Chủ đề - Mô tip - Huyền thoại

missyouloveyou

New member
Xu
44
Trong lý luận văn học, những thuật ngữ ta thường gặp trong văn học nghệ thuật: chủ đề, huyền thoại, ý niệm, ý tưởng, điển hình, diện mạo, thường được dùng lẫn lộn, “lấn sân” nhau.



Chủ đề - Mô tip - Huyền thoại


Lưu Văn Bổng

Trong lý luận văn học, chủ đề được hiểu là vấn đề chủ yếu, trung tâm mà nhà văn đặt ra trong tác phẩm. Những thuật ngữ ta thường gặp trong văn học nghệ thuật: chủ đề, huyền thoại, ý niệm, ý tưởng, điển hình, diện mạo... thường được dùng lẫn lộn, “lấn sân” nhau. Người ta thường đối lập những mẫu cổ truyền thuyết, lịch sử với các chủ đề hoặc đề tài chung chung. Chuyện Sơn Tinh, Thủy Tinh nước cao thì núi càng cao là chủ đề con người chinh phục thiên nhiên. Tấm Cám, Thạch Sanh là chủ đề yêu ghét. Có những chủ đề trừu tượng, vĩ mô, những hợp đồng xã hội mơ mộng, những rừng, những biển, những nông thôn thanh bình, những đô thị đầy qủy dữ... Lại có những chủ đề rất cụ thể, đời thường. Cũng có người hay lẫn lộn chủ đề và đề tài. Chủ đề là cốt lõi của tác phẩm văn học. Nếu tác phẩm viết về cái gì, thì đấy là đề tài. Còn để trả lời cho câu hỏi vấn đề cơ bản của tác phẩm là gì, thì đó thuộc về chủ đề. Chủ đề và tư tưởng là hạt cơ bản của nội dung tác phẩm. Chủ đề bao giờ cũng hình thành và được biểu hiện trên cơ sở đề tài. Chủ đề nói lên chiều sâu tư tưởng, những cảm nhận thực tiễn cuộc sống của nhà văn. Do đó, từ một chủ đề cụ thể nhà văn có thể làm nổi bật lên những chủ đề mang tính khái quát sâu sắc. Nếu dung lượng cuộc sống quá to lớn, quá phức tạp, nhiều sự kiện, nhiều tuyến nhân vật, nhà văn có thể có một chủ đề chính và nhiều chủ đề phụ minh chứng cho chủ đề chính. Vấn đề nêu lên càng căn bản, có ý nghĩa phổ biến, thì tác phẩm càng lớn. Dĩ nhiên điều ấy còn tùy thuộc ở tư tưởng chủ đề và nghệ thuật biểu hiện của nhà văn.

Cũng do chủ đề và tư tưởng có quan hệ mật thiết như thế, cho nên có khi chủ đề được hiểu là tư tưởng chủ đạo của tác phẩm. Và hiện nay, chủ đề còn được xem là “trường thực tiễn” mà nhà văn quan tâm, là “hằng số tâm lý... gắn kết với thế giới quan của nhà văn”. Sự đối lập mô tip với chủ đề khiến cho chủ đề bớt rộng lớn, đại cương. Đó là quá trình đặc thù hóa, tinh lọc hóa một số mô tip cơ bản, nguyên khối của chủ đề văn học. Mô tip được giới hạn và định nghĩa nhờ một số hình tượng tiêu biểu. Mô tip anh chàng hà tiện và chủ nghĩa Harpagon là một thí dụ cổ điển về mối quan hệ giữa mô tip và chủ đề.


Chủ đề khi đồng nghĩa với ngụ ngôn sẽ đối lập với huyền thoại. Huyền thoại mang tính biểu tượng, nêu gương đối với một cộng đồng nào đấy, được chủ đề gợi lên một mô hình nghi lễ và lẽ sinh tồn. Hình tượng Prômêtê, vị ân nhân vĩ đại của loài người, người anh hùng văn hóa, mà lý tưởng và phẩm chất tượng trưng cho tự do và công lý, bất khuất và đấu tranh, văn minh và cách mạng, “là vị thánh đầu tiên, người tuẫn tiết đầu tiên trong lịch sử triết học”, như K. Mác đã nhận xét. Câu chuyện Prômêtê là huyền thoại trong thi ca cổ đại, khi nó vẫn giữ một tầm vóc tôn giáo. Nhưng nó được xem là ngụ ngôn, khi chỉ là một chuyện kể bình thường, không mang tính thiêng liêng nữa. Chuyện Ông Dóng trong văn học dân gian ta là một huyền thoại, khi nó mang tầm vóc tôn giáo linh thiêng. Nhưng nó được xem là ngụ ngôn, khi chỉ là một chuyện kể bình thường, không mang tính thiêng liêng nữa. Chuyện Ông Dóng trong văn học dân gian ta là một huyền thoại, khi nó mang tầm vóc tôn giáo linh thiêng. Nhưng nó được xem là ngụ ngôn (“sức mạnh Phù Đổng”), khi nó chỉ là câu chuyện bình thường, không mang tính thiêng liêng nữa.


Vào thế kỷ XVII-XVIII, kỷ nguyên Ánh sáng, thuật ngữ huyền thoại thường gợi lên nghĩa xấu, nó là giả tưởng, giả dối về mặt lịch sử và về mặt khoa học. Nhưng cùng với thời gian, qua các nhà lãng mạn Đức, huyền thoại cứ ngày một vươn lên, tự “cải chính” dần và nó đã được quan niệm là một loại chân lý hoặc tương đương chân lý, là bổ sung cho khoa học, cho lịch sử, chứ không phải đối lập.


Về mặt lịch sử, quả thực huyền thoại gắn liền với nghi thức tế lễ, đó là “phần phát ngôn của nghi lễ, là câu chuyện của trình diễn nghi lễ”, được cử hành cho cộng đồng, với mục đích ngăn ngừa, đẩy lùi tai họa hoặc nguyện cầu các đấng thần linh trong những ngày lễ trọng đối với cộng đồng hay đối với con người, như khi con người sinh nở, lễ trưởng thành cho thanh niên, lễ tang, những ngày thu hoạch mùa màng...


Về mặt khoa học, thuật ngữ huyền thoại đã được trao đổi qua nhiều cuộc hội thảo. Một số chuyên gia không muốn dùng thuật ngữ huyền thoại văn học, mà thích dùng thuật ngữ chủ đề, như R. Trousson chẳng hạn, và cho rằng việc sử dụng thuật ngữ ấy chỉ nên dành cho các chuyên gia về tôn giáo. Có nhà khoa học gọi huyền thoại là truyền thuyết, như P. Van Tieghem. Còn Yves Cheverel tán thưởng cách hiểu huyền thoại trong văn học là một tập hợp nhiều thành phần gắn bó nhau, có ý nghĩa về quá trình sống còn của con người. Nói gọn hơn nữa, “huyền thoại là sự hình thành của nhiều biểu tượng”.


Việc phân biệt chủ đề và huyền thoại là vấn đề tế nhị. Khá nhiều cuộc tranh luận kéo dài hàng thế kỷ, với mục đích làm teo lại phạm vi ảnh hưởng của chủ đề, và di chuyển các công trình nghiên cứu chủ đề sang huyền thoại. Trong phê bình văn học, theo các nhà văn học so sánh, đã hình thành kiểu phê bình văn học huyền thoại. Người ta lập bảng thống kê đầu đề các sách nghiên cứu, Don Juan chẳng hạn, một hình ảnh Kinh Thánh mang tính biểu tượng, thì vấn đề chủ đề được đặt ra rất khéo léo, mặc cho mẫu gốc ấy từ đâu đến: lịch sử hay tôn giáo, thần thoại hay truyền thuyết. Ngược lại, khi nghiên cứu chủ đề - huyền thoại ta cũng có thể xuất phát từ huyền thoại học. Mối quan hệ giữa chủ đề và huyền thoại thực là khăng khít, còn dị biệt chẳng là bao. Có nhà nghiên cứu đã ví nó với quan hệ “giữa danh từ chung và danh từ riêng” trong ngữ pháp.


Người nghiên cứu văn học so sánh, hơn ai hết, nên tránh linh vật hóa sự kiện, tránh thần thánh hóa chủ đề, đề tài, biến chúng thành những “thực thể” ngoài tác phẩm. Bởi vì khi chủ đề tách khỏi tác phẩm thì nó rơi vào trừu tượng. Quan điểm ký hiệu học xem tác phẩm là một hệ thống tín hiệu, một thông điệp. Còn quan điểm mỹ học thuần túy lại xem tác phẩm là một tập hợp các hình dáng riêng. Từ ấy mới có những khái quát “văn là người”, người thế nào, văn thế ấy, hoặc ngược lại, “sự nhiệm màu của nghệ thuật”, nghĩa là người có thể tồi, nhưng tác phẩm của anh ta lại rất kỳ diệu. Victor Hugo nói rằng “nghệ thuật không bao giờ cho ra đúng sự vật”, có nghĩa là nghệ thuật bất lực trước hiện thực... Đây là vấn đề “mở” cho đến bây giờ và có lẽ sẽ còn mở đến nhiều năm sau.


Tác phẩm nghệ thuật là vấn đề mở, chủ đề cũng là vấn đề mở. Người làm văn học so sánh càng nên phân biệt thật nhạy chủ đề và đề tài. Liên hệ một chút với hội họa. Chủ đề tình mẫu tử có thể gợi lên bao nhiêu đề tài khác nhau cho nhiều bài thơ, nhiều bức tranh: mẹ cho con bú, mẹ bồng con, phụ nữ mang thai, mẹ giữa các con, mẹ bế con đã chết, mẹ cho con bú sau giờ trực chiến... Đề tài nào cũng có thể được thể hiện thành những tác phẩm đẹp, nếu họa sĩ tài năng, nếu nhà văn tài năng.


Quả thực, văn học so sánh đã có nhiều thay đổi mới trong cách đề cập đến chủ đề trong nhiều thập kỷ nay, mà nổi lên là trong việc nghiên cứu cái tưởng tượng. Trong nhiều năm qua, phương pháp nghiên cứu cái tưởng tượng là bộ phận phát triển nhất, có cấu trúc tốt nhất của so sánh học về chủ đề.


Michel Mansuy viết về Bachelard: “Nếu trong tác phẩm của Bachelard có một so sánh học, thì điều ấy không phải là do tác giả muốn, mà do người đọc nhận ra. Nó được sinh từ nơi hội tụ các trích đoạn đầy thi vị, hấp dẫn người đọc, một loại trình diễn các hợp âm và nghịch âm”. Với trường hợp này, lý luận văn học gọi người đọc là “đồng tác giả” với nhà văn, với nhà nghiên cứu. Hélène Tuzet cho rằng Michel Serres với phương pháp so sánh tư liệu văn học với lịch sử các khoa học, nói tổng quát hơn, với lịch sử các triết học, xứng đáng được gọi là nhà nghiên cứu “viết tiểu phẩm tâm lý học về trí tưởng tượng”. Trong một công trình nghiên cứu về Dante, Ronsard, Shakespeare và Du Bartas J. Dauphiné đã cho rằng từ Dante (1265-1321) đến giữa thế kỷ XVI đã từng có một niềm tin vào một tổ chức hài hòa của vũ trụ vĩ mô, cơ chế này phản ánh lại trong vũ trụ vi mô, và từ đó sinh ra Con Người. Ông còn cho rằng lòng tham của những nhà văn có niềm tin kiểu ấy đã biến tác phẩm của họ thành những vũ trụ vi mô thứ hai, vũ trụ vi mô này đến lượt nó lại phản ánh vào trong mã số các “con số thần thánh” (!).


Pierre Cotti xác nhận công trình nghiên cứu của Bachelard là nhằm loại bỏ yếu tố tưởng tượng trong lịch sử, dành ưu tiên không phải cho trật tự tưởng tượng, mà cho trật tự tượng trưng.


Rõ ràng trí tưởng tượng có vẻ phong phú đặc biệt trong thời kỳ barôc, hay thời kỳ “cuối thế kỷ”, những thời kỳ gợi lên nhiều cách đặt vấn đề phụ nữ và về máy móc, về sự tưởng tượng suy đồi, huyền thoại về thần Tình Yêu và những vị thần của một thế giới nghịch đảo. Phạm vi điều tra các công trình nghiên cứu về trí tưởng tượng thực mênh mông, với nhiều hướng tiếp cận rất khác nhau, từ rượu vang, tôn giáo, nghệ thuật đến tính đa dạng của chủ đề văn học, tâm lý xã hội học..., tức là cố tình đối lập có hệ thống với các chất liệu do huyền thoại, dân ca, tôn giáo cung cấp, đối lập với chủ đề các tác phẩm thuộc nhiều thời kỳ khác nhau trong lịch sử văn học.
*


Các chủ đề chiến tranh, thành phố, biển cả là đối tượng được so sánh học khai thác nhiều nhất trong mấy thập kỷ gần đây. Có người dùng phương pháp tổng hợp, thống kê những tác phẩm viết về cuộc Đại chiến thế giới I, thống kê chi tiết, tỷ mỉ tất cả chủ đề và vi chủ đề để làm nổi bật lên “một cuộc chiến tranh trong nỗi đau của loài người”. Có người bằng phương pháp phân tích và tổng hợp để đối sánh văn học Đức và văn học Pháp, nhấn mạnh đến một tiến trình đối xứng của chủ nghĩa hòa bình và chủ nghĩa quân phiệt và chủ nghĩa hòa bình trong văn học Pháp. Người khác đã trầm tư về một số vấn đề cơ bản do chủ đề về chiến tranh đặt ra: nỗi đau tuyệt đối hay nỗi đau phong phú, văn hóa và phản văn hóa hay là quy luật tự nhiên, chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa hòa bình... Đó là những vấn đề bổ ích cho những ai muốn tìm hiểu về “chiến tranh và văn học” trong thế kỷ XX khốc liệt, hùng tráng và đầy nghịch lý này.


Thành phố là một chủ đề rất hay. Đã có nhiều tác phẩm văn học khai thác chủ đề thành phố. Và cũng có không ít công trình nghiên cứu viết về vệt tác phẩm này, không ít hợp tuyển lấy thành phố làm đối tượng tập hợp. Michel Tibert đã nhìn thành phố theo ba cách: thành phố để chiêm ngưỡng, trước cách mạng công nghiệp thế kỷ XVIII; thành phố để xâm chiếm, vào cuối thế kỷ XVIII; và thành phố để giải mã, để phân tích, tìm hiểu, bắt đầu từ năm 1950 đến nay. Lại có những công trình chuyên nghiên cứu về thành phố châu Phi, về những thành phố thủ đô văn hóa... Khá nhiều công trình nghiên cứu theo hướng chủ đề, như các chủ đề “đền bù”, “chỗ ở”, “ký ức”, “im lặng”, “say sưa”, “đêm”, “nước”, “lỗi lầm”, “phiêu lưu”, “mơ mộng”, “buồn bã”... Nhiều chủ đề tổng hợp hơn: huyền thoại và phê bình, cách nhìn theo chủ đề, và cách nhìn theo phân tích tâm lý cũng được đề cập đến một cách sâu sắc.


Về biển cả thế kỷ XIX, ta có thể gặp cách nhìn lịch sử, cách nhìn xã hội học, và cách nhìn phê bình tâm lý. Monique Brosse xác định thời kỳ vàng son của thể loại này được bắt đầu vào năm 1915, kết thúc thời kỳ tiền sử của thể loại này trong văn học Pháp. Với cách nhìn xã hội học, bà đã nghiên cứu cuộc sống hàng ngày của thủy thủ, ý kiến công chúng về tấn bi kịch của biển... Với cách nhìn phê bình tâm lý, bà nghiên cứu quan hệ con người-biển cả, những con tàu được nhân hình hóa, nhân cách hóa, giới tính hóa sâu sắc. Về sách tham khảo, nhà nghiên cứu còn sử dụng khá nhiều “thứ-thể loại” khác như nhật ký con tàu, tiểu thuyết lịch sử có liên quan đến hàng hải, truyện dân gian, trường ca, thơ ca, câu hò thủy thủ..., những thứ-thể loại này có thể làm sáng rõ chủ đề về biển cả và các vi chủ đề có liên quan như các bữa tiệc, những vụ cướp biển, các tai nạn đắm tàu... Nhà nghiên cứu so sánh không chỉ đi vào các tác giả nổi tiếng, mà còn đi vào các nhà văn-thủy thủ “thường thường bậc trung”.


Hàng chục tiểu thuyết viết về người trí thức trước Đại chiến thế giới I đã nêu lên không ít vấn đề trong nhiều lĩnh vực, đặt những câu hỏi về thân phận người trí thức. Đó là tầng lớp xã hội “chẳng phải thầy, chẳng phải thợ”, những người phải từ chối quyền công dân ở nước mình, rơi vào tình trạng lưỡng hóa nhân cách rất bi thảm. Đó là nỗi ám ảnh về sự xua đuổi, sự trục xuất khỏi lãnh thổ, quê hương cứ đè nặng lên “lương tâm khốn khổ”, vì bị “nhổ bật gốc”... Đó là những chủ đề được ưa thích trong văn học phương Tây, và được văn học so sánh lấy làm đối tượng nghiên cứu trong nhiều năm, ở nhiều nước. Đó là những nhà văn từ Đức, Tiệp đến Anh, Nga... từ Kafka, Joyce đến Musil, Beckett, Nabokov... và những nhà văn Mỹ thuộc thế hệ “đã bị đánh mất”. Quả thực, đây là chủ đề lớn, diễn biến phức tạp và dễ gây hoảng loạn đang còn để ngỏ cho lương tâm nhân loại, cho những nhà văn học so sánh nhiều tìm tòi, sáng tạo trong thế kỷ mới.
*


Trong nghiên cứu so sánh học về chủ đề đến nay vẫn còn nhiều mảng trắng. Đó là loại sách tổng hợp suy nghĩ tổng quát về một chủ đề. Những thành tựu về loại sách này cũng chỉ đáng kể ở một số nước. Chủ đề về thành phố, công trình nổi bật là ở Đức; viết về chủ đề điên rồ, thì có văn học so sánh Mỹ; dõi theo tiến trình quan hệ giữa chính trị và văn học, thì chỉ thấy ở Anh. Rất đáng chú ý là công chúng Pháp quan tâm nhiều đến các vấn đề tổng hợp tâm lý-lịch sử của văn học so sánh trong vòng vài chục năm gần đây. Thí dụ chủ đề về sự điên rồ, sự sợ hãi trong tâm lý phương Tây, chủ đề về cái chết. Phương pháp liên bộ môn, đa bộ môn trong nghiên cứu so sánh học ta thấy phổ biến trong văn học Pháp, trong nghiên cứu các đề tài đơn thuần về chủ đề pha trộn với các vi chủ đề khác, thí dụ chủ đề về tâm lý bất an và xã hội bất ổn vào cuối thế kỷ XIX, tấn bi kịch có liên quan đến danh dự và báo thù...


Trong phê bình văn học ở một số nước, các phương pháp cứ lần lượt xuất hiện, nổi lên rồi mờ dần. Nếu trong thập kỷ 50-60 phương pháp phê bình chủ đề được xem là “tiền phong”, với phê bình tâm lý, phê bình xã hội, thì sang thập kỷ 70 đã nhường chỗ cho ký hiệu học, cho phê bình mới-mới. Thậm chí phê bình chủ đề bị xem là “phân tích chủ quan”, theo chủ nghĩa ấn tượng, “phân tích bề nổi”... Nhưng những năm 80 đã có những diễn biến mới. Trong so sánh học, phân tích tâm lý mở ra hướng nghiên cứu sự khác biệt. Chủ đề học dựa trên đơn tuyến, đơn nguyên của chữ viết, nay đã gặp phân tích tâm lý trở nên phức tạp hơn, nhưng phù hợp với tính đa dạng của cách viết hơn. Từ đấy, mối quan hệ giữa đề tài và thế giới hiện thực trong văn bản hiện lên cụ thể hơn, với tất cả tầm quan trọng của đề tài.
*


Để so sánh các tác gia và các nền văn học thế giới, cách tiếp cận truyền thống và hợp lô gic là cách tiếp cận đề tài. Chất liệu văn học có thể bao gồm chủ đề, đề tài, mô tip, huyền thoại, ẩn dụ, tình tiết... nghĩa là rất rộng. Chỉ riêng đề tài và huyền thoại đã có không ít công trình khai thác từ nhiều thế kỷ. Huyền thoại mang một ý nghĩa chung cho tôn giáo, văn hóa dân gian, nhân loại học, xã hội học, phân tâm học và mỹ thuật. Huyền thoại được đặt đối nghịch với lịch sử, hoặc với khoa học, triết học, ngụ ngôn, hay với sự thật.


Những nguyên mẫu của nhân vật huyền thoại, ta có thể thấy trong các nền văn học cổ nhất của phương Tây, Cận Đông và phương Đông. Nhân vật huyền thoại thường là hoàng tử. Trước và trong thời gian thai nghén, thường có lời tiên tri báo tin nhân vật sẽ ra đời, và người cha sẽ gặp hiểm nguy. Thông thường, nhân vật đó bị thả trôi sông. Nhưng cậu ta được súc vật hay người dân nghèo cứu thoát. Lớn lên, cậu nhìn cha mẹ mình theo một cách khác. Một mặt, cậu trả thù người cha, mặt khác, cậu được thừa nhận. Cuối cùng cậu đạt được danh vọng cao sang.


Huyền thoại là truyện khuyết danh bắt nguồn từ tín ngưỡng nguyên thủy của các chủng tộc hay dân tộc muốn làm cho một nhân sinh quan hay vũ trụ quan trở thành cụ thể và riêng biệt. Nó kể về cội nguồn và định mệnh, những lý giải mà xã hội cung cấp cho thanh niên thiếu nhi để biết vì sao mà thế giới là như vậy và sẽ là như vậy, vì sao ta phải ứng xử như đã ứng xử. Đó là những hình ảnh sư phạm giáo dục về bản chất và định mệnh con người.


Huyền thoại khác truyền thuyết ở chỗ ít có cơ sở lịch sử hơn và nhiều chất siêu nhiên hơn. Huyền thoại khác ngụ ngôn ở chỗ ít chất giáo huấn đạo lý hơn, và là sản phẩm của một tộc người chứ không phải của một cá nhân.


Huyền thoại nguyên thủy như Prômêtê, Hercule, Ơđip, Narcisse... rất đặc thù đã được các nhà so sánh học giải thích như sau: “Tại sao chúng ta luôn cảm thấy cần phải lập những bản tổng kê các truyền thuyết của cha ông? Bởi vì chúng ta nghiên cứu lịch sử của các truyền thuyết, suy ngẫm về sự bí mật của những thay đổi vô cùng của chúng, cũng là để biết cuộc phiêu lưu của chính mình ở dạng cao nhất và thường là bi thảm nhất. Trong mỗi ý thức say mê công lý đều có một Antigone, trong mỗi cuộc nổi loạn đều có một Prômêtê, trong mỗi cuộc tìm kiếm đều có một Orphê. Chúng ta rùng mình trước Mêđê, mơ màng trước Tristan, run rẩy trước Ơđip... Huyền thoại và nhân vật truyền thuyết là những người tán thưởng lòng nhân đạo, là những sức mạnh lý tưởng của vận mệnh bi thảm và thân phận con người” (Raymond Trousson). Trong thời Phục hưng, giá trị vĩnh cửu của biểu tượng đã được các nhân vật của thần thoại Hy Lạp La Mã “bảo lãnh”. Nhà văn thời kỳ này đã tạo cho những giá trị đó tiềm năng và ý nghĩa cao hơn. Các nhân vật lớn của Kinh thánh cũng không nằm ngoài quy luật đó. Satan, Cain, hay Prômêtê cùng chịu hình phạt khắc nghiệt - theo Van Tieghem - “vì các nhân vật ấy đều nổi loạn chống một tôn giáo áp bức, nên căn bản họ cùng là một biểu tượng dưới ba tên gọi khác nhau”.


Gác lại việc dò tìm cội nguồn huyền thoại, mà nghiên cứu một giai đoạn có nhiều tư liệu phong phú, ta sẽ thấy các huyền thoại cổ đại quả đã cung cấp nhiều đề tài cho bi kịch châu Âu, cho đến cuối thế kỷ XVIII. Và ta cũng hiểu vì sao cuối thời kỳ Phục hưng lại phát sinh nhiều huyền thoại mới, và được lặp đi lặp lại cho đến ngày nay như Faust, Don Juan. Rồi cùng với thời gian, huyền thoại có nhiều biến thể, nhiều chuyển dịch trọng tâm... Nếu ngày xưa, huyền thoại thường mở đầu: “Đây là câu chuyện về một con người...”, thì ngày nay trong các huyền thoại hiện đại hay mở đầu: “Đây là câu chuyện về một hành tinh...”. Những thiên huyền thoại văn học hiện đại Kẻ bất lương thần thánh. Một huyền thoại Ấn Độ của C. G. Jung là một thí dụ.


Các huyền thoại văn học thường được biểu hiện dưới hai hình thức bi và hùng... Phân tích những huyền thoại này, nhiều người thường tiếp cận mặt cấu trúc của câu chuyện, nhấn mạnh về cấu trúc, mà hay quên thực chất của câu chuyện kể. R. Girard đưa ra lý thuyết về “sự ham muốn tam giác”, trong đó nhân vật chính vừa là kình địch, vừa là trung gian, lại ở trung tâm một tấn tuồng mà tác giả gọi là huyền thoại. Qua tác phẩm của Stendhal, Đôxtôiepxki, Proust, R. Girard đã phân tích và trình bày kinh nghiệm về mối quan hệ với bản thân và mối quan hệ với người khác. Ở đây, văn học cũng gần như tự biến thành huyền thoại.


Trong thời cận đại, huyền thoại và các nhân vật trung tâm của huyền thoại đã được “cải biên” chút ít. Nhà văn cận đại thích nhào nặn huyền thoại cổ điển, tạo ra cách giải thích phức tạp hơn. Juda lại báo với Đức Chúa rằng hắn không thể phản bội Ngài vì một nắm bạc. Don Juan lại khăng khăng đòi vị Giám mục hãy hy sinh hắn để hắn có thể trở thành biểu tượng của sự trừng phạt. Trong màn cuối, Don Juan bị kết án không phải bị thiêu trên giàn lửa mà, rõ ràng còn tồi tệ hơn, được kết hôn và hưởng cuộc sống gia đình. Nghiên cứu và suy ngẫm về những biến thể này là việc thú vị và bổ ích.


Nếu văn học cổ điển, Kinh Thánh, thần thoại cung cấp cho văn hóa loài người những huyền thoại lớn, thì những nền văn học khác lại cung cấp những tính cách lịch sử: người chủ trại, viên công chức, người vô sản, người đang yêu, người điên... Những điển hình này đã có từ thời Aristophane, những nhân vật hay mặt nạ tự “xưng danh” và kê khai lý lịch của mình. Phổ biến nhất là kẻ keo kiệt, tên đạo đức giả, anh chồng bị cắm sừng... Trong hài kịch hay trong truyện ngắn qua nhiều thế kỷ. Lại có hiện tượng nhiều nhà văn cùng khai thác một đề tài, dĩ nhiên là đề tài lớn, có sức thu hút mạnh.


Cho nên, các nhà so sánh học có thể chỉ ra các mô tip và các tình tiết văn học bắt nguồn từ những vùng khác nhau trên thế giới. Giáo sư Stith Thompson, người Mỹ đã lấy một vài truyện nổi tiếng của Christian Andersen đem khớp vào danh mục đề tài của mình và thấy rằng truyện Người bạn đườngcủa Andersen khớp với truyện Cô dâu của quái vật, còn Cô bé bán diêm thuộc kiểu truyện Thần linh trong ánh sáng xanh, đặc biệt truyện Claus lớn và Claus bé đã xuất hiện trong 874 bản được ghi, kể cả có nhiều bản bằng tiếng thổ dân châu Mỹ.


Dĩ nhiêu đề tài chồng chéo nhau nhiều, và ngay cả một đề tài cũng dễ dính dáng đến những chủ đề tương tự. Có thể hiểu hiện tượng ấy là do nguyện vọng cao cả của con người đều mang tính đồng quy: niềm khao khát sống trong một thế giới tốt đẹp hơn, sống bình đẳng trong hòa bình, tự do và hạnh phúc...


Đã có nhiều công trình nghiên cứu về huyền thoại rất quan trọng đối với văn học so sánh. Và rõ ràng đề tài học là một lĩnh vực hấp dẫn, và bổ ích. Văn học so sánh càng phát triển thì đề tài học trở thành một thể loại bước vào văn học so sánh bằng “cổng chính”. Đề tài là “sợi dây dẫn, vĩnh cửu qua năm tháng, được nạp điện trong nhiều thế kỷ do những gì mà con người chiếm giữ được về triết học và nghệ thuật trong suốt dọc đường đi của mình. Vì thế nó bảo tồn và qua rất nhiều lần chuyển hóa, đã hoàn trả lại một vài quan tâm cơ bản, một cái gì đó mang nặng bản chất người” (Trousson).


Những đề tài nghiên cứu phổ biến nhất là nói về Ơđip, Faust, Don Juan và Không tưởng. Ta thử tìm hiểu đề tài “không tưởng”, một đề tài mang tính trí tuệ vươn lên với những suy đoán, dự báo. Trong cuốn Văn học không tưởng của J. Johnson, tác giả viết: “Chính con người có khả năng nhận thức và nhớ lại quá khứ, nhìn trước và tiên đoán tương lai. Cho nên chẳng có ai sống cô độc trong hiện tại, với những cảm xúc của mình trong thời khắc này. Những hồi ức của mỗi người, dù chính xác hay không, thường lẫn lộn với các suy nghĩ về hiện tại và linh cảm về một cái gì sẽ xảy ra”. Công trình vạch ra sự phát triển tuyến tính của khái niệm không tưởng từ quá khứ đến hiện tại và tương lai, là để chỉ ra những biến đổi chính của tư tưởng và liên hệ với các khái niệm khác, và để mở ra những luồng suy nghĩ theo hướng mới. Nghiên cứu diễn trình và sự biến đổi của giấc mơ không tưởng qua các thế kỷ, chẳng những cho ta hiểu truyền thống trí tuệ đã hình thành như thế nào, mà còn cho ta thấy những nhu cầu sâu sắc, bức xúc của loài người hiện nay.


Đề tài không tưởng thường mang tính cảnh báo về những vấn đề to lớn, toàn cầu. Nó gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh đối với những sai lầm vô tình hay cố ý của nhân loại, những thói kiêu ngạo, tự mãn của con người đối với nhau, và đối với môi sinh, với thiên nhiên cảnh vật.


Nếu văn học không tưởng đã “tổng kết” đề tài từ những bước khởi đầu ở thời tiền sử với Adam và Eva, Prômêtê..., thì nó cũng đã phóng tầm nhìn đến một tương lai xa xôi với Sử biên niên sao Hỏacủa Ray Bradbudy, khi mà khoa học phát triển vũ bão, điên rồ sẽ gây nên một đại thảm kịch cuối cùng, sự tàn phá sạch trơn: một trái đất được xắp xếp ngăn nắp, gọn gàng, nhưng không còn thấy bóng dáng con người đâu nữa.


Năm 1872 Niezche viết: “Nếu không có huyền thoại, các nền văn minh sẽ mất đi khả năng sinh sôi nảy nở trong năng lực nguyên sơ của nó. Chỉ có một chân trời do huyền thoại vây quanh mới đảm bảo được tính thống nhất của nền văn minh sống động trong chân trời đó”.
 

VnKienthuc lúc này

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top