Nước ta nằm trong vùng nhiệt đới ẩm và có lượng mưa tương đối lớn (từ 1.800 mm - 2.000 mm) nhưng lại phân bố không đều và tập trung chủ yếu trong các tháng của mùa mưa từ tháng 4 - 5 đến tháng 10; riêng vùng duyên hải miền Trung thì lượng mưa bắt đầu và kết thúc muộn hơn từ 2 đến 3 tháng. Lượng mưa lớn và lại tập trung tạo ra dòng chảy có cường độ rất lớn, đây là nguyên nhân chính gây nên hiện tượng xói mòn đất đai ở Việt Nam. Hằng năm, nước của các con sông mang phù sa đổ vào biển Ðông khoảng 200 triệu tấn, người ta ước tính trung bình 1m3 nước chứa từ 50g - 400g phù sa, riêng đồng bằng sông Hồng 1.000g/m3 và có khi đạt đến 2.000g/m3.
Nguyên nhân chính dẫn đến sự xói mòn là do sự khai phá rừng để lấy gỗ và lấy đất canh tác. Từ năm 1983 đến 1994 trên cả nước ta có khoảng 1,3 triệu hecta rừng đã bị khai phá để lấy gỗ và lấy đất trồng trọt, gây nên sự xói mòn và rửa trôi lớp đất mặt làm cho đất ở các nơi này càng ngày càng trở nên bạc màu. Chỉ tính riêng cho các vùng phía Bắc sông Hồng và dọc theo dãy Trường Sơn thì đã có khoảng 700.000 ha đất bị bạc màu.
Sự xói mòn do gió mặc dù xảy ra ít nghiêm trọng hơn nhưng cũng là vấn đề đáng quan tâm ở các vùng duyên hải, vùng trung du và vùng núi. Ðể làm giảm bớt sự xói mòn, nhiều biện pháp đã được thực hiện như trồng cây chắn gió, khôi phục lại rừng ở đầu nguồn và trồng cây gây rừng phủ các đồi trọc ...