Chuẩn hóa tiếng Việt trong phạm vi giao tiếp chính thức

ButNghien

Học tập suốt đời!
Thành viên BQT
Xu
46
CHUẨN HOÁ TIẾNG VIỆT TRONG PHẠM VI GIAO TIẾP CHÍNH THỨC



Để định hướng cho thanh niên phải viết blog thế này, chát thế kia là rất khó, thậm chí có thể nói là muốn cũng không được. Vì vậy, điều cần thiết hiện nay là làm sao chuẩn mực hóa tiếng Việt dùng trong phạm vi giao tiếp chính thức.
Khó định hướng “viết blog thế này, chat thế kia”

Đã có không ít người nhận xét rằng, tiếng Việt hiện nay bị ô nhiễm. Rất có thể người ta đã nhìn thấy một số hiện tượng xô bồ ngoài đường phố, chẳng hạn như một bộ phận lớp trẻ giao tiếp, nói năng với nhau. Gần đây, ngôn ngữ chat, ngôn ngữ blog trên mạng internet đã khiến nhiều người quan tâm đến tiếng Việt cảm thấy bức xúc.

Tuy nhiên, tất cả những hiện tượng trên đều diễn ra ở phạm vi giao tiếp không chính thức nên rất khó để can thiệp bằng luật. Mặt khác, chúng ta cũng không nên lên án những hiện tượng đó. Quả thực, để định hướng cho thanh niên phải viết blog thế này, chát thế kia là rất khó, thậm chí có thể nói là muốn cũng không được. Vì vậy, điều cần thiết hiện nay là làm sao chuẩn mực hóa tiếng Việt dùng trong phạm vi giao tiếp chính thức, trước hết là trong nhà trường, trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong các văn bản hành chính...
Khi tiếng Việt trong phạm vi giao tiếp chính thức được tôn trọng, được giữ gìn sự trong sáng thì người dân sẽ có ý thức hơn khi sử dụng ngôn ngữ trong phạm vi giao tiếp không chính thức. Vấn đề là chúng ta phải nâng cao được ý thức về việc sử dụng tiếng mẹ đẻ, thông qua sự tăng cường giáo dục trong nhà trường để mỗi người có ý thức điều chỉnh hành vi là tốt nhất.



Nhìn chung, tiếng Việt vẫn tốt, vẫn có thể diễn đạt được cả những điều tinh tế nhất hay những khái niệm trừu tượng nhất. Còn trong khoa học, người ta có thể vay mượn từ ngữ của ngôn ngữ này hay ngôn ngữ kia, điều đó cũng là bình thường. Thí dụ, tiếng Pháp vay mượn tiếng Anh nhưng tiếng Anh cũng vay mượn lại tiếng Pháp. Có những từ ngữ xuất phát từ dân tộc chủ thể sáng tạo ra vật thể nào đấy, khi ta chưa tìm ra được tên nào thích hợp để đặt cho nó thì buộc lòng chúng ta phải vay mượn. Nếu vay mượn mà làm cho cách diễn đạt nội dung chính xác hơn, hay hơn, làm cho ngôn ngữ dân tộc trong sáng, phát triển thì chúng ta vẫn phải vay mượn.

Nhiều “sạn” trong văn bản cấp địa phương

Ở phạm vi giao tiếp chính thức, nhìn chung không có những hạt sạn lớn lắm. Tuy nhiên, đây đó, chúng ta vẫn bắt gặp những hiện tượng lai căng, xô bồ khó chấp nhận. Ví dụ, trên các phương tiện thông tin đại chúng hiện nay, người ta không khó bắt gặp cách sử dụng từ ngữ một cách tùy tiện, không chính xác của các nhà báo, người dẫn chương trình. Chẳng hạn, nhiều nhà báo viết “cú lừa ngoạn mục” để chỉ những hành vì ăn cắp, lừa đảo tinh vi (!) Những người này nhiều khi không hiểu rằng, họ đang nhân danh cơ quan nhà nước để phát ngôn với đồng bào, quần chúng và không được phép “tự nhiên chủ nghĩa” như khi giao tiếp trong cuộc sống hàng ngày.

Hay như các văn bản hành chính, nếu như của cấp trung ương thì hầu như không có vấn đề gì nặng nề hay nghiêm trọng lắm. Song ở cấp địa phương thì còn rất nhiều “sạn”. Điển hình nhất là người ta hay đặt câu “cụt”, câu “què”, sử dụng từ ngữ thiếu chính xác, hoặc dùng sai thể thức văn bản, sai phong cách, viết như… nói!

Vì thế, việc ban hành Luật Ngôn ngữ đối với một quốc gia đang phát triển như chúng ta là hết sức cần thiết. Nhiều quốc gia trên thế giới và trong khu vực đã có luật này. Hiện, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam đã giao cho Viện Ngôn ngữ học thực hiện chương trình khoa học cấp Bộ Những vấn đề cơ bản về chính sách ngôn ngữ của Việt Nam từ nay đến năm 2020. Chúng tôi đang triển khai và mục tiêu cuối cùng là đi đến việc xây dựng Luật Ngôn ngữ - điều mà chắc sẽ nhận được sự đồng thuận của các tầng lớp trong xã hội. Tôi tin, đây cũng là nguyện vọng của rất nhiều người, nhất là giới trí thức, những người cầm bút.

Tất nhiên, từ khi khởi thảo đến lúc ban hành Luật ngôn ngữ phải có thời gian. Về phía Viện Ngôn ngữ học, chúng tôi đang tích cực chuẩn bị những dữ liệu cần thiết để trình các cơ quan cấp trên. Viện sẽ cùng các cơ quan hữu quan cố gắng hết sức mình để trong vòng 5 năm tới sẽ có được bản Dự thảo Luật ngôn ngữ.

Luật Ngôn ngữ ra đời sẽ điều chỉnh phạm vi giao tiếp có tổ chức (hay còn gọi là chính thức). Qua phạm vi này mà Luật ngôn ngữ sẽ tác động đến phạm vi giao tiếp không chính thức. Nếu không có luật, những người cầm bút, những nhà quản lý và hoạt động trong lĩnh vực thông tin đại chúng sẽ vẫn chưa ý thức được hết việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.



baodatviet.vn - PGS.TS Nguyễn Đức Tồn (Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học)
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top