đế quốc sụp đổ, nhà thờ trở thành nơi vững chắc nhất và chỗ duy nhất người ta có thể học hành. Thậm chí những kẻ man rợ phương bắc cũng phải dựa vào các giáo sĩ để tổ chức những cuộc xâm lược của mình. Xa hơn nữa, các dòng tu Thiên chúa giáo, như dòng Benedictines có vai trò cả trong kinh tế và bảo tồn các giá trị văn hóa.

Sau cuộc xâm lược của người Lombard, các giáo hoàng vẫn có danh nghĩa là một người của Đông Đế quốc, nhưng thường nhận được rất ít sự giúp đỡ từ Constantinople (thủ đô Đông đế quốc). Các giáo hoàng đã phải tự xây dựng lực lượng một cách độc lập để bù đắp sự thiếu hụt quyền lực này.

Vào cuối thế kỷ thứ 8, các giáo hoàng đã thực sự thấy được sự cần thiết của độc lập, và họ tìm thấy một cách, đó là liên minh với triều vua Carolingian của người Franks, các vua Carolingians thì cần một sự công nhận cho sự soán ngôi của họ đối với các vua Merovingian cũ. Và kết quả là năm 774, người Franks xâm lược Italia và đánh bại người Lombards, vua của họ là Charlemagne được Giáo hoàng công nhận là vua chính thức của Franks.

Sau đó, vào ngày 25 tháng 12 năm 800, Charlemagne lên ngôi Hoàng đế của Đế quốc La Mã Thần thánh (Holy Roman Empire) với sự ủng hộ của Giáo hoàng. Đế quốc mới, mặc dù không bao giờ được đế quốc Byzantine (hậu duệ của Đông đế quốc) công nhận, ngay lập tức trao quyền kiểm soát miền trung Italia cho Giáo hoàng, tạo nên các vùng đất của Giáo hoàng (Papal States).

Trong thời gian vài thế kỷ này, những vùng ven biển miền nam Italia vẫn do Đông Đế quốc La Mã và triều đại sau của họ là đế quốc Byzantine kiểm soát

Các thành bang tự trị và thời kỳ Phục hưng

renaissance-italia.jpg


Một thế kỷ sau khi Charlemagne tiến vào Italia, bán đảo này chứng kiến các cuộc chiến dai dẳng giữa người Franks và đế quốc Byzantine. Bên cạnh đó, người Saracens cũng tấn công Byzantine ở cả Italia và các miền Tây Á, chiếm được Sicilia và một số vùng ven biển miền nam.

Sau khi Charlemagne mất, con trai ông là Louis thừa kế đế quốc và truyền lại cho ba con trai. Ba người này chia nhau đế quốc thành 3 phần: phía tây (phần lớn nước Pháp ngày nay), phía đông (phần nước Đức ngày nay) và phần ở giữa. Tuy nhiên họ đã sớm tranh giành nhau, người giữ phần ở giữa bị giết và hai người kia đánh nhau trong một thời gian dài đến tận thế hệ con – cháu. Suốt một thế kỷ không ai thành công trong việc thống nhất đế quốc và cái tên Đế quốc La Mã Thần thánh (Holy Roman Empire) bị lãng quên. Lúc này Italia lại thuộc về đế quốc Byzantine (trong triều đại của người Macedonia).

Giữa thế kỷ thứ 10, một vị vua của người German là Otto I (thường gọi là Otto Đại Đế) đã xây dựng được quyền lực một cách khôn ngoan. Ông đặt anh và con trai mình ở những vị trí thích hợp để họ có thể hỗ trợ cho ông. Đồng thời Otto cũng sử dụng nhà thờ để gia tăng quyền lực, năm 962 ông đã khiến Giáo hoàng trao lại danh hiệu Đế quốc La Mã Thần thánh cho mình, thống nhất miền bắc và miền trung Italia với các vùng đất German.

Tuy vậy, từ thế kỷ 11 Đế quốc La Mã Thần thánh ngày càng yếu dần, mối quan hệ giữa các vị vua của đế quốc với Giáo hoàng cũng thường xuyên có xung đột. Khoảng trống quyền lực dần rơi vào tay các chúa đất ở vùng quê và các thương gia ở thành thị. Điều này đã dẫn đến sự hình thành của các thành bang (city-state) độc lập ở miền bắc Italia. Trong khi đó ở miền nam, các cuộc khởi nghĩa của người địa phương cũng làm suy yếu sự cai trị của người Saracens ở Sicilia và các thành phố ven biển. Sau đó những vùng đất này bị người Norman xâm lược khoảng năm 1100 và chiếm giữ trong nhiều năm.

Những thành bang mạnh nhất ở miền bắc là Milano, Genoa, Firenze và Pisa. Các thành bang này hoàn toàn độc lập và cũng thường xuyên gây chiến tranh với nhau, với vùng đất của Giáo hoàng ở miền trung và với các vua Pháp ở phía bắc. Sau đó một thành bang ở bờ biển phía đông bắc Italia là Venezia (Venice) cũng trở nên giàu mạnh nhờ sự hậu thuẫn của đế quốc Byzantine. Mặc dù thường xuyên phải chịu đựng các cuộc tấn công của Đế quốc La Mã Thần thánh nhằm giành lại quyền thống trị, các thành bang này vẫn đứng vững.

Các thành bang có quan hệ buôn bán rất phát đạt với phần còn lại của châu Âu và là đất lành cho các nhà buôn thành đạt và các nghệ nhân tài năng tìm đến sinh sống. Nhiều thành bang do các gia tộc quyền thế cai trị – như dòng họ Visconti (và sau đó là Sforza) ở Milano, dòng họ Scaligeri ở Verona và dòng họ Gonzaga ở Mantua. Firenze do dòng họ Medici, gia tộc các chủ nhà băng, cai quản.

Vào thế kỷ 15–16, những phát hiện khảo cổ cùng với những hiện vật thu được từ các con tàu đắm ở Địa Trung Hải đã khởi nguồn cho sự bùng nổ của một phong trào văn hóa vĩ đại tại Italia, gọi là Phục hưng (có nghĩa là “tái sinh”, bắt đầu từ mong muốn phục hồi lại những giá trị văn hóa rực rỡ thời La Mã). Điểm nổi bật của tư tưởng Phục hưng là ở chỗ nó nhấn mạnh con người làm chủ số phận của mình chứ không phải là những nạn nhân của định mệnh. Là những người say mê nghệ thuật, các dòng họ cai quản những thành bang Italia thời kỳ Phục hưng đã thuê các họa sỹ, điêu khắc gia, kiến trúc sư và thi sỹ về làm việc cho mình. Kết quả là họ có được một tài sản rất phong phú về nghệ thuật, văn hóa và triết học, chúng ảnh hưởng vô cùng to lớn đến tư tưởng và quan niệm của Tây Âu.

Con người lý tưởng của thời Phục hưng có tri thức rộng lớn về nhiều mặt, cả về khoa học cũng như sáng tạo. Leonardo da Vinci là một ví dụ điển hình. Ông là sự kết hợp hoàn hảo giữa một nhà khoa học, một kỹ sư và một nghệ sỹ tài năng. Nhà tư tưởng của thời Phục hưng mang trong mình lý tưởng của Hy Lạp cổ đại về cái đẹp và nghệ thuật phối cảnh, và sống với quan niệm con người là một cá nhân độc lập, có thể định hướng cuộc đời mình một cách duy lý.

Nguồn : Nghiên cứu Lịch sử
 
3.Thời kỳ thống trị của ngoại bang

Khi các thành bang lớn hơn mở rộng diện tích ra vùng xung quanh, thu nạp các thành phố nhỏ hơn, họ đã tham gia vào những mối quan hệ chính trị ngoại giao khá phức tạp. Các cuộc chiến tranh thường xuyên giữa các thành bang đã đem đến Italia những toán quân đánh thuê (gọi là Condottieri) và cuối cùng là sự can thiệp của nước ngoài. Năm 1494, Charles VIII của Pháp xâm chiếm Italia, bắt đầu thời kỳ thống trị của ngoại bang kéo dài đến tận thế kỷ 19.

Đến năm 1550 hầu hết các vùng của Italia phải chịu khuất phục trước Habsburg Charles V, người vừa là vua của Đế chế La Mã Thần thánh vừa là vua Tây Ban Nha. Khi Charles bị thoái vị năm 1555-56, lãnh thổ của Habsburg được chia cho anh của ông là Ferdinand I và con trai ông là Philip II ở Tây Ban Nha. Italia là phần chia thuộc về Tây Ban Nha. Sau cuộc chiến giành quyền thừa kế ở Tây Ban Nha (1701-1714), nước Áo đã thay thế họ trở thành những kẻ cai trị ở miền bắc Italia. Miền trung vẫn thuộc về giáo hoàng và miền nam thuộc về triều đại Bourbon Tây Ban Nha.

Trong thế kỷ 18 một số vùng của Italia giành được độc lập. Năm 1720, công quốc Savoy ở gần biên giới với Pháp (bao gồm Torino và một phần xứ Lombardia) đã sát nhập với đảo Sardinia để lập ra Vương quốc Sardinia. Năm 1735, Vương quốc Hai Sicilia giành được độc lập từ tay dòng họ Bourbon Tây Ban Nha. (Vương quốc này bao gồm đảo Sicilia và miền nam Italia. Sở dĩ có tên gọi Hai Sicilia vì đảo Sicilia tách ra khỏi phần đất liền từ năm 1282 và cũng xưng là Vương quốc Sicilia, vì vậy trong một thời gian dài có đến hai Vương quốc Sicilia. Sau đó hai vương quốc nhập làm một nhưng vẫn được gọi bằng cái tên Hai Sicilia.)

Vào cuối thế kỷ 18, đạo quân của Cộng hòa Pháp do Napoleon Bonaparte chỉ huy bắt đầu xâm lược miền bắc và miền trung Italia. Đến 1799, Napoleon hầu như đã kiểm soát hoàn toàn bán đảo Italia và nắm quyền cai trị. Ông ta cải tổ quân đội Italia, xây dựng cầu cống, trường học, thủ tiêu hệ thống quản lý ruộng đất phong kiến, tịch thu ruộng đất của giáo hoàng, sửa đổi hệ thống pháp luật và khôi phục lại nhiều đường sá ở Italia. Bằng việc hợp pháp hóa những cải cách này và khơi dậy ý thức dân tộc của người Italia, Napoleon đã đem lại cho Italia một nền móng vững chắc cho sự độc lập.

Đến năm 1815 khi Napoleon thua trận Waterloo, Hiệp ước Viene trao lại Italia cho những người chủ cũ: giáo hoàng, vương quốc Sardinia (gồm Piemont, Sardinia, Savoy và Genoa), vương quốc Sicilia (gồm Naples và Sicilia), công quốc Toscana và một số công quốc nhỏ, hai xứ Lombardia và Venetia vẫn nằm trong tay người Áo. Tuy vậy những người Italia đã thực sự chán ghét ách thống trị ngoại bang và mong muốn được xây dựng một nước Italia thống nhất của riêng mình

Nguồn : Nghiên cứu Lịch sử
 
4.Phong trào độc lập và thống nhất Italia

garibaldi.jpg


Garibaldi đã trở thành một người anh hùng của lịch sử Italia

Hiệp ước Viene và những chính sách hà khắc phản động của nhà Klemen nước Áo (với vua là Fürst von Metternich) đã làm tăng thêm sự bất mãn và căm ghét ngoại bang trong dân chúng. Năm 1831, Giuseppe Mazzini, nhà tư tưởng chính trị lỗi lạc người Genoa, đã khởi xướng một phong trào thống nhất gọi là Risorgimento (Hồi sinh).

Những nhà cách mạng và ái quốc đã cùng hưởng ứng và hăng hái hoạt động cho mục đích: thống nhất và độc lập cho Italia. Tổ chức yêu nước bí mật Carbonari đã tổ chức một loạt các cuộc khởi nghĩa trong những năm 1820 nhưng không thành công.

Tiếp đó là nhóm “Thanh niên Italia” (La Giovine Italia) của Mazzini hoạt động trong những năm 1830 và hậu thuẫn cho cuộc khởi nghĩa năm 1848 xảy ra trên tất cả các thành phố lớn của Italia và lan rộng cả châu Âu. Trong cuộc khởi nghĩa này, một loạt thành phố giành được chính quyền và lập nền cộng hòa như Roma (buộc giáo hoàng Pius IX phải bỏ trốn), Milano, Venezia, vua Charles Albert của Sardinia cùng với sự ủng hộ của xứ Toscana phát động cuộc chiến giành xứ Lombardia. Nhưng tất cả đã nhanh chóng bị quân Áo đàn áp. Năm 1849 ở Roma, quân Pháp ủng hộ giáo hoàng đã đánh bại đội quân tình nguyện dưới sự lãnh đạo của thủ lĩnh khởi nghĩa Giuseppe Garibaldi, ông đã phải bỏ trốn sang Nam Mỹ. Chỉ có Sardina là còn giữ được chính phủ cộng hòa của mình.

giuseppe-mazzini.jpg


Giuseppe Mazzini – thủ lĩnh nhóm La Giovane Italia

Mặc dù Charles Albert đã bị thua trong cuộc chiến chống lại quân Áo, những người Piedmon vẫn không từ bỏ hy vọng mở rộng lãnh thổ của mình. Camillo di Cavour, người trở thành thủ tướng năm 1852, cũng vậy. Nhưng ông biết Piedmont không thể tự mình làm điều đó, do đó ông đã áp dụng một chính sách ngoại giao cực kỳ khôn khéo lợi dụng Anh và Pháp để đuổi quân Áo.

Một trong những cố gắng đó là sự tham gia của họ vào Chiến tranh Crimean (Crimean War, giữa Nga và liên minh Anh, Pháp, Ottoman) năm 1855, tuy rằng vấn đề Italia vẫn không được đề cập đến trong Hiệp ước Pari kết thúc chiến tranh nhưng nước Áo đã bị cô lập do họ đã đứng trung lập trong cuộc chiến này.

Vào ngày 14/1/1858, một nhà ái quốc Italia là Felice Orsini đã cố gắng ám sát hoàng đế Napoleon III của Pháp. Từ trong tù người này đã viết một thư thỉnh cầu đến Napoleon III mong muốn vị vua này giúp đỡ nước Ý, Napoleon III, thời trẻ đã từng gia nhập Carbonari, đã bị thuyết phục và mùa hè năm 1858, ông đã đồng ý hội kiến với Cavour ở Plombières. Hai bên thống nhất sẽ tiến hành chiến tranh chống lại Áo, Piedmont sẽ giành được những vùng đất mà Áo đang chiếm đóng ở Italia (Lombardia và Venetia), cũng như các công quốc Parma và Modena, trong khi Pháp sẽ được Piedmont nhượng lại các lãnh thổ bên kia dãy Alpes là Savoy và Nice.

Tháng 3 năm 1859, sau một số hoạt động quân sự khiêu khích của Piedmont, nước Áo gửi tối hậu thư yêu cầu Piedmont phải giải trừ quân bị, Cavour từ chối và Áo tuyên chiến với Piedmont. Theo đúng kế hoạch, Pháp đã can thiệp vào cuộc chiến với danh nghĩa bảo vệ Piedmont khỏi quân Áo.

Vào 4/6/1859 ở Magenta, liên quân Pháp – Sardinia đã chiến thắng quân Áo, buộc đối phương phải rút khỏi phần lớn Lombardia và để liên quân tiến vào Milan.Vào 24/6, trận chiến thứ hai đẫm máu diễn ra ở Solferino, quân Pháp tiếp tục thắng lợi và đẩy quân Áo đến biên giới của Venetia.

Cảm thấy cần phải mất một chiến dịch dài và nhiều tổn thất mới chiếm được Venetia, và lo sợ cho tình hình nước nhà, hoàng đế Pháp đã tìm kiếm một cách để thoát khỏi cuộc chiến. Ngày 11/7, ông ta gặp riêng Franz Joseph ở Villafranca giấu không cho các đồng minh Piedmont biết. Một hiệp định đình chiến sơ bộ đã được quyết định, trong đó người Áo vẫn được giữ lại Venetia, còn Lombardia thì thuộc về Pháp (và sẽ chuyển giao cho Piedmont).

Những người Sardinia rất tức giận vì bị đồng minh phản bội, Cavour yêu cầu phải tiếp tục cuộc chiến và từ chức khi vua Victor Emmanuel quyết định chấp nhận quyết định của Pháp (nhưng ông quay lại nhậm chức vào tháng 1/1860). Tuy nhiên trong thời gian gián đoạn trước khi thỏa thuận ở Villafranca được chính thức hóa ở Zurich vào tháng 11, quân đội Piedmont đã chiếm lĩnh những thành bang nhỏ và một vùng đất của giáo hoàng, Papal Legations (bao gồm Ferrara, Bologna và Romagna). Tháng 12, Toscana, Parma, Modena và Papal Legations hợp nhất thành Các tỉnh Thống nhất Trung Italia (United Provinces of Central Italy). Tháng 3/1860, các tỉnh này sát nhập vào vương quốc Piedmont – Sardinia. Để đổi lấy sự chấp thuận của vua Pháp về việc này, Cavour đã phải nhượng lại Savoy và Nice cho Pháp. Như vậy, phần lớn miền bắc và miền trung Italia đã thống nhất.

italy1860.gif


Như vậy cho đến mùa xuân năm 1860, ở Italia chỉ còn bốn vùng lãnh thổ, người Áo ở Venetia, vùng đất của giáo hoàng, Vương quốc Piedmont-Sardinia mới mở rộng và Vương quốc Hai Sicilia. Tất nhiên là Cavour vẫn tiếp tục hướng tới việc thống nhất toàn bộ các lãnh thổ vào Piedmont.

Vua Francis II được thừa hưởng từ cha mình là Ferdinan II một đội quân 150 nghìn người được tổ chức tốt, nhưng sự bạo ngược của cha ông đã làm nảy sinh rất nhiều tổ chức bí mật của dân chúng, đồng thời những lính đánh thuê người Thụy Sĩ đột ngột bị gọi về nước họ, để lại cho Francis những quân địa phương không mấy tin tưởng. Đó là thời cơ tốt cho phong trào thống nhất. Tháng 4/1860 hai cuộc khởi nghĩa nổ ra ở Messina và Palermo (trên đảo Sicilia), tuy nhiên quân lính đã đàn áp nhanh chóng. Emmanuel vẫn là một vị vua được trọng vọng trong giới quý tộc Italia

Trong khi đó, Garibaldi rất phẫn uất vì thành phố quê hương Nice của mình rơi vào tay người Pháp đã chuẩn bị sử dụng những người đi theo ông để giành lại vùng đất này. Cavour, muốn tránh một cuộc chiến tranh với người Pháp, đã thuyết phục Garibaldi đưa lực lượng của ông đến Sicilia. Vào 6/5/1860, Garibaldi và đội quân gồm một nghìn người tình nguyện Italia (được gọi là “I Mille” – “Một nghìn”), khởi hành từ Quarto gần Genoa, sau khi dừng chân ở Talamone đã đổ bộ lên bờ biển phía tây Sicilia gần Marsala ngày 11 tháng 5.

Garibaldi chiêu mộ thêm những đội quân nhỏ nằm rải rác gần Salemi và cùng nhau đánh bại quân của Francis tại Calatafimi vào ngày 13. Chỉ trong ba ngày, đội quân của ông đã tăng lên 4 ngàn người. Sau một loạt trận đánh ác liệt, Garibaldi đã tiến đến thủ đô Palermo của Sicilia, ngày 27/5, ông vây hãm Porta Termina ở Palermo, trong khi quần chúng nổi dậy lập chiến lũy chiến đấu trên đường phố.

Một tướng lĩnh Neapolitan là Lanza đã đem 25 nghìn quân tới Sicilia và điên cuồng ném bom Palermo khiến thành phố này gần như bị phá hủy. Sau đó với sự can thiệp của một đô đốc hải quân Anh, một thỏa thuận đình chiến được lập, theo đó quân Neapolitan rút lui và để lại thành phố cho đội quân nhỏ bé hơn của Garibaldi.

Thành công vang dội này khiến danh tiếng của Garibaldi lan rộng như một anh hùng dân tộc còn nghi ngờ và mất tinh thần bao trùm lên triều đình Neapolitan, vua Francis vội vàng triệu tập các bộ trưởng và đề nghị khôi phục hiến pháp, tuy nhiên những cố gắng này là quá muộn để lấy lại niềm tin của dân chúng vào triều đại Bourbon này.

Sáu tuần sau khi Palermo đầu hàng, Garibaldi tấn công Messina, chỉ trong một tuần thành lũy cuối cùng này cũng đầu hàng, Garibaldi đã chiếm trọn Sicilia. Ông tiếp tục hướng tới vùng đất liền, vượt qua eo biển Messina bằng hạm đội thu được của quân đội Neapolitan. Binh lính đóng ở Calabria ngay lập tức đầu hàng. Khi hành quân lên phía bắc, dân chúng ở mọi nơi đều hoan nghênh ông và quân đội kháng cự rất yếu ớt. Đến cuối tháng 8, Garibaldi đã tới Cosenza và 5/9 ở Eboli, gần Salerno. Napoli ở vào thế bị vây hãm, 6/9 vua Francis tập hợp 4000 quân lính trung thành và rút lui về bên kia sông Volturno. Ngày hôm sau Garibaldi và đồng đội tiến vào Napoli đang mở rộng thành chào đón…

Miền nam và một phần miền trung tiếp tục được sát nhập vào Sardinia, chỉ còn Roma và Venetia là còn nằm trong tay Giáo hoàng và người Áo. Vào ngày 18/2/1861, Victor Emmanuel II tập hợp tất cả các nghị sĩ của các bang và lên ngôi ở Torino với danh hiệu “Vua của Italia”.

Cuộc chiến tranh Áo – Phổ năm 1866 đem đến cho Italia một cơ hội lớn để giành lại vùng Venetia, Italia đã liên minh với Phổ và tuyên bố chiến tranh với Áo, mặc dù thua nhiều hơn thắng nhưng nhờ những thắng lợi của quân Phổ ở mặt trận phía bắc, phe Phổ – Italia đã buộc Áo phải từ bỏ Venetia khi ký hiệp định kết thúc chiến tranh. Ngày 19/10/1866, Venetia chính thức thuộc về Italia. Toàn bộ bán đảo đã thống nhất chỉ còn Roma là vẫn nằm trong tay Giáo hoàng nhờ sự bảo vệ của quân Pháp (và chính sách không đối đầu trực tiếp với Pháp của Victor Emmanuel).

Mãi đến năm 1870, khi chiến tranh Pháp – Phổ bùng nổ, hoàng đế Napoleon III của Pháp đã phải rút hết quân từ Roma về nước để chống quân Phổ. Ngay sau đó chính phủ Italia đã tận dụng thời cơ tuyên bố chiến tranh với các bang của giáo hoàng. Ngày 20 tháng 9, quân đội Italia đã tiến vào Roma sau 3 giờ nã đại bác. Hai tỉnh Roma và Latium được sát nhập vào Vương quốc Italia, Giáo hoàng chỉ còn được giữ một phần đất nhỏ Vatican nằm gọn trong Roma. Sau đó, thủ đô của Italia được chuyển đến Roma vào tháng 7 năm 1871. Hai vùng Trieste và Trento là hai lãnh thổ cuối cùng được sát nhập vào Italia sau khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ nhất.

Nguồn : Nghiên cứu Lịch sử
 
5.Italy thời hậu thống nhất và phát xit

mussolini.jpg


Mussolini – người biến Italia thành một nước phát xít

Sau khi thống nhất, Italia vẫn còn rất rối ren. Mặc dù các vùng khác nhau giờ đây đã chịu sự cai quản của chính quyền trung ương, nhưng họ vẫn có ngôn ngữ và tập quán riêng. Roma trở thành thủ đô của đất nước.

Trong vòng 35 năm thống nhất đầu tiên, Italia trải qua 33 chính phủ cầm quyền. Nhiều người dân Italia mù chữ và rất nghèo khổ. Từ năm 1860 đến năm 1920, hàng triệu người Italia đã rời bỏ đất nước đi tìm cuộc sống tốt đẹp hơn ở nơi khác. Khi Thế chiến thứ Nhất bùng nổ, Italia thoạt đầu giữ địa vị trung lập, nhưng sau đó đã gia nhập phe Anh – Pháp, kết quả là 600 ngàn người đã bỏ mạng trong chiến tranh.

Sau Thế chiến thứ Nhất, Italia trải qua một thời kỳ bất ổn xã hội. Để tìm một người đủ sức vực dậy tinh thần dân tộc, đem lại sức sống mới cho nền kinh tế, ổn định tình hình chính trị và ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản, người Italia đã quay sang ủng hộ Benito Mussolini – con trai một người thợ rèn theo chủ nghĩa xã hội – một giáo viên trung học, một nhà hùng biện có sức thuyết phục và là một chính trị gia nhiều tham vọng và có sức mê hoặc dân chúng.

Năm 1921, Mussolini thành lập Đảng Phát xít và giành được 35 ghế trong quốc hội. Ông ta còn được dân chúng ưa thích hơn nữa với những hứa hẹn không tăng thuế và kìm hãm lạm phát, kiểm soát các công đoàn và ngăn chặn bãi công, duy trì luật pháp và trật tự. Năm 1922, Vua Victor Emmanuel Đệ tam chỉ định Mussolini là thủ tướng. Năm 1925, “Il Duce” (Lãnh tụ), như cách ông ta tự xưng, trở thành nhà độc tài của Italia và bãi bỏ nền dân chủ. Ông ta đặt ra ngoài vòng pháp luật tất cả các đảng phái chính trị khác ngoài Đảng Phát xít, kiểm duyệt báo chí, bức hại các đối thủ, giải tán các nghiệp đoàn và lập ra lực lượng cảnh sát mật để đối phó với những người chống đối.

Với mưu toan làm sống lại kỷ nguyên vĩ đại của đế chế La Mã, Mussolini xâm chiếm Ethiopia vào năm 1936. Sự phản đối của Liên hiệp quốc đã đẩy Mussolini tiến gần hơn đến một liên mình với Adolf Hitler ở Đức. Năm 1940, Mussolini tuyên chiến với Anh và Pháp, nhưng quân đội của ông ta luôn bị đánh bại trong các trận giao phong tại Pháp, Phi châu, Hy Lạp và Albania trong Thế chiến thứ hai.

Nhận ra rằng dân chúng chống lại sự liên minh của Italia với nước Đức quốc xã, nhà vua cách chức Mussolini và ký hiệp định đình chiến với Đồng minh vào năm 1943. Mặc dù bực bội với những thất bại của quân đội Mussolini, quân Đức vẫn tràn vào miền bắc Italia và khôi phục địa vị cho ông ta. Năm 1944, người Italia tự tập hợp lại chống quân Đức. Đầu năm 1945, sau khi quân Đức thất thế ở châu Âu, các du kích Italia đã treo cổ Mussolini và người tình của ông ta.

Nền cộng hòa Italia

Năm 1946, người dân Italia đã biểu quyết cho chính thể cộng hòa của Italia, và vị vua cuối cùng – Umberto Đệ nhị – đã thoái vị sau 34 ngày lên ngôi.

Với việc phụ nữ lần đầu tiên được đi bầu, người dân Italia đã dành 35% số ghế trong Quốc hội mới cho Đảng Dân chủ Thiên chua giáo, 20% cho Đảng Xã hội và 19% cho Đảng Cộng sản, những ghế còn lại dành cho các đảng nhỏ khác. Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo chi phối sân khấu chính trị của Italia cho đến tận thập niên 70.

Năm 1947, Italia từ bỏ quyền kiểm soát Ethiopia. Hiến pháp mới có hiệu lực vào năm 1948 khôi phục lại mọi quyền tự do mà Mussolini đã hủy bỏ, và thành lập hệ thống chính quyền nghị viện. Trong những năm 50, kinh tế Italia đã hồi phục trở lại, một phần nhờ vào trợ giúp tài chính của chính quyền Mỹ thông qua Kế hoạch Marshall. Năm 1957, Italia trở thành thành viên của Cộng đồng Kinh tế châu Âu và bắt đầu một thời kỳ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng.

Tuy nhiên, trong giai đoạn 1974 – 1982, các nhóm khủng bố cố gây ra sự thay đổi xã hội bằng việc giết hại hàng trăm người – các chính trị gia, nhà báo, cảnh sát và người vô tội. Một trong số những nạn nhân của chúng là thủ tướng của Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo Aldo Moro, bị bắt cóc và giết hại năm 1978. Nhiều tên khủng bố đã bị tống giam.

Từ năm 1983 đến 1986, Bettino Craxi, thủ tướng đầu tiên thuộc Đảng Xã hội, đã lãnh đạo chính phủ trong một giai đoạn liên tục dài nhất kể từ sau Thế chiến mà không bị cắt ngang. Năm 1992, cả nước Italia rung chuyển bởi một vụ hối lộ dính líu tới các chính trị gia của hầu hết các đảng. Chính phủ liên hiệp của thủ tướng Giulio Andreotti từ chức, một chính phủ tạm quyền của những người không đảng phái được thành lập để lãnh đạo đất nước cho đến cuộc tổng tuyển cử.

Tháng tư năm 1994, liên minh các đảng cánh hữu được gọi là Forza Italia (Italia tiến lên) giành thắng lợi trong cuộc bầu cử và Silvio Belusconi nhậm chức thủ tướng.
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top