• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Chiêu móc túi mới của các trung tâm gia sư dỏm

ButNghien

Học tập suốt đời!
Thành viên BQT
Xu
46
Chiêu móc túi mới của các trung tâm gia sư dỏm

Đọc kỹ hợp đồng, Bình thấy ghi: "không được phép trao đổi với gia đình học sinh những gì đã thỏa thuận với trung tâm", nghĩa là, không bao giờ Bình được nói thật với người thuê dạy là mình chỉ là một sinh viên GT-VT.


Chuyện các trung tâm gia sư dỏm lừa tiền của sinh viên đã được cảnh báo trên nhiều các phương tiện truyền thông, nhưng nhiều người vẫn "dính bẫy" do thủ đoạn của các trung tâm lừa đảo này ngày càng tinh vi hơn.

Các chiêu như không làm giấy tờ cam kết, "bùng" sau khi đã cầm tiền của sinh viên được các trung tâm gia sư lừa đảo áp dụng trước đây đã không “hợp thời” nữa.

Biến sinh viên thành kẻ 'lừa đảo'

Tại Hà Nội, nhiều trung tâm gia sư thuê địa điểm gần, thậm chí ngay trong khuôn viên các ĐH uy tín như ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐH Sư phạm I, ĐH Bách Khoa... đồng thời quảng cáo có tiến sĩ, giáo sư đứng đầu trung tâm khiến nhiều sinh viên hăm hở đăng ký.

gd-13.9-giasu1.jpg



Tờ rơi, quảng cáo của các trung tâm gia sư được treo ở khắp các đường phố.

Hà Trung Bình, sinh viên ĐH GT-VT, một người đã từng "nếm mùi" của một trung tâm gia sư dởm trên đường Trần Quốc Hoàn, ngay phía sau ĐH Sư Phạm I, nhớ lại, khi đến đăng ký, Bình được một nhân viên nam tư vấn mà không hề yêu cầu xuất trình bất cứ giấy tờ nào. Khi Bình hỏi anh ta chỉ chép miệng: "Chỉ cần em có nhu cầu đi dạy là được".

Sau một hồi giới thiệu cho Bình về các quyền lợi của sinh viên khi đi dạy như mức thu nhập cao, anh ta lấy ra một bản hợp đồng dài gần ba trang, 10 điều khoản thỏa thuận bảo Bình xem rồi ký với các mức phí phải nộp là 30.000 đồng tiền "lệ phí hồ sơ" và 450.000 (40% tháng lương đầu). Đặc biệt, người nhân viên này lưu ý: "Khi tới dạy, em phải nói mình là sinh viên sư phạm tiểu học năm cuối".

Đọc kỹ hợp đồng, Bình thấy ghi rõ: "Sinh viên không được phép trao đổi với gia đình học sinh những gì đã thỏa thuận với trung tâm", nghĩa là, nếu nhận công việc này, không bao giờ Bình được "nói thật" với người thuê dạy là mình chỉ là một sinh viên GT-VT. Không đồng tình với cách làm ăn này, Bình từ chối "mối" dạy này. Không tỉnh táo như Bình, nhiều sinh viên trót ký hợp đồng, nộp tiền cho trung tâm, nên đành "theo lao", như trường hợp của Nguyễn Thu Hà, sinh viên năm cuối ĐHSP Hà Nội. Gia đình khó khăn, lại có em gái sắp vào học ĐH nên Hà muốn kiếm việc làm thêm để trang trải sinh hoạt. Mặc dù đã chứng kiến bạn bè gặp phải nhiều trung tâm lừa đảo nhưng thấy trung tâm gia sư V. có địa điểm đặt ngay trong trường mình nên Hà khá tin tưởng.

Sau khi được một nhân viên tại đây giới thiệu trung tâm chủ yếu giúp đỡ sinh viên, ai có hoàn cảnh khó khăn còn được giảm phí dịch vụ,… Hà đọc lướt qua bản hợp đồng và không ngần ngại ký vào rồi nhận dạy một học sinh lớp 2 ở Xuân Đỉnh, Tây Hồ.

Sau khi nộp đầy đủ lệ phí bằng 50% lương tháng đầu tiên (800.000 đồng), Hà mới té ngửa khi nhân viên của trung tâm cho biết, gia đình yêu cầu người đến dạy phải là giáo viên, nên khi đến nhận lớp, Hà phải nói dối là giáo viên đã có kinh nghiệm dạy học ba năm ở Tiểu học Nguyễn Trãi. Hợp đồng đã ký, tiền đã trao nên dù ghét nhất là nói dối, Hà vẫn phải ngậm ngùi nghe theo.

Dạy được hai tuần, nhận được sự quan tâm, chu đáo từ phía gia đình học sinh, Hà không chịu nổi sự day dứt đành thú nhận tất cả rồi nghỉ dạy và chịu mất số tiền đã bỏ ra cho trung tâm.

'Om' tiền của người đăng ký để... cho vay lãi

Nhiều sinh viên còn rơi vào cảnh "dở khóc dở cười" khi các trung tâm đã ký hợp đồng, thu tiền cọc với một địa chỉ dạy cụ thể nhưng mãi không thấy gọi đưa đi nhận lớp. Mấy trăm nghìn tiền cọc đọng lại ở trung tâm tới vài tháng, khi người đăng ký đã mệt mỏi, muốn chấm dứt hợp đồng, đến trung tâm đòi lại tiền thì bị "hành", đi lên đi xuống tới chục lần mới được thanh toán.

Hoàng Ngọc Linh, sinh viên ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, bức xúc: "Đằng nào cũng phải hoàn lại tiền, mặc dù bọn mình vẫn phải chịu thiệt 30% tổng số tiền đã nộp cho trung tâm, nhưng chẳng hiểu tại sao, họ cứ phải bắt bọn mình chờ đến vài tháng mới chịu trả tiền, vài trăm nghìn không phải là lớn nhưng với sinh viên bọn mình là cả vấn đề".

D.L., từng làm tư vấn cho một trung tâm gia sư trên đường Cầu Giấy, bật mí: “Các trung tâm gia sư mở ra với mục đích kiếm tiền là chính, nên họ chỉ tìm cách làm sao kiếm được càng nhiều tiền càng tốt chứ mấy ai quan tâm đến quyền lợi của sinh viên”.

gd-13.9-giasu5.jpg


Sinh viên đang nghe tư vấn tại một trung tâm gia sư L. cho biết, để sinh viên tin tưởng, trung tâm của L. soạn hợp đồng với những điều khoản rõ ràng. Nhưng chỉ với một địa chỉ dạy, trung tâm ký hợp đồng với nhiều sinh viên khác nhau và vẫn thu 30.000 đồng tiền phí, 50% tháng lương đầu tiên, tức là khoảng vài trăm nghìn đồng cho mỗi hợp đồng.

Với khoảng 10 sinh viên như thế, trung tâm đã có trong tay 4 - 8 triệu đồng. Số tiền trên được "đọng" ở trung tâm không tính lãi và... vô thời hạn. Nếu người đăng ký sốt ruột, muốn lấy lại tiền thì nhân viên quanh co, không trả, hẹn lần hẹn lữa tới vài tháng. Thậm chí, đã có sinh viên uất ức vì bị "hành" khi muốn lấy lại tiền, xé hợp đồng, thế là nghiễm nhiên số tiền mấy trăm nghìn đồng đã đóng thuộc về trung tâm một cách hợp thức.

L. tiết lộ, số tiền "lừa" được của sinh viên, trung tâm đem cho vay với lãi xuất cao để kiếm lời.

'Bóc lột' bằng... hợp đồng lao động

Thời gian gần đây, một số trung tâm gia sư có hình thức hợp đồng mới, người đăng ký không phải nộp trước 50% tháng lương ban đầu mà trừ dần 10% lương mỗi tháng nhận được sau khi đi dạy. Tiền lương của gia sư cũng không nhận trực tiếp từ gia đình mà đến trung tâm nhận. Hình thức này ban đầu tạo được tin tưởng cho các sinh viên hơn. Tuy nhiên, đi cùng với hình thức mới là các chiêu lừa mới.

Tại trung tâm A. gần ĐH Bách Khoa Hà Nội, một số gia sư làm việc tại đây cho biết, việc chậm ngày lương là thường xuyên. Bên cạnh đó, dù không thu tiền trước, nhưng người dạy phải đóng cho trung tâm một khoản tiền trách nhiệm khoảng 100.000 đến 150.000 đồng mà trung tâm hứa sẽ trả sau khi kết thúc hợp đồng. Nhưng, số tiền này thường "bị trừ dần" do những lỗi rất... "trời ơi".

Ví dụ, trung tâm buộc sinh viên phải làm những báo cáo rất dài dòng, rắc rối về việc dạy học hàng tuần, nếu tuần nào không có báo cáo thì bị phạt, hoặc nếu nghỉ một vài buổi dạy, dù có lý do chính đáng, cũng bị phạt vì "tội" "không làm tròn trách nhiệm"...

Dù đã được cảnh báo, nhưng không ít sinh viên, đặc biệt những người mới bước chân vào cổng trường ĐH, bị lóa mắt vì những lời quảng cáo "có cánh" của các trung tâm gia sư. Đó là một trong những nguyên nhân chính khiến các trung tâm "dởm" mọc ra ngày càng nhiều với những chiêu thức ngày càng tinh vi.



Theo Đất việt.
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top