Chương 2: Hãy tạo ra môi trường để trẻ phát huy hết khả năng của mình
2.22. Mối quan hệ với ông bà là “chất tương tác” tuyệt vời cho trẻ
Xã hội hiện đại ngày nay đang có xu hướng gia tăng số lượng "gia đình hạt nhân" vì những cặp vợ chồng trẻ không muốn sống cùng cha mẹ, việc ông bà mất đi cơ hội tiếp xúc với con cháu dần trở thành một điều tất yếu của xã hội hiện đại. Các bậc cha mẹ thường hay sợ rằng ông bà nuông chiều cháu, dẫn đến cháu trở nên ích kỉ, ương bướng không nghe lời. Chính vì thế tôi đã thấy nhiều cặp vợ chồng chuyển ra ngoài ở riêng trong ngôi nhà trọ chật chội, thiếu tiện nghi với lí do có ông bà bên cạnh thì không giáo dục con được.
Tuy nhiên, gia đình hạt nhân có thực sự cần thiết đến như vậy hay không? Những lí do khác liên quan đến việc nuôi dạy trẻ vẫn còn rất nhiều nghi vấn. Thực tế thì ngày nay vẫn còn tồn tại những quan niệm phong kiến kiểu như ấn tượng mẹ chồng, em chồng, hay trọng vọng con trưởng trong gia đình. Nhưng phải chăng chúng ta đang bỏ qua những mặt tốt của việc có nhiều thế hệ cùng sống trong một gia đình. Ông bà hầu hết là những người thấu hiểu những đạo lí hiếu thuận trong gia đình, đã từng được rèn giũa bởi những lễ nghi phép tắc. Dẫu có thể có những điều không còn được dùng đến trong xã hội hiện nay, nhưng lấy lí do ông bà nuông chiều cháu để cách li cháu với ông bà, phải chăng các bậc cha mẹ đang phung phí những kinh nghiệm sống và sức ảnh hưởng vô cùng quý báu của ông bà. Muốn cho con không trở nên ích kỉ, ngang bướng thì cha mẹ cũng cần có thái độ thật phân minh rạch ròi. Và hơn hết cha mẹ cần phải khắc cốt ghi tâm những lời nói, những hành xử của ông bà mà mình chưa tích lũy được để dạy dỗ cho con trẻ.
Theo như lời của nguyên hiệu trưởng trường Đại học Tokyo danh tiếng, giáo sư vật lí nổi tiếng Kaya Seji kể lại, thời thơ ấu ông bị ảnh hưởng mạnh mẽ nhất là từ ông bà. Ông của giáo sư Kaya khi đó đang giữ chức chủ tịch thôn Aikawa, thuộc tỉnh Kanagawa, là một người vô cùng nghiêm khắc, sự nghiêm khắc của ông được ví rằng ông chỉ cần đi qua và ho một tiếng thì đứa trẻ đang khóc cũng phải nín ngay. Thế nhưng sự nghiêm khắc của ông không phải là la mắng bằng cảm xúc mà từ chính cốt cách và phong thái mạnh mẽ. Chính vì vậy mà khi giáo sư Kaya ở thời kì phản kháng thì điều đó cũng không để lại tác động xấu nào, ngược lại sự nghiêm khắc đó nuôi dưỡng cho ông một cốt cách kiên cường, không dễ dàng chịu đầu hàng trước bất cứ thử thách gì. Còn bà của giáo sư Kaya là một người rất mực hiền từ, làm nghề dệt vải chăm chỉ quanh năm. Có lẽ chính vì được ảnh hưởng bởi những đức tính đó mà giáo sư Kaya đã trở thành một người vô cùng đáng khâm phục với tinh thần luôn say mê và chỉn chu, cẩn thận trong từng công việc. Giáo sư tâm lí học Tago Akira đã từng phân tích rằng chính bản lĩnh và khả năng tập trung này là yếu tố cơ bản để nuôi dưỡng giáo sư Kaya trở thành một nhà khoa học tầm cỡ thế giới sau này.
2.23. Chơi cùng nhau sẽ giúp trẻ xây dựng “tính cộng đồng” và thúc đẩy phát triển trí tuệ
Từ đầu cuốn sách đến giờ tôi đã dẫn chứng cụ thể nhiều ví dụ để các bạn thấy được việc người mẹ ôm ấp, chiều chuộng trẻ trong những năm tháng đầu đời là những kích thích tuyệt vời, không chỉ giúp trẻ phát triển về trí tuệ, mà còn có vai trò rất lớn trong việc hình thành cảm xúc, tình cảm của trẻ.
Thế nhưng chỉ có những kích thích đơn thuần giữa mẹ và bé thì sẽ không thể nào hiệu quả bằng những kíchthích đa dạng như là kích thích giữa anh em với nhau, giữa trẻ cùng độ tuổi. Mẹ không nên chỉ để con ở nhà cả ngày với mình, hãy dẫn trẻ đi dạo bên ngoài thật nhiều, hãy cho trẻ chơi cùng với những trẻ khác. Việc làm này của người mẹ gửi gắm cho trẻ bài học đầu tiên về sinh hoạt bầy đàn, và trên cơ sở đó nó không chỉ nuôi dưỡng cho trẻ những phẩm chất quan trọng về tính cộng đồng, tính chỉ huy và tính hợp tác, mà còn thúc đẩy sự phát triển trí tuệ cho trẻ.
Tôi đọc trên một tờ báo có ghi lại một thí nghiệm "Cách li một chú khỉ con sau khi sinh ra thì sẽ ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống của con khỉ?". Đây là thí nghiệm của giáo sư Harry Harlow mà tôi đã giới thiệu ở phần trước. Giáo sư Harlow đã đưa ra một kết quả nghiên cứu vô cùng thú vị về tính cộng đồng cùng sự phát triển về trí tuệ và sự giao lưu giữa đồng loại với nhau của loài khỉ.
Ông đã nhốt những chú khỉ mới sinh ra trong những cái lồng, bên trong đặt bình sữa mà chỉ để thò ra mỗi núm sữa để cho khỉ con bú. Đầu tiên ông làm thí nghiệm sau khi chú khỉ bị nhốt riêng 3 tháng sẽ được cho vào một nơi có những chú khỉ được nuôi bình thường, để theo dõi xem chú khỉ này sẽ hành động như thế nào. Ban đầu chú khỉ con rất bối rối, nhưng sau đó chưa đến 1 tuần chú đã vui vẻ chơi đùa cùng những bạn khỉ khác.
Tiếp theo, ông lại làm thí nghiệm cho chú khỉ bị cách li 6 tháng vào một nơi có những chú khỉ được nuôi bình thường, ông quan sát thấy chú khỉ này hoàn toàn không chơi cùng những chú khỉ khác. Hơn thế nữa, chú ta cuộn tròn mình lại, nép sát mình vào góc lồng như thể sợ bị ai đó bắt nạt và không có ý muốn giao lưu cùng những chú khỉ khác.
Sau đó, ông lại cho những chú khỉ bị cách li 1 năm vào chung một lồng với những chú khỉ cũng bị cách li trong điều kiện giống như thế, thì kết quả là chúng không thể chơi đùa hay giao tiếp với nhau. Và những chú khỉ được nuôi bình thường khi cho vào cùng những chú khỉ bị nuôi cách li, thì những chú khỉ được nuôi bình thường này từ trạng thái có cảm giác cô độc sang trạng thái ồn ào, hoạt bát một cách thái quá. Ngoài ra, chỉ số thông minh của những chú khỉ bị cách li 6 tháng trở lên không bằng những chú khỉ được nuôi bình thường.
Sau khi đọc bài báo cùng kết quả thí nghiệm này tôi đã nghĩ, trường hợp trẻ sơ sinh phải chăng cũng giống như thế này? Thí nghiệm này muốn nhấn mạnh một điều rằng trẻ sơ sinh được nuôi dưỡng trong một môi trường thiếu sự tiếp xúc, kích thích từ những trẻ sơ sinh đồng lứa sẽ là một chướng ngại rất lớn ảnh hưởng đến sự hình thành tính cách và trí tuệ của trẻ. Gần đây ở thành phố, chính vì sự tiếp xúc giữa hàng xóm với nhau trở nên ít đi, nên những người mẹ cùng có con nhỏ hãy nên tích cực giao lưu với nhau hơn nữa.
2.24. Cãi nhau sẽ giúp trẻ phát triển “tính cộng đồng” và tính cách tích cực
Từ xưa đến nay, con người là một động vật xã hội mang bản năng bầy đàn mà nếu xa rời xã hội chúng ta không thể sinh tồn được. Trong bộ não của con người có não trước, có khả năng đưa ra chính kiến, có thể tìm cách điều chỉnh giữa tập thể và cá nhân. Chính vì thế, nếu như ta không cân bằng được cá nhân và tập thể thì ta không thể thích ứng được với xã hội.
Có thể thấy được cân bằng này hay không tùy thuộc vào cách giáo dục trẻ ở thời kì ấu thơ. Phải chăng nhờ quá trình nuôi dạy ở thời kì ấu thơ nên con người có khả năng điều chỉnh suy nghĩ của bản thân như cái nào cần đưa ra chính kiến thì ta sẽ đưa ra chính kiến, cái nào cần hợp tác thì ta sẽ hợp tác. Tầm quan trọng của việc cho trẻ nhỏ chơi cùng nhau chính là mang ý nghĩa này.
Khi trẻ được 2 tuổi thay vì cho trẻ chơi một mình hãy cho trẻ chơi cùng bạn. Từ trước đến nay, trẻ được cha mẹ bao bọc, có chính kiến của mình, đến lúc này trẻ sẽ bắt đầu học được cách hợp tác cùng với mọi người trong một tập thể. Dĩ nhiên, có nhiều lúc chính kiến của mình không được các bạn chấp nhận, trẻ sẽ chạy về khóc với mẹ, hay cũng có khi cả hai cùng bất đồng ý kiến, trẻ làm cho bạn khóc, nhưng qua đó trẻ sẽ học được cách làm thế nào để sống trong một
tập thể thông qua những hoạt động như cùng chơi, cãi nhau, hay gây lộn cùng bạn bè. Đặc biệt, cãi nhau gây lộn có một ý nghĩa vô cùng quan trọng giúp nuôi dưỡng tính cộng đồng và suy nghĩ, hành động tích cực ở trẻ.
Cãi nhau của trẻ con có ba kiểu, đó là: Từ bản thân mình sẽ chủ động đưa ra tranh luận, cãi nhau trực tiếp với bạn và đáp trả lại bạn theo kiểu ăn miếng trả miếng. Ở mỗi lứa tuổi khác nhau thì cách cãi nhau cũng có khuynh hướng thay đổi, ví dụ như khi trẻ 2 tuổi thì cuộc cãi nhau sẽ mang tính thụ động là nhiều, ngược lại khi lên 3 tuổi trẻ sẽ chủ động một cách tích cực khi bắt đầu cãi nhau với bạn. Hành động này là một bằng chứng chứng tỏ trẻ muốn khẳng định chính kiến của mình và khẳng định sự tự lập của bản thân.
Có thể kể ra hàng trăm ngàn lí do để trẻ cãi nhau và gây lộn, ví dụ như tranh giành quyền sở hữu đồ chơi, tranh giành thứ tự để chơi, hay nói xấu nhau..., và không có cuộc cãi nhau nào mà không có nguyên nhân. Nếu như cha mẹ thấy trẻ cãi nhau mà không tìm hiểu kĩ nguyên nhân, cho rằng cãi nhau là xấu, hay không nên cãi nhau, thì điều đó sẽ không đem lại hiệu quả gì trong việc giúp trẻ phát huy tính hợp tác. Và đương nhiên nếu cha mẹ can thiệp vào việc trẻ con cãi nhau cũng là làm mất đi một cơ hội để nuôi dưỡng tính cộng đồng của trẻ.
Tự bản thân trẻ sẽ biết cách xây dựng cho chúng những nguyên tắc riêng, cùng nhau đưa ra những chính kiến của
bản thân và cùng nhau hợp tác. Như vậy, cha mẹ không cần thiết phải can thiệp vào việc này. Còn nếu cha mẹ cố tình can thiệp vào cuộc cãi nhau của trẻ bằng sự phán đoán của người lớn, la mắng rằng trẻ cãi nhau là hư, cho rằng cãi nhau là xấu, thì sẽ chỉ làm cho trẻ trở nên nhút nhát, rụt rè, hoặc sẽ trở nên ngang bướng. Chính vì thế, cãi nhau chính là bài học đầu tiên cho trẻ khi bắt đầu bước vào cuộc sống xã hội.