Bút Nghiên
ButNghien.com
- Xu
- 552
Chiến tranh thế giới thứ hai và quan hệ quốc tế trong chiến tranh
• Giai đoạn thứ nhất (9-1936 đến 6-1941): phe phát xít xâm chiếm châu Âu, mở rộng chiến tranh ở Đông Nam Á và Bắc Phi.
• Giai đoạn thứ hai (6-1941 đến 11-1942): chiến tranh lan rộng toàn thế giới và sự hình thành đồng minh chống phát xít.
• Giai đoạn thứ ba (11-1942 đến 12-1943): bước ngoặt, quân đồng minh chuyển sang phản công.
• Giai đoạn thứ tư (12-1943 đến 8-1945): quân đồng minh tổng phản công tiêu diệt phát xít Đức, Italia và quân phiệt Nhật. Chiến tranh kết thúc.
1.Phát xít Đức tấn công Ba Lan và xâm chiếm các nước Bắc Âu – Tây Âu .
Ngày 1 - 9 - 1939 phát xít Đức bất ngờ tấn công Ba Lan với một lực lượng quân sự hùng hậu, được chuẩn bị kỹ càng: 70 sư đoàn gồm khoảng 1,5 triệu quân (trong đó có 7 sư đoàn xe tăng, 6 sư đoàn cơ giới), trên 3000 máy bay chiến đấu. Ngày 3 - 9, chính phủ Anh, Pháp tuyên chiến với Đức. Chiến tranh thế giới bùng nổ. Với ưu thế tuyệt đối về quân sự và trang bị, quân Đức thực hiện chiến lược “chiến tranh chớp nhoáng”, dùng xe tăng, máy bay oanh tạc, phá vỡ phòng tuyến và tiến sâu vào lãnh thổ Ba Lan với tốc độ 50 - 60km một ngày. Chính phủ Ba Lan không cứu vãn được tình thế, phải lưu vong sang Anh, trong lúc quân dân Ba Lan chiến đấu ngoan cường chống trả quân Đức. Ngày 28 - 9, sau gần một tháng tấn công, quân Đức chiếm được Ba Lan. Trên thực tế, Ba Lan đã đơn độc chiến đấu chống trả quân Đức, không nhận được sự hỗ trợ từ bên ngoài. Với tư cách là đồng minh của Ba Lan, hai nước Anh, Pháp lúc bấy giờ có tới 110 sư đoàn dàn trận ở phía Bắc nước Pháp, dọc theo biên giới Đức. Nhưng quân Anh, Pháp không tấn công Đức và cũng không có bất kỳ một hành động quân sự nào hỗ trợ cho Ba Lan. Tình trạng đó kéo dài suốt 8 tháng (từ tháng 9 - 1939 đến tháng 4 - 1940) và được dư luận gọi là “cuộc chiến tranh kỳ quặc”. Sở dĩ có hiện tượng này là do gi ới cầm quyền Anh, Pháp vẫn nuôi ảo tưởng về một sự thoả hiệp với Hítle, tiếp tục chính sách Muyních với hy vọng quân Đức sẽ chĩa mũi nhọn chiến tranh về phía Liên Xô. Đồng thời hiện tượng này còn được lí giải bằng việc Bộ tổng tư lệnh liên quân, đứng đầu là tướng Pháp Gamơlanh đã quyết định áp dụng chiến lược phòng ngự, dựa vào phòng tuyến Maginô kiên cố để đánh trả quân Đức. Lợi dụng tình hình đó, sau khi chiếm được Ba Lan và tăng gấp đôi lực lượng quân sự, phát xít Đức tập trung quân ở phía Tây để tấn công NaUy. Ngày 9 - 4 - 1940, quân Đức tràn vào Đan Mạch. Đan Mạch đầu hàng, không kháng cự. Cùng ngày, quân Đức đổ bộ vào Na Uy. Na Uy được quân viễn chinh Anh, Pháp hỗ trợ, đã chiến đấu trong hai tháng mới chịu khuất phục.
Không cần chờ đợi chiến dịch Na Uy kết thúc, ngày 10 - 5 - 1940 quân Đức tràn vào Bỉ, Hà Lan, Lúcxembua và Pháp. Mặt trận phía Tây chính thức bắt đầu. Với chiến lược “chiến tranh chớp nhoáng”, quân Đức tập trung đánh vào cánh trái của liên quân Anh, Pháp (phòng tuyến Maginô ở cánh phải). Quân Đức tràn vào Hà Lan và Bỉ. Ngày 15 - 5, quân đội Hà Lan đầu hàng, chính phủ Hà Lan bỏ chạy sang Luân Đôn. Ngày 27 - 5, Bỉ đầu hàng vô điều kiện. Tàn quân Anh, Pháp gồm 34 vạn người bị dồn đuổi đến cảng Đongkéc (D unkerque) ở Bắc Pháp, phải xuống tầu, tháo chạy về Anh. Mặt trận Pháp bị đập tan, quân Đức tiến về Pari như vũ bão. Chính phủ Pháp bỏ Pari, chạy về Boócđô và đưa Thống chế Pêtanh lên cầm quyền để xin đình chiến với Đức. Nước Pháp đã đầu hàng sau 6 tuần chiến đấu. Theo Hiệp định đình chiến ký ngày 22 - 6 - 1940, quân Đức chiếm đóng 2/3 lãnh thổ Pháp, trong đó có Pari và các trung tâm công nghiệp (nơi sản xuất 98% sản lượng gang và thép của Pháp), vùng Andát và Loren bị sáp nhập vào Đức, nước Pháp bị tước v ũ trang và phải nuôi quân đội chiếm đóng. Chính phủ bù nhìn Pháp do Pêtanh làm Quốc trưởng đóng tại thị trấn Visi, vùng không chiếm đóng ở phía Nam nước Pháp.
Sau tấn thảm kịch của nước Pháp, nước Anh đơn độc kháng cự với kế hoạch đổ bộ “Sư tử biển” của quân Đức, bắt đầu từ tháng 7 - 1940. Sau đó, Hítle thay đổi kế hoạch và quyết định tiến hành chiến dịch “Tia điện không trung” tàn phá nước Anh. Cuộc oanh tạc bằng không quân Đức đã tàn phá nặng nề các thành phố lớn của Anh như Luân Đôn, Côventơry, Livớcpun… Chỉ trong vòng 3 tháng đầu, quân Đức đã giội 10.000 tấn bom xuống lãnh thổ của Anh. Nước Anh quyết chiến đấu chống trả quân Đức và đã giành được ưu thế tron g các trận không chiến và hải chiến. Từ tháng 9 - 1940, Mĩ bắt đầu viện trợ cho Anh. Những “cuộc chiến chớp nhoáng trên không” của Đức suy yếu dần. Từ giữa tháng 10 - 1940, quân Đức rút dần lực lượng khỏi khu vực này. Kế hoạch đổ bộ và chiếm đóng nước Anh đã không bao giờ thực hiện được.
2. Phe Phát xít củng cố liên minh và mở rộng xâm lược ở Đông Nam Âu , Đông Á , Bắc Phi ( 9-1940 đến 6-1941 ) .
Ngày 27 - 9 - 1940, Đức, Italia và Nhật đã ký kết hiệp ước đồng minh quân sự và chính trị ở Béclin, được gọi là Hiệp ước Tay ba. Hiệp ước thừa nhận sự thống trị của Đức, Italia ở châu Âu và của Nhật ở khu vực Đại Đông á. Hiệp ước quy định, nếu một trong ba nước bị kẻ thù mới tấn công thì hai nước kia phải lập tức trợ giúp về mọi mặt. Khối liên minh phát xít đã được củng cố và xiết chặt thông qua hiệp ước này.
Từ cuối năm 1940, để xây dựng bàn đạp chiến lược ở Đông Nam Âu - chuẩn bị cho kế hoạch tấn công Liên Xô, Hítle dùng những thủ đoạn chính trị kết hợp với sức ép quân sự để lôi kéo Rumani, Hunggari và Bungari gia nhập Hiệp ước Tay ba, đồng thời đưa quân tiến vào ba nước này. Tháng 10 - 1940, Italia tấn công Hi Lạp và dự định chiếm được đất nước này một cách nhanh chóng. Nhưng quân xâm lược đã vấp phải sự chống trả quyết liệt của Hi Lạp. Được Anh trợ giúp, Hi Lạp phản công, quét sạch quân Italia và chiếm luôn Anbani (thuộc Italia). Trước tình hình khó khăn của Italia, tháng 4 - 1941, quân Đức tấn công Nam Tư và Hi Lạp. Chính phủ Nam Tư bỏ chạy ra nước ngoài. Quân đội Anh đang tham chiến ở Hi Lạp cũng bị đánh bại. Nam Tư và Hi Lạp bị chiếm đóng. Quân Đức thiết lập chính quyền bù nhìn và cắt một phần lãnh thổ của hai nước này chia cho Italia, Hunggari và Bungari. Như vậy, tới mùa hè năm 1941, hầu như tất cả các nước châu Âu đều bị chiếm đóng hoặc lệ thuộc nặng nề vào phát xít Đức và Italia. Trên thực tế chỉ còn nước Anh chưa bị chiếm đóng nhưng đang nằm trong sự phong toả của quân Đức. Ngoài ra, ba quốc gia khác còn nằm ngoài vòng cương toả của chủ nghĩa phát xít là Thuỵ Sĩ, Thuỵ Điển và airơlen. Chỉ trong vòng chưa đầy hai năm kể từ khi châm ngòi lửa chiến tranh, nước Đức phát xít đã hoàn tất những chiến lược quân sự quan trọng và chuẩn bị đầy đủ điều kiện để tấn công Liên Xô.
Ở Đông Á, khi chiến tranh bùng nổ ở châu Âu (9 - 1939), Nhật Bản đã tiếp tục mở rộng cuộc chiến tranh xâm lược Trung Quốc và Viễn Đông. Tháng 6 - 1940, Chính phủ Nhật công bố chính sách xây dựng “Khu vực thịnh vượng chung Đại Đông á”, thể hiện rõ tham vọng bành trướng của mình. Tháng 9 - 1940, Nhật gửi tối hậu thư cho Chính phủ Pêtanh, yêu cầu phải cho Nhật đóng quân và xây dựng các căn cứ quân sự ở Bắc Kỳ (Đông Dương thuộc Pháp) để phục vụ cho cuộc chiến ở Trung Quốc. Chính phủ Pháp buộc phải chấp nhận yêu sách của Nhật. Tháng 9 - 1940 quân Nhật vào Bắc Kỳ và coi đó như một chiếc cầu nối để chuẩn bị xâm lược khu vực Đông Nam Á Ở Bắc Phi, tháng 9 - 1940, quân Italia từ Libi (thuộc Italia) tấn công Ai Cập (thuộc Anh). Cuối năm 1940, quân Anh phản công tiến vào Libi. Quân Đức phải đưa “Quân đoàn châu Phi” của tướng Rômmen sang cứu viện cho Italia. Liên quân Đức - Italia phản công, đẩy lùi quân Anh về biên giới Ai Cập. Nhìn chung, trong giai đoạn đầu của cuộc chiến tranh, với ưu thế áp đảo về quân sự, phe phát xít giành được quyền chủ động tấn công trên mặt trận Tây Âu, Bắc Phi và áp đặt sự thống trị của mình trên đại bộ phận lãnh thổ Tây và Trung Âu.
3. Quan hệ của Liên Xô với một số nước Đông Âu (1939-1940)
Thắng lợi nhanh chóng của quân Đức trên chiến trường châu Âu đã đặt Liên Xô đứng trước một tình thế ngày càng nghiêm trọng: phải đối mặt với phát xít Đức ở phía Tây và phát xít Nhật ở phía Đông. Trong bối cảnh đó, việc tăng cường lực lượng quốc phòng và đảm bảo an ninh quốc gia là vấn đề hết sức cấp bách và phải thực hiện bằng bất cứ giá nào. Đó là nguyên nhân lý giải việc Liên Xô tiến quân vào miền Đông Ba Lan ngày 17 - 9 - 1939 thu hồi vùng lãnh thổ Tây Ucraina và Tây Bêlarút nhằm củn g cố biên giới phía Tây của mình. Điều này cũng phù hợp với những thoả thuận trong Nghị định thư bí mật ký kèm với Hiệp ước không xâm lược Xô - Đức (23 - 8 - 1939). Sau đó, ngày 28 - 9 - 1939 tại Matxcơva, Liên Xô và Đức đã ký kết Hiệp ước “Hữu nghị và biên giới” kèm Nghị định thư bí mật, theo đó Lítva sẽ thuộc phạm vi ảnh hưởng của Liên Xô, còn khu vực Liublin và một phần Vacxava thuộc phạm vi ảnh hưởng của Đức(1). Hai tháng sau, tháng 11 - 1939 vùng Tây Ucraina được sáp nhập vào nước Cộng hoà Xô viết U craina và vùng Bêlarút sáp nhập vào nước Cộng hoà Xô viết Bêlarút thuộc Liên Xô. Đối với các nước ven biển Bantích, Liên Xô cũng thực hiện hàng loạt biện pháp để tăng cường phòng thủ an ninh quốc gia trong bối cảnh chiến tranh đang lan rộng ở châu Âu. Trải qua những cuộc thương lượng căng thẳng, ba nước Bantích đã lần lượt ký các Hiệp ước tương trợ lẫn nhau với Liên Xô: Extônia (28 - 9 - 1939), Látvia (5 - 10), Lítva (10 - 10). Trước những diễn biến nhanh chóng của tình hình chiến sự ở châu Âu, tháng 6 - 1940, dưới áp lực quân sự của Liên Xô, các chính phủ ở ba nước Bantích đều phải từ chức, nhường chỗ cho các chính phủ mới thành lập. Trong tháng 7 - 1940 đã diễn ra các cuộc bầu cử Quốc hội ở các nước này. Quốc hội ba nước đã thông qua đề nghị gia nhập vào Liên Xô. Tháng 8 - 1940, Xô viết tối cao đã chấp nhận và thông qua đạo luật về việc ba nước vùng Bantích gia nhập Liên Xô. Các chính phủ Anh, Mĩ đã quyết định không công nhận và thi hành chính sách thù địch với chính quyền mới, trong khi đó vẫn tiếp tục duy trì quan hệ với các chính phủ cũ đã bị lật đổ ở các nước này. Nhằm mục đích phòng thủ biên giới phía Tây Bắc, tháng 10 - 1939 Liên Xô đã tiến hành đàm phán với chính phủ Phần Lan về việc ký kết Hiệp ước tương trợ lẫn nhau nhưng Phần Lan đã không chấp nhận những đề nghị của Liên Xô. Sau những diễn biến căng thẳng trong quan hệ song phương, Liên Xô cắt đứt quan hệ ngoại giao với Phần Lan. Tháng 11 - 1939, Chiến tranh Xô - Phần bùng nổ và tiếp diễn trong suốt mùa đông (11 - 1939 đến 3 - 1940) với thất bại quân sự của Phần Lan. Ngày 12 - 3 - 1940, Hoà ước Xô - Phần đượ c ký kết, Phần Lan phải nhượng cho Liên Xô eo đất Carêli, phần lãnh thổ phía Tây Bắc hồ Lađôga và một số đảo trong vịnh Phần Lan. Theo đó, biên giới Liên Xô được lùi xa thêm 150 km về phía Phần Lan. Đồng thời Liên Xô còn được quyền thuê cảng Hancô và một số đảo phụ cận trong vòng 30 năm với số tiền 8 triệu mác Phần Lan. Các cường quốc tư bản phương Tây đã phản đối hành động của Liên Xô trong cuộc chiến tranh Xô - Phần. Ngày 14 - 12 - 1939 Hội Quốc Liên đã thông qua Nghị quyết khai trừ Liên Xô ra khỏi tổ chức này. Các nước Anh, Pháp đã giúp đỡ về quân sự cho chính phủ Phần Lan trong thời gian diễn ra cuộc chiến. Cũng trong mùa hè năm 1940, Liên Xô đã giải quyết xong việc sát nhập vùng Bétxarabia và Bắc Bucôvina, vốn vẫn ở trong tình trạng tranh chấp lâu dài giữa Nga với Rumani, vào lãnh thổ Liên Xô. Chính sách đối ngoại của Liên Xô đối với một số quốc gia ở Đông Âu trong thời kỳ này đã tạo điều kiện tăng cường khả năng phòng thủ quốc gia ở biên giới phía Tây, mở rộng thêm lãnh thổ và tiềm lực kinh tế của đất nước. Trong bối cảnh quốc tế cực kỳ căng thẳng lúc bấy giờ, đối với Liên Xô chính sách đó có thể xem như một giải pháp tình thế để đối phó với nguy cơ xâm lược của chủ nghĩa phát xít. Mặt khác, đối với các nước vùng Bantích, việc gia nhập vào Liên bang cộng hoà XHCN Xô viết cũng tạo ra cho họ mộ t chỗ dựa vững chắc trong tình hình số phận của cả châu Âu đang được đặt trong “Trật tự mới” của chủ nghĩa phát xít. Tuy nhiên, chính sách đối ngoại mà các nhà lãnh đạo Liên Xô thực hiện đối với một số nước Đông Âu trong thời kỳ này cũng để lại những bài học cần được rút kinh nghiệm quan trong quan hệ quốc tế.
( Nguồn : ĐH Sư phạm hà Nội )